Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

kẻ đương thời
kẻ đương thời Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Giới tính : Nam

Bài viết : 665

Danh vọng : 1151

Uy tín : 42

Kỳ 1: Cứu đói cho 3 triệu dân Sài Gòn

Trung Hiếu - 21/01/2016

Năm 2016 là tròn 30 năm đất nước bước vào cuộc đổi mới mạnh mẽ kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986. Nhiều năm trôi qua nhưng những chính sách, câu chuyện, con người về sự cần thiết phải thay đổi cách đây 30 năm đến nay vẫn còn nguyên còn giá trị.

Năm 2016 là tròn 30 năm đất nước bước vào cuộc đổi mới mạnh mẽ kể từ Đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986. Nhiều năm trôi qua nhưng những chính sách, câu chuyện, con người về sự cần thiết phải thay đổi cách đây 30 năm đến nay vẫn còn nguyên còn giá trị.

Đất nước qua 30 năm đổi mới Thu-tu10
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ 2 từ phải qua), bà Ba Thi (đứng giữa), ông Lữ Minh Châu (thứ 2 từ trái qua)
là những người đưa ra và thực hiện chủ trương đưa gạo từ miền Tây lên cứu đói cho người dân Sài Gòn

Ảnh tư liệu của ông Lữ Minh Châu

Bây giờ ít người hình dung được Sài Gòn một thời được ví là Hòn Ngọc Viễn Đông mà những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước dự trữ gạo của thành phố chỉ đủ dùng vài ngày, người dân phải ăn cơm độn khoai, sắn, củ mì.

Gạo ăn chỉ đủ vài ngày

Trước năm 1975, lương thực của Sài Gòn hoàn toàn do thị trường tự do cung cấp với các mạng lưới bao gồm các chủ chành, chủ vựa gạo ở miền Tây. Họ mua gom lúa của các điền chủ, xay xát, vận chuyển lên thành phố theo một mạng lưới được đặt tại các chợ.

Tuy nhiên, sau năm 1975, Nhà nước đã đặt vấn đề cải tạo tư bản tư doanh ở miền Nam, độc quyền khâu bán buôn. Điều đó có nghĩa là phải xóa bỏ toàn bộ khâu bán buôn lúa gạo ở miền Nam, thay bằng mậu dịch quốc doanh với các công ty lương thực. Như vậy, Nhà nước phải lãnh nhiệm vụ cung cấp gạo hằng ngày cho mấy triệu dân thành phố.

Năm 1979, ông Ngô Văn Tân đang là bộ đội ở Bộ tư lệnh Quân khu 7 được Thành ủy TP.HCM xin về làm Trưởng phòng lương thực Q.3 (sau này ông Tân là Giám đốc Công ty Lương thực TP.HCM).

Ông Tân kể dân số Q.3 lúc đó khoảng 200.000 dân. Mỗi tháng tiêu chuẩn mỗi người được phát 9 kg nhưng quận thường xuyên phát không đủ, lại hay trễ. Để tăng cường cứu đói, mỗi tháng Q.3 được cấp 15 xe khoai, mì, sắn độn vào cơm. Thế nhưng lượng khoai sắn tăng cường này không đủ làm cho dạ dày người dân ấm lại.

Trước tình thế khó khăn của người dân, một số lãnh đạo TP.HCM trong đó đứng đầu là Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt quyết tâm không để dân đói thêm nữa. Nhưng giải quyết nạn đói bằng cách nào là bài toán khá hóc búa. Vì theo quy định lúc đó, việc thu mua lúa là việc của T.Ư chứ không phải của thành phố. Từng là người trước đó vào sinh ra tử, thấy khó không thối lui, ông Kiệt đặt vấn đề phải tháo gỡ chứ không thể chờ T.Ư “viện trợ” được.

Ông Lữ Minh Châu, khi đó là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ở TP.HCM nhớ lại vào một buổi sáng đích thân Bí thư Võ Văn Kiệt gọi điện mời ông Châu tới nhà ăn sáng. Khi ông Châu tới, trên bàn ăn đã có một vài lãnh đạo sở ngành của TP.HCM chờ sẵn, trong đó có bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi, khi đó là Phó giám đốc Công ty Lương thực TP).

Ăn sáng xong, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt thông báo gạo dự trữ của thành phố chỉ đủ dùng trong vài ngày. Tình hình bây giờ rất nguy cấp vì Bộ Lương thực không cấp đủ gạo mà Sở Lương thực không có thẩm quyền mua theo giá thỏa thuận. Mà có được quyền mua thì người dân ở đồng bằng sông Cửu Long cũng không dám bán vì bán với giá nghĩa vụ càng bán càng thiệt, chưa kể tù tội vì bán chui luôn rình rập.

Bàn tới bàn lui rồi cũng có cách tháo gỡ là làm theo “Kế hoạch 2” mà bà Ba Thi đề xuất. Tức là phía tài chính, ngân hàng xuất tiền để bà Ba Thi dùng quan hệ của mình xuống miền Tây mua gạo. Thành ủy sẽ cấp giấy để tổ thu mua vận chuyển từ miền Tây lên Sài Gòn một cách hợp pháp. Tổ thu mua lương thực do bà Ba Thi làm tổ trưởng ra đời từ đó. “Kế hoạch 2” được ông Võ Văn Kiệt đồng tình.

“Vượt đèn đỏ”

Theo ông Ngô Văn Tân, đầu tiên tổ thu mua lấy Cần Thơ làm thí điểm. Sau khi được sự đồng tình của lãnh đạo tỉnh, các nhân viên tổ thu mua cùng với các đoàn hội đến từng hộ dân vận động bán lúa theo giá thỏa thuận.

Người dân ban đầu e dè nhưng rồi phấn khởi chịu bán vì thấy giá cao gấp mấy lần giá bán nghĩa vụ cho Nhà nước. Việc thu mua ngày càng thuận lợi và được rộng ra các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau…

“Thời gian đầu còn mới, mỗi tháng tổ thu mua chỉ mua được 400-500 tấn nhưng về sau mỗi tháng thu mua được 10.000-20.000 tấn. Từng đoàn xe nối đuôi nhau từ miền Tây chở lúa gạo lên phân phối cho dân Sài Gòn”, ông Tân kể. Theo ông Tân, tổ thu mua hoạt động liên tục từ năm 1979 đến năm 1982, đến khi đời sống người dân Sài Gòn ổn định thì tạm dừng.

Theo cuốn sách Ấn tượng Võ Văn Kiệt do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long và NXB Trẻ xuất bản, chuyện mua lúa giá thị trường tưởng đơn giản nhưng là việc tày đình. Giám đốc Công ty Lương thực TP dám đánh cả đoàn xe xuống ĐBSCL mua lúa giá 2,5 đồng/kg (tương đương 5 đồng/kg gạo). Gạo chở về Sài Gòn bán theo giá kinh doanh (giá mua thực tế + chi phí xay xát + chi phí vận tải + thặng số thương nghiệp).

Trong khi giá lúa do Ủy ban Vật giá quy định, Bộ Chính trị duyệt và Thủ tướng ký là 0,52 đồng/kg. Bà Ba Thi mua cao hơn năm lần quả là chuyện động trời. Nhưng lý do của bà khó ai có thể kết tội: phải lo cho cái bao tử của 3 triệu người dân TP. Đúng là bà dám vượt “đèn đỏ”, nhưng là ngồi trên xe cứu thương và cứu hỏa vượt công khai, chính đáng.

Cái mốc “phá giá” này đã đẩy giá lúa khắp đồng bằng Nam bộ lên 2,5 đồng/kg. Giá chỉ đạo 0,52 đồng/kg bị vô hiệu hóa. Không bao lâu sau, mức phá giá đó lan ra cả nước. Không lùi được nữa. Sự đột phá của Công ty Lương thực TP không chỉ cứu cái bao tử người dân TP mà còn cứu nông dân cả nước khỏi cơ chế giá nghĩa vụ quá ư lỗi thời.

Trong cuốn Tư duy kinh tế VN 1975-1989, tác giả Đặng Phong viết: “Việc Thành ủy TP.HCM đồng ý để Công ty Lương thực TP “phá rào” cả về giá lẫn cơ chế, xuống thẳng các tỉnh ĐBSCL mua lương thực với giá sát thị trường, đem về bán cho người dân với giá “đảm bảo kinh doanh”, không lấy lãi, đó là sự vi phạm nghiêm trọng về cơ chế giá, cả về cơ chế phân phối lưu thông. Nhưng đứng trước nguy cơ cả thành phố bị đói, bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực đã được Bí thư Thành ủy cho phép làm một việc mà nhiều người gọi là sử dụng “xe cứu hỏa” và “xe cứu thương” để “vượt đèn đỏ”.

Thiếu thốn đủ bề

Tết Bính Thìn 1976, tức là chỉ sau hơn 6 tháng kết thúc chiến tranh ở miền Nam, hơn 80 trí thức Việt kiều khắp năm châu được Chính phủ mời về nước ăn tết. Nhận được thư mời, ông Nguyễn Đăng Hưng, học bổng sang Bỉ du học ngành vật lý hàng không và không gian ở Đại học Liege mừng khôn xiết bởi đây là cơ hội để thăm dò tình hình trước khi về hẳn với quê hương với mong muốn phục vụ lâu dài.

GS Hưng nhớ lại: “Ngay khi đặt chân xuống Hà Nội, nhóm Việt kiều đề nghị gặp lãnh đạo chính quyền và cơ quan quản lý khoa học kỹ thuật để nắm tình hình, chính sách, đề đạt nguyện vọng để từ đó có hướng giúp đỡ đất nước. Chúng tôi không phải về để đi chơi”.

Nhưng rồi những yêu cầu đó không được phía cơ quan quản lý khoa học kỹ thuật đáp ứng. Trong cuộc gặp mặt này, đại diện quản lý khoa học không hỏi nhiều về môi trường phát triển khoa học, về tâm tư của anh em trí thức, mà chỉ yêu cầu mọi người cung cấp nhiều catalog các mặt hàng với mục đích để mua chứ không phải để nghiên cứu khoa học hay kỹ thuật.

Đáng buồn thay, số sách khoa học mà Việt kiều đưa về nhiều năm sau, nằm nguyên ở các viện mà không được chuyển tới tay nhà khoa học.

Sau vài ngày ở Hà Nội, ngày 29 Tết, GS Hưng trở về Sài Gòn. Chiều 30 Tết, GS Hưng và người cháu thăm thú đường hoa Nguyễn Huệ. Thấy cảnh vật trữ tình nên thơ, GS Hưng lấy máy ảnh bấm một vài kiểu. Ai dè một trong số bức ảnh dính phải người công an đang làm nhiệm vụ bảo vệ đường hoa. Từ đây rắc rối ập đến với chú cháu GS Hưng. Dù cố gắng lí giải đó chỉ là vô tình nhưng rồi cuối cùng GS Hưng và người cháu bị mời về đồn công an gần đó.

“Hai chú cháu tôi bị giữ từ 9 giờ tối đến 1 giờ sáng hôm sau mới được cho về. Buồn và thất vọng tràn trề vì phải đón giao thừa đầu tiên sau 16 năm xa quê hương ở đồn công an. Nhưng khi đó tôi vẫn cảm thông vì nghĩ đất nước mới hòa bình còn có nhiều khó khăn. Niềm vui quá lớn vì sau nhiều năm xa cách nay được về đã lấn át hết những sự cố liên quan đến mình”, GS Hưng kể lại.

Hè năm 1977, GS Hưng được mời về giảng dạy lần hai và được tiếp rước rất ân cần, Nhà nước lo cho ăn ở rất đầy đủ, tiêu chuẩn. Nhưng cũng chính lúc này ông lại tỉnh táo quan sát kĩ hơn cuộc sống ở Việt Nam lúc này. Đầu tiên hàng hóa cái gì cũng thiếu thốn. Mang tiếng là Việt kiều về thăm quê, có chút tiền nhưng hỏi mua chút quà về cho gia đình đều không có. Sản phẩm hàng hóa làm ra chỉ chưng làm kiểng, ngắm cho vui qua cửa kính thôi.

Hè năm 1979, GS Hưng lại về Việt Nam nối tiếp công tác cũ. Lần này ông nhận thấy sự thiếu thốn của đời sống người dân đã đi đến mức trầm trọng rõ rệt. Ông thấy đặt ra những vấn đề khoa học tính toán cao siêu vào lúc này không đâu vào đâu nữa. Khoa học đã trở thành một thứ xa xỉ, vô vị trong một khung cảnh xã hội chưa giải quyết được miếng ăn, manh áo… Việt Nam lúc này đang là ốc đảo nghèo đói trong lúc các nước Đông Á – Thái Bình Dương phát triển nhảy vọt trên con đường thịnh vượng giàu sang.

Những ngày ở Sài Gòn trước khi bay về Bỉ, lúc rảnh rỗi GS Hưng thường đi xích lô ngắm phố phường giải khuây. Một bữa, nhìn mặt người đạp xích lô sáng sủa, ăn nói lời lẽ rành mạch, tầm hiểu biết khá sâu và cao, GS Hưng lấy làm lạ. Chú ý nhìn mãi mới nhớ ra: “Trời! Có phải anh là Cẩn không? Cẩn học trường Pants bên Paris về nước năm 67?”, “Vâng, phải Hưng không? Hưng đi Bỉ năm 59 phải không?”, người này hỏi. Thì ra người đạp xích lô kiếm ăn qua ngày chính là anh bạn học xuất sắc mà GS Hưng từng thán phục ngày nào.

GS Hưng kể đêm trước hôm ra đi, ông Nguyễn Văn Linh có tổ chức bữa tiệc nhỏ để tiễn anh em Việt kiều. Khi tiệc sắp tàn, còn lại một vài người, GS Hưng rút hết gan ruột tâm sự với ông Nguyễn Văn Linh – người sau này là Tổng bí thư sau Đại hội Đảng lần thứ VI: “Em lấy vé máy bay mai đi rồi. Từ đây em không bao giờ về Việt Nam nữa nếu đất nước không có sự đổi thay. Giờ người dân đói khổ lắm rồi. Đến cái cột đèn cũng muốn ra đi”. Ông Nguyễn Văn Linh nghe xong không nói gì nhưng gương mặt rất buồn.
      
kẻ đương thời
kẻ đương thời Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Giới tính : Nam

Bài viết : 665

Danh vọng : 1151

Uy tín : 42

Kỳ 2: Nhân chứng trong 'Cái đêm hôm ấy… đêm gì?'

Trung Hiếu - 22/01/2016

Cách đây gần 30 năm, bút kí “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?” của cố nhà văn Phùng Gia Lộc như một “cơn địa chấn” góp phần đẩy nhanh công cuộc đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ 6.

Đất nước qua 30 năm đổi mới Phung-10
Gia đình nhà văn Phùng Gia Lộc - Ảnh: Tư liệu gia đình

Bài bút kí này của Phùng Gia Lộc góp phần thay đổi nhận thức nhiều người, thay đổi số phận của hàng chục triệu người nông dân đang rơi vào cảnh bí quẫn cùng cực. Bài viết đăng trên báo Văn Nghệ số ra ngày 21.3.1988 nhưng được đặt trong bối cảnh năm 1983 ở vùng quê nhà văn Phùng Gia Lộc là làng Láng, xã Phú Yên, Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Cường hào mới

Năm đó ông Lộc về nghỉ hưu trước tuổi dù vẫn tham gia phong trào văn nghệ ở địa phương. Thời gian này trước đổi mới 1986, ở Thanh Hóa quê ông và sau này là khắp nông thôn miền Bắc, nạn "cường hào mới" nổi lên khắp nơi. Một số cán bộ vốn là "đầy tớ của nhân dân", thời chiến tranh được nhân dân nuôi nấng, che chở, bây giờ thành "người có công" lên nắm quyền hành, lợi dụng quyền thế ức hiếp dân lành gây nhiều bức xúc. Chính sách thuế khóa từ trên áp đặt xuống, các địa phương phải tận thu để đủ chỉ tiêu cùng với nhiều chính sách đường lối thời bao cấp khác làm cho người dân ngày càng nghèo mạt, người nông dân trực tiếp làm ra lúa gạo vẫn phải chịu cảnh thiếu đói.

Hiện ba người con trai của nhà văn Phùng Gia Lộc là Phùng Gia Học, Phùng Gia Thức và Phùng Gia Văn đều sinh sống ở TP.HCM và ít nhiều thành công trong cuộc sống. Bà Đỗ Thị Hoa từ Thanh Hóa chuyển vào TP.HCM ở với các con trai.

Đỉnh điểm của bài bút kí là vào gần 1 giờ sáng, công an và dân quân xộc vào nhà ông Lộc để bắt đóng số thuế thóc còn thiếu. Cuộc bố ráp được nhà văn miêu tả giống như cuộc vây bắt tội phạm nguy hiểm.

Kể lại những chi tiết trong bài kí do bố mình viết, sau gần 30 năm, Phùng Gia Học – con trai đầu của nhà văn Phùng Gia Lộc và là nhân vật có mặt trong bài bút kí – cho hay bài viết miêu tả hoàn toàn chân thực những gì mà gia đình anh trải qua. Tuy nhiên, bố anh đã cô đọng đỉnh điểm nỗi cơ cực của gia đình chỉ trong một đêm thu thuế thóc.

Năm 1986, Phùng Gia Học tròn 13 tuổi nên anh nhớ như in khung cảnh đói khổ ở làng quê, gia đình trước những năm đổi mới. Là con cả trong nhà có ba anh em trai, bố đi làm ở xa nên mọi công việc nặng nhọc trong gia đình do mẹ và anh Học gánh vác. Học vẫn nhớ như in những đêm giá lạnh thấu xương, anh cùng mẹ đầm mình vớt lúa bị ngập nước. Số lúa thu được, hạt lép dành để ăn còn hạt nguyên đem đi nộp tô thuế.

Cũng vì lớn nhất nhà, khỏe mạnh nhất mà những năm tháng đó, đến bữa ăn anh Học thường giành ăn khoai sắn để nhường cơm cho hai em và bà nội già yếu. Sự cơ hàn thời niên thiếu ám ảnh Học đến tận bây giờ, dù sau này khi đất nước đổi mới anh nhận được học bổng du học bôn ba khắp năm châu bốn bể.

Người nông dân còn khổ gấp nhiều lần

Bây giờ nhớ lại bà Đỗ Thị Hoa - vợ nhà văn Phùng Gia Lộc - không hiểu sức mạnh nào để bà vượt qua được những thời khắc kinh hoàng đó. Chồng đi làm xa với phụ cấp còm cõi 13 kg gạo/tháng, một mình bà ở nhà nuôi nấng 3 đứa con nhỏ, lại thêm mẹ chồng giá yếu. Bà Hoa cho hay khi đó gia đình bà có 2,4 sào đất đưa vào hợp tác xã. Mỗi năm làm 2 vụ, nếu lúa tốt cho năng suất gần 2 tạ/sào nhưng quy định mức đóng thuế lên tới 1,5 tạ/sào.

Đất nước qua 30 năm đổi mới Phung-11
Bà Đỗ Thị Hoa và con trai đầu Phùng Gia Học - Ảnh: Trung Hiếu

“Sản xuất tập thể hợp tác xã kém hiệu quá, cộng với chính sách thuế quá cao khiến không có gia đình nào trong làng đủ ăn. Có gia đình ngày mùng 1 Tết mới thưởng cho con cái ăn cơm trắng còn quanh năm ăn cơm độn khoai, sắn, rau má”, bà Hoa nhớ lại.

Bà Hoa cho hay sau khi bài bút kí chấn động được đăng tải, chồng bà phải lên Hà Nội tới nhà bạn lánh nạn mấy tháng trời. Cũng có tin nhà văn Phùng Gia Lộc bị kẻ xấu thù ghét bắt cóc. Chính quyền địa phương nhiều lần gọi bà lên chất vấn về bài viết của chồng, thậm chí còn tổ chức họp kiểm điểm. Tuy nhiên, điều bà cảm thấy được an ủi là trong những buổi họp, người dân đứng lên bảo vệ bà. Họ cho rằng ông Lộc viết đúng nhưng chưa đủ. Bởi nếu viết đủ thì nỗi khổ của người dân xã Phú Yên còn cùng cực gấp bội phần.

Nhớ về chi tiết giấu thóc trong quan tài và bị phát hiện, bà Hoa cho rằng đó là chi tiết có thật. Số thóc đó được bà giấu để lo cho mẹ chồng lúc đó già yếu chẳng may có mệnh hệ gì. Nhưng rồi đêm đó, bà phải gánh thóc lên xã nộp mà vẫn chưa đủ.

Anh Học cho hay sau bài bút kí đó, nhà văn Phùng Gia Lộc nhận được nhiều thư phản hồi, cả ủng hộ lẫn chỉ trích. Trong số đó đáng chú ý có một bức thư của tác giả Đăng Bửu gửi về mắng chửi nhà văn với lời lẽ rất thậm tệ, nói Phùng Gia Lộc là một tên bồi bút phản động. Báo Văn Nghệ đã cho đăng nguyên văn bức thư này. Sau khi bức thư được đăng tải, ngay lập tức có hàng trăm lá thư phản hồi bênh vực nhà văn Phùng Gia Lộc và trở thành diễn đàn tranh luận suốt một thời gian dài.

Theo anh Học, chính nhờ bức thư của tác giả Đăng Bửu và sự dũng cảm tạo diễn đàn tranh luận của báo Văn Nghệ mà sức lan tỏa của bài bút kí "Cái đêm hôm ấy… đêm gì?" lẫn tên tuổi nhà văn Phùng Gia Lộc ngày càng lớn góp phần cho công cuộc đổi mới diễn ra theo chiều hướng cởi mở, có lợi cho người nông dân.
      
kẻ đương thời
kẻ đương thời Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Giới tính : Nam

Bài viết : 665

Danh vọng : 1151

Uy tín : 42

Kỳ 3: Nói hết sự thật ở nghị trường

Trung Hiếu - 23/01/2016

Bà Sáu Trầu tại kỳ họp Quốc hội năm 1985 đã làm điều mà trước đó chưa ai làm được...

Đất nước qua 30 năm đổi mới Doimoi10
Đoàn đại biểu Quốc hội đoàn Cửu Long chụp ảnh chung với Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt - Ảnh tư liệu

Ông Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn), nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long) thời điểm 1981 - 1987, nhận định: Những điều mà bà Đào Thị Biểu (Sáu Trầu) nói tại kỳ họp Quốc hội năm 1985 không có gì cao xa mà đơn giản là dám nói sự thật về nỗi khổ của dân, dám thẳng thắn chất vấn Quốc hội. Điều mà trước đó chưa ai làm được.

Có mệnh hệ gì nhờ dạy dỗ con cái

Kì họp mà ông Tư Cẩn nhắc chính là kì họp thứ 10 quốc hội khóa VII diễn ra vào tháng 10.1985. Trước kì họp này có hai vấn đề nổi cộm ảnh hưởng tới đời sống của hàng chục triệu dân: đổi tiền và chính sách giá – lương – tiền. Năm nay 79 tuổi, miệng bỏm bẻm nhai trầu, bà Sáu Trầu cho hay trước khóa họp, Đoàn đại biểu Quốc hội Cửu Long tiếp xúc thấy người dân ca thán sau khi đổi tiền, giá cả tăng lên gấp 10-15 lần so với trước. Mệnh giá tiền mới quá cao, không phù hợp với thực tế nên có người dân ăn tô hủ tiếu vài đồng phải cắm CMND lại sau này có tiền mới trả. Ở các bến xe, người dân nằm vạ vật mấy ngày trời vì không có tiền mua vé xe đò. Trong nông nghiệp do Nhà nước không tính đủ giá thành, chí phí nên khi công bố lãi 30% nhưng trên thực tế không phải vậy.

“Tại sao chính sách giá - lương - tiền động đến tâm tư và đời sống của hàng triệu người dân mà Đảng không sâu sát. Chưa kể những chính sách này bị một số tư thương thao túng, lũng đoạn làm cho thị trường hỗn loạn, người dân khốn khổ”, bà Sáu Trầu nói.

Tuy nhiên, không khí nghị trường lúc đó trầm lắng, đại biểu đến để vỗ tay, tán thưởng. Bản tham luận ban đầu mà đoàn Cửu Long đăng kí phát biểu khá dễ nghe. Nhưng vô họp, nghe một vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chê trách các tỉnh không biết sử dụng ưu thế đổi tiền và chính sách giá - lương - tiền hay nông dân đang làm ăn có lãi 30-40%, các thành viên đoàn Cửu Long họp lại quyết định nói lên sự thật.

Ông Tư Cẩn nhớ lại: “Lúc đó Quốc hội kiểm soát chặt lắm. Đoàn nào muốn phát biểu phải gửi trước bài kiểm duyệt. Người đọc cũng bị kiểm duyệt chứ không phải ai cũng được lên đọc đâu”.

Ban đầu tham luận viết lại được giao ông Liên Tâm (Giám đốc Sở Văn hóa Cửu Long) viết. Tuy nhiên khi hoàn tất, các thành viên trong đoàn thấy tham luận còn “hiền quá, đọc chưa phê, phải viết lại”. Lúc này, trưởng đoàn Tư Cẩn mới là người chấp bút sau khi lấy ý kiến trong đoàn.

Tham luận viết xong, thay vì đưa cho Văn phòng Quốc hội đánh máy như trước đó, đoàn Cửu Long thông qua mối quan hệ thân quen nhờ đánh máy ở văn phòng Trung ương Đoàn. Đánh máy xong, không đem nộp vì sợ lộ. Ông Tư Cẩn cho hay vấn đề gay gắt, phải giọng nữ nói năng mềm mại, từ tốn, gia đình có thành tích kháng chiến, lại phải dũng cảm, có thể hy sinh. Bà Sáu Trầu đã xung phong lãnh trách nhiệm.

“Thấy tôi xung phong đọc, anh Liên Tâm ngồi bên hỏi nửa đùa nửa thật rằng trước khi đọc chị có trăng trối gì không. Tôi trả lời ngay: gia đình tôi có sáu người thân đi kháng chiến chết năm chỉ mình tôi trở về. Tôi chỉ gửi gắm là nếu có mệnh hệ gì thì nhờ anh em chăm sóc, dạy dỗ con cái”, bà Sàu Trầu cười nhớ lại.

Đất nước qua 30 năm đổi mới Doimoi11
Bà Sáu Trầu - Ảnh: Trung Hiếu

Góp phần đổi mới

Tham luận của Đoàn Cửu Long được đọc cuối cùng trong ngày họp kết thúc kì Quốc hội. Bài tham luận dài 6 trang được bà Sáu Trầu bỏ trong túi áo. Khi nghe kêu tên Đoàn quốc hội Cửu Long, bà Sáu Trầu bước lên bục. Ở dưới biển người im phăng phắc nhìn về người phụ nữ nhỏ bé. Bà bình tĩnh rút bản tham luận trong túi áo rồi đọc thật to, thật rõ, thật nhanh như sợ hết giờ với bao nhiêu bức xức chất chứa dồn nén trong lòng:

“Chúng tôi đã chứng kiến biết bao cảnh cửa hàng ách tắc, bao nhiêu cuộc cãi vã, xô xát, bao nhiêu tiêu cực. Các tỉnh phía Nam liên tiếp bị cơn sốt tiền lẻ... Vì sao bí thư, chủ tịch tỉnh chưa biết thì thương buôn đã biết rất lâu lảu về ngày đổi tiền? Riêng vụ án ở Cửu Long đã chứng minh kẻ biết trước và chủ tâm trong đổi bạc là hệ ngân hàng. Ban giám đốc ngân hàng đầu tư xây dựng và gần hết nhân viên đã cấu kết với thương buôn Lã Thị Tú Vân thu hết 10 đồng trở xuống trước ngày đổi bạc và luồn lách đổi hàng triệu bạc sau ngày đăng kí. Chúng tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm hình sự này”.

Nghe bà phát biểu, dưới hội trường tiếng vỗ tay rần rần. Bà Sáu Trầu đọc tiếp: “Ai đã tạo ra sơ hở ấy để cho cán bộ lợi dụng, nhất là cán bộ ngân hàng phụ trách bàn đổi. Cần phải xử lý ai là người tạo ra chủ trương sơ hở chứ không chỉ xử lý kẻ vi phạm… Trung ương nói không biết phát huy ưu thế nhưng xin hỏi có ưu thế gì mà phát huy...".

Cứ đọc xong từng đoạn, dưới hội trường tiếng vỗ tay như sóng dội. Nỗi niềm của dân Cửu Long mà bà Sáu Trầu là người đại diện chính là nỗi lòng hàng triệu người dân cả nước. Bà Sáu Trầu cho hay khi đọc cũng thấy lo sợ nhưng cái sợ lớn nhất là không hoàn thành nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với dân, với Đảng. Nói cho Đảng biết sự thật để sửa đổi thì dẫu ở tù bà cũng chịu.

Rời bục phát biểu, đi về chỗ ngồi mà trên đường ai cũng giành bắt tay bà. Một đại biểu là nhà văn quân đội ghé tai bà nói nhỏ: “Bình thường em bình dị nhưng sao hôm nay quyết liệt, dữ dội vậy Biểu ơi”. Sau này nhà thơ Nguyễn Hải Trừng tặng bà tập thơ, ngoài bìa đề mấy câu: “Tặng người em gái quê hương, người mở ra kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên nói thẳng-nói thật”. Trưa hôm đó về phòng, đại biểu các đoàn lần lượt đến thăm và tặng quá trời trầu cau để bà ăn trong những ngày ở Hà Nội.

Nhớ lại những ngày ấy, ông Tư Cẩn cho hay sau kì họp đó, ông Nguyễn Văn Linh gặp ông hỏi ai là người viết bài tham luận đó. Ông Tư Cần trả lời đó là ý kiến chung của anh em trong đoàn. Nghe xong, ông Linh nói: "Làm như vậy là tốt. Quốc hội phải nói hết, nói thẳng sự thật". Bài phát biểu của Đoàn quốc hội Cửu Long đã làm được điều đó và góp phần tác động đến chính sách đổi mới sau này.
      
kẻ đương thời
kẻ đương thời Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Giới tính : Nam

Bài viết : 665

Danh vọng : 1151

Uy tín : 42

Kỳ 4: Dệt Thành Công “vượt rào“

Trung Hiếu - 24/01/2016

Từ một doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản, Dệt Thành Công đã có những bước đột phá góp phần tác động đến chính sách đổi mới sau này.

Đất nước qua 30 năm đổi mới Doimoi12
Nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại nhà máy dệt Thành Công

Xoay sở tìm ngoại tệ

Dệt Thành Công ban đầu có tên gọi là Tái Thành. Chủ cơ cở là người Hoa, sau năm 1975 đã hiến cho Nhà nước. Cái tên Thành Công, theo bà Nguyễn Thị Đồng, nguyên Phó giám đốc kiêm Bí thư đảng ủy nhà máy là “khi đổi tên, phía bên kia đường là nhà máy dệt Thắng Lợi thì bên này là phải là Thành Công. Thành Công cũng có nghĩa là không thất bại”.

Ông Nguyễn Xuân Hà – Giám đốc đầu tiên dệt Thành Công – cho hay khi tiếp nhận, nhà máy có 136 máy dệt và khoảng 400 công nhân. Thời gian đầu do vẫn còn nguyên liệu của chủ cũ nằm ở kho thế chấp nên hoạt động khá tốt. Tuy nhiên đến năm 1978, nguyên liệu dự trữ hết, Nhà nước không cấp đủ, phụ tùng thiếu, máy móc hư hỏng, không có tiền thì dệt Thành Công rơi vào khó khăn.

Đất nước qua 30 năm đổi mới Doimoi13
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc với lãnh đạo dệt Thành Công

“Đến năm 1979, dệt Thành Công dường như chịu hết nổi. Hơn ½ số máy ngừng sản xuất do không có nguyên liệu. Liên hiệp Dệt tính đến chuyện cho công nhân nhà máy đi Phú Giáo, Sông Bé làm nông nghiệp tăng gia sản xuất”, ông Hà kể.

Khó khăn của dệt Thành Công là thiếu ngoại tệ để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất. Cái khó ló cái khôn. Trong khi không biết xoay ra đâu ngoại tệ, ông Hà lại thấy một số công ty bên du lịch, thủy sản, cảng Sài Gòn do đặc thù ngành nghề nên có nguồn ngoại tệ dồi dào.

Ông Hà nói thêm: “Hồi đó dệt Thành Công sản xuất được vải ôxpho - loại vải có giá trị và được người dân ưa chuộng. Vậy tại sao không đưa vải ôxpho để cho công ty du lịch, cảng Sài Gòn bán sau đó trả ngoại tệ cho dệt Thành Công. Thành Công cũng sẽ bán vải cho công ty thủy sản để thủy sản bán lại cho nông dân và mua cá, sau đó đem cá xuất khẩu rồi trả ngoại tệ cho Thành Công”.

Đất nước qua 30 năm đổi mới Doimoi14
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc với bà Nguyễn Thị Đồng, nguyên Phó giám đốc kiêm Bí thư đảng ủy dệt Thành Công

Ông Hà đem ý tưởng này gõ cửa Công ty du lịch Sài Gòn, thủy sản Ramico, cảng Sài Gòn và đều nhận được sự đồng ý. Sau đó, dệt Thành Công xây dựng phương án sẽ vay 180.000 USD mua 40 tấn sợi dệt vải ôxpho, hóa chất và thuốc nhuộm để thực hiện ý tưởng trên. Vải sau khi sản xuất sẽ chuyển cho các công ty thủy sản, du lịch, cảng để các đơn vị này bán và trả lại ngoại tệ cho Thành Công.

Nhưng ở thời điểm này, việc một doanh nghiệp vay được ngoại tệ không phải dễ. Dù dệt Thành Công được sự ủng hộ của ông Lữ Minh Châu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ở TP.HCM lẫn ông Nguyễn Nhật Hồng, Giám đốc Vietcombank ở TP.HCM – nhưng muốn vay được phải có sự đồng ý của cơ quan chủ quản là Bộ Công nghiệp nhẹ.

Vào thời điểm này việc xin được chủ trương như thế không phải dễ dàng. May thay lúc đó ông Vũ Đại - thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ - là người khá cấp tiến. Vậy là lựa lúc thứ trưởng Đại vào TP.HCM, đến thăm dệt Thành Công, ông Hà trình bày phương án. Vị thứ trưởng nghe xong kí duyệt luôn. Vay được ngoại tệ, dệt Thành Công mua nguyên liệu, thuốc nhuộm, hóa chất về sản xuất. Ông Hà kể: “Thời điểm tháng 8.1980, đơn hàng đổ về Thành Công như nước”.

Đất nước qua 30 năm đổi mới Doimoi15
Tổng bí thư Trường Chinh (người ngồi giữa) làm việc với lãnh đạo dệt Thành Công

Dựa vào thực lực

Thừa thắng xông lên, lãnh đạo dệt Thành Công tính đến chuyện làm ăn lớn. Đó là trình phương án vay 1,7 triệu USD đồng thời xin luôn cơ chế riêng cho Thành Công: Không xin nguyên liệu Nhà nước, đổi lại hàng làm ra không phải nộp cho Nhà nước mà bán theo giá công ty đưa ra. Công ty cũng có quyền xuất khẩu, thu ngoại tệ và quyết định mức lương cho nhân viên.

Phương án này động đến chủ trương, chính sách, một mình thứ trưởng Vũ Đại không thể tự quyết. Hơn nữa đây là cơ hội cần thẳng thắn lên tiếng cho phương thức mới. Thay vì kín đáo tỉ tê, Thành Công chọn cách ra Hà Nội trực tiếp thuyết trình trước hội nghị của Bộ về phương án của mình. Sau khi lên phương án xong, ông Hà bay ra Hà Nội trình bày. Bộ Công nghiệp nhẹ triệu tập toàn bộ Vụ trưởng đến hội nghị để nghe ông Hà giải trình phương án. Hàng chục Vụ trưởng dưới hội trường phản biện. Theo ông Hà, hội nghị giải trình kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ và căng thẳng hơn bảo vệ luận án tiến sĩ.

“Cuối hội nghị, thứ trưởng Vũ Đại nói đây là phương thức làm ăn mới, thời gian đầu sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chắc sẽ thành công. Lãnh đạo các vụ khi làm việc phải giúp đỡ Thành Công chứ không được xọ ngang, xọ dọc”, ông Hà nhớ lại.

Đất nước qua 30 năm đổi mới Doimoi16
Giám đốc đầu tiên của dệt Thành Công Nguyễn Xuân Hà - Ảnh: Trung Hiếu

Vận may bất ngờ đến với Thành Công khi trước lúc bay ra Hà Nội giải trình, ông Hà nhận được tin có một lô hàng 60 tấn sợi polymer đang giảm giá mạnh cần phải mua ngay. Ông Hà tìm đến Giám đốc Vietcombank TP.HCM Nguyễn Nhật Hồng xin ứng trước 500.000 USD trong “phương án vay 1,7 triệu USD” để mua lô hàng trên. Đây là việc làm liều lĩnh chưa kể nếu có sự cố dễ bị tù như chơi. Tuy nhiên, ông Hồng đồng ý cho ứng trước với lý do “nếu phương án không được duyệt thì đem số sợi bán đi cũng có lời”. Đúng như dự đoán, chỉ nội thời gian ông Hà ra Hà Nội giải trình, giá sợi polymer tăng từ 2,2 USD/kg lên 2,7 USD/kg.

Phương án được duyệt, có tiền, dệt Thành Công mua nguyên phụ liệu, hóa chất vực dậy sản xuất. Chỉ trong năm 1981, Thành Công mới vay 1,4 triệu USD nhưng thu về riêng ngoại tệ tới 3 triệu USD, chưa kể hàng bán trong nước. Hàng làm ra bán đắt như tôm tươi, lương công nhân trung bình 450 đồng/tháng, gấp nhiều lần công ty khác. Điều quan trọng, công ty đã chứng minh cách làm mới tự thu tự chi, dựa vào thực lực và sản phẩm làm ra bán theo giá thị trường.

Bà Nguyễn Thị Đồng cho hay sau thành công của dệt Thành Công, nhiều lãnh đạo như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh đã về nhà máy tham quan mô hình, từ đây xây dựng những chính sách cởi trói cho nền kinh tế sau này.
      
kẻ đương thời
kẻ đương thời Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Giới tính : Nam

Bài viết : 665

Danh vọng : 1151

Uy tín : 42

Kỳ 5: Bỏ bao cấp, đề xuất giá - lương - tiền

Trung Hiếu - 25/01/2016

Từ việc tập hợp các trí thức chế độ cũ của Sài Gòn trước năm 1975 để bàn chuyện phát triển công ty, Nhóm thứ Sáu đã có những đề xuất táo bạo góp phần xóa bỏ cơ chế bao cấp tồn tại những năm sau 1975.

Đất nước qua 30 năm đổi mới Doimoi17
Ông Phan Chánh Dưỡng - Ảnh: Trung Hiếu

Công ty cổ phần đầu tiên

Năm 1980, nhằm tháo gỡ khó khăn và khôi phục ngành công nghiệp của thành phố, Thành ủy TP.HCM có chủ trương thành lập bốn công ty là Cholimex, Ficonimex, Direcximco và Pharimex để phát triển kinh tế. Trong bốn công ty này thì Cholimex được coi là công ty cổ phần đầu tiên sau 1975 vì ngoài vốn nhà nước còn có vốn của các tiểu thương người Hoa góp vào.

Ông Phan Chánh Dưỡng lúc này đang là thầy giáo dạy lí được điều về làm Trưởng phòng kế hoạch Công ty Cholimex ở quận 5. Nhiệm vụ của Cholimex là tìm cách mở rộng kinh doanh với thị trường HongKong, Singapore… Làm xuất nhập khẩu mà đa số nhân viên lại không biết ngoại ngữ. Lúc này, ông Dưỡng mới mời ông Trần Bá Tước, Phan Thành Chánh – hai chuyên gia cao cấp của ngành ngân hàng ở Sài Gòn trước năm 1975 - về hỗ trợ.

Năm 1985, ông Dưỡng làm Giám đốc Cholimex. Chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng nặng nề trong khi ông nhận thấy khả năng của mình có hạn. Cho nên thông qua những mối quan hệ của đồng sự như ông Tước và ông Chánh, ông Dưỡng đã mời các chuyên gia, trí thức trước năm 1975 ở Sài Gòn như Mai Kim Đỉnh, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Phan Tường Vân, Nguyễn Ngọc Bích, Hồ Xích Tú, Trần Trọng Thức, Hoàng Thoại Châu… về hỗ trợ.

Ông Dưỡng kể về những ngày tháng gian khổ của nhóm: “Mỗi buổi nhóm họp chừng một giờ đồng hồ, bàn những chuyện “trên trời dưới đất”. Anh em ai cũng vui vì ngoài việc được nói chuyện chuyên môn lại được ăn ngon. Lúc đó công ty xuất khẩu thủy sản nên nhà bếp tận dụng phần thừa đầu đuôi cá nấu một nồi canh chua ăn thiệt đã”.

Lúc đầu, nhóm chỉ bàn chuyện kinh tế xoay quanh Cholimex, sau đó mở rộng ra. Những góp ý hay được ghi lại chuyển cho Thành ủy, rồi gửi ra Trung ương. Những lãnh đạo TP.HCM thời đó như Võ Trần Chí, Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Phạm Chánh Trực… thỉnh thoảng cũng đến nghe nhóm góp ý. Uy tín của nhóm lan ra tận Trung ương. Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt cũng hay cử thư ký tham dự. Tháng 10.1986, nhóm đánh dấu thời điểm hợp pháp là tờ giấy xác nhận danh sách “Nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành ủy” do ông Võ Trần Chí, Bí thư Thành ủy, cấp.

Hàng loạt công trình nghiên cứu như đề xuất cải cách hệ thống ngân hàng; các nghiên cứu phát triển ngoại thương, các đề tài kinh tế vàng góp mặt vào các chính sách; đề án thành lập Khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất đầu tiên của VN; hàng loạt dự án đầu tư: đại lộ Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh), khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước...

Ông Dưỡng cho hay ban đầu nhóm họp chiều Hai – Tư – Sáu ở trụ sở Cholimex. Tuy nhiên đến những năm 1989-1990, lúc này kinh tế phát triển, một số thành viên của nhóm được các doanh nghiệp mời hợp tác nên nhóm họp vào chiều thứ Sáu. Đó cũng chính là lí do cái tên Nhóm thứ Sáu ra đời.

Đất nước qua 30 năm đổi mới Doimoi18
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt chụp hình kỉ niệm với Nhóm thứ Sáu - Ảnh tư liệu của ông Phan Chánh Dưỡng

Đề xuất giá – lương - tiền

Khi được hỏi về đề xuất có giá trị nhất của nhóm thứ Sáu, ông Dưỡng không ngại ngần khẳng định đó chính là đề xuất giá – lương - tiền. “Đó là một đề xuất mà tôi phải khẳng định là xuất sắc”, ông Dưỡng nói.

Lần đổi tiền cùng với chính sách giá – lương – tiền vào năm 1985 đã khiến nền kinh tế lâm vào cảnh xáo trộn, giá cả tăng từng ngày, tiền mặt khan hiếm… Lúc này Thành ủy TP.HCM đặt hàng với Nhóm thứ sáu là bằng mọi cách phải kéo giá xuống. Cả nhóm bàn 1 tháng mà không có lối ra. Cuối cùng mọi người tìm cách định nghĩa như thế nào là giá lên. Đồng thời nhóm phát hiện tỉ giá USD chợ đen ở thời điểm đó bằng với thời điểm năm 1972. Theo ông Dưỡng, đây là một phát hiện sáng suốt bởi từ đây nhóm đã dần tìm ra đáp số giải quyết bài toán giải quyết giá – lương - tiền.

“Việc so sánh tỉ giá USD ở từng thời điểm khiến chúng tôi phát hiện ra những điều rất thú vị. Thí dụ như hàng nhập khẩu năm 1987 khi về Việt Nam bán đúng bằng giá năm 1972. Nhưng đối với hàng nhập nguyên liệu về chế biến, sản xuất thì giá trong nước rẻ bằng 1/3 so với giá nhập khẩu. Tại sao xảy ra điều này? Chúng tôi tìm ra lí do là bởi sau năm 1975 khi tiếp quản các nhà máy, sản xuất không tính khấu hao, rồi tiền nhân công lại rẻ. Cho nên sản phẩm làm ra tưởng là rẻ nên bán rẻ nhưng sự thật ăn vào vốn, vào nhân công”, ông Dưỡng lí giải.

Đề xuất giá – lương – tiền được nhóm nghiên cứu trong 6 tháng trời ròng rã đã phần nào lý giải được những bất cập của nền kinh tế Việt Nam đang tàn tạ lúc đó. Sau khi hoàn thành, nhóm đã gửi đề xuất cho lãnh đạo TP.HCM và sau đó đề xuất này được gửi ra Trung ương. Ông Võ Văn Kiệt lúc này đang là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau khi xem xong đề xuất lập tức mời ông Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước ra trung ương thuyết trình về giá – lương – tiền. Có thể nói đề xuất trên là một nghiên cứu bài bản, có hệ thống góp xóa bỏ tình trạng ngăn sông cấm chợ, cản trở lưu thông hàng hóa trên toàn quốc.

“Các vị lãnh đạo nghe chúng tôi thuyết trình xong và có hướng giải quyết để ổn định nền kinh tế. Đề xuất giá – lương – tiền đã lật ngược thế cờ, góp phần xóa cơ chế bao cấp”, ông Dưỡng nói.

Nở rộ mô hình “think tank”

Có thể nói từ cuối năm 1980 nở rộ mô hình think tank (bể chứa ý tưởng) kể cả chính thức và không chính thức. Các nhóm chính thức như Tiểu ban cơ chế mới do Bộ Chính trị thành lập cuối năm 1985; nhóm nghiên cứu sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị do Hội đồng Bộ trưởng thành lập vào tháng 3.1986; nhóm nghiên cứu của Bộ Ngoại giao; tiểu ban giải pháp cấp bách về tài chính, giá cả…

Nhóm không chính thức tiêu biểu như câu lạc bộ giám đốc; nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh hay nhóm nghiên cứu của Nguyễn Văn Hảo. Hai người này trước đó đều là cựu Phó thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa; nhóm thứ Sáu… Thời gian này đông đảo chuyên gia, trí thức Việt kiều cũng góp sức vào việc phản biện, xây dựng và phát triển kinh tế.
      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất