Trong một bài viết trước đây, chúng ta điểm qua những chiếc xe tăng hàng đầu thế giới. Chúng được trang bị công nghệ tiên tiến, hỏa lực mạnh mẽ và đặc biệt là những lớp áo giáp vô cùng kiên cố, khiến những chiếc xe tăng này trở thành vô địch trên chiến trường mặt đất. Tuy nhiên vỏ quýt dày có móng tay nhọn, các loại vũ khí chống tăng cũng được các nước liên tục nghiên cứu và phát triển để có thể hạ gục những chiếc xe tăng cứng đầu nhất của quân thù. Trong loạt bài viết mới này, chúng ta sẽ cùng điểm qua những vũ khí chống tăng hiệu quả nhất từ trước đên nay.
RPG 7
Nhắc đến sát thủ diệt tăng thì không thể không nhắc đến huyền thoại RPG 7, một loại súng chống tăng không giật dùng cá nhân của Liên Xô, còn được gọi tại Việt Nam là B41. RPG-7 được đưa vào trang bị năm 1959, phiên bản của Liên Xô sử dụng trong thời này còn được gọi là RPG-7V do sử dụng đạn PG-7V . RPG 7 được đánh giá là dòng súng chống tăng RPG hiệu quả nhất từ trước tới nay, hiện tại vẫn được sử dụng bởi nhiều quốc gia trên thế giới và các nhóm nổi dậy, khủng bố.
RPG 7 sử dụng các loại đạn PG-7 , sau đó có các đạn PG-7V , PG-7VM , PG-7VL , PG-7VR , TBG-7V là các đạn xuyên phá (HEAT). Đạn OG-7 , OG-7A nổ phá sát thương ( APER , nhưng phương Tây thường cho là đạn HE . APER là đạn nhồi một ít thuốc nổ mạnh, chủ yếu khối lượng là mảnh sát thương, còn HE là đạn nhiều thuốc nổ để phá công trình). Ngoài ra còn có đạn cháy, đạn khói. Có đường kính trong 40 mm, cỡ đạn to hơn cỡ nòng , đạn chỉ nhồi chuôi vào nòng súng.
Cho đến khi nó được thay thế ở Liên Xô vào thập niên 198x thì không một xe tăng nào của NATO chống lại được nó, kể cả các xe tăng hạng nặng. Các xe tăng phổ biến của Mỹ hiện nay như M1A1 , M1A2 chỉ đỡ được đạn RPG 7 thường PG-7V ở một vài điểm trên mặt trước, chưa tính đến đạn hạng nặng 105mm PG-7VR. Còn hai sườn và phía sau thì thậm chí đạn RPG 7 bị kích nổ sớm cũng làm bục. Trước đây, Đức thiết kế cho Mỹ xe MBT-70 khá tốt, với các thiết bị bố trí khéo léo thành giáp hộp chống đỡ B-41 khá hiệu quả. Nhưng giá thành đắt và Mỹ thiết kế lại thành M1, thay giáp đúc bằng giáp hàn và bỏ các giáp hộp phụ đi. Phần chống đỡ B41 khá tốt của M1 là xích với giáp diềm dày 70mm. Tuy nhiên khi bị RPG 7 bắn trúng xích, mặc dù xe không bị cháy ngay nhưng đứt xích đứng yên rất dễ bị bắn tiếp.
Giáp hộp được thiết kế cho xe tăng Liên Xô từ T-64, nó cũng không dùng giáp hộp rỗng mà điền đầy khoảng trống bằng vật liệu composite đặc biệt, gồm nhựa và thép. Tuy nhiên, T-64 khá nhẹ. T-72 có các góc nghiêng tốt, giáp dày... và sau này lắp thêm các phương tiện khác như ERA, APS nên chống đỡ đạn B41 tốt. Kết quả được thể hiện rõ trong các chiến tranh Afghan và Chechnya, rất ít xe thế hệ T-72 hoặc T-80 cháy, kể cả khi quân Chechnya bắn cấp tập. Trong chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, quân Nga thua rút lui, thiệt hại 62 xe tăng các loại, nhưng chỉ một chiếc T-80 có ERA bị bắn hỏng khi trúng liên tiếp nhiều quả đạn, làm bong hết ERA. B41 cũng có những phiên bản đạn hạng nặng 105mm tăng sức xuyên, nhưng bù lại tầm bắn quá gần do đạn nặng hơn.
Mặc dù chỉ có tầm bắn hiệu quả dưới 300m, độ chính xác không cao nhưng RPG 7 vẫn được đánh giá là một trong những vũ khí chống tăng hiệu quả nhất hiện nay. Thiết kế đơn giản, chi phí thấp và đem lại hỏa lực mạnh mẽ đã khiến RPG 7 trở thành sát thủ chống tăng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
9M123 Khrizantema
9M123 Khrizantema là một tổ hợp tên lửa chống tăng hiện đại của Nga . Khrizantema được thiết kế nhằm tiêu diệt các loại xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ hiện nay và tương lai, như M1A2 và Leopard 2 , và cũng có thể tiêu diệt các mục tiêu bay chậm và thấp như trực thăng. Tên lửa có tên định danh là 9M123 và tên ký hiệu NATO AT-15 Springer. Tên lửa chống tăng Khrizantema được KBM - Văn phòng Thiết kế Kỹ thuậ) giới thiệu vào tháng 7-1996. Tên lửa được phát triển vào thập niên 1980 và được thiết kế như một tổ hợp tên lửa đa năng, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có thể tiêu diệt các loại phương tiện bọc giáp chẳng hạn như các loại xe tăng trang bị giáp phòng vệ tích cực ( ERA ).
Đạn tên lửa 9M123 bay với vận tốc siêu âm, vận tốc trung bình đạt 400 m/s hay Mach 1.2 và có tầm bắn từ 400 đến 6000 mét. Đạn được đẩy đi bởi một động cơ phản lực nhiên liệu rắn với hai ống xả ở mỗi bên của tên lửa. Khrizantema là loại tên lửa duy nhất trong số những tên lửa chống tăng dẫn đường của Nga có thể được dẫn đường bằng laser hoặc radar tùy thuộc vào từng phiên bản. Chế độ dẫn đường bằng radar sử dụng kiểu truyền lệnh điều khiển bằng vô tuyến và một radar loại sóng milimet để bám mục tiêu và đạn tên lửa, điều này cho phép tên lửa tiêu diệt mục tiêu hoàn toàn tự động. Khi dẫn đường sử dụng laser, các mục tiêu phải được liên tục chiếu tia, một cảm biến ở phía sau cho phép tên lửa bay theo tia laser chiếu trên mục tiêu, đây là hệ thống dẫn hướng SACLOS . Hệ thống dẫn hướng cho phép hai tên lửa có thể bắn vào hai mục tiêu khác nhau cùng một lúc với một tên lửa dẫn hướng bằng laser và tên lửa còn lại dẫn hướng bằng radar. Mỗi tên lửa mang một đầu đạn liều nổ kép HEAT có khả năng xuyên giáp RHA là 1100–1250 mm ở sau giáp ERA, ngoài ra tên lửa cũng có thể dùng loại đầu nổ nhiệt áp nhằm tiêu diệt các mục tiêu như công sự và binh lực đối phương.
Khrizantema dùng nhiều loại đạn gồm: Đạn 9M123 và 9M123-2 là các loại tiêu chuẩn với đầu đạn chống tăng liều nổ kép chuyên dùng để phá giáp phản ứng nổ ERA. Sự khác biệt duy nhất giữa những tên lửa này là 9M123 được điều khiển bằng laser bán tự động, còn 9M123-2 được điều khiển bằng radar. Hệ thống 9P157-2 mang được 15 đạn tên lửa. Các nhà sản xuất cũng khẳng định rằng đầu đạn của 2 loại tên lửa này có khả năng xuyên giáp RHA từ 1.100 đến 1.200mm. Nó có thể tiêu diệt được những thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhất như M1A2 Abrams và Leopard 2A6. Đạn 9M123F và 9M123F-2 với đầu đạn nhiệt áp, sử dụng để công phá các tòa nhà kiên cố, xe bọc thép hạng nhẹ và các ổ đề kháng của bộ binh địch đang cố thủ.
AGM-114 Hellfire
AGM-114 Hellfire (lửa địa ngục) là một tên lửa không-đối-đất - Đất đối đất đa nhiệm vụ, đa mục tiêu, dẫn hướng bằng laser được Mỹ sử dụng. Nó được trang bị trên các trực thăng Mỹ là chủ yếu. AGM-114 có thể chống lại xe tăng và các xe bọc thép. Nó cũng có thể làm tên lửa đất-đối-đất .Loại tên lửa này được quân đội Hoa Kì sử dụng từ năm 1974.
Hellfire là một hệ thống vũ khí toàn diện, có thể triển khai từ các máy bay trực thăng, tàu chiến và các hệ thống trên mặt đất. Mỗi Hellfire nặng 47 kg, trong đó có 9 kg đầu đạn và có tầm bắn 8.000 m, tốc độ tên lửa 1500 km/h. Sử dụng hệ thống laser bán chủ động và sóng radar dẫn đường. Hệ thống laser có thể được chiếu từ máy bay trực thăng và dẫn đường cho tên lửa đến mục tiêu, hoặc tên lửa sẽ được trang bị hệ thống phát sóng radar giúp nó tự tìm đến mục tiêu sau khi được khai hỏa, thậm chí nó có thể khóa mục tiêu cố định giúp đạt độ chính xác rất cao.
Biến thể mới nhất được sử dụng rộng rãi hiện nay là Hellfire AGM-114R Các chuyên gia Mỹ cho rằng, trong tương lai gần AGM-114R Hellfire sẽ là “khắc tinh” của các phương tiện tác chiến bọc thép mặt đất hạng nặng vì nó có khả năng trang bị mọi loại đầu đạn khác nhau tương ứng với từng mục tiêu khác nhau cần tiêu diệt. Tên lửa chống tăng loại này có thể được phóng từ tầm cao lớn để tăng góc va chạm với mục tiêu, tăng hiệu quả tiêu diệt cũng như mở rộng khả năng ứng dụng phương án tác chiến và góp phần làm giảm khả năng phát hiện của các phương tiện tác chiến của đối phương. Về mặt lý thuyết, tên lửa chống tăng có điều khiển Hellfire của Mỹ có khả năng tiêu diệt mọi loại xe tăng hiện đại nhất hiện nay, song chi phí sử dụng nó có thể đắt gấp vài lần chiếc xe tăng bị nó tiêu diệt.
Spike NLOS
Quân đội Israel có một loại vũ khí chống tăng hiện đại do Hãng Rafael nghiên cứu, chế tạo mà trong suốt một thời gian dài không ai biết, kể cả Mỹ. Đó chính là tên lửa chống tăng có điều khiển Spike NLOS, biến thể mới nhất thuộc dòng tên lửa Spike hiện đang có mặt trong biên chế của nhiều quốc gia trên thế giới. Khác với các tên lửa cùng lớp thế hệ trước, Spike NLOS (Non Line Of Sight) không được giới thiệu rộng rãi trong triển lãm vũ khí mặc dù đã xuất xưởng từ vài năm trước.
Spike NLOS lần đầu tiên được thử nghiệm trong điều kiện tác chiến vào năm 2006 khi diễn ra chiến tranh Lebanon lần hai. Khi đó, Spike NLOS đã được sử dụng để tiêu diệt nhóm các tay súng Hezbollah.
Theo tuyên bố của các nhà chế tạo, Spike NLOS là hệ thống tên lửa điện quang đa năng, đa dụng, có thể ứng dụng trên nhiều phương tiện tác chiến khác nhau (trên bộ, trên không, trên biển). Tên lửa loại này có bán kính hoạt động 25 km, trọng lượng 71 kg, rất nhẹ mà giá thành lại rẻ cả trong bảo dưỡng lẫn khai thác, sử dụng nên vừa mới xuất hiện trên thị trường vũ khí thế giới đã được nhiều quốc gia ưa chuộng, tin dùng.
Spike NLOS có thể mang nhiều loại đầu đạn khác nhau: nổ phá mảnh, xuyên phá, thông minh, đa năng,…Nó có thể tích hợp với hệ thống dẫn đường vệ tinh hoặc máy bay không người lái, có hệ thống định vị mục tiêu riêng kết hợp điều khiển từ xa và có tầm bắn 25000 m.
Với kích thước nhỏ gọn, triển khai nhanh chóng cùng sức mạnh hỏa lực của Spike NLOS cho phép giảm sự phụ thuộc của các phân đội nhỏ vào chi viện của pháo binh và không quân, tạo cho họ có khả năng tác chiến hiệu quả chống công sự phòng ngự, xe tăng, xe bọc thép.