Đây là tài liệu từ một cuốn sách của Trung tướng Trương Khánh Châu chủ biên. Trong khi đưa lên có đôi phần bạn dongadoan của vnmilitaryhistory đã lược bỏ và chỉnh sửa, tuy nhiên những phần này đều không ảnh hưởng gì đến nguyên tác.
Vũ khí trang bị kỹ thuật của quân đội nào cũng có đặc trưng công nghệ riêng. Đặc trưng đó hình thành và phát triển từ học thuyết quân sự, chiến lược quân sự, chiến lược trang bị của từng nước. Ví dụ : vũ khí trang bị của quân đội Mỹ có đặc trưng nổi bật là nhiều chức năng, nhiều tác dụng, dựa vào ưu thế chất lượng. Đặc trưng đó xuất phát từ quan niệm chiến lược trang bị dùng ưu thế chất lượng công nghệ áp đảo ưu thế số lượng của đối phương.
Đất nước ta có diện tích đất liền khoảng 32 vạn km vuông, nhỏ hơn so với một bang của Mỹ và chỉ xấp xỉ một tỉnh của TQ. Nhưng VN lại có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về mặt kinh tế và quân sự. Vì lẽ đó ngay từ xa xưa, công cuộc dựng nước của dân tộc ta luôn gắn bó với quá trình giữ nước. Trải qua bao thế kỷ chống kẻ thù xâm lược, người VN đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để chống thù trong giặc ngoài và từ đó tạo nên một đặc trưng riêng của vũ khí trang bị VN. Đặc trưng này càng nổi bật trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa qua.
Chương 1 : Ra đời trong bão táp
Ngày 7 tháng 5 năm 1954, khi tiến vào hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát ở ĐBP, bộ đội ta thu được một tài liệu quan trọng của Bộ chỉ huy quân đội Pháp. Đó là bộ sưu tập tra cứu về các loại vũ khí quân giới VN chế tạo từ năm 1945 đến 1954 do Pháp biên soạn được viết bằng tiếng Pháp, dày 64 trang, mô tả chi tiết 9 loại súng đạn, mìn, lựu đạn gồm các kiểu khác nhau, được xếp loại như sau : 1, Súng ngắn và tiểu liên : 15 kiểu 2, Súng cối và súng phóng bom : 13 kiểu 3, Súng phóng lựu và lựu đạn phóng 4, Ba-zô-ka hoặc hoả tiễn : 5 kiểu 5, Súng không giật SKZ : 3 kiểu 6, Súng không giật SS : 7 kiểu 7, Lựu đạn : 7 kiểu 8, Mìn : 7 kiểu 9, Thuỷ lôi : 2 kiểu Trong lời mở đầu của bộ sưu tập có nhận xét rằng Việt Minh đã có " một cố gắng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu kỹ thuật, một quyết tâm rõ rệt ..., đã bắt chước hoặc áp dụng có sửa đổi lớn những vũ khí nhẹ cổ điển, hầu như lúc nào cũng có nhiều sãng chế và đạt được một số công trình hoàn thiện". Có thể nói, đó là một phần sự thú nhận thất bại của quân Pháp trong 9 năm đối đầu quyết liệt với nhân dân ta trong lĩnh vực vũ khí trang bị. Vũ khí tự tạo ra đời cùng với các lực lượng vũ trang nhân dân, tiếp tục phát triển trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, đã góp phần quan trọng giữ vững chính quyền cách mạng còn non trẻ trong thế bị bao vây cô lập bốn bề và về sau đã góp phần quan trọng hạn chế thế mạnh tăng thiết giáp của Pháp, đánh sập các hệ thống hầm ngầm, lô cốt kiên cố, đánh chìm các đoàn tàu chiến của quân viễn chinh Pháp, làm thất bại chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh", " chiến thuật giao thông ", " chiến thuật bình định " của các tướng tá Pháp, cuối cùng góp phần đưa tới thất bại của họ ở Điện Biên Phủ. Những ngày cuối tháng 12/1946 Bộ chỉ huy Pháp đã có lý khi đánh giá tương quan của hai phía vào thời điểm sau ngày CM tháng 8, đặc biệt so sánh lực lượng Việt-Pháp trong lĩnh vực công nghệ quân sự lúc bấy giờ quả là " châu chấu đá voi ". Hãy nhìn lại khả năng công nghệ của chúng ta ngày đó : - Về khả năng công nghiệp : trước CM người Pháp có xây dựng một số xí nghiệp cơ khí ở vùng mỏ, thành phố lớn và bến cảng như SG, HN, HP, NĐ. Họ cũng xây dựng một số nhà máy nhiệt điện nhỏ. Mạng lưới điện chuyển tải chủ yếu cho các thành phố lớn. Tổng công suất phát không quá 50MW khả dụng. Hầu hết các cơ sở công nghiệp mỏ, cơ khí, điện lực của Pháp đều được trang bị máy móc, thiết bị cơ giới trình độ thấp. Trong ngành cơ khí sửa chữa từ khâu rèn, dập, tiện, nguội, hàn và lắp ráp chỉ sử dụng các máy công cụ và khí cụ thông thường, công suất nhỏ không hợp thành dây chuyền công nghiệp hoàn chỉnh. - Trong công nghiệp hóa học : người Pháp chỉ tập trung chủ yếu vàp các ngành hóa thực phẩm và xây dựng. - Về các cơ sở nghiên cứu phát triển : vào thời điểm 1945 chúng ta không có một cơ sở nào có thể huy động vào mục đích chế tạo trang bị vũ khí. - Riêng các cơ sở công nghiệp quân sự : phục vụ họat động chinh phục thuộc địa của Pháp vốn đã ít ỏi, lạc hậu, lại bị đình đốn kiệt quệ trong thời gian Nhật Bản thế chân ở Đông Dương. Nhà máy sản xuất đạn súng trường của Pháp ở Phú Thọ ngừng sản xuất từ năm 1942, hầu hết máy móc thiết bị đều bị tháo dỡ. Cơ sở lắp bom đạn của Pháp ở Đình Án (Vĩnh Yên) bị quân Nhật chiếm làm kho. Hãng thuốc nổ Đông Dương và cơ sở kỹ nghệ quân khí của Pháp chuyên sản xuất cloratkali, diêm sinh tuy vẫn còn họat động nhưng sản lượng không đáng kể. Xưởng Ba Son (sài Gòn), xưởng Sa-ta-ca (Đà Nẵng) sửa chữa tàu hải quân Pháp chỉ còn họat động cầm hơi. Số quân Pháp đặt trong thành Hà Nội chuyên sửa chữa súng, pháo, thiết bị điện-quang bị đảo lộn họat động từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp. Quân đội Nhật cũng có vài cơ sở sửa chữa vũ khí, ô tô, tàu thuyền ở Hà Nội, Sài Gòn nhưng chỉ có hãng A-ta-ca là đáng kể.
Đánh giá về trình độ công nghệ, người Pháp-hơn ai hết-hiểu rõ rằng người Việt Nam ở thời điểm đầu những năm 40 còn ở thời kỳ tiền sử hoá công nghệ, nghĩa là trước năm 1500. Vào thời kỳ này, công nghệ chưa có được cơ sở lý luận vững chắc. Trong khi đó, nước Pháp và nhiều nước tư bản Âu-Mỹ đã trải qua ba giai đoạn tiếp theo trong quá trình tiến hoá công nghệ. Giai đoạn thứ nhất từ năm 1500: tiến bộ công nghệ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tích luỹ được, nền tảng lý luận công nghệ đã phát triển nhưng còn hạn chế. Giai đoạn thứ hai ở vào thế kỷ XIX, công nghệ tiến triển nhanh chóng nhờ dựa vào lý luận khoa học và công nghệ và cơ sở hạ tầng khá phát triển. Giai đoạn thứ ba diễn ra trong thế kỷ XX, trong đó sự tiến hóa công nghệ diễn ra theo một quá trình có tổ chức, có định hướng rõ ràng dựa trên cơ sở lý luận khoa học vững chắc, một hệ thống nghiên cứu phát triển toàn diện, được sự ủng hộ mạnh mẽ của các chính phủ và giới công nghiệp. Trong lĩnh vực quân sự, có ba loại công nghệ sau đây được phát triển ở các nước tư bản: 1.Các công nghệ có quan hệ đặc thù quân sự như công nghệ thuốc phóng, thuốc nổ; công nghệ các hệ thống điều khiển, v.v… 2.Các công nghệ dân dụng như giao thông vận tải, truyền thông, y tế có ý nghĩa quan trọng đối với chiến tranh. 3.Công nghệ hệ thống được dùng để chuẩn bị tiến hành chiến tranh như công nghệ ra quyết định, công nghệ huấn luyện, v.v… Như vậy, trên bậc thang tiến hóa công nghệ, nước Pháp đã vượt xa Việt Nam gần ba thế kỷ. Biểu hiện cụ thể về ưu thế công nghệ quân sự của Pháp năm 1945 ở Đông Dương qua các con số nói lên sinh động và rõ ràng hơn cả. Hồi đó, quân đội Pháp có hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép, trọng pháo, tàu chiến, v.v… Tất thảy đều là sản phẩm của một nền công nghiệp đại cơ khí, bắt đầu từ cuộc cách mạng công nghiệp vào cuối thế kỷ XVIII và phát triển đến đỉnh cao vào thập kỷ 30-40 của thế kỷ này. Đặc biệt, Pháp đã huy động vào cuộc chiến tranh Đông Dương hàng trăm máy bay vận tải và máy bay ném bom, được lắp bom nổ chậm, bom na-pan, rocket nổ lõm, bom phóng móc câu sát thương sinh lực, v.v… Máy bay ra đời là một trong những thành tựu vĩ đại của nhân loại trong cuộc cách mạng công nghiệp, được các nước tư bản sử dụng vào mục đích quân sự trong những năm đầu thế kỷ XX. Ngày 10 tháng 12 năm 1910, lần đầu tiên trên vùng trời Việt Nam xuất hiện máy bay của Pháp. Ngày 16 tháng 2 năm 1929, lực lượng không quân thuộc địa gồm bốn phi đoàn được thành lập, đặt dưới quyền chỉ huy của Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương. Trong những năm chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), lực lượng này là đạo không quân số 6 của nước Pháp, gồm hơn 100 máy bay các loại, trong đó có 40 chiếc phóng pháo kiểu Faruan 221, 6 chiếc máy bay trinh sát kiểu Poter, 40 máy bay khu trục kiểu Poter 25, một chiếc kiểu Poter 63, 20 chiếc kiểu Morane 406, 10 chiếc thuỷ phi cơ. Từ khi xuất hiện cho đến khi chính quyền thuộc địa Pháp bị phát xít Nhật lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945, không quân Pháp hoàn toàn làm chủ bầu trời, chưa một chiếc máy bay nào bị bắn rơi.
Công nghệ điện tử-tin học. Trong những năm 60 đến 70 công nghệ bán dẫn, vi điện tử, mạch tích hợp phát triển với tốc độ cao. Đầu những năm 70, công nghệ vi xử lý ra đời tạo ra bước ngoặt lớn trong quân sự. Bộ vi xử lý có thể tích khoảng 0.01cm3 thực chất là một bộ tự động xử lý thông tin logic có thể lắp được vào bất kỳ thiết bị kỹ thuật nào như đầu đạn tên lửa, bom, máy xử lý bảng bắn cho pháo, tạo ra quá trình “trí năng hóa” cho các khí tài quân sự và dân dụng. Bom laser, bom từ trường, tên lửa chống rada, các hệ thống điện tử tự động trong hàng rào Mc.Namara là những thí dụ điển hình sử dụng công nghệ điện tử thời kỳ này ở những mức độ khác nhau. Từ đó, bắt đầu ra đời các loại vũ khí điều khiển chính xác cao, hoặc vũ khí “thông minh”, phần chủ yếu trong các phương tiện chiến tranh công nghệ cao hiện nay. Vũ khí trang bị kỹ thuật tiếp nhận từ bên ngoài của các lực lượng vũ trang nhân dân ta trong những năm chống Mỹ cứu nước bước đầu áp dụng những thành tựu công nghệ nổi bật đó của giai đoạn hình thành và phát triển nhanh cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật ở trình độ và quy mô khác nhau. Trong các khí cụ hàng không, máy bay chiến đấu MiG-15, MiG-17, MiG-19, tên lửa phòng không là thế hệ những năm 50 có thiết bị đèn điện-điện tử chủ yếu được chế tạo theo công nghệ đèn điện tử, chưa có công nghệ in mạch. Do đó, các thiết bị điều khiển rất cồng kềnh, tiêu hao nhiều năng lượng, cần nhiều các thiết bị cung cấp điện, do đó hạn chế khả năng cơ động.
MiG-17 của trung đoàn KQ 921.
Về sau, ta được viện trợ máy bay chiến đấu MiG-21, tên lửa phòng không SAM-7, tên lửa chống tăng thế hệ những năm 60, thiết bị điện-điện tử bắt đầu được bán dẫn hóa với tỷ lệ nhất định các mạch in đơn giản. Các thiết bị thông tin liên lạc của ta chủ yếu được chế tạo trên cơ sở công nghệ điện tử và bán dẫn, trong đó tỷ lệ thiết bị công nghệ bán dẫn chưa nhiều. Trong khi đó, các thiết bị thông tin của Mỹ đã chuyển sang thế hệ vi điện tử. Các thiết bị thông tin trên các phương tiện chiến đấu khác như xe tăng, thiết giáp, phòng chống hóa học, máy bay chỉ huy điều khiển của ta cũng chỉ mới đạt được trình độ công nghệ đèn điện tử và bán dẫn. Để bù đắp lại sự lạc hậu về công nghệ, các công trình sư Xô Viết đã áp dụng các tư tưởng khoa học thiết kế trình độ cao, độc đáo, để tạo ra các phương tiện chiến đấu có nhiều ưu điểm chiến-kỹ thuật kết hợp có hiệu quả cao, từ xe tăng, tên lửa phòng không, pháo, súng bộ binh đến máy bay đã từng được các chuyên gia phương Tây công nhận. Điển hình là máy bay tiêm kích MiG-17, có bán kính lượn vòng nhỏ, khả năng cơ động và linh hoạt lớn, đã được các phi công của ta khác thác sử dụng tài tình trong các lối đánh du kích trên không rất độc đáo, bắn rơi nhiều máy bay có trình độ công nghệ hiện đại hơn của Mỹ. Các xe tăng của ta có kiểu chỉ được lắp kính ngắm quang học, có kiểu được lắp máy ngắm hồng ngoại để hoạt động cả ngày và đêm; có kiểu điều khiển bằng cơ khí khá lạc hậu, lại có kiểu điều khiển bằng thuỷ lực, vỏ giáp thường là vỏ đúc nhưng ý tưởng thiết kế tiên tiến bù đắp lại vẫn có khả năng cơ động và vượt cản tốt, gọn nhẹ, khá thuận lợi cho khâu khai thác.
Xét một số mặt khoa học và công nghệ chủ yếu, vũ khí trang bị kỹ thuật của Mỹ có ưu thế hơn vũ khí trang bị kỹ thuật của các lực lượng vũ trang nhân dân ta về chất lượng. Về số lượng, Mỹ cũng có ưu thế vượt xa ta nhiều lần. Nhưng với một nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, một cơ sở nông nghiệp còn nghèo nàn mới bắt đầu được xây dựng sau 10 năm hoà bình ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vấn đề làm chủ, khai thác các vũ khí trang bị kỹ thuật tương đối hiện đại có trong trang bị của lục quân, phòng không-không quân và hải quân đối với chúng ta là một thử thách, khó khăn phức tạp về khoa học và công nghệ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần sáng tạo, hy sinh và lao động quên mình của toàn dân ta, của lực lượng vũ trang nhân dân, chúng ta lại một lần nữa vượt qua được thử thách đó, đồng thời thu được nhiều bài học quý báu. Để có được chiến công đó trước hết cần nhận thấy rằng trong những năm 1954 đến 1964, nhờ những thành tựu bước đầu, tuy chưa nhiều trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ to lớn về vật chất-kỹ thuật, về đào tạo huấn luyện cán bộ chiến sĩ, công nhân kỹ thuật quốc phòng của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác, chúng ta đã tạo lập được một tiềm lực khoa học và công nghệ nói chung, tiềm lực khoa học và công nghệ quân sự nói riêng. Tiềm lực đó tuy còn ở mức độ rất thấp nhưng là cơ sở cần thiết cho hoạt động làm chủ, khai thác số vũ khí trang bị kỹ thuật được viện trợ, cải biên cải tiến chúng phù hợp với điều kiện cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, đồng thời đưa truyền thống tự chế tạo và công nghệ sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật được kế thừa phát triển trong cuộc kháng chiến chống Pháp lên một bước mới, cao hơn.
Theo báo cáo tổng quan của Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường), thời kỳ những năm 1954 đến năm 1964, trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật và giáo dục chỉ tính riêng kế hoạch 3 năm xoá nạn mù chữ 1956-1958 đã đưa tổng số nhân dân miền Bắc biết đọc, biết viết lên 93,4%. Nhiều trường chuyên nghiệp được thành lập để bồi dưỡng cán bộ trẻ và thanh niên có thành tích chung trong chiến đấu và sản xuất, chuẩn bị cho họ bước vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Năm 1956, thực hiện cải cách giáo dục lần thứ hai chúng ta đã xoá bỏ hệ thống giáo dục trong vùng tạm chiếm cũ, xác lập hệ thống giáo dục phổ thông mới 10 năm. Sự nghiệp đào tạo đại học và chuyên nghiệp phát triển nhanh, từ 4 trường đại học cao đẳng với 1.191 sinh viên, 8 trường trung học chuyên nghiệp với 2.800 học sinh năm 1955 đã phát triển lên 23 trường đại học, cao đẳng với 34.210 sinh viên và 162 trường trung học chuyên nghiệp với 60.000 học sinh năm 1965. Nhiều trường lớp dạy nghề được tổ chức trực thuộc các bộ, các ngành và một số địa phương. Nhiều khoá nghiên cứu sinh, sinh viên đại học, thực tập sinh và học sinh chuyên nghiệp (trong đó có cả cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam) được gửi đi đào tạo ở các nước, nhiều nhất ở Liên Xô và Trung Quốc. Những nỗ lực tập trung đó trong công tác giáo dục đào tạo đã đảm bảo tương đối kịp thời nhu cầu rất lớn về cán bộ và nhân viên kỹ thuật cho sự nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế xã hội và chiến đấu chống Mỹ cứu nước về sau này. Trong thời kỳ đó, chúng ta đã khôi phục và mở rộng các nhà máy điện cũ, xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện mới, đẩy mạnh xây dựng hàng loạt xí nghiệp mới về cơ khí, luyện kim, hóa chất, hình thành một số khu công nghiệp mới ở Hà Nội, Việt Trì, Thái Nguyên… Trong đó có các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng.
THỎI GANG của mẻ gang đầu tiên do Nhà máy Gang thép Thái Nguyên sản xuất, ngày 29-11-1963.
Sự nghiệp xây dựng kinh tế-xã hội càng phát triển, khoa học và kỹ thuật càng đóng vai trò quan trọng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (khoá II) của Đảng đã chỉ rõ khoa học và kỹ thuật là một điều kiện không thể thiếy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 3 khẳng định cần tích cực xúc tiến công tác khoa học và kỹ thuật, gắn liền khoa học và kỹ thuật với sản xuất, phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh đồng thời phục vụ quốc phòng. Công cuộc xây dựng và phát triển khoa học và kỹ thuật của ta lúc bấy giờ được tiến hành theo hai phương thức: đẩy mạnh các phong trào quần chúng cải tiến kỹ thuật, sáng kiến, sáng chế có sự tham gia thúc đẩy của cán bộ khoa học và kỹ thuật để bồi dường nâng cao, xác minh đánh giá và phổ biến rộng rãi cho nhân dân. Đồng thời nhanh chóng hình thành một số các cơ quan nghiên cứu để tiếp thu những thành tựu của thế giới thích nghi vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, tạo ra những kỹ thuật tiến bộ áp dụng vào sản xuất và quốc phòng. Năm 1960 có tất cả 11 viện, đến năm 1965 có 16 viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Ngày 4 tháng 3 năm 1959 Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký sắc lệnh thành lập Uỷ ban khoa học nhà nước làm chức năng tham mưu và quản lý các hoạt động khoa học trong phạm vi cả nước, bao gồm cả khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật. Các hoạt động nghiên cứu và phát triển tuy còn ở những bước xây dựng ban đầu nhưng đã có những đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng. Trong công nghiệp, các hoạt động nghiên cứu và phát triển đã thu được những kết quả ban đầu trong việc bảo quản máy móc thiết bị trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, phục hồi sản xuất phụ tùng thay thế, cải biên cải tiến kỹ thuật, giải quyết được nhiều nhu cầu về vật liệu xây dựng, thiết kế xây dựng các công trình công nghiệp. Các kết quả nghiên cứu và phát triển trong thời kỳ này chưa nhiều, nhưng là một điều kiện không thể thiết được trong công cuộc xây dựng và củng cố quốc phòng thể hiện ở sự phối hợp hoạt động của các hệ thống các viện nghiên cứu chuyên ngành, hệ thống các trường đại học vừa làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, sự ra đời của Uỷ ban khoa học và kỹ thuật nhà nước, một cơ quan thành viên của Hội đồng Chính phủ làm chức năng tham mưu và quản lý công tác khoa học và kỹ thuật trong cả nước.
Bước sang giai đoạn chống Mỹ cứu nước (1965-1975), Đảng ta ra nghị quyết về tăng cường công tác khoa học và kỹ thuật trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ, khoa học và kỹ thuật của ta đứng trước hai nhiệm vụ lớn là phục vụ đắc lực cuộc cách mạng kỹ thuật trong thời chiến và tích cực chuẩn bị để phục vụ đắc lực cuộc cách mạng kỹ thuật trên quy mô lớn với trình độ cao. Theo tình thần đó, công tác giáo dục đào tạo đã được triển khai rộng rãi với một quyết tâm rất cao nhằm bảo đảm nhu cầu cán bộ ngày càng lớn của chiến tranh. Số trường đại học, cao đẳng tăng từ 23 trường năm 1965 lên 57 trường năm 1975, trường trung học chuyên nghiệp từ 162 lên 186 trường, trường dạy nghề từ 30 lên 185. Các viện nghiên cứu cũng phát triển mạnh tròn thời kỳ này từ con số 16 năm 1965 lên 39 năm 1970, và 53 năm 1975. Các hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng thu được nhiều kết quả thiết thực. Trong quân đội, nhiều nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, viện nghiên cứu được thành lập đáp ứng các yêu cầu tự chế tạo sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật; cải tiến, cải biên vũ khí trang bị kỹ thuật phù hợp với điều kiện chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và chiến tranh giải phóng ở miền Nam, khai thác tối đa tính năng vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại được các nước bạn viện trợ hoặc thu được của địch.
Trong công nghiệp, trình độ công nghệ của ta đã đạt được mức thiết kế, chế tạo một số loại máy móc thiết bị phục vụ cho kinh tế và quốc phòng. Đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong gia công cơ khí, phục hồi và sản xuất phụ tùng, bảo quản, nhiệt đới hóa các máy móc thiết bị. Trong lĩnh vực vật liệu đã giải quyết một phần các nhu cầu của sản xuất và quốc phòng như hợp kim chuyên dụng, hợp kim màu phục vụ cho hoạt động sửa chữa vũ khí, đạn dược của bộ binh. Đã làm chủ được một số quy trình công nghệ xử lý, gia công biến tính vật liệu như ủ nhiệt, thấm cacbon, thấm nitơ, v.v… Nhưng chưa có được cơ sở để hình thành công nghệ vật liệu dựa trên nền tảng khoa học vững chắc. Về vật liệu thuốc phóng thuốc nổ, một loại vật liệu đặc biệt quan trọng trong công nghiệp chế tạo vũ khí-ta vẫn chưa có nền sản xuất quy mô công nghiệp, chỉ mới sản xuất được thuốc nổ fuminat thuỷ ngân ở quy mô nhỏ dùng cho các chi tiết hoả thuật như hạt lửa, ống nổ. Nhu cầu lượng thuốc này không lớn. Theo quy trình công nghệ các nước bạn giúp, với hệ thống thiết bị do ta tự thiết kế chế tạo đã xây dựng được dây chuyền sản xuất thuốc đen dùng cho dây cháy chậm làm liều phóng đạn và các chi tiết hoả thuật khác cho vũ khí bộ binh. Nói chung, ta đã có khả năng thoả mãn nhu cầu thuốc đen cho các lực lượng vũ trang nhân dân.
Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong công cuộc xây dựng hoà bình ngắn ngủi và trước yêu cầu to lớn và cấp bách của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ quân sự chúng ta đã triển khai các hướng hoạt động chủ yếu nhằm khai thác tận dụng tối đa tính năng chiến-kỹ thuật của vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại và tương đối hiện đại phục vụ thiết thục cho hoạt động chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta trên chiến trường miền Nam và trong cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn bằng không quân và hải quân của Mỹ. Nghiên cứu đề ra các biện pháp kỹ thuật và kỹ-chiến thuật đương đầu với cuộc “chiến tranh kỹ thuật” không cân sức của Mỹ. Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các vũ khí trang bị kỹ thuật phù hợp với khả năng khoa học và công nghệ trong nước, bảo đảm trang bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên quy mô cả nước, đặc biệt là chi viện cho hoạt động chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Trong hoạt động khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật chúng ta đã triển khai thực hiện có kết quả cao đối với tất cả các kiểu loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới như máy bay, tên lửa, pháo phản lực, xe tăng, đến các loại pháo cũ tích luỹ được từ cuộc kháng chiến chống Pháp thông qua các hoạt động cải tiến, cải biên, phục hồi, bảo quản, bảo dưỡng đa dạng và phong phú. Không chỉ khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật được các nước bạn viện trợ mà cả vũ khí trang bị kỹ thuật tương đối hiện đại thu được của địch sau mỗi trận chiến đấu và chiến dịch thắng lợi. Hoạt động khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật mới chuẩn bị đương đầu với thách thức mới đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân uỷ trung ương và Bộ Quốc phòng đặt ra ngay từ ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc. Trước hết, chúng ta đã tiến hành phục hồi các sân bay và quân cảng lớn để chuẩn bị tiếp nhận các loại khí cụ mới. Đây là công việc hoàn toàn mới mẻ, phải giải quyết nhiều nội dung, khoa học và công nghệ ở trình độ cao và phức tạp. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn các sân bay cũ do Pháp xây dựng trước đây đã sẵn sàng hoạt động. Ngày 3 tháng 3 năm 1955, Ban nghiên cứu sân bay được thành lập theo quyết định 15/QĐA của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đến ngày 20 tháng 6 năm 1955, chuyến bay đầu tiên do ta chỉ huy hạ cánh an toàn xuống sân bay Cát Bi. Các sân bay Lạng Sơn, Vinh, Lào Cai… cũng được khôi phục hành quân trở lại, hình thành hệ thống sân bay trên các hướng, các đầu mối quan trọng mà trung tâm là sân bay Gia Lâm.
Tiếp quản sân bay Gia Lâm.
Các sân bay cũ xây dựng từ thời Pháp chỉ đỗ được các máy bay AN-2, Li-2, IL-14. Từ năm 1965, chúng ta đã tiến hành khối lượng công việc kỹ thuật to lớn, phức tạp để cải tạo các sân bay Kép, Gia Lâm, Kiến An, Vinh nhằm tạo điều kiện tiếp nhận và sử dụng hàng loạt máy bay được Liên Xô và Trung Quốc viện trợ.
Đầu những năm 60, trong trang bị của ta có các máy bay vận tải do Liên Xô và Trung Quốc viện trợ. Chúng ta đã triển khai chủ trương cải tiến một số máy bay đó thành máy bay quân sự. Để có thể sử dụng máy bay vận tải làm máy bay chiến đấu, cần nghiên cứu cải biên lắp bom, đạn, súng vào máy bay, tập chỉ huy, bảo đảm mặt đất, tập bay khoa mục chiến đấu. Đây là vấn đề kỹ thuật hoàn toàn mới mẻ, trình độ cao đối với không quân ta. Nhưng sau một thời gian nghiên cứu, lắp và thử nghiệm, cán bộ chiến sĩ trung đoàn 919 không quân đã cải biên thành công máy bay IL-14, Li-2, AN-2, v.v… thành máy bay có khả năng không kích các mục tiêu trên mặt nước, mặt đất. Khi cải biên máy bay AN-2, ta không có giáo trình và bài tập huấn luyện chiến đấu. Cán bộ và chiến sĩ không quân phải tự soạn và vạch kế hoạch bay tập trong thực địa. Đầu năm 1965, ta đã có các tổ bay AN-2 sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu. Chiếc máy bay AN-2 mang số hiệu 02103 được cải tiến lắp rocket, bom, đạn đã hai lần xuất kích tham chiến đành chìm tàu biệt kích của Mỹ và đánh hỏng một căn cứ rada dẫn đường của không quân Mỹ trên đất Lào. Trong khi chưa có máy bay tiêm kích, vấn đề cải biên máy bay vận tải thành máy bay chiến đấu thể hiện tinh thần sáng tạo khoa học, dám nghĩ dám làm, quyết tâm đánh giặc bằng mọi thứ vũ khí trang bị kỹ thuật có trong tay của Không quân nhân dân Việt Nam.
An-2 cường kích của Không quân Việt Nam
Vấn đề cải biên phục hồi chiếc máy bay khu trục T-28 của Mỹ do một phi công hàng binh nguỵ quân Lào lái sang ta năm 1963 cũng thể hiện ý chí sáng tạo vượt bậc của cán bộ chiến sĩ không quân. Phải làm chủ, khai thác một kiểu máy bay không có “hồ sơ lý lịch”, chưa có kinh nghiệm tiếp cận, đội ngũ kỹ thuật hàng không và phi công của ta đã phải giải quyết nhiều vấn đề công nghệ phức tạp. Cán bộ và thợ kỹ thuật của ta đã tiến hành tháo toàn bộ động cơ máy bay, kiểm tra từng chiếc xilanh, vòng găng, nến điện, vòi phun xăng, máy nén, vẽ sơ đồ kiểm tra lại mạng đại của máy bay. Chỉ sau một thời gian ngắn, ta đã đưa máy bay trở lại hoạt động bình thường và đưa máy bay T-28 vào trang bị cho tổ lái phiên hiệu 963 của không quân. Chính chiếc máy bay do ta làm chủ đã bắn rơi chiếc máy bay C-123 chở biệt kích của quân nguỵ Sài Gòn ra hoạt động ở máy bay ngày 16 tháng 2 năm 1964. Đây là chiếc máy bay địch đầu tiên bị không quân ta bắn rơi trên không trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta
Về sau, trong cuộc chiến tranh nhân dân chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc, cán bộ và chiến sĩ không quân đã chủ động, sáng tạo cải tiến máy bay tiêm kích MiG-17 thành máy bay cường kích, cải tiến lắp hệ thống dù hãm để máy bay có thể hạ cánh trên các sân bay dã chiến có đường băng ngắn nhằm sử dụng vào chiến thuật đánh du kích bằng không quân. Chúng ta cũng có các công trình cải tiến máy bay lên thẳng Mi-6 để sử dụng vào các hoạt động cẩu tải đưa các máy bay MiG đi sơ tán trong các trận đánh ác liệt của không quân Mỹ.
Trong hoạt động khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật mới, không thể không kể đến hoạt động cải tiến kỹ thuật của Quân chủng phòng không-Không quân đã góp phần đem lại hiệu quả cao cho các biện pháp chống lại chiến tranh điện tử của Mỹ. Bộ đội phòng không-không quân đã tiến hành nhiều công trình cải tiến kỹ thuật để giảm khả năng bị nhiễu cho các đài rada phòng không. Đối tượng được cải tiến nhiều nhất là rada điều khiển tên lửa PK SA-75M. Từ khi tên lửa này xuất trận đến cuối cuộc chiến tranh phá hoại (năm 1973), rada được cải tiến qua 4 giai đoạn với 40 nội dung kỹ thuật nhằm nâng cao độ chính xác, bảo đảm an toàn trong sử dụng chiến đấu; tăng khả năng đối phó với các thủ đoạn cơ động của máy bay Mỹ đối phó các thủ đoạn gây nhiễu và sử dụng tên lửa chống rada. Đáng kể nhất trong các công trình cải tiến đó là nghiên cứu chống nhiễu rãnh đạn cho tên lửa PK SA-75M. Với sự giúp đỡ kỹ thuật của Liên Xô, từ cuối năm 1968 đến kết thúc chiến tranh phá hoại, kể cả trong chiến đấu chống máy bay B-52, đạn tên lửa phòng không của ta được điều khiển tốt, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Trong hoạt động chống chiến tranh điện tử, có trường hợp ta đã cải tiến và đưa kính ngắm quang học vào hệ thống điều khiển tên lửa phòng không đề phòng rada bị chế áp điện tử mạnh. Công trình cải tiến này đã phục vụ có hiệu quả cao cho tên lửa phòng không bắn máy bay Mỹ khi địch sử dụng ồ ạt các phương tiện gây nhiễu và tên lửa chống rada. Cải tiến các phương tiện rada phòng không, cán bộ kỹ thuật quân đội ta bước đầu nhanh chóng tiếp cận, làm chủ và khai thác một lĩnh vực công nghệ mới, trình độ cao. Đó là công nghệ chiến tranh điện tử. Kinh nghiệm thu được trong lĩnh vực này góp phần tạo cơ sở dù là bước đầu nhưng rất quan trọng để các lực lượng vũ trang nhân dân ta xây dựng và phát triển về sau này, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật mới với hàm lượng công nghệ điện tử ngày một lớn.
Đầu những năm 60, sau ngày Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời (ngày 20 tháng 12 năm 1960), lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam phát triển mạnh, như cầu về trang bị vũ khí rất lớn. Vì vậy, phải tạo nguồn cung cấp vũ khí ổn định bằng cách nghiên cứu tận dụng nguồn vũ khí thu được của địch và một số vũ khí viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa để đưa vào chiến trường. Thực hiện chủ trương đó chúng ta tiến hành nhiều công trình phục hồi, cải biên, cải tiến, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật. Nghiên cứu phục hồi đạn Mas là một trong những hoạt động nổi bật trong việc tận dụng các loại vũ khí chiến lợi phẩm từ thời kháng chiến chống Pháp đưa vào chiến trường. Sau năm 1954 ta có tới hàng triệu viên để trong kho quá lâu đã xuống cấp. Muốn sử dụng được nhiều phải tiến hành phục hồi sửa chữa. Đầu năm 1961, công tác nghiên cứu và tổ chức dây chuyền phục hồi toàn bộ số đạn Mas hiện có trong kho ở miền Bắc đã được triển khai. Để sửa chữa, phục hồi, ta đã lập quy trình để tổ chức được một dây chuyền. Hàng chục cuộc bắn thử với hàng nghìn viên đạn Mas vừa được sửa chữa khẳng định đạn đạt chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật đề ra. Trong 3 năm 1962-1964, hàng triệu viên đạn súng trường Mas đã được sửa chữa để gửi cho chiến trường. Để tận dụng tiểu liên Tulle (của Pháp) và K50 của Trung Quốc ta đã tiến hành thay nòng 9mm của tiểu liên Tulle bằng nòng tiểu liêu K50 (7,62mm), làm lại đầu ngắm, cải biên băng đạn Tulle để có thể bắn được đạn K50. Để giải quyết việc cải biên đó, phải trải qua một quá trình thử nghiệm công phu, phải thiết kế các bộ gá chuyên dụng. Nhưng khó khăn nhất là vấn đề lắp ghép. Lúc đầu, nòng súng không có độ chắc cần thiết. Sau đó, qua tham khảo tài liệu kỹ thuật về súng CKC ta đã chuyển sang chế độ lắp ghép mới đạt yêu cầu kỹ thuật. Vấn đề băng đạn cũng không kém phần phức tạp. Làm mới hoàn toàn ta không đủ khả năng, chỉ còn cách cải biên băng cũ vì lúc đó ta có nhiều. Trong 2 năm 1962-1963, Cục Quân giới đã tiến hành cải biên thành công và gửi vào chiến trường hàng nghìn khẩu tiểu liên Tulle bắn đạn K50 (7,62mm). Cũng năm 1962, để giữ bí mật việc cung cấp vũ khí cho miền Nam và giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp đạn con, cùng với việc cải biên súng tiểu liên Tulle, ta đã cải biên súng tiểu liên K50 để tạo hình dáng bên ngoài giống tiểu liên Tulle của Pháp để đưa vào trang bị cho lực lượng vũ trang giải phóng. Nội dung cải biên khác phức tạp, phải tháo bỏ vỏ bọc ngoài nòng súng K50 và chế tạo vỏ bọc mới giống như súng Tulle, có kết cấu chắc chắn để không thể dễ dàng phá ra; bỏ báng gỗ, thay bằng khung thép, có thể kéo ra khi bắn và xếp vào khi hành quân như súng Tulle; sản xuất băng đạn mới theo đúng như băng đạn Tulle để lắp cho súng bảo đảm khi chuyển động không hóc tắc, nhất là khi bắn liên thanh. Đây là khâu rất phức tạp, phải tốn nhiều công sức nhất. Trong các năm 1962 đến năm 1968, ta đã cải biên được hàng nghìn khẩu.
Vào đầu thập niên 60 quân đội ta đã thống nhất trang bị cối 82mm thay súng cối 81mm. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang miền Nam lại đang cần chi viện một số lượng lớn đạn cối 81mm. Để giải quyết nhu cầu đó, ta đã nghiên cứu cải biên đạn cối 81mm của Pháp và Mỹ. Lúc bấy giờ quân đội ta được trang bị hai loại đạn cối 82mm; loại đạn cối 82mm kiểu 53 dùng cho súng cối 82mm bệ vuông, bảng bắn tính bằng độ (hoàn chỉnh do Trung Quốc viện trợ); loại đạn cối 82mm kiểu 43-63 dùng cho súng cối 82mm kiểu 37 bệ tròn, bảng bắn tính bằng ly giác, loại này thiết kế theo kiểu 43 của Liên Xô. Trung Quốc đã cấp cho ta một số bán thành phẩm để tiến hành nhồi lắp thử.
Quân Giải phóng với cối 81mm chiến lợi phẩm.
Hai loại đạn trên đây được bảo quản tốt, chất lượng bảo đảm. Sau khi nghiên cứu tài liệu về tính năng kỹ thuật của hai loại súng cối 81mm, 82mm; ba loại đạn cối 81mm, đạn cối 82mm K53, đạn cối 82mm 43-63 để so sánh ta đã cải biên để bắn với súng cối 81mm của Pháp và Mỹ bằng cách tiện bớt đai đạn và cánh đuôi đạn cối 82mm theo kích thước đạn cối của Mỹ, giữ nguyên thuốc nổ và liều phóng. Từ đó lập được quy trình công nghệ cải biên. Đến cuối tháng 4 năm 1968 ta đã cải biên được hàng vạn quả và gửi vào chiến trường.
Ngày 17 tháng 7 năm 1965, khi Johnson quyết định đưa 44 tiểu đoàn vào miền Nam Việt Nam và chấp nhận chiến lược “tìm diệt” của Westmoreland, quyết định vượt qua ngưỡng cửa bước vào cuộc chiến tranh trên bộ ở châu Á, cuộc chiến tranh của Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Trong các cuộc hành quân càn quét, địch dùng nhiều xe tăng và xe bọc thép, nhưng vũ khí chống tăng của ta mới được trang bị rất hạn chế. Để đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí nhẹ chống tăng trang bị cho du kích, đầu năm 196 ta đã nghiên cứu thiết kế cải tiến một loại súng sẵn có thành súng có thể bắn tiêu diệt được xe cơ giới, máy bay, canô… Mô phỏng theo khẩu 14,5mm PERO-1947 chống xe cơ giới từ chiến tranh thế giới thứ hai, khai thác tiềm năng sẵn có ta đã cải tiến súng 12,7mm thành súng bắn phát một. Hồi đó nòng súng 12,7mm trong kho của ta còn nhiều. Cỡ nòng 12,7mm là phù hợp với khả năng mang vác và thao tác bắn của người Việt Nam. Trên cơ sở khẩu 12,7mm ta đã thiết kế mới hoàn toàn hộp khoá nòng, khoá nòng và cơ cấu tiếp đạn để phù hợp với súng 12,7mm bắn phát một. Thân súng cũng chế tạo mới theo kiểu 2 chạc của súng RPK. Toàn bộ khẩu súng nặng 11 kg. Năm 1966-1967, lô đầu tiên được cải tiến và cung cấp cho chiến trường. Trong số vũ khí chống xe cơ giới và xe tăng, phải kể đến khẩu AT. Đây là loại vũ khí chống tăng được quân giới ta chế tạo từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, là loại vũ khí chiến trường miền Nam rất cần. Tuy nhiên, do hạn chế về nhiều mặt, đạn AT của ta sản xuất trước đây có nhiều nhược điểm: độ chính xác chưa cao, độ xuyên kém (phần lớn chỉ xuyên thép được từ 30 đến 40mm), chất lượng đạn không đồng đều… Để phát huy khả năng sẵn có, tạo vũ khí thích ứng với yêu cầu của chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới, vấn đề cải tiến đạn AT được đặt ra và đưa vào chương trình nghiên cứu khoa học.
Nhồi lắp đạn AT.
Sau khi nghiên cứu bản vẽ thiết kế và biên bản thử nghiệm đạn AT thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ta đã hiệu chỉnh thiết kế một số chi tiết và áp dụng nhiều biện pháp công nghệ (lựa chọn thép tấm, gia công cơ nhiệt…) nâng cao chất lượng đột dập các chi tiết cơ khí. Nhờ vậy, ống đuôi và nón đồng bảo đảm độ bền, kích thước, dung sai và độ đồng tâm nhằm khống chế độ đảo và tăng độ xuyên của đạn. Từ năm 1963 đến năm 1966, ta đã chế tạo được hàng vạn quả đạn AT và ống phóng AT đạt tính năng kỹ thuật.
Đầu những năm 60, khi phong trào đấu tranh vị trí ở miền Nam phát triển mạnh, quân giới ta đã sản xuất ngòi nổ hẹn giờ để trang bị cho các lực lượng hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn và một số thành phố khác ở miền Nam. Ngòi nổ chậm hóa học MY-8 sử dụng trong thời chống Pháp đã được chọn để phát triển. Trước đây, ngòi MY-8 có nhiều nhược điểm, kích thước lớn, quá dài (200mm), công nghệ chế tạo thô sơ, chất lượng thấp. Nhằm khắc phục các nhược điểm đó, ta đã cải tiến công nghệ và tổ chức sản xuất để bảo đảm chất lượng ngòi nổ tốt nhất. Năm 1962 bản vẽ thiết kế ngòi nổ hẹn giờ hoá học ký hiệu MY-8 được hoàn thành và chế thử. Rút kinh nghiệm trong quá trình chế thử, ta đã tiến hành sửa đổi, bổ sung để lập bộ tài liệu thiết kế mới hoàn chỉnh. Ngòi MY-8 được thiết kế, sản xuất mới cơ ưu điểm gọn nhẹ, dễ cất giấu, vận chuyển, phù hợp với yêu cầu sử dụng trong mọi tình huống kể cả ban đêm, bảo đảm độ chính xác, tin cậy và an toàn cao. Chỉ tính từ năm 1968 đến năm 1973, bộ đội đặc công đã sử dụng 372 ngòi MY-8, đánh 14 trận, đốt cháy 351 triệu lít xăng, phá huỷ 56.130 tấn bom đạn, 73 xe quân sự, 13 máy bay lên thẳng, diệt 640 tên địch tại nhiều kho tàng, bến cảng, sân bay… Lựu đạn cũng là vũ khí phổ biến của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam. Sau một thời gian tham quan thực tập sản xuất lựu đạn ở Trung Quốc, cán bộ kỹ thuật của ta đã xây dựng đề án cải tiến lựu đạn nhằm nâng cao độ an toàn trong sử dụng, cất giữ, vận chuyển, chống rung xóc và chấn động; cất giữ được lâu dài, tăng thời gian sử dụng. Trước hết và chủ yếu là cải tiến bộ lửa của lựu đạn để có thể vừa dùng được cho miền Bắc, vừa tạo điều kiện cho miền Nam sản xuất lựu đạn tại chỗ. Từ năm 1965 mẫu lựu đạn kiểu lửa nụ xoè đã từng bước ổn định.
Nghiên cứu cải tiến làm gọn nhẹ vũ khí trang bị kỹ thuật phù hợp với chiến trường của ta là một hoạt động khai thác rất quan trọng. Súng cối 160mm là loại vũ khí có sức phá huỷ lớn, hoả lực bắn cầu vồng có khả năng tiêu diệt và chế áp sinh lực và hoả lực của địch, được sử dụng chủ yếu đánh công sự. Tuy vậy, cối 160mm quá nặng, cồng kềnh, hạn chế sức cơ động của bộ đội trên chiến trường, đặc biệt là ở chiến trường nhiều sông ngòi, đầm lầy như miền Nam. Tháng 11 năm 1971 ta đã nghên cứu cải tiến nhằm giảm nhẹ bệ cối bằng cách thiết kế tách ra từng phần để có thể mang vác đến địa điểm cần thiết và lắp ghép dễ dàng; cắt bớt một phần nòng súng, nhưng phải bảo đảm cự ly bắn xa 2.000m trở lên; giảm bớt thiết bị lắp đạn. Sau khi cải tiến, trọng lượng toàn bộ khẩu cối chỉ nặng từ 300 kg đến 350 kg. Năm 1971, bản vẽ thiết kế giảm nhẹ cối 160mm đã được hoàn thành, phê duyệt. Hai khẩu cối 160mm đầu tiên được cải tiến và thử nghiệm. Việc sử dụng súng sau khi cải tiến cũng đơn giản hơn. Từ những năm 60 quân đội ta được trang bị súng cối 120mm của Liên Xô và Trung Quốc. Toàn bộ khẩu súng nặng 300 kg, khi hành quân di chuyển phải dùng xe cơ giới, do đó ta khó có thể đưa súng vào chiến trường. Vì vậy, cần cải tiến giảm nhẹ kiểu súng cối này để bộ đội có thể mang vác được. Phương án cải tiến được chọn là bỏ toàn bộ giá súng ở thế hành quân gồm bánh xe, trục và càng kéo; bệ cối được chia làm hai nửa (mỗi nửa nặng 27 kg), khi bắn chỉ việc ghép lại bằng những móc cài; nòng súng cối được tiện bớt đi (chấp nhận tầm bắn giảm từ 9,5 km xuồng còn 4 km), lắp thêm hai đai để bảo đảm độ bền cho nòng; giá súng (chân súng) được tháo rời để dễ mang vác. Kết quả, khẩu cối 120mm chỉ còn nặng 180 kg (giảm được 40% trọng lượng). Tính đến cuối năm 1968, ta đã cải tiến hàng trăm khẩu để gửi vào chiến trường.
Trong hoạt động sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, ngay từ năm 1956 ta đã sửa chữa được vũ khí hạng nhẹ (súng ngắn, súng trường, tiểu liên, trung liên, đại liên, súng máy phòng không); vũ khí hạng nặng (súng cối 82mm, 120mm, các loại pháo); khí tài quang học có kính ngắm, máy ngắm súng cối, ống nhòm, máy chỉ huy, phương tiện đo các loại. Thời kỳ đầu những năm 60, pháo binh ta được trang bị nhiều loại pháo từ nhiều nguồn cung cấp, chủ yếu là lấy được của địch và do các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ. Phần lớn số súng pháo này được sản xuất từ những năm chiến tranh thế giới thứ hai nên nhu cầu sửa chữa vừa, sửa chữa lớn là rất lớn và phải bảo dưỡng thường xuyên. Năm 1966, ta thành lập xưởng sửa chữa pháo để sửa chữa lớn pháo phòng không các loại trên cơ sở lấy pháo 37mm làm đơn vị tiêu chuẩn; sửa chữa nặng pháo mặt đất lấy lựu pháo 122 làm đơn vị tiêu chuẩn và các loại khác; sửa chữa các cụm chi tiết khó do các trạm, xưởng quân khu, quân binh chủng gửi về; sửa chữa các loại máy công cụ đặt trên xe công trình và sản xuất các chi tiết bộ phận thay thế.
Sửa chữa lớn pháo cao xạ tại xưởng sửa chữa/Cục Quân khí.
Đầu năm 1967, để chuẩn bị đạn phục vụ trận đánh Cồn Tiên-Dốc Miếu, ta đã khẩn trương tổ chức sửa chữa đạn pháo 105mm (Mỹ) chiến lợi phẩm từ thời kháng chiến chống Pháp bằng cách dùng thuốc pháo của đạn pháo 122mm (Trung Quốc) thay thế thuốc pháo của Mỹ. Chỉ trong một thời gian ngắn ta đã sửa chữa được hàng ngàn quả, kịp thời đưa vào sử dụng. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ở chiến trường địch sử dụng hầu hết quân chủ lực và quân địa phương thực hành phản kích chiếm lại các vùng ta mới giải phóng, lấn chiếm các vùng tranh chấp, các căn cứ lớn và vùng giải phóng. Để cung cấp đủ vũ khí cho lực lượng vũ trang đánh bại các cuộc lấn chiếm, bình định của địch và chuẩn bị cho tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng quy mô ngày càng lớn, cần có các loại đạn cỡ lớn. Dựa vào kinh nghiệm sửa chữa đạn pháo 105mm trước đó, chúng ta đã tiến hành sửa chữa đạn pháo 105mm thu được của Mỹ bằng cách tháo bỏ thuốc phóng cũ đã bị hỏng để thay thuốc phóng mới của Liên Xô với yêu cầu đảm bảo không thay đổi bảng bắn. Muốn vậy, trước hết phải bắn thử đạn với loại thuốc phóng mới để thu thập số liệu làm cơ sở nghiên cứu. Tiếp đó, trong điều kiện chưa có máy tính và các phương tiện đo đạc cần thiết, các cán bộ ta mày mò tính toán so ánh tính năng giữa hai loại thuốc phóng cũ và mới và nhiều lần bắn thử đo sơ tốc, đo áp suất lớn nhất để xác định lượng thuốc cần thiết. Với nỗ lực khắc phục khó khăn, chỉ sau chưa đầy hai tháng, ta đã hoàn thành kế hoạch đột xuất sửa chữa hàng ngàn quả đan 105mm kịp chuyển vào chiến trường.
Trong thời kỳ chiến tranh, do hoàn cảnh sơ tán chống chiến tranh phá hoại, việc vận chuyển và bảo quản vũ khí và đạn dược có nơi có lúc không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cần thiết, nên mặc dù đã được chú ý giữ gìn, bảo quản, đạn pháo cất giữ trong kho vẫn bị ẩm mốc, xuống cấp, trong đó có đạn pháo 130mm do Liên Xô viện trợ. Đây là loại đạn chiến trường đang có nhu cầu rất lớn. Cuối năm 1974, cùng với phương án tổ chức nghiên cứu sản xuất đạn pháo 130mm, đạn cối 160mm, ta đã tổ chức sửa chữa đột xuất đạn pháo 130mm. Các yêu cầu sửa chữa như tháo đạn, đánh gỉ, xác định trọng lượng và nhồi thuốc pháo… được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật. Hàng ngàn quả đạn pháo 130mm được sửa chữa hoàn chỉnh và chuyển vào chiến trường phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Sửa chữa, phục hồi đạn hỏa lực.
Để khai thác, tận dụng lâu dài số vũ khí trang bị kỹ thuật được viện trợ và tự chế tạo, chúng ta đã chú ý nghiên cứu bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật từ trước những năm 60. Để triển khai hoạt động quan trọng này, chúng ta đã tổ chức thăm dò khảo sát các kho tàng, đơn vị nhiều nơi trên miền Bắc nhằm xác định đặc điểm khí hậu khu vực (tiểu khí hậu và vi khí hậu) và ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu đối với tình trạng vũ khí trang bị kỹ thuật, bước đầu xác định trọng tâm của công tác bảo quản là nghiên cứu về môi trường và biện pháp kỹ thuật nhiệt đới hóa như bố trí sắp xếp kho tàng để nâng cao hiệu quả thông gió tự nhiên nhằm giảm độ ẩm và nhiệt độ trong kho và các hiện tượng mốc gỉ. Để có vật liệu bảo quản, chúng ta đã nghiên cứu chế tạo được nhiều loại sơn và áp dụng quy trình tẩm phủ thích hợp, kể cả quy trình tẩm trong chân không để bảo quản các linh kiện và kết cấu điện tử dễ bị ảnh hưởng của các yếu tố nóng ẩm. Các biện pháp này được áp dụng khá rộng rãi tại các xưởng sửa chữa quân giới, quân y, thông tin, phòng không, không quân. Để chống ăn mòn kim loại, chúng ta đã nghiên cứu điều chế được các chất ức chế bảo quản, kéo dài thời gian bảo quản, điều chế mỡ chịu nhiệt độ cao dùng cho các pháo ở các trận địa trực chiến đấu. Quy trình tẩy gỉ bằng phương pháp hóa học kết hợp với bảo quản bằng dầu mỡ có chất ức chế được dùng để bảo quản hàng ngàn tấn phụ tùng bị gỉ nặng. Nghiên cứu sơn chống hà cho vũ khí trang bị kỹ thuật hải quân cũng đã thu được kết quả bước đầu. Trong nghiên cứu chống nấm mốc mối mọt đã điều chế được các chất chống nấm mốc cho khí tài quang học, thời gian bảo quản 12 đến 15 tháng không ảnh hưởng đến kính quang học và màng sơn, trong đó sơn SCM 72 chống mối mọt đã được sử dụng rộng rãi tại các kho tàng, bệnh viện và một số doanh trại.
Ngoài ra, công nghệ hóa học quân sự đã thu được nhiều kết quả tốt phục vụ cho công tác bảo đảm kỹ thuật như nghiên cứu thành công quy trình mạ (đặc biệt là quy trình mạ thép nguội) để phục hồi các phụ tùng thay thế được áp dụng khá rộng rãi tại các xưởng sửa chữa, các quy trình phục hồi acquy axit và acquy kiềm, quy trình hoàn nguyên chì từ các bản điện cực, thu hồi chì đạt tiêu chuẩn chất lượng để chế tạo acquy. Nhưng có ý nghĩa hơn cả là các đề tài nghiên cứu keo dán phục vụ cho công tác sửa chữa. Keo dán trên cơ sở nhựa epoxy đã được vận dụng để gắn các chi tiết khi sửa chữa khí tài điện tử, các phụ tùng ô tô, các thiết bị xăng dầu, dán bịt các lỗ thủng trên các khí tài do bom bi gây ra, dán nhiều loại vật liệu khác nhau trong vũ khí trang bị kỹ thuật. Hoạt động nghiên cứu khoa học-kỹ thuật cơ bản về vũ khí trang bị kỹ thuật có trong trang bị của quân đội ta là biện pháp quan trọng nhằm trước hết khai thác tận dụng tối đa tính năng chiến kỹ thuật của các phương tiện chiến tranh hiện đại ta chưa sản xuất được để phục vụ chiến đấu. Đồng thời, tìm hiểu về các thành tựu khoa học và công nghệ tiềm ẩn trong đó để suy nghĩ về xu hướng phát triển công nghệ vũ khí trang bị kỹ thuật của ta về sau này. Với mục đích đó, cán bộ khoa học-kỹ thuật thuộc tất cả các quân binh chủng, đặc biệt tại các viện nghiên cứu về công nghệ hàng không, tên lửa, bom, mìn, thuỷ lôi, rada, hoá học, công binh, các loại vật liệu và thiết bị đặc thù quân sự. Hoạt động nghiên cứu cơ bản này vẫn được tiếp tục đẩy mạnh sau ngày chiến tranh kết thúc, tạo tiền đề quan trọng cho hoạt động bảo đảm trang bị và bảo đảm kỹ thuật của quân đội ta hiện nay. Nghiên cứu đối phó với vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại nhất của địch là một nhiệm vụ cấp bách và cực kỳ quan trọng nhằm đáp ứng các yêu cầu có ý nghĩa sống còn trong thực tiễn chiến đấu. Truớc hết, phải kể đến hoạt động chống phá các loại bom đạn của Mỹ, trong đó có bom từ trường. Việc đầu tiên là phải xác định đầu nổ làm việc theo nguyên lý nào vì lúc đó có nhiều giả thiết khác nhau: từ trường, âm thanh hay chấn động? Sau khi xác minh đầu nổ làm việc theo nguyên lý từ trường, để tạm thời phục vụ việc rà phá, ta đã áp dụng phương pháp xác định mối quan hệ giữa đầu vào và đầu ra một cách định tính, chưa đi vào mổ xẻ phân tích đầu nổ. Qua nghiên cứu bước đầu ta đã phá được ba quả bom bằng cách kéo qua hố bom một tấm tôn thép diện tích khoảng 1m2. Như vậy, nguyên tắc hoạt động của bom và nguyên lý phá bom đã được khẳng định trong thực tế. Về sau, cán bộ nghiên cứu của ta đã chế tạo các phương tiện rà-phá khác nhau như các cuộn từ đặt trên xe ô tô, xe bọc thép, trên canô hoặc dùng dây cuốn quanh thân xe làm lõi từ để phá bom từ trường và thuỷ lôi từ trường ở cự ly hàng trăm mét.
Xe bọc thép BTR-40 phóng từ.
Có những phương tiện rà phá đơn giản, nhưng rất có hiệu quả như chỉ cần mấy chục mét dây đồng và hai chiếc pin đèn cũng có thể phá được bom từ trường của Mỹ ở bất kỳ vị trí phức tạp nào. Chỉ riêng năm 1968 ta đã phá được hơn 4.000 quả bom. Từ khung dây, một sáng kiến độc đáo được đề xuất trên cơ sở vận dụng quy luật tiếp thu tín hiệu của đầu nổ, có thể khống chế bom, làm cho đầu nổ không hoạt động được bằng một tín hiệu đủ mạnh và biến thiên theo một tần số đủ nhanh. Sáng kiến này có ý nghĩa rất lớn trong thực tiễn rà phá bom từ trường. Thí dụ: phương pháp khống chế nổ được sử dụng để không gây nổ một quả bom từ trường rơi vào khu vực kho của ta nhằm cứu một kho chứa 900 quả rocket ĐKB. Sau khi khống chế để chuyển hết đạn ra khỏi kho, quả bom mới được kích nổ.
Ngoài bom từ trường, chúng ta đã nghiên cứu đối phó có kết quả nhiều loại bom hiện đại khác của Mỹ. Bom bi là một loại bom gây khá nhiều tổn thất cho người và vũ khí trang bị kỹ thuật của ta. Chúng ta đã tiến hành khảo sát cơ bản, trên cơ sở đó thiết kế chế tạo phương tiện kích nổ, xác định tính năng các loại vật liệu và kết cấu có khả năng bảo vệ chống lại bom bi. Bom vướng nổ có kết cấu đơn giản nhưng khá nguy hiểm vì nó tạo ra ra một diện rộng bị phong toả và thường được sử dụng kết hợp với bom từ trường để sát thương lực lượng đến phá bom. Ngòi nổ của bom có mạch nổ tổ hợp lần đầu tiên chúng ta gặp. Với nỗ lực của cán bộ nghiên cứu trong và ngoài quân đội, ta đã mổ xẻ mạch tổ hợp đó, chụp ảnh trên kính hiển vi, phân tích kết cấu mạch điện để xác định nguyên lý gây nổ của bom và kiến nghị biện pháp đối phó. Về sau, ta lại nghiên cứu bom chùm CBU chứa khoảng 600 bom bi nổ ngay. (CBU-24), bom bi nổ chậm (CBU-59) hoặc bom vướng nổ. (CBU-34/42), có loại CBU chứa khoảng vài trăm bom chống tăng có lượng nổ lõm MK-118. Kết quả nghiên cứu đó đều được kịp thời phổ biến cho các đơn vị trong toàn quân.
Phá bom từ trường.
Việc đối phó bom điều khiển bằng vô tuyến truyền hình (bom Walleye) và bom điều khiển bằng laser (LGB) là một bước trưởng thành về khoa học và công công nghệ của quân đội ta. Theo đánh giá của quân đội Mỹ thì bán kính vòng tròn sai số xác suất CEP (Circular error probility) của bom thông thường là 120m đến 125m, còn của bom LGB chỉ là 4m. Vừa sử dụng các tài liệu thông tin, vừa khảo sát thực tế, chúng ta khẳng định được địch sử dụng bom LGB ở đường 559 và đã nghiên cứu các biện pháp đối phó như dùng màn khói, trước khi chúng sử dụng loại bom đó ở miền Bắc.
Để chống lại hàng rào ngăn chặn của Mỹ trên đường 559, chúng ta đã nghiên cứu các khí cụ trinh sát tự động của địch từ cuối năm 1967. Qua khảo sát sơ bộ ta thấy đó là khí cụ trinh sát chấn động, khí cụ trinh sát âm thanh. Đối với các loại khí cụ đó, chúng ta đã tiến hành “giải phẫu” để lập sơ đồ mạch điện, đo đạc phân tích để xác định nguyên lý hoạt động, phạm vi trinh sát, tần số hoạt động, công suất tín hiệu, thời gian hoạt động, cơ chế tự huỷ, v.v… Các kết quả nghiên cứu này đều được làm thành tài liệu thông báo cho các đơn vị trên tuyến vận tải 559 để có cách đối phó thích hợp với điều kiện hoạt động của từng đơn vị. Máy bay AC-130 là một phương tiện hoả lực lợi hại của Mỹ trên tuyến 559 cũng được nghiên cứu đối phó. Trong hệ thống trinh sát của máy bay AC-130, có những loại khí cụ dựa vào nguyên lý mới và có độ nhậy rất cao như máy trinh sát khuếch đại ánh sáng mờ, máy trinh sát hồng ngoại, v.v… Hoả lực của AC-130 gồm súng máy, pháo 20mm, pháo 40mm, có máy đo xa laser và được điều khiển bằng máy tính nên có độ chính xác rất cao. Thời gian bay trên vùng mục tiêu từ 4 đến 6 giờ. Chúng ta chưa có hiện vật để nghiên cứu trực tiếp, chỉ biết tình hình đó qua các tài liệu thông tin khoa học kỹ thuật. Nhưng vì lúc đó máy bay AC-130 thực sự đã là một mối nguy hiểm đối với các đoàn xe cơ giới của ta nên chúng ta cũng phải cố gắng tìm cách đối phó dựa vào các thông tin đó: bắn pháo sáng để làm nhiễu loạn khí tài hồng ngoại và khí tài khuếch đại ánh sáng mờ, đồng thời chiếu sáng mục tiêu cho pháo phòng không của ta nhằm bắn; tạo mục tiêu giả để đánh lừa, v.v… Cuối năm 1972, một đơn vị pháo phòng không 57mm của ta bắn rơi máy bay AC-130, thu được tài liệu của địch khẳng định thông tin khoa học do ta xử lý trước đó cơ bản là đúng.
Học tập kinh nghiệm của Liên Xô sử dụng bóng thám không phòng thủ thành phố Moscow trong chiến tranh thế giới thứ hai, để đối phó với các thủ đoạn chiến-kỹ thuật mới của địch trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, chúng ta đã nghiên cứu hàng rào bóng khinh khí để chống chiến thuật bay thấp của máy bay địch. Đề tài được cán bộ nghiên cứu khoa học trong và ngoài quân đội tiến hành tương đối cơ bản và đồng bộ từ việc thiết kế và chế tạo bóng đến việc chọn vật liệu để có thể gây sát thương cho máy bay. Trong số các hoạt động chiến-kỹ thuật nguy hiểm nhất của địch phải kể đến một loại hình hoạt động đặc biệt của không quân Mỹ chống lại các lực lượng phòng không hiện đại của ta. Đó là thủ đoạn chiến tranh điện tử. Trong thủ đoạn này, không quân Mỹ dùng hai phương tiện chủ yếu: tên lửa chống rada (thí dụ: tên lửa Shrike AGM-45A) và nhiễu. Hoạt động chống tên lửa Shrike và chống nhiễu thành công là nỗ lực nghiên cứu khoa học và công nghệ rất quan trọng, kết hợp với nhiều yếu tố lý luận và thực tiễn, kỹ thuật với chiến thuật, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự với các quân binh chủng, đặc biệt là Quân chủng Phòng không-Không quân nhằm khai thác tận dụng tối đa khả năng công nghệ sẵn có, chứng tỏ sự tiến bộ vược bậc về khoa học và công nghệ của các lực lượng vũ trang nhân dân ta.
Trong lĩnh vực thiết kế chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật, với kinh nghiệm thu được tỏng cuộc kháng chiến chống Pháp, với cơ sở vật chất-kỹ thuật và con người có được trong những năm bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã hoàn thành nhiều công trình có giá trị về mặt công nghệ, thể hiện sự trưởng thành một bước lớn của đội ngội cán bộ khoa học và kỹ thuật quân sự của quân đội ta. Đội ngũ đó vừa được đào tạo cơ bản có trình độ chuyên môn cao hơn, lại đã trải qua kinh nghiệm chiến đấu trước đây, và được tập trung tại các viện nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quân sự lớn của quân đội. Ngoài ra, chúng ta có được nhiều thông tin công nghệ hơn (thông tin do các nước bạn cung cấp, thông tin do ta khai thác được từ các nguồn khác nhau). Từ đó, chúng ta đã nhanh chóng hình thành ý tưởng thiết kế các kiểu vũ khí trang bị kỹ thuật hoặc cải tiến các kiểu hiện có để đáp ứng các yêu cầu chiến thuật mới của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhìn chung, có thể rút ra mấy nhận xét sau đây. Về thiết kế, các ý tưởng vẫn dựa vào hoặc tham khảo các mẫu vũ khí quân đội ta nhận được từ các nước bạn viện trợ hoặc mẫu vũ khí thu được của Mỹ, kết hợp với vốn kinh nghiệm thiết kế phong phú trong kháng chiến chống Pháp. Tư tưởng thiết kế phải nhằm đối phó với một đối phương có nhiều loại phương tiện chiến tranh hơn, hiện đại hơn, tinh vi hơn mà việc sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật được viện trợ không thể đáp ứng được đầy đủ mọi yêu cầu chiến đấu đa dạng, phong phú và bao giờ cũng để lộ ra những khoảng trống nhất định về kỹ thuật và chiến thuật. Vấn đề tự thiết kế chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có một chức năng rất quan trọng là khắc phục các khoảng trống tất yếu đó.
Nghiên cứu tên lửa TOW thu được của địch - năm 1972
Về chế tạo, sản xuất, so với thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhờ có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, chúng ta đã có nhiều cơ sở sản xuất và sửa chữa quốc phòng, có khả năng sản xuất hàng loạt vũ khí trang bị kỹ thuật căn bản có trình độ chuẩn hóa và chất lượng cao hơn so với thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Về phương diện này có thể kể đến một số các công trình sau đây: Thiết kế chế tạo bệ phóng đơn giản, gọn nhẹ, có thể mang vác được để phóng đạn phản lực từng quả một từ giàn phóng rocket nhiều nòng BM-14 đặt trên xe GAZ-63 của Liên Xô trang bị cho quân đội ta đầu những năm 60. Bệ phóng này được đặt tên là A-12 đã mở ra một thời kỳ bắn rocket “bằng phương pháp ứng dụng”. Đây là một công trình thiết kế chế tạo với sự phối hợp nỗ lực của nhiều cơ quan nghiên cứu, chế tạo trong và ngoài quân đội, được binh chủng pháo binh đánh giá là một sáng kiến lớn trong khai thác có hiệu quả vũ khí viện trợ của nước ngoài.
A-12 tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968.
Trên cơ sở công trình A-12, ta đề nghị Liên Xô sản xuất hàng loạt rocket mang vác gọn nhẹ để chi viện cho miền Nam. Đó là ĐKB. Khi địch mở rộng chiều sâu bảo vệ căn cứ của chúng, chúng ta triển khai nghiên cứu nối tầng rocket để tăng cự ly phóng và chọn rocket ĐKB để nối tầng. Đó là đề tài ĐKB nối tầng. Các vấn đề kỹ thuật phải giải quyết khá phức tạp. Bệ phóng phải gọn nhẹ, có thể lắp ghép tại chỗ nhưng phải đủ độ chắc chắn để có thể đặt và phóng ĐKB ghép 2 động cơ. Đầu năm 1970 ta đưa vào sản xuất ĐKB nối tầng và gửi chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1970 được sử dụng để tập kích một căn cứ nguỵ ở Sa Đéc. Ở Liên khu 5 sử dụng ĐKB nối tầng tập kích vào cảng Nam Thọ (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) ngày 9 tháng 6 năm 1972 gây cho quân Mỹ nhiều thiệt hại.
Trên chiến trường miền Nam, sông ngòi là một tuyến giao thông đặc biệt quan trọng, vì vậy đánh tàu địch trên sông là một yêu cầu chiến đấu rất lớn và cấp bách. Quân đội ta được bạn trang bị nhiều loại thuỷ lôi khác nhau. Thuỷ lôi chạm nổ K5, thuỷ lôi đáy âm thanh hoặc từ tính AMĐ1, AMĐ2, nhưng không thể đưa vào chiến đấu trên chiến trường miền Nam vì quá to, nặng, khó sử dụng theo cách đánh đặc công của ta. Vì vậy, phải có một kiểu thuỷ lôi khác gọn nhẹ. Về thân thuỷ lôi, có quan niệm cho rằng thuốc nổ bị ẩm sẽ không nổ nên lượng nổ của thuỷ lôi phải đặt trong một vỏ kim loại bịt kín rất nặng. Nhưng qua một tài liệu khoa học về thuốc nổ lúc bấy giờ ta biết tính năng nổ của thuốc nổ không bị ảnh hưởng nếu lượng ẩm thấp thâm nhập dưới một tỉ lệ nào đó. Cán bộ nghiên cứu của ta tiến hành thí nghiệm với các bánh thuốc ép TNT đã đi đến kết luận có thể dùng các bánh TNT ép gói vào vải nylon để làm thân thuỷ lôi. Giả thuyết này đã nhiều lần được xác minh trên hiện trường.
Đặc công Hải quân chuẩn bị thủy lôi đi chiến đấu.
Nghiên cứu ngòi nổ là vấn đề phức tạp. Ta đã chọn ngòi áp suất nhưng gặp khó khăn lớn là không có mẫu vật để tham khảo, ngay đến các phương pháp tính toán thiết kế và bản vẽ hình dáng bên ngoài của một ngòi nổ áp suất cũng không có, chỉ có một tin ngắn rất sơ lược trong một tài liệu phổ biến khoa học của Liên Xô. Ngòi âm thanh từ tính thì có sẵn nhưng khả năng công nghệ của ta lúc đó không giải quyết được. Khi thiết kế, ta đã chú ý sử dụng các loại vật liệu sẵn có trong nước để chế thử nhanh và sản xuất nhanh. Mẫu định hình APS hết sức đơn giản, gọn nhẹ, đã được chế thử đưa đi thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm mỹ mãn. Đầu năm 1968, APS đã được một đơn vị đặc công nước của hải quân đưa vào chiến đấu, đánh chìm một tàu LCT 360 tấn của Mỹ trên sông Cửa Việt. Sau đó, Bộ tư lệnh hải quân tiếp tục hoàn thiện và đưa vào chiến tranh như một vũ khí chủ yếu của lực lượng đặc công nước. Theo thông báo của hải quân, tính đến tháng 11 năm 1971, APS đã đánh chìm 201 tàu chiến đấu của Mỹ từ sông cửa Việt trở vào.
Vũ khí trang bị kỹ thuật dùng cho tác chiến đặc công là một yêu cầu rất lớn trong chiến tranh. Thủ pháo mảnh là một trong những phương tiện đó được ta chế thử thành công. Thủ pháo mảnh của ta nặng từ 200 đến 300 gam, khi nổ tạo ra từ 1.000 đến 2.000 mảnh nhỏ, đạt yêu cầu của chiến thuật đặc công là có khả năng sát thương lớn ở cự ly gần, nhưng lại bảo đảm an toàn cho người sử dụng để có thể triển khai nhanh trong quá trình chiến đấu. Ngoài thủ pháo mảnh, ta còn chế tạo mìn đặc công MĐK, có 3 núm nhựa để gắn mìn nhanh chóng vào máy bay có ngòi nổ hẹn giờ bằng chốt chì, có cơ cấu chống tháo bảo đảm gây nổ ngay lập tức khi mìn bị gỡ ra khỏi máy bay hoặc rơi khỏi máy bay.
Đặc công rừng Sác.
Sự lớn mạnh của quân giải phóng miền Nam ngày càng có khả năng uy hiếp các căn cứ của Mỹ, vì vậy, chúng đặc biệt chú trọng tăng cường các hệ thống chướng ngại ngoại vi bằng các kiểu dây thép dai bố trí nhiều tầng, nhiều lớp sâu đến hàng trăm mét, có nơi đến hai trăm mét. Dưới hàng rào và giữa các lớp rào có bố trí các loại mìn chống bộ binh, chống tăng và mìn pháo sáng. Dây kẽm gai làm bằng các loại thép cứng khó cắt, các móc trên dây cũng được cải tiến để gây trở ngại cho việc chui luồn. Bản thân hệ thống chướng ngại dày 100m đến 200m này lại được một hệ thống đèn chiếu và hoả lực mạnh bảo vệ. Trước những hệ thống chướng ngại như vậy không thể sử dụng các phương pháp cũ như bộc phá hoặc chui luồn dưới các hàng rào đặt các ống bộc phá liên kết với nhau và thực hiện “bộc phá đồng loạt”. Bằng cách đó 9 quả mìn định hướng liên kết cũng chỉ phá được 30m đến 40m hàng rào nhưng khong phá được mìn. Cần phải có một phương pháp khác, một kiểu vũ khí khác để phá rào và các bãi mìn trên toàn bộ chiều sâu 100m đến 200m trong thời gian ngắn nhất, sao cho đèn chiếu và hoả lực của địch không phản ứng kịp, mở cửa rộng 3m đến 5m cho bộ binh và cơ giới vượt qua.
Chúng ta đã có những thông tin sơ lược về vũ khí phá rào UZE 3 của Liên Xô, tên lửa kéo lượng nổ phá mìn của Ba Lan. Nhưng những vũ khí ấy không phù hợp với khả năng công nghệ và yêu cầu chiến thuật của ta. Năm 1969 chúng ta bắt đầu thiết kế định hình một hệ thống vũ khí phá rào (FRA) có thể phá được 100m rào và bãi mìn dùng động cơ ĐKB làm động lực kéo. Nhiều lần cải tiến thiết kế, chế thử và thử nghiệm thực địa rất công phu chứng tỏ FRA có thể phá được 200m rào và bãi mìn dùng động cơ một kiểu tên lửa sẵn có làm động lực kéo. Giai đoạn thử nghiệm diễn ra trong suốt năm 1972, vừa đưa vào chiến đấu, vừa tiếp tục nghiên cứu đặt FRA trên xe tăng. Đầu năm 1972, ta cử một đoàn cán bộ vào chiến trường Bắc Quảng Trị hướng dẫn bộ đội sử dụng FRA trong chiến đấu. Ngày 30 tháng 3 năm 1972 phát FRA đầu tiên đã mở đường qua toàn bộ chiều sâu hệ thống chướng ngại bảo vệ cao điểm 544, mở màn cho chiến dịch. Sau đó, 2 phát FRA đã được sử dụng để đánh vào Ái Tử. Tuy có sơ suất trong việc bố trí đội hình nhưng cả 2 phát đều bay đúng hướng, phá sạch chướng ngại, mở cửa rộng 4m và bộ binh đã xung phong qua cửa mở. Để chống lại chiến thuật trực thăng vận của Mỹ ở miền Nam chúng ta cũng nghiên cứu thiết kế chế tạo ngòi chống máy bay lên thẳng NTT. Để có số liệu cơ sở thiết kế, chúng ta tiến hành khảo sát, đo đạc tốc độ gió và áp lực tạo ra trên mặt đất khi máy bay lên thẳng Mi-4 của ta hạ độ cao để tiếp đất. Trên cơ sở đó ngòi NTT đã được chế tạo để làm mìn bẫy và đưa và sử dụng trên chiến trường miền Nam.
Nghiên cứu thiết kế chế tạo vũ khí chống tăng trên cơ sở khai thác số liệu kỹ thuật của súng chống tăng B40 của Liên Xô, kết hợp với kinh nghiệm chế tạo súng SKZ thời chống Pháp đã được quân giới ta chú ý từ đầu những năm 60, trong đó có súng chống tăng CT2. Để hoàn thành công trình này, các cơ quan nghiên cứu của ta đã giải quyết sáng tạo vấn đề như chọn cỡ đạn lõm để tăng độ xuyên giáp (trên 300mm), xuyên bê tông (600mm); dùng gỗ nghiến thay thép quý mà ta không có để làm đuôi đạn; thiết kế ngòi đạn mới để đảm bảo an toàn khi bắn và khi vận chuyển. Về sau, công trình thiết kế chế tạo súng chống tăng CT62 được áp dụng kết hợp với số liệu kỹ thuật về các súng chống tăng của Liên Xô và Trung Quốc viện trợ để chế tạo các súng chống tăng B40 và B41 phù hợp với điều kiện sử dụng trên chiến trường miền Nam. Thiết kế chế tạo mìn lõm lớn để đánh phá các mục tiêu như công sự kiên cố, xe tăng và xe bọc thép, các công trình quân sự có vỏ thép hoặc bê tông dày. Loại mìn này có uy lực lớn hơn nhiều so với mìn lõm thời chống Pháp và được sử dụng rộng rãi, hiệu quả cao trên khắp chiến trường miền Nam. Thiết kế chế tạo mìn phóng trên cơ sở sử dụng một bánh thuốc phóng định hướng để phóng mìn đi xa. Với một liều phóng có thể phóng một lúc hàng chục quả mìn. Loại mìn phóng này đã được các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam áp dụng để chế tạo mìn phóng trong điều kiện chiến trường.
Thiết kế chế tạo lựu đạn phóng trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm các loại lựu phóng của ta sản xuất trong thời kỳ chống Pháp và các số liệu về lựu đạn phóng của các nước ngoài. Lựu đạn được phóng đến tầm xa nhất 240m, tầm gần nhất 50m, được lắp ngòi chạm nổ đơn giản, có chốt an toàn trong quá trình vận chuyển. Về sau, trên cơ sở lựu đạn phóng, quân giới ta chế tạo được lựu đạn phóng tạo mảnh có thể dùng súng trường phóng xa 150m đến 200m. Mỗi quả khi nổ tạo thành hàng trăm mảnh sát thương trong vòng bán kính hàng chục mét.