TTXVN - Tại Hội nghị tài trợ quốc tế cho Syria lần thứ hai diễn ra ở Kuwait ngày 15/1, các nhà tài trợ đã cam kết viện trợ nhân đạo gần 1,3 tỷ USD cho các nạn nhân của cuộc nội chiến dai dẳng gần ba năm nay tại Syria.
Hội nghị do Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon chủ trì với sự tham gia của các đại biểu đến từ gần 70 quốc gia và 24 tổ chức quốc tế. Hội nghị trên diễn ra chỉ một tuần trước Hội nghị hòa bình Syria lần thứ hai tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm tìm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của 130.000 người này.
Trong các cam kết tài trợ tại hội nghị, nước chủ nhà Kuwait cam kết 500 triệu USD. Mỹ góp 380 triệu USD, nâng tổng số viện trợ nhân đạo của Mỹ dành cho Syria lên 1,7 tỷ USD. Saudi Arabia cho biết sẽ đóng góp 60 triệu USD, bằng mức tài trợ của Qatar. Anh cam kết 100 triệu bảng (164 triệu USD), Na Uy 75 triệu USD, Đan Mạch 26,8 triệu euro (36,5 triệu USD) và Iraq thông báo một gói viện trợ trị giá 13 triệu USD. Liên minh châu Âu (EU) thông báo viện trợ thêm 165 triệu euro (225 triệu USD), nâng tổng số đóng góp của EU cho Syria lên 2 tỷ euro (2,74 tỷ USD).
Một quan chức Kuwait cho biết tại hội nghị các nhà tài trợ cũng diễn ra ở Kuwait hồi tháng 1/2013, các nước tham dự đã cam kết 1,5 tỷ USD, 75% số này đã được giải ngân.
Trước đó, Liên hợp quốc kêu gọi các nhà tài trợ tham gia hội nghị quyên góp 6,5 tỷ USD, trong đó 2,3 tỷ USD để hỗ trợ 9,3 triệu người Syria ở trong nước và 4,2 tỷ USD cho người Syria đang tị nạn ở nước ngoài. Đây là kêu gọi gây quỹ lớn nhất trong lịch sử của Liên hợp quốc đối với một trường hợp cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Theo các tổ chức nhân đạo, 10,5 triệu người Syria đang sống trong tình trạng thiếu lương thực, hơn 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng, khoảng một nửa dân số không được tiếp cận nước sạch hoặc vệ sinh, và 8,6 triệu người không được chăm sóc y tế.
Liban hiện là nước đón nhận nhiều người Syria tị nạn nhất với 905.000 người, tiếp theo là Jordan với 575.000 người, Thổ Nhĩ Kỳ 562.000 người, Iraq 216.000 người và Ai Cập 145.000 người.
Dự kiến năm 2014 các con số này sẽ tăng lên 1,65 triệu người tại Lebanon, 800.000 người ở Jordan, 1 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ, 400.000 người ở Iraq và 250.000 người ở Ai Cập.