Ông Nguyễn Duy Kiên cho biết: Đây là hoạt động tâm linh, từ trước đến giờ cơ quan chức năng chưa bác bỏ, nhưng cũng không thừa nhận. Thực tế, ngoại cảm cũng có thể đúng, nhưng tỷ lệ đúng là rất thấp. Vì vậy, muốn xác định đó có phải là hài cốt liệt sĩ thật không cần phải có biện pháp kiểm định như: Xác minh qua đồng đội, xác nhận hiện vật và giám định ADN.
Thực tế hiện nay, ngoại cảm thật thì ít còn ngoại cảm rởm thì quá nhiều. Ví như Nghệ An, lúc đầu chỉ có 3 trung tâm ngoại cảm, chỉ sau một tháng đã có hơn 20 trung tâm, trong đó có nhiều trung tâm hoạt động trục lợi… Vì thế, chuyện không công nhận kết quả khi tìm bằng ngoại cảm là phù hợp.
Vì tin nhà ngoại cảm, gia đình anh Hoàng Văn Tùng (Tân Kỳ, Nghệ An) đã bốc nhầm mộ của một người dân
Qua nghiên cứu, bàn thảo, chúng tôi đã đưa ra 2 phương pháp để xác định hài cốt. Thứ nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ cho ngân hàng mẫu để thực hiện so sánh. Thứ hai là chọn ra nhóm đối tượng để giám định gen.
Nếu làm theo cách thứ nhất thì tất cả hài cốt liệt sĩ khi được quy tập sẽ được lấy mẫu gen để cho vào ngân hàng gen. Ngoài ra, khi thực hiện cải tạo nghĩa trang liệt sĩ, các mộ được khai quật lên cũng sẽ được lấy gen cho vào ngân hàng. Hiện nay ngân hàng gen mới chỉ ở mức phôi thai nên việc lấy gen phục vụ cho hoạt động giám định còn nhiều khó khăn. Hiện Cục đang phối hợp với các trung tâm của quân đội, công an, Viện Khoa học công nghệ để thực hiện việc giám định gen này. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào 3 trung tâm thì phải tới 300 năm sau chúng ta mới giám định hết. Vì vậy, Cục đã xây dựng đề án thành lập trung tâm giám định gen độc lập. Hiện ngân hàng gen có khoảng 2-3 nghìn mẫu gen liệt sĩ, và mới thực hiện giám định cho 300-400 mẫu.
Thân nhân liệt sĩ có thể làm gì để tiếp cận với thủ tục giám định gen? Thủ tục này có phức tạp không, thưa ông?
Thủ tục giám định gen do cơ quan Nhà nước thực hiện. Nhà nước giao Cục Người có công phối hợp với Viện Pháp y quân đội, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Bộ Khoa học - Công nghệ. Thủ tục giám định gen cũng phụ thuộc vào từng nhóm. Nếu mẫu do nghĩa trang liệt sĩ đưa về thì Cục sẽ cử người đi lấy, còn mẫu do quân đội di chuyển thì quân đội phải bàn giao lại cho Cục để Cục đưa vào ngân hàng gen.
Với các mẫu do người nhà mang tới thì cần phải làm việc với phòng LĐTBXH để phòng cấp giấy giới thiệu lấy mẫu. Mẫu này có thể do Sở gửi ra, hoặc gia đình thân nhân gửi ra để giám định. Thủ tục thì đơn giản, nhưng việc lấy mẫu để giám định rất khó khăn vì đa phần các mẫu sau khi lấy đều không còn khả năng để giám định. Hiện có 300 gia đình gửi giám định gen, nhưng vì chủ yếu làm bằng phương pháp ngoại cảm, số tìm chính xác chỉ có 3-4 trường hợp.
Theo ông, thời gian tới cần làm gì để đẩy mạnh việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ?
Tìm kiếm hơn 200 nghìn hài cốt còn thất lạc quả là rất khó. Khó bởi không phải liệt sĩ nào cũng có hài cốt, đấy là chưa kể số hài cốt nằm lâu trong đất đã bị phân huỷ. Bởi vậy, người dân cần chấp nhận thực tế.
Các cơ quan chức năng đang làm hết sức mình. Khi kết thúc cuộc tìm kiếm, tôi cho rằng Nhà nước cần có lời xin lỗi các gia đình thân nhân liệt sĩ.
Xin cảm ơn ông!