1
Những năm 1940 của thế kỷ trước, làng Văn Xá có lão địa chủ Phạng giàu nứt đố đổ vách, vào một ngày nắng chói chang, lão Phạng cho người ở khuân những hòm bạc trắng ra phơi. Không hiểu nghe ai nói, lão sợ nếu để bạc lâu trong hòm sẽ bị xỉn và mất giá. Bạc của lão nhiều đến mức phải dùng hàng chục cái mâm đồng to như cái nong tằm để đựng, ánh nắng chiếu vào khiến cả khoảng sân lát gạch Bát Tràng của nhà lão sáng lòa. Vốn là người cẩn thận, lão sai bốn bà vợ ngồi bốn góc sân để canh chừng, đứng sau lưng mỗi bà lại có một người hầu cầm quạt mo cau để quạt cho chủ nhân.
Dù có người quạt nhưng mồ hôi vẫn chảy thành dòng trên mặt các bà vợ của lão địa chủ Phạng, bà nào cũng phải vén váy quá đầu gối khiến những bắp đùi trắng ngồn ngộn như mấy nén bạc, chưa kể các bà tuột luôn áo bà ba chỉ mặc mỗi chiếc yếm cho mát, dân làng đi ngang qua tranh thủ đứng ngắm chỗ bạc nén và liếc nhìn trộm vú vê của mấy bà cho bõ cơn thèm. Ngồi chễm chệ trên chiếc sập gụ ngay trong ngôi nhà ngói năm gian, lão địa chủ Phạng vênh mặt đắc chí vì giàu nhất làng, lão cầm chiếc chân giò luộc gặm một cách ngon lành, cứ xơi một miếng ngập răng, lão lại làm một chén rượu dâm dương hoắc cho tròn vị.
2
Ông đồ Kiết đang ngẩng mặt lên ngắm mấy giò phong lan để tìm tứ thơ, bất chợt bà vợ chạy từ ngoài cổng vào rít lên: Ông ngó qua nhà lão Phạng mà coi, chỉ là thằng lái trâu một chữ bẻ đôi không biết, vậy mà người ta lại giàu có ức vạn, còn ông chỉ được cái dài lưng tốn vải, suốt ngày thơ với phú hão huyền, rõ là đời tôi khổ vì lấy nhầm chồng. Bực mình vì bị mụ vợ làm cho mất hứng, ông đồ Kiết liền bắt bẻ: Nếu tôi giàu như lão Phạng, liệu bà có được ăn cùng mâm, ngủ cùng giường không. Hay bà lại giống mấy mụ vợ nhà đó, tối ngày tranh nhau chí chóe để mong được đạp mái. Biết mình đuối lý, bà vợ già của ông đồ Kiệt lại tất tả vác rá sang nhà hàng xóm vay gạo.
Ngồi một mình trước hiên nhà, ngẫm thấy vợ mình nói cũng không sai, tự nhiên ông đồ Kiết nóng mắt, thôi thì lão Phạng khoe của thì mình khoe chữ. Nghĩ sao làm vậy, ông đồ Kiết lôi các cuốn Tam Tự Kinh, Tứ Thư, Ngũ Kinh ra phơi cho bõ tức, khổ một nỗi có vài cuốn sách chỉ đựng trong cái mẹt là vừa xoẳn. Trong cái khó lại ló cái khôn, ông đồ Kiết xé toàn bộ những cuốn sách rồi trải các trang sách kín mặt sân. Đợi lúc dân làng hiếu kỳ đứng xem, ông đồ Kiết tưới nước lên các trang sách. Giấy gặp nước bỗng nhão nhoẹt và bám chặt vào nền đất, còn mấy vạn con chữ đều bị trôi mực hết sạch. Ngồi trên chiếc chõng tre kê ngoài hiên, ông đồ Kiết dõng dạc tuyên bố: Đất này thấm đẫm chữ thánh hiền, vậy từ nay đây chính là đất học.
Đang ngồi đánh chén tì tì, lão địa chủ Phạng thấy bà con đổ xô sang nhà ông đồ Kiết mà không buồn ngắm bạc và mấy bà vợ của mình liền lấy làm sự lạ. Sau khi sai thằng nhỏ đi tìm hiểu sự tình, lão địa chủ Phạng thầm nghĩ: Mình giàu không kém ai, nhưng dù sao không có tí chữ nào vẫn kém sang, vậy là kém miếng khó chịu. Mặc cho mấy bà vợ can ngăn, lão địa chủ Phạng sai người bê nguyên một mâm bạc sang mua đất học của thầy đồ Kiết. Cuộc cò kè mua bán bớt một thêm hai, cuối cùng đã chốt được giá, ông đồ Kiết bán miếng đất học lấy nong bạc ngoài ra còn được lão địa chủ Phạng tặng thêm cho một mụ vợ béo trắng. Kể từ lần đó, con cháu lão địa chủ Phạng lại phát về đường học hành, con cháu ông đồ Kiết lại giàu về đường buôn bán.
-----
Hà Nội, ngày 27/08/2020
Tác giả: Bùi Ngọc Phúc
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6