Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

kẻ đương thời
kẻ đương thời Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Giới tính : Nam

Bài viết : 665

Danh vọng : 1151

Uy tín : 42

Phần 1

"Thần trộm" (21 phần) - Bùi Ngọc Phúc Image28

Vào một ngày đầu hạ năm Ất Dậu 1945, khi nạn đói bắt đầu bùng phát, nhiều người đã phải bỏ làng để kiếm miếng ăn, số người sức tàn lực kiệt chết dọc đường nhiều vô kể. Thời gian đầu người chết còn được bó chiếu và rắc vôi bột phòng dịch bệnh, sau này số người chết tăng vọt, nhiều nơi các vị chức sắc, lí dịch cho gom hết lại rồi thẩy xuống hố vùi đất qua loa, bởi sau đó nhiều vị chức sắc ngồi trên đống tiền vẫn bị chết đói như thường. Ngày đó Phan Thiềm vừa bước sang tuổi 14 nên sức vóc hơn người, theo đoàn người đi bộ từ Thái Bình sang tới đất Phủ Lý, mặc dù đang tuổi ăn tuối lớn nhưng Phan Thiềm đã nhịn đói suốt hai ngày trong khi con đường cái quan về Hà Nội còn xa mù tít. Tự lượng sức mình sẽ chết đói khi chưa đến cổng tỉnh, đêm hôm đó Phan Thiềm quyết định ăn trộm để sống qua ngày, đúng như câu “đói ăn vụng, túng làm liều”.

Trong đêm tối nhưng vẫn còn ánh sáng trăng soi tỏ, Phan Thiềm trèo vào một nhà khá giả trong làng, bởi giữa vô số nhà tranh vách đất ẩm thấp, ngôi nhà ngói có sân gạch và cây mít chứng tỏ đây là nhà của một cụ tiên chỉ nào đó, hoặc bét ra phải là nhà tay Phó Lý hay Trương tuần. Mò mẫm trong bóng đêm, cuối cùng Phan Thiềm lấy được một củ khoai lang luộc được giấu ngay đống rơm, chắc con ở đói quá nên giấu đi để ăn mảnh khi vắng bóng người chủ. Dù muốn tìm thêm chút nữa, nhưng sợ bị gô cổ nên Phan Thiềm nhẹ nhàng vượt tường bước, cậu đi tắt lối vườn chuối ra ngồi bờ sông để xơi củ khoai quí giá. Con đường ra bờ sông men theo lối mòn giữa vườn, nhưng trong cơn đói khát những nải chuối còn xanh và đầy nhựa đã bị đám nạn dân xơi sạch, thậm chí thân chuối dùng nấu cám cho lợn giờ đây nhiều người tranh cướp nhau đến tội nghiệp. Cầm củ khoai lang trên tay, Phan Thiềm vừa hé răng định xơi cả vỏ, bất ngờ một tiếng nói như từ cõi chết vọng bên tai:

- Ta đói quá rồi, con trai hãy nhường cho lão được không.

Hai ngày không có gì nhét miệng khiến bụng réo ầm ầm, tự nhiên gặp con ma đói ám đúng lúc này khiến Phan Thiềm đưa mắt nhìn quanh, hóa ra một ông già ngồi ủ rủ gần đó từ bao giờ nhưng y không để ý. Cám cảnh vì đi đâu cũng gặp kẻ đói khát, trong một phút cao hứng của tuổi mới lớn, Phan Thiềm bẻ ngay nửa củ khoai đưa cho ông lão rồi nói:

- Ông già rồi nên ăn nửa củ khoai vẫn sống thêm được vài ngày.

Ăn xong nửa củ khoai, ông già đói rách không chết mà còn cất giọng sang sảng nói:

- Người xưa trọng tình trọng nghĩa, bởi vậy bát cơm Phiếu mẫu được người đời nhắc mãi. Ta biết con là người có lòng nhân từ, nhưng nếu chỉ là kẻ trộm vặt thật uổng một kiếp người, bởi thế ta có thể truyền nghề phù thủy cho con, ngoài ra nếu muốn theo nghề trộm, con có thể lên ngôi “thần trộm” trong thời gian tới.

Biết mình gặp được cao nhân ở ẩn, ngay bên bờ sông thanh vắng, Phan Thiềm đã quì xuống làm lễ bái sư. Thay vì nhập vào đoàn người đói khát về Hà Nội nhận phát chẩn, Phan Thiềm theo sư phụ của mình đi về phía Hà Nam. Khi trời gần sáng, hai người có mặt trên một ngọn núi không cao lắm, tại đó có ngôi nhà tranh vách đất nhưng đầy đủ mọi thứ dùng cho cuộc sống. Sư phụ của Phan Thiềm gật đầu nói với học trò:

- Nơi đây thiên thời, địa lợi, nhân hòa đủ ca, con sẽ sống và chịu khó tu luyện thành tài.

Dù chưa biết sẽ học được những gì, nhưng nhờ có nửa củ khoai nhét bụng nên Phan Thiềm đặt lưng xuống nền nhà ngủ một giấc say sưa đến khi mặt trời đứng bóng. Sáng hôm sau lúc nhìn rõ mặt người, Phan Thiềm nhận ra sư phụ của mình chỉ có một mắt, trong lúc còn đang bối rối không dám nhìn thẳng vào mặt sư phụ, cậu nghe thấy tiếng sư phụ ôn tồn giảng giải:

- Mất một mắt nên mắt còn lại tinh lực gấp đôi, có người xưa kia còn tịnh thân để chuyên tâm khổ luyện thành tài đó con. Từ hôm nay con hãy gọi ta là Thanh Long Độc Nhãn, nghĩa là là rồng xanh một mắt nhớ chưa.

Cả ngày hôm đó hai thầy trò bắt tay vào việc chống dột cho mái nhà cũ nát, sau đó chẻ tre làm hàng rào, dù sốt ruột nhưng Phan Thiềm không dám nhắc đến việc sư phụ hứa truyền nghề cho mình vào lúc nửa đêm hôm trước. Khi màn đêm buông xuống, tiếng chim lợn kêu lúc bay ngang qua khiến bầu không khí ở đây nhuốm màu thê lương, lúc này sư phụ Thanh Long Độc Nhãn thắp một nhọn đèn nhỏ đặt phía sau chỗ Phan Thiềm rồi căn dặn: Con muốn làm thần trộm phải mắt tinh tai thính, có tuệ nhãn nhìn thấu cả người lẫn ma, có như vậy mới đạt tới cảnh giới cao. Kể từ hôm nay, con phải tọa thiền, sau đó hướng ánh mắt của mình nhìn ra ngoài sân, ở phía đó ta có treo một quả chuông trên sợi chỉ đỏ. Con hãy tập trung làm sao muỗi đốt không bận tâm, quạ kêu không bận lòng, đến khi nào nhìn rõ quả chuông và đọc được dòng chữ khắc trên đó, tức là con có thể nhìn thấy cả cõi âm và cõi dương, người hay ma đều không qua được mắt mình.

Đúng như sư phụ Thanh Long Độc Nhãn đã nói trước, sau đúng chín mươi ngày khổ luyện vất vả, thậm chí nhiều lúc Phan Thiềm tưởng như phải bỏ cuộc, cuối cùng đôi mắt của cậu trong đêm tối có thể nhìn rõ như ban ngày, thậm chí cậu còn thấy được những vong hồn đang đi lang thang. Nhờ kiên trì tu luyện như vậy, suốt nhiều năm hành nghề ăn trộm sau này, Phan Thiềm không cần một que diêm hay ánh đèn pin vẫn đi lại trong nhà của khổ chủ như chốn không người. Bên cạnh việc tu luyện làm thần trộm, Phan Thiềm còn được sư phụ hướng dẫn cách luyện âm binh và nghe được những hồn ma nói gì, bởi điều này rất quan trọng với những kẻ lấy đêm làm ngày. Mặc cho nạn đói hoành hành khắp nơi, mỗi ngày Phan Thiềm được sư phụ Thanh Long Độc Nhãn cho ăn đúng một thìa gạo rang cùng hạt vừng đen và uống kèm một cốc nước rễ cau đun kĩ, vậy nhưng cậu không hề thấy đói dù đang tuổi ăn hết được cả nồi ba lẫn nồi bẩy. Hết chín mươi chín ngày luyện mắt, sư phụ Thanh Long Độc Nhãn đưa cho Phan Thiềm một con dao bài ngậm ngang miệng cùng một bình gốm, ông căn dặn:

- Con đi xuống dưới chân núi rồi rẽ trái, đi thêm vài trăm mét sẽ thấy một nghĩa địa của làng, ở giữa khu nghĩa địa có một giếng nước, đó là nơi người ta hay múc nước để rửa xương cốt vào những dịp cải táng.

Sư phụ Thanh Long Độc Nhãn nói tiếp, ngay khi con múc nước ở giếng, lúc đó sẽ có nhiều hồn ma xuất hiện, dù họ có nói hay hỏi điều gì, con tuyệt đối không được mở miệng trả lời. Nếu gặp gái đẹp lả lơi con hãy mặc kệ, nhớ xách được vò nước về đây cho ta, chỉ một sai lầm con sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình, lúc đó trong đám hồn ma có thêm con nhập bọn.

Trong đêm khuya, Phan Thiềm run rẩy hướng về khu nghĩa địa, do đã luyện được tuệ nhãn nên cậu nhìn thấy nhiều hồn ma đi lại tấp nập. Nhìn cảnh đó hơn ngày chợ phiên nơi quê nhà, thậm chí có hồn ma mặc áo giáp đã rách tả tơi, còn trên tay đang cầm thủ cấp của chính mình đi lang thang như tìm kiếm ai đó trong vô vọng, có lẽ nhiều hơn cả vẫn là những hồn ma vật vờ đói khát, những hồn ma này chỉ nhìn chòng chọc nhưng không mở miệng nói câu nào. Đúng như sư phụ đã nói, khi vừa múc được gầu nước đổ đầy bình gốm, nhiều hồn ma xúm vào hỏi Phan Thiềm đủ thứ, họ tranh nhau nói trong tiếng gió rít, tiếng quạ kêu cùng ánh sáng của hàng trăm con đom đóm. Tuy nhiên do chưa luyện được thần khí, bởi vậy Phan Thiền dù nhìn thấy hồn ma, nhưng cậu không nghe được họ nói gì, điều này khiến nhiều hồn ma giận dữ. Ngày đầu tiên mang được bình nước lên núi, hai ống quần của Phan Thiềm ướt sũng và sực nức mùi khai nồng, bởi sợ quá nên cậu vừa đi vừa đái trong vô thức, có lẽ quá quen với cảnh đỏ nên sư phụ lờ đi coi như không nhìn thấy.

Hôm sau trong lúc ngồi ngắm ánh hoàng hôn, sư phụ Thanh Long Độc Nhãn giải thích, đám hồn ma con thấy đêm qua có hai loại gồm ma ướt và ma khô. Đám ma khô do chết đã lâu nên chỉ còn xương cốt, nhiều kẻ muốn mượn thân xác phàm trần để nhập vào báo mộng cho người thân, còn đám ma ướt vừa rời xa dương thế nên chưa thịt nát xương tan, dù khô hay ướt tất cả đều là những hồn ma ở cõi âm ty. Thấy đệ tử chăm chú lắng nghe, vị sư phụ độc nhãn nói tiếp: Nếu chỉ cần đào tường khoét vách, cả cuộc đời con chỉ là dạng trộm cắp tầm thường, nhưng nếu tu luyện thành thần trộm như ta đã truyền dạy, sau này con có thể lọt vào các vương phủ hay hầm mộ mà không sợ hồn ma báo oán, bởi con đủ thần lực để sai khiến và áp chế họ. Sau đúng một trăm linh chín đêm múc nước trong nghĩa địa, giờ đây Phan Thiềm đã nghe được những lời than thở từ các hồn ma, thậm chí cả tiếng khóc ai oán hay tiếng cười đầy cay đắng của họ. Có lần vác bình gốm đựng nước trên tay, Phan Thiềm nhìn thấy bên đường có người con gái xinh đẹp tuyệt trần mỉm cười e lệ, cô ta mời cậu ghé vào nhà nghỉ chân xơi miếng trầu và uống chén nước, tuy nhiên con dao bài ngậm ngang miệng giúp Phan Thiềm hiểu, đó là hồn ma đang rủ mình xuống hồ để dìm chết, cô ả chọn cậu như kẻ thế mạng để được lên bờ.

Vào ngày Đông chí năm Bính Tuất, cậu bé Phan Thiềm bước sang tuổi 15 đã làm lễ bái biệt sư phụ để hạ sơn, bởi những gì cần truyền dạy, sư phụ đã dốc lòng chỉ bảo. Sư phụ Thanh Long Độc Nhãn sai Phan Thiềm vần chiếc bồ đựng thóc ở góc nhà ra chỗ sáng, sau khi mở nắp bồ và khua hết mạng nhện, lúc này Phan Thiềm mới nhìn rõ bên trong có một xác người đã khô quắt. Bằng một giọng đều đều, sư phụ Thanh Long Độc Nhãn phân tích: Ngoài những gì ta đã dạy dỗ, con phải có thêm bảo bối khi bôn tẩu hành nghề trong thiên hạ, nhớ rằng chỉ truyền nghề cho con trai, riêng nữ nhi ngoại tộc không được cho dính vào. Bằng một động tác dứt khoát, sư phụ Thanh Long Độc Nhãn cầm cánh tay của người chết bẻ rời ra, lúc trao cho Phan Thiềm ông nhắc lại:

- Con có thể quên ngày giỗ cha, giỗ mẹ, nhưng tuyệt đối không được quên ngày giỗ của bảo bối này, nếu không sẽ rước họa vào thân.

Khi Phan Thiềm quay về đất Phủ Lý, chế độ thực dân phong kiến đã chấm dứt được hơn một năm. Nhớ đến hồi cha mẹ còn sống, gia đình có đính ước cho mình với con gái cụ lang Thống sinh sống tại làng Sủ cách đó không xa, Phan Thiềm xốc tay nải rồi hăm hở đi dọc con đường đất đỏ dẫn vào làng. Dưới ánh hoàng hôn đỏ thẫm, không phải hàng chục mà có hàng trăm hồn ma đang ngắm nhìn vị thần trộm tương lai bằng con mắt không báo hiệu trước điều gì tốt đẹp. Nhằm đáp lại những cái nhìn xa lạ đó, Phan Thiềm bẻ một cành dâu rồi vạch quần vừa đi vừa đái vào. Khi cành dâu sũng nước tiểu, ngẩng mặt tìm quanh đó, Phan Thiềm không còn thấy một bóng ma nào xuất hiện.

-----

Dù vừa vào đầu tháng 6, nhưng trời nóng như rang ngay từ sáng sớm, bà con làng Sủ đội nắng ra đồng để tất bật thu hoạch lúa vụ Chiêm Xuân, bởi cơn bão số 2 đang tiến vào biển Đông. Những lúc như vậy, kinh nghiệm “xanh nhà hơn già đồng” của bà con nông dân một nắng hai sương khiến việc gặt được khẩn trương, nếu không nguy cơ mất trắng trước ngày thu hoạch là có thật. Do không chịu được cái nắng như thiêu như đốt, nhiều nhà chuyển sang gặt đêm cho mát, nhưng việc phơi thóc vẫn phải làm ban ngày, cuối cùng sự nhọc nhằn là không tránh khỏi. Người ta nói “trở mặt như thời tiết quả không sai”, giữa lúc đang nắng chang chang, bất thần có một tiếng sét nổ kinh hoàng, trời tối đen như mực kèm theo cơn mưa như trút, mưa kéo đến quá nhanh khiến nhiều người ở ngoài đồng không kịp chạy tìm nơi trú mưa. Trong không đầy nửa tiếng, cơn mưa trắng trời trắng đất khiến nước bắt đầu dâng cao, đàn vịt chạy đồng nháo nhác lên bờ trú dưới gốc cây muỗm cổ thụ, con đường làng có nhiều người mang nơm đi úp cá hoặc dùng tay bắt cá rô rạch, trời tối đen vì thế những chiếc lốp xe hỏng được đốt lên soi đường. Tiếng sét thứ hai còn kinh hoàng hơn tiếng sét đầu, mọi người cảm giác như nó đánh trúng xuống mái nhà của mình vậy.

Ngồi trên chiếc sập cổ kê giữa nhà, ông lang Thiềm bấm đốt ngón tay nhẩm tính: Cơn mưa này sẽ có khối kẻ đói há mồm, bởi đây là sự bất thường của thời tiết, nó thường mang theo trường năng lượng xấu mà dân gian hay gọi dễ hiểu là điềm xui. Đang lúi húi cơm nước ở gian bếp, ngó lên nhà trên thấy tối om, bà Thiềm vội thắp ngọn đèn tọa đăng rồi treo vào cái móc ở phía trên, ánh sáng rọi xuống đúng chỗ chồng bà đang ngồi suy tư. So với nhiều nhà trong làng, bà cảm thấy may mắn vì được chồng nhắc từ tuần trước, vốn không quen nghĩ nhiều, chồng dặn sao bà làm y như thế. Mặc cho dân làng ngạc nhiên vì tính hay lo xa, bà Thiềm gọi thợ đến gặt từ sớm và phơi phóng chỗ thóc đến khô nỏ, khi thóc lúa chất đầy bồ cũng là lúc gặp cơn mưa tai ác này. Với kinh nghiệm làm ruộng lâu năm, bà biết rõ số lúa chín ngoài đồng chưa gặp kịp đã chìm trong biển nước, thóc ngâm nước sẽ nảy mầm chỉ còn tuốt cho vịt ăn, bao công sức bấy lâu hóa thành công cốc. Cơn mưa kéo dài đến đầu giờ chiều bắt đầu ngớt dần rồi tạnh hẳn, nhiều nhà phơi thóc không chạy kịp nên bị nước mưa cuốn trôi xuống cống rãnh, bắt đầu có tiếng mẹ mắng con, tiếng chồng chửi vợ vang lên khắp nơi, kèm theo đó là tiếng khóc ai oán ở khu sân kho hợp tác.

Không màng chuyện nhân tình thế thái, ông lang Thiềm ngồi thưởng thức bát chè sen do bà vợ bưng lên, đối với ông những chuyện tầm đại sự sẽ không thể chia sẻ cùng ai, bởi nó là những bí mật theo kiểu “sống để bụng, chết mang theo”. Ăn gần xong bát chè sen, ông lang Thiềm nghe thấy bước chân chạy gấp gáp từ ngoài đường vào nhà, hai con chó nhận ra người quen nên chạy ra vẫy đuôi rối rít. Người con trai lớn của ông lang Thiềm hay còn gọi là cả Sinh chạy vào nhà, với nét mặt đầy xúc động, cậu ta nói trong hơi thở gấp gáp:

- Thầy ơi, con bé Hồng nhà Hai Xoan ở xóm bãi bị sét đánh chết ngay tại sân kho hợp tác, hình như lúc đó con bé đang chạy thóc.

Ông lang Thiềm trợn mắt hỏi con trai:

- Tin này thật không, anh có thấy tận mắt hay chỉ “nghe hơi nồi chõ”?

Cả Sinh nói giọng quả quyết:

- Con là người có mặt đầu tiên, xác nó bị cháy đen còn quần áo bay hết. Chính ông trưởng thôn xác nhận, vì con bé dùng cái cặp ba lá kẹp tóc nên sét táng thẳng vào đầu, coi như chết không kịp ngáp.

Ngay buổi trưa hôm đó ông lang Thiềm cho triệu tập cuộc họp gia đình bàn việc gấp, ngoài cậu cả Sinh còn có cậu hai Trọng và cậu út Tương là ba người con trai của ông, họ đều mặt đông đủ. Trong ngôi nhà ba gian hai chái theo kiểu truyền thống, ông lang Thiềm cất giọng điềm tĩnh nói:

- Việc người bị sét đánh chết không hiếm, tuy nhiên lần này Thiên lôi đã gọi tên một con bé tuổi tròn đôi tám lại còn trinh trắng, như vậy là ông trời đã giúp nhà mình. Trong vòng bảy bảy bốn chín ngày, các anh phải làm sao đào mộ rồi lấy trộm xác con bé về đây cho tôi, hãy nhớ nếu việc này lộ ra, nhà họ Phan chỉ còn cách đeo mo vào mặt rồi đi tha phương cầu thực vĩnh viễn không quay được về làng Sủ.

Cả Sinh vốn được cắp tráp theo hầu cha mình từ nhỏ nên ngạc nhiên hỏi:

- Nhà mình đã có bảo bối rồi, sao cha còn muốn thêm nữa.

Ông lang Thiềm lấy từ trên bàn thờ xuống một hộp gỗ màu cánh gián, chiếc hộp có chiều dài khoảng bốn mươi phân, ở bên ngoài được khóa bằng chiếc khóa đồng to bản. Khi cho chìa vào mở khóa, bên trong hộp đựng một cánh tay người đã quắt queo, ngoài ra có thêm sợi dây chuyền bằng bạc được lồng mấy đốt xương sống. Chỉ vào cánh tay khô quắt, ông lang Thiềm chậm rãi giải thích:

- Ngày xưa lúc làm lễ bái biệt sư phụ để hạ sơn đi bôn tẩu giang hồ, ta được ngài tặng cho cánh tay này nhằm trợ giúp khi còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên sư phụ có dặn, trước sau gì cũng phải kiếm cho riêng mình một bảo bối. Ngắm nhìn sợi dây chuyền bạc trên tay, ông lang Thiềm trầm ngâm cho biết đó là mấy đốt xương sống của người bị sét đánh trên mạn Đà Bắc đã lâu, dù năng lượng có tích tụ vào đủ, nhưng nếu đeo vào những đêm trăng sáng mới phát huy tác dụng. Sợi dây chuyền cùng mấy đốt xương do một đồng môn trao tặng, như vậy ta chưa có gì cho riêng mình. Thấy cậu con trai út chăm chú nhìn bảo bối, có vẻ như muốn hỏi gì đó nhưng ngần ngại. Cầm bàn tay khô quắt đưa ra phía trước, ông lang Thiềm thở dài kể rõ, đây là cánh tay của một bà già nát rượu, vào một buổi chiều chạng vạng, bà ta bị sét đánh chết bên dòng sông Thương. Tuy nhiên năng lượng ở cánh tay giảm sút nên không còn uy lực. Thậm chí nhiều hôm còn chỉ sai hướng, đúng là không tin được những kẻ nát rượu, dù họ còn sống hay đã cưỡi hạc qui tiên.

Chiều tối hôm đó, trong tâm thế nghĩa tử là nghĩa tận bởi tình làng nghĩa xóm, ông lang Thiềm cùng ba người con trai ra sân kho viếng người con gái xấu số. Ở làng Sủ có tục lệ từ lâu đời, nếu ai chết đường chết chợ sẽ không được mang về nhà, gia quyến sẽ quàn ngay tại nghĩa trang đợi giờ hạ huyệt, riêng trường hợp cô bé này được quàn ngay đúng vị trí sét đánh hồi sáng. Do cha mẹ còn sống lại là gái chưa chồng, bởi thế đám kèn bát âm không có cơ hội trổ tài. Cỗ quan tài đã được đóng cá xong xuôi, vì người chết do sét đánh nên ít ai đủ can đảm nhìn vào, bà mẹ  ôm quan tài khóc vật vã do tiếc thương đứa con gái đoản mệnh. Ông lang Thiềm sau khi thắp hương liền gợi ý, ngày mai đưa cháu ra đồng sẽ không tránh khỏi tang gia bối rối, người bị sét đánh hãy để thân quyến tránh xa đừng dính tới việc xây mộ, gia đình hãy tìm thuê người ngoài cho tiện việc tâm linh. Ông hai Xoan thấy ông lang Thiềm nói có lý nên sai người cháu họ đạp xe ra đầu làng có nhời với cậu Vạn chuyên nghề sửa nhà xây mộ dịp cuối năm.

Tối hôm đó sau khi dùng cơm cùng ba cậu con trai, ông lang Thiềm đưa cho cả Sinh một chai nước màu đen thẫm rồi dặn:

- Anh ra nói với thằng Vạn, khi nào trộn xi măng để đổ bê tông xuống mộ, nhất thiết nó phải dốc chai này vào trộn cùng, nói ít hiểu nhiều là được, xong việc tôi sẽ xóa nợ cho.

Ngước nhìn hộp gỗ sơn đỏ, ông lang Thiềm nhớ lời sư phụ dặn khi trao tặng “bảo bổi”, ngày đó sư phụ của ông giải thích, những kẻ hành nghề đạo tặc muốn “vạn sự như ý” thường tìm cách đào trộm mộ người chết vì sét đánh, sau đó chặt một bàn tay đem về yểm. Kẻ nào sở hữu bàn tay ma thuật, trước khi hành sự khoảng một canh giờ chỉ việc dâng hương và khấn, nếu bàn tay đó chỉ về hướng nào thì đi ăn trộm hướng đó sẽ thành công. Nhưng muốn trở thành thần trộm, chắc chắn con phải tu luyện nhiều hơn nữa, nếu không vẫn mãi loanh quanh ở dạng đào tường khoét vách. Sau này dù hành nghề trộm, ông lang Thiềm vẫn học và theo nghề bốc thuốc để cứu nhân độ thế, ông hy vọng nghề lương y sẽ giúp ông bớt tạo nghiệp ác. Tiếng chuông đồng hồ thánh thót điểm 10 tiếng, ông lang Thiềm thắp thêm nén hương rồi bắt đầu đi nghỉ sớm, bởi còn nhiều kế hoạch phải thực hiện với xác chết bị sét đánh.

Tác giả: Bùi Ngọc Phúc

P2 P3 P4 P5 P6 P7 P8 P9 P10 P11 P12 P13 P14 P15 P16 P17 P18 P19 P20 P21

      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | Văn hóa | Childhood, Gia đình | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất