Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

kẻ đương thời
kẻ đương thời Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Giới tính : Nam

Bài viết : 665

Danh vọng : 1151

Uy tín : 42

Phần 1 - RA MẮT

Người ta hay nói “thứ Bảy máu chảy về tim” quả không sai, hôm nay tôi nhào vữa hay bê gạch đều mong chóng hết giờ làm, trời chưa tắt nắng chỉ mong mưa rào cho nhẹ nợ. Thấy tôi xúc vữa lại xúc nhầm sang cát, ông thợ chính chép miệng phán ngay:

- Thằng này bị con nào ám rồi rõ khổ, thôi chiều nay cho về sớm.

Chỉ cần nghe thấy thế, tôi buông xô vữa, dắt xe lượn luôn, bởi ở lại thêm chút là còn lâu mới về được. Tắm giặt cơm nước xong, tôi vận sơ mi trắng cắm thùng cẩn thận, túi áo dắt theo chiếc bút máy Hồng Hà mặc dù mỗi tháng may ra kí nhận lương một lần là dùng đến bút. Để có buổi ra mắt nhà người yêu tươm tất và chu đáo như vậy, suốt cả tuần ngày nào tôi cũng mượn và đọc báo Nhân Dân rồi nghe tin tức trên loa truyền thanh không bỏ buổi nào. Để có sự chuẩn bị này, mọi việc do thằng bạn quân sư vì nó là thằng nhiều kinh nghiệm. Khổ nỗi hễ nghe tin tức là tôi lăn ra ngủ, nhưng vì muốn chinh phục tình yêu nên tôi đành cắn răng chịu khổ. Sau khi em Bình Vân tức áng mây tình yêu của tôi từ phố cổ trôi ra đại dương, đây là lần thứ hai tôi ra mắt nhà người yêu trong tâm thế có chút kinh nghiệm.

"Bố vợ hụt" (3 phần) - Bùi Ngọc Phúc Image10

Đúng bảy rưỡi tối, tôi đạp xe tới nhà người yêu, cẩn thận bê con xe đạp rách từ tầng một lên tầng 4 vì không có dịch vụ trông xe. Đang loay hoay khóa xe, bỗng có tiếng nói ngay trên đầu:

- Anh tìm nhà ai.

Ngẩng lên thấy một ông cán bộ với khuôn mặt rất nghiêm trang đang nhìn mình, dù trời tối nhưng vẫn cảm nhận rõ đôi mắt mang hình viên đạn.

- Dạ cháu đến chơi với em Trinh, tôi ấp úng trả lời.

Ông cán bộ ngắm tôi từ đầu đến chân như thẩm định tư cách, rất may tôi đã cắt tóc gọn gàng, quần áo chuẩn thanh niên ưu tú không chê vào đâu được, đã thế còn diện đôi dép nhựa Tiền Phong cài quai hậu nghiêm chỉnh. Ngay khi vào đến nhà, ông cán bộ chỉ chiếc ghế cho tôi ngồi, sau đó ngài với tay lấy cuốn sổ ghi chép để trên nóc chiếc tủ lệch. Hắng giọng như thủ trưởng trong cuộc họp, gõ nhẹ cán bút lên mặt bàn để gây sự chú ý, sau đó ông bắt đầu hỏi nhiều như mưa mùa hạ;

- Anh nhà ở đâu?
- Bố mẹ làm gi"
- Anh còn đi học hay đi làm rồi?
- Anh quen em Trinh khi nào.
- Anh dự tính gì cho tương lai?
- Anh có phấn đấu vào đảng không?

Đại loại tôi phải trả lời khoảng 24 câu hỏi, và khi tôi trả lời, ông cán bộ lấy bút ghi chép rất cẩn thận, đến những chỗ chưa rõ, ông gạch bút đỏ dưới chân. Khi thấy tôi khoe là kĩ sư xây dựng, khuôn mặt ông giãn ra được một chút, biết ngài đã dính bả, tôi cười thầm bởi chưa rõ mèo nào cắn mỉu nào. Sau khi gấp cuốn sổ tay, ông bắt đầu bài thuyết giảng về việc thanh niên phải sống có hoài bão, lý tưởng, không những thế còn phải vừa hồng vừa chuyên, chịu khó phấn đấu rèn luyện này nọ. Kết thúc buổi nói chuyện có một không hai, ông chốt lại:

- Làm gì cũng cần phải có lý tưởng.
- Vâng, cháu sẽ khắc ghi lời bác dạy, tôi lễ phép trả lời.

Đến lượt tôi được trình bày dăm câu, ba điều, may nhờ  chăm đọc báo cả tuần nên khi nói lên suy nghĩ của mình, tôi thấy ông có vẻ ưng ý vì kiến thức không bị lỗi nhịp. Khổ nỗi, việc tôi đang làm phụ hồ nhảy ngay lên làm kĩ sư xây dựng do thằng bạn tôi quân sư, nếu không chắc tối nay không qua được cửa nhà này. Kết thúc phần hỏi đáp, ông cán bộ khẽ gật đầu vẻ hài lòng, sau đó ngài nói vọng vào trong buồng:

- Trinh đâu ra tiễn bạn.

Chỉ chờ có vậy, tình yêu của tôi bước nhẹ ra chào và tiễn tôi ra đến cửa. Sau này khi yêu nhau thắm thiết, em kể lại cho biết, tôi là trường hợp duy nhất ra mắt thành công ông bố khó tính, bởi mọi người trong khu tập thể Thanh Xuân hay gọi là ngài Bôn Sê Vích. Điều đặc biệt ở chỗ, trong những mối tình đã qua, tôi hay nhớ về những cô người yêu cũ, riêng với mối tình này, tôi nhớ nhất là ông bố đẻ ra em. Phải nói công bằng, ông là người đã khiến tôi lao tâm, khổ tứ, trong cuộc chiến cân não giữa tôi và ông, đến bây giờ có thể tổng kết bằng câu “một chín một mười”. Buổi ra mắt kỳ lạ này bắt nguồn từ chuyến đi chơi của tôi từ 10 ngày trước, hôm đó đi làm về, ăn cơm xong tôi đang lững thững ra đầu ngõ, ai ngờ thằng bạn cũ lâu mới thấy mặt đã hỏi tôi:

- Đi dự sinh nhật với tao không?
- Đợi tao về mặc áo.

Vội  bước về nhà mặc áo sơ mi rồi đạp xe ra đầu ngõ, hai thằng lượn đến khu tập thể Vĩnh Hồ dự sinh nhật người yêu của tên bạn nối khố. Trong tiếng nhạc rè rè được phát ra từ cái đài cũ, cả bọn vừa ăn bánh vừa cười nói, ở buổi sinh nhật này, tôi ngồi cạnh một cô bé không xinh nhưng ưa nhìn. Sau vài câu đưa đẩy, tôi ngỡ ngàng khi biết em tên là Trinh, sinh viên năm thứ nhất của đại học Tổng hợp Hà Nội. Dù rất thích em, nhưng một kẻ làm phụ hồ như tôi thấy khó với được, không khéo  mang tiếng “cóc đòi xơi thịt thiên nga” . Suốt thời gian còn lại, tôi không dám nói nhiều sợ bị hớ, nhưng tự nhiên tính hiếu thắng trong tôi lại trỗi dậy, dẫu sao sinh viên thì cũng phải yêu, ngại gì chứ, không yêu mình nhỡ may em lại ế đâm phí, tôi nghĩ thầm như vậy. Mà nếu không yêu thì mình tiếc đứt ruột. Chưa đến tám giờ tối, em Trinh đứng dậy xin phép ra về, biết tôi kết em này, bạn tôi đã mau miệng:

- Thôi em về một mình buổi tối không yên tâm, để bạn anh đưa về.

Cô gái lúng túng chưa kịp phản ứng, ngay lập tức tôi ra lấy xe rồi. Trong suốt chặng đường đạp xe về nhà em ở khu tập thể Thanh Xuân, chúng tôi chỉ nói với nhau vài câu. Khi rẽ vào khu tập thể, em khẽ nói:

- Nhà em trên tầng 4, khi nào rảnh, em mời anh ghé chơi.

Chỉ chờ có vậy, tôi đã nhận lời ngay. Biết tôi muốn đến nhà em Trinh, ông bạn vàng đã thông báo cụ thể, em này ngoan nhưng ông bố khó tính, hiếm có đứa nào lọt qua được mắt ông. Bạn tôi đã điều tra lí lịch, ông bố em là tiến sĩ triết học từng tu nghiệp bên Liên Xô, sau khi về nước làm công tác giảng dạy tại trường đại học tổng hợp. Môn triết học do ông dạy được ví như liều thuốc ngủ liều cao, chỉ cần thấy mặt thầy, chưa cần lên tiếng giảng câu nào, một nửa sinh viên trên giảng đường đã ngáp ngắn, ngáp dài rồi bắt đầu gà gật. Bởi thế mọi người hay nói, riêng giờ học triết sinh viên im lặng và trật tự nhất trường, có biết đâu họ ngủ gần hết. Nhầm giúp tôi qua cửa ải khó nhằn này, bạn tôi đã bày đủ cách, không những thế nó còn bắt tôi phải thuộc một số ngôn từ khá xa lại với nghề phụ hồ. Nghe đài, đọc báo là một cách giúp tôi trang bị kiến thức trong cuộc gặp mặt với ông tiến sĩ triết học đó. Thôi thì qua sông phải lụy đó, cứ nghĩ đến cảnh lần đầu tiên chinh phục được một em sinh viên, tôi thấy vô cùng phấn khích, dù kết quả còn chưa rõ. Bù lại sự thiếu hụt đó, kinh nghiệm lần ra mắt nhà cụ ấm Cát năm xưa khiến tôi tự tin hơn rất nhiều.

Sau buổi ra mắt đó, theo quy định của bố em Trinh, một tuần tôi được đến chơi duy nhất tối thứ bảy, các tối còn lại, ông yêu cầu tôi ngồi nhà tu dưỡng đạo đức và lý tưởng. Giá như ông biết tối nào không đến chơi, tôi thường ra hàng nước đầu ngõ chơi đầu đít ăn tiền, có lẽ ông sùi bọt mép vì tức. Đến chơi một tối duy nhất, theo quy định của bố em Trinh, tôi chỉ được ngồi khi loa truyền thanh bắt đầu phát chương trình “Câu chuyện cảnh giác” hết chương trình đó l phải chuẩn bị ra về, hễ thấy tôi xuất hiện, ông vác cây đèn măng xông ra để ngay giữa mặt hai đứa. Trong lúc chúng tôi nói chuyện, ông rút vào phòng trong. Ở bên trong nhưng một tai ông nghe câu chuyện cảnh giác trên loa, tai còn lại hóng theo câu chuyện của đôi trẻ. Biết ý nên tôi nói chuyện khá rõ ràng không thầm thì để ông khó chịu, mắt không nhìn ra ngoài, ông vẫn biết chúng tôi làm gì nhờ tấm gương phản chiếu. Đương nhiên cả hai phải ngồi đối diện nhau một cách nghiêm túc.

Đúng là sau này tôi hay nhớ về thời kì "đèn măng xông thắp sáng hoài niệm". Ấn tượng nhất đến nhà em nhiều lần, thấy trên nóc tủ có bốn bức ảnh in hình các cụ râu ria tít mù và xếp thẳng hàng nhau một cách ngay ngắn, các cụ không áo the khăn xếp đeo thẻ bài ngà như ở nhà em Bình Vân, lạ một điều là không thấy bát hương đâu. Khi đã quen thân nhau, một lần trước lúc ra về, tôi nhận xét:

- Các cụ tổ nhà em ngày xưa nhìn đẹp nhỉ.

Em Trinh nhìn tôi rồi khẽ cười, một nụ cười khó hiểu. Đem câu chuyện này kể cho ông bạn thân, nó cười rũ ra rồi nhắc:

- Tao đến chịu mày, chỉ tối ngày đầu đít mà đòi yêu sinh viên, bốn ông đó là Các Mác, Ăng ghen, Lê Nin và Stalin do ông bố em Trinh đã kì công tha từ Liên Xô về, tổ tiên nào ở đây.

- Ối giời, vậy thì chịu rồi

---

Tác giả: Bùi Ngọc Phúc
      
kẻ đương thời
kẻ đương thời Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Giới tính : Nam

Bài viết : 665

Danh vọng : 1151

Uy tín : 42

Phần 2 - CHINH PHỤC

Do cuộc sống thiếu thốn trăm bề, ngoài việc giảng dạy tại trường đại học, ông tiến sĩ triết học đua theo trào lưu tăng gia như bao nhà khác nhằm cải thiện cuộc sông. Sau khi nghe tư vấn của mọi người, ông mua hai con lợn bột và bắt tay vào chăm sóc, nuôi lợn đối với nhiều nhà là chuyện bình thường, với ông tiến sĩ là một kì công. Chính nhờ vụ nuôi lợn này, ông chính thức coi tôi là con rể tương lai. Hoá ra chẳng cần giáo điều hay kiến thức cao siêu, những va đập cuộc sống khiến tôi được ông đánh giá cao, ít ra hơn khối kẻ sinh viên bẻm mép lượn lờ tán tỉnh em Trinh. Vẫn theo quy định, tối thứ bảy tôi có mặt khi loa truyền thanh bắt đầu “Câu chuyện cảnh giác”, nhưng dạo này tôi thấy hai bố con em Trinh đều tất bật không rảnh để người tiếp chuyện, người ngồi canh trong buồng, thậm chí bận quá con mọn. Ông bố ra vào thẫn thờ còn em Trinh có vẻ lúng túng, nhà tập thể chưa đến 40 mét vuông, nhưng nuôi 2 con lợn quả là bí bách, cái phòng tắm bé xíu để nhốt lợn nhìn có vẻ ổn, nhưng tôi biết lúc bé thì không sao, chỉ vài tháng nữa chỗ đó không đủ nuôi một con, khéo phải nhường phòng ngủ cho nó là chắc chắn.

"Bố vợ hụt" (3 phần) - Bùi Ngọc Phúc Image11

Thời đó gạo bán theo tiêu chuẩn, người không có để ăn, nuôi lợn là một bài kinh tế khó. Bố em Trinh tìm mua được hai bao ngô cho ăn dần, nhưng lợn nhanh đói nên khi tôi ngồi tâm sự với em Trinh, lũ lợn réo điếc tai, chưa kể mùi phân, mùi nước tiểu xộc lên kinh khủng. Khu tập thể muốn có nước dùng phải xếp hàng tại máy nước công cộng dưới sân chung, sức hai bố con xách được vài xô lên tầng bốn là oải. Bình thường xếp hàng lấy nước sinh hoạt đã mệt nhưng tạm ổn, lấy nước tắm cho lợn là một vấn đề không đơn giản. Từ ngày công cuộc nuôi lợn, ông tiến sĩ mệt mỏi và chán không buồn giảng giải về triết lý cho tôi nghe, vậy cũng tốt vì vốn kiến thức nhờ đọc báo trong một tuần của tôi đã cạn dần. Nhận thấy cơ hội ngàn năm có một cho mình thể hiện, gì chứ sức mạnh cơ bắp tôi có thừa, xách xô vữa nặng còn được huống chi là xô nước. Vừa thấy bố em Trinh đặt xô nước ngoài hành lang còn mồm miệng tranh nhau thở, tôi nhanh nhảu nói:

- Bác để cháu xách nước cho, việc này như tập thể dục.

Cầm hai chiếc xô thấy chưa đủ tầm, tôi lấy thêm hai thùng tôn hoa bước xuống tầng một như dũng tướng ra trận, sau lưng tôi bố con em Trinh nhìn theo với ánh mắt đầy yêu thương và trìu mến. Do cái buồng tắm bé xíu bị hai con lợn chiếm chỗ, do vậy mỗi khi tắm giặt, em Trinh của tôi phải chui vào tắm chung với lợn. Dù vạn bất đắc dĩ vì hoàn cảnh, bù lại tận dụng lúc tắm cho người, lũ lợn được mát theo vì nước dùng đâu có đủ rồi phung phí. Không dám nói ra vì sợ bị người yêu giận, nhưng đôi lần ngồi gần em, tôi vẫn ngửi thấy thoang thoảng mùi phân lợn. Đến chơi nhiều thấy lợn nhanh đói nên réo như dàn đồng ca, tranh thủ lúc ông tiến sĩ đang vò đầu bứt tai, tối hiến kế;

- Bác xin thêm cuộng rau trộn với ngô, có vậy lợn mới ăn no và nhanh lớn

Được lời như cởi tấm lòng, ông tiến sĩ rầu rĩ than thở:

- Bác có ra chợ xin nhưng không ai cho, họ có mối hết.
- Tưởng gi, việc đó bác để cháu.

Nói là làm, tôi về nhà sai thằng em đi gom cuộng rau muống, nhà tôi ngay làng Trung Tự nên ao hồ để thả rau muống khá nhiều. Mỗi lần HTX nông nghiệp chở xơ rau để thả xuống hồ, khi họ chất đống ở đó, tôi cùng thằng em chỉ việc ra lnhét đầy bao tải. Dù chưa đến thứ bảy, nhưng để xơ rau trong bao tải lâu dễ hỏng, giữa trưa nắng chang chang, tôi gò lưng đạp xe chở bao tải xơ rau đến cho ông tiến sĩ. Trời nắng mồ hôi ướt đẫm lưng áo, bê được xe đạp và bao tải lên tầng bốn đã quá trưa. Biết giờ này em Trinh đang trên giảng đường, tôi thấy cơ hội lấy điểm bố vợ tương lai đã tới, ít ra đám sinh viên chẳng đứa nào vượt tôi về khoản xách nước, lấy xơ rau muống. Ngó qua cửa sổ, tôi thấy ông tiến sĩ đang đi quanh nhà, tay cầm một cái ca nhôm, vừa đi vừa lẩm bẩm gì đó, thi thoảng ông dừng lại thò tay nhặt một hạt cho vào miệng. Của đáng tội, bố em Trinh mặc cái áo may ô và quần đùi rộng, thò ra hai cẳng chân như hai thanh đũa cả, còm nhom toàn thể, đã vậy trên mặt đeo đôi kính dày cộp. Thấy tôi bê bao tải xơ rau vào nhà, mắt ông sáng lên vội chạy ra nói như reo lên:

- Quý hoá quá, như vậy lũ lợn sẽ đủ rau ăn cả tuần, sao cháu kiếm đâu giỏi thế?

Thở không ra hơi vì mệt, tôi vẫn nói cứng:

- Khi nào hết rau, bác nhắc cháu chở đến, cho lợn ăn ngô tốn lắm.

Thấy tôi hỏi việc đi quanh nhà, bố em Trinh hồ hởi khoe, nhà nước đang vận động sáng tác Quốc ca, do ngồi không cũng chán, ngồi từ hôm qua đến sáng nay ông làm được dăm bài, giờ đang hoàn thiện để mang nộp. Do trưa nay có bát cơm dành cho con gái ăn và đi học, ông rang một chút ngô ăn thay cơm. Nghe xong tôi cười không thành tiếng, hoá ra bố vợ tương lai của tôi bận sáng tác nên rang ngô vốn dành cho lợn để ăn tạm. Khi ông hỏi ý kiến của tôi về bài quốc ca vừa sáng tác, tôi dè dặt góp ý:

- Cháu nghe thấy lủng củng lắm, phải làm sai ai nghe cũng nhập tâm luôn.
- Vậy cháu hát một đoạn xem dễ thuộc như thế nào.

Chẳng cần khách sáo, tôi ngửa mặt hát:

"tôi đưa em sang sông
trời mưa rơi âm thầm..."

Ông bố vợ tương lai nhăn mặt chê bài hát không có tính tư tưởng, dễ thuộc nhưng vàng vọt, yếu đuối. Từ sau lần chở cuộng rau, bố em Trinh bỏ quy định tôi chỉ được đến chơi vào thứ bảy, thậm chí tôi có thể ngồi đến chương trình “Đọc truyện đêm khuya”. Có buổi vừa tâm sự, vừa xách nước hộ, thậm chí đợi người yêu và lợn tắm xong vừa lúc đài phát thanh phát chương trình “Tiếng thơ”. Do được sự chấp thuận của bố em Trinh, thỉnh thoảng tôi đèo người yêu ra Ngã Tư Sở xem phim ở xưởng Fafim. Có đôi lần tôi chở em lên tận vườn Hồng tâm sự hoặc đi hóng gió Hồ Tây.

Do chủ thầu nhận được công trình xây dựng ngay làng Phùng Khoang, tôi hay ghé vào trường đại học Tổng hợp rủ Trinh ra căng tin ăn trưa, hoặc ra ngoài khu chợ xanh mua sắm, có buổi cònđi dạo trong khuôn viên rợp bóng cây của trường. Tình yêu với cô sinh viên có sự lãng mạn riêng, nó khác hẳn với tình yêu với em Bình Vân trước đó.
---
Lợn nuôi mãi rồi cũng lớn, nhưng tối thứ bảy vừa bê được xe đạp lên tầng bốn, tôi thấy em Trinh và phụ huynh nét mặt buồn như nhà có đám, bầu không khí có phần trầm lắng bởi con lợn chẳng còn réo như mọi bận. Đoán có chuyện chẳng lành, tôi khẽ hỏi:

- Nhà mình có việc gi vậy bác?

Lo qua cháu ơi, lợn đang lớn nhưng bỏ ăn hai ngày rồi, ông bố vợ tương lai trả lời còn đôi mắt ngấn lệ sau cặp kính cận. Tôi biết, bao công to việc lớn đều trông vào hai con lợn chết tiệt này, nếu chúng nó có mệnh hệ nào, quả thật tôi chả dám nghĩ đến. Tình yêu thăng hoa nhờ bao xơ rau muống và những xô nước, giờ bỗng dưng gặp tai ương. Hít một hơi thật sau, tôi đề nghị:

- Bác để cháu xem.

Bước vào buồng tắm, tôi thấu chậu cám còn nguyên trong khi hai con lợn nằm ườn ra vẻ chán đời thấy rõ. Khoắng tay vào chậu cám lõng bõng, chẳng mất công giải thích dài dòng, tôi quyết định:

- Để cháu thử cách này xem sao.

Chạy xuống tiệm tạp hóa ngay chân cầu thang dưới tầng một, tôi mua bát mắm tôm đặc sản Thanh Hóa bốc mùi kinh khủng. Bê bát mắm tôm vào nhà, trước sự kinh ngạc của cả em Trinh và ông bố vợ tương lai, tôi múc hai thìa to cho vào chậu cám và khoắng. Như có phép màu xảy ra, chưa đầy 5 phút sau, hai con lợn đói lao vào chén sạch nồi cám. Kinh ngạc vì chứng kiến gió đổi chiều, ông bố vợ tương lai vui mừng hỏi:

- Sao cháu lại biết cách hay vậy.

Tôi rửa tay nhưng thầm nghĩ, gớm, cụ bớt đọc sách đi là giỏi ngay. Ngồi chơi đến lúc buồn ngủ díp mắt, trước khi ra về, tôi dặn ông bố vợ tương lai:

- Lần sau, bác cho một thìa mắm tôm vào khoắng đều là lợn ăn ngay, chúng thiếu đạm như mình thèm thịt vậy thôi.

Khỏi phải nói, hai bố con em Trinh ngưỡng mộ trước kiến thức chăn nuôi của tôi, dù tối hôm đó tay vẫn còn vương mùi mắm tôm, lúc ra về tôi đưa tay xoa mái tóc của người yêu, dẫu sao nếu em muốn gội đầu, trong bếp đã có bốn xô nước đầy do tôi xách lên. Đàn lợn đến ngày xuất chuồng, khỏi phải nói ông bố vợ tương lai vui mừng khôn xiết. Ngay từ tối hôm trước, ông phá lệ bắt tôi ngủ lại để sáng mai đúng 4 giờ 30 hàng thịt sẽ đến cân lợn. Do không quen với việc mặc cả và mua bán, mọi việc ông cậy nhờ ở thằng con rể tương lai là tôi, theo cách gọi của ông.

Sáng hôm đó cân lợn xong, hàng thịt để lại cho nhà chủ 3 cân thịt và bộ lòng. Toàn ăn cơm rau với lạc rang, được ngày ba bố con có bữa cháo lòng tưng bừng, chưa kể một liễn mỡ đầy cùng nồi thịt kho, tất cả nhờ vào mấy tháng nuôi lợn vất vả. Lần đầu tiên, ông bố vợ tương lai lấy trong tủ lạnh Saratov chả mấy khi có điện ra một chai Sâm banh uống dở từ năm ngoái để mời tôi. Vừa cụng ly, ông vừa nói một câu mang đầy tính triết lý:

- Hóa ra bây giờ lũ lợn nó nuôi mình.

Nhâm nhi cốc rượu chua loét vì không bảo quản đúng cách, tôi khẽ đáp lời:

- Cháu thấy bác nói gì đều đúng.

Chỉ nhờ vào thực tiễn cuộc sống mình từng trải qua, tôi đã chinh phục trọn vẹn con tim và khối óc của cả hai bố con em Trinh. Vẫn biết con đường tình ái phía trước còn nhiều chông gai, tôi chẳng bận tâm để ngồi thưởng thức bát cháo lòng và thưởng thức cốc sâm banh chua như canh rau muống dầm me.

---

Tác giả: Bùi Ngọc Phúc
      
kẻ đương thời
kẻ đương thời Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Giới tính : Nam

Bài viết : 665

Danh vọng : 1151

Uy tín : 42

Phần 3 - HOÀI NIỆM SÔNG VOLGA

Khi trở thành chỗ thân quen, ông bố vợ tương lai bắt đầu mở lòng và hay tâm sự với tôi, là người yêu nước Nga cuồng nhiệt, ông đã lấy tên dòng sông Volga nổi tiếng để làm tên đệm cho em Trinh người yêu tôi. Ông hay ngâm nga những câu thơ của thi hào Puskin khi cao hứng, hoặc trích dẫn những câu khiến tôi như vịt nghe sấm. Thậm chí có lần tôi và ông ngồi gặm bắp ngô luộc, ông đã hùng hồn tuyên ngôn mang tính khẳng định:

"Tôi cam đoan trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ.
Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”

Tình yêu dòng sông Volga của ông thì tôi hiểu, dù chưa đến nước Nga, nhưng tôi chắc chắn nó không giống như sông Kim Ngưu hay sông Tô Lịch, nơi tôi nhiều lần tham gia xây nhà ở mạn đó. Nghe ông nói nhiều khiến tôi mê đồ Liên Xô, dành dụm mất vài tháng, tôi tậu được con đồng hồ Poljot của Liên Xô với dòng chữ CCCP ngay trên mặt đồng hồ. Ác một nỗi, đồng hồ tôi mua ngày nào cũng chậm một tiếng so với thời gian thực. Từ khi đeo đồng hồ và đạp xe đi chơi, hễ thấy nhà nào ven đường có đồng hồ treo tường, tôi dừng xe ngó vào rồi vặn nút căn chỉnh cho đúng giờ. Khi đeo liên tục trong vài giờ, mặt đồng hồ mờ tịt do hơi nước, báo hại tôi áp mặt kính vào áo để xoa cho nóng lên, mất 15 phút hơi nước tan hết. Quả thực tình yêu Liên Xô với tôi hết sức phiền toái, nó chả giống những gì ông bố vợ tương lai vẽ ra.

"Bố vợ hụt" (3 phần) - Bùi Ngọc Phúc Image12

Thời gian gần đây em Trinh bận học suốt ngày nên tôi ít gặp, nhiều buổi tối có hẹn đi chơi đành hủy vì em phải lên thư viện tìm tài liệu. Thông cảm với tôi, lần nào ông bố vợ cũng pha ấm trà rồi cả hai vừa uống vừa nói chuyện. Phải thú thật, tôi nể vốn kiến thức uyên bác của ông, dù vừa tham gia nuôi lợn, nhưng ông biết từng loại bệnh của lợn tương ứng với việc dùng loại thuốc nào, các bệnh tiêu chảy hay tụ huyết trùng vào tay ông đều có cách xử lý ngon lành. Người có học luôn tìm hiểu căn nguyên, khác với kẻ như tôi chỉ hiểu đại khái, bù lại hai người đàn ông cô đơn lại tâm đầu ý hợp mọi chuyện.

Chiều thứ sáu được nghỉ sớm, tôi gò lưng đạp xe chở bao tải xơ rau đến khu tập thể Thanh Xuân như mọi lần, Hì hụi bê xe lên tầng 4, đang lúc thở không ra hơi, tôi giật mình nghe tiếng kêu thất thanh từ trong nhà vọng ra. Vứt xe ngoài hành lang, tôi lao vào nhà thấy bố vợ tương lai đang nằm bất động còn em Trinh đang khóc lóc. Chạy sang nhà hàng xóm, tôi nhờ được một bác trung niên hợp sức khiêng ông xuống tầng một để đưa tới viện. Cũng may do ông bố vợ còm nhom, việc hai người khiêng quá vướng nên tôi cõng ông xuống tầng một. Ác nỗi giờ đó không tìm đâu ra xe xích lô để chở người bệnh, trong lúc cấp bách, tôi chạy đi mượn được một xe cải tiến rồi kéo về. Trải manh chiếu cũ ở dưới, tôi bế ông lên xe rồi kéo thẳng sang trạm xá Thanh Xuân, em Trinh vừa đi sau vừa che ô cho khỏi nắng chiếu vào. Đến trạm xá được thăm khám và truyền dịch, ông bố vợ tương lai dần tỉnh và nhận biết mọi chuyện. Mở mắt nhìn tôi, ông nắm tay cảm động nói:

- Bố rất may có anh ở bên cạnh.

Tôi xúc động vì được ghi nhận, lúc này chỉ biết an ủi ông mau chóng khỏi bệnh để còn lo nhiều việc. Nằm viện được một tuần, bố vợ tương lai của tôi được xuất viện, do còn yếu nên ông nghỉ ốm kết hợp với phép năm đến hết tháng. Thấy ông quá yếu, ngày nào tôi cũng ghé qua giúp ông tắm cho lợn và xách nước lên tầng. Tình yêu của tôi bận học nên không mấy khi rảnh. Có nhiều buổi lợn đã ăn no tắm mát, nước đổ đầy thùng nhưng em Trinh chưa về, do phải đi làm sớm nên tôi chẳng đợi được, khi lóc cóc đạp xe từ khu Thanh Xuân về làng Trung Tự, tôi ngẫm ra tình yêu của mình như Ngưu lang Chức nữ vậy.

Đúng ngày đổ trần tầng một cho nhà chủ bên phố Lò Đúc xong, chúng tôi được thết đãi cơm rượu no say, ăn xong cả lũ chui vào lán ngủ vì chiều được nghỉ. Đang thiếp đi vì mệt, tôi nghe tiếng réo tên mình ầm ĩ cộng thêm tiếng xe máy nổ phành phạch bên ngoài. Bực mình ngó ra ngoài, thấy thằng bạn nối khố đợi mình, không biết nó mượn đâu được con xe Honda 79 cũ đang nhả khói mù mịt. Vừa thấy tôi, Hải vẫy rối rít sau đó hỏi dồn dập:

- Con người yêu mày đi với thằng khác rồi, không biết sao?
- Làm gì có chuyện đó.

Thằng Hải mắng tôi:

- Mải chăm lợn cho lắm vào, người yêu để thằng khác chăm lâu rồi. Giờ tính sao, có cần tao đi cùng cho nó một trận không.
- Thôi để tao tự xử lý.

Tôi trả lời nhưng cổ họng nghẹn đắng, chiều hôm đó tôi đạp xe vào trường đại học Tổng hợp ngồi đợi em Trinh. Khi tan học, tôi thấy em đi cùng với một tên cao và gầy, lưng hơi gù còn đeo kính cận, hắn có mái tóc bồng bềnh như nghệ sĩ vậy. Cả hai vừa đi vừa cười nói tình cảm, nhìn vậy là tôi biết dòng sông Volga của mình đã bị gã kia chiếm mất. Sau này bình tâm, tôi thấy chẳng có gì đáng trách, có lẽ tôi và em Trinh không có nhiều điểm chung. Cái em cần chia sẻ thì tôi không đủ trình độ để tham gia góp ý, cái tôi cần chia sẻ thì em chẳng quan tâm. Tình yêu đâu chỉ đi xem phim một tháng đôi lần và cùng nhau chăm đôi lợn.

Bạn tôi điều tra được, tên kia là sinh viên năm thứ tư khoa Văn, hắn có tài làm thơ nên nhiều em ngưỡng mộ. Hễ đi dự sinh nhật em nào, hắn tự làm thơ và viết trên giấy trắng với nét chữ bay bướm, ngoài ra còn tự vẽ hoa lá tô xanh đỏ như tranh bờ hồ vậy, đã vậy hắn còn hát hay và biết chơi đàn guitar mới ác. Dù không có sức xách nước lên tận tầng bốn cho em Trinh và lợn cùng tắm, dù không xốc vác như tôi, nhưng trong cuộc chiến tình cảm, tôi đã thua gã sinh viên Văn khoa bẻm mép. Ngay tối thứ bảy sau đó, tôi và Trinh có buổi nói chuyện khá nặng nề, dù em thanh minh rất nhiều, tôi biết chuyện tình cảm giữa hai đứa đã đến hồi kết. Vào ngày cuối tuần, tôi ghé nhà em lần cuối, có lẽ do thói quen dù biết chẳng gặp được người mình yêu. Ông bố vợ tương lai, người tôi biết chắc sẽ thành bố vợ hụt của mình đang tắm cho lợn, thấy tôi đến chơi, ông thò mặt ra nói:

- Cháu uống nước đi, chè bác vừa pha xong.

Vừa nhấp từng ngụm chè, tôi vừa nghĩ đến cảnh em Trinh đang tình tứ, âu yếm cùng gã sinh viên khoa Văn, điều này khiến cơn ghen trong lòng bốc lên ngùn ngụt. Ngó ra cửa thấy đám quần áo lót xanh đỏ của em Trinh bay phấp phới trong gió như trêu ngươi, điên tiết, tôi vớ ngay cái kéo trên mặt bàn đi ra ngay chỗ phơi đồ miệng lẩm bẩm:

- Này thì Volga, này thì sinh viên văn khoa

Sau mỗi câu nói, tôi cắt xoẹt một phát, chưa đầy 5 phút, toàn bộ số phụ kiện của em Trinh đã bị cắt thành vài mảnh. Trong tâm trạng buồn bực, tôi bỏ về không chào ông bố vợ hụt câu nào. Khi bước chân ra cửa, tôi biết sẽ không bao giờ quay lại căn hộ này thêm lần nào nữa, dù sao tôi gắn bó với căn hộ của hai bố con em Trinh hơn một năm cùng nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Buổi tối đang nằm nhà, thằng em họ vác sang một bao xơ rau muống, tôi phẩy tay nói:

- Mày mang cho nhà khác, từ bây giờ anh không nuôi lợn nữa.

"Khóc một dòng sông, tôi đã khóc một dòng sông.
Một dòng sông dài, những chiều mưa tôi khóc.
Khóc một dòng sông."

Sau này tôi vẫn tự an ủi bản thân, mình thua trên thế thắng.

Vĩ thanh

Sáng nay tôi đang ngồi chờ khách tại Giảng Võ, một bà cụ đi tới hỏi ngay:

- Chú chở tôi lên nhà tang lễ thành phố hết bao nhiêu?
- Con xin cụ 50 ngàn.
- Thôi 40 ngàn được không?
- Vâng, cụ mở hàng cho con vậy.

Chở bà cụ tới nhà tang lễ thành phố tại số 125 Phùng Hưng, sau khi nhận tiền từ bà cụ, vô tình tôi đọc thấy tờ cáo phó ghi:

Cụ ông Hoàng Văn Khiếu
mất ngày 25.6 âm lịch, hưởng thọ 78 tuổi
Con gái Hoàng Volga Trinh.


Giật mình vì bất ngờ, thoáng suy nghĩ giây lát, tôi quyết định dắt xe sang bên kia đường gửi. Sau khi mua thẻ hương liền vào đăng kí viếng, bởi người nằm trong nhà tang lễ không ai khác, chính là ông bố vợ hụt nổi tiếng khó tính năm nào ở khu tập thể Thanh Xuân, thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận. Tiếng loa nhà tang lễ vang lên, tôi đi ké theo đoàn cán bộ giảng viên của trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mà tiền thân chính là trường đại học Tổng hợp. Khi chào đáp lễ dòng người đến viếng, tình cũ thoáng giật mình thảng thốt khi nhìn thấy tôi. Gần hai mươi năm đã qua, dấu ấn thời gian in hằn khuôn mặt của em và tôi. Ra khỏi nhà tang lễ, tôi phóng xe đi kiếm khách với tâm trạng khá thoải mái, đơn giản vì chồng của em Trinh không phải là cái thằng khoa văn bẻm mép ngày nào. Với tôi thế là được rồi, dẫu sao tôi thua trên thế thắng./.

Tác giả: Bùi Ngọc Phúc
      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất