|
Gạch nối thời bao cấp với những người trẻ
“Thời bao cấp, tôi có đôi dép nhựa Tiền Phong không đi vừa nhưng cũng không dám bán sợ mang tiếng. Khi đi công tác vào Huế, tôi bán được năm nghìn rưỡi, mua được một cái vé máy bay ra Bắc. Nó giá trị như thế cơ mà!”.
Đó là câu chuyện của ông Phùng Duy Mận, 66 tuổi, Trung tá công an, nghỉ hưu, ở tại 123 Hàng Buồm.
Chuyện như vậy, dẫu có thật, những sẽ khó tin đối với thế hệ tuổi hai mươi bây giờ, nếu họ chỉ nghe qua lời kể, mà chưa chứng kiến cuộc sống thời bao cấp được tái hiện lại.
Chính vì thế, T.S Mai Thành Sơn - thư ký dự án trưng bày Cuộc sống người Hà Nội thời bao cấp (1975 - 1986/1990) cho biết: “Mong muốn gạch nối thời bao cấp với những người trẻ, nên khi thực hiện đề cương trưng bày, chúng tôi không chỉ tiếp cận những thế hệ đã đi qua thời kỳ bao cấp, mà còn tiến hành nhiều cuộc trò chuyện với các bạn trẻ, dành nhiều công sức vào việc tìm hiểu các bạn trẻ muốn biết gì về một thời gian khó của những thế hệ đi trước”.
Một cửa hàng lương thực cũ kỹ đã được phục dựng ở lối vào không gian trưng bày, phía trên là câu trích dẫn chủ đề của một thời nhưng quen thuộc với nhiều thời: “Mặt buồn như mất sổ gạo”...
Từ lối vào này, những người trẻ đến với cuộc trưng bày sẽ bắt đầu ngược thời gian để tắm mình trong không gian của thời bao cấp, thời mà “Mua được gạo, về nhà vội mở ra xem, thấy gạo không có mùi mốc là tôi lâng lâng sung sướng suốt cả ngày” (Ông Ngô Đức Thịnh, 63 tuổi, Giáo sư - Tiến sĩ Dân tộc học, P 912, A6 - Giảng Võ).
Chỗ của “nhân dân anh hùng”
|
Dòng người xếp hàng cứ chen từ từ thế này, nhưng chỉ cần một người chen ngang là xô đẩy bẹp cả ruột, rất sợ!” (Bà Lê Thị Thắng, 64 tuổi, nguyên cán bộ Ban tuyên huấn Thành ủy Hà Nội, số 11, ngõ 31, phố Vĩnh Phúc), cứ ngỡ rằng thời bao cấp mọi khó khăn được chia đều trong xã hội.
Nhưng khi nghiền ngẫm cơ chế phân phối thời bao cấp với cửa hàng lương thực, hệ thống tem phiếu và quầy hàng tết ở cuộc trưng bày, mới hay rằng nhân dân có tiêu chuẩn riêng và ở mức thấp nhất, tiêu chuẩn của cán bộ, công nhân, viên chức tùy thuộc vào vị trí công tác và đặc thù nghề nghiệp của mỗi người.
Cán bộ cao cấp có cửa hàng phục vụ riêng tại phố Tôn Đản, trung cấp - tại phố Nhà Thờ, Vân Hồ, Đặng Dung và Kim Liên; còn cán bộ, công nhân, viên chức bình thường và nhân dân mua ở các cửa hàng rải rác trong thành phố.
Vậy nên, sau ngày giải phóng hoàn toàn đất nước, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng có một thời gian sống và làm việc ở Hà Nội, mới kể lại rằng đã có không biết bao nhiêu “ca dao” chung quanh cửa hàng Tôn Đản, cửa hàng Quốc tế, chợ Đồng Xuân..., cái thì của “vua quan”, cái thì của “trung gian nịnh thần”, cái thì của “thương nhân” và cuối cùng mới đến cái của “nhân dân anh hùng”…
Lo lợn ốm hơn chồng ốm
|
Trong cuộc trưng bày, có tái hiện không gian sống của gia đình ông Phạm Trạng (1926), bác sĩ phụ trách chăm sóc sức khỏe cho các cán bộ cấp cao của Đảng; bà Đặng Thị Kim Sơn (1931), bác sĩ ở Bệnh viện Việt - Xô.
Cả hai ông bà đều được hưởng chế độ bìa C dành cho cán bộ trung cấp. Lúc bấy giờ, tiểu khu Trung Tự là thế hệ chung cư thứ hai của thủ đô Hà Nội được xây dựng khoảng những năm 1970 (sau khu Nguyễn Công Trứ và khu Kim Liên) và có nhiều cải tiến so với trước.
Mỗi căn hộ có 2 phòng với diện tích được tính toán để phù hợp với một gia đình theo chế độ phân phối 4 – 5 m2/người, gồm 2 loại: 24m2 và 28m2 cùng khu phụ (bếp, nhà xí, nhà tắm) tạo thành một căn hộ “khép kín”.
Ngoài ra, xung quanh tiểu khu còn có các công trình phục vụ công cộng như: trường học (nhà gửi trẻ, trường mẫu giáo, trường học cấp I, II), cửa hàng bách hóa, cửa hàng thực phẩm... rất thuận tiện cho các nhu cầu của cuộc sống.
Vì vậy, một căn hộ chung cư lắp ghép khi đó vừa là biểu tượng của phương thức sống mới ở đô thị, vừa là biểu tượng của sự sang trọng. Sở hữu một căn hộ là niềm mơ ước của các cán bộ viên chức một thời.
Năm 1975, gia đình ông Trạng có 7 nhân khẩu (mẹ bà Sơn, vợ chồng ông bà và 4 người con đang là sinh viên) được Nhà nước cấp cho căn hộ chung cư 28m2 này.
Mặc dù không phải đối mặt nhiều với những khó khăn về vật chất, nhưng ông bà Trạng – Sơn cũng phải tìm mọi cách để cải thiện cuộc sống bằng cách chăn nuôi lợn, gà, chim cút... trong khu công trình phụ như nhiều gia đình công chức bình thường khác.
Đến năm 1982, 2 người con của ông bà lập gia đình và cùng ở trong căn hộ này, và những bi hài kịch của 4 thế hệ cộng sinh với các vật nuôi trong một không gian chật hẹp bắt đầu…
“Có một lần buổi sáng đi làm, đóng cửa chuồng lợn không kỹ, lợn vào buồng ngủ phá phách, ỉa đái hết cả ra nhà.
Bực thì có bực nhưng sợ nhất “Thủ trưởng” lợn ốm. Chồng ốm, con ốm còn tống cho mấy viên thuốc chứ “Thủ trưởng” đã ốm là thiệt hại về kinh tế, là dở khóc dở cười”, bà Kim Sơn, nay đã 75 tuổi, kể lại như vậy.
Còn ông Phạm Trạng, nay đã 80 tuổi, thì nói “Người ở chung với súc vật, phân gà phân lợn, hôi thối kinh khủng. Mình là bác sĩ mình biết điều đó là mất vệ sinh nhưng vì cuộc sống nên phải chấp nhận”.
Hỏi về kỷ niệm đáng nhớ thời bao cấp, bà Sơn không ngần ngại nói: “Con lợn đầu tiên xuất chuồng được 78 cân. Lúc đấy, mình sướng lắm, chưa khi nào trong đời lại tưởng tượng có một số tiền lớn như thế”.
“Nghẹt thở”
|
Này đây là tấm “giấy ủy quyền” từ năm 1978 đã ố vàng của anh Trần Thắng, công tác ở Đoàn 871, Tổng cục Chính trị, uỷ quyền cho vợ là chị Nguyễn Thị Sinh được dùng cái đài Na-ti-ô-nan của anh khi anh đi công tác xa nhà, và đề nghị Ban đại diện tiểu khu nơi anh chị cư trú chứng nhận anh chị là vợ chồng, để căn cứ vào đó Công ty Bách hoá thành phố…bán pin cho vợ anh sử dụng đài.
Đây nữa là chiếc xe đạp Thống nhất cũ mòn mà ông Lê Gia Thụy (65 tuổi, nghỉ hưu, số 8, ngách 12/21, ngõ 12, phố Lương Khánh Thiện) từng phải có thành tích một năm chiến sĩ thi đua mới được mua.
Sau khi mua xe, ông Thuỵ phải mang xe, hóa đơn, hộ khẩu, chứng minh thư đến Công an khu phố để đăng ký, đợi 1-2 ngày họ cấp giấy chứng nhận sở hữu và biển số xe.
Lúc đó ông hay phải làm thêm giờ nên cơ quan còn yêu cầu phải đăng ký số khung xe trên giấy chứng nhận làm ngoài giờ để họ dễ quản lý...
Bên cạnh những hiện vật về cách quản lý xã hội, cuộc trưng bày cũng dành nhiều không gian cho những hiện vật về quản lý văn hoá. Nhà lý luận phê bình điện ảnh Vũ Quang Chính, 73 tuổi, nhớ lại.
“Quản lý văn hóa là quản lý tư tưởng, quản lý công tác sáng tạo của nghệ sỹ và đời sống tinh thần của công chúng. Sự máy móc, chủ quan và có phần ấu trĩ của ngày đó đã khiến cho nhiều tác phẩm hay bị coi là có vấn đề”.
Đứng trước chiếc máy chiếu phim cũ kỹ, những áp phích của các bộ phim, vở diễn “ăn khách” nhưng bị cho là “có vấn đề”..., người xem như cảm giác được y nguyên cái không khí u uẩn đến “nghẹt thở” của một thời.
Khi những hạt bo bo tràn vào thay thế từng hạt gạo mua sổ trong gia đình, người ta không chỉ đói ăn mà còn “đói” cả tinh thần.
Theo ông Vũ Quang Chính: “Lúc bấy giờ, các bộ phim Khoảnh khắc im lặng của chiến tranh của đạo diễn Vũ Phạm Từ và Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thuỷ nằm trong số các tác phẩm bị coi là có vấn đề. Đó thực ra là những bộ phim hay, khi đưa ra chiếu thử được khán giả đánh giá tốt.
Nhưng rồi có một ý kiến miệng của ai đó là có vấn đề về tư tưởng, lập tức bị dẹp qua một bên. Chỉ sau khi bị cắt cúp chán rồi khán giả mới được xem. Thật tiếc cho đông đảo công chúng đã không được thưởng thức những rung cảm thật nhất của người nghệ sỹ”.
Chia sẻ ký ức với cuộc trưng bày, ông Vũ Phạm Từ, 80 tuổi, đạo diễn phim Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh nói: “Bộ phim này từng được bình là phim hay nhất của Xí nghiệp phim truyện Việt Nam năm 1983 nhưng xung quanh nó cũng có không ít lời xì xào.
Chúng tôi đã phải cắt xén, chỉnh sửa một số đoạn rồi mới được đưa ra công chiếu. Cái kết của bộ phim sau này khác xa kịch bản ban đầu. Tôi rất tiếc”.
Nhà thơ, họa sỹ, NSƯT Lê Huy Quang cho biết thêm về một cách quản lý văn hóa thời bao cấp: “Sự suy diễn trong công tác quản lý đôi khi máy móc đến buồn cười. Không may trong vở diễn có một nhân vật phản diện nào đó trùng tên với các vị lãnh đạo ở địa phương cũng có thể bị đình chỉ”.
Cuộc đấu tranh âm thầm
Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha đã dành cho cuộc trưng bày một hồi ức đặc biệt có tên “Nhìn lại văn nghệ thời bao cấp”. Trong đó ông đã kể về những số phận văn chương của một thời, đó là những người cầm bút không làm văn chương để minh hoạ mà để nói lên sự thật, coi toàn bộ sự thật như là một định hướng sáng tác ngầm cho mình.
Nhà thơ Thanh Thảo sau trường ca “Những người đi tới biển”, chỉ ra những kẻ chiêu hồi xấu xa trong hàng ngũ lãnh đạo các cấp, thì tiếp tục bị cơ quan văn nghệ tỉnh Nghĩa Bình “để ý” bởi những sáng tác mới theo định hướng trên.
Nhà văn Thái Bá Lợi sau “Hai người trở lại trung đoàn” cũng trăn trở vì “Bán đảo” không nhà xuất bản nào dám in.
Tới khi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo in bài thơ dài “Tản mạn thời tôi sống” ở báo Văn Nghệ thì đã bị “rầy rà” to. Đang theo học Đại học Nguyễn Du, khoa I, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã bị lãnh đạo buộc thôi học...
Khi nhạc sĩ Trần Tiến đưa ra một chương trình ca nhạc mang tên “Đối thoại 87” ở T.P Hồ Chí Minh để ủng hộ đổi mới thì ngay lập tức sau đêm diễn, nhạc sĩ phải “chuồn” ra Hà Nội kêu cứu vì một nỗi ám ảnh nào đó.
Cùng các đồng chí lãnh đạo cấp tiến, Hội Nhạc sĩ VN đã vào cuộc có hiệu quả. Bởi thế, nhạc sĩ Trần Tiến mới được giải oan. Tuy nhiên, không phải tất cả những “nghi án” của các văn nghệ sĩ lúc bấy giờ đều được “giải” ngay.
Cuộc trưng bày cũng đã dành nhiều không gian cho việc trưng bày các hiện vật liên quan đến bài thơ Mùa xuân nhớ Bác của Phạm Thị Xuân Khải, đăng trên báo Tiền phong đầu năm 1986, những hiện vật và câu chuyện cho thế hệ ngày nay biết rằng, có những người cầm bút đã phải trả giá cả cuộc đời mình cho những tác phẩm dám nói lên sự thật.
Phải sống
Bao cấp là một thời gian khó với cơ chế quản lý kinh tế - xã hội không thích hợp gây ra sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần; sức sản xuất bị kìm hãm, xã hội trì trệ; con người bị hạn chế trong sáng tạo và không có sự lựa chọn trong thụ hưởng.
“Nhưng đến với cuộc trưng bày, người xem cũng có dịp biết đến những câu chuyện cảm động khác về những ước mơ giản dị, về sự năng động, sức sáng tạo vô biên của người dân nhằm thoát ra khỏi thảm cảnh nghèo đói.
Người ta luôn biết cách xoay xở và tìm đủ mọi cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình cốt để làm sao tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống” - T.S Mai Thành Sơn nói như vậy.
Trong đó, phổ biến là việc tăng gia sản xuất, chăn nuôi lợn, gà, trồng rau và làm thêm các dịch vụ và nghề thủ công. Đặc biệt, việc nuôi lợn không chỉ diễn ra ở khu vực các hộ gia đình có điều kiện về không gian mà đối với cả nhiều hộ sinh sống trên những căn hộ tập thể cao tầng.
Đã có nhiều biện pháp khắc phục tình trạng thấp kém về điều kiện sinh hoạt, thiếu thốn về hàng hóa tiêu dùng, và được tái hiện phần nào trong cuộc trưng bày, như: lộn cổ áo sơ mi, píc-kê, đổi ống quần trước ra sau, lộn xích xe đạp, quấn lốp xe mòn bằng dây cao su, chế tạo ra máy phát điện bằng rô-to quay tay, máy tăng điện áp v.v..
“Cái khó ló cái khôn” - Cuộc sống của người Hà Nội lúc đó, thật đúng với câu thành ngữ này. Anh Nguyễn Quốc Hùng, 44 tuổi, kinh doanh, ngõ 286, Đội Cấn, kể lại:
“Từ năm 1974, khi bố tôi về hưu và học được công thức chế mực, gia đình tôi bắt đầu làm nghề bơm mực bút bi. Một ngày trung bình gia đình tôi bơm được 30 chiếc các loại. Bộ dùi để tách bi khỏi ngòi là quý giá nhất. Vì tôi đã phải dành rất nhiều thời gian để chuốt từ lò xo hoặc tanh xe đạp. Đối với loại bút ngòi cong của Trung Quốc, tôi dùng dây phanh xe đạp hoặc dây đàn ghi ta loại nhỏ nhất”.
Chị Phan Thị Kim Thanh, 43 tuổi, thợ may, 492, phố Hoàng Hoa Thám, cho biết: “Trong suốt những năm 80, nhờ quen biết, mẹ tôi mua được nhiều vải vụn phân phối. Cả gia đình tôi đã chắp ghép các mảnh vải vụn đó, may gia công thành vỏ chăn, gối thậm chí cả quần áo lót, bán.
Vì có nghề may nên thỉnh thoảng tôi cũng giúp bà con hàng xóm lộn cổ áo sơ mi hay quay ống quần”. Theo bà Lê Thị Mai, 61 tuổi, giáo viên, số 20, ngõ 189/2, Giảng Võ, thì “may có nghề luyện kim - đan, móc len - đã cứu vớt đời sống chị em giáo viên chúng tôi”.
Danh sách hiện vật, phần ước mơ của người dân thủ đô thời bao cấp thật bình dị, đó là: chiếc tivi vỏ đỏ; quạt con cóc/quạt tai voi; xe đạp pơ-giô; xà phòng Camay; áo lông Đức; lọ Peniciine đựng mì chính; đôi dép nhựa Tiền Phong; quả Trứng; búp bê Liên Xô.
Được ăn một bát cơm ngon, gạo không bị mốc; được đi một cái xe đạp Trung Quốc; được sở hữu một chiếc quạt nhỏ làm dịu bớt sự tù túng và nóng nực; được tắm bằng xà phòng thơm... là những điều luôn luẩn quẩn trong tâm trí của mỗi người. Ngay cả những niềm vui đơn giản đó cũng nằm ngoài tầm với.
Cuộc trưng bày có hai hiện vật từ thời bao cấp nhưng đến nay vẫn còn gần như mới nguyên, đó là chiếc xe đạp Pơ-giô và chiếc áo lông Đức.
Chuyện về hai hiện vật này như sau: “Tôi tiết kiệm mãi mới mua được cái xe đạp Pơ-giô. Một hôm, thằng cháu nội lấy xe để tập. Nó bị ngã xước hết cả sơn. Tiếc xe quá, cả ngày không ăn được cơm.
Hôm sau, đóng xe vào hộp cất đi luôn nên bây giờ xe vẫn còn mới” (Bà Nguyễn Thị Bạn, 74 tuổi, cán bộ xã Quảng An, nghỉ hưu, 233 Âu Cơ); “áo lông Đức hồi đấy giá trị mấy chỉ vàng.
Vợ tôi đi Đức, mang được cái áo về, các đồng nghiệp cứ đòi mua lại nhưng tôi không bán. Một phần vì đó là tài sản có giá trị; một phần vì là kỷ niệm của gia đình; và đó là niềm hãnh diện của đàn ông thời đó” (Ông Nguyễn Thành Dưng, 65 tuổi, đại tá quân đội, nghỉ hưu, số 1 ngách 291/42/26 Lạc Long Quân).
Phải gắng sống và sống đẹp - đó là mục tiêu của cả một thế hệ người Việt Nam trong đêm trước Đổi mới. Bao cấp là thời kỳ mà nghị lực và trí tuệ của hàng triệu người bị kìm nén, chỉ chờ được giải phóng. Chính vì thế, khi chính sách Đổi mới - mở cửa được đề ra, năng lực ấy đã bùng phát tạo nên bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Đắc Như, 63 tuổi, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch, Sở Thương nghiệp Hà Nội, cho biết: “Sau khi có chủ trương xóa bao cấp từ trên, trong một số cuộc họp bàn với sự tham gia của đại diện các Sở dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, cũng có những ý kiến băn khoăn, lo lắng vì sợ rằng xóa bao cấp có thể dẫn tới tình trạng đầu cơ, tích trữ, làm lũng đoạn thị trường của những người nhiều tiền.
Nhưng, thành công là ở chỗ, chúng ta xóa từng bước, từng mặt hàng, dần dần nới lỏng quản lý sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho lưu thông thị trường và thị trường đã tự điều chỉnh được. Chính điều đó đã chứng minh, giải tỏa được một số băn khoăn, lo lắng ban đầu”.
Cuộc trưng bày đã được bắt đầu vào chiều ngày 16/6 tại Bảo tàng dân tộc học. “Cứ ngỡ rằng sẽ chịu nhiều khổ ải khi tái tạo và phục dựng lại bối cảnh của cuộc sống ở thủ đô thời bao cấp, vì một lẽ giản dị rằng ở đời có mấy ai muốn nhắc lại làm chi một thời gian khó.
Nhưng bắt tay vào việc, chúng tôi đã thực sự bất ngờ vì danh sách cộng tác viên hiến tặng hiện vật cho trưng bày cứ mỗi ngày một dài ra. Có gì sướng hơn khi được người dân tin cậy và chia sẻ ký ức cho công việc mình đang làm.
Sướng hơn nữa khi những vị ở trung ương có trách nhiệm duyệt cuộc trưng bày đều ủng hộ”, TS Mai Thành Sơn tâm sự với Tiền phong như vậy.
(* Bài viết có sử dụng những tư liệu do T.S Mai Thanh Sơn-thư ký dự án trưng bày Cuộc sống người Hà Nội thời bao cấp (1975-1986/1990) cung cấp)