Trong hành trình Đổi mới 30 năm qua, lịch sử ghi nhận một hiện tượng đặc biệt, đó là sự xuất hiện của những những nhà lãnh đạo có tư tưởng tiên phong, có những đóng góp tích cực, thúc đẩy tiến trình cải cách.
Công cuộc Đổi mới có thể đã manh nha từ nhiều năm trước cả Đại hội Đảng lần thứ 6 đến hai chục năm. Tức là thời kỳ mà chúng ta còn mò mẫm để tìm ra những cách làm mới dù trái với quan điểm chính thức của Đảng lúc ấy, ví dụ như mô hình "khoán hộ" ở Vĩnh Phúc từ những năm 1965-1966. Người khởi xướng chính sách “phá rào” này, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, đã phải thực hiện nó trong điều kiện “giấu” cấp trên, đầy mạo hiểm đối với sinh mệnh chính trị của chính ông.
Anh Trần Văn Liên, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Phúc, con rể của ông Kim Ngọc nhớ mãi một lần vào quãng đầu những năm 1970, khi tỉnh Vĩnh Phúc vừa sáp nhập với Phú Thọ thành Vĩnh Phú, ông Nguyễn Ngọc Trìu, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương về tỉnh công tác, tối có đến nhà ông Kim Ngọc chơi. Khi đó, câu chuyện cũ về "khoán hộ" là sai hay đúng thế nào vẫn chưa có hồi kết.
Lúc đầu, hai ông còn tâm sự nhỏ nhẹ rồi bỗng dưng thấy tiếng của chiếc tách sứ đập mạnh xuống bàn. Anh bước từ gian trong ra thì thấy tách trà của ông Kim Ngọc bị sóng sánh cả nước ra bàn. Anh Liên nghe rõ câu nói của người cha vợ tương lai lúc này có phần lớn tiếng hơn trước, lại có vẻ bức xúc và không vui: “Nông dân tỉnh tôi còn khó khăn trăm bề, anh hiểu chứ? Họ làm vẫn không đủ ăn đâu! Anh em cán bộ mình thì còn có chế độ tem phiếu nên còn có cơm mà ăn đều 2 bữa. Người nông dân ở đây họ còn đói lắm, nay mình đã có được 2 bữa cơm rồi thì cũng phải nghĩ cách sao để người dân có được bữa cơm, bữa cháo chứ sao lại để họ đứt bữa được? Làm lãnh đạo mà không lo được chuyện đó thì đau lắm!”
Nếu ai có dịp được vào thăm nhà sàn của Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch và có may mắn hơn chút nữa là được đến tận chiếc bàn trong phòng nghỉ của Bác trong nhà sàn, sẽ được thấy trên đó có tờ báo Hà Nội mới số ra ngày 21.3.1969, có bút tích của Bác viết bên lề bài báo "Những thiếu sót trong thực hiện 3 khoán ở các Hợp tác xã nông nghiệp". Bác ghi: "Kính gửi đồng chí Trường Chinh! Xem xong, xin trả lại cho B." (B. là Bác, cách viết của Người hồi đó).
Ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên chiến sĩ cận vệ của Bác Hồ phân tích cho tôi hiểu: “Bài viết này, tác giả có đề cập tới hiện tượng khoán của Vĩnh Phúc đã diễn ra với những gì gọi là thiếu sót. Phải chăng Bác cũng mới chỉ có lưu ý và còn muốn tiếp tục theo dõi thêm chứ chưa quy kết sai, đúng ngay? Một nguyên tắc nữa, nếu là bài viết cần lưu trữ, Bác thường ra ký hiệu cho người giúp việc động tác “cắt, dán". Còn đây thì Bác không ghi gì, vẫn để nguyên trên bàn. Có thể Bác còn muốn để trên bàn lâu hơn nữa, tiếp tục lưu tâm chuyện này chăng? Còn việc Bác chuyển bài viết đó cho ông Trường Chinh, khi đó là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là muốn trao đổi và để cùng có hướng xử lý”.
Sau này, trong một lần có dịp được đến thăm ông Trường Chinh, cha tôi đã hỏi nguyên do gì hồi đó Đảng ta yêu cầu ông Kim Ngọc phải kiểm điểm chuyện “bật đèn xanh” cho nông dân Vĩnh Phúc được giao khoán hộ mà không xin phép Trung ương. Ông Trường Chinh có nói đại ý rằng, đó là một câu chuyện rất dài và phức tạp. Nếu ta để các tỉnh cùng làm theo hướng đó, tư tưởng tư hữu của người nông dân sẽ nảy sinh, chiến tranh thì gian khổ mà vẫn chưa kết thúc. Nếu như thế, làm sao chúng ta có thể huy động đủ quân cho mặt trận.
Tôi cũng chưa nghe và chưa đọc ở đâu một tài liệu nào xung quanh vấn đề vì sao Đảng không cho Vĩnh Phúc tiếp tục khoán hộ cũng như được giải đáp chính tắc về câu chuyện mà tôi vừa kể trên. Song có thể hiểu Đảng ta cũng có những băn khoăn nhất định.
Chúng ta cần nhớ, số phận của người có tư duy “khoán hộ" cũng gặp long đong một thời gian dài, tuy rằng không bị kỷ luật cách chức gì. Thậm chí, khi sáp nhập 2 tỉnh, ông Kim Ngọc vẫn làm tiếp Bí thư Tỉnh ủy thêm một thời gian rồi mới nghỉ "vì lý do... sức khoẻ". Điều đó cũng có thể lý giải là bởi trong Đảng ta lúc đó, quan điểm cho rằng “chế độ tư hữu sẽ hằng ngày, hằng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản” vẫn rất nặng nề, kể cả trong tư duy của các nhà lãnh đạo tối cao. Đó là sự lo lắng cho cái điều lẽ ra rất không nên: lo dân giàu sớm!
Một con người chỉ học hành hết lớp 7, nhưng tư duy của Bí thư Kim Ngọc đã vượt rất xa so với thời cuộc. Chính những năm 65-67, khi Vĩnh Phúc làm "khoán hộ", đời sống của người dân khấm khá, ông Trường Chinh chứ không phải ai khác khi thăm Vĩnh Phúc đã "xuất khẩu thành thơ”: “Phù Lập làm phân thật khác thường/Phương Trù thuỷ lợi đáng nêu gương/Chăn nuôi tập thể Hoà Loan giỏi/Cây rợp bên đường bóng Lạc Trung” (tên các địa danh ở tỉnh Vĩnh Phúc)
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tư tưởng Đổi mới đã phần nào manh nha chính từ giai đoạn này với những sáng kiến như của Bí thư Kim Ngọc. Còn đối với cố Tổng bí thư Trường Chinh, cuộc “phá rào” ở Vĩnh Phúc hẳn đã được ông nghiền ngẫm, suy xét trong nhiều năm khi chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 6... Kinh nghiệm thực tế đó là thứ “cây đời xanh tươi" giúp cho vị “kiến trúc sư” của sự nghiệp Đổi mới đúc rút lý luận cho bước ngoặt phát triển của đất nước.