Dấu ấn của quân đội trên chính trường Thái Lan
Binh sỹ Thái Lan đảm bảo an ninh trên đường phố Bangkok |
|
VOV - Đa số dư luận Thái Lan hiện đang tạm thời chấp nhận vai trò của Quân đội trong một thời gian nhất định.Chỉ còn ít ngày nữa là tròn ba tháng chính trường Thái Lan được đặt dưới sự kiểm soát của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia do các tướng lĩnh nước này lãnh đạo. Dấu ấn của Quân đội Thái Lan trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội được dư luận chính giới và xã hội Thái Lan ghi nhận khá đậm nét, trong đó có cả mặt tích cực và những băn khoăn lo ngại.
Sau cuộc đảo chính quân sự ngày 22/5, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã "dập tắt" được nguy cơ bùng phát xung đột bạo lực giữa các phe phái, phát động và thúc đẩy chiến dịch đoàn kết, hòa giải dân tộc trên quy mô toàn quốc. Đồng thời Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia cũng đã giải quyết được khá nhiều vấn đề bức xúc về đời sống của người dân.
Đặc biệt, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã đưa ra một lộ trình cải cách đầy tham vọng, bao trùm lên mọi lĩnh vực với mục tiêu tạo các cơ sở, điều kiện thuận lợi cho Thái Lan phát triển bền vững trong tương lai. Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, đa số người dân Thái Lan bày tỏ hài lòng về các hoạt động của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia, cho rằng Ủy ban này đã quyết đoán, xử lý, giải quyết nhanh một số vấn đề khó khăn về kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia cũng khẩn trương thúc đẩy lộ trình cải cách với việc ban hành Hiến pháp tạm thời trong tháng 7, thành lập Hội đồng lập pháp quốc gia trong tháng 8 để mở đường cho việc lập Chính phủ lâm thời điều hành đất nước. Sắp tới, Hội đồng cải cách quốc gia và Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới cũng sẽ được thành lập.
Trong thành phần cơ cấu của các cơ chế mới thành lập, các tướng lĩnh chủ chốt của Quân đội Thái Lan vẫn sẽ đóng vai trò nổi bật. Đại tướng Prayuth, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia nhiều khả năng sẽ kiêm chức Thủ tướng lâm thời Thái Lan. Tướng Prayuth cho rằng, việc Quân đội chi phối chính trường Thái Lan trong điều kiện "không bình thường" của nước này là điều tất yếu. Quân đội phải kiểm soát chặt chẽ tình hình và trực tiếp tổ chức thực hiện lộ trình cải cách để có thể hoàn thành được các mục tiêu đề ra.
Chính giới và xã hội Thái Lan dường như thấu hiểu tình thế khi xảy ra các cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan, nên đa số dư luận nước này tạm thời chấp nhận vai trò của Quân đội trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, mục tiêu của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia hiện nay rất rộng lớn, có ý nghĩa quyết định đến tiến trình phát triển chính trị - xã hội và kinh tế của Thái Lan trong nhiều năm tới.
Điều này khiến dư luận Thái Lan lo ngại và đặt ra câu hỏi: Liệu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia và các cơ chế chính trị mới thành lập có thể điều hành đất nước suôn sẻ nếu không có sự tham gia của các chính đảng; thiếu sự liên hệ và kiểm tra, giám sát chặt chẽ của nhân dân. Nội dung của cải cách và Hiến pháp mới liệu có phản ánh quyền lợi của đại đa số nhân dân và có đảm bảo các nguyên tắc của thể chế dân chủ hay không; đặc biệt trong bối cảnh thiết quân luật, các phe phái chính trị, các tổ chức xã hội và báo chí đang bị hạn chế việc phê phán, đóng góp ý kiến đối với các hoạt động của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia và các cơ chế chính trị liên quan.
Sau đảo chính quân sự, các phe phái chính trị ở Thái Lan buộc phải "án binh bất động" song không phải vì thế mà các mâu thuẫn chính trị đã được giải quyết. Các phe phái này đang theo dõi sát từng bước đi trong lộ trình cải cách của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia và cảnh báo rằng, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia phải đảm bảo công tâm, công bằng xã hội và minh bạch trong các quyết sách, trong việc ban hành các đạo luật và nhất là trong việc soạn thảo Hiến pháp chính thức của Thái Lan. Nếu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia không chú trọng những vấn đề này thì những nỗ lực tích cực của họ cũng sẽ không thể đem lại sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế bền vững của Thái Lan.