Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến chiến lược đầu tiên

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Dbptuo10
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

"Từ sau Chiến dịch Biên giới (cuối năm 1950), Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến thắng trong nhiều chiến dịch, giành và giữ thế chủ động trên chiến trường miền Bắc. Trong lúc đó, quân Pháp ngày càng khốn đốn và bị động.

Để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp phải tăng thêm lực lượng, thay đổi kế hoạch tác chiến, đưa nhiều tướng lĩnh vào tham chiến.

Tháng 5/1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Henri Navarre, Tổng Tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Sau một tháng khảo sát, tìm hiểu thực tế chiến trường, đầu tháng 7/1953,
Navarre vạch ra một kế hoạch quân sự toàn diện, có hệ thống, được Hội đồng Chính phủ và Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua.

Navarre chia kế hoạch tác chiến thành hai bước. Bước thứ nhất, trong Thu Đông 1953 và Xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở 18 độ vĩ tuyến bắc trở ra; tiến công bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương; xóa bỏ vùng tự do Liên khu V.

Bước thứ hai, nếu đạt được bước một sẽ chuyển sang tiến công chiến lược miền Bắc, giành thắng lợi quân sự to lớn, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.

Thực hiện kế hoạch trên, tướng Navarre và Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tập trung một lực lượng cơ động gồm 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ, mở những cuộc càn quét dữ dội ở vùng địch chiếm đóng; tiến công ra Ninh Bình, Nho Quan, uy hiếp Thanh Hóa; nhảy dù xuống Lạng Sơn, uy hiếp Phú Thọ; đồng thời chúng cho thổ phỉ quấy rối Tây Bắc. Sau đó, cho quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, kế hoạch của chúng là phải lấy lại Nà Sản, củng cố Lai Châu, mở rộng phạm vi chiếm đóng ở Tây Bắc.

Về ta, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy họp, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954.

Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày phương án tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu, ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị xác định chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 là sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng của địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ. Phương châm chiến lược là tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.

Thực hiện ý định của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, bộ đội chủ lực ta bắt đầu tiến quân lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang cách mạng Lào.

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Dbpdoa10
Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ
Được tin các đơn vị chủ lực của Việt Minh di chuyển lên hướng Tây Bắc, Navarre quyết định “ra tay trước,” ngày 20/11/1953, Pháp mở cuộc hành quân Castor đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm.

Để xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân Pháp tập trung tăng cường phòng thủ, đưa đến Điện Biên Phủ nhiều binh, hỏa lực và các phương tiện, vũ khí mới, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, ba tiểu đoàn pháo binh. Ngoài ra còn có các đơn vị công binh, cơ giới, không quân, vận tải… hầu hết là những đơn vị tinh nhuệ nhất trong quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Tổng số binh lực ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc cao nhất là trên 16.000 tên, bố trí thành 49 cứ điểm nằm trong tám cụm cứ điểm được tổ chức liên hoàn với nhau. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng ngự - một “trung tâm đề kháng,” có lực lượng cơ động và lực lượng phòng ngự, có hỏa lực riêng, xung quanh có nhiều hàng rào dây thép gai, hàng rào kẽm và cài mìn xen kẽ.

Các “trung tâm đề kháng” này lại được liên kết với nhau thành các phân khu. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được chia thành ba phân khu gồm phân khu Bắc (có hai trung tâm đề kháng), phân khu Nam (có một trung tâm đề kháng) và cuối cùng là phân khu Trung tâm (có năm trung tâm đề kháng).

Các trung tâm đề kháng được bố trí trên một không gian tương đối rộng, vừa có khả năng phòng ngự độc lập, vừa có hệ thống công sự trận địa vững chắc và hỏa lực mạnh như súng cối, súng phun lửa…

Ngoài ra, quân Pháp còn xây dựng hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm ở Điện Biên Phủ để có thể đáp ứng được nhu cầu tiếp tế, chi viện bằng đường không.

Với quân đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thực sự là “một cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay chưa bao giờ có ở Đông Dương” và được mệnh danh là “pháo đài khổng lồ không thể công phá.”

Chúng cho rằng nếu quân ta mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ thì là đi vào con đường tự sát, sự thất bại chắc chắn không thể nào tránh khỏi.

Về phía ta, trên cơ sở hai khối chủ lực cơ động trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh và trực thuộc các Liên khu, lực lượng vũ trang đã hình thành được các đơn vị binh chủng, gồm pháo mặt đất, pháo phòng không, công binh, thông tin. So sánh quân số đơn thuần tại chiến trường Điện Biên Phủ thì ta hơn hẳn địch (ta là 40.000 người/địch 16.000 tên).

Song về hỏa lực và phương tiện chiến tranh thì quân Pháp có ưu thế hơn ta, nhất là về đạn pháo, máy bay và xe tăng… Mặt khác, chúng được bảo vệ trong hệ thống công sự trận địa vững chắc, với nhiều trung tâm đề kháng.

Nếu không có phương án tác chiến đúng đắn và cách đánh phù hợp, ta khó có thể thắng địch. Bởi vì ta có tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì mới phá được hình thức phòng ngự cao nhất của đối phương, mới phá được kế hoạch Navarre, phá âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của chúng.

Nắm vững ý định chiến lược “đánh chắc thắng” của Hồ Chủ tịch, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc,” chỉ đạo một số đơn vị huấn luyện cách đánh tập đoàn cứ điểm, chỉ huy quân và dân ta đánh bại nỗ lực cao nhất về quân sự của thực dân Pháp trong chiến tranh Đông Dương, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch Điện Biên Phủ - trận quyết chiến chiến lược trong thời đại Hồ Chí Minh, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược.

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Dbpbod10
Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa
Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chủ động, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh; tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của cán bộ, chiến sỹ quân đội và nhân dân Việt Nam.

Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ thực sự là một cuộc đấu trí giữa hai bên ta và Pháp trong thời điểm quyết định của chiến tranh, được thể hiện qua mấy vấn đề cơ bản sau.

Thứ nhất, ta tích cực đẩy mạnh tiến công, buộc địch bị động phân tán lực lượng trên những điểm xung yếu, tạo điều kiện thuận lợi và yếu tố bất ngờ để tiến hành trận quyết chiến chiến lược.

Khi chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 diễn ra, trên cơ sở chủ động nắm bắt tình hình địch, ta ở các chiến trường và nghiên cứu kế hoạch tác chiến theo tư tưởng chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu tiến hành nghiên cứu và lên phương án tác chiến, xác định hướng tiến công chiến lược.

Để phá kế hoạch Navarre, trước tiên ta phải phân tán cho được khối cơ động chiến lược lớn buộc đối phương bị động đối phó, không thể tập trung lực lượng để quyết chiến với chủ lực ta ở chiến trường do chúng lựa chọn; sau đó điều động từng bộ phận chủ lực của quân Pháp ra từng hướng khác nhau, rồi chọn hướng có lợi, phá ý đồ tác chiến tập trung trên một hướng, một chiến trường của chúng.

Căn cứ phương án tác chiến đã xác định và chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tham mưu đã sử dụng bộ đội chủ lực phối hợp tác chiến trên các chiến trường trong cả nước và toàn Đông Dương; quân và dân ta trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam mở năm đòn tiến công lên các hướng gồm Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào và Tây Nguyên.

Đây là những nơi lực lượng địch mỏng yếu, sở hở, nhưng lại là những địa bàn chiến lược mà chúng không thể bỏ.

Riêng chiến trường Lào, cùng với tiến công lên Tây Bắc, cuối tháng 12/1953, các lực lượng liên quân Lào-Việt phối hợp với nhau mở một cuộc tiến công vào hướng Trung Lào, giải phóng thị xã Thakhet. Sau đó, các lực lượng liên quân phát triển về hướng Seno, một căn cứ không quân quan trọng của địch ở Savanakhet, buộc địch phải gấp rút điều động lực lượng từ đồng bằng Bắc Bộ và từ các chiến trường khác lên tăng viện.

Nhằm đánh lạc hướng phán đoán của địch, tạo điều kiện cho quân ta đẩy mạnh mọi công tác chuẩn bị ở Điện Biên Phủ, cuối tháng 1/1954, quân ta phối hợp với quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công vào phòng tuyến địch ở khu vực sông Nậmhu, buộc địch phải tăng thêm lực lượng lên Luongphrabang.

Sau chiến thắng ở Trung Lào, Thượng Lào, bộ đội Lào-Việt tiếp tục tiến xuống Hạ Lào giải phóng thị xã Atopo và toàn bộ cao nguyên Boloven, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Navarre ở vùng đồng bằng, buộc chúng phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó với ta.

Cùng với năm đòn tiến công chiến lược, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở vùng sau lưng địch từ Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình-Trị-Thiên đến đồng bằng Bắc Bộ, đánh bại các cuộc hành quân càn quét chiếm đất, giành dân của quân Pháp.

Hầu hết các địa bàn xung yếu của địch đều bị tiến công, phòng tuyến sông Đáy bị phá vỡ, nhiều sân bay bị tập kích, đường số 5 bị cắt đứt nhiều đoạn, có chỗ giao thông bị tê liệt hàng tuần.

Khắp nơi, nhân dân nổi dậy phá tề, trừ gian, nhiều đồn bốt địch bị vây hãm phải rút chạy hoặc đầu hàng. Năm đòn tiến công chiến lược cùng hoạt động tiến công chống địch càn quét, quân và dân ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, làm phá sản âm mưu tập trung binh lực cơ động mạnh ở một mặt trận là đồng bằng Bắc Bộ, buộc chúng phải phân tán binh lực để đối phó với ta.

Như vậy, kế hoạch chủ động tập trung binh lực của Navarre chuyển thành bị động, phân tán binh lực. “Khối cơ động” của Navarre ở đồng bằng từ 44 tiểu đoàn rút xuống còn 20 tiểu đoàn. Kế hoạch Navarre bắt đầu phá sản từ đó.

Thứ hai, ta tổ chức lực lượng mạnh, tạo lập thế trận vững chắc, chọn thời cơ đúng, giành thế chủ động “đánh chắc, tiến chắc” trên chiến trường. Lực, thế, thời và mưu lược là những yếu tố hết sức quan trọng. Lực chính là sức mạnh vật chất, tinh thần của toàn quân, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sức mạnh của lực lượng cách mạng được nhân lên bằng chiến lược chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc và của thời đại.

Trên chiến trường đã diễn ra một sự phối hợp quy mô rộng lớn, lực lượng vũ trang và nhân dân ta vừa chiến đấu trên mặt trận chính diện, vừa chiến đấu trên các mặt trận phối hợp sau lưng địch.

Về thế, trước ngày nổ súng mở đầu chiến dịch (13/3), quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã sa vào thế yếu, lúc đó lực lượng của địch đã bị căng kéo ra khắp toàn Đông Dương, không có điều kiện để hỗ trợ cho Điện Biên Phủ.

Ta đã hình thành thế bao vây, áp sát lòng chảo Điện Biên Phủ, bố trí hỏa lực phân tán trên các điểm cao thành một đường vòng cung bao lấy tập đoàn cứ điểm, để có thể ngắm bắn trực tiếp các mục tiêu dưới lòng chảo; pháo và đạn được đặt trong hầm khoét sâu vào triền núi và được ngụy trang kín đáo.

Mặt khác, Điện Biên Phủ là một chiến trường rừng núi, hoàn toàn cô lập và cách xa căn cứ hậu phương của đối phương, tất cả mọi việc giao thông tiếp tế đều trông cậy vào máy bay.

Thế nhưng, thời tiết tháng Ba ở Điện Biên Phủ sương mù dày đặc, không thuận lợi cho máy bay cất, hạ cánh, thả dù, tiếp tế.

Trước thế bất lợi đó, quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã bị đặt vào thế bị động phòng ngự, điểm mạnh của chúng đã trở thành điểm yếu không thể phát huy một cách có hiệu quả.

Về thời cơ, để giành thế chủ động trên chiến trường, qua phân tích, đánh giá chỗ mạnh, yếu của ta và địch, thì phương châm “đánh nhanh giải quyết nhanh” ta sẽ gặp điều bất lợi rất lớn, đó là Quân đội ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm. Vì vậy, “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sẽ không nắm chắc được phần thắng lợi. Do đó, ta kiên quyết chuyển phương châm sang “đánh chắc, tiến chắc” để tận dụng thời gian làm chuyển hóa lực lượng.

Thực dân Pháp dựa vào lực lượng quân sự mạnh, chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh.” Ta chủ trương “trường kỳ kháng chiến” để phát triển lực lượng, phá tan âm mưu của địch.

Với tư tưởng và quyết tâm đánh chắc thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh, một nguyên tắc cơ bản trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Về mưu lược, ta thực hiện “dĩ nhu xử cương” (lấy mềm xử cứng). Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có hỏa lực pháo binh, cơ giới và không quân mạnh, để giảm hỏa lực của đối phương, phát huy sức mạnh hỏa lực của ta, ta phải tổ chức xây dựng hệ thống giao thông hào, hệ thống trận địa tiến công và bao vây, tạo điều kiện cho bộ đội ta triển khai và vận động dưới hỏa lực của đối phương; pháo binh của ta vận chuyển được vào gần để khống chế sân bay; pháo cao xạ đối phó có hiệu quả với không quân Pháp.

Bằng chiến thuật trên, ta đã ngăn chặn và đi đến triệt nguồn tiếp tế, chi viện của chúng, làm cho quân Pháp không phát huy được ưu thế của quân đội nhà nghề, trang bị vũ khí hiện đại. Pháp muốn đánh chớp nhoáng thì ta kéo dài. Nhất định ta thắng.

Mưu kế của quân ta là phát huy sức mạnh, trí sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta biết kế thừa và phát huy tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong chiến tranh nhân dân để “lấy nhỏ thắng lớn,” “lấy ít địch nhiều,” “lấy thô sơ thắng hiện đại.”

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Dbptuo11
Tướng Christian de Castries cùng toàn bộ Bộ chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ ra hàng
Nhìn nhận toàn bộ chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và thế trận ở Điện Biên Phủ, ta đã thực hiện triệt để phương châm tác chiến “tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu” của đối phương, làm chuyển hóa so sánh lực và thế của hai bên, khi có thời cơ thuận lợi tiến công bao vây giành thắng lợi triệt để.

Thứ ba, triển khai tác chiến hiệp đồng binh chủng kết hợp nhịp nhàng, hiệu quả với tác chiến của lực lượng ba thứ quân. Từ ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra (19/12/1946) cho đến trước chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra nhiều chiến dịch nhưng thường có quy mô vừa và nhỏ.

Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất, ta đã huy động bốn đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316), Đại đoàn Công-Pháo 351 và một trung đoàn công binh. Tổng số quân chủ lực của ta khoảng hơn 40.000. Ta còn huy động trên 5 vạn thanh niên xung phong, hơn 4.000 dân công và hàng trăm phương tiện như xe đạp thồ, ôtô vận tải các loại…

Đây là chiến dịch tiến công có lực lượng tham gia nhiều nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có sự tác chiến hiệp đồng giữa một số binh chủng bộ binh, pháo binh, pháo cao xạ, công binh để tiến công tiêu diệt đối phương trên địa hình rừng núi.

Giai đoạn đầu chiến dịch, trên hướng chính diện, chủ lực ta giam hãm lực lượng quân đồn trú ở Điện Biên Phủ, tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt địch trên các hướng khác.

Trên chiến trường toàn quốc, đã diễn ra một sự phối hợp quy mô rộng lớn giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch. Trên mỗi một chiến trường đều có sự phối hợp giữa mặt trận chính diện và mặt trận địch hậu. Điện Biên Phủ đã trở thành mặt trận chính diện chủ yếu.

Do quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị bao vây trong một thời gian dài, nên chiến tranh du kích ở các nơi đã có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh và thu được thắng lợi.

Đối với các chiến trường phối hợp trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và Đông Dương, các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương hoạt động liên tục để phối hợp với Điện Biên Phủ, tiêu diệt thêm sinh lực địch và phân tán, giam giữ lực lượng của chúng, làm trở ngại không để cho chúng dễ dàng tăng viện cho Điện Biên Phủ.

Sự phối hợp nhịp nhàng giữa bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích trên các mặt trận đã tạo nên sức mạnh cho bộ đội chủ lực ta trên Mặt trận Điện Biên Phủ trong tác chiến hiệp đồng binh chủng.

Từ ngày 13/3/1954, giai đoạn một của chiến dịch, ta bắt đầu tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho chủ lực trên mặt trận chính diện không chỉ bao vây giam giữ quân địch, mà còn chiến đấu liên tục, tập trung lực lượng để tiêu diệt địch.

Bằng việc tập trung lực lượng, tác chiến hiệp đồng chặt chẽ, quân ta đã đột phá lần lượt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, từng phân khu, đồng thời xây dựng hệ thống trận địa và giao thông hào, từng bước thắt chặt vòng vây, theo cách đánh “bóc vỏ” các trung tâm đề kháng vòng ngoài, phá thế phòng ngự có chiều sâu bên trong của địch, tạo thế trận có lợi cho ta, tiến tới đánh thẳng vào khu trọng yếu nhất thuộc tung thâm phòng ngự của địch.

Cùng với các hoạt động vây lấn của bộ binh, pháo cao xạ và súng máy phòng không của các đại đoàn tiến sâu vào thung lũng, tạo một lưới lửa phòng không khống chế không cho không quân Pháp dùng máy bay tiếp tế cho lực lượng đang bị bao vây trong lòng chảo Điện Biên Phủ. Đó là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa bộ binh, pháo binh và phòng không, giữa lực lượng tiến công tiêu diệt từng cứ điểm với lực lượng đánh địch phản kích bảo vệ mục tiêu đã chiếm, bảo vệ trận địa tiến công và bao vây; giữa các trận đánh tiêu diệt lớn với tác chiến tiêu hao rộng rãi của các đơn vị đánh lấn, bắn tỉa, luồn sâu đánh hiểm trong tung thâm phòng ngự của tập đoàn cứ điểm.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, trải qua ba đợt tiến công quân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương, buộc chúng phải ký Hiệp định Geneva (7/1954), chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Dbpcoc10
Lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm tướng de Castries
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại cho quân và dân ta nói chung, Bộ Tổng Tham mưu nói riêng nhiều kinh nghiệm quý báu; đặc biệt là hiện thực hóa tư tưởng chính trị, đường lối quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của chiến tranh Việt Nam, thể hiện qua những nội dung sau:

Một là, trong tác chiến chiến lược, luôn quán triệt tư tưởng tiến công, đánh giá đúng tương quan lực lượng địch-ta trong quá trình phát triển của chiến tranh.

Hai là, chủ động chọn hướng mở đòn tiến công chiến lược, lựa chọn chiến trường chính, mục tiêu chủ yếu chính xác; biết vận dụng sáng tạo và kết hợp linh hoạt các hình thức tác chiến trong điều kiện chiến tranh hiện đại.

Ba là, quá trình tiến hành chiến tranh, luôn duy trì quyền chủ động trên chiến trường, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, tạo và nắm bắt thời cơ, liên tục tiến công.

Bốn là, không ngừng nâng cao trình độ và quy mô tác chiến tập trung hiệp đồng quân binh chủng, thực hiện đánh tiêu diệt lớn trong các chiến dịch và trận quyết chiến chiến lược.

Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tham mưu dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếp tục quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng XI, Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ sức đảm nhiệm vai trò nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Trước đòi hỏi của tình hình hiện nay, Bộ Tổng Tham mưu luôn tích cực chủ động nghiên cứu, tham mưu, soạn thảo kế hoạch, nội dung về chiến lược, sách lược như huấn luyện, xây dựng tổ chức lực lượng, quy hoạch, bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trong cả nước và từng địa phương. Xây dựng khu vực và tuyến phòng thủ vững chắc, sẵn sàng chuyển từ thời bình sang thời chiến.

Quá trình tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp trên mọi lĩnh vực; thường xuyên quán triệt phương châm chiến lược “lấy nhỏ đánh lớn,” “lấy ít địch nhiều” trong hoạt động xây dựng lực lượng, rèn luyện và huấn luyện bộ đội; không ngừng nâng cao trình độ và quy mô tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng.

Kết hợp sức mạnh của chiến tranh nhân dân địa phương và sức mạnh chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực, kết hợp lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, phát huy sức mạnh tác chiến của lực lượng ba thứ quân; quan tâm xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Hiện nay, bối cảnh trong nước, khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, các thế lực thù địch với âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ, tạo cớ can thiệp, luôn tìm mọi cách để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đối với Quân đội, thường xuyên quán triệt nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên tắc, quan điểm của Đảng về lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong Cương lĩnh, các nghị quyết, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Vấn đề đặc biệt quan trọng là phải nâng cao trình độ, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, nhất là ở cấp chiến lược, nâng cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; từng bước xây dựng tiềm lực quốc phòng và an ninh đất nước; nâng cao chất lượng các lực lượng vũ trang; tăng cường quản lý Nhà nước về quốc phòng-an ninh; ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động gây mất ổn định chính trị, xã hội; gây tổn hại cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Một quyết định lịch sử

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Dienbi10
Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa
Con đường đến Điện Biên Phủ

Đến Thu-Đông năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ đã trải qua 8 năm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đưa cuộc kháng chiến từ thế phòng ngự chuyển sang thế giằng co và phát triển sang thế tiến công, phản công.

Chiến dịch tiến công Biên giới Thu-Đông 1950 giành thắng lợi to lớn đã khẳng định quyền chủ động chiến lược của ta trên chiến trường chính Bắc Bộ. Điều này có nghĩa là bộ đội chủ lực của ta có thể mở các chiến dịch tiến công quân Pháp và tay sai ở hướng chiến trường do ta lựa chọn, chủ động xác định quy mô lực lượng tham gia chiến dịch, chủ động về thời gian mở màn và kết thúc chiến dịch. Đây là sự phát triển vượt bậc của cuộc kháng chiến về mặt thế trận trong khi so sánh lực lượng về quân sự, vũ khí, trang bị… ta vẫn còn thua kém địch khá nhiều.

Bằng chiến thắng trong chiến dịch tiến công địch ở Hòa Bình Đông-Xuân 1951-1952; ở Tây Bắc Thu-Đông 1952, đặc biệt là chiến thắng trong chiến dịch vận động tiến công, truy kích địch ở Thượng Lào (phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước Lào) tháng 4/1953, quyền chủ động chiến lược của ta đã mở rộng ra toàn miền Bắc Đông Dương.

Trong khi đó, thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự, bị động đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực ta. Tình thế cuộc chiến tranh ngày càng bi đát và bế tắc, khiến Chính phủ Pháp phải tính đến việc tìm cách kết thúc, thoát ra khỏi cuộc chiến ở Đông Dương sao cho đỡ mất mặt nhất. Tướng Henri Navarre đã được Chính phủ Pháp cử sang làm Tổng chỉ huy đạo quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương (thay tướng Salan bị triệu hồi) để gánh vác "sứ mệnh" nặng nề đó.

Henri Navarre đã nhanh chóng tìm hiểu tình hình và đề ra một kế hoạch tổng thể cả về chính trị và quân sự nhằm giành lại quyền chủ động chiến trường, đánh một đòn quyết định trước khi bước vào đàm phán trên thế mạnh với ta để kết thúc chiến tranh.

Kế hoạch của Navarre về quân sự dự kiến chia làm hai bước, bước một từ Thu Đông 1953 đến Xuân Hè 1954 tránh giao chiến với chủ lực ta, tập trung xây dựng khối cơ động chiến lược ở miền Bắc, tiến hành bình định miền Nam và các tỉnh tự do ở Liên khu 5. Bước thứ hai, từ mùa Thu 1954, sau khi đã bình định Nam Bộ, Trung Bộ và đã xây dựng được khối cơ động chiến lược, sẽ tổ chức giao chiến lớn với chủ lực ta ở miền Bắc nhằm tạo nên một cục diện quân sự có lợi cho Pháp khi xúc tiến một giải pháp chính trị kết thúc chiến tranh.

Vào cuối tháng 8/1953, sau khi nắm được nội dung cơ bản của Kế hoạch Navarre, Tổng Quân ủy đã trình Bộ Chính trị Trung ương Đảng bản Đề án "Tình hình địch-ta ở Bắc Bộ sau khi địch rút khỏi Nà Sản và chủ trương tác chiến của ta trong Thu Đông 1953."

Bản Đề án cho rằng, Bộ chỉ huy Pháp quyết định rút bỏ tập đoàn cứ điểm Nà Sản (từ ngày 9-12/8/1953) nhằm tập trung lực lượng về Đồng bằng Bắc Bộ, tiến tới giành lại chủ động trên chiến trường trọng yếu này. Về lực lượng của ta ở Bắc Bộ, Tổng Quân ủy đánh giá là chưa chiếm ưu thế so với địch nên cũng chưa có khả năng thể hiện được ưu thế binh lực tuyệt đối trên hướng chính trong một chiến dịch ở đồng bằng. Vì thế, muốn tổ chức đánh lớn ở đồng bằng, bộ đội chủ lực cần phải giải quyết về mặt chiến thuật và tư tưởng vì phải tác chiến với quân cơ động của Pháp có phi pháo yểm trợ, phải đánh cả ban ngày và đánh địch cố thủ trong công sự kiên cố…

Đây là những khó khăn đối với bộ đội chủ lực, nên Tổng Quân ủy chỉ nêu yêu cầu bộ đội chủ lực dùng những phương thức hoạt động thích hợp để tiêu diệt từng bộ phận nhỏ sinh lực địch, hỗ trợ chiến tranh du kích phát triển.

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động ở Thượng Lào và ở các chiến trường khác để phân tán khối cơ động chiến lược của địch đang co cụm ở Đồng bằng Bắc Bộ. Các đại đoàn chủ lực như 308, 320 nhận được lệnh bố trí lực lượng sẵn sàng đề phòng địch đánh lên Việt Bắc, đánh ra Chi Nê, Nho Quan, đồng thời tập trung huấn luyện bộ đội đánh công kiên và đánh vận động, đánh ban ngày trong điều kiện quân địch có máy bay, pháo binh yểm trợ.

Để triển khai Kế hoạch Navarre, Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương đề nghị Chính phủ Pháp tăng viện hai sư đoàn (rút từ khối Bắc Đại Tây Dương - NATO). Chính phủ Mỹ đã dành khoản viện trợ đặc biệt 385 triệu đô la cho đạo quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Đến giữa tháng 9/1953, số quân cơ động của Pháp ở Đồng bằng Bắc Bộ đã lên tới tám binh đoàn bộ binh và dù; bảy binh đoàn xe thiết giáp, hai binh đoàn xe lội nước. Bộ chỉ huy Pháp chủ động mở hàng loạt cuộc hành quân ở Đồng bằng Bắc Bộ như Clốt, Cá Măng, trù tính đánh ra Tây Nam Ninh Bình, vùng tự do Liên khu 5…

Tổng chỉ huy Navarre yêu cầu cấp dưới phải hành động nhanh hơn đối phương, phải điều khiển chiến trận… nắm quyền chủ động bằng cách phóng ra những cuộc hành quân chớp nhoáng, đúng lúc, cho đến khi Việt Minh thật sự cảm thấy là họ bị săn đuổi.

Trước kế hoạch và hành động của địch, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh nghiên cứu xác định phương án tác chiến mới thích hợp, tập trung vào việc phân tán lực lượng cơ động của địch.

Bộ Tổng tham mưu đã xây dựng phương án tác chiến, nội dung chính là đẩy mạnh chiến tranh du kích trên các chiến trường để giam chân, tiêu hao địch; mở một số chiến dịch tiến công trên các địa bàn chiến lược hiểm yếu, nhưng địch sơ hở, buộc chúng phải điều lực lượng cơ động đến đối phó. Nếu địch tiến công ra vùng tự do, tập trung chủ lực đánh tiêu diệt lớn.

Trên cơ sở của phương án tác chiến mới, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp mở rộng tại núi Hồng, Định Hóa, Thái Nguyên, vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/1953, bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh trình bày chủ trương đưa một số đơn vị chủ lực lên hoạt động ở Tây Bắc, phối hợp với bộ đội Pathét Lào mở các đợt hoạt động, tiến công tại những nơi địch sơ hở để buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó. Đồng thời, đẩy mạnh chiến tranh du kích trên các chiến trường, đặc biệt là ở Đồng bằng Bắc Bộ.

Phương châm tác chiến được Bộ Chính trị xác định là "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt." Chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 là sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng địch tạm kiểm soát.

Cụ thể, trên chiến trường miền Bắc, sử dụng một bộ phận chủ lực mở cuộc tiến công đánh lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Đề nghị phối hợp với Pathét Lào mở cuộc tiến công ở Trung Lào, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng. Vì hành động của quân địch chưa rõ rệt nên trước mắt bố trí bộ phận quan trọng chủ lực tại một địa điểm cơ động, giấu kín lực lượng, sẵn sàng hành động. Nếu địch tăng cường lực lượng cho Tây Bắc, sẽ điều chủ lực lên để tiêu diệt…

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị, kết luận về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động thì có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa.

Trên cơ sở phương án tác chiến được xác định, Bộ Tổng tham mưu đã xây dựng kế hoạch sử dụng các đơn vị chủ lực và phối hợp tác chiến trên các chiến trường.

Như vậy, đến trung tuần tháng 10/1953, Kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 đã được thông qua và xúc tiến triển khai. Đại đoàn 316 nhận được lệnh tiến công tiêu diệt quân Pháp ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc. Sau khi giải phóng Lai Châu, Trung đoàn 148 sẽ phối hợp với bộ đội Pathét Lào tiến công giải phóng Phongxalỳ.

Giữa tháng 11 năm 1953, Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc. Tình báo Pháp phát hiện sự chuyển quân này, ngay lập tức báo cáo cho Tổng chỉ huy Navarre. Sự phản ứng tức thời của Bộ chỉ huy Pháp, cụ thể là của Navarre, đưa quân dù lên chốt chặn ở Điện Biên Phủ, vừa ngăn không cho chủ lực ta tiến lên Lai Châu, đặc biệt là tiến sang Lào, đã tạo nên một bước ngoặt có lợi cho cuộc kháng chiến và gây ra hậu quả tồi tệ cho cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Từ đây, Điện Biên Phủ từ chỗ không được nhắc đến trong kế hoạch của Navarre cũng như kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của ta, lại nhanh chóng trở thành tâm điểm trong kế hoạch điều hành của cả hai bên.

Chọn Điện Biên Phủ - Một quyết định lịch sử

Ngày 20/11/1953, trong khi cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên, được Bộ Tổng tư lệnh triệu tập, đang dự cuộc họp phổ biến kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, thì Navarre vội vã tung 6 tiểu đoàn lên chiếm đóng Điện Biên Phủ. Sự bị động đối phó của Pháp bắt đầu bộc lộ.

Mặc dù Bộ chỉ huy Pháp lúc đó vừa kết thúc chiến dịch Hải Âu với 32 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh, thiết giáp tham chiến, có cả hải quân và không quân yểm trợ, đánh vào khu vực Rịa, Nho Quan và phía Bắc Thanh Hóa, đang tỏ ra chủ quan về cái gọi là giành lại được "sự chủ động" trên chiến trường, nhưng chỉ cần một hoạt động tác chiến của ta đang triển khai một cách bình thường như vậy đã khiến kế hoạch của Bộ chỉ huy Pháp bị đảo lộn hoàn toàn, buộc phải quay sang đối phó với hoạt động của ta.

Động thái này của quân Pháp, với việc bị động chấp nhận cuộc quyết đấu ở Điện Biên Phủ, càng minh chứng cho chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt, nhạy bén khi đề ra kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, lại càng tỏ rõ sự đúng đắn, quyết đoán kịp thời khi quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, dồn toàn lực cho trận đánh quyết định này.

Quyết định chọn Điện Biên Phủ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua báo cáo và sự chuẩn bị, xây dựng kế hoạch chiến dịch của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu, dựa trên các căn cứ sau:

Một là, cuộc kháng chiến đã lớn mạnh, đang ở giai đoạn liên tiếp mở ra các chiến dịch chủ động tiến công quân Pháp. Thế và lực của cuộc kháng chiến đến thời điểm đó cho phép mở trận quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh.

Hai là, mặc dù so sánh lực lượng về quân sự còn thua kém địch cả về quân số (ta 290.000/địch 449.000), vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh, nhưng trình độ và kinh nghiệm tác chiến của bộ đội đã được nâng lên rất nhiều. Hình thức phòng ngự kiểu tập đoàn cứ điểm tuy bộ đội ta chưa đánh thắng được nhưng không phải là hoàn toàn mới mẻ và không thể đánh thắng được, một khi có cách đánh phù hợp, có pháo binh hạng nặng và tập trung ưu thế binh lực áp đảo địch trong phạm vi một chiến dịch.

Ba là, Bộ chỉ huy quân Pháp đã tỏ rõ sự bị động về chiến lược và chiến dịch khi đem một lực lượng lớn quân cơ động tinh nhuệ lên địa bàn Điện Biên Phủ xa xôi, chỉ có thể tiếp tế bằng đường không, tổ chức phòng ngự, chờ bộ đội ta tiến công để đối phó lại. Đây là một tính toán sai lầm của Tổng chỉ huy Navarre dựa trên sự đánh giá sai lầm và chủ quan về khả năng tiến công của đối phương, mà ta có thể lợi dụng để đánh bại kẻ thù bằng ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm của toàn quân, toàn dân.

Bốn là, chủ trương của Đảng, căn cứ vào thực tiễn chiến trường, không phải và không thể đánh tiêu diệt hoàn toàn đạo quân Pháp xâm lược, mà tập trung lực lượng vào một đòn quyết định nhằm đánh sụp ý chí tiếp tục chiến tranh, buộc Bộ chỉ huy Pháp phải thừa nhận một thực tế là không thể thắng Việt Nam bằng sức mạnh quân sự. Thực tế là, sau thất bại to lớn ở Điện Biên Phủ, toàn bộ hơn 16.000 quân địch phòng thủ trong tập đoàn cứ điểm này bị tiêu diệt, bị thương, bị bắt sống tuy chỉ chiếm 4% tổng binh lực của đội quân viễn chinh Pháp và quân đội các quốc gia liên kết (thân Pháp hoặc do Pháp chỉ huy) ở Đông Dương, nhưng ý chí xâm lược đã hoàn toàn bị tiêu tan bởi hình thức phòng ngự cao nhất của Pháp cuối cùng cũng đã bị đánh bại.

Năm là, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân, toàn dân đều thể hiện sự quyết tâm chiến đấu cao, lòng tin vào thắng lợi. Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh đã dự kiến các tình huống, những hạn chế, khó khăn có thể xảy ra cũng như những yêu cầu thực tế đặt ra phải giải quyết cả về cách đánh tập đoàn cứ điểm, huy động tập trung lực lượng, đảm bảo hậu cần kỹ thuật cho tác chiến dài ngày, đường sá, cũng như việc kéo pháo vào trận địa… Đây là kết quả của những cố gắng nằm ngoài sức tưởng tượng của Bộ chỉ huy Pháp nhưng lại nằm trong khả năng thực hiện của quân và dân ta.

Sáu là, quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc," khi tình hình mặt trận đã thay đổi, địch đã tăng cường lực lượng và bố phòng kiên cố, khi khả năng đánh bại tập đoàn cứ điểm chưa đám bảo chắc chắn, cũng là một quyết định lịch sử, góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng.

Bảy là, quyết định chọn Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược còn mang ý nghĩa lịch sử ở chỗ đây là đòn phối hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao rất nhịp nhàng, đúng lúc và hiệu quả. Tháng 11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo Thụy Điển Expressen, đưa ra khả năng đàm phán ngoại giao để giải quyết cuộc chiến tranh. Tháng 1/1954, hội nghị bốn nước lớn họp tại Berlin quyết định triệu một hội nghị quốc tế tại Geneva vào ngày 26/4/1954 để bàn việc giải quyết vấn đề Triều Tiên và cuộc chiến tranh Đông Dương.

Một sự tình cờ thú vị, theo lịch trình, hội nghị Geneva bàn về chiến tranh Đông Dương sẽ họp vào ngày 8/5/1954, thì chiều ngày 7/5, quân và dân ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo điều kiện rất thuận lợi cho cuộc đàm phán.

Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và giành được thắng lợi vang dội trong chiến dịch đó sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, còn là một đòn đánh mang tính quyết định vào ý đồ của Chính phủ Pháp ở Paris và Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương hòng giành một thắng lợi quân sự để bước vào đàm phán trên thế mạnh, rút ra khỏi cuộc chiến tranh hao người, tốn của "trong danh dự."

Quyết định lịch sử mở chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố là sự lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, quyết đoán, kịp thời của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh; sự đồng tâm nhất trí, đoàn kết một lòng, dồn toàn lực cho chiến thắng ở giai đoạn cuối cuộc kháng chiến. Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình và lâu dài của Đảng đã được thể hiện rõ ràng nhất, có sức thuyết phục nhất bằng quyết định lịch sử này.

      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Đánh thẳng vào "dạ dày" của địch tại Điện Biên Phủ

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ 0324_b10
Bộ đội ta hành quân vào Điện Biên Phủ
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch hiệp đồng binh chủng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam sau gần 9 năm đương đầu với quân xâm lược Pháp. Trong chiến dịch này, có sự đóng góp quan trọng của Trung đoàn pháo cao xạ 367-Trung đoàn phòng không đầu tiên của Quân đội ta và cũng là đơn vị đầu tiên của Quân chủng Phòng không-Không quân.

Lực lượng phòng không của ta tham gia chiến dịch gồm một trung đoàn pháo cao xạ 37mm, 5 tiểu đoàn và một số đại đội súng máy phòng không 12,7mm được biên chế trong các đại đoàn bộ binh. Trong khi đó, quân Pháp huy động tới 80% trong tổng số gần 400 máy bay ở Đông Dương bao gồm các loại trinh sát, ném bom, cường kích… và được Mỹ viện trợ một số lượng lớn máy bay vận tải hiện đại để thiết lập cầu hàng không từ Hà Nội, Hải Phòng chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Như vậy, xét về thế trận đất đối không, với ưu thế về vũ khí, trang bị kỹ thuật và phương tiện chiến tranh, không quân Pháp-Mỹ hoàn toàn có thể làm chủ bầu trời Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, thực tế diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ không phản ánh một cách đơn thuần tương quan lực lượng so sánh bằng những con số thống kê. Trước đòn tiến công mạnh mẽ và thế trận bao vây chặt chẽ từ bốn phía của quân ta, quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã rơi vào thế bị động, bị cô lập, phải đối mặt với tình trạng khốn quẫn: lực lượng, vũ khí, trang bị, đạn dược bị tiêu hao không được bù đắp; lương thực, thực phẩm không được cung cấp, thương binh không được cứu chữa kịp thời... Con đường tiếp tế duy nhất còn lại cho Biên Biên Phủ là đường hàng không, nếu bị ta cắt đứt thì quân địch bị cô lập hoàn toàn.

Nắm được điểm yếu cốt tử đó của địch, để nhanh chóng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo các lực lượng, nòng cốt là lực lượng phòng không, hiệp đồng tác chiến với quân và dân trên các mặt trận, kiên quyết tiến công, khống chế đường không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp viện của địch bằng các biện pháp chính sau:

Sử dụng lực lượng đặc công tập kích các sân bay - điểm đầu cầu hàng không của địch

Để thiết lập được một cầu hàng không bao giờ cũng phải có hai yếu tố cơ bản là căn cứ xuất phát và căn cứ hạ cánh, hay còn gọi là điểm đầu và điểm cuối. Do đó, muốn cắt cầu hàng không của địch, chúng ta cần phải tổ chức đánh địch cả ở hai điểm cầu và trên đường bay.

Đánh địch tại căn cứ xuất phát thường đạt hiệu quả cao vì mục tiêu đánh phá cố định ở trên mặt đất, nên dễ đánh trúng và đạt hiệu quả cao. Nhưng các sân bay của địch lại nằm ở vùng địch hậu và được canh gác rất cẩn mật, khó tổ chức đánh phá. Trong khi chưa có các phương tiện tiến công đường không để thực hiện tập kích từ trên không vào các sân bay, ta đã sử dụng lực lượng đặc công đột nhập vào đánh phá các sân bay.

Với ý chí quyết tâm cùng sát cánh chia lửa với các chiến sỹ ngoài mặt trận Điện Biên Phủ, bằng bản lĩnh dũng cảm ngoan cường và sự mưu trí sáng tạo, các chiến sỹ đặc công ở Hà Nội, Hải Phòng, đã dày công nghiên cứu để tìm ra quy luật bố trí canh phòng sân bay của địch và phương pháp đột nhập phù hợp vào đánh phá sân bay địch.

Vào những ngày công tác chuẩn bị chiến đấu ở Điện Biên Phủ đang trong thời kỳ nước rút thì tin chiến thắng từ các chiến trường phối hợp dồn dập bay về, động viên kịp thời các lực lượng chiến đấu của ta ở chiến trường trọng điểm. Các trận tập kích của lực lượng đặc công vào các sân bay Gia Lâm, Cát Bi và Đồ Sơn đã gây tổn thất lớn cho địch (hơn 80 máy bay bị phá hủy, nhiều kho xăng dầu và kho bom bị bốc cháy), làm giảm sút nghiêm trọng khả năng hoạt động chi viện ở các đầu cầu hàng không, gây cho tướng tá và binh lính địch có tâm lý hoang mang, lo sợ.

Sử dụng lực lượng pháo binh pháo kích khống chế các sân bay không cho địch hạ cánh, buộc chúng phải thả dù tiếp tế trên không

Khi chiến dịch mở màn (13/3/1954), cùng với việc bắn chế áp các trận địa pháo binh, các lô cốt và hỏa điểm của địch, lực lượng pháo binh chiến dịch đã bắn cấp tập vào các sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm, phá hủy những máy bay đang đậu trên sân bay, bắn cháy các kho xăng dầu. Các đợt tiếp theo, pháo binh ta tiếp tục bắn khống chế sân bay làm cho phi công địch không dám mạo hiểm hạ cánh xuống sân bay mà phải chuyển sang phương pháp thả dù tiếp viện.

Thả dù tiếp viện nên địch chỉ có thể tăng viện bằng các đơn vị dù và những phương tiện vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm và thuốc men, chứ không thể tăng viện các đơn vị bộ binh đơn thuần trong khi lực lượng dù trong quân đội Pháp lại không có nhiều; hàng hóa được thả từ trên không dễ bị tản mát, rất khó thu lượm, thậm chí còn bị rơi sang trận địa của quân ta. Mặt khác, máy bay không dám mạo hiểm hạ cánh xuống sân bay, nên không thể đưa các binh sỹ bị thương vong ra khỏi cứ điểm. Điều này gây tác động tâm lý rất lớn đến tinh thần chiến đấu của binh lính địch khi số bị thương vong ngày càng tăng.

Lực lượng pháo binh, pháo kích khống chế sân bay, không cho máy bay địch hạ cánh, buộc chúng phải thả dù tiếp viện từ trên không nên đã hạn chế đáng kể hiệu quả sử dụng cầu hàng không của địch.

Sử dụng lực lượng bộ binh, công binh thắt chặt hệ thống chiến hào, bao vây thu hẹp phạm vi hoạt động của địch

Với cách đánh “vây, lấn, tấn, chiếm,” lực lượng của ta đã từng bước loại bỏ và làm chủ được các cứ điểm vòng ngoài, buộc địch phải co cụm vào phân khu trung tâm. Vòng vây chiến hào của ta ngày càng thắt chặt lại, khu vực chiếm đóng của địch ngày càng bị thu hẹp. Các đơn vị bộ binh, pháo binh đã tích cực đánh địch, chế áp địch, chi viện hỏa lực cho bộ đội cao xạ trong quá trình cơ động chiến đấu, triển khai trận địa để tạo vùng hỏa lực phòng không bao vây không phận của địch. Khi không gian tác chiến của địch ngày càng bị thu hẹp, không gian tác chiến của ta ngày càng rộng thì địch càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thả dù tiếp viện; phần lớn hàng tiếp tế của địch bị ta thu được.

Cuốn “Nhật ký chiến sự” của Jean Pouget ghi nhận: Ngày 1/4, hơn một nửa số hàng thả rơi ngoài vị trí. Ngày 6/4, hơn mười khẩu pháo không giật 75mm thả xuống Điện Biên, lính Pháp chỉ thu được hai khẩu, số còn lại coi như làm quà cho Việt Minh. Ngày 9/4, trong tổng số 195 tấn hàng tiếp tế đã thả chỉ thu được 6 tấn. Cứ như vậy, chiến hào của ta càng vào sát địch bao nhiêu thì hiệu quả thả dù tiếp tế của địch càng thấp.

Sử dụng lực lượng phòng không khống chế, bao vây trên không, ngăn chặn, cắt đứt cầu hàng không

Cùng với lực lượng bộ binh, công binh từng bước bao vây, thắt chặt vòng vây ở dưới mặt đất, các đơn vị phòng không đã nhanh chóng cơ động bám sát bộ binh và triển khai trận địa ngay trên cánh đồng Mường Thanh, thiết lập được vùng hỏa lực phòng không bao trùm, khống chế toàn bộ không phận của đối phương. Song song với việc đánh máy bay ném bom và máy bay cường kích của địch để bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành chiến đấu, các đơn vị phòng không đã tập trung hỏa lực đánh tiêu diệt các máy bay vận tải thả hàng tiếp viện.

Trước đó, mọi hoạt động trên không là ưu thế tuyệt đối của địch, thì nay khi gặp phải lưới lửa phòng không dày đặc đang từng bước khép chặt không phận buộc phi công địch phải nâng độ cao để thực hiện đánh phá và thả dù hàng, thậm chí còn không dám thả dù vào ban ngày mà phải chuyển sang thả dù vào ban đêm. Do máy bay vừa phải cơ động tránh hỏa lực phòng không, vừa phải thả dù ở độ cao lớn, nên hàng tiếp viện bị tản mát nhiều, rơi sang trận địa của ta.

Không tin vào trình độ lái của phi công Pháp, Mỹ lập cầu hàng không gồm 29 máy bay vận tải hạng nặng C-119 do phi công của Mỹ lái và đích thân tướng Mỹ chỉ huy. Đây là sự giúp đỡ, nhưng cũng là thủ đoạn để Mỹ nhằm dần dần hất cẳng Pháp và từng bước can thiệp sâu hơn vào chiến tranh Đông Dương.

Khi lưới lửa phòng không của ta đã khép chặt vòng vây trên không, thì trình độ lái của phi công Mỹ cũng tỏ ra không hơn gì các phi công Pháp. Ngày 19/4/1954, chiếc máy bay vận tải C-119 được mệnh danh là “cọp bay” do phi công Mỹ lái lên vùng trời Điện Biên Phủ để thả hàng tiếp tế cho quân Pháp đã bị hỏa lực phòng không của ta bắn rơi tại chỗ. Đây là chiếc máy bay và tổ lái đầu tiên của Mỹ bị tiêu diệt trên chiến trường Đông Dương. Từ đó, các phi công Mỹ không dám thực hiện thả dù ở độ thấp. Ngày 27/4, đàn “Cọp bay” do phi công Mỹ lái lên thực hiện thả dù hàng ở độ cao đã bị dạt sang trận địa của ta 65 tấn hàng, còn đoàn máy bay vận tải Đacôta do phi công Pháp lái thả dù dạt sang quân ta 20 tấn.

Vào những ngày cuối của chiến dịch, trước lưới lửa phòng không dày đặc của ta thì ý chí và bản lĩnh của phi công Pháp và phi công Mỹ cùng bị thui chột, không dám liều mạng để thực hiện nhiệm vụ; các máy bay vận tải do phi công của Pháp cũng như Mỹ lái đã không dám bay vào vùng trời Điện Biên Phủ để thả dù tiếp tế cho đồng bọn mà phải bay về căn cứ vì sợ lưới lửa hỏa lực phòng không của ta. Không còn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm tiếp viện, quân số bị thương vong ngày càng nhiều không được đưa đi cấp cứu kịp thời đã làm cho tinh thần của binh lính địch rối loạn, không còn đủ ý chí để kháng cự.

Như vậy, khống chế đường không, cắt đứt nguồn tiếp tế duy nhất bằng cầu hàng không cho quân đồn trú của địch ở Điện Biên Phủ là cách đánh hiểm, đánh thẳng vào “dạ dày” của địch. Các hoạt động tác chiến khống chế đường không, bao vây trên không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp vận của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, nhịp nhàng của nhiều lực lượng, thực hiện đánh địch cả ở dưới mặt đất lẫn trên không: lực lượng đặc công tập kích sân bay đầu cầu hàng không; lực lượng bộ binh thực hiện vây, lấn, tấn, chiếm để thu hẹp phạm vi chiếm đóng; lực lượng pháo binh bắn phá hủy máy bay, chế áp sân bay; lực lượng phòng không thu hẹp không phận, tiến tới bao vây trên không, cắt cầu hàng không của địch.

Trong 56 ngày đêm chiến đấu, Trung đoàn pháo cao xạ 367 đã bắn rơi 52 trong tổng số 62 máy bay các loại của địch, hoàn thành tốt các nhiệm vụ: bảo vệ giao thông vận chuyển; bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành và hiệp đồng cùng các lực lượng khống chế đường không, cắt đứt cầu hàng không tiếp vận của địch cho quân đồn trú ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thực tiễn tác chiến phòng không trong chiến dịch cho thấy, lực lượng phòng không, nòng cốt là Trung đoàn pháo cao xạ 367, tuy mới được xây dựng nhưng đã nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, làm chủ được vũ khí trang bị kỹ thuật phức tạp, sáng tạo ra nhiều hình thức chiến thuật, nhiều cách đánh hay để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến tranh giải phóng.

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ 0324_p10
Pháo binh ta sẵn sàng nổ súng để tiêu diệt địch ở cứ điểm Điện Biên Phủ
Những nét tiêu biểu của nghệ thuật sử dụng lực lượng phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ gồm:

Một là tuyệt đối giữ bí mật để tạo bất ngờ, giành thế chủ động đánh địch

Trong suốt quá trình tổ chức hành quân, trú quân, chuẩn bị chiến dịch, đặc biệt là trong quá trình tổ chức kéo pháo và triển khai tại các trận địa tiếp cận địch, các đơn vị phòng không đã áp dụng linh hoạt nhiều biện pháp để bảo đảm giữ bí mật tuyệt đối cho sự xuất hiện một binh chủng mới tại chiến dịch.

Với sự xuất hiện bất ngờ của pháo cao xạ, chúng ta đã làm đảo lộn mọi tính toán chiến dịch của địch, làm cho phi công địch từ chỗ hết sức chủ quan chuyển sang hoang mang lo sợ và buộc phải giải quyết nhiều vấn đề mới nảy sinh về chiến thuật, kỹ thuật mà không phải lúc nào chúng cũng có thể làm ngay được.

Hai là tổ chức sử dụng lực lượng phòng không phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến chiến dịch

Khi bước vào chiến dịch, ta đã sử dụng toàn bộ các tiểu đoàn súng máy phòng không và hai tiểu đoàn pháo cao xạ bảo vệ bộ đội binh chủng hợp thành tiến công; sang giai đoạn 2, ta tăng cường thêm một tiểu đoàn pháo cao xạ. Như vậy, ta đã sử dụng 50% số tiểu đoàn pháo cao xạ trực tiếp chiến đấu trong đội hình chiến dịch, số còn lại làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông vận chuyển và hậu phương chiến dịch. Do được tăng cường thêm lực lượng và bố trí hợp lý, nên chúng ta đã xây dựng được thế trận phòng không hợp lý, có lực lượng đánh máy bay cường kích và máy bay ném bom, có lực lượng đánh máy bay vận tải thả hàng tiếp tế, nên đã hạn chế được đáng kể hoạt động của không quân địch.

Ba là, tập trung lực lượng phòng không trên hướng tiến công chủ yếu, cho các trận đánh then chốt và trong thời cơ quan trọng

Chiến dịch đã sử dụng 3 tiểu đoàn pháo cao xạ trực tiếp chiến đấu bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành tiến công, nhưng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có không gian rộng lớn, nên lực lượng phòng không của ta vẫn rất mỏng. Vì vậy, căn cứ vào thực lực trang bị và từng thời điểm của chiến dịch, chúng ta đã tập trung lực lượng cho hướng chủ yếu, các trận đánh then chốt và các thời cơ quan trọng, nhằm tạo ra sức mạnh đánh thắng không quân địch trong từng trận đánh và kịp thời cơ động chuyển hóa thế trận theo sự phát triển tiến công của bộ đội binh chủng hợp thành.

Ở đợt 1 của chiến dịch, trong trận tiến công cụm cứ điểm Him Lam, chiến dịch đã sử dụng 2 tiểu đoàn pháo cao xạ và các tiểu đoàn súng máy phòng không bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành tiến công. Cả 2 tiểu đoàn pháo cao xạ được bố trí tập trung ở các khu vực có thể đánh máy bay địch trực tiếp chi viện cho bộ binh tiến công, nên khi 24 máy bay Hencát và Henđivơ bay vào chuẩn bị bổ nhào đánh vào tuyến xuất phát tiến công của bộ binh cũng như các trận địa pháo binh ta, thì cả hai tiểu đoàn pháo cao xạ đều nổ súng tham gia đánh địch, bảo vệ an toàn cho bộ binh, pháo binh, đồng thời chi viện được cho nhau.

Sau trận mở màn chiến dịch thắng lợi, ta nhanh chóng di chuyển trận địa theo sát bộ binh, yểm trợ cho các đại đoàn 312, 308 đánh cụm cứ điểm Độc Lập, bao vây, đánh chiếm cụm cứ điểm Bản Kéo. Sang đợt 2, khi được tăng cường Tiểu đoàn pháo cao xạ 381, lực lượng phòng không càng bám sát đội hình của bộ đội binh chủng hợp thành và sáng tạo ra các hình thức chiến đấu cơ động, phục kích, đón lõng, đánh đêm… Trong cả hai đợt 1 và 2, địch đã bị bất ngờ về thời cơ, khu vực xuất hiện cũng như mật độ hỏa lực của lực lượng phòng không.

Bước vào đợt 3, các tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm tiếp tục cơ động áp sát Mường Thanh, Hồng Cúm. Vùng hỏa lực của các đại đội pháo cao xạ cùng với hỏa lực của súng máy phòng không đã trùm lên nhau và phủ kín khu vực chiếm đóng còn lại của địch, bảo vệ đắc lực cho bộ đội binh chủng hợp thành tiến công giành thắng lợi hoàn toàn ở thời điểm quyết định của chiến dịch.

Bốn là kịp thời tăng cường lực lượng, điều chỉnh thế trận phòng không đáp ứng yêu cầu bảo vệ giao thông vận tải chiến dịch

Trong chiến dịch, không chỉ có địch gặp khó khăn về tiếp tế, tiếp viện, mà cả ta cũng gặp rất nhiều khó khăn đối với công tác bảo đảm chiến dịch. Điện Biên Phủ ở xa hậu phương và các căn cứ, đường vận tải ít và xấu, khả năng hậu cần tại chỗ rất mỏng, mọi nhu cầu nhân lực, vật lực cho tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đều phải huy động, vận chuyển từ xa đến.

Biết rõ khó khăn của ta, địch đã sử dụng không quân đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm để phá hoại và chặn các tuyến vận tải của ta lên mặt trận. Đặc biệt, tại các trọng điểm giao thông, bom đạn địch tạo ra nhiều điểm chết làm tắc nghẽn toàn bộ hệ thống giao thông, gây khó khăn lớn cho ta về bảo đảm hậu cần chiến dịch.

Trong đợt 2 chiến dịch, cả Pháp và Mỹ tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến giao thông vận chuyển, chiến dịch đã kịp thời tăng cường thêm Tiểu đoàn 396 pháo cao xạ 37mm để hình thành thế trận bảo vệ giao thông từ hậu phương đến trung tuyến và hỏa tuyến; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu cơ động và bám trụ, tập trung lực lượng bảo vệ các trọng điểm, nên đường giao thông vận chuyển chiến dịch liên tục thông suốt.

Năm là sáng tạo và phát triển các hình thức chiến thuật

Trong điều kiện rừng núi có nhiều góc che khuất, các đơn vị phòng không đã căn cứ vào nhiệm vụ chiến đấu, đặc điểm về địch, địa hình và kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu để nghiên cứu, tìm ra cách đánh hợp lý, sáng tạo, vận dụng linh hoạt những hình thức chiến thuật để đánh địch có hiệu quả; tìm mọi biện pháp cơ động bám sát đội hình bộ binh, thực hiện đánh địch trên không, đồng thời sẵn sàng đánh địch mặt đất để yểm trợ, chi viện cho bộ binh tiến công.

Để bảo vệ những đoạn đường đèo, đơn vị phòng không đã đưa pháo lên các mỏm núi cao để bám sát mục tiêu cần bảo vệ; đồng thời đặt các trận địa chốt trên những hướng máy bay địch thường bay qua và cơ động phục kích hai bên sườn đèo, bắn rơi nhiều máy bay địch, bảo vệ tốt các đoạn đường xung yếu.

Trong các trận đánh, bộ đội phòng không đã kết hợp linh hoạt giữa sử dụng hỏa lực tập trung với hỏa lực phân tán phù hợp với tình huống địch trên không; vận dụng linh hoạt các phương pháp bắn trong trường hợp xác định đủ phần tử và cả khi mây mù không xác định được phần tử; nắm vững tính năng vũ khí, chuẩn bị sẵn các phần tử, thực hiện biện pháp lấy dấu chuẩn để sẵn sàng đánh máy bay thả dù.

Sáu là kết hợp đánh địch với phòng tránh địch đánh phá, chiến đấu với xây dựng phát triển lực lượng đáp ứng yêu cầu tác chiến

Để thực hiện được nhiệm vụ tác chiến phòng không trong suốt quá trình chiến dịch, các đơn vị phòng không đã thường xuyên củng cố và duy trì sức chiến đấu liên tục bằng nhiều biện pháp khác nhau, như lợi dụng địa hình rừng núi để ngụy trang che giấu trận địa, sở chỉ huy nhằm tránh địch trinh sát, đánh phá để bảo toàn lực lượng; xây dựng hệ thống công sự hầm hào hoàn chỉnh để hạn chế thương vong trước hỏa lực của không quân, pháo binh địch, đảm bảo cho bộ đội có điều kiện chiến đấu dài ngày, liên tục cả ngày lẫn đêm; khắc phục mọi khó khăn, vận động nhanh cùng bộ binh tiếp cận địch để hạn chế khả năng đánh phá của không quân và pháo binh địch; thường xuyên chủ động cơ động đội hình phù hợp với yêu cầu tác chiến, tạo được thế có lợi bất ngờ đánh địch mà địch không đánh trúng trận địa của ta; biết kết hợp vừa chiến đấu, vừa huấn luyện tân binh ngay tại mặt trận, nên đã kịp thời bổ sung quân số và có lực lượng dự trữ đến cuối chiến dịch để tiếp tục chiến đấu.

Kinh nghiệm khống chế đường không, chặn đường tiếp vận của địch bằng cách chủ động tiến công địch ngay tại căn cứ xuất phát của địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được vận dụng một cách sáng tạo trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...

      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Chiến dịch Điện Biên Phủ - Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ 1704_d10
Lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng được cắm trên nóc hầm tướng De Castries
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử. Từ sau sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đó, về phía người chiến thắng và phía kẻ thua trận, vẫn chưa lý giải hết nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của sự thắng, thua đó.

Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi muốn trở lại với những gì đã xảy ra trong bao tháng ngày gian khổ và hào hùng đã qua, để quy đến ngọn nguồn của chiến thắng.

Điều đầu tiên phải khẳng định rằng không thể có đột nhiên một chiến thắng tầm cỡ như thế nếu không có chín năm kháng chiến gian lao mà anh dũng, đồng bào, chiến sỹ ta phải hy sinh nhiều của, nhiều người; không có những chiến công oanh liệt từ Nam Bộ Thành đồng kháng chiến, Hà Nội kìm chân quân Pháp trong thành phố, chiến thắng Việt Bắc, chiến thắng Biên giới... và phải có cả những chiến dịch không thành công để rút ra kinh nghiệm chỉ đạo chiến dịch.

Điện Biên Phủ là điểm hội tụ, kết tinh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sự hội tụ, kết tinh thắng lợi đó quy về cội nguồn thì đó chính là từ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Trong mọi hoạt động của mỗi người hay cả cộng đồng người, bao giờ cũng vậy, muốn thành công phải có bản lĩnh và trí tuệ. Bản lĩnh là sự vững vàng, kiên định. Trí tuệ là sự minh mẫn, sáng suốt. Bản lĩnh và trí tuệ thường hòa quyện và thống nhất với nhau. Phải có sự vững vàng, kiên định về tư tưởng thì mới minh mẫn, sáng suốt trong cách nghĩ, cách làm. Mặt khác, phải có sự minh mẫn, sáng suốt mới vững vàng, tự tin, dám làm và quyết làm.

Trong chiến tranh, điều này thể hiện càng rõ. Tổ chức hay người lãnh đạo, chỉ huy có bản lĩnh vững vàng mới dám đánh và quyết đánh. Có dám đánh và quyết đánh mới sáng suốt biết đánh, tìm ra cách đánh.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, đáng lẽ nhân dân Việt Nam được sống trong độc lập, hòa bình để kiến thiết nước nhà và chăm lo cuộc sống, nhưng thực dân Pháp hiếu chiến ỷ vào đội quân xâm lược nhà nghề cùng máy bay, xe tăng, tàu chiến trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Chúng hạ tối hậu thư, bắt quân dân ta hạ vũ khí đầu hàng, trở lại cuộc sống nô lệ.

Song, Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi thiêng liêng của non sông, là quyết tâm của toàn thể quân dân Việt Nam: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.” (trích "Hồ Chí Minh, Toàn tập," Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H. 2002, tập 4, trang 480).

Cả nước đứng lên kháng chiến với đường lối toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Quân dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của giặc Pháp. Đến năm 1953, ta đã hoàn toàn giành thế chủ động trên chiến trường, càng đánh, càng mạnh, càng thắng. Quân Pháp càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng.

Để cứu vãn tình thế, Thu-Đông 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cho ra đời kế hoạch Navarre (tên viên Trung tướng, nguyên Tổng Tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương, một nhân tài quân sự trẻ tuổi của quân đội Pháp, được cử sang làm Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương) với hành động và ý đồ là: Tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, tăng thêm quân ngụy, xây dựng lực lượng cơ động mạnh, tập trung quân cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ, mở những chiến dịch lớn ra vùng căn cứ kháng chiến, giành thắng lợi có tính quyết định trong vòng 18 tháng để hướng tới một giải pháp chính trị trên thế mạnh.

Kế hoạch Navarre tuy ra đời trong thế thua, thế bị động, nhưng không kém phần nguy hiểm, vì đây là cố gắng cao nhất và cuối cùng của Pháp, lại được nhà cầm quyền Mỹ ủng hộ và chi viện lớn. Đến tháng 3/1954, Navarre đã đưa quân số lên 480.000, tổ chức thành 286 tiểu đoàn; trong đó có 85 tiểu đoàn Âu-Phi và tập trung gần 50% lực lượng quân đội, gần 50% lực lượng cơ động (44 tiểu đoàn) trên toàn chiến trường Đông Dương ra đồng bằng Bắc Bộ, coi đây là “vị trí then chốt của Đông Nam Á.”

Về phía ta, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đã họp bàn kế hoạch chiến lược Đông-Xuân (1953-1954). Mặc dù vào lúc này, quân số của địch hơn ta nhiều, vũ khí trang bị của chúng đầy đủ và hiện đại hơn hẳn ta, nhưng Bộ Chính trị đã đề ra phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” với nguyên tắc chỉ đạo về quân sự là “tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt”. Đó là một quyết tâm chiến lược rất cao.

Hướng chiến lược được lựa chọn là Tây Bắc. Để phá tan kế hoạch tập trung quân cơ động của địch, ta cũng mở nhiều chiến dịch tiến công ở các hướng Trung, Hạ Lào, Tây Nguyên, Thượng Lào và đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng địch tạm chiếm buộc địch phải rải quân ra nhiều hướng để giữ các vị trí chiến lược.

Thực hiện triển khai hướng tiến công chính là Tây Bắc, giữa tháng 11/1953, Đại đoàn 316 lên đường theo hướng Lai Châu. Lúc này, ở Tây Bắc, quân Pháp chỉ còn chiếm đóng Lai Châu, còn toàn bộ vùng Tây Bắc là vùng giải phóng của ta.

Giữa lúc có một không khí lạc quan về việc thực hiện kế hoạch Navarre trong giới chức Pháp-Mỹ thì Bộ Chỉ huy địch nhận được tin tức tình báo có một đơn vị chủ lực quân đội Việt Nam hành quân lên hướng Tây Bắc.

Không thể để mất toàn bộ vùng địa quân sự quan trọng Tây Bắc-Thượng Lào, ngày 20/11/1953, Navarre cho nhảy dù sáu tiểu đoàn cơ động tinh nhuệ xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ. Tiếp đó, Bộ Chỉ huy quân Pháp lại nhận được tin có nhiều đơn vị chủ lực, kể cả những đơn vị thiện chiến nhất của Việt Nam di chuyển lên hướng Tây Bắc. Hướng tiến công Tây Bắc của đối phương rõ dần.

Bộ Chỉ huy quân Pháp tính rằng với việc chiếm giữ vị trí chiến lược then chốt Điện Biên Phủ, sẽ có điều kiện để mở rộng chiếm giữ cả vùng Tây Bắc và Thượng Lào, đồng thời buộc ta phải chấp nhận một trận công kiên lớn mà ưu thế thuộc về phía Pháp với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại hơn hẳn đối phương.

Đế quốc Mỹ còn tính xa hơn, Điện Biên Phủ là một căn cứ lục quân, không quân lợi hại, có thể phục vụ cho mưu đồ xâm lược của Mỹ ở Đông Nam Á sau này. Vì thế, cần phải giữ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào.

Với lực lượng mạnh, được tổ chức phòng ngự vững chắc, được chi viện bằng không quân, Điện Biên Phủ sẽ trở thành nơi thu hút, gây tổn thất lớn cho quân chủ lực Việt Nam. Như thế, đồng bằng Bắc Bộ sẽ không bị uy hiếp, lực lượng cơ động của Pháp sẽ có thời cơ bình định đồng bằng và mở những chiến dịch tiến công quy mô lớn vào vùng căn cứ kháng chiến, làm thay đổi so sánh lực lượng và thế chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương.

Một vấn đề đặt ra là Điện Biên Phủ ở giữa vùng rừng núi xa xôi, tiếp tế khó khăn, nhưng Navarre và giới quân sự Pháp, Mỹ tính toán chủ quan rằng vấn đề tiếp tế hậu cần của quân Pháp ở Điện Biên Phủ có thể khắc phục được nhờ sự chi viện bằng đường không của Pháp, Mỹ.

Trái lại, về phía Việt Nam, từ trung tâm hậu phương kháng chiến đến Điện Biên Phủ gần 500km đường mòn luồn rừng, leo núi, việc vận tải tiếp tế chủ yếu bằng gánh bộ sẽ khó khăn gấp bội, không thể giải quyết được nhu cầu hậu cần của hàng vạn quân. Cân nhắc thuận lợi, khó khăn của hai bên, theo họ, phần thắng chắc chắn thuộc về phía Pháp.

Từ tính toán đó, Navarre quyết định rút quân từ Lai Châu về Điện Biên Phủ, đồng thời tăng viện, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm 21 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, ba tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng, một đại đội xe vận tải và một phi đội không quân thường trực 14 máy bay, tổng quân số lên tới 16.200 quân (chiếm 1/3 lực lượng quân cơ động của Pháp tập trung trên chiến trường Bắc Bộ), phần lớn là các đơn vị Âu-Phi tinh nhuệ, ngoài ra còn một số đơn vị lính ngụy được huấn luyện dài ngày và trang bị vũ khí tốt.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí 49 cứ điểm, tổ chức thành tám cụm cứ điểm liên hoàn. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng thủ, một trung tâm đề kháng, có lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, có hỏa lực mạnh, có các hàng rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc xung quanh ngăn chặn đường tiến công từ ngoài vào.

Sân bay chính Mường Thanh và sân bay dự bị Hồng Cúm có thể hạ cánh gần 100 lượt máy bay mỗi ngày và chuyên chở khoảng 200-300 tấn quân dung, thả dù từ 100-150 binh sỹ.

Navarre còn dành 80% số máy bay của Pháp ở Đông Dương xuất phát từ sân bay Cát Bi, Gia Lâm và có sự chi viện của máy bay Mỹ từ tàu sân bay ở Vịnh Hạ Long thường xuyên bắn phá ác liệt vào đội hình chiến đấu và các tuyến đường vận tải tiếp tế của Việt Nam. Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ gồm các sỹ quan được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm chiến trường.

Với một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có trong chiến tranh Đông Dương như thế, Bộ Chỉ huy quân Pháp huênh hoang Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm và thách thức quân đội kháng chiến Việt Nam nghênh chiến. Họ tin chắc sẽ thu hút và “nghiền nát chủ lực đối phương” và đây sẽ là giải pháp quyết định thắng lợi cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp, Mỹ.

Như thế, Điện Biên Phủ ban đầu không có trong kế hoạch Navarre, nay đã trở thành quyết chiến điểm của kế hoạch Navarre.

Phía ta, từ khi địch nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh đã củng cố quyết tâm xác định Tây Bắc là hướng tác chiến chính và dự kiến phương án tác chiến tiến công Điện Biên Phủ.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp, nghe Tổng Quân ủy trình bày kế hoạch tác chiến mùa Xuân 1954, trong đó có phương án tác chiến tiến công Điện Biên Phủ và nhấn mạnh trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay.

Bộ Chính trị đánh giá Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng lại có cái yếu cơ bản là bị cô lập, ở rất xa hậu phương địch, mọi tiếp tế vận chuyển đều phải dựa vào đường không.

Đối với ta, Điện Biên Phủ cũng là nơi xa hậu phương, khó khăn về tiếp tế hậu cần cũng là rất lớn, nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả tiền tuyến và hậu phương, ta có khả năng khắc phục được và quân dân ta chắc chắn đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ.

Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tương quan lực lượng, điều kiện thực tại và triển vọng tình hình của hai bên, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy và chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Về tầm quan trọng của chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tập thể Bộ Chính trị nhận định: “ Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với tình hình quân sự và chính trị ở Đông Dương, đối với sự trưởng thành của quân đội ta cũng như đối với công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới có một ý nghĩa rất quan trọng.” (trích "Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập," Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H. 2001, tập 15, trang 88).

Bộ Chính trị quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh chiến dịch.

Thực hiện trận đối đầu lịch sử này, suốt mấy tháng trời chuẩn bị chiến dịch, Trung ương Đảng, Chính phủ, Hội đồng cung cấp mặt trận, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận đã huy động, tổ chức, chỉ huy quân và dân ta ngày đêm bạt rừng, xẻ núi, mở hàng nghìn kilômét đường giao thông cho bộ đội ta chuyển quân, kéo pháo, chuẩn bị trận địa.

Một lực lượng quân sự lớn chưa từng có được huy động cho chiến dịch: 55.000 quân thuộc năm đại đoàn, nhiều trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh chủ lực và các binh chủng kỹ thuật, cấp tập hành quân, tập kết siết chặt vòng vây, chuẩn bị giáng đòn sấm sét vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Để bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, hơn 260.000 dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong đã ngày đêm vừa làm đường, vừa vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm dưới làn bom đạn địch đáp ứng yêu cầu của mặt trận. Đó thực sự là những thử thách khốc liệt mà đồng bào ta đã vượt qua.

Trong chuẩn bị chiến dịch, cũng phải kể đến sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc, Liên Xô chi viện cho ta nhiều pháo mặt đất, pháo phòng không, xe vận tải, phương tiện vật chất kỹ thuật, quân trang, quân dụng cùng sự chia sẻ kinh nghiệm của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc.

Với tinh thần “ Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng,” đồng bào và chiến sỹ ở các địa phương, các chiến trường đã đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch và đẩy mạnh tiến công làm cho địch bị tổn thất nặng nề, hình thành thế trận phối hợp tuyệt vời với Điện Biên Phủ.

Trung tâm và tiêu biểu cho bản lĩnh, trí tuệ của quân, dân ta là trên mặt trận Điện Biên Phủ. Lúc đầu, Bộ Tham mưu chiến dịch, có sự tham gia ý kiến của đoàn cố vấn Bạn, xác định phương án tác chiến là “Đánh nhanh, giải quyết nhanh,” dùng ưu thế binh lực, hỏa lực đánh thọc sâu vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, rồi trong đánh ra, ngoài đánh vào, giành thắng lợi hoàn toàn trong thời gian ngắn. Mọi việc chuẩn bị cho phương án đó đã hoàn tất, người, súng đã vào vị trí sẵn sàng chờ lệnh tiến công.

Đại tướng Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp tổng kiểm tra lần cuối. Ông thấy phương án “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” bộ đội sẽ thương vong nhiều mà không đảm bảo chắc thắng. Muốn chắc thắng phải thay đổi phương án tác chiến, từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc.”

Với bản lĩnh của một vị tư lệnh chiến trường, “tướng quân tại ngoại,” có trách nhiệm trước hết với thắng lợi của chiến dịch, trước xương máu của chiến sỹ, đồng bào, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã họp bàn tập thể Đảng ủy chiến dịch và có một quyết định lịch sử: Hoãn cuộc tiến công, chuẩn bị lại theo phương án “Đánh chắc, tiến chắc.”

Vì tình hình cấp bách, ông quyết định triển khai rồi mới cho người về báo cáo với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Phương án này được giấu kín, nghi binh khiến cho địch bất ngờ. Đó là sự thể hiện bản lĩnh và trí tuệ hòa quyện nhuần nhuyễn với nhau.

Ngày 13/3/1954, quân ta khai hỏa tiến công như vũ bão vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm với ba đợt chiến đấu vô cùng dũng cảm, gan dạ, mưu trí, chiều 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc thắng lợi chiến dịch. Toàn bộ quân địch gồm 16.200 tên và Bộ Chỉ huy do tướng De Castries cầm đầu đã bị tiêu diệt và đầu hàng. Điện Biên Phủ được giải phóng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ do nhiều nguyên nhân cụ thể từ phía ta, cả từ những toan tính sai lầm của địch, nhưng quy đến ngọn nguồn thì đó là chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ của Bác Hồ, của Đảng, của những vị chỉ huy tài ba cũng như của toàn thể quân và dân Việt Nam. Bản lĩnh và trí tuệ ấy luôn là tiềm năng quý giá của dân tộc ta, biết khơi dậy, phát huy sẽ thành sức mạnh vĩ đại trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

      
Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

Người Pháp: Chiến thắng Điện Biên Phủ là tất yếu lịch sử

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Linh2010
Lính Pháp tại Điện Biên Phủ (ảnh: authentichistory)
Dù là bên thua cuộc, các sĩ quan và nhà nghiên cứu Pháp đều xem chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam là không tránh khỏi.

Câu hỏi “Vì sao quân Pháp đã thua tại Điện Biên Phủ?” ám ảnh rất nhiều cựu chiến binh Pháp suốt 60 năm qua. Mỗi người, từ anh lính dù nhỏ chỉ biết tuân mệnh lệnh cho tới những thượng úy, đại tá lãnh đạo quân đội, đã cố gắng tìm ra một câu trả lời. Và họ cũng như các nhà nghiên cứu đã gặp nhau ở kết luận chung rằng trận đánh của những người con quyết tâm giành lại độc lập dân tộc chiến thắng là tất yếu.

“Ngọn gió tất yếu của lịch sử” là cụm từ mà nhà sử học Alain Rouscio sử dụng để nói ngắn gọn về chiến thắng Điện Biên Phủ cho quân dân Việt Nam. Dĩ nhiên, “tất yếu” ở đây bao hàm nhiều yếu tố, gồm cả những nỗ lực không mệt mỏi của cả một dân tộc để đạt được một kết quả tưởng chừng giản đơn mà vô cùng gian nan là hòa bình, độc lập; tất yếu vì chủ nghĩa thực dân muốn đè nén một dân tộc khác thì phải bị tiêu diệt.

Bên phi nghĩa bất khả chiến thắng

Nhận thức được điều này, một số người Pháp khi ấy đã dám đánh cược cả mạng sống để phản đối chiến tranh tại Việt Nam, một đất nước ở rất xa mà họ không hề biết đến. Với bà Raymond Dien, người phụ nữ đã nằm trên đường ray ngày 23/2/1950 để chặn đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam, thì việc ngăn chặn tội ác của chính quyền thực dân là một điều “tất yếu” phải làm.

Trả lời phóng viên Đài TNVN, bà Raymond Dien lý giải rất giản đơn thế này: “Tôi chỉ nghĩ rằng có những người đàn ông, phụ nữ, trẻ em bị giết mỗi ngày bởi cuộc chiến. Trường học, bệnh viện, những ngôi chùa, cầu đường bị tàn phá mỗi ngày. Và cần phải ngăn chặn tội ác đó”.

Với một số người dân Pháp còn chưa hiểu, còn hận thù sau trận Điện Biên Phủ, nhà sử học Alain Rouscio, tác giả cuốn “Võ Nguyên Giáp – một cuộc đời” đã nhắc đến chính “ngọn gió lịch sử của sự phi thực dân hóa” để giải thích: “Tôi luôn giải thích rằng ở Điện Biên Phủ, không phải nước Pháp mà là chủ nghĩa thực dân Pháp đã thua. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nói rằng kẻ thù của Việt Nam là hệ thống thực dân Pháp muốn đè nén dân tộc Việt Nam và vì thế người Việt phải chiến đấu chống lại”.

Sự tất yếu về một dân tộc đoàn kết một lòng dùng hết sức lực để chống lại chủ nghĩa thực dân, ở vào thời điểm ấy, chính quyền và quân đội Pháp đã không nhìn nhận được. Minh chứng là sau thất bại tại Điện Biên Phủ, phải rút khỏi Đông Dương, Pháp vẫn tiếp tục chiến tranh tại Algeria mà không thể tưởng tượng được rằng thông điệp về hòa bình, độc lập dân tộc từ Điện Biên Phủ lại có sức lan tỏa toàn cầu và tác động lớn đến như thế. Tất yếu, nước Pháp cũng đã thua tại Algeria.

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Dien2010
Bà Raymond Dien
Với nhà làm phim lịch sử Daniel Roussel, người từng nhiều lần được gặp, trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì chính câu nói của Đại tướng đã lý giải tất cả sự tất yếu đó: “Có lần Đại tướng đã nói với tôi là tại sao lại hỏi nhiều về chiến tranh thế, vì ông là “một vị tướng của hòa bình”. Ông nói mình buộc phải tiến hành chiến tranh là vì hòa bình. Có những cuộc chiến tranh chính nghĩa để giải phóng dân tộc và Điện Biên Phủ là một cuộc chiến như thế.

Chiến thắng của cả dân tộc

“Bộ đội Việt minh đã thắng vì họ xứng đáng như thế” - đó là suy nghĩ của hạ sỹ nhất trong tiểu đội lính dù số 4 Pierre Bonny, ngay vào thời khắc đau buồn nhất là biết quân Pháp thua trận và bản thân bị bắt làm tù binh.

“Tôi dành sự đánh giá cao đối với bộ đội Việt Nam. Khi tôi bị bắt làm tù binh, tôi tận mắt chứng kiến những đoàn xe thồ kéo dài gần như bất tận, không ngưng nghỉ, chở mọi thứ lên Điện Biên Phủ, từ gạo, ngô cho đến vũ khí hạng nhẹ,” Bonny nói. “Những người chở hàng này không ngồi xe đạp mà chất mọi thứ lên đó và đẩy xe lên. Đó là chưa kể những người gánh đồ tiếp viện bằng quang gánh trên đôi vai. Nhờ thế mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nuôi được hơn 30.000 bộ đội ở Điện Biên Phủ và giành chiến thắng. Điện Biên Phủ là chiến thắng của toàn bộ dân tộc Việt Nam, tất cả người dân đều góp phần chứ không chỉ riêng quân đội”.

Cũng theo ông Bonny, trong khi quân và dân Việt Nam đoàn kết và quyết tâm, thì phía bộ chỉ huy của Pháp liên tục mắc sai lầm.

Ông Bonny nói tiếp: “Về phía Pháp, các tư lệnh chỉ huy đã phạm một sai lầm nghiêm trọng, đó là đánh giá sai khả năng tiếp viện của các máy bay. Các máy bay Pháp đã buộc phải hạ cánh rất sớm vì bị pháo phòng không Việt Minh vây ráp nên việc tiếp viện không thể kéo dài, quân Pháp trong các cứ điểm gặp quá nhiều khó khăn. Một bên là sự dũng cảm của bộ đội Việt Nam, một bên là sai lầm trong chỉ huy của các tướng lĩnh, thế nên các bạn chiến thắng là xứng đáng và tất yếu”.

Đánh giá thấp đối phương - Sai lầm của Bộ chỉ huy Pháp

Theo Đại tá Jacques Allaire, khi ấy là thượng úy chiến đấu trong binh đoàn lính dù số 6 dưới sự chỉ huy của tướng Marcel Bigeard, thì “quân Pháp không có một lý do chính đáng nào để chiến thắng” và hạ thấp đối thủ là sai lầm lớn nhất của bộ chỉ huy Pháp.

Ông phân tích : “Tôi còn nhớ lần cuối cùng tướng Navarre và Cogny đến Điện Biên Phủ thị sát, đã hỏi tướng DeCastre là các anh có đủ quân không? Các anh có cần thêm một vài binh đoàn tiếp viện không? Tướng DeCastre đã nói rằng các ông cứ yên tâm, chúng ta có đủ người để đẩy lùi bộ đội Việt. - Chính sự khinh địch ở tầm chỉ huy cao ấy đã khiến quân Pháp phải thua. Chúng tôi không có một lý do chính đáng nào để chiến thắng. Chính quyền Pháp thì thay đổi đến 19 lần trong 9 năm khiến trắng đen lẫn lộn. Trong khi đó quân và dân Việt Nam đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau trận Nà Sản, bộ chỉ huy Pháp tưởng rằng có thể chiến thắng và quyết định tấn công vào Điện Biên Phủ nhưng họ đã nhầm. Những người bộ đội mới là những người chiếm ngự các ngọn đồi – vì đó là đất nước của họ”.

Ông Allaire cũng đã có sự so sánh về quân đội Bảo Đại – những người tự xưng là theo "chủ nghĩa dân tộc” với bộ đội Việt Minh khi ấy: “Tôi biết nhiều người trong quân đội Bảo Đại, họ không có động lực và quyết tâm nào, họ không đại diện cho ước nguyện của người dân Việt và không dám hy sinh mạng sống vì Tổ Quốc. Trong khi đó, bộ đội Việt Minh là những người lính thực thụ với quyết tâm, lòng dũng cảm và đạo đức”.

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Dien2011
Alain Rouscio

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Dien2012
Daniel Roussel, mhà làm phim Cuộc chiến Hổ và Voi
Theo đánh giá của đại tá Allaire cùng một số nhà nghiên cứu lịch sử Pháp, quân đội nhân dân Việt Nam có sự trưởng thành mạnh mẽ qua thời gian, đặc biệt là rút kinh nghiệm từ thất bại ở trận Nà Sản để tìm hiểu cách đánh của quân Pháp, và dần tích lũy vũ khí.

Với quyết tâm và lòng dũng cảm, cả dân tộc đồng lòng chiến đấu, quân và dân Việt Nam đã tạo nên một chiến thắng mà Pháp không thể đảo ngược, chấm dứt sự cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam cũng như tạo động lực cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới tiếp tục cuộc đấu tranh phi thực dân hóa, giành độc lập dân tộc.

Nguồn: VOV
      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Những tấm gương anh hùng trong chiến thắng Điện Biên Phủ
60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Anh_1_10Phan Đình Giót lấy thân mình bịt lỗ châu mai
ANTĐ - Để góp phần vào sự thành công của chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã có biết bao tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn xuân xanh. Họ, những người chiến sỹ mang trên mình một tình yêu Tổ Quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèm pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên để xông vào sở chỉ huy, rồi cắm cờ lên lô cốt Him Lan…

Anh hùng Phan Đình Giót


Phan Đình Giót sinh năm 1922 ở xóm Tam Quang, thôn Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, trong một gia đình rất nghèo đã mấy đời chịu cảnh cày thuê, cuốc mướn. Bố mất sớm, hai anh em sống cùng mẹ trong một ngôi nhà tranh dột nát, siêu vẹo. Đói quá, không có cái ăn Phan Đình Giót và em trai phải đi ở cho địa chủ từ lúc lên 6, lên 7.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cùng với bạn bè cùng trang lứa anh xin tham gia tự vệ chiến đấu. Đến năm 1950 thì anh xung phong đi bộ đội chủ lực. Những trận đánh có Phan Đình Giót đều lập được chiến công, có lần anh chích máu viết bản quyết tâm thư gửi lên đại đoàn, thể hiện chí khí hiên ngang của một con người đã giác ngộ và đi theo cách mạng. Chí khí đó, lòng dũng cảm đó của Phan Đình Giót đã được ghi nhận.

Sống tập thể trong một môi trường quân đội, Phan Đình Giót luôn tự giác gương mẫu về mọi mặt, hết lòng yêu thương giúp đỡ đồng đội và sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khó khăn về mình, anh được các đồng đội rất quý mến. Phan Đình Giót tham gia rất nhiều các chiến dịch lớn như: Trung Du; Hòa Bình; Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ…

Mùa đông năm 1953, đơn vị anh được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hành quân gần 500km, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng, nhưng Anh vẫn kiên trì giúp đồng đội về đến đích. Trong nhiệm vụ xẻ núi, mở đường kéo pháo lên đèo xuống dốc vào trận địa rất gay go gian khổ, anh đã nêu cao tinh thần gương mẫu, bền bỉ và động viên anh em chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên.

Chiều 13/3/1954, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo. Các chiến sĩ đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín và bị thương ở đùi, nhưng vẫn xung phong đánh quả tiếp theo. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa ta, đồng đội bị thương rất nhiều.

Lòng căm thù quân giặc lên cao, Phan Đình Giót lao lên đánh liên tiếp hai quả nữa phá toang hàng rào cuối cùng, mở thông đường để đồng đội lên đánh sập lô cốt đầu cầu. Lợi dụng thời cơ địch hoang mang, anh lao lên bám chắc lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Anh bị thương ở vai và đùi, máu chảy rất nhiều. Thế nhưng bất ngờ từ hỏa lực lô cốt số 3 của địch bắn rất mạnh vào đội hình của ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại, anh cố gắng nhích mình lên gần lại lô cốt số 3 với ý nghĩ cháy bỏng duy nhất là dập tắt lô cốt này. Anh đã dùng hết sức còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai và hét to: “Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân”, rồi dướn người lấy đà lao cả tấm ngực thanh xuân vào bịt kín lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phan Đình Giót hy sinh lúc 22h30p ngày 13/3/1954 ở tuổi 34. Phan Đình Giót được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 31/3/1955. Khi hy sinh, anh là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, được tặng Huân chương Quân công hạng nhì.

Anh hùng Tô Vĩnh Diện

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ TajzhkAnh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Vĩnh Diện
Tô Vĩnh Diện sinh năm 1924, ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo, lên 8 tuổi đã phải đi ở cho địa chủ, suốt 12 năm đi ở đợ anh luôn phải chịu bao cảnh áp bức, bất công. Năm 1946 anh tham gia dân quân ở địa phương, đến năm 1949 anh xung phong đi bộ đội.

Tháng 5/1953, quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ để chuẩn bị đánh lớn. Tô Vĩnh Diện được điều về làm tiểu đội trưởng một đơn vị pháo cao xạ. Trong quá trình hành quân cơ động trên chặng đường hơn 1.000km tới vị trí tập kết để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, anh luôn nhận những nhiệm vụ khó khăn, nặng nhọc, động viên giúp đỡ đồng đội kéo pháo đến nơi an toàn.

Trong lúc kéo pháo qua những chặng đường nguy hiểm, cũng như nghỉ dọc đường, anh luôn nhắc nhở đồng đội chuẩn bị chu đáo và tự mình đi kiểm tra tỉ mỉ dây kéo pháo, xem xét từng đoạn đường, từng con dốc rồi phổ biến cho anh em để tránh những bất ngờ xảy ra.

Qua 5 đêm kéo pháo ra đến dốc Chuối, đường hẹp cong và rất nguy hiểm, anh cùng đồng chí pháo thủ Lê Văn Chi xung phong lái pháo. Đến nửa chừng, dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc, anh vẫn bình tĩnh giữ càng lái cho pháo thẳng đường. Nhưng một trong bốn dây kéo pháo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh, đồng chí Chi bị hất văng ra. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em “Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo”, và anh buông tay lái xông lên phía trước, lấy thân mình chèn vào bánh pháo, nhờ đó các anh em đồng đội kịp ghìm giữ pháo lại. Tấm gương hy sinh vô cùng anh dũng của anh đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Khi hy sinh anh là Tiểu đội trưởng pháo cao xạ 37 ly, thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.

Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 7/5/1955, Tô Vĩnh Diện được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng Bế Văn Đàn

Bế Văn Đàn sinh năm 1931, ở xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, cha làm thợ mỏ, mẹ mất sớm, tham gia hoạt động du kích từ ngày còn nhỏ tuổi. Năm 1948 anh xung phong vào bộ đội giữa lúc cuộc chiến tranh Đông Dương đang diễn ra quyết liệt.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ta lúc bấy giờ đang ở giai đoạn quyết liệt, Đảng cộng sản Đông Dương quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954, đơn vị hành quân đi chiến dịch, anh được phân công làm liên lạc tiểu đoàn. Một đại đội của tiểu đoàn được giao nhiệm vụ bao vây giữ Pháp ở Mường Pồn. Lúc đó khi thấy lực lượng của Việt Minh ít, quân Pháp tập trung hai đại đội có phi pháo yểm trợ liên tiếp phản kích, nhưng cả hai lần chúng đều bị quân Việt Minh đánh bại. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt, quân Pháp liều chết xông lên, quân Việt Minh kiên quyết ngăn chặn chốt giữ.

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Anh_3_10
Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng
Nhận lệnh cho đại đội quyết tâm giữ ở Mường Pồn bằng bất cứ giá nào, tạo điều kiện các đơn vị khác triển khai lực lượng, thực hiện các chủ trương của chiến dịch. Mặc dù Bế Văn Đàn vừa đi công tác về nhưng khi thấy chỉ huy thông báo, anh đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Anh vượt qua lưới đạn dày đặc của Pháp, xuống truyền đạt mệnh lệnh cho đại đội kịp thời, chính xác. Trận đấu càng ngày càng diễn ra ác liệt hơn, anh được lệnh ở lại đại đội chiến đấu cùng đồng đội.

Quân Pháp phản kích lần thứ ba, mở đường tiến, đại đội Việt Minh bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của Chu Văn Pù cũng không bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, anh không ngần ngại chạy lại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn nói: “Kẻ thù trước mắt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi”. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, anh bị thêm hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình. Sự hy sinh của Bế Văn Đàn đã trở thành tấm gương tiểu biểu trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Khi hy sinh, anh là tiểu đội phó, Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Trong đại hội mừng công của đơn vị Bế Văn Đàn được truy tặng danh hiệu Huân chương Chiến công hạng Nhất và được bình bầu là chiến sĩ thi đua số một của tiểu đoàn. Ngày 31/8/1955, Bế Văn Đàn được Quốc hội nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì.

Anh hùng Trần Can

Trần Can sinh năm 1931 ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ngay từ khi còn nhỏ Can đã rất thích vào bộ đội để được cầm súng giết giặc cứu nước. Khi lớn lên anh đã ba lần viết đơn xin tình nguyện đi bộ đội, nhưng vì sức khỏe yếu nên đến lần thứ tư, năm 1951, mới được chấp thuận.

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Anh_4_10Anh hùng Trần Can
Từ khi vào bộ đội, Trần Can chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, chỉ huy hết sức linh hoạt. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn ác liệt, anh đều kiên quyết dẫn đầu đơn vị vượt lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã hai lần anh bị thương nhưng vấn tiếp tục chiến đấu, chỉ huy đơn vị kiên quyết tiến công tiêu diệt địch. Tấm gương Trần Can đã thiết thực cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công sôi nổi trong toàn đơn vị.

Trong trận đánh đồi Him Lam mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Can được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội thọc sâu diệt sở chỉ huy và cắm lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của Hồ Chủ Tịch giao cho quân đội, lên đồn Pháp. Khi nổ súng mặc cho hỏa lực quân Pháp bắn ra dữ dội, anh dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên, chọc thẳng vào sở chỉ huy như một mũi dao nhọn cắm vào giữa tim gan địch, rồi nhảy lên lô cốt cắm lá cờ. Sau đó anh chỉ huy tiểu đội diệt lính Pháp còn lại trong hầm ngầm, bắt sống 25 tên và tịch thu nhiều vũ khí.

Trong trận đánh điểm cao 507, anh dũng cảm dẫn đầu tiểu đội xông lên áp đảo quân Pháp, chiếm mỏm cột cờ. Lính Pháp bắn đạn dữ dội và cho quân địch chiếm lại. Ta với Pháp giành giật nhau từng thước đất hết sức quyết liệt. Anh cùng đồng đội kiên quyết giữ vững và tiến công đánh bại 4 đợt phản kích của địch, chúng xông lên trong đợt công kích thứ năm, chúng ném lựu đạn tới tấp trước khi xung phong. Trần Can nhặt lựu đạn ném lại và chỉ huy đơn vị nhảy lên bờ hào đánh ráp lá cà. Cán bộ đại đội bị thương vong hết, bản thân Trần Can cũng bị thương nhưng anh vẫn quyết tâm thay thế cán bộ đại độ chỉ huy bộ đội chiến đấu suốt đêm.

Sáng hôm sau anh tập trung thương binh nhẹ lại, động viên bộ đội, chấn chỉnh tổ chức, củng cố trận địa. Quân Pháp lại phản kích dữ dội, mong đánh bại quân ta, giành cửa ngõ tiến vào Mường Thanh. Trần Can chỉ huy đơn vị đánh tan đợt pháo kích của chúng, kiên quyết giữ vững trận địa, tạo thế cho đơn vị tiến vào Mường Thanh. Anh đã hy sinh anh dũng sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, ngày kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Khi hy sinh Trần Can là Đại đội phó bộ binh thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Liệt sĩ Trần Can được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.
      
Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

Lực lượng Công an nhân dân góp phần xứng đáng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Image_14Công an khu Tây Bắc tiễu phỉ ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, phục vụ công tác bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu)
Cách đây 60 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ trên toàn thế giới. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng tháng Tám, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới: Miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất đất nước. Chiến thắng Điện Biện Phủ đã ghi thêm một trang sử oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, được ví như chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Trong thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Công an nhân dân.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ; lực lượng Công an được giao nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch. Thứ Bộ Công an (nay là Bộ Công an) xác định rõ: “Công tác bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn này”. (Công an nhân dân Việt Nam lịch sử biên niên (1945 - 1954), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 380).

Từ những kinh nghiệm trong công tác bảo vệ chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, đáp ứng quy mô và tầm quan trọng của chiến dịch Điện Biện Phủ, Thứ Bộ Công an đã thành lập “Ban Công an tiền phương” nằm trong Hội đồng cung cấp Mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch; ở một số địa phương, trước hết là các tỉnh Tây Bắc, đã lập ra các “Ban Công an tiền phương” trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch. Các Ban Công an tiền phương đã được Thứ Bộ Công an giao nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng, các ngành tham gia chiến dịch, tập trung bảo vệ đội ngũ dân công, bảo vệ an toàn giao thông - vận tải, bảo vệ kho tàng, bảo vệ các cuộc hành quân, nơi trú quân của bộ đội; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của bọn tình báo, gián điệp, biệt kích, phỉ, phản động ở cả vùng hậu phương và trên toàn tuyến mặt trận.

Lực lượng Công an đã chủ động tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch. Tại những khu vực có cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, lực lượng Công an đã phát động phong trào “Phòng gian, bảo mật”, tổ chức cho quần chúng tham gia giám sát, phát hiện những người lạ mặt, những hoạt động nghi vấn; lập các trạm gác và kiểm tra giấy tờ, kịp thời phát hiện bọn gián điệp, chỉ điểm trà trộn trong số cán bộ các cơ quan của ta hoặc đồng bào khu vực các cơ quan đóng quân để thâm nhập điều tra, phá hoại. Ở những địa bàn Bộ Chỉ huy chiến dịch đóng quân, lực lượng Công an đã phối hợp với lực lượng Bảo vệ quân đội thiết lập trạm gác và thành lập các đội tuần tra, canh gác bảo vệ trước khi Bộ Chỉ huy chiến dịch chuyển đến và tổ chức nhiều tuyến canh phòng nghiêm ngặt, trong đó Công an bảo vệ tuyến ngoài. Ban Công an tiền phương đã phối hợp với lực lượng bảo vệ của Trung ương và quân đội bố trí lực lượng bảo vệ trên các tuyến đường, nhất là ở những đầu mối giao thông, những nơi hiểm trở, mà kẻ địch dễ lợi dụng mai phục, ám sát. Mặc dù tình hình chiến sự diễn ra ác liệt, kẻ địch chống phá bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an với Quân đội và các lực lượng khác có liên quan và sử dụng đồng bộ biện pháp công tác Công an, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo, cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã được bảo đảm bí mật, tuyệt đối an toàn trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.

Để bảo đảm thắng lợi của chiến dịch Điện Biện Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã tăng cường hàng chục nghìn tấn vũ khí, đạn dược; huy động hơn 260.000 dân công, 628 xe ô tô, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 mảng nứa, hơn 800 ngựa thồ cùng hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ để vận chuyển hơn 2 vạn tấn lương thực trên tuyến đường hàng nghìn kilômét từ các tỉnh Thanh – Nghệ - Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng... đến Điện Biên Phủ. Trong quá trình phục vụ chiến dịch, thực dân Pháp đã tung nhiều toán gián điệp, cài người vào nội bộ ta, thu thập tin tức nơi đóng quân, việc chuyển quân, hàng hóa và kho tàng của ta để chỉ điểm cho máy bay địch bắn phá. Trước tình hình đó, lực lượng Công an đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, quân đội và các ngành chức năng tiến hành các biện pháp bảo vệ an toàn về người, hàng hóa phục vụ chiến dịch, đập tan âm mưu, hoạt động phá hoại của địch; phát động phong trào quần chúng “Phòng gian bảo mật” với khẩu hiệu “Ba không” sâu rộng trong nhân dân, nhất là dọc các tuyến đường từ hậu phương ra mặt trận. Qua đó, ý thức cảnh giác của quần chúng được nâng cao, đã phát hiện cho Công an nhiều tên gián điệp, chỉ điểm; tham gia ngụy trang kho tàng, bến bãi, nơi đóng quân, chuyển quân và tham gia bảo vệ hàng hóa vận chuyển ra chiến trường. Song song với công tác vận động, tổ chức quần chúng tham gia phong trào “Phòng gian bảo mật”, lực lượng Công an đã tiến hành điều tra, nghiên cứu, phân loại, điều chuyển số đối tượng nghi là gián điệp, chỉ điểm, cơ sở mạng lưới của chúng và những đối tượng nguy hiểm khác ra khỏi địa bàn xung yếu, làm trong sạch địa bàn, bảo đảm an toàn cho quân đội, dân công, hàng hóa ra mặt trận.

Đối với lực lượng dân công tham gia chiến dịch, quán triệt chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, lực lượng Công an đã phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức xét duyệt, lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức, nhiệt tình cách mạng, tình nguyện tham gia phục vụ chiến dịch. Ban Công an tiền phương đã tham mưu với Hội đồng cung cấp mặt trận biên chế dân công thành các đại đội, trung đội, tiểu đội; phát động phong trào “Phòng gian, bảo mật”, “Ba không”; phổ biến quy tắc giữ gìn bí mật, cách thức phòng, chống máy bay địch bắn phá hoặc tập kích trên đường hành quân, vận chuyển. Trong các lán trại hay các trạm nghỉ chân, cán bộ Công an được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ thường xuyên bám sát các đoàn dân công để tổ chức công tác bảo vệ. Trên các tuyến đường quan trọng, lực lượng Công an đặt các đồn, trạm kiểm soát người và phương tiện qua lại; tổ chức các đội tuần tra vũ trang kiểm soát; tại các bến phà trọng điểm, lực lượng Công an phối hợp với lực lượng bảo vệ quân đội thành lập các ban bảo vệ, tổ chức sắp xếp, điều động cho các xe chở quân, kéo pháo, chở vũ khí, lương thực, hàng hóa. Các đồn, trạm Công an thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác, thiết lập vành đai bảo vệ, kịp thời phát hiện bọn phá hoại, phòng, chống cháy, nổ.

Để bảo đảm yêu cầu giữ bí mật, phòng, chống các hoạt động do thám của địch đối với chiến dịch, Ban Công an tiền phương đã chỉ đạo Ban Công an tiền phương các tỉnh Tây Bắc, Công an các địa phương có tuyến hành lang vận chuyển đi qua, tích cực đấu tranh, bóc gỡ các toán gián điệp biệt kích, gián điệp ẩn nấp do cơ quan tình báo Pháp cài cắm và tổ chức để hoạt động do thám, phá hoại, điều tra tình hình chuyển quân, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm của ta và hoạt động chỉ điểm cho máy bay địch bắn phá, ngăn chặn lực lượng ta tiến về Điện Biên Phủ.

Lực lượng Công an đã kịp thời khám phá nhiều vụ án quan trọng, bóc gỡ toàn bộ mạng lưới gián điệp, chỉ điểm địch cài cắm dọc hành lang các tuyến đường giao thông từ hậu phương ra mặt trận Điện Biên Phủ; tiêu diệt và bắt hầu hết các toán gián điệp địch tung ra để điều tra, thu thập tình báo, phá hoại cầu cống, bến phà, kho tàng, phương tiện vận chuyển, đánh phá các cơ quan đầu não của ta. Công an Tây Bắc đã điều tra khám phá, bóc gỡ 5 tổ chức gián điệp do Pháp và Tưởng Giới Thạch gài lại, tiêu diệt 6 toán gián điệp biệt kích, bắt 70 tên gián điệp và hàng trăm tên do thám, chỉ điểm trên các tuyến đường hành quân và vận chuyển của bộ đội, dân công phục vụ chiến dịch, nhất là đã bắt toán gián điệp biệt kích GCMA gồm 4 tên nhảy dù xuống khu vực xã Mường Ó, Thuận Châu và toán 6 tên nhảy dù xuống Bản Nhạn (Sơn La) nhằm điều tra, ngăn chặn lực lượng của ta hành quân, vận chuyển trên đèo Pha Đin. Công an Liên khu III đã khám phá, bóc gỡ mạng lưới gián điệp gồm 16 tên hoạt động điều tra, chỉ điểm để máy bay địch đánh phá, đồng thời trực tiếp phá hoại các kho tàng, cầu cống ở những nơi xung yếu trên các tuyến đường giao thông quan trọng từ Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình lên Điện Biên Phủ. Đặc biệt, giữa năm 1953, lực lượng Công an đã tập trung đấu tranh với toán gián điệp biệt kích gồm 4 tên (đều là nữ) làm nhiệm vụ điều tra các hoạt động quân sự, các cơ quan đầu não và hoạt động chuyển quân từ Việt Bắc đến Tây Bắc. Ta đã bắt, khống chế sử dụng toán gián điệp này cung cấp thông tin giả để đánh lạc hướng địch, phục vụ công tác bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là vụ án gián điệp đầu tiên do lực lượng Công an khống chế, sử dụng điện đài, cung cấp tin giả cho địch, mở đầu cho công tác đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích bằng phương thức phản gián điện đài.

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Image_15
Toán gián điệp của Pháp bị lực lượng Công an bắt giữ và khống chế sử dụng, phục vụ công tác bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu)
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương là đẩy mạnh các hoạt động, tiến công địch trên các chiến trường, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó, đồng thời tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để ta tập trung lực lượng, thực hiện cuộc quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, từ cuối năm 1953, lực lượng Công an đã phối hợp với Quân đội, dân quân, du kích tham mưu với các cấp ủy, chính quyền cách mạng phát động quần chúng nổi dậy, phá hàng trăm ban tề, diệt nhiều tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân, mở rộng vùng tự do, khu du kích của ta.

Trong khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang gấp rút chuẩn bị về mọi mặt cho chiến dịch Điện Biên Phủ, để đỡ đòn cho Điện Biên Phủ và tái chiếm lại Lai Châu, thực dân Pháp đã tổ chức các cụm phỉ trên quy mô lớn ở khu vực này, trang bị vũ khí cho cả nhân dân hòng thực hiện mưu đồ “phỉ hóa toàn dân”. Từ ngày 15/1/1954, thực dân Pháp phát động các cụm phỉ công khai nổi dậy chống phá từ biên giới Việt - Trung, Việt - Lào và ngày càng tiến sâu vào hậu phương của ta. Trước tình hình trên, Khu ủy Tây Bắc đã thành lập “Ban thống nhất chống phỉ” do đồng chí Trần Quyết, Phó Bí thư Khu ủy, Giám đốc Công an khu Tây Bắc làm Trưởng ban với lực lượng tham gia chủ yếu là Quân đội và Công an nhằm mục đích diệt phỉ để đại quân ta rảnh tay đánh địch ở Điện Biên Phủ.

Lực lượng Công an đã chủ động tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình về tổ chức, lực lượng, địa điểm, trung tâm phỉ, mạng lưới cơ sở của chúng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục quần chúng, nâng cao cảnh giác, không mắc mưu địch. Trên cơ sở nắm chắc tình hình, xây dựng phong trào quần chúng, lực lượng Công an đã phối hợp với Quân đội triển khai kế hoạch tấn công các hang ổ phỉ, huy động các lực lượng, các ngành tham gia, sử dụng đồng bộ cả hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để tiêu diệt và làm tan rã các hoạt động gây phỉ của địch. Trước và trong chiến dịch Điện Biện Phủ, ta đã vừa gọi hàng, vừa truy quét, làm tan rã 7 cụm phỉ, dập tắt hàng chục vụ gây bạo loạn, tiêu diệt, bắt sống và buộc ra hàng 4.696 tên phỉ, thu giữ hàng nghìn khẩu súng và các phương tiện thông tin liên lạc; tác động, lôi kéo, vận động, giải thoát cho 1.600 người bị địch bắt ép theo phỉ trở về với gia đình và cách mạng; phá tan âm mưu “phỉ hóa toàn dân” của địch ở các địa bàn trọng điểm, trực tiếp phục vụ quân đội ta tác chiến trong chiến dịch Điện Biện Phủ. Kết quả này đã củng cố được vùng mới giải phóng của ta, giáng một đòn chí mạng vào mưu đồ của thực dân Pháp là tổ chức gây phỉ hòng gây rối an ninh, trật tự, chặn đường vận chuyển của ta đến mặt trận Điện Biên Phủ.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, lực lượng Công an nhân dân phấn khởi, tự hào ôn lại những chiến công oanh liệt, thành tích vẻ vang đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử này. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là sức mạnh cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung, lực lượng Công an nhân dân nói riêng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lực lượng Công an nhân dân nguyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, hun đúc bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức; trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.

      
Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Liên hệ | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất