Gió còn thổi qua bàn tay lạnh
Những đôi chim tìm nhau ủ cánh
Mây đầy trời, rơi rớt nắng mong manh
Em vội dệt thời gian qua sợi thắm
Những giờ trưa không nghỉ những đêm thâu
Sợi len mịn so sợi lòng rối rắm
áo đan rồi, mùa lạnh hết còn đâu!
Em gửi áo lo anh giận dỗi
Nhận áo em anh lại ngại em phiền
Đời cán bộ ít giờ nhàn rỗi
Vì việc chung đôi lúc nhẹ niềm riêng
Hoa bắt đầu thưa thớt cuối đường xuân
Cành cây đã sum suê lá đậm
Tháng ba đến với những ngày nắng ấm
Bỗng mùa đông trở lại! Rét nàng Bân
Nàng Bân xưa may áo ấm cho chồng
áo may xong không còn mùa lạnh nữa
Nàng Bân khóc, đất trời thương lệ ứa
Cho rét về đáp lại nỗi chờ mong
Anh mặc áo của em và cảm thấy
Bàn tay yêu nhân ấm gấp hai lần
Thời gian hiểu lòng ta biết mấy:
Có tình người nên có rét nàng Bân.
(Tế Hanh - 1957)
- Sự tích nàng Bân:
- “Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân” - đó là câu tục ngữ quen thuộc về nét đặc biệt có lẽ chỉ tìm thấy ở khí hậu miền Bắc. Nếu như tháng 1 se lạnh với những cơn mưa phùn thanh nhẹ, tháng 2 đẹp duyên dáng trong sắc hoa xuân tươi tắn thì rét nàng Bân lại là sự kì diệu tạo hóa ưu ái ban tặng cho tháng 3, khi mà thời tiết đột nhiên trở lạnh ngay giữa những ngày nắng liên tiếp.
Nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng nhưng khác với nhiều chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. Tuy nhiên, nàng Bân vẫn được cha mẹ yêu chiều. Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, mới bàn nhau lấy chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình. Chồng nàng Bân, cũng là một người trên thế giới nhà trời. Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng định tâm may cho chồng một cái áo ngự hàn. Những nàng vụng về quá, khi bắt đầu rét, nàng Bân đã bắt đầu công việc song cứ loay hoay mãi, tìm được cái nọ thì thiếu cái kia, xe được chỉ thì chưa có kim, đưa sợi vào dệt thì thoi, suốt lại hỏng. Đến nỗi trời đã sắp sang xuân rồi mà chỉ mới may trọn được đôi cổ tay. Nhiều người trên trời đã chế giễu nàng:
“Nàng Bân may áo cho chồng
May ba tháng ròng mới trọn cổ tay”
Nhưng nàng Bân vẫn không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng Bân buồn lắm. Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng gạn hỏi. Khi biết chuyện Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo. Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân. Tục ngữ có câu: “Tháng Giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng Ba rét nàng Bân” là vì thế.