Các dàn máy tính IBM 360 ở Sài Gòn đã được đội ngũ Trung tâm Toán – Máy tính (TTT-MT), Viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) tiếp quản ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Nơi trước đây đặt dàn máy IBM 360/40 của Bộ TTM quân đội Sài Gòn (Địa điểm này hiện nay thuộc khu vực đóng quân của BTL QK7). |
Nhóm người của TTT-MT tham gia các đoàn tiếp quản các cơ sở vật chất kỹ thuật của Mỹ – Ngụy ở miền Nam đã có mặt tại Sài Gòn từ ngày 2/5/1975. Đó là các anh Trần Duy Thỏa, Trương Công Dũng, Trần Thế Nam, Lê Thanh Nhân. Ngay từ những ngày đầu, cùng với một số chuyên gia kỹ thuật của Trung tâm IBM 360/50 của Mỹ còn ở lại, nhân viên TTT-MT đã khôi phục cho máy làm việc và khẩn trương liên hệ với nhiều bộ ngành, cơ quan nhà nước để khai thác máy.
Một trong những bài toán xử lý có hiệu quả nổi bật là xử lý dữ liệu thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam. Nhờ khai thác tốt hệ thống IBM 360/50 mà việc xử lý dữ liệu địa chấn được thực hiện ngay tại Việt Nam, không cần phải mang dữ liệu về Xakhalin (Liên Xô) để xử lý. Việc này giúp ngành dầu khí tiết kiệm ngân sách và rút ngắn thời gian thăm dò. Để làm được điều đó nhân viên của TTT-MT đã phải tìm tòi chuyển hệ điều hành của máy tính điện tử EC1033 (của Liên Xô) lên máy tính IBM 360/50.
Để khai thác hết hiệu năng của máy IBM 360/50, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước (UBKHKTNN) mời một số Việt kiều ở Pháp về giúp, trong đó có các anh Âu, anh Chiếu, anh Lư, anh Chí… Số anh em Việt kiều này đã được Quân đội tạo điều kiện thuận lợi về làm việc với Trung tâm.
Ngày 28/1/1976, Tổng cục phó Tổng cục Kỹ thuật – Bộ Quốc phòng (TCKT - BQP), thiếu tướng Vũ Văn Đôn đã gửi thư cho thiếu tướng Nguyễn Văn Tiên, Tổng cục phó TCKT - BQP thường trực ở phía Nam: ”Hiện có 3 Việt kiều ở Pháp về (họ đã làm máy tính IBM 360) có mang theo nhiều chương trình mẫu rất cần cho quân đội. UBKHKT sẵn sàng giao những chương trình này cho ta. Vì thế Tổng cục mời họ vào làm việc trên các máy IBM 360 của ta trong Sài Gòn (theo đề nghị của TTT-MT). Họ sẽ ghi vào băng từ của các máy của ta các chương trình mẫu, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng các chương trình mẫu đó. Tổng cục cử đồng chí Nguyễn Lãm chịu trách nhiệm tổ chức làm việc này. Ngoài ra còn có đồng chí Phạm Ngọc Oanh, cán bộ Viện KTQS, và 2 cán bộ nhà nước là anh Trần Lưu Chương (ở UBKHKTNN), anh Bùi Khương (ở Bộ Giao thông) cùng tham gia khai thác các chương trình đó. Vậy đề nghị anh chỉ thị cho bộ phận văn phòng giải quyết phương tiện đi lại cho 3 Việt kiều và các cán bộ của ta để làm việc, chỗ ăn ở của các cán bộ ta (chỗ ăn ở của Việt kiều thì do UBKHKTNN chịu trách nhiệm) và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn công tác có kết quả”.
Dàn máy IBM 360/40 của Bộ TTM quân đội Sài Gòn, nhìn chính diện. | Dàn máy IBM 360/40 của Bộ TTM quân đội Sài Gòn, nhìn từ phía phải. |
Vượt khó
TTT-MT đã cử nhiều đợt cán bộ vào Sài Gòn vận hành hệ thống IBM mới được tiếp quản. Vào thời kỳ này đang phải đối phó với biết bao khó khăn trở ngại từ việc thiếu thốn điện, nước, điều hoà nhiệt độ cho máy làm việc… đến những điều kiện tối thiểu đảm bảo sinh hoạt hàng ngày. Anh Nguyễn Trọng là một trong những người vào sớm nhất, ngay trong tháng 5/1975. Cùng đi đợt đó còn có các anh Trần Văn Huân, Phạm Văn Nhì, Lê Tự Thành, Lê Văn Nguyên, Nguyễn Quý Lợi, Vũ Quang Tuyến…
Quyết định tăng cường lực lượng cho phía Nam được TTT-MT triển khai rất nhanh. Số cán bộ tăng cường đều yên tâm, phấn khởi lên đường dù không thể biết trước thời gian công tác dài bao lâu, những gì đang đón đợi phía trước. Càng không thể ngờ lần đi này đã làm thay đổi lớn cuộc sống của nhiều người. Phần lớn trong số họ về sau đã định cư cùng với gia đình ở TP.HCM.
Nhân viên cũ (TT IBM 360/40 & TT IBM 360/50) nghe đại diện chính quyền giải phóng nói chuyện (tháng 8/1975). |
Đến tháng 10/1975 thì công việc dồn dập, thiếu người, thư các anh cho biết: ”Về bài toán cán bộ: bọn em đã hoàn thành số liệu và chương trình (gồm 55 biểu mẫu báo cáo và 5 chương trình phục vụ). Hiện nay lẽ ra là bắt đầu lấy kết quả nhưng vừa rồi Cục Cán bộ lại yêu cầu sửa đổi các mẫu báo cáo mà như vậy thì toàn bộ hệ thống chương trình cho 55 báo cáo ấy đều phải sửa khá lớn. Bọn em quyết định là sẽ làm việc này ngay vì hệ thống chương trình này có khả năng sẽ sử dụng lâu dài nên mình chịu khó sửa đổi sao cho phục vụ được tốt nhất cho yêu cầu quản lý. Song song với việc sửa các chương trình bọn em đang chuẩn bị các văn bản và chương trình cho vấn đề chỉnh lý tiểu sử. Cụ thể là em đang chuẩn bị mẫu báo cáo chỉnh lý tiểu sử và bản hướng dẫn cách làm báo cáo ấy. …Tuần sau in xong mẫu báo cáo chỉnh lý và bản hướng dẫn báo cáo bọn em sẽ in danh sách cán bộ của từng đầu mối (sư đoàn) rồi đi xuống các sư đoàn kiểm tra so sánh với tình trạng thực tế, chỉnh lý lại đồng thời hướng dẫn cho các cơ quan cán bộ ấy làm báo cáo chỉnh lý. Khoảng giữa tháng 11 có thể sẽ cho chạy các chương trình nhật tu và trên cơ sở đó có thể kết luận một bước căn bản công tác quản lý nhân sự trên máy tính cho ta”.
Qua đó mới thấy ngay từ ngày đó, để ứng dụng tin học có kết quả, cán bộ máy tính phải nhúng sâu vào các quy trình quản lý như thế nào! Ngoài quản lý cán bộ còn làm kiểm kê quân số theo yêu cầu của Quân lực, thống kê trang bị vũ khí, tổng hợp, phân tích tăng giảm theo từng nguyên nhân cho toàn bộ trang bị vũ khí. Nhiều nhóm công tác được thành lập. Mỗi nhóm có một số nhân viên cũ làm việc dưới sự chỉ huy của cán bộ ta, những người đã viết và chạy chương trình thuần thục trên máy Minsk-32.
Lúc này, ước muốn lớn nhất của anh em là xây dựng cho được một hệ cơ sở dữ liệu thực sự về cán bộ toàn quân trên máy IBM 360. Việc tổ chức dữ liệu hoàn toàn trên bìa với số lượng lớn đặt ra bài toán xếp thông tin lên bìa. Anh Trọng đặt vấn đề: Trong các quy trình quản lý thực hiện trên máy tính điện tử ta thường phải đưa một khối lượng lớn các bản kê khai có độ dài, cấu trúc cố định lên bìa. Trường hợp các bản kê khai đó có không đầy đủ các chỉ tiêu kê khai thì việc sắp xếp thứ tự các chỉ tiêu và quyết định bao nhiêu và là chỉ tiêu nào được cùng đưa lên một bìa sẽ tiết kiệm bìa đáng kể.
Bài toán dẫn đến là bài toán quy hoạch Bun. Giả sử một bìa mang không quá b lỗ đục, phải dùng bao nhiêu bìa để chứa một bản kê khai và các chỉ tiêu nào cần đưa lên 1 bìa để tổng số bìa phải dùng là ít nhất? Phương pháp giải bài toán đã được trình bày chi tiết. Không phải kết quả bàì toán này sau đó được đưa vào quy trình chuẩn bị thông tin lên bìa một cách chính thức, nhưng việc phân tích tổ chức thông tin cho nhiều quy trình xử lý trong Trung tâm đều có khai thác ý tưởng này. Tất nhiên, ngày nay không dùng bìa để nhập thông tin vào máy tính nên bài toán không còn ý nghĩa với chúng ta, nhưng tư tưởng giải quyết vấn đề, ý nghĩa sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ thì vẫn còn nguyên giá trị của nó.
Anh Vũ Hồng Sơn, Phó giám đốc Trung tâm, được điều vào phụ trách chung Cơ sở 2 – TTT-MT vào tháng 7/1975. Cùng đi với anh Sơn còn có các anh Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Quang Nựu, Nguyễn Quang Bắc, Tạ Vũ Trụ, Dương Minh, Nguyễn Thúc Hải… Anh Sơn đã nhanh chóng tổ chức triển khai công việc cho Cơ sở 2: đảm bảo kỹ thuật, quản lý cán bộ, lãnh đạo Đảng và nhiều vấn đề khác. Về công tác chuyên môn, sau khoảng hơn một năm (vào ngày 14/8/1976), anh Sơn báo cáo ra Trung tâm, cho biết đã xử lý tốt các bài toán kiểm kê cho Tổng kho Long Bình, Cục Quân khí, Phòng không Không quân. Công tác bảo trì máy lúc này đang gặp khó khăn vì thiếu linh kiện thay thế do công ty IBM đã cạn nguồn cung cấp thêm vào đó ta chưa trả tiền nên có một số bộ phận hỏng không được IBM thay thế.
Trong nhiều năm, nhờ có Cơ sở 2 mà các đoàn cán bộ của Trung tâm vào công tác ở Học viện Lục quân Đà Lạt được thuận lợi hơn. Họ đã được Học viện đánh giá cao, nhất là đồng chí giám đốc học viện trung tướng Vũ Lăng. Anh em thì phấn khởi, có được niềm tin vào ứng dụng máy tính trong chỉ huy.