Là nữ cán bộ duy nhất trong số hơn 300 cán bộ được điều về Văn phòng Trung ương Cục miền Nam từ ngày đầu thành lập (năm 1961) khi mới tròn 25 tuổi, cũng là người đầu tiên hát bài Giải phóng miền Nam cho các đồng chí lãnh đạo nghe, bà Đặng Hồng Nhựt, cán bộ Văn phòng không sao quên được những ngày đầu gian khổ nơi chiến khu Mã Đà. Chúng tôi đã ghi lại lời kể của bà Đặng Hồng Nhựt về những năm tháng gian khó ấy.
18 giờ 30 ngày 1-2-1962, Đài phát thanh Giải phóng đặt tại Lò Gò, Tân Biên chính thức phát sóng. Ảnh: T.L.
Ngày đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến Mã Đà, chiến khu vẫn là một vùng rừng thâm u. Đây là vùng xa khu dân cư, thực phẩm khan hiếm, rất nhiều muỗi, vắt. Công việc đầu tiên là dựng nhà. Chúng tôi đốn cây rừng, chặt mây làm nhà. Cái khó là rừng Mã Đà không có tranh, lá trung quân thì rất ít, vậy là phải dùng lá mây lợp mái. Lá mây nhỏ, thành ra nhà chỉ có thể tránh nắng, mưa thì bị dột, đêm nằm thấy cả sao trên trời. Để có bàn làm việc, anh em có sáng kiến đập giập tre, nứa kết lại thành tấm, dùng làm mặt bàn. Thời kỳ đầu, quân số toàn cơ quan chừng 300 người, gồm các bộ phận: cơ yếu, điện đài, lực lượng chuẩn bị cho Đài phát thanh Giải phóng, đội kinh tế tài chính, đội sản xuất, đội bảo vệ, đội thồ tải…
Lương thực thực phẩm rất thiếu, trừ một số ít các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất, số anh chị em còn lại đều phải đi tải gạo, thực phẩm. Thời gian không tải gạo thì đốn cây, bửa củi. Vào mùa mưa, đường rất khó đi vì đồi dốc nối nhau liên tục. Mỗi một lần tải gạo, chúng tôi phải đi bộ trong 4 ngày liền. Rừng thiêng nước độc, có người nhiễm khí độc mà chết. Bệnh sốt rét cũng không tha người nào nên anh nói vui với nhau là bị sốt rét cũng như là đóng thuế rừng vậy.
Rừng Mã Đà có đến 4 tầng cây: Tầng thấp nhất là cây cỏ mọc sát đất, kế đến là các cây nhỏ cao chừng 2-3m. Cao hơn thì có một số cây ăn trái và gỗ quý. Nói là có cây ăn trái cho oai chứ tính ra chỉ có được chôm chôm, bứa, lười ươi, xoài mút (loại xoài trái chỉ to bằng ngón tay cái). Cây trong rừng quá cao, mỗi lần muốn ăn chỉ chờ lượm quả chín rụng dưới đất hoặc đốn cả cây xuống chứ không thể trèo hái từng trái một. Do không khí quá ẩm thấp, quần áo giặt phơi rất lâu khô nên khi lao động, cánh đàn ông thường không mặc quần áo. Cơ quan chỉ có mình tôi là nữ nên mấy anh dặn hễ đi tới đâu phải lên tiếng trước để mọi người biết mà… tránh. Vậy là tôi có thói quen vừa đi vừa hát thật to để đánh động cho mọi người. Một lần, nghe tiếng cây chôm chôm ngã, tôi hớn hở xách giỏ chạy ra lượm trái mà quên hát. Ra tới nơi, mấy ông la ỏm tỏi vì cả thảy đang… thoát y.
Thức ăn ngày đó hiếm lắm. Ngoài ít cá khô, mắm muối dự trữ được, anh em toàn phải di hái rau, săn bắt thú rừng. Mỗi bữa, mỗi người chỉ được một chén cơm. Thanh niên đang sức ăn, ăn vậy có thấm vào đâu nên chúng tôi rủ nhau vào rừng đào thêm củ chụp, củ mài. Có lần, một anh ở đội bảo vệ hái đọt thiên tuế về xào ăn bị trúng độc. Vậy là có lệnh không được hái rau rừng ăn nữa. Đúng ngay lúc anh em đào được một ổ nấm mối, vậy là cũng phải đem đổ bỏ. Tiếc của, chúng tôi nháy mắt đổ vào chỗ sạch, đợi mấy anh y sĩ đi chỗ khác mới lén hốt lại, rửa sạch xào ăn. Muốn có thịt, mọi người phải đi săn. Khoản này thì phải trông vào chú chó săn rất giỏi. Tuy chú chó giúp cho chúng tôi kiếm được thịt tươi nhưng theo tiêu chuẩn ngày đó thì chỉ có người mới có khẩu phần ăn, chó thì không. Mỗi bữa, hễ nghe tiếng kẻng cơm, chú chó tội nghiệp cũng chạy tới chầu ăn. Thấy vậy, dù chỉ được lưng chén cơm, ăn chẳng đủ no nhưng anh chị em ai nấy đều tự giác nhín chút cơm ở đầu muỗng, góp lại nuôi con chó.
Trong thời gian làm văn thư đánh máy ở Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, một lần tôi được nhận một nhiệm vụ đặc biệt. Đó là đếm tiền USD. Được Trung ương chi viện một số tiền khá lớn, Ban Kinh tài lúc đó chỉ có 3 người nên huy động bộ phận văn thư qua kiểm tiền. Tôi nhớ lúc đó mình phải đếm nhiều tiền lắm, toàn là USD, đô la Hồng Công. Cứ đếm đủ 100 tờ thì cột thành một xấp, đem bỏ vô bồng vải buộc lại rồi gác lên kệ chứ không có két sắt hay tủ khóa gì để cất. Bụng thì đói mà lại ngồi trước một đống tiền đếm hoài không hết, lúc đó, chúng tôi chỉ ước ao: Phải chi bao tiền này biến thành nồi cơm Thạch Sanh ăn hoài hổng hết thì sướng biết mấy. Sống cực khổ, thiếu thốn vậy mà tiền đem về bao nhiêu còn đúng bấy nhiêu, anh em không ai tơ hào một đồng nào.
Đài phát thanh Giải phóng
Những lúc rỗi rảnh, tôi tới chỗ mấy anh phụ trách quay máy phát điện chơi. Có lần, tôi men theo đường mòn nhỏ thì thấy trong một cái lều nhỏ, mấy chú mấy anh đang lui cui lắp một cái máy rất lạ. Những ngày tiếp theo đó, cứ tới 9 giờ sáng là mấy chú lãnh đạo lại mở radio nghe ngâm thơ và đọc truyện Thủy hử. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu sao các đồng chí ngày nào cũng nghe đi nghe lại hai nội dung đó. Nghe xong, mấy anh mấy chú còn bình luận coi chất lượng âm thanh sao, phát thanh viên đọc thế nào. Về sau, tôi mới biết cái lều mà tôi gặp chính là Đài phát thanh Giải phóng đang được chạy thử nghiệm.
Một hôm, đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Trung ương Cục, kêu tôi lên đưa cho bản nhạc có tựa đề “Giải phóng miền Nam”, nhạc và lời Huỳnh Minh Siêng và dặn: Cố gắng tập hát để tối nay họp cơ quan hát cho mấy chú nghe thử. Kẹt một nỗi, lúc về Mã Đà, đoàn thanh niên chúng tôi có đem theo cây đàn ghita nhưng khí hậu ẩm thấp trong rừng đã làm cho dây đàn đứt hết. Không có đàn để xướng âm, việc tập bài hát mới rất khó. Nhưng nhiệm vụ đã được giao thì phải ráng hoàn thành. Tôi tự nhẩm xướng âm một mình để tập hát.
Trong cuộc họp cơ quan tối hôm đó, lần đầu tiên, ca từ bài Giải phóng miền Nam được hát lên giữa đồi Cối Xay. Mấy chú khen bài hát hay cả nhạc và lời. Trung ương Cục quyết định chọn bài hát này làm nhạc hiệu của Đài phát thanh Giải phóng - tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.