Ông Park Jong Buhm - Chủ tịch Cty NHN Việt Nam trong cuộc
gặp gỡ báo chí tại TPHCM nhân dịp LINE đạt một triệu thành viên.
Một năm về trước người dùng Việt đa phần chỉ quen với Whatsapp và đặc biệt là Viber. Viber đến bây giờ vẫn thuộc hàng đình đám nhưng lại chưa chính thức đặt chân vào thị trường VN. Trong khi đó, tính từ tháng 8/2012 tới nay, lần lượt Zalo (của VNG, Việt Nam), LINE (Cty NHN Nhật Bản), Kakao Talk (Cty Kakao, Hàn Quốc) chính thức đặt chân vào thị trường Việt. Cùng với các ứng dụng như Yahoo!Messenger, Facebook Messenger, WeChat trước đó, chợ ứng dụng OTT tại VN gần chẵn tròn con số 10.
Yahoo!Messenger hiện diện ở VN đã lâu và đang bị chuội dần. Facebook Messenger với sự hậu thuẫn của một mạng xã hội hơn một tỉ thành viên đang bùng nổ trên các thiết bị di động. Có thông tin cho rằng Facebook đang bắt tay với một nhà mạng tại VN để ra gói cước riêng cho ứng dụng này. Sau khi bị “xuống chó” bởi ngầm đưa “bản đồ lưỡi bò” vào sản phẩm, WeChat bị cộng đồng người dùng Việt tẩy chay nên từ ngôi đầu đã tuột dốc không phanh, tạo điều kiện cho Zalo, LINE và Kakao Talk “lên voi” từ thời điểm đầu năm 2013 tới nay.
Nghiễm nhiên lúc này, chợ ứng dụng OTT tại VN trở thành nơi khuếch trương và quảng bá mạnh mẽ của ba tên tuổi Zalo, LINE và Kakao Talk. Cả ba ứng dụng này thường xuyên xếp trong tốp đầu về lượt tải, với lượng người dùng được cho là trên dưới một triệu thành viên tới thời điểm này.
Cuộc đấu mới chỉ bắt đầu
Tết Quí Tỵ vừa qua Zalo, Kakao Talk và LINE cùng đua nhau phát hành những bộ sticker xuân với nhiều hình ảnh phong phú và ngộ nghĩnh. Theo bà Đỗ Thiếu Ngân- GĐ khối Nội dung của NHN VN, đơn vị phát hành LINE-việc phát hành miễn phí các bộ sticker chủ yếu để phục vụ người dùng, một số bộ có thu phí nhưng ở mức thấp. Ba tháng qua có thể nói là thời kì của cuộc đua tam mã nói trên. Chính nhờ những tiện ích mang tính giải trí kèm theo mà LINE, Zalo, Kakao Talk đã thu hút nhanh người dùng trong đó rất nhiều đối tượng ở lứa tuổi teen, thanh niên. Có thể thấy, đối tượng trọng tâm hướng vào của LINE, Zalo, Kakao Talk là phân khúc người dùng này.
Phân khúc người dùng Viber hay Whatsapp khác hơn, đa phần là những người thành đạt, công ăn việc làm ổn định và có vị trí trong Cty, xã hội. Chính ông Nguyễn Phong Lộc- GĐ khối game và di động của NHN VN-cũng thừa nhận điều này. Một phần cũng bởi, ngoài các tính năng cơ bản là gọi và nhắn tin miễn phí trên internet thì Viber không có được những trò vui như LINE, Zalo, Kakao Talk nên ít thu hút được giới teen. Tuy nhiên, với thế vững mạnh trên thị trường thế giới và cũng đã được nhiều người dùng Việt biết tới, có thông tin cho rằng Viber sẽ tính tới thị trường Châu Á trong đó có VN trong thời gian tới.
Trong cuộc họp báo của LINE tổ chức tại TPHCM mới đây người ta thấy trong thành phần cử tọa có người của Zalo cử đến để “học hỏi”. CEO của VNG-ông Lê Hồng Minh- nhìn nhận, kết quả của Zalo trên bảng xếp hạng hiện nay “có chút khích lệ” nhưng cũng “mong manh”. Tại thị trường Việt hiện chỉ Zalo là ứng dụng Việt đơn độc giữa muôn trùng vây của các tên tuổi “mạnh nhất, giỏi nhất và giàu nhất”. Và theo ông Minh, VNG chỉ còn có năm 2013 để tập trung toàn lực tạo sự bứt phá cho Zalo trên thị trường ứng dụng OTT. Zalo có ưu thế sân nhà nhưng về những yếu tố khác chưa hẳn đã có ưu thế hơn LINE, Kakao Talk hay Facebook Messenger. Vài tên tuổi đang ở vị trí sàng sàng nhau cùng với những tên tuổi lớn khác đang bám đuổi, vì thế đại chiến OTT dường như mới chỉ bắt đầu…