“Kỳ sư” Putin hạ gục “Kỳ thủ” Obama trong ván cờ chiến lược Trung Đông
ANTĐ - Trong mấy ngày gần đây, bất kể là Nhà trắng và các chính khách Mỹ đã có những đáp trả hằn học đối với Tổng thống Nga Putin, nhưng bài phát biểu của ông trên tờ “News York Times” đã có sức lan tỏa rất lớn, khiến cho nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới ngả mũ thán phục và góp phần làm cho 75% binh lính Mỹ phản đối chiến tranh.
Bình luận mang tính khái quát và chính xác nhất về cuộc đấu trí giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama trong mấy ngày qua thuộc về tờ Haaretz của Israel, đưa ra ngày 13-09. Bài báo viết: “Lưỡi đại đao trong tay Tổng thống Mỹ Obama luôn lượn lờ trên đầu Tổng thống Syria Assad hơn 1 tháng qua đã được đút vào vỏ. Lùi lại phía sau chính là sự lựa chọn khôn ngoan nhất của ông Obama”.
Còn tờ “The Guardian” của Anh đánh giá, kế hoạch đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình của ông Putin đã đẩy ông Obama vào một “góc khuất chính trị”, vừa khiến ông Obama có lí do hạ đài trong danh dự nhưng cũng làm ông không hài lòng vì bị chế giễu là “thấp cơ” hơn người đồng cấp của Nga. Nước cờ của ông Putin đã khiến ông vừa được tôn vinh là “Người bảo vệ hòa bình”, lại vừa khiến Mỹ bị tước vũ khí chứ không phải chính quyền của ông Assad.
“Chúng ta đã gặp phải một số trở ngại” - Hãng thông tấn Mỹ AP đã lược thuật lời Tổng thống Mỹ Obama phát biểu sau khi trở về nước từ “Hội nghị thượng đỉnh G-20” tổ chức tại Moscow. AP bình luận, tuy ông Obama chỉ muốn ám chỉ mối quan hệ giữa Washington và Moscow, nhưng nó còn đúng với cả mối quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội và nhân dân Mỹ. Tất cả những điều đó đều là trở ngại đối với hoạt động quân sự chống Syria của chính phủ Mỹ.
“Military Times” đã công bố một bản báo cáo thể hiện, chính quyền của ông Obama lúng túng và bị động như thế nào. Kết quả điều tra đối với 750 binh lính hiện đang phục vụ trong quân đội Mỹ cho thấy, có tới 75% quân nhân tại ngũ của Mỹ phản đối sử dụng các biện pháp quân sự đối với Syria. Thậm chí có tới 80% số quân nhân tại ngũ cho rằng, họ chẳng nhận thấy việc can dự vào một quốc gia đã xảy ra nội chiến liên miên trong vòng 2 năm như Syria, có sự liên quan gì đến lợi ích quốc gia của Mỹ.
“Kỳ sư” Putin đã thắng “Kỳ thủ” Obama trong ván cờ ngoại giao chiến lược Tờ “Army Times” của Mỹ bình luận, trong số những người hoài nghi vào sự cần thiết của hành động tấn công quân sự Syria, nay lại được bổ sung thêm một số lượng lớn các quân nhân Mỹ - điều mà trước đây không ai có thể nghĩ đến. Bài viết cho biết, tỷ lệ phản đối trong quân đội Mỹ thậm chí còn cao hơn so với dân chúng. Nếu hành động quân sự của Mỹ vẫn cứ diễn ra, không hiểu quân đội Mỹ sẽ đánh đấm thế nào?
Ngày thứ 3 vừa qua, tờ “Washington Post” và ABC News đồng tổ chức một cuộc điều tra xã hội về vấn đề này. Kết quả là hơn 64% số người được hỏi phản đối hành động không kích vào Syria. Báo cáo thể hiện, phần đông lính Mỹ cho rằng “tiền” là một yếu tố rất quan trọng. Hiện nay, tình trạng cắt giảm ngân sách dẫn đến tăng lương nhỏ giọt, điều kiện sống của binh lính giảm xuống làm cho nhiều gia đình li dị, lục đục. Trong bối cảnh đó, quân nhân Mỹ lại càng hoài nghi cái giá phải trả cho một cuộc chiến mơ hồ ở Syria.
Trong các cuộc thảo luận của binh lính Mỹ xoay quanh vấn đề cuộc chiến ở Syria, dễ nhận thấy là sự chán ghét chiến tranh trong nội bộ quân đội Mỹ không còn lẻ tẻ mà dường như đã trở thành một xu hướng, đặc biệt là trong số quân nhân đã từng tham gia các hoạt động quân sự ở hải ngoại, thậm chí cả những người có thâm niên hàng chục năm nay.
Trong khi đó, chính phủ của ông Obama đang làm cái việc mà người ta gọi là “Trứng để ngoài giỏ”. Bề ngoài vẫn tỏ ra cứng rắn, tuy chấp nhận đàm phán với Putin về khả năng “Đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình” nhưng vẫn nói cứng về một hoạt động răn đe quân sự. Các chính trị gia và tướng lĩnh Mỹ vẫn che dấu sự bất lực bằng những phát biểu chỉ trích ông Putin và giải pháp “Đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình” của ông.
Rất có thể Nga sẽ nhân cơ hội này khôi phục lại hạm đội Địa Trung Hải lừng danh dưới thời Liên Xô Thế nhưng, từ 2 tuần qua CIA đã bắt đầu viện trợ vũ khí cho quân nổi dậy thông qua con đường Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. Mỹ làm như vậy chẳng khác gì tự mâu thuẫn với chính mình, bộc lộ cho mọi người thấy, tuyên bố sẽ dùng biện pháp mạnh để răn đe Syria chỉ là một khẩu hiệu chính trị, thể hiện bản chất vấn đề là họ sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc nội chiến Syria mà mọi việc ở Syria vẫn do người Syria tự quyết.
Sự bất lực và lúng túng của ông Obama đã thể hiện rất rõ trong các quyết định của Mỹ. Trong khi đó, nước Nga tuy chậm rãi và không có những tuyên bố hùng hồn nhưng họ đã làm được rất nhiều điều. Ông Putin chưa bao giờ tuyên bố cử tàu chiến đến Địa Trung Hải đối đầu với Mỹ, mà chỉ để “quan sát tình hình và bảo vệ công dân và quyền lợi của Nga”, thậm chí ông còn nói là nếu Mỹ vẫn cứ đánh Syria thì Nga sẽ đứng ngoài cuộc chiến.
Thế nhưng, hiện giờ Mỹ đã phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán về “giải pháp cứu vãn hòa bình Trung Đông do Nga khởi xướng”. Bóng mây chiến tranh Trung Đông tuy chưa tan hẳn nhưng đã nhạt đi rất nhiều. Mỹ có thể sẽ không đánh Syria hoặc có cũng là lấy lệ, Saudi Arabia cũng một phen hết hồn vì lỡ “vạ miệng”, quân nổi dậy mất nhuệ khí để quân chính phủ tái chiếm rất nhiều cứ điểm chiến lược.
“Kỳ sư” Putin đã thắng “Kỳ thủ” Obama chỉ trong ván cờ ngoại giao chiến lược, nhưng họ được rất nhiều về cả chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế. Sau sự kiện này, uy tín của Nga và ông Putin nâng lên rất cao trên trường quốc tế, đặc biệt là trong mắt các đồng minh hoặc những nước có thiện cảm. Trong khi đó, uy tín của Mỹ và ông Obama sụt giảm nghiêm trọng trong mắt người dân Mỹ và các nước đồng minh, quan hệ Mỹ - NATO cũng không tránh khỏi các hệ lụy xấu.
Nga giữ được căn cứ hải quân duy nhất ở nước ngoài, bảo vệ được chỗ đứng chân ở Địa Trung Hải, ngăn trở sự độc chiếm toàn bộ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới của Mỹ ở Trung Đông. Hơn nữa, hiện Nga đã có lí do chính đáng để duy trì một lực lượng hải quân rất lớn tại khu vực mà thời hoàng kim Liên Xô luôn hiện diện một hạm đội không dưới 30 tàu chiến. Hiện Nga đã có 10 tàu thường trực ở đây và con số này có thể sẽ tăng lên trong vài tuần tới. Có thể nói, Mỹ và Obama đã mất quá nhiều vì nước Nga và “người bảo vệ hòa bình” Putin.