(Xây dựng) - Những năm gần đây, nhờ sự phát triển nhanh chóng về khoa học và công nghệ, nhiều công nghệ mới đã được phát triển và được ứng dụng vào lĩnh vực xây dựng. Những công nghệ mới này, ở các mức độ khác nhau, giúp tăng năng suất lao động, tăng tính hiệu quả của công việc, giảm lãng phí trong xây dựng.
Trong số các công nghệ mới, mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling, viết tắt là BIM) đã được ngành xây dựng của nhiều quốc gia và Việt Nam đánh giá đang và sẽ là công nghệ chủ đạo của ngành xây dựng trong nhiều thập niên sắp tới.
Lợi ích của BIM
BIM có khả năng giúp lĩnh vực thiết kế, xây dựng và quản lý công trình giải quyết được các vấn đề lãng phí, năng suất thấp và thiếu hiệu quả đang tồn tại phổ biến hiện nay. Theo kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tuỳ thuộc vào mức độ áp dụng trong dự án đầu tư xây dựng và loại hình dự án, BIM có thể giúp tiết kiệm được 5% tới 20% tổng chi phí đầu tư ban đầu và có thể giúp tiết kiệm được tới 30% tổng chi phí vận hành bảo trì trong giai đoạn sử dụng.
Thực tế cho thấy, việc quản lý xây dựng theo phương cách cũ chưa thực sự hiệu quả, khối lượng/dự toán thiếu chính xác sẽ dẫn đến phát sinh nhiều nghìn tỷ đồng (dự án đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh…). Chi phí này nếu được đầu tư để ứng dụng BIM ngay từ khi bắt đầu dự án, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc ứng dụng BIM, với các hiệu quả đã được chứng minh, sẽ thúc đẩy được sự phát triển của BIM, đồng thời giúp tiết kiệm được chi phí cho ngân sách nhà nước. Vì thế, một số chủ đầu tư Việt Nam có ý định ứng dụng BIM trong dự án do các yêu cầu về độ khó khi thi công và cần độ chính xác khi thiết kế.
Hơn nữa, khả năng hợp nhất thông tin từ tất cả các công đoạn làm BIM ngày càng trở thành xu hướng tất yếu của ngành xây dựng để tối ưu hoá việc thiết kế, thi công và quản lý việc vận hành công trình. Nên có thể nói BIM ngày một được ứng dụng rộng rãi và là xu thế phát triển của ngành xây dựng trong tương lai.
Thực trạng ứng dụng BIM ở Việt Nam
Những nghiên cứu về BIM ở nước ta còn khá hạn chế, mới dừng ở giai đoạn phổ biến khái niệm. BIM mới chỉ được biết đến thông qua mạng lưới kiến trúc sư, kỹ sư làm việc cho một số công ty tư vấn nước ngoài, chủ yếu trong lĩnh vực tư vấn thiết kế. Hơn nữa, hiện nay trong nước chưa có một cơ sở chính quy nào đào tạo cũng như cấp các chứng chỉ về BIM. Các kỹ sư chủ yếu tự học qua đồng nghiệp và các nguồn tài liệu trên mạng. Điều này dẫn đến sự thiết hụt nhân lực có kiến thức về BIM cho hiện tại cũng như tương lai. Quan trọng nhất trong các dự án đã thực hiện thành công khi ứng dụng BIM là phải có nhà quản lý BIM (BIM Manager).
Tại Việt Nam, hiện nay BIM chủ yếu được triển khai ở các công trình có thiết kế và hệ thống kỹ thuật phức tạp, trong đó có cả các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài. Dù nhiều chủ đầu tư nhận thức được hiệu quả của việc áp dụng BIM, đặc biệt là việc tiết kiệm chi phí trong thi công và trong vận hành nhưng do một số rào cản ban đầu như chi phí đào tạo và chi phí đầu tư ban đầu cho BIM khá cao, dẫn đến chi phí thiết kế cao hơn truyền thống. Thêm vào đó, quản lý dự án sử dụng BIM cũng cần nhân sự hiểu biết về công nghệ này mới có thể tận dụng hết lợi ích mà BIM mang lại. Thiếu nhân lực được đào tạo về BIM cũng là một trở ngại lớn.
Theo kinh nghiệm các quốc gia đi trước, để BIM được áp dụng nhanh và hiệu quả thì các tiêu chuẩn và lộ trình về BIM cần được ban hành từ sớm, trước khi BIM được triển khai rộng rãi một cách tự phát trong ngành xây dựng. Chiến lược và lộ trình rõ ràng cùng với các biện pháp hỗ trợ phù hợp đưa ra từ các cơ quan quản lý xây dựng là những yếu tố chủ đạo đảm bảo sự thành công cho việc áp dụng BIM ở Việt Nam.
Với những điều đã nói ở trên, BIM là một công nghệ mới thực sự hiệu quả trong xây dựng, tuy nhiên đòi hỏi người dùng vừa phải có kiến thức về thiết kế xây dựng, quản lý xây dựng, sử dụng phần mềm, vừa phải có kiến thức làm việc đa ngành và thông tin nhóm mới phát huy được hết tính năng ưu việt của BIM và thúc đẩy việc ứng dụng BIM một cách đầy đủ và hiệu quả nhất.