GS. Nguyễn Xuân Huy - Viện CNTT |
Khoảng năm 1982, Viện Công nghệ Thông tin khi đó còn gọi là Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (VKHTT&ĐK) đóng tại Đồi Thông, một khu trong làng Liễu Giai thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, nhận được một chiếc máy vi tính của cố giáo sư Tôn Thất Tùng gửi đến. Đó là chiếc máy tính xách tay nhãn hiệu OSBORN-1 với màn hình bằng bàn tay. Gọi là máy xách tay nhưng OSBORN-1 khá nặng, chừng 15 kg và có kích thước bằng một khối máy PC hiện nay. Máy này có thể dùng cho các cán bộ địa chất, khảo cổ, lâm nghiệp... đi khảo cứu lưu động. Đây không những là một trong những máy vi tính đầu tiên mà còn là máy xách tay đầu tiên xuất hiện tại nước ta. Hồi đó cũng đã có vài máy Micran nhưng chúng hay trục trặc nên không ai thích dùng.
Vậy là Viện đã nhận được khối vàng ròng mặc dù chiếc máy này mang màu đen.
Tuy nhiên, ngoài một nhóm duy nhất gồm hai người thuộc Phòng Khoa học Thống kê thuộc VKHTT&ĐK do Giáo sư Nguyễn Xuân Lộc phụ trách, không một nhân viên nào của Viện được phép sờ vào hiện vật. Gọi là nhóm cho oai chứ thực ra giáo sư chỉ giao cho anh Nguyễn Quang Hoà, một kỹ sư trẻ mới ở Hungary được sử dụng. Người thứ hai của nhóm chính là giáo sư Nguyễn Xuân Lộc, tuy nhiên Giáo sư không sử dụng trực tiếp.
Lịch sử của chiếc máy này như sau:
Trong một hội nghị y tế quốc tế, Giáo sư Tôn Thất Tùng đưa ra những số liệu minh chứng rằng đế quốc Mỹ đã sử dụng chất độc màu da cam tại Việt Nam. Các nhà khoa học trong đoàn Mỹ đã tranh luận khá căng thẳng với chúng ta. Họ cho rằng dữ liệu phía Việt Nam chưa được xử lý tốt. Giáo sư Tôn Thất Tùng đã phản bác mạnh mẽ. Giáo sư kết luận bằng câu nói nổi tiếng sau đây:
- Các ngài nên nhớ rằng chúng tôi không cố tình buộc tội chính phủ Mỹ. Thật là hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam nếu Mỹ không rải chất độc xuống đất nước chúng tôi.
Các nhà khoa học chân chính phía Mỹ thanh minh rằng, thực ra họ luôn luôn sẵn sàng cùng các nhà khoa học Việt Nam tìm các nhân chứng cũng như khảo sát dữ liệu để công bố cho thế giới biết tội ác diệt chủng của đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, do chính phủ Mỹ không cho phép họ sang Việt Nam để tiến hành khảo sát nên, với mong muốn tỏ rõ thiện chí của mình, họ tặng giáo sư một chiếc máy vi tính xách tay để dùng vào việc xử lý dữ liệu chất độc màu da cam.
Giáo sư Tôn Thất Tùng đã trực tiếp giao máy cho Giáo sư Phan Đình Diệu. Và chiếc máy được chuyển tới Phòng Khoa học Thống kê của Viện để thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là xử lý và bảo quản số liệu thống kê trên các vùng nhiễm độc của Việt Nam.
Chiếc máy được đặt trong căn phòng tốt hơn cả phòng của lãnh đạo Viện. Hai lần cửa với khoá chắc chắn, trải thảm, điều hoà nhiệt độ... Dữ liệu trước và sau khi xử lý được đặt trong một cái tủ bảo mật, có niêm phong cẩn thận. Bản thân máy hàng ngày cũng được niêm phong sau khi sử dụng. Tóm lại là máy và dữ liệu được bảo mật trong các điều kiện có nằm mơ cũng không thấy.
Chúng tôi nhìn cậu Hoà ra vào phòng máy mà phát thèm.
Thèm quá dĩ nhiên hoá khôn.
Thế là tôi và KS. Ngô Trung Việt, không ai bảo ai, lặng lẽ làm riêng một bộ chìa khoá. Sau giờ làm việc, chúng tôi dắt xe đạp ra về đàng hoàng như mọi người. Ra quán nước ăn tạm gói lạc rang hoặc cái bánh đa, uống cà phê thật đặc, gửi xe tại quán qua đêm rồi bí mật trèo tường trở lại Viện, mở khoá... và bật máy.
Đó là chiếc máy 8 bit gần như không có hệ điều hành mà chỉ có các lệnh điều khiển xen lẫn với các lệnh của ngôn ngữ lập trình BASIC. Không phải là ngôn ngữ BASIC thuộc họ Visual chững chạc như ngày nay đâu, mà nó tựa như ngôn ngữ lập trình FORTRAN nhưng chậm hơn nhiều.
Không tài liệu hướng dẫn, không hột cơm trong bụng, không thèm chợp mắt, chúng tôi chạy máy tới sáng.
Sáng ra, niêm phong lại máy, khoá cửa xong chúng tôi lại ra quán ăn lạc và uống nước thay cho phở. Chả hiểu phở Hà Nội được Nguyễn Tuân tả ngon ra sao chứ quanh khu Đồi Thông thời ấy không hề có phở. Người ta thường nói đùa rằng, thấy có người rao bán giò chả, trẻ em trong xóm reo hò mang giấy cũ, sắt vụn ra để bán. Chúng không hiểu giò chả là cái gì, tưởng là tên gọi mới của phế liệu. Mà giả sử có phở đi chăng nữa thì cũng không có tiền để mà... liều.
Hồi đó Việt mới cưới vợ được vài ngày, nhiều hôm Việt không về nên cô vợ vừa giận, vừa thương, tối đến thường trèo tường vào để đưa cơm cho chồng. Còn tôi thì vợ con ở xa, tít tận vùng núi Hoà Bình cho nên muốn thức hay ngủ đều vô tư.
Sau ba tháng trời như người bay trên mây, tôi cài đặt xong hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ (HCSDLQH) đầu tiên của Việt Nam. Với một đĩa mềm 360Kb, tôi lưu trữ bản thân phần mềm và cả cơ sở dữ liệu của các mũi khoan địa chất theo địa chỉ ứng dụng của Viện Bảo tàng và lưu trữ Địa chất Việt Nam (nay là Viện Thông tin Tư liệu Địa chất Việt Nam). Vậy mà hệ thống có đủ đại số quan hệ, có ngôn ngữ chủ để nhúng đại số quan hệ và do vậy có thể làm việc với hai chế độ là hội thoại trực tiếp và theo chương trình. Tôi đặt tên hệ thống là PRIMER (nguyên thuỷ) nhằm kỷ niệm cho một thời tang bồng, phỉ chí, trèo tường, khoét vách. Cũng cần nói thêm là kẻ trộm này hồi đó đã tốt nghiệp phó tiến sỹ tại Trung tâm tính toán Viện Hàn lâm Khoa học Liên xô, nơi chỉ có các hệ máy lớn với hệ điều hành đa nhiệm.
Một người bạn chiến đấu với tôi hồi đó là Trần Hồng Hải, kỹ sư mới tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội có một mong ước duy nhất là được ngồi gõ thử trên bàn phím của một máy vi tính.
Về gõ máy thì tôi thạo lắm. Chả là hồi mới sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh (khoảng năm 1978) tôi chưa biết máy tính là gì, vì trước đó tôi chỉ nghiên cứu các khía cạnh lý thuyết thuần tuý của lập trình. Vừa đến Matxcơva, tôi vẽ lại bàn phím máy tính trên một tờ giấy rồi đóng cửa phòng trong ký túc xá nghiên cứu sinh để tập gõ chương trình "khô". Với bàn phím tiếng Nga tôi làm như vậy có hai điểm lợi. Thứ nhất là học được tiếng Nga, thứ hai là sau vài tuần tôi xuất hiện ở Trung tâm thì có thể thản nhiên gõ bàn phím điều khiển máy mà không bị ngượng với các bạn nước ngoài. Mẹo này tôi học được khi mới có mười tuổi. Thấy tôi thèm chơi dương cầm quá, một cậu bạn cùng lớp đã lẻn vào câu lạc bộ Công nhân ở cảng Hải Phòng, vẽ trộm bàn phím dương cầm để tặng tôi. Hai chúng tôi thường ngồi gõ "khô" và xướng âm đô rê mi theo phím gõ.
Nhiều hôm nóng quá, tôi và Hải cởi trần, quần xà lỏn ôm máy tính gõ liên hồi. Cũng nhờ có Hải và Việt mà tôi làm được cái gì đó...
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 108 ra ngày 7/11/2008
GS. Nguyễn Xuân Huy