Nửa thập kỷ trước, nếu như ai đó nhắc tới smartphone made in China (đúng nghĩa là được sản xuất bởi các nhà sản xuất Trung Quốc) thì người dùng đều ngán ngẩm lắc đầu: thiết kế chẳng đẹp, cấu hình yếu, sử dụng không ổn định mà giá lại cao. Lợi dụng tình hình đó, 2 "cao thủ ngoại bang" là Apple và Samsung thoải mái chia nhau chiếc bánh ngọt Trung Quốc với doanh số bán smartphone cùng lợi nhuận khổng lồ.
Tuy nhiên tất cả đã thay đổi khi LeiJun cùng Xiaomi xuất hiện và triển khai bí kíp: bán smartphone cao cấp với giá bình dân. Cùng với thị hiếu “người Trung Quốc dùng hàng Trung Quốc”, những chiếc smartphone của Xiaomi đã bán đắt như tôm tươi cùng vô số kỷ lục. Chỉ mới vừa bước sang tuổi thứ 5 nhưng startup được mệnh danh là Apple của châu Á đã cướp bữa trưa của Samsung và bữa tối của Apple ngay trên sân nhà Trung Quốc - điều chưa từng có trong lịch sử.
Lei Jun cùng Xiaomi đã tạo niềm cảm hứng mới cho những nhà sản xuất smartphone Trung Quốc
Sự thành công của của Xiaomi khiến các nhà sản xuất smartphone khác của Trung Quốc cảm thấy thèm thuồng và có phần ghen tỵ. Vì vậy, dù thị trường smartphone ở Trung Quốc đang tiệm cận mức bão hòa và có dấu hiệu chững lại, vẫn có rất nhiều hãng sản xuất điện thoại xắn tay nhảy vào cuộc chơi này. Với họ bây giờ, Xiaomi là một cột mốc mới để hướng tới, là một đối thủ mới phải đánh bại.
Không nhắc tới những hãng kinh doanh theo kiểu truyền thống như Huawei, ZTE và Lenovo, ở đây chúng ta có 4 cái tên với định hướng kinh doanh trực tuyến, bán sản phẩm online đã làm nên sự thành công của Xiaomi ngày hôm nay: Meizu, Qihoo360 & Coolpad, LeTV và OnePlus. Vậy ai trong số "tứ đại danh bổ này" có thể trở thành kẻ nối nghiệp Xiaomi?
Meizu
Quãng thời gian trước khi Xiaomi xuất hiện, Meizu chính là lá cờ đầu trong phong trào sản xuất smartphone tại Trung Quốc. Cuối năm 2008, Meizu (công ty trước đó chỉ sản xuất MP3) đã cho ra mắt chiếc smartphone đầu tiên của mình có tên M8. Meizu M8 chạy trên nền tảng Window và sao chép y hệt giao diện của iPhone. Tại thời điểm đó, tính năng Wifi vẫn đang bị chính phủ Trung Quốc cấm trang bị trên smartphone – điều đó cho bạn thấy được quãng thời gian đó đã xa xôi đến mức nào.
Meizu M8 đã từng là siêu phẩm smartphone của một thời
Sự ra mắt chưa từng có tiền lệ này đã tạo cho Meizu một lượng fan trung thành và tương lai vô cùng hứa hẹn, nhưng thật tiếc khi họ đã không đủ tỉnh táo và mạnh mẽ để hiện thực hóa tham vọng của mình. Là một trong những hãng sản xuất smartphone đầu tiên tiếp cận với khách hàng qua internet cùng chiến lược bán hàng online nhưng Meizu lại không đẩy mạnh marketing cũng như nhận vốn đầu tư để phát triển.
CEO Huang Zhang vốn là người rất kín tiếng với giới truyền thông, có cái nhìn tiêu cực về các nhà đầu tư (luôn nghĩ họ là những kẻ cơ hội, vụ lợi) và thẳng thừng từ chối việc bán cổ phiếu của mình cho họ. Thật buồn cho Huang Zhang khi ông biết được rằng, chính Lei Jun (CEO của Xiaomi) sau khi thất bại trong nỗ lực đầu tư vào Meizu đã "sao chép" chiến lược thành công của công ty này và thành lập nên một Xiaomi lớn mạnh như ngày hôm nay.
Với 600 triệu USD từ Alibaba và sự quan tâm của Jack Ma, Meizu đã sẵn sàng để trở lại
Giờ đây Meizu đang có những thay đổi lớn để hòa nhập vào xu thế của thị trường. Công ty đang đẩy mạnh marketing cho dòng smartphone mới đồng thời chấp nhận khoản đầu tư 600 triệu USD từ Alibaba hồi tháng 2 vừa qua. Hệ điều hành Flyme xây dựng trên nền tảng Android cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người sử dụng.
