TTXVN - Ngày 4/3, đảng Dân chủ đối lập ở Thái Lan cho biết họ đang lên kế hoạch nhằm tìm kiếm một phán quyết của tòa án liên quan tới tính hợp pháp của chính phủ tạm quyền hiện nay.
Đến thời điểm này đã qua thời hạn 30 ngày sau cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2, nhưng quốc hội vẫn chưa tổ chức được phiên họp đầu tiên để bắt đầu tiến trình thành lập một chính phủ mới. Liệu chính phủ tạm quyền còn được xem là đang hoạt động hợp pháp sau thời hạn này và trong hoàn cảnh đó liệu có xuất hiện khả năng xảy ra khoảng trống chính trị?
Theo các chuyên gia pháp lý của đảng Dân chủ, đảng này sẽ xem xét thực hiện kế hoạch trên theo hai bước. Đầu tiên, họ sẽ phát động một chiến dịch luận tội chính quyền của bà Yingluck Shinawatra bằng việc vận động sự ủng hộ của khoảng 20.000 cử tri nhằm thực hiện kế hoạch luận tội chính phủ vi phạm hiến pháp.
Tiếp đến, đảng Dân chủ sẽ đề nghị Tòa án hiến pháp ra phán quyết về việc liệu có thể dừng hoạt động của chính phủ tạm quyền hiện nay sau khi thời hạn chót quy định phải tổ chức một phiên họp toàn thể tại Quốc hội nhằm bầu ra một chính phủ mới đã đi qua.
Trong trường hợp này, liệu chính phủ có vi phạm điều 68 trong hiến pháp về việc giành quyền lãnh đạo một cách vi hiến hay không. Theo điều 127 của hiến pháp Thái Lan hiện nay, trong vòng 30 ngày kể từ sau ngày bầu cử, các thành viên của Hạ viện phải được triệu tập trong phiên họp đầu tiên để bầu ra chính phủ mới.
Chính phủ tạm quyền hiện nay có rất ít quyền lực bởi nó bị giới hạn hoạt động nhằm không để lại hậu quả xấu cho chỉnh phủ kế nhiệm. Trên thực tế, chính phủ không thể tự quyết và tự vay tiền nhằm trả nợ cho người nông dân trong chương trình trợ giá gạo.
Cuộc bầu cử ngày 2/2 đã không hội đủ 500 ghế tại Hạ viện bởi còn hai 28 khu vực bầu cử không có ứng cử viên đăng ký. Hiến pháp Thái Lan cũng quy định phải có ít nhất 95% số nghị sỹ (475 người) thì mới triệu tập được phiên họp toàn thể đầu tiên.
Phản ứng về kế hoạch của đảng Dân chủ, đảng Vì Thái Lan cho rằng việc bà Yingluck cùng chính phủ tạm quyền vẫn tiếp tục nắm quyền sau thời hạn 30 ngày nói trên là bình thường. Đảng này dẫn điều 181 của hiến pháp quy định rằng Hội đồng bộ trưởng mãn nhiệm sẽ vẫn tạm thời thực hiện nhiệm vụ cho tới khi một Hội đồng bộ trưởng mới nhậm chức.
Tòa án hiến pháp từng bác bỏ kiến nghị của đảng Dân chủ muốn có phán quyết liệu cuộc tổng tuyển cử dang dở ngày 2/2 có hợp lệ. Tuy nhiên, phe đối lập cũng như người biểu tình dường như vẫn chưa chịu từ bỏ quyết tâm loại bỏ chính phủ bằng mọi cách.
Phong trào biểu tình đã bắt đầu kế hoạch triệu tập các thành viên nhằm soạn thảo một chương trình cải cách cụ thể ở Thái Lan. Các thành viên được mời tham gia ý kiến là đại diện cho tất cả các tầng lớp trong xã hội. Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban nói rằng việc những người biểu tình tập hợp về một điểm ở Công viên Lumpini là nhằm xốc lại phong trào để chuẩn bị cho những vòng đấu tiếp theo.
Năm 2005, công viên Lumpini từng là nơi hình thành phong trào áo vàng chống chính phủ Thaksin Shinawatra và sau đó dẫn tới một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006. Trong những năm 2007 và 2008, phong trào áo vàng lại tiếp tục dùng công viên này là nơi khỏi nguồn cho các chiến dịch lật đổ chính phủ của cố Thủ tướng Samak Sundaravej và cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat. Ông Suthep bắt đầu phát động chiến dịch chống chính phủ của mình từ nhà ga xe lửa Samsen, gần trụ sở đảng Dân chủ.