Một phiến đĩa của ổ cứng đầu tiên trên thế giới
Chiếc ổ cứng đang được nói tới này là một phần của chiếc máy tính IBM 305 RAMAC (viết tắt của Phương thức truy cập ngẫu nhiên của kiểm toán và điều khiển), trong đoạn video quảng cáo về nó, bạn có thể thấy Ramac là niềm tự hào của ngày xưa. Hiện tại, chiếc máy tính này đang được trưng bày ở Mountain View, California và nó được đại tu bởi hai kỹ sư Dave Bennet và Joe Feng cho mục đích trưng bày, dĩ nhiên là nó vẫn hoạt động tốt.
Mục đích ban đầu của IBM để phát triển 305 Ramac nhằm giúp sổ sách doanh nghiệp cập nhật không chỉ hàng tháng, hàng ngày mà ngay lập tức. Nó giúp các công ty thoát khỏi đống sổ sách khổng lồ. Trước khi Ramac được giới thiệu, hầu hết các doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu về kho hàng, bảng lương, ngây quỹ... hoàn toàn trên giấy tờ và cất giữ cẩn thận trong các tủ, kệ. Nếu may mắn hơn, một số doanh nghiệp có máy tính sẽ lưu dữ liệu trên các băng từ, điều này không phải lúc nào cũng thuận tiện bởi đôi khi muốn lục lại dữ liệu rất cũ thì sẽ phải lục lại băng từ cất ở đâu đó.
Ramac mang tới cho thế giới khái niệm về đĩa lưu trữ từ tính, cho phép bạn truy xuất dữ liệu mà không có độ trễ. Hệ thống Ramac bao gồm ổ cứng có 50 phiến đĩa xếp dọc và được phủ lớp sơn từ tính, nó quay với tốc độ 1200rpm (HDD hiện nay có tốc độ 5400rpm hoặc 7200rpm). Dữ liệu được ghi lên đó bằng cách thay đổi hướng từ tính (magnetic orientation) của một điểm trên đĩa và sau đó đọc dữ liệu bằng cách đọc hướng đó. Đây cũng là nguyên lý cơ bản để ghi/đọc dữ liệu trên các máy tính hiện nay, từ MTXT của bạn cho tới những hệ thống máy chủ của các dịch vụ web như Google, Amazon hay Apple.
Ổ cứng đầu tiên trên thế giới này tuy lớn hơn tủ lạnh và nặng tới 1 tấn nhưng nó chỉ có khả năng lưu trữ 5MB dữ liệu mà thôi. Thời điểm đó nó là một kỳ tích nhưng bây giờ một bài nhạc MP3 320kb/s cũng đã nặng hơn 5MB rồi. Ramac hiện tại được trưng bày tại viện bảo tàng và nó vẫn hoạt động tốt, bằng chứng là Bennet và Feng đã thành công khi đọc được dữ liệu ghi trên ổ cứng đó cách đây 40 năm.