Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

kẻ đương thời
kẻ đương thời Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Giới tính : Nam

Bài viết : 665

Danh vọng : 1151

Uy tín : 42

Phần 1

"Tái sinh" (10 phần) - Bùi Ngọc Phúc Image15

Cuối tháng 5 trời nắng chang chang, trên cánh đồng lúa đang vào vụ thu hoạch, mọi người mải miết chạy đua với công việc trước khi bão về, hệ thống loa của uỷ ban liên tục cập nhật thông tin cho bà con xã viên được biết, chưa bao giờ không khí lại khẩn trương như lúc này, bởi đó là mồ hôi công sức suốt mấy tháng vừa qua. Chất xong chỗ lúa vừa gặt lên chiếc xe đạp cà tàng, vợ chồng ông Tiến vội đẩy nhanh về nơi máy tuốt lúa đặt ở gần gốc cây gạo. Nhiều gia đình tranh thủ khoảng lặng trước cơn bão để phơi thóc trên mặt đường quốc lộ, không khí khẩn trương vì công sức bấy lâu không thể mất trắng. Giữa trưa nắng, trong lúc vợ chồng ông Tiến tranh thủ ăn tạm chút cơm nguội để còn gặt nốt hai sào lúa, bất chợt có tiếng sấm từ xa vọng lại, bà Thỏa uống vội ngụm nước vối trong chiếc ấm nhôm cũ rồi nói với chồng:

- Kiểu này khéo sấm đói.

Khi cơn bão số hai đổ bộ vào đất liền đúng như dự báo, mưa gió khiến cây đổ và nhiều nhà trong làng bị tốc mái, bão về lúc nửa đêm bởi thế mọi việc đồng áng đã xong nên thiệt hại được giảm thiểu tối đa. Cột điện đầu ngõ bị đổ chắn ngang đường, khu xóm 6 chìm trong bóng tối, lúc này ông Tiến không an tâm ngủ được nên cầm đèn pin đi kiểm tra và che chắn cho chuồng lợn, chuồng gà. Ngồi trong nhà nhìn ra ngoài sân, ông Tiến, gật gù nói một mình:

- Gặt sớm hóa lại hay, các cụ dạy cấm có sai, "xanh nhà hơn già đồng".

Sáng hôm sau khi bão tan, ông Tiến bắt tay vào dọn dẹp khu vườn bị tàn phá, trong lúc đó bà Thỏa tiếc rẻ nhặt các buồng chuối xanh dập nát rồi nói với chồng:

- Chiều nay tôi mua bốn bìa đậu phụ và ít bì lợn, ông ra ao xúc xem có được mớ ốc nào không. Nhân tiện nhà có đám lá tía tô, mưa gió thế này có nồi chuối xanh nấu ốc còn ngon hơn chán vạn món khác.

Trước khi dắt xe đi học, Phượng thông báo:

-Con chuẩn bị nộp đơn đăng kí thi đại học, bố mẹ muốn con thi trường nào.

Bà Thỏa đang dỏng tai nghe làn điệu chèo phát ra từ loa truyền thanh của xã, nghe con gái hỏi vậy liền chép miệng:

- Nhà mình nông dân chân lấm tay bùn, cả vụ lúa sau khi trừ chi phí chả còn mấy đồng, thôi con thi vào sư phạm là tốt nhất. Mẹ thấy con bé Lanh nhà thím Mão học sư phạm ra trường, bây giờ làm giáo viên bên Thái Thụy tươm lắm.

Ông Tiến khề khà chén rượu ngâm rễ cây Đinh Lăng, chốc chốc lại nhón tay cầm mấy hạt lạc rang cho vào mồm đưa cay, do trời mưa nên công việc đồng áng tạm dừng lại. Sau khi ngẫm nghĩ một lúc, ông thong thả phân tích:

- Muốn làm cô giáo phải thùy mị, nết na, mày tính nết chả khác lũ con trai, thôi đăng kí thi trường quân đội. Vào đó được nhà nước nuôi, sau không lo đi xin việc.

Thấy cô bạn léo nhéo rủ đi học luôn:

- Con hỏi vậy thôi, nhưng sẽ nộp đơn thi vào trường Ngân hàng.

Mặc cho bố mẹ ngạc nhiên vì bất ngờ, Phượng xách cặp chạy ù ra cổng. Ông Tiến nhìn theo rồi con gái rồi quay sang nói với vợ:

- Thôi kệ nó tự chọn trường, nếu đỗ thì nuôi cho học, nếu trượt ở nhà làm ruộng, ai hỏi thì gả chồng là xong.

Bà Thỏa xuống bếp bưng lên một khúc cá kho đặt cạnh chai rượu rồi than thở:

- Làng mình là đất học nên nhiều người thành đạt trên thành phố, nhà có mỗi mụn con mà ông bắt nó ở nhà làm ruộng nghe sao được.

---

Bà Thoả sửa soạn mâm cơm cúng bưng lên bàn thờ, tiết trời vào thu nhưng còn oi ả. Khi mọi việc xong xuôi, bà nhắc chồng làm lễ, dù chẳng phải ngày giỗ chạp, nhưng bà vẫn thành tâm biện lễ là có nguyên do. Không cần đợi bà vợ nhắc thêm, ông Tiến thay bộ quần áo tươm tất bắt đầu thắp hương khấn vái, phía sau lưng ông, hai mẹ con chắp tay thành kính để rước tổ tiên về thụ lộc. Ngoài sân có tiếng chó sủa ầm ĩ, bà Thỏa ngó ra đã thấy ông Mạnh là em ruột ông Tiến xách một túi nylon bước vào. Sau khi thắp nén hương trên bàn thờ, ông Mạnh quay sang nói với Phượng:

- Vậy là họ nhà mình có thêm cháu đỗ đại học, ngày mai lên Hà Nội nhập học, cháu hãy đem theo mấy chiếc bánh đặc sản quê nhà làm quà cho các bạn.

Ông Mạnh móc túi đưa cho Phượng hai trăm ngàn đồng cùng túi nylon đựng ba chiếc bánh cáy, sau đó quay sang nói với anh trai và chị dâu:

- Họ nhà mình có bác cả là trưởng họ nhưng không có con trai, nhà em dù cố hết sức cũng chỉ ba con gái, nhiều lúc nghĩ thấy buồn.

Chỉ tay vào Phượng ông nói thêm:

- Bọn này khác nào lũ vịt giời, nuôi lớn rồi sẽ vỗ cánh bay đi mất.

Nghe chú ruột nói vậy, Phượng im lặng không dám cãi, nhưng trong thâm tâm có vẻ không phục. Buổi đêm nằm cạnh con gái, bà Thỏa vừa quạt cho con vừa thủ thỉ tâm sự:

- Con thành sinh viên rồi, ăn nói đi lại phải ra dáng một chút, làm gì cũng phải ý tứ. Đừng khôn ba năm dại một giờ, phải chuyên tâm vào học, nhớ tránh xa bọn trai Hà Nội bẻm mép ra nghe chưa.

Bà Thỏa nói một hồi mà không thấy con gái phản ứng, khác hẳn với tính hay cãi mọi ngày. Khẽ nhỏm dậy nhìn sang bên cạnh, dưới ánh đèn leo lét trên bàn thờ, bà thấy Phượng ngủ say từ khi nào, hóa ra bà nói chuyện một mình cả tối. Trời mới tờ mờ sáng, tiếng gà trong chuồng đã gáy vang. Ở dưới bếp bà Thỏa hì hụi làm món canh cá, chút nữa hai bố con ăn sáng rồi bắt xe lên Hà Nội sớm, bởi hôm nay là ngày Phượng làm thủ tục nhập học tại Học viện Ngân Hàng theo giấy hẹn. Vì kiêng không muốn hai cha con gặp gái lúc xuất hành, bà phải nịnh khéo thằng cu hàng xóm đứng đón ngõ ở cột đèn. Tiễn hai bố con ra đến cổng, bà không quên nhắc lại cho con gái câu nói đêm qua:

- Nhớ tránh xa bọn con trai Hà Nội bẻm mép.

Phượng bĩu môi đáp lại:

- Vâng, con biết rồi.

Làm thủ tục nhập học xong, hai bố con ông Tiến đi bộ từ phố Chùa Bộc sang phố Tôn Thất Tùng, sau vài lần hỏi đường, bố con ông tìm được đúng địa chỉ người quen. Sau khi bấm chuông, bác sĩ Lê là cháu gọi bà Thỏa bằng dì mở cửa niềm nở tiếp đón hai bố con, người làng gặp nhau trên Hà Nội đã quý, họ hàng còn quý hơn nhiều. Dù ít lên Hà Nội, ông Tiến vẫn biết làng ông nhà nào cũng có người học tập và làm việc trên này. Do vợ chồng Lê đều là bác sĩ nên bận từ sáng đến khuya, ông mong muốn con gái ở nhờ thời gian đầu cho quen đường xá, mọi việc sinh hoạt Phượng sẽ biết tự chăm sóc cho bản thân. Vốn tính hay nóng ruột lại muốn về quê ngay, ngồi nói chuyện được nửa tiếng, ông Tiến đứng dậy xin phép ra bến xe phía Nam cho kịp chuyến xe cuối ngày. Trước khi chia tay, ông nói với bác sĩ Lê:

- Em nó mới ở quê lên thành phố nên còn nhiều bỡ ngỡ, thôi chú và dì trăm sự nhờ vợ chồng cháu chỉ bảo.

Cơm tối xong, Phượng tranh thủ lau dọn nhà cửa cho anh chị, do anh Thuận chồng chị Lê có ca trực ở bệnh viện, nên chị Lê tỏ vẻ vui mừng vì có Phượng sẽ thêm người bầu bạn. Hai vợ chồng đều là bác sĩ, nhưng lấy nhau 5 năm việc có mụn con vẫn chưa thành hiện thực nên ngôi nhà vắng lặng và thiếu sức sống. Đang lau cầu thang, Phượng nghe thấy tiếng gọi:

- Em mở tủ lấy giúp chị khăn tắm sạch.

Phượng nhanh chóng lấy chiếc khăn tắm rồi đẩy khẽ cửa đưa khăn tắm vào. Dưới ánh sáng dịu nhẹ trong buồng tắm, cơ thể của người thiếu phụ hiện ra với những đường cong tuyệt mĩ, là con gái mới lớn, Phượng cũng không thể rời mắt khỏi tòa thiên nhiên đẹp như vậy, cô biết so với bà chị họ, mình khác nào vịt con xấu xí. Sau khi xả nước cho sạch bọt trắng trên đầu, Lê cầm chiếc khăn tắm rồi nói với Phượng:

- Chút xong việc em vào tắm luôn cho mát.

---

Nhìn đồng hồ đã 6 giờ sáng, trong lúc vợ chồng chị họ còn đang ngủ, Phượng nhẹ nhàng dắt xe đạp ra khỏi nhà, để tiết kiệm nên nhiều bữa cô nhịn luôn cả ăn sáng. Sau khi nhìn tờ bản đồ lần nữa cho yên tâm, Phượng bắt đầu đạp xe lên mạn Lăng Bác, dù có xem bản đồ nhưng Phượng vẫn phải hỏi thăm đường thêm vài lần mới đến được công viên Bách Thảo. Theo kế hoạch của nhà trường, tuần này sinh viên mới nhập học sẽ đi tập quân sự, sau đó bắt đầu học các môn đại cương. Trời không nắng gắt nhưng oi ả khiến cho Phượng cảm thấy khó chịu, mồ hôi ướt sũng lưng áo do đạp xe từ nhà đến công viên khá xa. Suốt buổi sáng cùng các bạn sinh viên năm thứ nhất phải lăn lê, bò toài, học cách sơ cứu thương, cách sử dụng súng để ngắm bắn. Đến giờ nghỉ giải lao, mấy cô gái tỉnh lẻ ngồi một góc nói chuyện thì thầm với nhau, trái ngược với nhóm của Phượng, trong lớp TCKT 01 có nhóm bạn ăn mặc sành điệu, họ chở nhau bằng xe Honda cub đến chỗ tập quân sự, nhóm này nói chuyện tự nhiên vui vẻ, thậm chí họ còn trêu đùa với mấy anh sĩ quan quân đội đang huấn luyện. Sau buổi tập quân sự, Linh là người cùng huyện Hưng Hà bèn rủ Phượng:

- Trưa nắng cậu đạp xe về nhà cũng không có ai, qua phòng trọ bọn mình ăn rồi nghỉ đến chiều hãy về.

Thấy cô bạn nói hợp lí, Phượng gật đầu ngay do muốn thăm chỗ ở của bạn. Bữa trưa của ba cô gái tỉnh lẻ tương đối đạm bạc, ngoài bát nước canh rau muống vắt chanh kèm ba miếng đậu phụ rán, hôm nay có thêm Phượng nên hai cô bạn phá lệ tráng thêm một quả trứng cho tươm tất. Phòng trọ là ngôi nhà cấp bốn lợp mái phibro xi măng, bởi vậy giữa trưa trong phòng nóng hầm hập như cái nồi hầm, Linh và Phượng xách xô nước đổ ra nền nhà cho mát. Vừa ăn Linh vừa nói với bạn:

- Cậu ở nhà người thân dù sao vẫn sướng hơn bọn tớ, ở nhà trọ đêm nóng không ngủ được, bọn tớ hy vọng sang tháng thời tiết sẽ dịu hơn.

Ba cô gái ngồi ăn bỗng mất điện, Phượng ăn vội bát cơm rồi ra ngoài cửa cho thoáng. Sau bữa cơm trưa vội vã, ba cô sinh viên rủ nhau lang thang ngoài phố, trời nắng nóng dù sao ở ngoài đường vẫn còn mát hơn trong nhà trọ. Cuối giờ chiều, Phượng chia tay hai người bạn rồi nhanh chóng đạp xe về nhà để lau dọn nhà cửa và chuẩn bị bữa tối. Khi chương trình thời sự bắt đầu, vợ chồng anh chị họ lần lượt về nhà. Trước lúc ngồi vào bàn ăn, bác sĩ Thuận cẩn thận rửa kĩ hai tay bằng xà phòng, có lẽ do mắc bệnh nghề nghiệp. Dù mới ở đây được hai tuần, Phượng đã quen dần với những quy định bất thành văn, tuyệt đối không làm các món chiên, rán nhiều dầu mỡ, không dùng chung bát nước chấm, đũa nấu ăn và đũa ăn riêng biệt. Hạn chế nói chuyện khi đang ăn cơm, nhà cửa phải được lau dọn sạch sẽ hàng ngày. Bác sĩ Thuận ngồi xuống bàn ăn, liếc qua các món được Phượng bày biện trên bàn, anh nhẹ nhàng nói:

- Canh rau nấu cần nhiều nước hơn, món thịt lợn chế biến như này tuyệt đối không được cho hành lá vào, cơm không xới đầy quá em nhé.

Phượng chăm chú lắng nghe lời anh rể, cô vâng dạ một cách lễ phép và nhập tâm ghi nhớ để tránh lặp lại. Sau bữa tối, trước lúc đi gặp bệnh nhân, bác sĩ Thuận góp ý với vợ:

- Cô Phượng dù sao đang ở nhà mình, em chọn trong đống váy áo xem có bộ nào thời trang chút đưa cho em nó dùng. Sinh viên ăn mặc lôi thôi, nhìn không bằng mấy đứa bưng bê ngoài quán cafe.

Đợi chồng đi khuất, Lê gọi cô em họ lên phòng để chọn quần áo. Ngắm nhìn Phượng thướt tha trong chiếc váy mùa hè có họa tiết hoa bướm nhẹ nhàng, cô tấm tắc khen:

- Đúng là người đẹp vì lụa, em mặc cái váy cũ nhìn đã khác hẳn, chị chọn cho em vài bộ mặc thay đổi khi lên giảng đường.

Sau khi chọn cho Phượng váy áo xong, như chợt nhớ ra điều gì, Lê bèn nhận xét chân tình:

- Chị em mình sinh ra từ đồng lúa nên các cụ dạy ăn lấy chắc, mặc lấy bền, mọi thứ từ quần áo không cần đẹp, miễn dùng bền là được. Khi nãy em thay váy áo, nhìn bộ đồ lót của em khiến chị tưởng dành cho các cụ 70 ở quê nhà. Em mặc như vậy, sau có người yêu, nó nhìn thấy khéo chạy mất dép.

Phượng ngạc nhiên hỏi lại:

- Em thấy con gái mặc kín đáo bình thường có sao đây, yêu nhau sao lại cho người ta nhìn mấy chỗ đó làm gì.

Nghe cô em họ trả lời, Lê chép miệng:

- Còn quê lắm em gái, khi đã lên Hà Nội học, em phải thay đổi cho phù hợp với cuộc sống. Phụ nữ phải đẹp từ trong ra ngoài hiểu chưa, đẹp cả lúc đi ngủ, lẫn khi bước ra khỏi nhà.

Không cần nghe Phượng thanh minh, Lê cởi chiếc váy đang mặc rồi mở tủ chọn chiếc váy ngủ khác. Trước khi mặc váy ngủ mới, Lê tự tin đứng ngắm mình trước tấm gương ở tủ quần áo. Phượng há hốc mồm ngắm nhìn bà chị họ, bộ đồ lót được thêu ren vô cùng cầu kì và tinh tế, màu sắc trang nhã, điều quan trọng hơn là nó ôm khít vào người mặc. Có lẽ đây là lần đầu tiên Phượng thấy có bộ đồ lót đẹp như vậy, chả bù cho cô toàn phải dùng đồ theo kiểu “của nhà trồng được”. Không nén được cảm xúc, Phượng thốt lên đầy ngưỡng mộ:

- Nhìn chị mặc đẹp quá, có khi đẹp nhất huyện nhà mình, em là con gái nhìn còn thấy mê nữa là đám con trai.

Lê mỉm cười trả lời cô em họ:

- Nhà chị thuộc quận Đống Đa em nhé, huyện nào ở đây.

---

Tác giả: Bùi Ngọc Phúc

Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6, Phần 7, Phần 8, Phần 9, Phần 10
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất