Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

NGÀY ĐẦU

LTS: Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ là kết quả của tinh thần dũng cảm tuyệt vời, sự hy sinh của đồng bào, chiến sĩ dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam. Phục vụ Trung ương Cục miền Nam, tham mưu cho Xứ ủy Nam bộ trong những năm tháng ấy có công sức không nhỏ của Văn phòng Trung ương Cục miền Nam. Do yêu cầu bí mật, những câu chuyện về công việc của văn phòng chưa được khai thác nhiều. Ngay cả cán bộ trong văn phòng làm việc theo nguyên tắc tuyệt mật: Mỗi người chỉ biết công việc của mình, sống để bụng, chết mang theo, còn sống thì khi nào “Đảng cho nói mới được nói”. Nhân dịp ngày Văn phòng Trung ương Cục miền Nam đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (dự kiến tổ chức vào ngày 26-4), Báo SGGP giới thiệu đến bạn đọc loạt bài Thủ đô kháng chiến ở miền Nam.

Là nữ cán bộ duy nhất trong số hơn 300 cán bộ được điều về Văn phòng Trung ương Cục miền Nam từ ngày đầu thành lập (năm 1961) khi mới tròn 25 tuổi, cũng là người đầu tiên hát bài Giải phóng miền Nam cho các đồng chí lãnh đạo nghe, bà Đặng Hồng Nhựt, cán bộ Văn phòng không sao quên được những ngày đầu gian khổ nơi chiến khu Mã Đà. Chúng tôi đã ghi lại lời kể của bà Đặng Hồng Nhựt về những năm tháng gian khó ấy.



Thủ đô kháng chiến ở miền Nam Images417621_6a
18 giờ 30 ngày 1-2-1962, Đài phát thanh Giải phóng đặt tại Lò Gò, Tân Biên chính thức phát sóng. Ảnh: T.L.
Rừng thâm u

Ngày đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến Mã Đà, chiến khu vẫn là một vùng rừng thâm u. Đây là vùng xa khu dân cư, thực phẩm khan hiếm, rất nhiều muỗi, vắt. Công việc đầu tiên là dựng nhà. Chúng tôi đốn cây rừng, chặt mây làm nhà. Cái khó là rừng Mã Đà không có tranh, lá trung quân thì rất ít, vậy là phải dùng lá mây lợp mái. Lá mây nhỏ, thành ra nhà chỉ có thể tránh nắng, mưa thì bị dột, đêm nằm thấy cả sao trên trời. Để có bàn làm việc, anh em có sáng kiến đập giập tre, nứa kết lại thành tấm, dùng làm mặt bàn. Thời kỳ đầu, quân số toàn cơ quan chừng 300 người, gồm các bộ phận: cơ yếu, điện đài, lực lượng chuẩn bị cho Đài phát thanh Giải phóng, đội kinh tế tài chính, đội sản xuất, đội bảo vệ, đội thồ tải…

Lương thực thực phẩm rất thiếu, trừ một số ít các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất, số anh chị em còn lại đều phải đi tải gạo, thực phẩm. Thời gian không tải gạo thì đốn cây, bửa củi. Vào mùa mưa, đường rất khó đi vì đồi dốc nối nhau liên tục. Mỗi một lần tải gạo, chúng tôi phải đi bộ trong 4 ngày liền. Rừng thiêng nước độc, có người nhiễm khí độc mà chết. Bệnh sốt rét cũng không tha người nào nên anh nói vui với nhau là bị sốt rét cũng như là đóng thuế rừng vậy.

Rừng Mã Đà có đến 4 tầng cây: Tầng thấp nhất là cây cỏ mọc sát đất, kế đến là các cây nhỏ cao chừng 2-3m. Cao hơn thì có một số cây ăn trái và gỗ quý. Nói là có cây ăn trái cho oai chứ tính ra chỉ có được chôm chôm, bứa, lười ươi, xoài mút (loại xoài trái chỉ to bằng ngón tay cái). Cây trong rừng quá cao, mỗi lần muốn ăn chỉ chờ lượm quả chín rụng dưới đất hoặc đốn cả cây xuống chứ không thể trèo hái từng trái một. Do không khí quá ẩm thấp, quần áo giặt phơi rất lâu khô nên khi lao động, cánh đàn ông thường không mặc quần áo. Cơ quan chỉ có mình tôi là nữ nên mấy anh dặn hễ đi tới đâu phải lên tiếng trước để mọi người biết mà… tránh. Vậy là tôi có thói quen vừa đi vừa hát thật to để đánh động cho mọi người. Một lần, nghe tiếng cây chôm chôm ngã, tôi hớn hở xách giỏ chạy ra lượm trái mà quên hát. Ra tới nơi, mấy ông la ỏm tỏi vì cả thảy đang… thoát y.

Thức ăn ngày đó hiếm lắm. Ngoài ít cá khô, mắm muối dự trữ được, anh em toàn phải di hái rau, săn bắt thú rừng. Mỗi bữa, mỗi người chỉ được một chén cơm. Thanh niên đang sức ăn, ăn vậy có thấm vào đâu nên chúng tôi rủ nhau vào rừng đào thêm củ chụp, củ mài. Có lần, một anh ở đội bảo vệ hái đọt thiên tuế về xào ăn bị trúng độc. Vậy là có lệnh không được hái rau rừng ăn nữa. Đúng ngay lúc anh em đào được một ổ nấm mối, vậy là cũng phải đem đổ bỏ. Tiếc của, chúng tôi nháy mắt đổ vào chỗ sạch, đợi mấy anh y sĩ đi chỗ khác mới lén hốt lại, rửa sạch xào ăn. Muốn có thịt, mọi người phải đi săn. Khoản này thì phải trông vào chú chó săn rất giỏi. Tuy chú chó giúp cho chúng tôi kiếm được thịt tươi nhưng theo tiêu chuẩn ngày đó thì chỉ có người mới có khẩu phần ăn, chó thì không. Mỗi bữa, hễ nghe tiếng kẻng cơm, chú chó tội nghiệp cũng chạy tới chầu ăn. Thấy vậy, dù chỉ được lưng chén cơm, ăn chẳng đủ no nhưng anh chị em ai nấy đều tự giác nhín chút cơm ở đầu muỗng, góp lại nuôi con chó.

Trong thời gian làm văn thư đánh máy ở Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, một lần tôi được nhận một nhiệm vụ đặc biệt. Đó là đếm tiền USD. Được Trung ương chi viện một số tiền khá lớn, Ban Kinh tài lúc đó chỉ có 3 người nên huy động bộ phận văn thư qua kiểm tiền. Tôi nhớ lúc đó mình phải đếm nhiều tiền lắm, toàn là USD, đô la Hồng Công. Cứ đếm đủ 100 tờ thì cột thành một xấp, đem bỏ vô bồng vải buộc lại rồi gác lên kệ chứ không có két sắt hay tủ khóa gì để cất. Bụng thì đói mà lại ngồi trước một đống tiền đếm hoài không hết, lúc đó, chúng tôi chỉ ước ao: Phải chi bao tiền này biến thành nồi cơm Thạch Sanh ăn hoài hổng hết thì sướng biết mấy. Sống cực khổ, thiếu thốn vậy mà tiền đem về bao nhiêu còn đúng bấy nhiêu, anh em không ai tơ hào một đồng nào.

Đài phát thanh Giải phóng

Những lúc rỗi rảnh, tôi tới chỗ mấy anh phụ trách quay máy phát điện chơi. Có lần, tôi men theo đường mòn nhỏ thì thấy trong một cái lều nhỏ, mấy chú mấy anh đang lui cui lắp một cái máy rất lạ. Những ngày tiếp theo đó, cứ tới 9 giờ sáng là mấy chú lãnh đạo lại mở radio nghe ngâm thơ và đọc truyện Thủy hử. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu sao các đồng chí ngày nào cũng nghe đi nghe lại hai nội dung đó. Nghe xong, mấy anh mấy chú còn bình luận coi chất lượng âm thanh sao, phát thanh viên đọc thế nào. Về sau, tôi mới biết cái lều mà tôi gặp chính là Đài phát thanh Giải phóng đang được chạy thử nghiệm.

Một hôm, đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Trung ương Cục, kêu tôi lên đưa cho bản nhạc có tựa đề “Giải phóng miền Nam”, nhạc và lời Huỳnh Minh Siêng và dặn: Cố gắng tập hát để tối nay họp cơ quan hát cho mấy chú nghe thử. Kẹt một nỗi, lúc về Mã Đà, đoàn thanh niên chúng tôi có đem theo cây đàn ghita nhưng khí hậu ẩm thấp trong rừng đã làm cho dây đàn đứt hết. Không có đàn để xướng âm, việc tập bài hát mới rất khó. Nhưng nhiệm vụ đã được giao thì phải ráng hoàn thành. Tôi tự nhẩm xướng âm một mình để tập hát.

Trong cuộc họp cơ quan tối hôm đó, lần đầu tiên, ca từ bài Giải phóng miền Nam được hát lên giữa đồi Cối Xay. Mấy chú khen bài hát hay cả nhạc và lời. Trung ương Cục quyết định chọn bài hát này làm nhạc hiệu của Đài phát thanh Giải phóng - tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
M.Hương - A.Chân - L.Ngọc
      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Chuyện lạ ở R

Tại Trung ương Cục miền Nam (phiên hiệu B2, mật danh R), có rất nhiều những sáng tạo từ anh em chiến sĩ. Câu chuyện ấy, với những người chưa nghe, chưa thấy, chưa biết thì đó là những câu chuyện lạ. Còn với những người từng sống hàng ngày với những chuyện đó trở thành quen. Lạ mà quen là vậy.

Thủ đô kháng chiến ở miền Nam Images417744_6a
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp nhà báo Wilfred Burchett (Australia, phải) tại căn cứ Trung ương Cục

Sáng tạo có một không hai

Câu chuyện về việc làm sao để gà mất tiếng gáy ở R là một câu chuyện thú vị. Ở R, gà trống phải mất tiếng gáy để giữ bí mật cho căn cứ. Sáng kiến bắt con gà trống không gáy được coi là độc đáo mà cho đến nay, chưa ai biết tác giả là ai. Thông thường, trước khi gáy, còn gà phải rướn cổ lên lấy hơi để tiếng gáy được thánh thót dài hơn. Muốn hạn chế được động tác rướn cổ lấy hơi trước khí gáy của con gà là phải “ghìm” nó lại. Có người tìm cách khâu cúp một đoạn cổ gà lại bằng dây dù. Nhưng làm vậy, mỗi khi chú gà trống “vui vẻ” với các cô gà mái tơ thì quá trở ngại. Hợp lý nhất là cho chú gà trống đeo vòng “kim cô” ở cổ để hạn chế mức rướn cổ trước khi gáy. Khi chú gà rướn cổ lên gáy, chiếc vòng sẽ kéo lại, gây đau nên tiếng gáy phát ra chỉ rè rè, còn mọi chức năng khác vẫn hoạt động bình thường.

Đại tá - bác sĩ Lê Hồng Quang, bác sĩ riêng của đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam bộ) nhớ lại: “Nói đến R là phải nói đến loại đèn không khói sử dụng ở căn cứ. Ngày ấy, ai vào đến R, sớm muộn gì, bằng mọi cách, gần như ai cũng có một chiếc đèn dầu làm từ chai Alcool de Menthe đeo lủng lẳng bên thắt lưng.

Thuở ấy, coi như mốt thời thượng chứ chẳng chơi”. Năm 1964, nhà báo Wilfred Burchett, người Australia là người nước ngoài đầu tiên thăm R. Ông thấy thắt lưng của bộ đội giải phóng, ngoài các trang bị phục vụ chiến đấu mà ông từng thấy như bang đạn, bi dông nước, lựu đạn, còn có thêm chai Alcool de Menthe. “Sau khi tìm hiểu kỹ, nhà báo Wilfred Burchett khoái chí, ông tự tay thao tác, mở nắp chai, ấn chỉnh sửa ngọn đèn và bật lửa đốt. Rồi ông cầm đèn đi trong rừng như một chiến sĩ giải phóng quân thực thụ” - bác sĩ Lê Hồng Quang nhớ lại.

Theo bác sĩ Quang, viên đạn carbine được bỏ ruột, đục thủng vỏ đạn và đầu đạn rồi đặt vào lọ Alcool de Menthe. Thật ngẫu nhiên khi lỗ được đục thủng của vỏ đạn lại vừa vặn để luồn chiếc ruột bút bi bằng đồng, trong ruột bút bi là tim đèn. Lò xo của bút bi cũng được sử dụng cho vào vỏ đạn để điều chỉnh bật tim đèn lên xuống. Từ kiểu dáng ban đầu, phong trào làm đèn vận hành theo cơ chế ấy, phát triển rất đa dạng, bằng nhiều kiểu dáng, chất liệu khác nhau của các loại vỏ đạn thích hợp.

Bác sĩ Lê Hồng Quang cho biết thêm: “Ngoài loại đèn Alcool de Menthe, còn có phong trào làm đèn có ống khói bằng ống nghiệm y tế cắt bỏ phần đáy ống. Loại đèn này bình chứa dầu làm bằng bình mực parker hoặc chai lọ bất kỳ, miệng rộng 3-4cm, có nắp vặn kín. Nắp được khoét tròn ở giữa, có khi dùng đinh to đóng cho thủng nắp rồi mài giũa cho nhẵn. Một chiếc van xe đạp được lắp vào lỗ thủng của nắp, vặn chặt. Đầu van xe đạp được cắt bỏ để cho ngọn đèn được ló lên. Ưu điểm đặc biệt của loại đèn này là có ống khói tròn thẳng mà chất liệu thủy tinh của ống khói rất tốt, chịu được nhiệt độ cao nên đèn rất sáng”.

Đặc điểm độc đáo khác hẳn những loại đèn ống khói thông thường, kể cả đèn bão là cơ chế điều chỉnh ánh sáng to, nhỏ không phải vặn tim đèn lên xuống bằng bánh xe răng cưa áp sát tim đèn. Ở chiếc đèn này, tim đèn đứng nguyên giữ ở độ sáng cần thiết đáp ứng yêu cầu làm việc ban đêm giữa rừng. Để điều chỉnh, người sử dụng xoay phần ống bao bên ngoài van chứa tim đèn. Đặc biệt hơn, khi có máy bay ban đêm, chỉ cần vặn đèn nhỏ xuống chứ không phải tắt đèn như loại đèn Alcool de Menthe. Từ khi có loại đèn này, các lãnh đạo Trung ương Cục rất chuộng vì có thể sử dụng làm việc vào ban đêm rất an toàn.

“Nói đến chuyện đánh nhau, đào công sự thời chiến, mọi người đã nói nhiều nên nói chuyện uống trà thời chiến có vẻ thảnh thơi quá. Đúng là trong kháng chiến, ai cũng nếm mùi gian truân, chịu đựng đủ mọi khó khăn, thiếu thốn nhưng không chỉ có thế, người làm cách mạng cũng có những lúc thảnh thơi” - bác sĩ Lê Hồng Quang tâm sự. Tiếp nối phong cách uống trà thời 9 năm chống Pháp theo kiểu “uống trà quạu”, nghĩa là pha trà đậm đặc bằng chung nhỏ, thời ở R, bộ đội ta dùng chiến lợi phẩm thu được sau mỗi lần giáp lá cà với lính Mỹ là bộ bình toong và ca uống nước để pha trà. Anh em ở R cho trà vào ca, dùng bình toong nước sôi úp vào ca để uống dần. Đó là bộ dụng cụ uống trà mà bộ đội giải phóng sử dụng thường xuyên ở R.

Đám cưới ở R

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1972 cũng là lúc tại R, nhiều đám cưới được tổ chức khá tưng bừng. Đám cưới của ông Phạm Thanh Dân (C15 – Khối trực tiếp phục vụ) và bà Đặng Thị Xới (y sĩ tại C18 – Trạm xá Trung ương Cục miền Nam) là một kỷ niệm khó quên với hai ông bà. Bà Đặng Thị Xới nhớ lại: “Lúc đó, khi báo cáo đơn vị xin được tổ chức đám cưới, anh em trong đơn vị thường chọn những ngày lễ để tổ chức, vừa là để kỷ niệm, vừa để anh em bạn bè có điều kiện chung vui. Đám cưới của chúng tôi tổ chức ngày 19-5-1973, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ”.


Thủ đô kháng chiến ở miền Nam Images417742_6b
Một buổi liên hoan văn nghệ tại Trung ương Cục

“Hồi đó, tôi làm y sĩ nên mới nghĩ ra cách lấy hồ sơ của bệnh nhân không dùng nữa làm cái phong bì be bé. Thiệp mời là mảnh giấy poluy mỏng dính, nhỏ tí xíu vốn để ghi đơn thuốc. Có vậy thôi mà đồng đội hay tin đến rất đông. Anh em trong đơn vị hái bông mắc lẹo ở rừng để trang trí bàn thờ Bác Hồ. Ông xã tôi từ mấy hôm trước đã chặt ít gỗ rừng đóng tạm chiếc giường tân hôn, bởi ở rừng, anh em chủ yếu dùng võng, chẳng mấy ai dùng giường” - bà Đặng Thị Xới kể. Trước đó mấy hôm, khi nghe tin bà cưới, có một đồng đội hỏi bà: “Đám cưới, em muốn đãi mọi người món gì?”. “Chắc em làm kẹo đậu phộng nhưng tới giờ, đậu chưa có mà đường cũng không” - bà Đặng Thị Xới trả lời.

Biết chuyện, hai hôm sau, khi đi ngang đơn vị, người bạn đó xách theo bao đậu phộng và một ít đường đỏ gọi là quà cưới. Vậy là chị em trong đơn vị xúm nhau làm kẹo đậu phộng. Bà Đặng Thị Xới còn nhờ người quen đi công tác, mua hộ bên Nam Vang (Campuchia) 10 trái dừa khô để làm mứt dừa. Đãi khách còn có món chuối ngào làm từ chuối xanh xắt miếng ngào qua đường đỏ. “Có vậy mà đám cưới rất đông vui, anh em đến chúc mừng cả trăm người. Cô dâu mặc bà ba đen, chú rể mặc quân phục rất tề chỉnh. Anh em còn vui đến tận đêm sau chầu cháo con dọc do chính tôi săn được trước đám cưới. Đêm tân hôn của chúng tôi ngay tại nhà nghỉ của đơn vị bà ấy. Mấy chị em ở chung nhường phòng cho đôi vợ chồng mới cưới” - ông Phạm Thanh Dân nhớ lại.
      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Bí mật bạch chỉ
Bạch chỉ là một loại thư - tài liệu được viết bằng hóa chất trên giấy dầu, viết tới đâu chữ lặn tới đó. Viết xong rồi, tờ giấy vẫn trống trơn chẳng có gì cả. Người nhận được muốn đọc cũng phải nhúng tài liệu vào hóa chất, chữ mới hiện ra. Hầu như tất cả các tài liệu là chỉ thị của Quân ủy miền đều được viết dạng bạch chỉ gửi đến các khu, tỉnh, chiến trường. Lực lượng giao bưu Trung ương Cục miền Nam (A53) là đơn vị chịu trách nhiệm viết, giao bạch chỉ trong giai đoạn bấy giờ.

Tài liệu “tàng hình”

Ông Phan Phát Phước là một trong những người sử dụng phương pháp viết thư bạch chỉ từ thời kháng chiến chống Pháp, vào khoảng năm 1950, khi ông làm việc cho Văn phòng Xứ ủy Nam bộ tại Sài Gòn. Đến năm 1961, ông vào căn cứ Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, tiếp tục nhận nhiệm vụ viết thư bạch chỉ bên cạnh việc đánh máy và giữ tài liệu.


Thủ đô kháng chiến ở miền Nam Images417880_5b
Đồng chí Nguyễn Văn Linh nói chuyện với cán bộ hoạt động nội thành tại căn cứ Trung ương Cục
Ông Phước kể: “Trước đó, chúng ta viết tài liệu bằng nước cơm lên giấy. Nhưng cách này dễ bị phát hiện, chỉ cần kẻ địch nghi ngờ, nhúng vào nước là sẽ hiện chữ lên ngay. Mực để viết thư bạch chỉ là từ một loại trái mua ở các hiệu thuốc của người Hoa, mang về ngâm nước. Viết thư bạch chỉ tốn công lao động không nhiều nhưng quan trọng là phải cẩn thận, không để bị lộ. Lúc còn ở nhà số 29 Huỳnh Khương Ninh (quận 1, Văn phòng của Xứ ủy Nam bộ), tôi phải đợi lúc xung quanh yên ắng mới dám lấy tài liệu, dụng cụ ra để viết. Nghe có động là lập tức gom tất cả giấu xuống căn hầm bí mật dưới đồ để than để ngụy trang. Sau này, khi đã vào căn cứ, lúc viết thư bạch chỉ cũng phải cẩn thận, chủ yếu là viết ban đêm vì ban ngày hay có khách đến nhà. Do bảo đảm tính bí mật, khi viết thư chỉ chong một ngọn đèn dầu làm nguồn sáng”.



Thủ đô kháng chiến ở miền Nam Images417878_5a
Một tài liệu được viết dưới dạng bạch chỉ
Trước đó, mệnh lệnh, chỉ thị của Trung ương Cục, Quân ủy miền qua cơ yếu, bộ phận điện đài của địch hầu như giải mã được hết, chỉ có bạch chỉ là an toàn và chưa bao giờ bị lộ. Các tài liệu sau khi được viết xong, trước khi phân phối, sẽ được đánh ký hiệu: Tài liệu hỏa tốc có ba gạch ở góc tờ giấy; nhanh: 2 gạch, thường: 1 gạch… Tùy độ mật và khẩn của tài liệu mà bố trí người chuyển.

Những năm kháng chiến ác liệt, địch càng truy sát, giao liên càng phải biết dùng mọi cách để có thể thoát khỏi tầm mắt của địch. Và bạch chỉ đã biến những tài liệu mật thành tàng hình, nhờ đó các giao liên đã để trong các gói đồ hoặc làm cả giấy gói đồ mà không có ai nghi ngờ gì.

Ngụy trang kiểu... bạch chỉ

Hồi ấy, lãnh đạo Trung ương Cục thích uống trà Lý Thông Ích, một loại trà thơm, ngon nổi tiếng của người Hoa. Giao liên mua trà rồi dùng thư bạch chỉ gói lại như những cái bánh ú để ngụy trang. Đến nơi, lãnh đạo Trung ương Cục vừa có trà ngon để uống vừa nhận tài liệu mật. Đó cũng là một lợi thế của bạch chỉ. Anh em ở Trung ương Cục nói vui là nhiều khi hiệu trà này sản xuất cho Việt Cộng sử dụng là chính.

Một trong những giao liên chuyển bạch chỉ rất thông thạo là chị Út Luông. Trong một lần chuyển bạch chỉ về trung tâm Sài Gòn, chị ngụy trang trong miếng trầu bởi nếu địch bắt được, chị chỉ thủng thẳng nhai luôn miếng trầu là nhai luôn tài liệu giấu trong đó. Một hôm, để chuyển tài liệu cho một cán bộ đang bị bắt quân dịch, chị dắt theo một đứa con ngụy trang. Đến Trung tâm huấn luyện Quang Trung, chị phải liên lạc để đưa tài liệu cho anh Nguyễn Tài Chắt nhưng lính xét không cho vào. Chị năn nỉ đám lính, xin cho vô thăm chồng, cho con gặp cha. Nghe chị nói riết, cuối cùng lính cho chị vô thăm. Sau khi nhận bạch chỉ, anh vào nhà vệ sinh để mở bằng hóa chất đã mang theo sẵn trong người. Lát sau anh ra chỉ đạo chị Út Luông tiếp tục đi tìm cán bộ rồi hướng dẫn đưa đi và ráp mối với đường dây.

Ông Lê Huy Diệu (Ba Diệu) còn nhớ rất rõ những chuyến đi đầy gian nan và nguy hiểm để chuyển bạch chỉ. Đó là đợt chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Có rất nhiều tài liệu của Quân ủy miền gửi về Bộ Tư lệnh tiền phương. Các giao liên phải chạy liên tục ngày đêm không ngủ không nghỉ nên gần như kiệt sức.

Đêm 29 rạng sáng 30 Tết, do tính chất quan trọng của tài liệu nên lúc đó Trung ương Cục cử ông Năm Mộc (Nguyễn Hữu Tân, Trưởng C17 - Khối Quản trị - Hậu cần) chịu trách nhiệm chuyển tài liệu đi cùng với ông Tư Già. Khi xe đến ngã ba Prek Kdam (Campuchia) thì bị lật xuống ruộng. Ông Tư Già gãy mấy bẹ sườn, ông Năm Mộc bị lủng bao tử. Cả hai được đưa vào Trung tâm Calmette ở Nam Vang. Trên chuyến đi còn có hai cháu Tâm và Meo (con và em của một đồng đội) đi theo để nghi trang. Do Tâm thường xuyên đi với các anh nên biết cơ sở tại Nam Vang của mình là ông Phan Văn Việt (Hai Việt), chủ tiệm may France Mode nên chạy đến báo tin ngay. Lập tức ông Hai Việt và Ba Diệu được cử đến bệnh viện lấy tài liệu. Cả hai đến bệnh viện xưng là người nhà của bệnh nhân xin nhận lại hành lý (vốn là tài liệu mật) của người bị nạn nhưng bệnh viện không cho. Họ nói cần để bệnh nhân tỉnh lại xác nhận. Lúc này hai ông Năm Mộc và Tư Già vẫn còn bất tỉnh. Sau nửa ngày, cả hai mới tỉnh dậy, nhận ra đồng đội, lúc đó ông Năm Mộc mới yên tâm giao lại tài liệu cho ông Hai Việt.

Viết thư bạch chỉ phải thật cẩn thận, do viết đến đâu chữ lặn đến đó nên phải vừa viết vừa căng mắt nhìn, không được để dòng chữ chồng lên nhau hay bị nhảy hàng. Ông Phan Phát Phước nhớ lại một câu chuyện vui: Có một lần, cô nhân viên Tuyết hớt hải chạy lên gặp tôi nói: “Chú Tám ơi, con giết chồng rồi”. Tôi vội hỏi lại: “Trời ơi, sao chồng bây mà bây giết vậy?”. Thì ra là cô Tuyết viết thư bạch chỉ bị chồng các dòng chữ lên nhau, nhưng cô là người Nam bộ, phát âm từ “viết” thành từ “giết” nên mới có sự hiểu nhầm như vậy.

Ngay sau khi ông Năm Đông (ông Dương Quang Đông, Phó ban Giao bưu Trung ương Cục) nhận lại tài liệu, lần này ông đích thân đưa cho bà Tư Quảng (còn gọi là má Tư) - một nữ giao liên đầy kinh nghiệm và sắc sảo - nhận nhiệm vụ chuyển tài liệu. Sáng mùng 1 Tết, khi má Tư đang nằm ngủ ở cơ sở của A53, ông Năm Đông đến, hỏi: “Chị Tư sao giờ còn ngủ, có tài liệu mật, chị đi đưa giùm. Nhưng chị là nữ, chuyến đi này đường xa, qua nhiều đồn địch, chị có dám đi không?”. “Tui đi nhưng phải cho người đi theo” - má Tư nói tỉnh queo. Ông Năm Đông liền cử Tám Cánh theo bà để có động tĩnh về báo cáo tổ chức. Lúc đó, có cán bộ thắc mắc ông Năm Đông sao lại giao việc quan trọng như vậy cho má Tư mà không giao cho cán bộ nam nào đó vì lộ trình từ Nam Vang xuống căn cứ Bộ Tư lệnh tiền phương phải qua vùng Mỏ Vẹt, Ba Thu - biên giới Campuchia - Việt Nam. Đó là “vùng trời đỏ” do những trận chiến đấu ác liệt đang diễn ra không ngớt. Vậy nhưng ông Năm Đông vẫn không thay đổi quyết định. Má Tư đến biên giới Tây Ninh – Svay Riêng thì xe hư, bà buộc phải đổi xe khác đi tiếp cho tới điểm cuối cùng ở biên giới. Giao liên của bộ tư lệnh ra đón và đưa bà đi tiếp sâu vào căn cứ. Bà đã hoàn thành công tác của mình an toàn.



Mối tình bạch chỉ
Có một câu chuyện mà không phải ai cũng biết, từ bạch chỉ, đã có một mối tình đơm hoa kết trái ngay tại Trung ương Cục. Ông Nguyễn Văn Tám, thư ký của ông Chín Già (đồng chí Phạm Văn Hai) vốn là một trong những người viết bạch chỉ điêu luyện, chữ đẹp, rõ ràng và cũng là một giao liên đưa thư.
Ông Tám nhớ lại: “Một lần, sau khi nghe tôi báo cáo tình hình, ông Chín quay qua nói: Tao nghe đâu nhỏ thư ký của ông Năm Đông đẹp gái lắm, mày lên thử coi”. Chuyến giao tài liệu lần sau, hồi hộp đến điểm hẹn giao thư, ông Tám biết lần này có thể gặp cô thư ký xinh đẹp đó. Đến nơi, ông nhận ra cô ngay và thay vì giao hàng X (tiền) rồi đi liền, ông nói mọi người chầm chậm ít phút ngắm cho kỹ. Ai ngờ mấy hôm sau ông Chín gọi ông lên: “Mày làm gì mà con nhỏ viết thư đề nghị kiểm điểm nè, nó viết đề nghị chi bộ phê bình đồng chí Nguyễn Văn Tám đã giao tài liệu chậm trễ, rất dễ bị lộ nếu địch phát hiện”. Nhưng ông không giận, ông biết trái tim mình đã hướng về cô…
Về phần mình, cô thư ký xinh đẹp bí danh Tạ Thị Mai (tên thật Tạ Thị Trâm) vẫn thường trầm trồ khen ai viết bạch chỉ chuyển về đơn vị mà nét chữ bay bướm quá trời. Sau ngày giao hàng cho đơn vị của ông Nguyễn Văn Tám, bà Mai nhận được một bức mật chỉ. Phía trên vẫn là thông tin tình hình chuyển hàng, nhưng phía dưới cách đó một đoạn là những lời hỏi thăm đến cô thư ký Tạ Thị Mai, ký tên Nguyễn Văn Tám. Bà Mai bán tín bán nghi…
Ngày nọ, ông Chín Già đi công tác đến bộ phận của ông Năm Đông, gặp Mai, ông nói luôn: “Trời, nó muốn nhìn mặt mày mà mày viết thư đòi kiểm điểm nó”. Bà Mai thấy tim mình đập mạnh khi biết rằng người muốn coi mặt mình chính là người đã viết những lá thư bạch chỉ bằng nét chữ thẳng tắp, đều đặn và mềm mại. Từ duyên kỳ ngộ ấy mà cả hai đã thành vợ chồng.
      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Hầm sống
Ông Võ Thiện Mỹ, một trong những cận vệ của đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc, Bí thư Trung ương Cục miền Nam) cho biết nguyên tắc nằm lòng của người cận vệ là sẵn sàng xả thân, đem thân mình che chắn, làm “hầm sống” để bảo vệ tính mạng của cán bộ lãnh đạo. Trong suốt những năm ở R (Trung ương Cục miền Nam) hay trước đó là trên chiến trường miền Nam đỏ lửa, những hầm sống ấy đã tạo nên bức tường vững chắc, đảm bảo an toàn cho các vị lãnh đạo cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.

Thủ đô kháng chiến ở miền Nam Images417988_6a
Đồng chí Nguyễn Văn Linh (thứ ba từ phải sang) cùng anh em bảo vệ và phục vụ

Đánh chết không khai

Nhiều người đã gọi ông Trần Hoành (Năm Hoành), Phó phòng Văn thư - Lưu trữ Trung ương Cục miền Nam, như thế khi nhớ đến tình huống ông Năm chịu trận bị địch bắt để bảo đảm an toàn cho đồng chí Lê Duẩn (Ba Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ).

Cuối năm 1955, ông Ba Duẩn từ miền Tây, theo ghe chở cây đước về Bến Tre hoạt động. Trong chuyến đi ấy chỉ có mỗi người bảo vệ thân thiết là Năm Hoành đi cùng. Suốt mấy tháng trời sau đó, ông Ba sống trong một căn hầm tại nhà cơ sở ở huyện Giồng Trôm. Để tránh bị địch phát hiện, ông Năm Hoành ở tại một cơ sở khác gần đó vừa bảo vệ vừa làm liên lạc cho ông Ba. Ông Năm Hoành nhớ lại: “Một ngày tháng 3-1956, anh Ba nói với tôi: Ở đây không làm việc được, địch bố ráp gắt gao quá, chú Năm tìm gặp anh Năm Tân (một tên gọi khác của đồng chí Võ Văn Kiệt, Sáu Dân) bàn cách tổ chức đưa anh về miền Tây”. Vậy là tôi lên đường. Đầu tiên, tôi đến Bạc Liêu tìm anh Nguyễn Hữu Xuyến (thời điểm đó là Ủy viên quân sự Xứ ủy Nam bộ) báo cáo tình hình. Anh Xuyến nói: “Ở đây (Bạc Liêu) tình hình cũng găng lắm, cậu tìm gặp Năm Tân ở Cần Thơ đi”. Tôi tiếp tục tìm anh Sáu Đặng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, xin ý kiến và ẩn náu mười mấy ngày vì địch truy bắt gắt gao. Sau đó, cơ sở tại Bạc Liêu hỗ trợ tôi đến Cần Thơ tìm gặp anh Năm Tân. Sau khi thông báo tình hình, anh Năm Tân quyết định đưa anh Ba về căn cứ Thanh Tuyền ở Cần Thơ. Anh Năm Tân dặn dò: “Chú quay về Bến Tre, tìm mua một ghe dừa, ngụy trang rồi chuẩn bị phương án đưa anh Ba Duẩn về Cần Thơ bằng đường thủy”. Mất hơn tháng trời vượt qua vòng vây địch, tôi mới về đến Giồng Trôm”.

Về đến Giồng Trôm, ông Năm Hoành tìm lại cơ sở cũ thì không thể ở lại được vì trong thời gian mấy tháng trời đi về miền Tây, đã có một đồng đội khác đến trú đóng. Đang loay hoay chưa biết đi đâu trú tạm vì phải nắm lại tình hình địa bàn trước khi tìm ông Ba, ông Năm Hoành bất ngờ bị địch bắt. Ngay tại Giồng Trôm, bọn địch đánh đập dã man ông Năm để khai thác thông tin nhưng ông cắn răng không khai. Ông Năm nhớ lại: “Chỗ tôi bị bắt không xa chỗ anh Ba trú ẩn dưới hầm bí mật bao nhiêu. Tôi kiên quyết không khai tung tích anh Ba. Đánh một hồi, bọn chúng bảo nhau: “Thằng này ngó bộ không phải cộng sản”. Quả thật, nhìn tôi lúc đó trông khá thê thảm, tóc tai dài thượt, ốm yếu do mấy tháng trời lăn lộn ở đồng bằng tránh địch, lấy đâu ra sức lực. Thêm nữa, tôi có giấy thông hành ghi là người Ba Tri, Bến Tre. Nên khi bọn chúng khai thác, tôi cứ nói bừa là từ Ba Tri tới Giồng Trôm tìm mua vịt. Sau đó, tụi lính giải tôi về Khám Lá (Bến Tre). Tại đây, chúng tiếp tục khai thác nhưng không lấy được thông tin. Một lần nọ, trong xà lim, tôi thấy chúng dẫn anh Quang “tàu gạo”, một đồng đội đi ngang qua. Anh đi sát cửa xà lim, thầm thì cho mình tôi nghe: “Đừng khai gì, mình bị bắt trước 20 ngày, chúng không làm gì được, đừng sợ nha”. Tôi vững lòng khi gặp được đồng đội mình. Sau đó một thời gian, tôi hay tin anh Năm Tân đã bố trí cơ sở đưa anh Ba thoát khỏi Bến Tre an toàn”.

Những căn hầm sống

Trong ký ức của ông Phạm Thanh Dân, nguyên cận vệ của đồng chí Võ Văn Kiệt, luôn nhắc nhớ đến đồng đội - liệt sĩ Huỳnh Minh Mương (Ba Mương), quê xã Trung An huyện Củ Chi, cũng là cận vệ của đồng chí Võ Văn Kiệt. Ông Phạm Thanh Dân nhớ lại: “Tháng 5-1970, tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, khi anh Sáu Dân đạp phải chông tre thủng sâu, anh Ba Mương rút cây chông ra, băng bó qua rồi cõng anh Sáu Dân ra khỏi trận địa, Suốt 2 giờ, anh mới cõng được anh Sáu Dân tới căn cứ ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy để bác sĩ mổ. Ngày 13-8-1970, địch càn vào căn cứ nơi anh Sáu Dân (lúc này là Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định) đang làm việc tại xã Tân Phú Tây huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre. Tôi cùng một số người khác đưa anh Sáu Dân qua căn cứ của anh Năm Xuân (đồng chí Mai Chí Thọ, Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định) ở xã Thành An, còn anh Ba Mương chỉ huy một tiểu đội ở lại chống càn, chặn địch đuổi theo đoàn chúng tôi và bảo vệ cứ. Chiều hôm sau, anh Ba Mương trúng hỏa tiễn, bị miểng đạn găm vào đầu. Tôi hay tin, chạy về gặp thì anh chỉ kịp nắm tay tôi nói “vĩnh biệt cậu”, rồi trút hơi thở cuối cùng. Đến giờ, tôi vẫn thờ và cúng giỗ vào đúng ngày anh hy sinh”.


Phương án bảo vệ cơ quan
Một cơ quan phải có 2 căn cứ dự trù, khi cần là có thể di chuyển ngay. Phương án bảo vệ lãnh đạo: Luôn vạch sẵn ba phương án 1, 2, 3 phổ biến cho các tổ. Đặc biệt là phải tuyệt đối bảo vệ tài liệu. Tài liệu bỏ vào bòng, người bảo vệ tài liệu phải học cách buộc và mở gút bòng như thế nào thật nhanh, để nếu có chuyện, khi bỏ xe chạy vẫn ôm được bòng theo bên người.

Năm 1978, liệt sĩ Huỳnh Minh Mương được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trước khi làm cận vệ cho đồng chí Võ Văn Kiệt, ông Ba Mương là cận vệ cho đồng chí Nguyễn Văn Linh. Với thân hình cao 1m82, nặng 78 kg, ông Ba Mương nhiều lần dùng thân mình làm hầm sống để bảo vệ đồng chí Nguyễn Văn Linh an toàn.

Ông Trần Thanh Phong, vừa là bảo vệ vừa là người lái xe gắn máy 2 bánh trong nhóm cận vệ của đồng chí Nguyễn Văn Linh, nói: “Làm cận vệ là trong lòng chỉ tâm niệm phải bảo vệ lãnh đạo tuyệt đối, thà mình chết chứ lãnh đạo không được chết, vì đó là những người lãnh đạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cả cơ quan Trung ương Cục miền Nam”.

Một trong những câu chuyện đáng nhớ trong cuộc đời làm cận vệ của ông Trần Thanh Phong là chuyến công tác từ miền Nam ra Hà Nội, đi theo đường mòn Hồ Chí Minh vào tháng 3-1973, do Đoàn 559 (còn gọi là Binh đoàn Trường Sơn) làm giao liên dẫn đường. “Tôi ngồi chung chiếc xe Jeep với đồng chí Nguyễn Văn Linh để bảo vệ. Trong chuyến đi ấy, máy bay C130 của địch liên tục bắn hỏa tiễn tìm diệt. Khi đi ngang qua tỉnh Quảng Bình, tầm 9 giờ sáng mà mây vẫn còn là đà. Đột nhiên, thấy một chiến sĩ của Đoàn 559 lái chiếc xe phía trước lao ra khỏi xe, theo kinh nghiệm, tôi biết là máy bay địch bắn tới. Không nghĩ ngợi gì, tôi nhảy xuống xe, cõng “ông già” (cách gọi về các lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam - PV). Lúc đó tôi chỉ 52 - 53 kg còn “ông già” nặng hơn 60 kg, vậy mà tôi vẫn chạy rất nhanh. Được mười mấy mét, gặp mương nước dọc bên đường, tôi đưa ông già xuống, lấy thân mình đè lên trên làm “hầm sống” che lại. Không làm vậy, nếu “ông già”có chuyện gì, tôi biết ăn nói sao với cách mạng miền Nam” - ông Trần Thanh Phong kể lại.

Không chỉ bảo vệ tính mạng, các cận vệ còn có nhiệm vụ đảm bảo cho cán bộ lãnh đạo có giấc ngủ ngon. Theo lời kể của ông Nguyễn Thanh Hà, công tác tại Đội 1 (đội cảnh vệ trực tiếp), E180 – đơn vị bảo vệ lãnh đạo Trung ương Cục, do làm việc căng thẳng đầu óc nên vào ban đêm, đồng chí Nguyễn Văn Linh rất khó ngủ. Vì vậy các cận vệ có thêm nhiệm vụ đấm bóp cho ông, mỗi ca khoảng một giờ. Có khi đã hết một giờ nhưng thấy lãnh đạo chưa ngủ được, anh em vẫn phải tiếp tục đấm bóp. “Nhiều lúc thấy “ông già” nhắm mắt, tưởng đã ngủ, vừa nhè nhẹ đặt chân xuống giường thì ổng xoay người, thế là lại rút chân lên rồi đấm bóp tiếp. Về sau, bác sĩ Lê Hồng Quang, bác sĩ riêng của “ông già”ø, chỉ cách xoa bóp nên “ông già” dễ ngủ hơn”. Cũng chính vì giấc ngủ của lãnh đạo rất quý nên ban đêm, anh em cận vệ đi chân không chứ không đi dép râu vì sợ gây ra tiếng động sột soạt. Dù bị kiến, bị mối càng cắn nhưng anh em vẫn cố chịu để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của lãnh đạo.


Ông TRẦN HOÀNH, Phó phòng Văn thư - Lưu trữ Trung ương Cục miền Nam:
"Năm 1964, anh Mười Trận, thư ký anh Hai Văn (đồng chí Phan Văn Đáng, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam), chuyển cho tôi bức điện anh Ba Duẩn gửi cho tôi từ Hà Nội: “Anh rất mừng được tin chú thoát khỏi trại giam của giặc và chiến thắng trở về. Mong chú mau hồi phục sức khỏe để công tác tốt”. Tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại những dòng chữ ngắn ngủi ấy để cảm nhận cho hết cái ân tình sâu nặng của anh Ba, một lãnh tụ quan trọng của Đảng với một chiến sĩ bảo vệ bình thường như tôi. Tôi còn sống trở về, anh gọi đó là chiến thắng. Năm 1971, tôi ra Bắc, có dịp đến thăm anh Ba. Tôi vừa xuống xe, đẩy cổng bước vào thì thấy anh Ba đang đợi. Anh ôm chầm lấy tôi: “Chú còn sống. Thế mà sau khi chú bị bắt, anh cứ tưởng địch giết chú rồi”. Tôi ôm anh hồi lâu, nước mắt trào ra lúc nào không biết. Ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh Ba vào Sài Gòn, anh cho gọi tôi đến, hỏi thăm sức khỏe, tình hình gia đình và cuộc sống của mẹ tôi ở quê nhà. Anh còn dặn cấp dưới may cho tôi hai bộ quần áo mới…".
      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Bệnh xá giữa rừng

“Sờ tay vào ngực anh, tôi thấy còn âm ấm. Không thể để mất anh, người đồng đội, đồng chí của mình. Phải có niềm tin là cứu được anh. Chỉ có vậy, chúng tôi nỗ lực và anh đã hồi sinh”. Đó là tâm sự của bà Đặng Thị Xới, nguyên y tá của Bệnh xá Trung ương Cục miền Nam, nơi chăm sóc sức khỏe cho anh em cán bộ chiến sĩ ở R. Chúng tôi đã gặp bà, trong một căn nhà nhỏ bình dị ở quận Tân Phú, TPHCM, nghe bà kể về những năm tháng gian khổ ấy.

Hồi sinh

Vào một ngày tháng 3-1972, ca trực tối ở bệnh xá có 3 người. Một ca bệnh sốt rét là anh Nam công tác tại C21 (bộ phận cơ yếu), bệnh đã trở nặng từ mấy hôm trước. Hôm nay, anh được xác nhận đã ngưng thở. Đồng đội của anh đang đào huyệt ở bìa rừng. Anh em đào xuống một đoạn đụng lớp đá hàn rất cứng nên đành ngưng tay cuốc, phần vì trời đã tối, chờ ngày mai tiếp tục đào.

Tối hôm đó, chúng tôi ra chỗ để thi thể anh Nam. Đụng vào chân tay anh, chúng tôi thấy lạnh ngắt. Nhưng đụng vào ngực anh lại có hơi ấm nhè nhẹ. Tôi xin ý kiến anh Trương Công Lệnh (Năm Lịnh - bệnh xá trưởng) cho phép sử dụng một củ sâm nghiền lấy nước cho anh uống, còn nước còn tát. Lúc đó là 22 giờ. Chúng tôi chưng cách thủy củ sâm chừng 1 giờ, rồi cạy miệng anh Nam đổ vào 1 muỗng cà phê nước sâm. Một nửa muỗng nước tràn ra ngoài, chỉ còn một nửa ở trong miệng. Gần 1 giờ sau, nước sâm ở miệng anh đã không còn, như vậy, anh đã có thể nuốt được ít nước. Cứ thế, chúng tôi đổ thêm một muỗng nữa và chờ thêm một khoảng thời gian, anh lại nuốt tiếp chỗ nước sâm quý giá ấy.

Từ đó, chúng tôi lại cạy miệng, đổ nước sâm cho anh. Đến khoảng 3 giờ sáng, đặt tay lên ngực anh, chúng tôi thấy gợn nhẹ nhịp. Tôi liền tiêm một mũi Adrenaline vào mõm tim, đồng thời sưởi ấm cho anh, dùng khăn nóng xoa bóp chân tay. Đến 4 giờ sáng, nhịp tim anh đập trở lại và kiểm tra mắt có phản xạ. Chúng tôi tiếp tục nỗ lực cứu sống anh. Đến 8 giờ sáng, anh Nam tỉnh hoàn toàn. Tất cả ca trực vỡ òa trong sung sướng, chúng tôi ôm lấy nhau khóc ròng… Hơn nửa tháng sau, anh Nam xuất viện, trở về đơn vị. Khi chia tay, anh siết chặt tay chúng tôi, nghẹn ngào: “Cảm ơn mọi người đã sinh ra tôi lần thứ hai”.



Thủ đô kháng chiến ở miền Nam Images418127_W6a
Các cháu bé được sinh ra tại Bệnh xá Trung ương Cục miền Nam trong những năm gian khó

Năm 1967, trận càn Johnson City ập vào căn cứ. Bệnh xá được chia làm hai cánh, sơ tán khỏi căn cứ. Nhóm chúng tôi gồm 7, 8 người, chịu trách nhiệm đưa một số thương bệnh binh qua biên giới Campuchia. Trong số bệnh nhân nặng có anh Biện, bị xơ gan cổ trướng nặng, vòng bụng lên tới 110cm, nặng 80, 90kg. Mấy giờ băng rừng, anh em chúng tôi thay phiên nhau khiêng cáng oằn vai. 4 người, mỗi đầu cáng 1 nam 1 nữ khiêng anh đến điểm hẹn an toàn. Chúng tôi ai cũng ê ẩm nhưng nhìn đồng đội của mình cầm cự được để băng rừng, ai cũng cảm động.

Về cứ, chúng tôi lập phác đồ điều trị mới cho anh. Chủ yếu là ăn uống kiêng khem, dùng thêm thuốc Nam để chữa trị. Đã nhiều lúc chúng tôi tưởng anh không qua khỏi, nhưng có lẽ tinh thần người cộng sản đã giúp anh trụ vững, bản thân anh cũng kiêng cữ rất nghiêm ngặt nên dần dần bệnh thuyên giảm. Ngày rời bệnh xá, anh còn nói vui với chúng tôi: “Ngày đất nước thống nhất, nếu tất cả chúng ta vẫn còn sống, anh chị em nào chưa có gia đình, tôi sẽ gả anh chị em của mình cho anh chị”. Chúng tôi cười râm ran, cùng hẹn ước dù không rõ, ngày ấy ai còn, ai mất.

Tải muối

18 tuổi, tôi đã vào R, vào làm ở bệnh xá. Trước khi đi học làm y sĩ, y tá, tôi làm chị nuôi, chăm lo bữa ăn cho anh em bệnh nhân và cán bộ bệnh xá. Trước đó, ở nhà, tôi chưa thạo việc, ăn uống, giặt giũ có má và các chị giúp. Nay vào R, phải tự tay mình làm tất cả. Gạo ẩm, khô mục, làm gì để có bữa cơm ngon cho bệnh nhân.

Thế là tôi đem khô ra suối rửa sạch rồi ướp với nhiều xả ớt đem chiên lên. Một phần đem kho với thật nhiều gia vị, ăn chung với bẹ chuối rừng. Anh em bệnh nhân ăn thử, ai cũng khen tôi khéo tay. Mỗi bữa, tôi phải nấu nhiều phần ăn cho từng đối tượng bệnh nhân, có cơm, cơm nhão, cháo, súp, hủ tíu nhưng món nào ra món đó.

Tháng 8-1966, tôi được phân công giữ kho thực phẩm của đơn vị. Hôm đó, khoảng 15 giờ, chị Hoa báo với tôi là chiều nay sẽ hết muối ăn. Lúc đó, mọi người đã đi công tác hết nên tôi quyết định thu xếp công việc, đi tải muối ngay để kịp buổi tối cả bệnh xá có muối ăn. Đường đi từ bệnh xá đến kho muối của C17 khoảng 25 phút đi bộ. Trời mưa tầm tã, lãnh muối xong, một số người khuyên tôi ở lại chờ sáng hôm sau về vì mưa lớn, đường trơn trượt. Nếu tôi ở lại, anh em cả tối nay sẽ ăn nhạt, với những thương bệnh binh, làm sao chịu nổi.

Nghĩ vậy, tôi quyết định đem muối về. Gần đơn vị có một con suối, nước chảy xiết trùm lên cả cây cầu khỉ. Tôi để bao muối 20kg và đôi dép râu vào tấm ni lông, cột chặt rồi đưa lên đầu đội. Tôi leo lên cây cầu trơn trượt, đi rón rén hàng ngang nhích từng chút một. Phía dưới dòng nước chảy xiết cứ chồm lên lặn xuống, muốn cuốn phăng cả cây cầu và tôi xuống dòng nước dữ. Tôi không dám nhìn xuống nữa, mải miết đi…

Qua cầu an toàn, tôi trở về đơn vị vừa kịp chuẩn bị bữa tối. Vừa bước vào bệnh xá, anh Năm Lịnh bắt gặp tôi ướt nhẹp cùng bao muối và đôi dép râu toòng teng trên đầu. Hỏi một hồi, tôi đành phải “khai” ra. Anh Năm nghe xong, thốt lên: “Trời, bay liều như vậy, nhỡ bị nước cuốn trôi thì sao, tao ăn nói sao với ông Mười Lù (chú của bà Xới - PV) bây giờ?”. Nghe tới đây, nước mắt tôi chảy ra giàn giụa, không dám ngước nhìn người đồng đội, người thủ trưởng của mình một phút nào.

Ở lại căn cứ

Đầu tháng 4-1970, bệnh xá có lệnh di chuyển gấp. Bệnh xá có lượng thuốc lớn không thể di chuyển một lần được nên phân công 4 anh chị em ở lại giữ kho thuốc và một số thực phẩm. Theo thông báo, sau một tuần, khi cơ quan ổn định, sẽ quay về đem thuốc và đón chúng tôi đi.

Chúng tôi ở lại, hàng ngày theo dõi chống mốc, chống ẩm cho thuốc và sắp xếp thuốc vào từng thùng cho xuống hầm, sẵn sàng chuyển đi khi cần. Chờ hết tuần này qua tuần khác, rồi cả tháng trôi qua mà không có một chút tin tức. Lương thực hết sạch. Chúng tôi ngâm trái lười ươi rồi thắng với đường uống. Hết đường, chúng tôi chuyển qua uống lười ươi với muối để cầm hơi.

Sáng một ngày tháng 5-1970, một bầy trực thăng đến quần thảo khu vực căn cứ rừng Buông. Lúc đầu chúng còn bay cao, về sau chúng quần sát ngọn cây, bắn hết đợt đại liên này đến đợt súng khác. Đến gần 15 giờ, chúng đổ gần cả tiểu đoàn ở ngoài trảng giữa C13, C17 và C18. Lúc đầu, cả 4 chúng tôi cùng ngồi chung một hầm, sau đó chia ra, mỗi người ngồi một hầm để lỡ người này hy sinh còn người khác sống để báo cáo đơn vị.

Điều kỳ diệu xảy ra khi dưới làn mưa đạn, bom B52, cả 4 người chúng tôi đều không hề hấn gì. Kể cả khi bọn địch đổ quân bố ráp, cách nơi trú ẩn của chúng tôi đến cả trăm mét. Mấy ngày liên tục, đợi đến khuya, chúng tôi lại đội hầm lên, kiếm nước uống để cầm cự. Chúng tôi phải bám trụ, vì còn kho thuốc. Người còn, thuốc còn, người mất thuốc mất. Ở rừng, thuốc quý giá vô cùng.

Sau đó mấy hôm, có Bệnh viện K71 chuyển thương bệnh binh đến C17 trú ẩn. Gặp anh chị em, chúng tôi mừng chảy nước mắt. Qua đó, chúng tôi bắt liên lạc với bệnh xá để chờ ngày chuyển thuốc đi. Nhưng sau đó chừng 3 - 4 ngày, các đồng chí ở K71 cho biết sắp có trận càn lớn vào căn cứ và đề nghị chúng tôi di tản theo đoàn. Vậy là chúng tôi nghi trang 2 hầm thuốc, theo đoàn thương binh ra khỏi căn cứ. Đúng như thông báo trước, địch tổ chức trận càn lớn ở căn cứ… Khi chúng tôi về đến đơn vị, đồng đội mừng trong nước mắt vì tưởng chúng tôi đã chết hết. Mọi người đang chuẩn bị làm lễ truy điệu và báo tin về gia đình…




Năm 2004, trong một lần trở lại Campuchia tìm hài cốt đồng đội, khi đang trên chiếc xe chuẩn bị rời phum vào rừng, bà Đặng Thị Xới chợt nhìn thấy một phụ nữ người bản địa cứ nhìn mình chằm chằm. Rồi người phụ nữ ấy rẽ đám đông, đến ôm cứng lấy vai bà khóc rưng rức.

Bà Xới không hiểu người phụ nữ đó là ai và nói gì. Đến giờ xe chuyển bánh, bà lên xe đi tiếp. Đến tối, trở về phum, bà Hoa, một đồng đội đi tìm hài cốt chung ở lại phum coi sóc chuyện cơm nước cho đoàn mới nói với bà: “Bộ mày không biết bà hồi sáng hả? Bả nói với tao là lúc trước, mày từng đỡ đẻ cho bả. Bả tưởng chết rồi, ai ngờ được bộ đội Việt Nam, trong đó có mày cứu sống, mẹ tròn con vuông”. Nghe tới đó, bà Xới nhớ ra.

Năm 1972, khi đang đóng quân ở Campuchia, một bữa, trạm xá được tin báo có một ca đẻ khó ở phum. Bà và đồng đội tìm ra. Đó là một thai nhi bị nhau quấn cổ hai vòng, sản phụ vỡ ối từ sáng sớm nhưng vẫn không đẻ được, tim thai đã yếu lắm rồi. Người dân địa phương chỉ biết bày lễ cúng mà không biết nên làm gì. Lanh trí, bà Xới tìm về trạm xá, lấy một chai nước biển. Bà dốc một nửa vào cửa mình sản phụ, phần còn lại, bà truyền dịch. Đứa bé được lôi ra dễ dàng nhưng tím tái, ngưng thở. Bà Xới liền kề miệng vào miệng đứa nhỏ, hút đờm dãi trong miệng bé ra. Đứa bé thở trở lại, ai cũng vui mừng khôn xiết.
      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Những “ông già” nghiêm khắc, nghĩa tình

Ở Trung ương Cục miền Nam, mỗi vị lãnh đạo có quan điểm trong công việc, phong cách lãnh đạo khác nhau nhưng đều là những tấm gương về tính kỷ luật, sự bình dị và lòng nhân hậu. Chúng tôi đã ghi lại mẩu chuyện về những vị lãnh đạo nghiêm khắc, nghĩa tình theo lời kể của ông Tô Bửu Giám, nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Cục miền Nam và bà Đặng Hồng Nhựt, nguyên nhân viên Văn phòng Trung ương Cục miền Nam.

Chính xác, bình dị

Ở Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi thường gọi các đồng chí lãnh đạo bằng bí danh nhưng tên gọi thân thương nhất, hay được dùng nhất vẫn là “ông già”, chẳng hạn như “ông già” Mười (tức Mười Cúc, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ tháng 10-1961 đến tháng 10-1964), “ông già” Sáu (tức Sáu Di, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ tháng 10-1964 đến tháng 7-1967), “ông già” Bảy (tức Bảy Hồng, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ tháng 8-1967 đến tháng 4-1975).

Phong cách làm việc của “ông già” Sáu rất quân sự, mọi việc đều phải chính xác. Ngoài việc buổi sáng nghe báo cáo tổng hợp tin tức qua các đài phát thanh trong nước và nước ngoài, “ông già” Sáu phân công cho tôi, Tô Bửu Giám, nhiệm vụ tổng hợp và báo cáo tin tức vào 21 giờ đêm.

Một buổi tối, anh Hai Đức được phân công theo dõi Đài BBC báo cho tôi biết: Thủ tướng Anh Wilson sang New York gặp Tổng thống Mỹ Nixon. Báo cáo cho “ông già” Sáu xong, tôi về nghe lại tin thì không phải là Thủ tướng Wilson sang New York mà là gọi điện thoại cho Tổng thống Nixon. Sáng hôm sau, không chờ đến 7 giờ, tôi tức tốc đến đính chính tin báo sai hôm qua.

“Ông già” Sáu nổi nóng thật sự và nghiêm khắc phê phán: “Sao đồng chí vô trách nhiệm thế! Đêm qua tôi ngủ không được, suy nghĩ sao Wilson phải bay sang Mỹ bàn về vấn đề Việt Nam với Nixon. Ông ta gọi điện khác hẳn với việc trực tiếp bay đến gặp Nixon chớ. Dù là báo cáo tin qua nghe đài cũng phải có trách nhiệm”. Tất nhiên, là người có lỗi, tôi nhận thiếu sót và về báo cáo lại cho các đồng nghiệp với lời năn nỉ thiết tha: “Sau này các bác chịu khó nghe kỹ, báo cáo chính xác giúp cho, kẻo lần sau…”. Anh Hai Đức, “thủ phạm” chính, cười như mếu, thanh minh: “Cái đài mắc dịch của mình cứ rè rè khó nghe quá!”. Tất cả cười xòa nhưng cùng nhận thức được sâu sắc trách nhiệm của cán bộ tiếp cận lãnh đạo là phải hết sức cẩn trọng với báo cáo của mình.

“Căn cứ an toàn nhất là lòng dân” - “ông già” Mười vẫn thường nhắc chúng tôi như vậy. Ông cho rằng rừng cây, địa hình hiểm trở, hầm bí mật… có thể che mắt quân thù nhưng vẫn là vật chết; con người mới là vốn sống. Nhân dân đã hiểu rất rõ cách mạng sẽ sẵn sàng chết để bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ. Vì vậy muốn tự bảo vệ, cách hay nhất không phải là sống tách biệt với nhân dân mà phải sống có tình nghĩa trong lòng nhân dân. Cũng chính từ quan điểm này, “ông già” Mười không thích phô trương hình thức, đi đâu cũng chỉ có vài đồng chí bảo vệ. Khi đi chiến trường, “ông già” không chịu để anh em tổ chức trung đội bảo vệ cùng đi mà chỉ nói anh em bố trí chốt chặn ở những nơi nguy hiểm. Về sau này, trong thời bình, tư tưởng ấy của ông càng được thể hiện rõ. Đi công tác xa, ông chủ trương không có xe “tiền hô hậu ủng”, hụ còi để các phương tiện khác né tránh, nhường đường; không đi máy bay chuyên cơ mà đi chung với hành khách. Ông bảo, như thế vừa đỡ lãng phí tiền của nhà nước, công sức của lực lượng công an theo bảo vệ, vừa không làm phiền dân, tạo sự tách biệt giữa cán bộ lãnh đạo với nhân dân.

Quan tâm, đồng cảm

Nhìn bề ngoài, nhiều người chưa từng sống chung nghĩ rằng “ông già” Bảy rất nghiêm khắc nhưng thật sự ông sống rất tình cảm, luôn lo cho anh chị em hơn bản thân mình. Trong thời gian công tác ở Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, tôi luôn nghe ông dặn dò anh em và các bác sĩ tiếp cận chăm sóc sức khỏe các đồng chí lớn tuổi như anh Mười (Nguyễn Văn Linh), anh Hai Văn (Phan Văn Đáng, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam), anh Năm Nga (Trần Nam Trung, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam), anh Tư Thường (Phạm Văn Xô, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam)… Có ai gửi gì bồi dưỡng cho ông, ông đều bảo mang đến cho các anh ấy vì cho rằng các anh ấy cần hơn. Khi biết anh Ba Bình (Phạm Thái Bường, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam) bị xơ gan, “ông già” Bảy rất lo, thường hỏi thăm, nhắc các đồng chí trong Ban Bảo vệ sức khỏe mời các bác sĩ giỏi nhất ở Ban Dân y miền, Ban Quân y đến hội chẩn và ra phác đồ điều trị với lời dặn rất tha thiết: “Thuốc gì quý nhất cần cho anh Ba, dù tốn bao nhiêu cũng phải mua, khó cách mấy cũng phải tìm để trị cho anh ấy”. Những thuốc đặc trị bồi dưỡng Trung ương gửi cho ông như Moriamine forte (viên và ống tiêm), sâm Cao Ly loại tốt, ông đều bảo các bác sĩ ở văn phòng phân phát cho các đồng chí trong cơ quan đau yếu tiêm, uống để mau hồi phục sức khỏe.

Đối với các đồng chí ở chiến trường về, “ông già” Bảy đều nhắc văn phòng đưa các anh chị ấy đi khám bệnh, làm răng, cung cấp thuốc men đầy đủ. Là lãnh đạo nhưng ông sống rất chan hòa, quan tâm đến từng người. Khi chị Nguyễn Thị Một ở tù về, ngoài việc dặn anh chị em bồi dưỡng chu đáo, ông còn biếu chị một chiếc radio mà Đảng Cộng sản Nhật Bản tặng nhưng vì sợ chị ngại nên anh bảo Trung ương Cục tặng chị. Hay một lần, khi chị Nguyễn Thị Được qua Trung ương Cục làm việc, ông dặn anh em bảo vệ hái khế ngọt đem biếu các chị em trong đơn vị vì biết mọi người thường thèm chua ngọt. Có thể nói không quá đáng rằng “ông già” Bảy là học trò tốt của Bác Hồ, luôn biết “lo cho tất cả, chỉ quên mình”.

Thủ đô kháng chiến ở miền Nam Images418223_Pham-Hung
Đồng chí Phạm Hùng (ngồi, bìa phải) trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh

“Ông già” Sáu (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) tuy nghiêm khắc nhưng cũng rất nghĩa tình. Có lần, trên đường đi công tác ở tỉnh, ô tô bị hư phải dừng lại sửa, ông xuống xe đi bách bộ, ngắm nhìn đồng lúa và cuộc sống của nông dân. Tình cờ, ông đi gần, nghe chuyện một đôi vợ chồng bộ đội trên đường, biết họ mới cưới nhau. Tiễn chồng trở về đơn vị, chị vợ nói: “Vợ chồng mình mới cưới mà chỉ có mấy ngày phép, ước gì mình có thêm vài ngày phép nữa để vợ chồng được sống bên nhau lâu hơn”. Anh chồng trả lời: “Anh còn mong ước nhiều hơn em nhưng anh không thể trễ phép, kỷ luật quân sự thời chiến mà em”. “Ông già” Sáu thấy thương họ quá, liền gọi hai vợ chồng người lính trẻ lại hỏi: “Cậu có thích được nghỉ phép thêm nữa không? Tôi sẽ tặng cho cậu thêm một tuần phép nữa”, sau đó ông trở lại xe lấy giấy viết có tiêu đề của Tổng cục Chính trị, hỏi tên anh bộ đội và viết ngay lệnh cho thêm 7 ngày phép. Lúc này, anh lính mới mừng quýnh, dập chân chào đại tướng và cảm ơn rối rít, cô vợ trẻ reo lên sung sướng rồi quay gót trở về. Câu chuyện ấy đã cho chúng tôi bài học về đức tính quan tâm đến người khác, kể cả những người có vẻ như chẳng liên quan gì đến mình và cách giải quyết nhạy bén, khen thưởng, động viên kịp thời, đúng lúc đối với người lính trẻ có tính kỷ luật cao.


Bộ phận cơ yếu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ
Trong bài viết “Bí mật bạch chỉ” đăng trên số báo ngày 22-4 có câu: “Trước đó, mệnh lệnh, chỉ thị của Trung ương Cục, Quân ủy Miền qua cơ yếu, bộ phận điện đài của địch hầu như giải mã được hết, chỉ có bạch chỉ là an toàn và chưa bao giờ bị lộ”. Qua thực tế hoạt động từ khi thành lập, khối cơ yếu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, là một phần trong truyền thống vinh quang của Văn phòng Trung ương Cục miền Nam. Khối cơ yếu đã góp phần đảm bảo chuyển thông tin chính xác, kịp thời, không để đường dây giữa Trung ương Đảng và Trung ương Cục, giữa Trung ương Cục với các khu, tỉnh, ban, ngành, đơn vị chiến đấu bị đứt đoạn. Với nguyên tắc hoạt động bí mật “sống để bụng, chết mang theo, nếu còn sống thì Đảng cho nói mới được nói”, các cán bộ cơ yếu luôn kiên trung, bất khuất, dẫu lọt vào tay địch vẫn không khai. Tuy nhiên, thông tin do bộ phận điện đài phát đi qua một thời gian có khả năng bị địch giải mã, do vậy để đảm bảo bí mật, khối cơ yếu thường thay đổi mật mã để tránh bị địch phát hiện”.

Báo SGGP xin nói rõ để bạn đọc hiểu thêm.
      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Vững vàng trong gian khó

Ngày 26-4, tại Hội trường TPHCM, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Văn phòng Trung ương Cục miền Nam và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong quá trình vừa xây dựng và bảo vệ căn cứ Trung ương Cục, vừa phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục, dù gặp bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, dù chiến trường chia cắt, bom đạn ác liệt, trong rừng sâu hay những cuộc hành quân, di chuyển khẩn cấp rời căn cứ… cán bộ, nhân viên và chiến sĩ Văn phòng Trung ương Cục miền Nam không chỉ đổ mồ hôi, mà còn đổ cả xương máu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

1. Sau một thời gian chuẩn bị, đầu tháng 10-1961, Hội nghị lần thứ nhất chính thức thành lập Trung ương Cục miền Nam đã được tổ chức. Lễ công bố quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam được tổ chức long trọng tại Mã Đà, căn cứ đóng tại Suối Nhung (chiến khu Đ), tỉnh Đồng Nai.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng trong đó có Văn phòng Trung ương Cục miền Nam cũng đã được thành lập, là sự kế tục và phát triển của Văn phòng Xứ ủy Nam bộ thời kỳ 1954 - 1961 để phục vụ Trung ương Cục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn miền Nam và sau này trên chiến trường Nam bộ và khu VI theo nghị quyết Trung ương.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước phát triển với quy mô và cường độ ngày càng rộng lớn và quyết liệt, hoạt động của Văn phòng Trung ương Cục cũng không ngừng được mở rộng và phát triển về mọi mặt từ chất lượng đến quy mô và phạm vi, luôn bám sát với nhiệm vụ cách mạng, phương thức hoạt động và tổ chức của Trung ương Cục.

Để có điều kiện chỉ đạo sát tình hình phong trào đang đồng khởi, Trung ương Cục quyết định dời căn cứ từ Mã Đà về Bắc Tây Ninh. Về địa điểm mới, Văn phòng đã khẩn trương ổn định các điều kiện vật chất, giúp Trung ương Cục nhanh chóng tập trung chỉ đạo triển khai tổ chức, thực hiện nghị quyết của Trung ương Cục ở các địa phương và lực lượng vũ trang, đồng thời giúp tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tháng 2-1962.

Thời gian tiếp theo, khu vực có căn cứ của Trung ương Cục bị địch mở nhiều cuộc càn quét, đánh phá. Cơ quan Trung ương Cục được dời về chảng Riệc, đến tháng 10-1967 lại dời về rừng Le. Tại đây, Văn phòng phục vụ Trung ương Cục chỉ đạo cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân.

Tháng 2-1969, địch dùng máy bay trực thăng đổ biệt kích gần rừng Le, căn cứ lập tức được di chuyển an toàn về căn cứ dự bị tại rừng Buôn và sau đó cơ quan phải di chuyển liên tục để tránh sự truy quét của địch ở khu vực biên giới trên đất ta và đất bạn. Đến tháng 2-1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đã tổ chức đưa các đồng chí lãnh đạo và toàn bộ cơ quan Trung ương Cục về căn cứ mới tại khu vực chảng Riệc.

Thủ đô kháng chiến ở miền Nam Images418349_Y6b
Ban lãnh đạo Văn phòng Trung ương Cục, từ trái qua: Châu Quốc Tuấn (Ba Kiếng), Phạm Ngọc Lân (Mười Tê), Tô Bửu Giám (Năm Giám)

2. Sau khi trở về căn cứ trên đất ta, cách mạng thắng lợi dồn dập, căn cứ ngày càng ổn định, tình hình mọi mặt của Văn phòng Trung ương Cục ngày càng được cải thiện, cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ hơn. Đây là giai đoạn giành toàn thắng cho cuộc kháng chiến nên công việc của văn phòng hết sức nặng nề và khẩn trương. Cán bộ, nhân viên và chiến sĩ đều hồ hởi, phấn khởi dốc hết tâm lực cho công tác.

Văn phòng Trung ương Cục vừa xây dựng căn cứ, vừa tập trung phục vụ Trung ương Cục hoàn thành nhiều công việc từ triển khai kế hoạch đối phó với địch phá hoại Hiệp định Paris đến phục vụ liên tiếp các hội nghị của Trung ương Cục, đặc biệt là phục vụ Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lãnh đạo giải phóng Sài Gòn và kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hoạt động thông tin, liên lạc với Trung ương Đảng luôn được bảo đảm an toàn, thông suốt; thông tin kịp thời về tình hình phát triển của cách mạng miền Nam, nhận sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, đồng thời làm đầu mối, trung tâm liên kết các cơ quan, ban ngành, đoàn thể Mặt trận và Quân ủy Miền, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục kịp thời đến các cấp trong toàn miền.

Trong điều kiện khốc liệt của chiến tranh, đã sáng tạo ra nhiều cách thức rất linh hoạt như viết bạch chỉ, đưa tài liệu theo đường giao liên công khai, hợp pháp hay qua điện đài, cơ yếu… bảo đảm các báo cáo tình hình, chủ trương, chỉ thị của trên được đưa tới địa chỉ nhận an toàn và đúng thời gian quy định. Nhiều lúc phải tiến hành trong trường hợp vừa di chuyển vừa làm việc, dưới làn đạn bom và các phương tiện kỹ thuật của địch dõi theo, tìm mọi cách để phá hoại, truy diệt hoặc vừa đào hầm hào vừa kết hợp vào mã dịch, đánh máy, phát hành tài liệu, văn bản.

Năm 1970, khu vực điện đài trong căn cứ bị trúng bom B52, sau khi khẩn trương khắc phục hậu quả, ăng - ten nhanh chóng được dựng lên và các máy tiếp tục vào chế độ làm việc ngay gần ngôi mộ mới đắp của đồng chí đài trưởng Mã Văn Lâm vừa hy sinh.

Bảo vệ, kịp thời di chuyển và xây dựng căn cứ trước sự truy quét, đánh phá ác liệt của kẻ địch, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục trên chiến trường (ở căn cứ cũng như quá trình đi công tác tới cơ sở), bảo đảm không có một đồng chí nào bị địch bắt hay hy sinh cho dù đây là chiến trường ác liệt, tất cả các căn cứ của ta đều nằm trong tầm bom pháo của Mỹ - ngụy.

Là địa bàn bị địch tiến hành nhiều cuộc càn quét có quy mô lớn, sau khi đưa quân Mỹ vào miền Nam, địch đã mở nhiều cuộc hành quân, càn quét lớn vào khu căn cứ, nhất là cuộc càn Junction City (1967) và cuộc hành quân vượt biên giới Campuchia (1970), tuy nhiên, văn phòng và các bộ phận đơn vị đã có kế hoạch chủ động tổ chức và đối phó tốt. Các lực lượng bảo vệ cũng như đông đảo cán bộ, nhân viên, chiến sĩ được tổ chức chặt chẽ thành khối sức mạnh tổng hợp, đánh địch từ nhiều tuyến, nhiều tầng, từ nhiều phía, bằng nhiều cách từ trong ra ngoài. Kết quả đã làm thất bại các cuộc hành quân của địch, gây cho chúng tổn thất nặng nề, đồng thời bảo vệ an toàn tuyệt đối cán bộ lãnh đạo và cơ quan Trung ương Cục.

Cán bộ Văn phòng Trung ương Cục tích cực nghiên cứu, thường xuyên chia nhau xuống chiến trường, nắm bắt tình hình thực tế bằng mắt thấy, tai nghe; tổng hợp, phân tích đánh giá đúng thực trạng, dự báo sát đúng diễn biến tình hình địch - ta trong thời gian tới, đề xuất những ý kiến kịp thời, nhờ đó đã góp phần thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Trung ương Cục có những quyết sách, chủ trương đúng đắn trong lãnh đạo chiến tranh theo yêu cầu ngày càng cao của chiến tranh cách mạng.

Thủ đô kháng chiến ở miền Nam Images418390_Y1a
Đoàn Trung ương cục miền Nam trên đường ra Bắc, đang nghe báo cáo tình hình Quảng Trị sau 27-1-1973. Ảnh: TƯ LIỆU

Bộ phận nghiên cứu đã góp phần chủ yếu cùng các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung các hội nghị của Trung ương Cục và Thường vụ Trung ương Cục, nhất là đã phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan tham mưu của Quân ủy Miền. Việc bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất cho công tác và sinh hoạt của cơ quan Trung ương Cục, nhất là phục vụ nhu cầu về ăn mặc, ở, đi lại và chăm sóc y tế cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục được tổ chức tận tình và chu đáo trong mọi điều kiện. Kho trung chuyển thường được dự trữ hàng ngàn tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác. Việc tổ chức khai thác nguồn nhu yếu phẩm được tổ chức theo nhiều kênh rất linh hoạt kết hợp với đẩy mạnh sản xuất tăng gia tại chỗ.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã trực tiếp lãnh đạo quân và dân miền Nam đoàn kết một lòng, liên tiếp đánh bại các âm mưu chiến lược của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, đấu tranh cùng quân và dân cả nước giành thắng lợi hoàn toàn bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sự trưởng thành, tiến bộ với nhiều thành tích xuất sắc trên các mặt công tác của Văn phòng Trung ương Cục miền Nam đã góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn và vẻ vang của dân tộc. Văn phòng Trung ương Cục miền Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh…

Cán bộ chiến sĩ Văn phòng Trung ương Cục không bao giờ quên những anh chị, đồng chí thân thiết từng chia ngọt sẻ bùi, chung lưng đấu cật, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các đồng chí: Lê Vụ (Bảy Thành), Nguyễn Phụng Minh (Bảy An), Châu Quốc Tuấn (Ba Kiếng), Nguyễn Văn Đậu (Bảy Xuội), Nguyễn Văn Đốc (Hai Đạt), Nguyễn Văn Sáu (Sáu Bằng), Phạm Ngọc Lân (Mười Tê), Vũ Đức (Tám Nhân) và nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ khác của Văn phòng Trung ương Cục miền Nam đã ra đi, nhưng hình ảnh và tình cảm của họ vẫn được lưu giữ mãi trong tâm khảm những người ở lại.

Ngay sau khi Sài Gòn được giải phóng, bộ phận tiền trạm Văn phòng Trung ương Cục đã sớm đi bố trí địa điểm cho văn phòng ở TP, tiếp đó chỉ đạo các bộ phận tổ chức di chuyển cơ quan về Học viện Cảnh sát quốc gia (ngụy) ở Thủ Đức, sau đó chuyển vào TP thành Ban đại diện Đảng và Chính phủ tại miền Nam cho đến khi kết thúc nhiệm vụ.
TÔ BỬU GIÁM - Nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Cục miền Nam
      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất