Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 1):

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là thời nhọc nhằn, vô cùng thiếu lương thực, vô cùng thiếu quần áo, vô cùng thiếu thuốc men. Văn hóa có định hướng, nhưng được tổ chức tốt.

Phần khảo cứu văn hóa tập tục tới đây chúng tôi dành một thời lượng nhất định cho chuyên đề Đời sống thời bao cấp. Đó là quãng thời gian dài gian khó trong chiến tranh và hậu chiến, từ khoảng năm 1955 đến năm 1988, trong đó giai đoạn chiến tranh (Kháng chiến chống Mỹ cứu nước) được coi là kéo dài từ năm 1954 - 1975, nếu không kể hai cuộc chiến biên giới Tây Nam năm 1978 và biên giới phía Bắc năm 1979. Sau năm 1988, Nhà nước có chủ trương bỏ cấm chợ ngăn sông, chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường và bắt đầu công cuộc đổi mới.

Chúng tôi sẽ không đề cập nhiều đến các vấn đề lý luận mà đi vào khảo cứu các hiện tượng đời sống. Hiện tượng có thể không hoàn toàn nói lên bản chất, nhưng nó là những biểu hiện sinh động của đời sống hàng ngày, mà qua đó người ta tự nhận biết ý nghĩa bên trong là cái gì. Thời bao cấp hầu như tất cả các mặt hàng đều phân phối và có tem phiếu mới mua được, nhưng không phải là tất cả, như cái kem chẳng hạn, chúng vẫn được bán thoải mái tự do cho đến bây giờ. Thiếu thời nếu học giỏi, điểm cao, tối thứ Bảy bọn trẻ chúng tôi sẽ được bố mẹ đưa ra hiệu kem Bốn mùa ăn kem, sau đó, kem que vẫn được bán rong trên đường phố. Đó là món ưa thích của mọi trẻ thơ.

Đời sống thời bao cấp 1-Custom

Trên đường sơ tán. Ảnh chụp bởi nhà nhiếp ảnh CHDC Đức Thomas Billhardt miền Bắc VN những năm kháng chiến chống Mỹ

Như mọi đứa trẻ lớn lên, chúng tôi cảm đời sống dần dà và thích nghi theo nó. Xung quanh mình có những người đi làm Nhà nước có lương, có sổ gạo, còn lại những người ngoài biên chế, không phải là cán bộ, cũng có sổ gạo, tem phiếu nhất định nhưng không có lương. Mọi mặt hàng trong đời sống dù có tiền cũng không mua được, mà phải có tem phiếu, mua gì người ta cắt loại tem phiếu đó. Chiến tranh lên đến đỉnh điểm, hàng hóa khan hiếm, người ta bán hàng thay thế các loại tem phiếu khác nhau, ví dụ phiếu vải, nếu không có vải, có thể được mua phụ tùng xe đạp, phiếu lương thực có thể chuyển thành đường sữa. Tem phiếu nào hàng ấy chỉ có ý nghĩa thời gian đầu.

Đời sống thời bao cấp 2-Custom

Mẹ đèo hai con trên phố Hà Nội

Đại loại có những loại tem phiếu như sau: Sổ gạo - quan trọng hàng đầu, nên có câu thành ngữ: mất sổ gạo, ý nói là việc rất nghiêm trọng. Tem lương thực có thể thay thế cho sổ gạo. Bìa mua chất đốt, bìa mua rau, phiếu mua thịt, mỡ, nước mắm, muối, phiếu vải. Các mặt hàng khác như đường sữa, bánh kẹo, chè thuốc, đồ dùng gia đình, xe đạp, đài, phụ tùng xe đạp… thì phân phối không thường xuyên, chủ yếu theo cơ quan và dịp lễ Tết. Tình hình tem phiếu trên cho thấy, hàng hóa thiếu thốn đến mức, những người đi nước ngoài về tặng cho người quen một cái túi ni-lông hay vỏ hộp cũng là quý rồi. Người Hà Nội về thăm quê mang quà là mấy cái bánh mì. Điều đó, làm cho đời sống tự cung tự cấp ở nông thôn phục hồi trở lại và kinh tế thị trường tự nhiên len lỏi vào đời sống bao cấp ngay trong chiến tranh, cũng như đầu cơ buôn lậu là thường nhật.

Đời sống thời bao cấp 3-Custom

Các nữ quân nhân trong một buổi mít-tinh tại Hà Nội. Ảnh chụp bởi nhà nhiếp ảnh CHDC Đức Thomas Billhardt miền Bắc VN những năm kháng chiến chống Mỹ. Nguồn: reds.vn. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Nền kinh tế bao cấp không có gì đáng nói nếu nó không từng là đời sống tâm tư tình cảm của người Việt Nam và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tính của người Việt, ngay cả bây giờ người ta ăn uống cho đến mắc bệnh cũng là hậu quả của một thời thèm ăn khát uống.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 2): Phân phối & đồng lương

(Thethaovanhoa.vn) -

Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may ô mới được phần may ô
(Ca dao thời bao cấp)
Một yêu anh có may ô
Hai yêu anh có cá khô ăn dần
Ba yêu rửa mặt bằng khăn
Bốn yêu bàn chải đánh răng hàng ngày…
(Bài ca Mười yêu cho anh nhà nghèo)

Đời sống thời bao cấp 1-Custom

Phố phường Hà Nội đầu thập niên 1980. Ảnh: John Ramsden

Hòa bình lập lại năm 1954, sau đó cuộc cải cách công thương nghiệp tư doanh bắt đầu. Những nhà sản xuất và thương mại cũ phải hiến những tài sản của mình cho Nhà nước theo hình thức công tư hợp doanh. Kinh tế tư nhân dần dần bị xóa bỏ và tài sản cá nhân cũng dần dần biến vào sở hữu công cộng. Tất cả mọi thứ đều như vậy. Một số gia đình đặc biệt, hoặc không quá giàu có, còn có thể giữ lại nhà, còn phần lớn bị sung công và chia lại từ đầu cho nhân dân và cán bộ công nhân viên, theo tiêu chuẩn mỗi người bốn thước vuông. Việc này cũng tương đối, gia đình cán bộ sẽ thuê lại căn phòng nào đó của Nhà nước với giá rất rẻ, hỏng hóc, quét vôi, sang sửa đều do Sở Nhà đất đảm nhiệm. Hầu như không có nhà riêng, mà chỉ có phòng riêng. Thời đầu hòa bình, mỗi số nhà ở Hà Nội xưa là một gia đình, nay có nhiều gia đình đến ở, bếp nước và khu vệ sinh đều chung, công-tơ điện và nước cũng chung, hàng tháng các hộ tự chia tiền điện nước tùy theo sự tiêu dùng, chủ yếu theo số nhân khẩu mà trả tiền Nhà nước. Không có thương mại tư nhân nên không có thuế khóa gì. Nhà tôi gồm bố mẹ và chín anh em, thường được thuê một căn phòng rộng chừng 30 - 50 thước vuông, cả nhà chỉ có một hai cái gường, còn tất cả thường xuyên nằm trên nền nhà. Do bố mẹ là cán bộ, nên con cái cũng có tiêu chuẩn tem phiếu, sổ gạo, tiền học giảm dần theo số con, ví dụ một con đóng đồng rưỡi một tháng tiền học phổ thông, đứa thứ hai chỉ đóng một đồng, từ đứa thứ ba đóng năm hào. Nếu con quá đông thì lại được trợ cấp vào lương bố mẹ, ví dụ từ con thứ ba được trợ cấp 5 đồng một tháng cho một người chưa đến tuổi lao động. Cán bộ đi làm bình quân được mua 13 kg gạo một tháng, giá 4 hào/kg không thay đổi cho đến suốt thời bao cấp. Người không đi làm và tuổi nhỏ hơn, được tiêu chuẩn gạo từ 13 kg trở xuống tùy theo, ví dụ một tuổi sẽ được mua 3 kg. Những người làm việc nặng nhọc, độc hại sẽ được mua trên 13 kg, từ 14 - 19 kg, còn bộ đội sẽ được mua 21 kg và được cấp 6,8 hào tiền ăn một ngày, cho binh lính thông thường. Riêng mục đời sống bộ đội ta sẽ bàn trong một bài khác. Nông dân tùy theo vùng, được cấp thóc theo đầu người như vậy, tính ra gạo cũng từ 11 - 15 kg, về cơ bản lương thực gạo của nông dân thấp hơn dân thành phố, nhưng họ có thể tăng gia hoa màu, ngô khoai và mót thóc.

Đời sống thời bao cấp 2-Custom

Xe đạp chở gạo sau khi lĩnh lương thực về. Ảnh: John Ramsden

Cán bộ thông thường được mua 3 lạng thịt/ tháng, nếu mua thịt thì thôi mua mỡ. Nước mắm một lít rưỡi, muối cân rưỡi, rau 3-5 cân, dầu hỏa 4 lít trong một tháng. Tiêu chuẩn này cũng thay đổi theo lương và tuổi lao động, nghề nghiệp lao động. Ở Hà Nội những gia đình cán bộ trung cấp sẽ được mua hàng tại cửa hàng riêng ở phố Nhà Thờ, cán bộ cao cấp mua ở phố Tông Đản, nhân dân và cán bộ bình thường mua hàng ở các cửa hàng ở các chợ chính và một số nơi quy định. Hàng ít, khan hiếm nên xếp hàng trở thành hiện tượng thông thường hàng ngày, mua bán cái gì cũng xếp hàng cả. Nên người ta gọi đùa chủ nghĩa xã hội là xếp hàng cả ngày.

Đời sống thời bao cấp 4-Custom

Một họa sĩ đang ký họa ngoài trời. Ảnh: Thomas Billhardt. Nguồn: Reds.VN

Đó là những phân phối đều đặn hàng tháng nếu tình hình chiến sự và kinh tế còn đảm bảo được. Cuộc chiến chống Mỹ ngày một gian khó nhất là từ chiến tranh phá hoại đến những năm 1973, lương thực khan hiếm dần, và người ta phải phân phối nhiều loại khác thay cho gạo, như bột mì, hạt bo bo, ngô khoai sắn. Cơm độn các loại trên là phổ biến trong mỗi bữa ăn, đôi khi nồi cơm chỉ có 30% là gạo. Vải may quần áo cũng dần trở nên khan hiếm, theo tiêu chuẩn thì cán bộ được 4 thước vải/năm, nhân dân được 2-2,5 thước/năm. Nhưng có những năm chẳng có chút vài nào, người ta sẽ bán thay vào đó chút kim chỉ, sách giấy, đường, hay phụ tùng xe đạp. Thời gian đó không ít người ăn mặc theo kiểu nhất bộ, tức là quanh năm chỉ có một bộ quần áo mà thôi, về nhà là cởi trần trùng trục. Nhiều nam thanh nữ tú cũng phải mặc quần áo vá chằng vá đụp.

Đời sống thời bao cấp 3-Custom

Bên trong một cửa hàng tạp hóa tại Tràng Tiền khoảng đầu thập niên 1980. Ảnh: Jones Griffiths

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 3): Nhà tập thể

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà ở bao giờ cũng là cấp thiết khi dân số tăng lên hàng ngày, hàng năm, mặc dù thời chiến tranh sự quản lý xã hội rất chặt chẽ và ý thức người dân với xã hội khá cao, nhưng tình trạng lấn chiếm đất công vẫn xảy ra âm thầm. Đầu hòa bình, mỗi số nhà, sau khi chia lại, sân, vườn và những khoảng đất trống còn khá rộng. Số hộ tăng lên do con cái lập gia đỉnh và những hộ quay lại Hà Nội sau chiến tranh, đi kinh tế miền núi, người ta chiếm dần chiếm mòn các khoảng đất công ấy, ban đầu bằng cách quây cót ép, dần dần xây bằng gạch và ngôi nhà nhỏ chính thức hình thành. Nhà nước cũng không quản lý được những nhà này, vì chúng chẳng nằm trong quy hoạch nào.

Đời sống thời bao cấp 1-Custom

Một chung cư Hà Nội những năm 1980. Ảnh: Jones Griffiths. Nguồn: reds.vn

Người Việt có câu: Để lâu cứt trâu hóa bùnMưa dầm thấm lâu, chính là để nói tình trạng này, tức là lấn chiếm một cách bền bỉ. Hiện tượng lấn chiếm ruộng công ở nông thôn cũng diễn ra y như vậy, nó là tính cách của người Việt Nam. Khi chính quyền sờ đến thì mọi việc đã an bài, sự lấn chiếm sẽ dùng tiền đút lót để chính thức hóa. Mà các quan chức vốn xuất thân từ bộ đội nghèo, vợ con cũng tham gia buôn bán, lấn chiếm, nên tốt nhất là thuận lòng dân. Nhà cửa trong một khu nhà tăng lên đột biến, nhưng khu vệ sinh vẫn chung nhau, nên tình trạng hôi thối, bẩn thỉu là không thể tưởng tượng được. Nỗi kinh khiếp lớn nhất trong thời chiến tranh và bao cấp không phải là đói kém và bom đạn, mà là phải đi vào khu vệ sinh chung. Nếu đột nhiên gia đình nào có Việt kiều về thăm, thì khu vệ sinh chung đó bỗng trở nên thơm tho lạ thường.

Đời sống thời bao cấp 2-Custom

Khu tập thể Hà Nội năm 1989. Ảnh: David Alan Harvey. Nguồn: Macnum

Số người tăng lên gây áp lực với các đô thị cổ, không thể chịu đựng sự phân cắt nhỏ hơn nữa. Những ngôi nhà tập thể cao tầng bắt đầu được xây dựng, và bắt đầu từ những năm 1970 theo kiểu lắp ghép. Tức là người ta đổ sẵn những tấm bê tông vuông vức rồi lắp thành căn hộ. Khu tập thể Giảng Võ, Bách Khoa và dần dần là Kim Liên, Trung Tự, Thành Công… hình thành. Ban đầu phải là cán bộ trung cao cấp mới được phân nhà. Đó là những căn hộ giống nhau chừng 30 - 40 thước vuông, có khu vệ sinh và bếp riêng, nước được bơm lên các bể trên cao dẫn về mọi gia đình. Những ngôi nhà tập thể đó cao là 4 - 5 tầng, mỗi tầng có hai đến ba dãy phòng, chừng 10 - 20 căn hộ, tùy theo. Ý tưởng ban đầu giống như những nhà tập thể ở Liên Xô cũ, tầng dưới cùng làm cửa hàng, nhà trẻ, khu hội họp, khoảng trống nối giữa hai khu nhà làm sân chơi, vườn hoa. Nhưng dần dà tầng một cũng được dùng làm nhà ở và phải rất đặc biệt mới được phân tầng một, những nhà này sẽ nhanh chóng lấn chiếm đất công trước mặt, nếu ở tầng trên bạn có thể thỏa thuận với nhà dưới xây chồng lên đầu. Công nhân xây dựng nhiều người không về, lập gia đình, mà tiện thể cũng chiếm luôn đất lưu không, biến những ngôi nhà tập thể thành những con rết có thân chính và nhiều chân phụ lằng nhằng, đến mức người ta không nhận ra đâu là ngôi nhà chính nữa. Tình trạng trộm cắp phổ biến do ở khu tập thể người ta dường như không quen biết nhau, quan hệ hàng xóm truyền thống rất mờ nhạt, nên mỗi gia đình quây tất cả cửa sổ bằng song lưới sắt, như chuồng chim, cửa vào dãy chung có khóa chung cho mọi gia đình, xe đạp, xe máy phải dắt lên rất cao, nếu không có gia đình nào trông xe. Nghề trông xe trong khu tập thể hình thành. Thực ra những ngôi nhà tập thể đó rất bất tiện, nó chẳng ra nhà riêng, chẳng ra gia đình, chẳng ra khách sạn, nếu có cưới xin, hiếu hỷ thì vô cùng lúng túng. Nhiều nhà có người chết phải giòng áo quan từ trên cao xuống, vì không thể khiêng theo đường cầu thang hẹp. Ấy thế mà nhiều gia đình nuôi lợn, gà, chó, mèo, chim, rùa, thỏ… phần nhiều mang tính chất tăng gia. Những gia súc này được tắm rửa sạch sẽ, ốm đau sẽ có thuốc, vì chúng là thu nhập của gia đình, mỗi khi bán đi là trẻ con khóc um nhà vì chúng đã quen chơi với động vật nuôi đó. Câu Lợn ốm còn hơn người ốm là của thời kỳ này.

Đời sống thời bao cấp 3-Custom

Bên trong một căn hộ ở chung cư thời bao cấp. Chụp trong triển lãm “Cuộc sống Hà Nội ở thời bao cấp (1975 - 1986)” tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 4): Phân phối & đồng lương

(Thethaovanhoa.vn) -

Nhất gạo nhì rau
Tam dầu tứ muối
Thịt thì đuôi đuối
Cá biển mất mùa
Đậu phụ chua chua
Nước chấm nhạt thếch
Mì chính có đếch
Vải sợi chưa về
Săm lốp thiếu ghê
Cái gì cũng thiếu…
(Ca dao thời Bao cấp)

Đời sống thời bao cấp 4-Custom

Xếp hàng trước cửa hàng thực phẩm. Mô hình trong triển lãm Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp, 1975 - 1986 tại Bảo tàng Dân tộc học năm 2007. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Từng làm kế toán trong quân đội, tôi cũng nhớ ít nhiều về các mức lương mà cán bộ binh sĩ được hưởng, còn đồng lương của cán bộ nhà nước bên ngoài thì chỉ biết theo những gì qua bố mẹ anh chị mình. Mức lương thấp nhất của người cán bộ, trong ngành kế toán là 36 đồng vào những năm 1960. Song quãng thời gian trước chiến tranh phá hoại, năm 1960, đời sống tương đối ổn định, 36 đồng người ta có thể tạm đủ sống cho mình và nuôi một đứa con, đại khái chi phí từ 2 - 5 đồng tiền thuê nhà, tiền điện nước từ 1 - 2 đồng, 1 - 2 đồng cho con đi học, ăn hai người hết 20 đồng, mặc hết 5 đồng, ngoài ra vài chi tiêu lặt vặt, là không còn gì. Nếu là gia đình, có hai vợ chồng một đứa con, lương chồng 65 đồng theo hệ đại học, vợ 36 đồng theo hệ trung cấp, thì cũng có cuộc sống ổn định, hàng tuần có thể đi xem phim, mua một hai cuốn sách, cho con đi chơi công viên, các dịch vụ xã hội khác, như y tế, vệ sinh công cộng hầu như không mất tiền. Một người tốt nghiệp đại học, mức lương là 65 đồng, phải đi thực tập chừng 2-3 năm và hưởng 75% của 65 đồng, rồi sau đó mới nhận lương chính. Mức lương cán bộ tùy theo thấp cấp, trung cấp, cao cấp mà tăng lên, đôi khi theo niên hạn, đôi khi theo thành tích, hoặc không tăng gì cả vì bị trù úm, dường như không theo quy luật nào. Nói chung chỉ có cán bộ từ trung cấp trở lên, với mức lương trên 112 đồng/tháng là đủ sống, còn trở xuống đều hết sức vất vả khi cuộc chiến kề cận. Nếu chỉ xét riêng đồng lương, người ta sẽ không hiểu vấn đề này. Nhân dân bình thường được mua 1,5 lạng thịt/tháng, nhưng cán bộ cao cấp tới 6 cân/tháng, cho nên sự chênh lệch do giá thị trường chợ đen tới 100 đồng, ngoài ra tiêu chuẩn ưu tiên đường sữa, chè thuốc, hàng phân phối cũng tạo ra sự chênh lệch đến 100 đồng nữa. Trong khi đó các gia đình cán bộ thông thường tương đối đông con, bình thường là ba con, đông là bảy đến chín con, với hai người đi làm đồng lương cán bộ thì tất cả chỉ là sao cho đủ ăn, không còn đầu óc nào cho việc khác. Thời kỳ Bao cấp, không nhất thiết người ta phải tốt nghiệp đại học mới có thể đi làm, hệ trung cấp, cao đẳng, tay nghề tốt không bằng cấp là được rồi, ngoài ra trong lĩnh vực sư phạm do thiếu giáo viên nên có nhiều lớp học 7 cộng 2 (mới tốt nghiệp lớp 7 học thêm hai năm nữa), 10 cộng 2, 10 cộng 3 dạy từ mẫu giáo đến trung học cơ sở - chính là những người hưởng lương bậc thấp trong phạm vi từ 32 đến 40 đồng/tháng. Đời sống của những người này rất gian khó. Trong sinh hoạt cơ quan, người ta vay nhau điếu thuốc, lạng chè, vài hào, và đòi nhau đến vài xu, cũng như sinh hoạt xóm giềng, vay nhau vài thìa nước mắm, muôi mỡ, nhúm muối, một hai bát gạo, lạng đường là hết sức thông thường. Điều mà nhiều người bây giờ không thể tưởng tượng được. Mẹ tôi làm ở một cửa hàng ăn uống, người ta rán bánh rán và quẩy nhiều lần trong một chảo dầu mỡ, cho đến khi chảo dầu cặn này đen kịt lại, thì mới bán rẻ cho nhân viên. Nhà tôi thường dùng mỡ dầu đen đó vừa xào rán vừa thắp đèn lúc mất điện, đến giờ mà không bị ung thư thì phải nói là trời thương.

Đời sống thời bao cấp 1-Custom

Phố Tô Tịch (Hà Nội), khoảng những năm 1980. Ảnh: John Ramsden

Giá trị của đồng lương cứ thấp dần khi kinh tế đi xuống. Theo những thống kê kinh tế Việt Nam năm 1955 - 2000, thì mức lương năm 1880 so với năm 1978 chỉ còn 51,1%, năm 1984 còn 32,7%. Vào khoảng những năm 1984, đồng lương của cán bộ trong sinh hoạt gia đình chỉ đủ dùng trong một tuần. Vậy còn những ba tuần nữa, người ta phải sống làm sao. Làm thêm là tất yếu với mọi người có thể lao động được - buôn bán vặt, quấn thuốc lá, bơm xe đạp, đổi gạo thuê, dạy học thêm, làm ca đêm… nghĩa là ai nấy đều phải làm tất cả những gì có thể làm được để có thêm thu nhập khi đồng lương không nuôi sống được mình và gia đình.

Đời sống thời bao cấp 2-Custom

Một phụ nữ đang đổ mực vào ruột bút bi. Đây là một nghề phụ kiếm sống ở Hà Nội thời bao cấp. Ảnh: Philip Jones Griffiths

Đời sống thời bao cấp 3-Custom

Biển nhận may quần áo của một gia đình ở phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội. Đây cũng là một nghề phụ của phụ nữ thời gian này. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 5): Xếp hàng cả ngày

(Thethaovanhoa.vn) - Chợ trời thật giả đâu chân lý/ Hàng hóa lương tâm cũng thiếu thừa (Tố Hữu).

Trước năm 1965, mặc dù hàng hóa phân phối theo tem phiếu, nhưng lúc đó dân thưa, tiền ít, nên việc xếp hàng cũng không có vấn đề gì lớn. Sau hòa bình từ 1954 - 1965, mọi người dân đều cố gắng giữ nếp sống văn minh thanh lịch, ai nấy đều coi chủ nghĩa xã hội như là thiên đường, cho nên không có chuyện chen hàng, xô đẩy, đánh chửi nhau như sau này. Việc xếp hàng cũng chủ yếu trong các thành phố, đặc biệt là Hà Nội. Ở nông thôn, gần như quay lại thời tự cung tự cấp, nên việc xếp hàng là hãn hữu. Ông Bá Dương trong cuốn Người Trung Hoa xấu xí, có phân biệt sự xếp hàng giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa, như Trung Quốc chẳng hạn, và các quốc gia tư bản, như Mỹ chẳng hạn. Thì ông thấy hai bên đều xếp hàng cho mọi việc như nhau và việc gì cũng phải xếp hàng, nhưng ông cho rằng, một bên xếp hàng do thiếu hàng hóa, một bên xếp hàng vì đời sống văn minh. Nói cho cùng thì chỉ văn minh người ta mới xếp hàng và tất nhiên để mua được hàng hóa đôi khi người ta phải giẫm đạp lên văn minh vậy.

Đời sống thời bao cấp 1-Custom

Hà Nội năm 1989. Ảnh David Alan Harvey. Nguồn: reds.vn

Ở Hà Nội, xếp hàng mua gạo là vấn đề lớn, đến mức có người chầu chực cả tuần mà không mua nổi gạo, từ đó sinh ra những người đong gạo thuê, hầu hết là những bà già còn khỏe mạnh, rỗi việc, nhận sổ gạo của rất nhiều gia đình, hàng tháng tìm cách mua gạo cho người ta, rồi nhận ít tiền công, có thể là chính một vài cân gạo. Việc mua hàng khó khăn đến nỗi người ta buộc mọi thứ xí chỗ vào nơi xếp hàng - viên gạch chặn lên tờ giấy, cái dép bỏ, cái rổ rách… đủ mọi thứ linh tinh khác, chúng cho biết đã có chủ nhân đứng ở đây, nhưng bận chút nên chạy về nhà, Người xếp hàng sau cứ đá dần viên gạch lên trên, cho đến khi có người ra nhận chỗ. Xếp hàng mua bia là cảnh tượng ngoạn mục. Tích-kê mua bia là những miếng nhôm nhỏ xâu qua một dây thép căng từ cửa ngoài đến quầy rót bia. Mỗi người qua đó, chủ yếu là đàn ông, sẽ được nhận một tích- kê nhôm đó, nhưng cầm tay rê theo dây thép cho đến cô bán hàng. Mỗi tích-kê được mua hai cốc, càng về sau người ta bán kèm bắt buộc thêm nhiều thứ, ví dụ muốn mua bia phải mua đĩa lạc, đĩa xào gì đó… cái này là thu nhập thêm của nhân viên cửa hàng. Thời kỳ Bao cấp các anh lái xe, thủ kho, tài vụ rất đắt vợ và các cô bán hàng, thủ quỹ, thương nghiệp cũng rất đắt chồng, bởi vì làm những nghề đó họ dễ dàng kiếm được hàng hóa hơn, cho nên có câu Thủ kho to hơn thủ trưởng.

Đời sống thời bao cấp 2-Custom

Xếp hàng mua lương thực. Ảnh chụp tại triển lãm Cuộc sống Hà Nội 1975 - 1986 tại Bảo tàng Dân tộc học năm 2007. Người chụp: Nguyễn Anh Tuấn

Xếp hàng lấy nước là cả một vấn đề, không có nước thì gay go, hơn cả cơm gạo, hàng hóa. Những máy nước công cộng ngoài phố liên tục hàng dãy xô chậu kéo dài vài trăm thước từ bốn giờ sáng đến một giờ đêm. Thời đó chúng tôi hay đi gánh nước thuê, nên chỉ có thể gánh từ hai giờ đêm đến bốn giờ thôi. Vô cùng vất vả, mùa Đông lạnh ngắt mà người ướt đẫm mồ hôi.

Đời sống thời bao cấp 3-Custom

Một cảnh xếp hàng ở Hà Nội thời Bao cấp. Nguồn: reds.vn

Xếp hàng thời Bao cấp là những cuộc chiến căng thẳng cho đến khi nào về tay không hoặc mua được hàng hóa. Trong dãy người xếp hàng, có đến hàng trăm người, phần nhiều là phụ nữ trung niên và trẻ con, số ít là thanh niên và các ông bà già. Ai nấy mặt đỏ tía tai, người ướt sũng mồ hôi như tắm, sẵn sàng gây gổ đánh nhau, còn vài anh trật tự thì thổi còi la hét inh ỏi. Ngày nào cũng có vài trận nảy lửa, có người mua được hàng thì đánh rơi hết cả tem phiếu, nhiều kẻ lợi dụng móc túi, sự xô đẩy lúc nào cũng cọ xát người vào với nhau, nên khối anh trai lơ lợi dụng sờ mó phụ nữ.

Đời sống thời bao cấp 4-Custom

Phiếu đường, năm 1979, dùng để mua 1/2 kg đường. Nguồn: manhhai.flick.com

Đời sống thời bao cấp 5-Custom

Sổ đăng ký mua lương thực cho một hộ gia đình. Nguồn: manhhai.flick.com

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 6): Hàng phân phối và chợ đen

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm đầu hòa bình, từ 1955, Nhà nước hoàn toàn nắm độc quyền về sản xuất và phân phối hàng hóa, cho nên hầu như không có hàng hóa nào không thuộc về Nhà nước. Những tư nhân và các hợp tác xã nhỏ lẻ nếu có sản xuất gì đó cũng phải bán cho quốc doanh, từ đó quốc doanh sẽ phân phối lại cho người tiêu dùng, không ai được phép tự bán hàng hóa do mình sản xuất.

Chất lượng hàng hóa mặc dù không có tuyên bố nào chính thức, nhưng người ta coi mặc nhiên hàng hóa do các xí nghiệp nhà nước sản xuất là tốt nhất, thứ đến là hàng của hợp tác xã, cuối cùng là hàng của tư nhân. Tuy nhiên điều này phải tính cụ thể vào các mặt hàng, đôi khi hàng hóa sản xuất tư nhân theo kiểu thủ công cũng khá tốt. Chiếc xe đạp Thống Nhất của quốc doanh vô cùng tốt, có thể chở cả gia đình hai vợ chồng, hai đứa con trong suốt thời chiến tranh mà không hỏng, nhưng phở mậu dịch thì rất chán, lúc ấy thường gọi là phở không người lái (không có thịt) hay có câu: Phở mậu dịch/Kịch ti-vi - tức là những thứ rất nhạt nhẽo.

Đời sống thời bao cấp 44-Custom

Một cửa hàng bán rượu Tết cuối những năm 1980. Nguồn: reds.vn

Trong đời sống hàng ngày các mặt hàng như: xe đạp, áo quần, chăn màn, quạt máy, xô chậu, nồi niêu, phích nước, ấm chén… được coi là những đồ dùng tối thiểu nên được phân phối tùy theo cơ quan và dân sự theo lối phân hàng hàng năm, hàng quý, hàng tháng. Nhà cửa là chương trình lâu dài, cả đời người vài chục năm đi làm mới mong được phân nhà, nhưng xe đạp thì hàng năm được xét cấp, ít nhất mỗi gia đình cán bộ phải được mua từ một đến hai chiếc - đó là phương tiện di chuyển duy nhất của cả nhà trong chiến tranh. Những đôi uyên ương yêu nhau được ghé ngồi vào chiếc xe đạp mới là thấy hạnh phúc lắm rồi, nên mới Một yêu anh có Pơ-giô (Peugeot). Lúc đó về độ quý, xe đạp Peugeot của Pháp được đứng hàng đầu, sau đó đến xe đạp Thống Nhất Việt Nam, các xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc, Diamance của Đức, Tiệp, Sputnhic của Nga tuy đẹp và tốt nhưng đi ở địa hình đồng ruộng sông núi Việt Nam đều thua chiếc Thống Nhất. Chất lượng của xe Thống Nhất giảm đi sau năm 1975.

Đời sống thời bao cấp Anh2-Custom_2

Xe đạp, phương tiện vận chuyển chính của người dân thời bao cấp. Ảnh: Thomas Billhardt, chụp trước 1975. Nguồn: reds.vn

Nếu bạn lấy vợ thì sẽ được mua hai tút thuốc lá, bốn bao chè, bốn cân bánh kẹo, một bộ chăn màn và gường chiếu, một cái phích, một cái chậu và một cái mâm. Đây là tiêu chuẩn, nhưng cũng không nhất thiết, vì đôi khi hàng hóa thiếu. Nhưng bù lại bè bạn sẽ mừng cho ít xô chậu, mâm có bọc giấy đỏ bên ngoài. Có người sau đám cưới có đến hàng chục cái mâm và chậu, đem ra chợ đen bán cũng được ối tiền. Giải cờ tướng các làng hàng năm hội lễ phần thưởng cao nhất cũng là một cái phích nước. Thời điểm gay go của chiến tranh, phích nước viện trợ thường không có vỏ, chỉ có ruột, nên có nghề đan vỏ phích bằng tre ra đời, phổ biến lúc đó là phích nước vỏ tre nom rất ngoạn mục, đôi khi tre mục, dùng phải cẩn thận không tuột hết ruột ra ngoài. Nồi niêu xô chậu quạt phân phối hàng tháng từ các cơ quan, người ta tiến hành bắt thăm lần lượt. Ai mua tháng này thì thôi tháng sau. Những người mới lập gia đình, mới sinh con được ưu tiên mua trước. Xô chậu, nồi thì tạm được nhưng quạt điện cơ lúc đó kém lắm, nhất là quạt con cóc, chạy thì tốt, rơi cũng không hỏng, nhưng luôn quay và nhảy chồm chồm (có lẽ vì thế nên được gọi là quạt cóc, bên cạnh hình thù cũng khá giống con vật này), nên thường phải buộc chặt vào một hòn gạch.

Đời sống thời bao cấp Anh3-Custom_2

Cửa hàng đặc sản thời bao cấp ở phố Tạ Hiện, Hà Nội. Ảnh: John Ramsden. Nguồn reds.vn

Tất cả các mặt hàng phân phối đều có thể mua được ở chợ đen với giá cao hơn, cho nên về mặt kinh tế học người ta nói rằng kinh tế thị trường ở Việt Nam có ngay trong lòng xã hội bao cấp. Lúc đó theo nguyên tắc mọi hàng sản xuất đều ưu tiên cho Nhà nước thu mua trước, nhưng giá thu mua thường không hợp lý so với giá thành sản xuất, thậm chí còn thấp hơn sự đầu tư. Ví dụ chúng tôi trồng một ruộng rau muống, hàng ngày thu hoạch phải bán cho bộ đội giá năm xu một cân, trong khi mua giống và tắm tưới hàng ngày tốn gấp đôi số tiền đó, sau ba tháng trồng rau, mất hết cả vốn, chỉ vừa đủ một bữa liên hoan. Nhiều ngành sản xuất đi theo đúng sự thu mua phá sản dần, nông dân không chăn nuôi, trồng hoa màu nữa, thợ thủ công bỏ hợp tác xã. Bắt đầu có hiện tượng các hợp tác xã và tư nhân sản xuất một số hàng cho Nhà nước thu mua còn phần nhiều tuồn ra chợ đen

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 7): Chợ đen

(Thethaovanhoa.vn) - Sự phân phối ban đầu chủ yếu là những hàng hóa nguyên bộ (xe đạp, xô chậu) sau này được phân phối chi tiết hơn vài viên bi xe đạp, cái săm, cái lốp, cục pin, quận chỉ, cái kim, vài quyển vở, vài tập giấy, vài cái bút chì… có lẽ chỉ còn có vài quả ớt là chưa phân phối. Thoạt tiên người ta tưởng chỉ trong thời chiến tranh mới khó khăn như vậy, nhưng ngay sau thời điểm hòa bình 1975, và sớm hơn là từ 1973 sau Hiệp định Paris về Việt Nam, hàng viện trợ giảm dần đến chỗ không có tý nào. Sau cuộc chiến thực sự là khó khăn trong khi hàng vạn vết thương còn chưa lành, hàng vạn vấn đề phát sinh. Chợ đen khắp nơi phát triển đến mức nhiều mặt hàng nhà nước không kiểm soát nữa.

Đời sống thời bao cấp C1-Custom

Bến phà qua sông, nơi hàng hóa được vận chuyển bằng gồng gánh từ vùng này sang vùng khác. Ảnh: Gunter Mosle, chụp khoảng trước 1975. Nguồn: reds.vn

Chợ đen không phải là một cái chợ theo đúng nghĩa, mà là cách phân mua bán hàng hóa chui cố gắng tránh sự kiểm soát của Nhà nước. Nó diễn ra đủ mọi nơi, mọi thời điểm, thậm chí ngay cả những người quản lý thị trường cũng không phải không có lúc dùng hàng chợ đen. Một nhà nuôi con lợn sẽ lẳng lặng giết thịt sao cho lợn không kêu, những người gần đó cũng lẳng lặng đến mua từng gói nhỏ một vài người một. Cả con lợn bị phân tán lặng lẽ như chưa từng được nuôi. Đó là chợ đen, những hình thức mua bán chuyền tay phát triển hơn bao giờ hết thời hậu chiến tạo thành một mạng lưới dân gian sôi nổi không kém gì thời hoạt động bí mật. Ở nông thôn, do hầu hết các mặt hàng thiết yếu không được cung cấp như thành thị, người ta có xu hướng tự cung tự cấp trở lại. Những bà già dựng lại khung cửu, thợ mộc, thợ nề, và thợ thủ công nói chung âm thầm hoạt động nghề trở lại sau thời kỳ hợp tác xã không thành công. Nghề đồng nát rất phát triển, trong đó các bà đồng nát chuyên thu gom phế liệu đổi kẹo, mua rẻ tiền cho các thợ thủ công tái chế, họ rất được người phương Tây ca ngợi như những nhà môi trường sớm. Khái niệm rác lúc đó chưa mấy được quan tâm vì hầu hết rác thải được thu gom từ sớm. Các chợ phiên ở nông thôn sau năm 1965 có thể nói vẫn hoạt động bình thường, rau quả củ, lợn gà, đồ mây tre đan, vải mộc, chút gạo thóc, nhất là khi những người thành thị về nông thôn sơ tán chiến tranh phá hoại không thể không cần đến chợ phiên. Ngày nào cũng có cuộc giằng xé giữa những anh quản lý thị trường và mấy bà già buôn thúng bán mẹt, đôi khi rổ rá quăng quật lung tung, rau cỏ ném bừa bãi, nhưng rồi chợ vẫn họp, rồi lại đùng một cái máy bay ném bom, tất cả quăng thúng mẹt thoát thân. Lời lãi ở chợ phiên nông thôn rất thấp, có mất cả gánh hàng cũng chỉ là vài đồng bạc. Mớ rau, nải chuối, gói kẹo bột, rổ tép riu… nhưng cũng là đồng quà tấm bánh cho phong tục sống của người Việt.

Đời sống thời bao cấp C2-Custom

Đường phố Hà Nội đầu thập niên 1980, nơi những dân phe chợ đen hoạt động chủ yếu. Ảnh: John Ramsden. Nguồn: reds.vn

Từ sau năm 1973, ngày càng có nhiều thương binh, bộ đội giải ngũ, việc đầu tiên của họ là củng cố lại kinh tế gia đình. Chủ nghĩa công thần bắt đầu nổi lên và những thương binh, bộ đội dùng ảnh hưởng của mình trong việc buôn bán giằng co với thương nghiệp. Họ họp thành từng đoàn, thậm chí có cả đoàn thương binh hỏng mắt nắm ba lô nhau đi buôn gạo, quế, thuốc lá, chè, rượu… - cảnh tượng không khỏi khiến người ta rơi nước mắt huống chi còn bắt hàng. Rượu lúc đó được đựng vào túi ni lông dầy hay lốp cao su rồi nhét vào bị bùng nhùng như nhốt con chó con được chuyền cho khắp các quán nước. Dân Bát Tràng làm bát chui, từ một giờ sáng đã phải thồ theo đường đê ra Hà Nội, đầu cầu Long Biên đã có cánh thương binh chống nạng ở đó đưa vào chợ Bắc Qua. Nếu theo phân phối, mỗi gia đình hàng năm không có vài cái bát, nên bát ăn cơm Bát Tràng lúc đó rất mỏng hay vỡ cũng vẫn được ưa chuộng. Trong gia đình nếu đứa trẻ vụng về đánh vỡ bát là đủ lĩnh vài cái tát vào mặt.

Đời sống thời bao cấp C3-Custom

Bên trong một xưởng sản xuất đồ mây tre đan thời bao cấp. Ảnh: Jones Griffiths. Nguồn: reds.vn

Như ngọn cỏ len lên từ kẽ đá, khó khăn mấy con người cũng phải sống. Thời chiến tranh và thời bao cấp đã thử thách tột cùng người Việt Nam, nhưng để lại vết hằn tâm lý đến mức cho đến bây giờ nhiều người đã giàu có vẫn tham lam tích lũy, nhặt nhạnh như những kẻ sắp chết đói.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 8): Văn hóa thời bao cấp

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm đầu hòa bình (sau 1954) đời sống tinh thần của người dân khá căng thẳng, nhất là sau ba sự kiện Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm và Cải tạo công thương nghiệp tư doanh. Ba sự kiện này có ảnh hưởng sâu sắc và mang màu sắc ảm đạm cho người Việt Nam, thậm chí còn dư âm đến tận ngày nay. Tuy nhiên những thành tựu của chủ nghĩa xã hội những năm 1960 đã có vẻ tạm chữa lành các vết thương, dù gì sau chín năm kháng chiến gian khổ, người ta cũng muốn quên đi gian khó và làm lại cuộc đời.

Đời sống thời bao cấp 44-Custom

Biển diễn ngoài trời mừng ngày giải phóng đất nước. Ảnh: Jones Griffiths, chụp năm 1985. Nguồn: reds.vn

Ở Hà Nội, các rạp xem phim và kịch được mở lại, thứ Bảy, Chủ nhật khán giả đông nghìn nghịt, thậm chí rất khó có thể mua được vé. Phim chiếu làm nhiều đợt, trung bình hai tiếng một buổi, buổi 5 - 7 giờ tối thường vắng hơn, và đông nhất là hai buổi 7 - 9, 9 - 11 giờ. Các rạp Công Nhân ở phố Tràng Tiền, Tháng 8 ở phố Hàng Bài, Dân Chủ phố Cửa Nam… đều đông khán giả. Nhà hát Lớn thì thường có những vở kịch các đoàn kịch và hát trung ương, nhạc giao hưởng do chỉ huy người nước ngoài, rạp Chuông Vàng thì diễn tuồng và chèo. Tối thứ Bảy, Chủ nhật các gia đình cho trẻ con ra Bờ Hồ ăn kem, dạo mát, và xem phim ở rạp Kim Đồng (Hàng Bài). Quanh Bờ Hồ, để tưởng nhở miền Nam người ta trồng nhiều cây dừa và có những quán nước thanh lịch, nhà Khai Trí Tiến Đức cũ được cải biến thành Câu lạc bộ Thống Nhất, dành riêng cho anh em miền Nam tập kết, hàng tuần đều chiếu phim miễn phí và tổ chức thi đấu cờ tướng treo bảng và bóng bàn rất sôi nổi. Phim chiếu bấy giờ chủ yếu của Việt Nam, như Chị Tư Hậu, Nổi gió, Cù Chính Lan, Đường ra mặt trận, Con chim vành khuyên… kịch thì có Chị Muội, Bắc Sơn, Cửu Trùng đài. Các vở tuồng cũ như Đào Tam Xuân loạn trào, Sơn Hậu, Tống Trân Cúc Hoa, chèo cũ như Quan Âm Thị Kính… được phục dựng rất đông khán giả.

Đời sống thời bao cấp 1

Diễn viên trang điểm trước khi giờ biểu diễn. Ảnh: David Alan Harvey, chụp 1989. Nguồn: reds.vn

Triển lãm mỹ thuật thì 5 năm mới có một lần, nhưng triển lãm tranh cổ động thì hàng năm, nhất là với chủ đề xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, tranh về người tốt việc tốt và đả kích tệ nạn cũng được bày thưởng xuyên. Sách báo thì hầu hết là sách trong nước và sách dịch của các nhà văn nổi tiếng. Chất lượng dịch thuật các tác phẩm kinh điển lúc đó cho đến nay vẫn khó vượt qua được, và văn học dịch đã trở thành một đời sống và ngôn ngữ trong văn nghệ bây giờ. Lúc đó đơn thuần chỉ có một số tờ báo như Nhân Dân, Quân Đội và Hà Nội mới, Văn Nghệ… không ai thống kê, nhưng có lẽ chưa đến chục tờ. Họa báo Liên Xô và Trung Quốc bán hàng tháng rất khó mua, vì chỉ có vài chục bản, dường như là hai tờ báo nước ngoài bằng tiếng Việt có ảnh chụp sinh động. Chiều Chủ nhật, trên đài phát thanh hàng tuần đều có chương trình nhạc cổ điển kéo dài với phân tích giới thiệu rất tỉ mỉ. Có lẽ văn hóa đỉnh cao của nhân loại được phổ biến tốt nhất vào thời bao cấp.

Đời sống thời bao cấp 45-Custom

Thanh niên Hà Nội buổi tối quanh Bờ Hồ (hồ Hoàn Kiếm). Ảnh: Jones Griffiths, chụp năm 1980. Nguồn: reds.vn

Ở nông thôn, từ năm 1955 - 1970, các di tích văn hóa nếu được xếp hạng thì được bảo vệ, còn không bị xâm hại nặng nề, nhất là trong các cuộc bài trừ mê tín dị đoan quá tả. Nhiều ngôi đình được dỡ bỏ trong thời gian này, nhiều ngôi chùa bị bỏ hoang. Phương tiện thông tin duy nhất ở nông thôn là đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Nên mốt đàn ông nông thôn ra đường đi xe đạp và đeo đài rất thịnh hành. Mỗi huyện có một hiệu sách quốc doanh, cũng là một trung tâm văn hóa. Hàng tháng các đoàn phim và kịch chèo lưu động về diễn xuất tại sân đình là dịp nông dân được tụ họp không thể bỏ lỡ. Những đoàn phim, kịch này hoặc có ô-tô, hoặc đi bằng xe đạp thồ len lỏi từ đồng bằng đến miền núi không biết mệt mỏi. Họ phải đem theo cả phông màn, nhạc cụ, máy chiếu phim đơn (quay từng cuốn một), máy nổ… lưu chiếu và lưu diễn suốt trong chiến tranh. Ở các làng, người ta có khi phải đi bộ hàng chục cây số để đến bãi chiếu phim. Tranh cổ động được chép tay hoặc in lưới phát về văn hóa xã, và họa sĩ nghiệp dư của làng sẽ kẻ vẽ lại trên bảng thông tin đầu làng.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 9): Đời sống văn hóa

(Thethaovanhoa.vn) - Phong trào bình dân học vụ xóa nạn mù chữ vốn được phát động ngay sau Cách mạng tháng 8/1945, vẫn được tiếp tục sau năm 1954, dưới tên gọi mới bổ túc văn hóa.

Ở khắp các nơi người ta tổ chức các lớp học ban đêm cho mọi đối tượng, nhất là học phổ thông cơ sở từ lớp một đến lớp mười. Giáo viên có thể lấy từ các trường phố thông cơ sở địa phương hoặc bất kỳ ai có trình độ, người học cấp hai dạy người học cấp một, người học cấp ba dạy người học cấp hai. Tuổi tác của giáo viên cũng không câu nệ gì cả, 15, 16, 17 tuổi đều có thể đi dạy, học sinh cũng vậy 30, 40, 60 tuổi đều có thể đi học.

Sau này bổ túc văn hóa được chính quy dần, dạy cho các đối tượng là bộ đội, cán bộ, công nhân, nông dân đã đi làm nhưng thiếu bằng cấp. Rồi đến phong trào học ngoại ngữ ban đêm bắt đầu từ những năm 1970, nhất là tiếng Anh và tiếng Pháp.

Đời sống thời bao cấp Anh1

Dàn đồng ca thiếu nhi biểu diễn trong Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Jones Griffiths, chụp năm 1985. Nguồn: reds.vn

Sau năm 1954, nhiều công trường và nông trường XHCN được mở ra trong kế hoạch xây dựng XHCN 5 năm một. Ví dụ Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đại thủy nông Bắc Hưng Hải… thu hút hàng vạn công nhân và kỹ sư. Các văn nghệ sĩ cũng được điều đến đó theo hai dạng: dạng đi làm hoàn toàn như công nhân, nông dân và hưởng chế độ như thế, để cải tạo tư tưởng; dạng ba cùng - cùng ăn, cùng ở, cùng làm, hưởng theo chế độ văn nghệ sĩ mà mình công tác, thời gian làm ở địa phương vừa sáng tác vừa lao động, từ vài tháng đến vài năm, tùy theo, và có thể chuyển đổi địa bàn.

Cho đến nay người ta vẫn có ý kiến trái ngược, đây là thời gian không may hay may cho nghệ sĩ, vì không ít người trưởng thành từ gian khó trong thực tế, không ít tác phẩm tốt ra đời từ đó, cũng như không ít người bị đánh quỵ hoàn toàn không vẽ vời được gì cả.

Đời sống thời bao cấp Anh2

Một rạp chiếu bóng tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh chụp khoảng đầu những năm 1990. Nguồn: reds.vn

Buổi giao thời của văn hóa cũ và văn hóa mới, rất nhiều nghệ nhân, cán bộ lưu dung (do Pháp đào tạo) được sử dụng như chuyên gia, xen lẫn với những nhà văn hóa, nghệ sĩ được đào tạo trong xã hội mới. Lúc đó, bất kể tuổi tác, bằng cấp, ai có tay nghề đều được kính trọng, và rồi dần dần, những người không phải là đảng viên, không được đào tạo dưới mái trường XHCN, ra ngoài và về hưu, thay thể bằng những nhà văn hóa, nghệ sĩ của xã hội mới, xấu tốt, giỏi kém lẫn lộn dần, văn hóa có chiều hướng xuống cấp, cho đến khi kinh tế thị trường hình thành thì vấn đề này trở nên rõ nét.

Đời sống thời bao cấp Anh3

Một hàng kem ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh chụp khoảng đầu những năm 1990. Nguồn: reds.vn

Do tình hình chiến tranh và buổi đầu của CNXH ở miền Bắc, đời sống văn hóa được quản lý chặt chẽ. Các tệ nạn mại dâm, bạo lực, trộm cắp đều được khống chế ở mức tối đa và luôn được đưa ra dư luận lên án. Thông tin xã hội cũng đơn thuần, ngoài ít báo chí, đài phát thanh, đến mãi năm 1971, mới có đài truyền hình và trong vài năm đầu chương trình rất nghèo nàn với hai buổi phát sóng hàng tuần, sau nâng thành ba buổi, và chỉ có một kênh duy nhất.

Năm 1976, người Việt mới được xem bóng đá quốc tế khi truyền hình phát lại giải bóng đá thế giới năm 1974. Ti-vi những năm đó là vô cùng quý hiếm, nên thường được mở vào buổi tối ở ngoài đường, trước cửa đồn công an, hoặc trụ sở phường. Mọi người thưởng đến sớm, ngồi chật kín trước máy phát hình to tướng, nên trước giờ xem ti-vi người ta cho đọc báo Nhân Dân và Quân Đội nửa tiếng.

Chủ nghĩa hiện đại (Modern Art) trong nghệ thuật, ban đầu bị phê phán kịch liệt, được gọi là những cây nấm độc sặc sỡ mọc trên thân gỗ mục của chủ nghĩa tư bản, đến năm 1980, những ảnh hưởng của nó, mới được chấp nhận phần nào. Nói chung văn hóa thời bao cấp là nền văn hóa có định hướng, tương đối thuần khiết, vài lĩnh vực đạt đỉnh cao, còn nói chung nghèo nàn một chiều, nhưng ít nhất cũng tạo ra một đời sống xã hội ổn định và có lý tưởng.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 10): Kỷ cương xã hội

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là một vấn đề nổi bật thời chiến tranh và bao cấp, thậm chí nếu không có nó, công cuộc kháng chiến và thống nhất đất nước đã không bao giờ có thành quả. Nhưng dường như không có tài liệu nào nhắc đến, hay coi đó như là mặt quan trọng của đời sống. Bất cứ xã hội nào trong chiến tranh, người ta cũng phải gồng mình lên và chấp nhận những đạo luật hà khắc. Khi viết bài này, chúng tôi không rõ nên xếp nó vào mục văn hóa hay là gì.

Sau hòa bình, năm 1954, nhất là sau sự kiện Nhân văn giai phẩm, những lời đàm tiếu về Nhà nước và đường lối chính sách được coi là tuyệt đối cấm, bên cạnh đó là hàng loạt các quy định xã hội, mà thực sự người ta không rõ có nằm trong luật pháp hay không, ví dụ ăn cắp thế nào thì bị đi tù, ngoại tình thì phạm luật gì, ăn mặc lố lăng thì ra sao, hát nhạc nào vẽ tranh nào bị coi là không được… Tuy nhiên thì sự cấm kỵ cũng hình thành, và đương nhiên phải chấp nhận, coi đó là sức mạnh của bên thắng cuộc.

Đời sống thời bao cấp REDSVNGunterMosleHN06-Custom

Đường phố Hà Nội những năm 1970. Ảnh: Gunter Mosle. Nguồn: reds.vn

Nếp sống thanh lịch, văn hóa được nêu cao ngay năm 1954, trong gia đình, con không được cãi cha mẹ, hàng xóm không được đánh nhau, nếu vi phạm cha mẹ cứ việc đánh đòn con rất nặng, thậm chí bôi vôi, cạo trọc đầu, đưa ra khu phố giáo dục, đánh nhau cả hai bên sẽ bị phạt, thậm chí bị giam vài ngày, hoặc đi lao động công ích. Bè bạn đến nhà chơi được gia chủ tiễn ra đầu làng, đầu phố, nam nữ thanh niên thăm nhau, trước tiên bố mẹ tiếp, nói chuyện phải bật đèn, mở cửa, đi chơi phải xin phép và không quá 10 giờ tối. Ăn cắp và hủ hóa được coi là hai tội rất nặng. Trẻ con tháo trộm một cái nắp chuông xe đạp, cũng có thể đi trại cải tạo vài năm. Hủ hóa tức là quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, sẽ bị đuổi việc đưa đi miền núi, hải đảo, hoặc đưa ra Công đoàn kiểm điểm, đình chỉ công tác, hoặc chuyển cả hai đi nơi khác. Học sinh cấp ba (14 - 17, 18 tuổi) yêu đương không được vào Đoàn, tức là không được vào đại học. Trong đại học, yêu nhau phải báo cáo nhà trường, trong cơ quan cũng vậy, trong bộ đội gần như cấm yêu, nhất là những nhân vật quan trọng (như phi công chẳng hạn), hoặc bị kiểm soát rất chặt. Từ thầm yêu trộm nhớ rất chính xác thời kỳ này. Nam nữ vào khách sạn (lúc đó rất ít khách sạn, không có nhà nghỉ) đều phải trình đăng ký kết hôn mới được ở chung phòng. Vào những năm 1965 thanh niên có trào lưu mặc quần ống tuýp, ống côn (rất chật và bó chân) và để tóc dài, sau đó từ năm 1970 - 1980 có trào lưu quần ống loe.

Đời sống thời bao cấp RedsvnPhilipJonesGriffithsVietnam198018-Custom

Thanh niên TP.Hồ Chí Minh đi chơi buổi tối. Ảnh: Philip Jones Griffiths, chụp những năm 1980. Nguồn: reds.vn

Hai trào lưu này đã gây bức xúc cho đời sống xã hội, người ta nhìn đó là những thanh niên đua đòi, đứng ngoài cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thế là một cuộc lập lại trật tự văn minh bắt đầu, mọi thanh niên nam để tóc quá dài và kiểu cách bị túm lại ở ngoài đường và húi cho một đường dài trọc lóc trên đầu, còn quần côn, hay quần loe sẽ bị rạch ống, hoặc cắt đi một vạt. Sự kiện này xảy ra nhiều vào những năm 1966 - 1972, sau đó bị cho là quá khích và ảnh hưởng tư cách cá nhân nên lặng lẽ quên lãng. Riêng tệ hát nhạc vàng, một loại nhạc được coi là phản động, đồi trụy, ru ngủ thanh niên bị cấm triệt để. Vụ xử Toán “Xồm”, một ca sĩ nghiệp dư chuyên hát nhạc tiền chiến và nhạc vàng nổi đình đám lúc bấy giờ. Tất cả những ai hát nhạc vàng đều bị kỷ luật bằng cách hát bài Giải phóng miền Nam 100 lần.

Đời sống thời bao cấp RedsvnDavidAlanHarvey14-Custom

Các con nghiện trong một trại giáo dưỡng ở miền Nam. Ảnh: David Alan Harvey, chụp năm 1989. Nguồn: reds.vn

Sự gồng mình này trong chiến tranh cũng có tác dụng lớn tạo ra một xã hội lành mạnh ổn định. Mỗi trường học, cơ quan chỉ có một hai bảo vệ, một lao công mà lúc nào cũng sạch sẽ, nghiêm túc, học sinh đi học được an toàn, mọi cơ quan đều không bị trộm cắp, dù việc xây tường, rào cổng rất sơ sài. Trong các làng xã chỉ có một hai công an xã và một đội du kích sinh hoạt không thường xuyên, nhưng đời sống rất nghiêm chỉnh, ít tai nạn, không trộm cắp, đánh nhau và xa hơn nữa là hoạt động gián điệp không có đất sống. Trong cuốn Vụ tập kích Sơn Tây, người Mỹ thừa nhận, cho đến những năm 1965 - 1970 ở miền Bắc (dường như) không có một tình báo nào từ ngoài lọt được vào miền Bắc (*).

Trong chiến tranh chống Mỹ, một số phi công tù binh Mỹ được giam giữ tại trại giam Sơn Tây. Sau thời gian dài chuẩn bị, tình báo Mỹ tổ chức tấn công trại giam vào ngày 20/11/1970 nhằm giải cứu tù binh, bằng máy bay lên thẳng. Nhưng toàn bộ số phi công Mỹ đã được chuyển đi nơi khác từ tháng trước.

Sách Vụ tập kích Sơn Tây, tác giả Benjamin F. (Harper - Row Publishers). Nhà xuất bản Công an Nhân dân năm 1987, Lê Trọng Bình - Lâm Hải Hồ dịch.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 11): Hàng viện trợ & hàng nhập khẩu

(Thethaovanhoa.vn) - Với tư cách của một người dân bình thường thì chúng ta không rõ hàng viện trợ quân sự như thế nào, nhưng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày thời bao cấp và chiến tranh không có gì xa lạ.

Đời sống thời bao cấp 3-Custom

Xe đạp Phượng Hoàng, một sản phẩm thời bao cấp, giờ đây thành đồ sưu tập của một số người hoài cổ. Ảnh: nguồn ttvnol.com

Tất nhiên cũng chủ yếu là hàng của Liên Xô cũ và Trung Quốc, bên cạnh những hàng không thường xuyên của những nước XHCN khác và của những nước dân chủ ủng hộ hòa bình và Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ. Năm 1965, trẻ con chúng tôi nhận được những chiếc quần bò bằng vải dày rất tốt, kích thước thì không theo tiêu chuẩn nào cả, to nhỏ lung tung, sau này thì váy đầm, áo sơ-mi, áo rét và cả giày păng-túp… cũng được đưa đến các cơ quan, chủ yếu là phát không theo kiểu chia đồng đều, mỗi người một thứ. Tìm hiểu ra, được biết ở những nước ủng hộ Việt Nam, người ta đem những thùng không ra đường, mọi người tùy theo có gì không dùng thì bỏ vào đó và chuyển tới nước ta. Vài chiếc váy và áo to có thể cắt làm ba bốn quần áo trẻ em, hoặc chữa cho người lớn mặc. Các hiệu may vá chữa quần áo lúc đó rất sẵn, hầu hết đàn ông phải mặc quần “tích-kê” đầu gối, tức là làm thật dày chỗ hay rách là đầu gối, áo thì “tích-kê” dày ở hai đầu vai.

Đời sống thời bao cấp 4-Custom

Quạt tai voi Liên Xô. Ảnh: nguồn ttvnol.com

Từ năm 1960, một số người đi học ở nước ngoài đã đem về quạt tai voi của Liên Xô, xe đạp Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu của Trung Quốc, đều là những đồ dùng tốt. Tuy nhiên ở Hà Nội vẫn còn một số quạt trần, quạt bàn, bàn là, xe đạp… của Pháp cũ, quạt Pháp tốt đến nỗi, vài gia đình đi sơ tán, quên tắt quạt hàng tháng, tất nhiên điện không có thường xuyên, nhưng quạt vẫn chạy và không hỏng. Những chiếc quạt trần cổ ở các khu sinh viên thường để chạy cả tháng liền không bao giờ tắt. Dần dần ti-vi Nga, Tiệp, Ba Lan du nhập vào Việt Nam, những năm 1973 - 1975, trên truyền hình bắt đầu chiếu những bộ phim dài tập, như Trên từng cây số của Bulgary, nhà nào có ti-vi đều đông nghịt hàng xóm, nhà nào đóng cửa xem một mình sẽ bị nhét cứt vào lỗ khóa. Tủ lạnh Xaratov, nồi áp suất và áo bay của Nga cũng được ưa chuộng. Hình ảnh một anh trai đi lao động ở Liên Xô, khi đi thì mặc đến 7 cái quần bò, ba bốn cái áo rét, sang Nga bán lẻ, khi về người cũng lỉnh kỉnh như vậy, nên gọi là “đầu đội nồi áp suất, chân đi bàn là”… - khó có thể tưởng tượng một người ăn mặc như vậy mà lên máy bay, đi hàng ngàn dặm. Lương thực viện trợ thì nhiều hàng Trung Quốc, gạo, bột mì và rau khô. Từ Cuba thì có đường. Thời kỳ đó rất nhiều lò bánh mì và làm mì sợi tư nhân ở Hà Nội, người ta đem tiêu chuẩn bột mì của mình tới đó đổi. Thời căng thẳng khi cuộc chiến lên cao, những năm 1970, rau cỏ hiếm đến mức phải ăn ca la thầu và rau khô của Trung Quốc, hai món này khó ăn đến mức, cứ nhìn thấy là đã buồn nôn, riêng món rau khô đóng thành bánh, khi nấu cạo vào nồi hòa với nước, ăn nồng và hôi, xác như nhai rơm.

Đời sống thời bao cấp 1-Custom

Một cô bé trên chiếc xe máy Peugeot buổi tối ở bờ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: David Alan Harvey, chụp năm 1989

Đời sống thời bao cấp 2-Custom

Một người đàn ông trước cửa hàng bán - sửa quạt và đồng hồ. Ảnh: Từ trang Magnum

Xe đạp Mifa của Đức, xe đạp Diamance, xe máy tay ga của Tiệp, xe đạp Spunic của Nga, đài Sony của Nhật, đài Hồng Kỳ của Trung Quốc… các đồ bán dẫn và đồ điện tử nhẹ cũng từ từ vào Việt Nam, bù cho nền sản xuất xuống đến mức thấp nhất. Một cô gái đi nước ngoài muốn ly hôn chồng ở nhà để lấy một anh Tây, người chồng không đồng ý, cô bèn đền bù hai chiếc xe đạp Mifa, anh chồng vô cùng phấn khởi ký ngay vào đơn. Nên có ca dao: Có vợ mà cho đi Tây/Khác nào xe đạp để ngay Bờ Hồ.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 12): Bộ đội

(Thethaovanhoa.vn) - Trừ trường hợp vào chiến trường cụ thể, đời sống của bộ đội phải tùy thuộc vào hoàn cảnh chiến đấu, nhất là trong chiến trường miền Nam, còn khi chưa chiến đấu, và còn ở ngoài Bắc, đời sống của bộ đội được tổ chức rất tốt, với tiêu chuẩn cao hơn hẳn người dân và cán bộ.

Mỗi tháng một người lính có tiêu chuẩn ăn 21 kg gạo, 21 đồng tiền ăn /tháng (khoảng 6 hào 8 xu/ngày), tiền quân trang 6 đồng/ năm với hai bộ mùa Hè và mùa Đông, hai đôi tất, một đôi giày. Khi mới nhập ngũ mỗi người được phát một bộ chăn màn, hai đôi giày, hai bộ quần áo. Tiền phụ cấp hàng tháng theo cấp bậc, thấp nhất là binh nhì mới nhập ngũ là 5 đồng/tháng, cao nhất là thượng sĩ thâm niên 13 - 15 năm thì 36 đồng/tháng. Tiêu chuẩn này của thượng sĩ còn cao hơn cả chuẩn úy, với 54 đồng/tháng nhưng phải nộp tiền ăn và tiền quân trang.

Đời sống thời bao cấp 1-Custom

Bộ đội trong giờ tập thể dục. Ảnh: Phillip Jones Griffiths, chụp năm 1985. Nguồn: reds.vn

Ngoài ra mọi tiêu chuẩn thịt, rau, gạo đều được mua theo giá bao cấp. Mỗi người lính được phát nửa cân đường, hai bao thuốc/tháng, nếu ai nhiều râu thì được phát dao cạo. Quần áo bộ đội lúc đó hầu hết là vải gabardine Trung Quốc, tất sợi tơ tằm rất bền, giày vải cao cổ rất tốt cho việc đi rừng. Nếu đi miền Nam sẽ được phát thêm võng, dép cao su tốt. So với người dân bình quân 10 - 13 kg gạo/tháng thì bộ đội nói chung no đủ.

Đời sống thời bao cấp 2-Custom

Các nữ binh trong một buổi mittinh tối. Ảnh: Thomas Billhardt, chụp khoảng 1975. Nguồn: reds.vn

Đối với sĩ quan, chuẩn úy được hưởng lương 54 đồng/tháng. Thiếu úy 65 đồng, trung úy 72 đồng, thượng úy 85 đồng, đại úy 100 đồng, thiếu tá 112 đồng, trung tá 132 đồng… cho một tháng. Con số này tôi biết theo trí nhớ từ đời sống nhất là những năm do làm tài vụ trong quân đội, có thể không chính xác, nhưng đại loại là như vậy. Hàng tháng những sĩ quan phải nộp tiền ăn và tiền quân trang nộp cho năm. Đi công tác sẽ được cấp tiền ăn và tiền tàu xe, tiền lưu trú, hàng tháng cũng có tiêu chuẩn đường sữa, thuốc lá như những người lính. Khi ăn tập thể từ thượng úy trở xuống ăn chung với lính theo tiêu chuẩn đại táo, 6 hào 8 xu/ngày. Từ đại úy đến thiếu tá ăn theo tiêu chuẩn trung táo chừng 9 hào/ngày. Trên nữa thì ăn theo tiêu chuẩn tiểu táo 1,2 đồng/ngày. Các đơn vị kỹ thuật có những bồi dưỡng thêm về thuốc men đường sữa. Riêng phi công ăn 5,4 đồng/ngày, với sự bao cấp tuyệt đối thì tiêu chuẩn ăn của phi công là rất cao. Các cô gái sẽ được thêm tiền phụ nữ hàng tháng là 5 hào, nếu vào chiến trường sẽ có tiền hao mòn sắc đẹp.

Đời sống thời bao cấp 3-Custom

Một buổi duyệt binh. Ảnh: Phillip Jones Griffiths, chụp năm 1985. Nguồn: reds.vn

Những đơn vị lớn trong quân đội lúc đó đều có sân bóng đá, bãi tập thể thao, đơn vị không quân còn có huấn luyện viên thể thao thể lực riêng. Có thư viện ở cấp trung đoàn. Hàng tháng có chiếu phim và xem văn nghệ tự biên tự diễn từ quân chủng. Quân đội cũng có những trung tâm bồi dưỡng kiến thức, nhất là cho những người sắp ra quân muốn thi vào đại học, có những người được quân đội nuôi cho đến khi học hết đại học. Tất cả các đơn vị to nhỏ đều tìm cách tổ chức học văn hóa cho mọi đối tượng, ít nhất là phổ cập trung học cấp hai, và cấp ba nếu có thể, theo kiểu tự dạy lẫn nhau, rồi đưa ra ngoài thi bổ túc văn hóa.

Có thể nói trong thời chiến tranh và bao cấp, môi trường quân đội thực sự là một trường đại học lớn, không ai qua đó mà không trưởng thành về thể chất và tinh thần, trừ phi không muốn. Đương nhiên đời sống quân đội có những khắc nghiệt riêng, nhưng có thể nói trong khi nhân dân gặp muôn vàn khó khăn đói kém thì những người lính được đảm bảo đời sống tốt nhất.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 13): Chuyện sơ tán (phần 1)

(Thethaovanhoa.vn) - Chiến tranh phá hoại của Mỹ bắt đầu liên tục từ năm 1965 đến năm 1973, sau Hiệp định Paris thì chấm dứt. Đó là quãng thời gian mà những người dân sống ở các thành thị, đặc biệt ở Hà Nội, Hải Phòng phải đi sơ tán ra các vùng nông thôn.

Đó là những chuyến đi dài, gian khó và chia lìa gia đình, cũng có một số người chết ngay trong những chuyến sơ tán đó, vì bom đạn cũng không chừa các vùng nông thôn, có người chết vì bệnh tật, có người ở lại nông thôn vĩnh viễn, và có những người sau chiến tranh nhiều năm mới quay lại được nhà cũ. Những câu chuyện dài này có lẽ phải do rất nhiều người, nhiều gia đình tự kể lại. Tôi chỉ biết phần của mình và ít nhiều xung quanh mình.

Đời sống thời bao cấp 3-Custom

Hầm trú ẩn chữ A để tránh các trận ném bom tại nơi sơ tán. Ảnh Thomas Billhardt, chụp khoảng 1972-1973. Nguồn: reds.vn

Thoạt tiên, chúng tôi còn bé nên đi sơ tán theo cơ quan của bố mẹ. Nếu nhà có con đông, hai bố mẹ làm ở hai nơi khác nhau, thì gia đình chia đôi tùy theo sao cho hợp lý, một nửa đi theo mẹ một nửa đi theo bố. Gia đình tôi một nửa anh chị đã trưởng thành, cơ quan mẹ là thương nghiệp ở lại Hà Nội phục vụ các trận địa pháo, một nửa chúng tôi còn học phổ thông nên theo cơ quan bố đi tận huyện Thanh Ba, Phú Thọ, lúc đó còn rừng xanh núi đỏ bạt ngàn, với những cây chò cao hàng chục mét.

Rồi cơ quan lại chuyển về Hà Tây, loanh quanh nhiều huyện khác nhau, các anh tôi đi bộ đội dần ngay từ nơi sơ tán, cuối cùng đến năm 1974, thì tôi và người chị còn sống ở Đông Anh trong một trường cấp 3. Trong quãng thời gian đó, cũng nhiều lần quay lại Hà Nội, do tạm ngưng chiến, khoảng thời gian ngắn trong các năm 1967, 1968, 1969, 1970 người ta có thể quay về Hà Nội một vài tháng và rồi 1971, 1972 cuộc chiến căng thẳng hẳn lên, thời gian ở sơ tán là cả năm. Đó cũng là thời gian đi lại chung cho tất cả những người sơ tán.

Đời sống thời bao cấp 1-Custom_2

Đường phố tan hoang sau trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Người dân thành phố phải sơ tán hết về các vùng nông thôn lân cân. Ảnh Thomas Billhardt, chụp khoảng 1972-1973. Nguồn: reds.vn

Đời sống thời bao cấp 2-Custom

Lao động ở vùng sơ tán, cả người lớn và trẻ con đều phải tham gia. Ảnh Thomas Billhardt, chụp khoảng 1972-1973. Nguồn: reds.vn

Những người đi sơ tán theo cơ quan thoạt tiên được cơ quan chở đến nơi bằng ô-tô, còn từ sau đó là hoàn toàn tự túc. Ban đầu, mọi người vẫn phải quay lại Hà Nội đong gạo, sau thì có thể đong ở các kho gạo địa phương, nhưng ngoài gạo ra các địa phương lúc đó rất nghèo, nên người ta vẫn phải đi lại thành thị để tiếp tế.

Hàng tuần các đoàn xe đạp tay xách nách mang kìn kìn hai chiều từ nông thôn về thành thị và ngược lại. Chiều đi địa phương bao giờ cũng nặng nhọc, xe đạp biến thành cái xe thồ - bao gạo, chăn màn, quần áo, sách vở, bếp dầu, can dầu, can mỡ, chai nước mắm, bọc bánh kẹo, nồi niêu, xoong chảo… đủ mọi thứ lỉnh kỉnh khác. Cảnh tượng thường xuyên là vài ông bố vụng về đánh tuột tất cả các thứ ra đường, nom như một mẹt hàng xén vãi. Phụ nữ cũng phải thồ như vậy và cũng bon bon xe đạp hàng tuần trên mọi nẻo đường.

Tết nhất, ngày lễ đôi khi người ta cho gia đình về nhà chơi, thì bố mẹ mỗi người đèo đến hai ba đứa con, ngồi phía trước, phía sau xe đạp, cùng mọi thứ đồ như vậy. Hoặc chồng đèo vợ bế một con phía sau, con lớn ngồi khung phía trước, hai bên hông xe là các bao bì. Có thể nói chiếc xe đạp Thống Nhất lúc đó cực tốt mới bươn chải được như vậy trên quãng đường ngắn là 50 km, dài là hàng trăm km. Ngoài ra ai nấy phải tự mang đồ chữa xe, ít kìm búa, móc lốp, bơm cá nhân, vài viên bi, nan hoa, miếng dán, hộp nhựa và đánh săm.

Đàn ông khi đó, thậm chí đàn bà, đều chữa được xe đạp và tự cắt tóc được cả. Chiều thứ Bảy ở nơi sơ tán người ta gọi là ngày: cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ… để chuồn về Hà Nội. Vợ chồng trẻ chỉ gặp nhau được khi đó, chuyện riêng tư là những cơ hội hiếm hoi.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 14): Chuyện sơ tán (phần 2)

(Thethaovanhoa.vn) - Tất cả những con đường dẫn đi các tỉnh xa nếu tính từ Hà Nội là Hà Tây, Hòa Bình, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang và những tỉnh miền núi xa hơn khi đó đều bị đánh bom tan nát. Quốc lộ có trải nhựa nhưng chỉ tốt từng đoạn, còn lại bị bom và sửa chữa nhanh không đồng đều, các đường liên huyện đều bằng đất đắp, hoặc trải đá dăm, mùa nắng rất bụi còn mùa mưa rất lầy lội. Đó là những con đường mà dân sơ tán sẽ phải gian khó đi qua. Xe ô-tô chạy về địa phương thường chỉ có 1, 2 chuyến/ngày, nên đi bộ chừng 30 km là việc thường của rất nhiều người. Khi những quả bom lớn rơi ngay giữa đường, công binh chưa kịp tháo, đoàn người sơ tán rẽ ra hai bên đường ruộng vẫn xe đạp lỉnh kỉnh như vậy lội và vác dưới ruộng lầy. Cuộc sống gian nan và vận động như vậy, hóa ra lại khỏe người, hầu như không có ai ốm đau bệnh tật, và nếu có thì chắc chết vì chả có bệnh viện hay thuốc men gì. Hà Tây là tỉnh hứng chịu nhiều đợt sơ tán nhất, hầu như tất cả các gia đình nông thôn Hà Tây đều ít nhất vài lần chứa chấp người thành thị, có thể nói đó là sự hy sinh lớn lao trong chiến tranh, họ phải nhường nhà, nhường giường chiếu, bàn ghế, trường học và nhiều sinh hoạt riêng tư cho người sơ tán, các đình, đền chùa đều được trưng dụng làm kho tàng, trường học, công xưởng cho các cơ quan.

Đời sống thời bao cấp 11-Custom

Trẻ em nông thôn tại Thái Nguyên, một trong những an toàn khu từ kháng chiến chống Pháp và là nơi sơ tán thời chiến. Ảnh: Gunter Mosler. Nguồn: paranomio.com

Trừ một vài trường chuyên đi sơ tán cả trường như các trường năng khiếu (mỹ thuật và âm nhạc), còn lại học sinh phổ thông bình thường lúc đó sơ tán về địa phương học tại trường địa phương. Cho đến những năm 1970, nhiều trường cấp 3 ở Hà Nội mới sơ tán theo trưởng. Việc học cùng với học sinh địa phương ban đầu cũng có những vấp váp nhất định, do hoàn cảnh sống lúc đó, một thời gian dài giữa nông thôn và thành thị có những cách biệt, nhưng có thể nói, những thầy cô giáo và cán bộ Đoàn địa phương đã chăm sóc rất tốt học sinh sơ tán. Bất cứ học sinh sơ tán nào cũng có thể cầm học bạ đến trường địa phương tự xin học, giáo viên địa phương được chuẩn bị tốt cho việc này. Trường có thể bán khoai sắn rẻ cho học sinh sơ tán, hướng dẫn các em đi cùng học sinh địa phương, và tìm cách cho hòa nhập sinh hoạt Đoàn, Đội, nhất là khi chúng không có bố mẹ ở đó. Học sinh Hà Nội cũng phải tham gia mọi lao động và công việc của trường ngoài giờ học và cũng được khuyến khích tham gia lao động hợp tác xã vào vụ mùa cùng với các bạn địa phương.

Đời sống thời bao cấp 21-Custom

Lớp học tạm trong chiến tranh. Ảnh: Gunter Mosler. Nguồn: paranomio.com

Việc sơ tán cả trường phổ thông lúc đó rất gian nan, ngoài học sinh Hà Nội phải đóng góp rất nhiều thứ và sinh hoạt chung, nồi niêu chăn màn. Bàn ghế thì đóng theo kiểu cơ động, bàn gập, ghế thấp như ngồi trên sàn nhà, dưới sàn nhiều hào giao thông được đào thông ra hầm chữ A. Dân địa phương sẽ giúp việc xây lớp học, thực ra là nhà tre trát vách đất. Các trường đại học ở Hà Nội thì phân tán trong một khu vực lớn có lẽ rộng đến một huyện với nhiều khoa khác nhau, ở những làng khác nhau. Khi chiến tranh ác liệt, ngay cả trường huyện địa phương cũng rút về làng, các lớp học cũng phân tán tại các lán tạm thời và đình chùa làng. Đến tuổi 17, 18 hầu hết học sinh đều muốn tham gia bộ đội và có thể nhập ngũ ngay tại địa phương mình sơ tán.

Đời sống thời bao cấp 31-Custom

Tranh thủ học toán khi chăn trâu. Ảnh: Thomas Billhardt, chụp khoảng 1972-1973. Nguồn: reds.vn

Nếu một cơ quan, trường học sơ tán tập thể thì phải tự tổ chức bếp ăn, còn những người sơ tán lẻ nấu ăn riêng hoặc cùng với chủ nhà. Vào những lúc ngưng chiến, nhiều thanh niên sơ tán mời các bạn địa phương ra Hà Nội chơi vài ngày, nhiều người trở thành vợ chồng, nhiều gia đình kết thân mãi mãi, những mâu thuẫn do sinh hoạt va chạm cũng có, nhưng về căn bản đó là thời mà cái nghĩa đồng bào trở nên tương thân tương ái hơn bao giờ hết. Trong các trường địa phương, có nơi giáo viên Hà Nội chiếm đến một nửa, nhiều người sau những năm 1976 - 1980 mới trở lại Hà Nội và việc đó cũng không dễ dàng.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 15): Sau chiến tranh

(Thethaovanhoa.vn) -
Đầu đường đại tá bơm xe
Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen
Ngoài đường thiếu tá ê kem
Trong làng đại úy thổi kèn đám ma
Thượng úy thì đi buôn gà
Trung úy về nhà theo đít con trâu
Hỏi chàng thiếu úy đi đâu
Ba lô lộn ngược nhẩy tầu Bắc Nam.
(Ca dao của bộ đội phục viên sau chiến tranh).

Bài ca dao trên được phổ biến trong giới bộ đội phục viên, giải ngũ sau chiến tranh, từ 1973 - 1975. Cuối năm 1978 nó được thêm một đoạn thế này: Bao giờ Bành trướng kéo sang/Tướng Giáp kêu gọi/Anh em ta lại sẵn sàng ba lô lên đường.

Đời sống thời bao cấp 1-Custom

Sau chiến tranh, nhiều quân nhân quay lại với đời sống thường ngày. Ảnh David Alan Harvey, chụp tại cầu Long Biên, Hà Nội năm 1989. Nguồn: reds.vn

Sau Hiệp định Paris năm 1973, bộ đội chiến đấu lâu năm trong chiến trường miền Nam tùy theo được trở về nhà dần dần, số lượng những chiến sĩ về nhà tăng lên nhiều sau khi đất nước thống nhất, năm 1975. Nhưng sau chiến tranh, mọi chuyện không dễ dàng như người ta tưởng. Mọi nguồn hàng viện trợ bị cắt ngay lập tức, khắp đất nước, còn ngổn ngang bom mìn, nhà cửa đổ nát, mọi thứ chưa được phục hồi. Những người lính về nhà trước tiên là lao vào gánh vác trách nhiệm người đàn ông trong gia đình bấy lâu đặt vào vai người vợ. Trong suốt thời bao cấp đến đầu thời đổi mới, giá cả tăng hàng ngày, đồng tiền cũng mất giá hàng ngày, dẫn đến tình cảnh ngay đồng lương của những sĩ quan quân đội cũng không mấy giá trị. Từ bậc đại tá trở xuống đến thiếu úy, không trừ ai, đều phải ra đường làm ăn, vất cả vô cùng. Những sĩ quan cấp tá trở lên hầu hết đã lớn tuổi, có người đi bộ đội từ thời chống Pháp, bệnh tật nhiều, việc trở lại làm nông dân hay đi buôn bán vặt đối với họ là điều vừa khổ tâm, vừa khó khăn. Từ đại úy trở xuống, trẻ hơn và năng động hơn, cách tốt nhất là theo các đoàn tàu Bắc Nam đi buôn. Hoa quả, hồ tiêu, cà phê, xà phòng, quần áo, gạo… được đưa từ Nam ra Bắc, ngược lại hành, ớt tỏi, kếp, xăng dầu, đường sữa, thuốc men và nhiều nguyên liệu được buôn vào Nam. Những chuyến tàu lúc đó chạy từ Hà Nội đi ga Hòa Hưng Sài Gòn, mất hàng tuần và đầy ắp người và hàng hóa. Chỉ có những người lính khỏe mạnh tháo vát mới bảo vệ và đưa hàng đến nơi an toàn và cũng có khả năng đối đáp với thương nghiệp. Thương binh, lính giải ngũ lúc đó cũng là những thế lực, những người từng chiến đấu, nên được nể trọng ít nhiều. Hàng đoàn thương binh, dù không què cũng mang nạng ra đường bảo kê, hoặc trực tiếp buôn bán, đôi khi họ cũng gây những xáo trộn không tốt. Một số ít bộ đội về làng được sử dụng làm cán bộ mới, nhiều người cũng có vai vế trong các cơ quan ở miền Nam và nhanh chóng trở thành các ông giám đốc, nhà kinh doanh, nhà khoa học, nghệ sĩ… mặc dù mù tịt về chuyên môn, điều đó đã kéo thụt lụt sự phát triển của doanh nghiệp và công nghệ hậu chiến, gây hậu quả cho đến tận bây giờ.

Đời sống thời bao cấp 45-Custom

Một cựu chiến binh ở nông thôn. Ảnh Phillip Jones Griffiths, chụp năm 1980 tại miền Bắc. Nguồn: reds.vn

Tuy nhiên một số không ít bộ đội về làng ốm yếu, bệnh sốt rét kéo dài, nhiều người không chết trên chiến trường, nhưng chết yểu sau vài ba năm ở nhà. Nhiều người khác nhiễm các chất độc chiến tranh sinh những lứa con tàn tật trong các năm 1976 - 1980, mà họ không hề hay biết nguyên nhân, cho đến khi có những cuộc điều tra về chất độc màu da cam được công bố. Hàng loạt bộ đội về nhà trong bi kịch có sẵn, những bà vợ có thêm con mà không phải của chồng mình, có người bỏ đi từ lâu, những cuộc hôn nhân vài ba ngày trước khi nhập ngũ thật là non dại, thậm chí để lại những cô gái chỉ được làm đàn bà có một vài ngày rồi ở vậy suốt đời. Những người lính từng ở bên kia chiến hào - lính Cộng hòa miền Nam cũ cũng nhọc nhằn không kém. Họ không có lương, trợ cấp, thời gian đầu một số phải đi cải tạo, nhiều cô vợ đi chạy xe ôm, chạy chợ, sau này đội ngũ xe ôm mặc áo lính cũ hôi hám nhan nhản ở miền Nam hầu hết đều là lính Cộng hòa, đến khi họ thấy một bạn xe ôm lại là người lính miền Bắc vào thì có lẽ đó là giờ phút hòa hợp dân tộc nhất.

Đời sống thời bao cấp 46-Custom

Một cựu binh hồi hương làm nghề sửa chữa nạng chân. Ảnh Phillip Jones Griffiths, chụp năm 1980 tại miền Bắc. Nguồn: reds.vn

Sau năm 1975, hầu hết bộ đội tham gia chiến trường miền Nam được giải ngũ, trừ những người nhập ngũ muộn hơn những năm 1974, 1975 trong những đợt tổng động viên cuối cùng. Những lính mới này bắt đầu tham gia làm kinh tế trong quân đội và chuẩn bị cho hai cuộc chiến tranh bất đắc dĩ sau đó với Pon Pot năm 1978 và bành trướng Trung Quốc năm 1979. Hai cuộc chiến sau mang tính chất bộ binh nhiều hơn, giống như chiến tranh Thế giới thứ hai, nên mức độ tàn bạo là trông thấy. Tuy nhiên không như chiến tranh chống Mỹ, không có niên hạn nhập ngũ, mà thời hạn nghĩa vụ quân sự được thực hiện, ba hay bốn năm năm tùy theo từng binh chủng. Đời sống bộ đội sau năm 1975 tất nhiên tốt hơn rất nhiều so với bộ đội trước năm 1975, trong khi đời sống nhân dân nói chung sau năm 1975 đi xuống hàng ngày và vô cùng gian khó cho đến tận thời Đổi mới. Lương thực và mọi cung ứng cho quân đội vẫn được đảm bảo theo giá bao cấp và dường như chưa bao giờ thiếu hàng hóa, chưa kể những hàng tồn kho cho chiến tranh, như thuốc men, đường sữa, quần áo, lương khô… cũng cần được giải thể nếu không quá hạn. Bộ đội sau năm 1975 được phát rất nhiều thuốc lá, lương khô, đường sữa và quần áo tốt.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài 16): Ri-đô & tương cà mắm muối

(Thethaovanhoa.vn) - Tham ăn và ham chuyện tình dục - hai cái đói vô cùng của thời Bao cấp, khiến ngày nay hình như người ta hối hả bù đắp, một sự phản chiều tâm lý…

Đời sống của người dân suốt thời chiến tranh và bao cấp là vô cùng khó khăn, đó là điều không ai không nhận thấy, nhưng có nhiều điều ngoài sức tưởng tượng và cái chính là nó ảnh hưởng đến tâm tư con người cho đến tận bây giờ, ngay cả những người thời đó còn là trẻ con hay chưa sinh. Điển hình nhất là hai tính cách tham ăn và ham chuyện tình dục - hai cái đói vô cùng của thời bao cấp, khiến ngày nay hình như người ta hối hả bù đắp, một sự phản chiều tâm lý, hơn 40 năm bị dồn nén, nếu tính từ năm 1945 - 1985. Chúng ta thấy người Việt Nam ngày nay ham ăn uống vô cùng, nhiều quần áo vô cùng, ham sắc dục vô cùng - người phương Tây gọi đó là Boomerang hậu chiến (*).

Đời sống thời bao cấp Dam-cu10

Một đám cưới thời bao cấp. Ảnh: David Alan Harvey, chụp năm 1989 tại Hà Nội. Nguồn: reds.vn

Khi những ngôi nhà riêng bị chia cho nhiều gia đình, mỗi gia đình theo tiêu chuẩn 4 m2/người trở nên quá chật chội. Rồi đến khi tiêu chuẩn đó cũng không giữ được đúng, mỗi gia đình tự nở ra thành hai, ba, bốn gia đình, khi đàn con lớn lên và lấy vợ, lấy chồng, nhưng tất cả vẫn sinh hoạt trong một diện tích cũ.

Buổi tối nhìn vào một căn nhà (thực chất chỉ là một căn phòng) người ta có cảm giác như một doanh trại quân đội dã chiến, nó được ngăn nhỏ ra bằng các tấm ri-đô (màn quây), mỗi một khoang ri-đô là một đôi vợ chồng, đôi khi con cái cũng chui vào đó cả. Sáng ra tất cả ri-đô được kéo gọn và căn phòng trở nên công cộng như cũ. Vài cái giường không đủ cho tất cả, còn lại nằm đất, đám thanh niên chưa vợ, tụ tập kéo nhau ra đường ngủ, vỉa hè, hoặc các con ngõ, hoặc chui lên các gác thượng, lúc đó chưa bị lấn chiếm.

Đời sống tính dục phải rất tế nhị, hoặc hầu như không có, nhiều người nói rằng: Đó là thời không có tình dục. Không ai trông thấy bạn đời của mình ra làm sao, ngoài khuôn mặt. Bạn tôi mãi đến khi được phân căn hộ tập thể riêng mới thốt lên rằng: Bây giờ (sau 15 năm cưới) tôi mới biết chân vợ mình cực đẹp. Sau đó anh chết sớm vì ung thư, chúng tôi thường đùa rằng vì ông ấy ngắm chân đẹp nhiều quá nên chết sớm.

Đời sống thời bao cấp 1-Custom

Đời sống thời bao cấp 2-Custom

Không gian một căn nhà tập thể thời bao cấp, được tái hiện trong triển lãm Cuộc sống Hà Nội ở thời bao cấp (1975 - 1986) tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Chủ nghĩa ri-đô không chỉ để ngủ buổi tối, nó là sự phân chia gia đình lớn thời phong kiến cũ, mọi người sống chung một mái nhà, ăn chung một mâm đến chỗ phân chia thành những gia đình nhỏ, mỗi nhà một bếp, nồi niêu và bữa ăn riêng. Ở Hà Nội lúc đó, việc phân chia các gia đình trở nên quá phức tạp. Cái bếp chung của xóm ngõ không đủ cho vài chục gia đình, thậm chí có những căn nhà với nhiều hộ khác nhau, lên đến 70 gia đình nhỏ. Kết cục là từ hàng chục đến 70 cái bếp dầu, lò than cùng hun khói một lúc vào giờ nấu ăn.

Trong một đại gia đình cũ, bày năm bảy mâm khác nhau, chế độ ăn cũng khác nhau đôi chút, do khả năng kinh tế. Bếp của ông bà thường nổi lửa sớm hơn và ông bà cũng ăn sớm hơn các cháu cho đỡ phiền, đồng quà tấm bánh thêm ra cho các cháu cũng là sự hy sinh. Đến khi ông bà có ốm đau đi bệnh viện thì cảnh tượng thường thấy là anh em đùn nhau trách nhiệm, hoặc hữu nghị nhất là cùng đóng góp, chia thời gian trông nom. Những thói quen này còn giữ đến bây giờ, mà trước thời bao cấp không hề có.

Nan giải nhất trong mỗi căn nhà có nhiều hộ là khu vệ sinh chung và nước sinh hoạt. Thời bao cấp mỗi lần phải đi vệ sinh giống như bị đi tra tấn, mùi hôi thối còn bám vào người và quần áo rất lâu, khiến có người chế riêng một bộ (áo mưa) để đi vệ sinh. Các khu hộ tập thể, khu vệ sinh thường bị mất cửa và cũng rất bẩn, những hộ mới đến thường bị đùn ra bờ rào gần đường đi, nơi gần thùng rác và khu vệ sinh. Đùng một cái thời mở cửa người ta đục tường ra làm hàng quán, những nơi trước kia đùn những người thấp cổ bé họng ra ở nay lại trở nên đắt giá. Dần dà các nhà vệ sinh cũng được chia nhỏ và hiện đại hóa trong gia đình riêng.

Đời sống thời bao cấp 3-Custom

Ba thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Ảnh: David Alan Harvey, chụp năm 1989 tại Hà Nội. Nguồn: reds.vn

Từ năm 1967, nước sinh hoạt trong thành phố luôn thiếu, do nguồn cung cấp điện không thường xuyên. Mất điện và mất nước đi đôi với nhau. Ngay cả khi có nước thì nước cũng không chảy được vào trong từng gia đình. Ở các thành phố giếng thường không được tốt lắm, do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm lâu đời, nên nước sinh hoạt là vấn đề rất căng thẳng. Thời đó, chúng tôi thường giặt giũ từ 1 đến 3 giờ sáng, và cũng bơm nước vào bể chung vào quãng thời gian đó, nhưng phải ngồi suốt đêm canh máy bơm, nếu không mất ngay. Các đường ống do bị đào bới lung tung nên chỉ dẫn nước đến vỉa hè trước cửa, còn từ đó vào trong nhà rất hoen gỉ.

Những cuộc “chiến tranh“ nước xảy ra thường xuyên trong các khu tập thể, nhất là những nhà ở tầng cao thì càng khó khăn có được nước sinh hoạt. Trong nhà luôn có chum, vại, xô chậu tích đầy nước. Người ta tranh thủ đến cơ quan tắm giặt, đi vệ sinh, thay vì làm việc đó ở nhà. Câu chuyện tiếu lâm Ngôi nhà không toilet ra đời trong thời gian này.

Đại khái người ta xây tòa nhà chung cư năm tầng, nhưng không có nơi vệ sinh. Khi hỏi người xây dựng tại sao, anh ta trả lời: Tầng một là nhà trẻ các cháu ị bô, nên không cần nhà vệ sinh. Tầng hai cho cán bộ cao cấp, ị ra có người hót nên cũng không cần. Tầng ba cho cán bộ thường, đi vệ sinh ở cơ quan nên cũng không cần. Tầng bốn cho văn nghệ sĩ, họ hay ị vào mồm nhau, nên cũng không cần. Tầng năm cho sinh viên, không có gì ăn, nên chẳng cần ị. Đó chính là thời bao cấp.

(*) Boomerang là dụng cụ đi săn của thổ dân châu Úc, giống như cái mác có hình cong. Khi ném vào thú săn nếu không trúng nó tự quay lại phía người ném. Nghĩa bóng của từ này là phản hồi, khi làm một việc gì đó, thể nào cũng có hậu quả ngược trở lại.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

      
Mõ
Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 275

Danh vọng : 450

Uy tín : 15

Đời sống thời bao cấp (bài cuối): Nhớ lại một thời

(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn ba tháng viết về đời sống thời Bao cấp, tôi thấy không nên kéo dài ra nữa, dù vấn đề còn nhiều. Đối với những người đã trải qua thời Bao cấp và chiến tranh thì ấn tượng lớn nhất đó là thời kỳ đói nghèo, gian nan, nhưng cũng có những niềm vui nho nhỏ, khi tình người lúc bom đạn, sự quy củ của xã hội lại là cái thiếu của đời sống bây giờ.

Thực ra không phải chỉ có Việt Nam là trải qua thời kỳ bao cấp, thời kỳ đó phổ biến ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, khi Nhà nước độc quyền về sản xuất và phân phối cũng như định ra các kế hoạch kinh tế cho toàn xã hội. Và hơn nữa không chỉ các nước XHCN có kinh tế bao cấp, mà rất nhiều nước trong giai đoạn chiến tranh đói nghèo, Nhà nước cũng giành quyền phân phối sản phẩm và đi kèm theo nó là chế độ tem phiếu để hạn chế sức mua.

Riêng đối với Việt Nam, thời kỳ này kéo dài từ năm 1955 cho đến năm 1986/1988 ở miền Bắc và từ 1975 đến 1986/1988 ở miền Nam. Giai đoạn từ 1975 - 1986/1988 trùng với thời hậu chiến, khó khăn tăng lên gấp đôi, cộng thêm hai cuộc chiến tranh biên giới 1978 và 1979 nên đời sống xuống thấp chưa từng thấy. Những điều đó là là một trong những nguyên nhân của những cuộc di tản ra nước ngoài, những đợt đi lao động xuất khẩu, và cho đến nay còn hàng chục vạn người lao động Việt Nam định cư ở nước ngoài từ khi đi lao động xuất khẩu. Nhiều biến động xã hội cũng bắt nguồn từ thời bao cấp đó.  

Đời sống thời bao cấp 4-Custom

Hình ảnh năm 1988, xã hội VN bắt đầu chuyển mình sang giai đoạn kinh tế thị trường.
Ảnh: Philip Jones Griffiths. Nguồn: reds.vn

Nếu như những cuộc vượt biên đầy sóng gió, máu và nước mắt, mà hầu như cho đến nay trong nước người ta biết rất ít về chúng, thì những cuộc làm ăn ở Đông Âu còn hệ quả đến tận bây giờ. Hình ảnh anh chàng, cô nàng đi lao động xuất khẩu mặc trên người bảy tám cái quần bò, năm cái áo phao và khi về đầu đội nồi áp suất, chân đi bàn là, có lẽ không một người nào có thể tưởng tượng được khả năng chịu đựng của người Việt đến đâu. Những câu ca: Ăn nhanh, nói chậm, hay cười/Tìm mua đồ cũ là người Việt NamCó vợ mà cho đi Tây/Khác nào xe để ở ngay Bờ Hồ hay Con gì ăn lắm nói nhiều/Mau già lâu chết miệng kêu tiền tiền… đều là những nhận xét vui, thú vị được sinh ra trong thời bao cấp.

Trong thời chiến con người phải kìm nén rất nhiều thứ - đói ăn, thiếu mặc, thiếu tình dục, thiếu thuốc men, sách vở… nói tóm lại là đời sống vật chất cùng những kỷ luật thời chiến nghiêm khắc. Sau cuộc chiến, ở bất cứ đâu và bất cứ cuộc chiến nào, cũng có tâm lý phản hồi chiến tranh, như đòi ăn uống nhiều hơn, tình dục nhiều hơn, quần áo sang trọng hơn, cũng như rất nhiều tâm lý sống trong chiến tranh lại được duy trì khi hòa bình. Cho nên người ta ngay lập tức phải đặt vấn đề này để giải quyết trên bình diện phân tích xã hội, và nếu có thể giải quyết được gì thì giải quyết ngay. Vấn đề này hoàn toàn không được đặt ra ở nước ta, dẫn đến những hệ lụy ngày nay từ sau thời mở cửa và đổi mới.

Đời sống thời bao cấp 1-Custom

Kỷ luật của thời chiến biến thành những quy tắc cứng nhắc mà những giám đốc, thủ trưởng cơ quan xuất thân từ bộ đội đem về các nhà máy xí nghiệp có cái tốt có cái dở. Ngược lại thói quen tùy tiện và ứng xử linh hoạt trong cuộc chiến rất cần thiết để chiến thắng kẻ thù mạnh hơn lại được mang ra trong thời hòa bình, biến nó thành sự phá hoại tài sản công ích. Những nhà nghỉ, khách sạn, ổ điếm mọc lên như nấm thỏa mãn cơn khát tình dục của nhiều thế hệ bị kìm nén hơn 20 năm trước.  Từ chỗ hàng tháng chỉ có từ 1 - 3 lạng thịt, đến nay người ta ăn vài lạng thịt một ngày, uống hàng chục cốc bia rượu một bữa ăn. Mỗi người có hàng chục đến hàng trăm bộ quần áo. Tiêu dùng nhiều như vậy, mà đồng lương rất ít giá trị, khiến người ta tìm mọi cách để có tiền tiêu. Tham nhũng trở thành hệ thống xã hội là như thế.

Đời sống thời bao cấp 3-Custom

Những hình ảnh về đời sống và con người những năm 1990 - 1992.
Tác giả: Raymond Depardon

Những anh bộ đội sao treo đầu mũ oai hùng thuở nào, nay biến thành những ông đầu hói bụng phệ, không có phong bì thì đãi bôi và không làm gì cả. Hàng vạn cán bộ vẫn sáng cắp ô đi, tối cắp về, chả có một tích sự gì với công việc, vẫn hàng ngày ê a trong công sở, lĩnh lương đều hàng tháng. Đại bộ phận nông dân vẫn chỉ xem 3 kênh truyền hình bao cấp và xem phim Tàu, phim Hàn Quốc và không hề hay biết thế giới đã tiến đến đâu, không ai đọc cuốn sách nào. Thống kê của giới xuất bản, mỗi người Việt Nam hàng năm đọc 0,7 cuốn sách, còn nông dân 0 cuốn (!) cho thấy nhiều mặt còn tụt hậu so với thời chiến tranh và bao cấp. Thiên nhiên bị đào xới và bán rẻ không thuơng tiếc, di sản văn hóa cổ bị xâm hại ở cả khía cạnh phá hoại lẫn bảo tồn.

Một kết quả sau thời bao cấp như vậy thật đáng suy nghĩ, khiến người ta không khỏi đánh giá lại về thành quả thực sự mà mấy chục năm phấn đấu cho một lý tưởng, đến nay lại như thế này.

Có một nỗi buồn về thời bao cấp, có một nỗi nhớ về thời bao cấp, và có một ưu phiền về tương lai.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Liên hệ | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất