Đây là lần đầu tiên Samsung ra mắt ngay trên quê hương của đại kình địch Apple và hãng cũng đã bạo tay thuê hẳn quảng trường Thời đại đắt giá để phục vụ buổi ra mắt.
Trong buổi ra mắt của mình, Samsung cũng rất khác biệt với các hãng di động đối thủ, khi với mỗi tính năng, Samsung lại lồng ghép vào một vở kịch nho nhỏ.
Samsung bạo tay thuê Quảng trường Thời đại ở New York.
Ấy là vì Samsung đã chấp nhận bỏ qua dân công nghệ, với những màn giới thiệu tính năng khô khan, để hướng tới phần còn lại của thế giới. Những người yêu thích tìm hiểu về công nghệ chỉ là một phần nhỏ của thế giới, còn những người bình thường lại chiếm phần lớn. Và những người bình thường chỉ cần biết Galaxy S 4 “làm được gì” trong cuộc sống, chứ không quan tâm và không muốn biết thế nào gọi là SmartPause hay S-Health dùng công nghệ gì.
Cảnh người bố chụp ảnh cả gia đình thật dễ dàng với tính năng dùng 2 camera trước và sau Dual Camera, hay cảnh anh chàng du khách có thể tìm đường dễ dàng ở Thượng Hải nhờ tính năng S-Translator, đều cho thấy ứng dụng của các tính năng Samsung vào cuộc sống.
Samsung thể hiện sự hữu ích của Dual Camera trên Galaxy S 4.
Có thể, cạnh tranh về công nghệ thì các hãng Hàn Quốc chưa chắc thắng được người Mỹ. Nhưng nếu nhìn về phim Hàn Quốc, trào lưu Gangnam Style hay là K-Pop, thì người Hàn Quốc là bậc thầy về cách dùng văn hóa để tiêu thụ sản phẩm của mình.
Samsung, ngoài việc đang copy lại chiến lược tic-tắc của Apple, cũng đang muốn lấy luôn vị trí “smartphone cho cuộc sống” khi giới thiệu một cách trực quan tính ứng dụng của các chức năng mới trên di động. Một thị trường lớn hơn nhưng cũng khó khăn hơn cho Samsung đang mở ra. Dù sao, với màn ra mắt đậm chất nghệ thuật của mình, Samsung đã đặt bước đầu thành công cho Galaxy S 4.