Mở hộp & đánh giá nhanh Meizu MX4 Pro- màn hình 2K, cảm biến vân tay 1 chạm
Đã có những dấu hiệu tích cực khi doanh thu quý I/2015 của Meizu cao hơn hẳn tổng doanh thu năm 2014 với hơn 5 triệu smartphone được bán ra. Mặc dầu con số trên chưa thấm tháp gì so với 60 triệu smartphone mà Xiaomi xuất xưởng trong năm qua nhưng không thể đánh giá thấp triển vọng của Meizu, khi giờ đây sau lưng họ là Alibaba - gã khổng lồ thương mại điện tử dưới bàn tay tỷ phú công nghệ Jack Ma.
OnePlus
OnePlus - nhà sản xuất smartphone được biết đến qua slogan: "Chúng tôi có smartphone tốt nhất nhưng chưa chắc bạn đã mua được". OnePlus không phân phối rộng rãi sản phẩm của mình như thông thường mà chỉ bán nhỏ giọt thông qua việc phát hành giấy mời (một dạng tem phiếu mua sản phẩm như thời bao cấp). Bên cạnh đó, với đội ngũ nhân viên trẻ tuổi đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này luôn nhìn ra thị trường quốc tế - khi mà phần lớn trong 1 triệu smartphone được bán ra trong năm 2014 không dành cho người dùng trên đất Trung Quốc.
OnePlus One được mệnh danh là flagship killer
Thời điểm này, OnePlus mới chỉ ra mắt một mẫu smartphone (với nhiều phiên bản khác nhau) sở hữu màn hình HD, hệ điều hành Cyanogen custom trên nền tảng Android cùng bộ nhớ ROM OxygenOS do hãng tự phát triển. Nhà sáng lập kiêm CEO của OnePlus – Pete Lau cũng là một người dày dạn kinh nghiệm trên thị trường khi ông đã từng giữ chức vụ giám đốc của OPPO và đưa tên tuổi của nhà sản xuất smartphone này ra toàn thế giới.
Pete Lau - CEO của One Plus là một người dày dạn kinh nghiệm trên thị trường smartphone
Đã có những sự thay đổi nhất định khi giờ đây smartphone của OnePlus đã được bán ra rộng rãi trên đất Trung Quốc, hãng đã mở cửa hàng đầu tiên tại Bắc Kinh và mời blogger nổi tiếng Han Han làm gương mặt đại diện. OnePlus đamg vọng có thể bán được từ 3 đến 5 triệu smartphone vào năm nay và hơn 10 triệu sản phẩm vào năm kế tiếp.
Mở hộp One Plus One phiên bản 64 GB
Hiện tại vẫn chưa biết được cụ thể có những nhà đầu tư nào đang đổ tiền vào nhà sản xuất điện thoại non trẻ này, nhưng nhà đồng sáng lập Carl Pei đã tuyên bố với giới truyền thông OnePlus sẽ nhận được rất nhiều khoản đầu tư mạo hiểm từ thung lũng Silicon trong thời gian tới.
LeTV
Nếu nhiều bạn vẫn chưa biết đây là công ty nào, thì đây là một số thông tin dành cho bạn. LeTV là một công ty cung cấp dịch vụ streaming video được thành lập từ năm 2004 tại Trung Quốc. Về cơ bản, nó giống như một Youtube nội địa của Trung Quốc vậy, chỉ khác là thay vì thuộc sở hữu riêng của một tập đoàn công nghệ, LeTV lại lựa chọn con đường phát triển độc lập cho riêng họ. Họ tự phát triển các kênh dịch vụ mới, tự nghiên cứu các sản phẩm như Smart TV, Smartphone hay thậm chí là ... xe điện.
Sau một thời gian dài làm marketing, cuối cùng LeTV đã chính thức ra mắt 3 chiếc smartphone giá rẻ với viền màn hình mỏng khoảng 1,2 mm, kiểu dáng vay mượn từ rất nhiều smartphone nổi tiếng. Sự kiện ra mắt dòng smartphone này đã diễn ra như một lễ hội tại một sân vận động 6,000 chỗ ngồi, có nhạc sống và kéo dài cả ngày. Trang Engadget đã từng nhận xét rằng những chiếc smartphone của LeTV là "con lai" giữa iPhone 6 Plus, Huawei Mate 7, Meizu MX4 Pro và HTC One MiniS.
LeMax - model cao cấp nhất sở hữu kiểu dáng khá giống One Max của HTC. Phablet này sử dụng màn hình Quad HD 6,33 inch của Sharp với viền mỏng 1,6 mm, bộ vi xử lý Snapdragon 810 và bộ nhớ trong 64 GB hoặc 128 GB. LeTV nhấn mạnh rằng phablet của họ được trang bị những công nghệ cao cấp như chip ESS Hi-Fi với các hiệu chỉnh âm thanh của AKG, cảm biến vân tay là loại một chạm, điều khiển hồng ngoại hay hỗ trợ WirelessHD display.
Có kích thước gọn gàng hơn, Le 1 Pro được coi là bản thu nhỏ của Le Max với màn hình Quad HD 5,5 inch, camera 13 megapixel chống rung quang học và bộ nhớ trong chỉ còn 32 GB hoặc 64 GB. Cuối cùng là Le 1 với giá bán khá hấp dẫn so với cấu hình. Model này dùng màn hình 5,5 inch viền mỏng 1,2 mm giống Le 1 Pro nhưng chỉ có độ phân giải Full HD, chip xử lý 64-bit tám nhân MediaTek Helio X10, 3 GB RAM LPDDR3 cùng bộ nhớ trong 16 GB, 32 GB và 64 GB.
Mở hộp LeTV LE1
LeTV là một trong những nhà cung cấp video lớn nhất của Trung Quốc với khả năng tự sản xuất các chương trình riêng. Công ty này cũng sản xuất TV thông minh (SmartTV) và đã bán ra được hơn 1.5 triệu trong năm 2014. Ông Jia Yueting - CEO của LeTV được cho là có mối quan hệ chính trị rất tốt cũng như quen biết rộng với giới giải trí. Nếu sản phẩm có thể đạt chất lượng được đúng như kì vọng, LeTV có rất nhiều tiềm năng để đẩy mạnh doanh số bán hàng cũng như phát hành ra thị trường thế giới.
Qihoo360 & Coolpad
Cách đây không lâu, Qihoo - vốn nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạnghàng đầu Trung Quốc được đồn đoán là sẽ hợp tác với OnePlus với tham vọng lấn sân sang thị trường smartphone. Tuy nhiên sau đó vào tháng 12 năm 2014, Qihoo đã đầu tư 400 triệu ISD và sát nhập luôn với nhà sản xuất smartphone Coolpad với kế hoạch ra mắt mẫu smartphone cao cấp với cuối năm nay.
Qihoo 360 là nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng hàng đầu ở Trung Quốc
Một vài năm trước, Qihoo đã gây được sự chú ý của dư luận Trung Quốc khi tham gia vào những vụ kiện tụng kéo dài với gã khổng lồ công nghệ Tencent. Hai bên cáo buộc nhau về việc cạnh tranh không lành mạnh và vu khống. Sự thù địch được đẩy lên đỉnh điểm khi họ bắt người dùng chỉ được ủng hộ 1 phe khi không cho phép cài đặt cả hai phần mềm an ninh của Qihoo – 360 Security và Tencent QQ trên máy tính của họ.
Thời gian qua, Qihoo lại khá im hơi lặng tiếng, không có khoản đầu tư nào đáng kể nào cũng như ra mắt thêm sản phẩm mới. Tuy vậy, năm 2014 công ty vẫn thu lãi gấp đôi nhờ vào sự phát triển của phần mềm tìm kiếm và game di động. Giờ đây, Qihoo đang muốn tiếp cận thị trường smartphone với lợi thế sẵn có của mình: công nghệ bảo mật.
Coolpad - kẻ thống trị dòng sản phẩm điện thoại giá rẻ (dưới 1,000 Nhân Dân Tệ) ở Trung Quốc
Coolpad - đồng minh mới của Qihoo cũng không phải là một cái tên vô danh. Nhà sản xuất smartphone này đang thống trị dòng sản phẩm điện thoại giá rẻ (dưới 1,000 Nhân Dân Tệ) ở Trung Quốc khi bán được 45 triệu máy trong năm vừa qua. Coolpad Dashen - đứa con cưng của Coolpad đã bán được 4 triệu máy trong năm 2014.
Đánh giá nhanh CoolPad Soar- Gương mặt mới của thị trường smartphone
Các nhà phân tích dự đoán rằng Qihoo sẽ làm việc với Coolpad để tiếp tục ra mắt những chiếc smartphone giá rẻ như Dashen, nhưng nếu cả hai thật sự nghiêm túc trong việc phát triển sản phẩm cho thị trường cao cấp, việc cho ra đời một thương hiệu mới cũng không phải là một ý tưởng tồi.
Thay cho lời kết
Mỗi nhà sản xuất đều có những lợi thế và khó khăn nhất định trong tham vọng đuổi kịp Xiaomi. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là chất lượng, giá thành sản phẩm cùng với chiến dịch marketing cụ thể và nguồn tiền đầu tư từ những người khổng lồ công nghệ. Hãy chờ xem, ai là kẻ chiến thắng.