Trời nhá nhem tối, những ngôi nhà trong xóm lao động le lói những ánh đèn dầu, ông Phương mệt nhọc đạp chiếc xích lô về sát cửa nhà. Thấy chồng về, bà Dần vội nói:
- Thu mau ra lấy chậu nước cho bố rửa mặt rồi dọn cơm.
Nghe mẹ gọi, cô bé Thu vội bê chậu nước ra ngoài hè, ông Phương sau khi rửa mặt thì cởi áo và cúi xuống lấy khăn lau qua người cho mát. Dưới ngọn đèn dầu Hoa Kỳ, ba người bắt đầu bữa cơm tối, mâm cơm được đặt ở trên chiếc chiếu rách, nhà nền đất nên vẫn mấp mô. Ngoài bát canh rau dền, một đĩa lạc rang mặn, riêng ông Phương có thêm cút rượu cùng đĩa đậu phụ rán. Trong lúc hai mẹ con ăn cơm, ông Phương uống rượu, nhấm nháp mấy bìa đậu. Thấy chồng đã uống đến chén thứ ba, bà Dần vội nói:
- Thôi để tôi xới bát cơm cho mình ăn nhé, uống vậy đủ rồi.
Ông Phương uống thêm một chén rượu rồi bắt đầu ăn cơm, tiếng loa truyền thanh từ xa vọng lại báo tin quân chủ lực của ta đang thắng trận liên tiếp, việc giải phóng thành phố Huế trong nay mai. Không có người thân nơi chiến trường, mọi người vẫn háo hức ngóng tin mỗi ngày. Khi chồng vừa buông đũa, bà Dần nhắc con bê mâm bát ra sau nhà để rửa. Đợi chồng uống nước xong, bà Dần rụt rè nói:
- Có chuyện này tôi muốn trao đổi, nhưng mình phải bình tĩnh.
- Chuyện gì vậy?
Ông Phương hỏi nhưng có vẻ muốn đi ngủ, dẫu sao cả ngày hôm nay ông phải chở gạch vụn cho người ta mua về xây nhà nên đã mệt, ông đoán chắc bà vợ muốn xin cho con bé Thu đi dự liên hoan hay đi chơi cùng đám bạn. Ngập ngừng hồi lâu bà Dần nói nhỏ vì sợ nhà hàng xóm sát vách nghe thấy, bởi cả dãy nhà đều cách nhau bởi bức tường con kiến. Bà Dần khổ sở trình bày việc ba tháng nay đến kỳ của phụ nữ nhưng không thấy con gái giặt và phơi khăn xô như mọi khi. Đoán có sự chẳng lành, bà tra hỏi nhưng con gái sợ bố đánh nên đã van xin bà nói giúp.
Ông Phương gằn giọng hỏi và như tỉnh hẳn rượu:
- Vậy thằng nào đã hủ hóa với nó?
Thu đứng nép ở tấm liếp phía sau nhà, cô chăm chú lắng nghe câu chuyện của bố mẹ, việc tày đình như này, cô biết mình không thể giải quyết được.
Bà Dần hạ giọng nói nhỏ:
- Thằng Thịnh con nhà ông bà giáo Thanh.
Ông Phương giật mình hỏi lại:
- Bà có chắc chắn không, thằng đó đi Liên Xô từ năm ngoái rồi.
- Tôi hỏi đi hỏi lại nhiều lần rồi, con mình nó kể lại hết.
Ông Phương lẩm bẩm:
- Thôi chết rồi, nó bây giờ ở mãi xa vậy biết làm sao bây giờ.
Bà Dần rớm nước mắt nói cho biết thôi con dại cái mang, chuyện đã đến nước này sớm muộn gì sẽ ầm ĩ cả xóm. Ngày mai bà đành muối mặt sang nói chuyện với người ta. Ông Phương thở dài nói một câu:
- Tùy hai mẹ con bà tự giải quyết, coi như tôi không có đứa con hư hỏng mất nết như nó.
Nói xong ông Phương ra ngoài cửa rồi leo lên xích lô để ngủ, do sinh sống trong căn nhà chưa đến 9 mét vuông, mùa đông hai vợ chồng rải chiếu nằm dưới đất và nhường chiếc phản duy nhất cho con gái, mùa hè nóng bức nên ông Phương ngủ ngay trên chiếc xích lô để ngoài cửa. Chưa đầy 10 phút, bà Dần đã thấy tiếng chồng ngáy, sợ chồng bị muỗi đốt, bà đem chiếc màn một ra mắc phía trên. Trong nhà đèn dầu đang le lói vì sắp cạn dầu, bà Dần rải chiếu nằm dưới đất nhưng không sao chợp mắt được, bà biết trước mắt là một chặng đường chông gai, riêng việc đối mặt với lời ra tiếng vào của dư luận, rồi việc tổ dân phố họp kiểm điểm, nhà trường thi hành kỉ luật, nghĩ đến từng đó thôi đủ khiến trái tim của bà như nghẹn lại. Nằm trên phản, Thu khóc thổn thức vì thương cha mẹ, tiếng ngáy không đều sau một ngày lao động nặng nhọc của bố, tiếng thở dài xót xa của mẹ khiến cô thấy day dứt và ân hận. Dù nói gì đi nữa, mọi việc đã quá muộn để sửa chữa. Cái thai không thể giấu được nữa, việc nạo phá thai không bệnh viện nào dám thực hiện. Trong đêm khuya tĩnh mịch, Thu nhớ đến Thịnh, người cô đã trao sự trong trắng của đời con gái cho anh. Không biết giờ này ở Liên Xô rộng lớn, anh có nhớ đến những gì mình hứa hẹn không. Xóm lao động chìm dần vào giấc ngủ, dù đang trong thời kỳ chiến tranh, kể từ khi người Mỹ rút về nước theo thỏa thuận đã kí tại Paris năm 1973, mọi người không còn lo lắng về những trận bom như mấy năm trước.
---
Dù xóm lao động ở khu Văn Chương, cũng như toàn thành phố hân hoan vì bộ đội ta đã giải phóng được thành phố Huế, sau đó vài ngày là giải phóng Đà Nẵng, mọi người vẫn không ngớt xôn xao bàn tán về chuyện con bé Thu nhà Phương Dần chửa hoang. Nhà nào có con gái lớn đều lôi bé Thu ra làm tấm gương để răn dạy con em mình kiểu như “cá không ăn muối cá ươn, đua đòi cho lắm vào để rồi ễnh bụng ra”. Trước những lời nói như xát muối vào tâm can của hàng xóm, ngày ngày ông Phương đạp xích lô ra khỏi nhà từ khi trời còn chưa sáng rõ mặt người, ông quay về khi tối khuya còn người đã say mèm. Thương con nên bà Dần cắn răng chịu đựng mọi lời đàm tiếu của bà con lối xóm, công việc hàng ngày của bà Dần là nhóm lò đun nước sôi bán cho cư dân. Tuy nhiên dạo gần đây, người ghé mua thì ít, chủ yếu họ hỏi bâng quơ, kiểu như “cháu Thu dạo này tôi không thấy đi học nhỉ..." hoặc có người bóng gió “chiều lắm sinh hư”. Nhiều lời ra tiếng vào khiến tổ phục vụ đánh tiếng để bà nghỉ việc. Thế vào chỗ bà Dần là một bà mẹ vừa nhận được giấy báo tử con trai hy sinh tại mặt trận phía Nam. Kể từ đó, hầu như mọi người trong xóm đều tránh tiếp xúc với gia đình ông Phương bà Dần.
Thu cả ngày chỉ quanh quẩn dưới bếp, cô không dám bước chân đi đâu. Sáng ra Thu dậy sớm nấu cơm cho cả nhà, không phải lúc nào cũng có sẵn gạo, ngày trước nếu nhà hết gạo, Thu vác rá sang nhà hàng xóm vay tạm mấy bơ, bây giờ nếu hết đành chịu. Trong nhà có sẵn một vại dưa cà, một lọ mắm tôm và bát muối trắng, mọi thứ còn lại đều ăn đong từng bữa. Từ hôm cô bạn học cùng lớp đến thông báo quyết định kỉ luật của nhà trường, Thu sống thu mình dưới bếp, việc xếp hàng lấy nước sinh hoạt cho gia đình đều do mẹ đảm nhận. Hôm nào đợi khi nửa đêm không có ai, Thu mới vội ra hứng hai xô nước về để tắm giặt. Khổ nhất là mỗi lần phải ra nhà vệ sinh công cộng, lúc đó ngoài chiếc nón đội sụp xuống để che mặt và tránh nhiều ánh mắt soi mói của mọi người, Thu còn úp thêm một cái nón rách để che đi cái bụng đã nhô ra thấy rõ. Đến gần nhà vệ sinh, từ xa Thu có thể thấy rõ bức tường mầu vàng loang lổ, trên đó người ta viết dòng chữ bằng than đen to tướng CON THU CHỬA HOANG. Trên đường quay về, mấy bà cụ già trong xóm đang ngồi bắt chấy cho nhau, vừa thấy Thu đi qua, các cụ bèn nói với nhau:
- Ngày xưa cái ngữ này phải gọt đầu bôi vôi rồi lột truồng dẫn đi quanh làng mới biết thế nào là nhục.
Nghe được những lời đó, Thu cắm mặt đi thật nhanh, mặc cho hai hàng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt, cánh cửa nhà Thu bị ai đó viết chữ NHÀ CÓ ĐỨA CHỬA HOANG.
Từ sau hôm bà Dần đi họp tổ dân phố về, không khí trong nhà nặng nề như có đám, không ai dám ngẩng mặt lên với hàng xóm, ở trong nhà chả ai buồn nói với nhau một câu. Bên ngọn đèn dầu leo lét, ba con người ngồi ba góc nhà im lìm và cam chịu, ánh đèn hắt lên tường những hình bóng như bất động, họ luôn cảm thấy mọi lời nói hay cái nhìn là để phán xét nhà mình quản con không nghiêm. Ông Phương nếu tối nào không say rượu lại cởi trần ngồi ngoài cửa hút thuốc lào liên tục, có lẽ khi leo lên xích lô làm một giấc dài, ông tạm quên đi nỗi ô nhục bởi đứa con gái mang lại. Thương con đứt ruột, bà Dần âm thầm chịu đựng búa rìu của dư luận, kể cả khi bị đưa ra tổ dân phố để mọi người phê phán. Mọi đúng sai bà nhận hết về mình, bà mong sao con gái không nghĩ quẩn mà làm liều. Lúc còn hai mẹ con, bà nói nhỏ với Thu:
- Thôi việc đã lỡ rồi, người ta cười mình ba tháng, cười mình ba năm chứ không thể cười cả đời được.
Có lẽ giờ đây chỉ có tấm lòng bao dung của người mẹ mới là chỗ dựa tinh thần lớn nhất đối với Thu. Cả tuần nay, đúng 5 giờ sáng Thu lại thức dậy nấu ăn cho cả nhà. Sau khi cho cơm vào hai chiếc cặp lồng, một cho bố mang theo, cặp lồng còn lại sẽ mang đến chỗ làm. Nếu vét xoong còn chút cơm cháy, hai mẹ con rưới chút nước mắm rồi ăn sáng luôn. Cặp lồng có dăm quả cà, chút dưa muối và lạc rang, lâu lâu có thêm quả trứng luộc để Thu bồi dưỡng. Thương con gái ở nhà một mình, bà Dần xin cho Thu đi làm cùng. Từ lúc nghỉ việc ở tổ phục vụ, nhờ người quen nên bà Dần xin vào làm tại HTX dệt Hoàng Ngân ngay mạn Hoàng Cầu. Để tránh mọi sự soi mói, hai mẹ con rời nhà từ sớm. Công việc chủ yếu của hai mẹ con là quay xa để se lanh, đánh ống sau đó chuyển cho bộ phận dệt thảm. Việc tương đối nhẹ nhàng và hợp với người đang mang bầu. Đa phần lao động của HTX là phụ nữ, nhiều người là góa phụ, có người hiện nay chồng đang chiến đấu tại chiến trường B. Khi nghe chuyện của Thu, mọi người đều có cái nhìn thông cảm, dẫu sao cái tuổi ăn chưa no mà lo chưa tới đã phải sắp sửa làm mẹ.
Tác giả Bùi Ngọc Phúc