
Sự khác biệt giữa bộ giáp thời xa xưa và bộ giáp thời hiện đại
Với sự phát triển của khoa học và công nghệ trong những năm qua, các bộ áo giáp tân tiến đã được nghiên cứu và chế tạo, áp dụng thành công trên chiến trường. Tuy nhiên, chúng vẫn còn nhiều thiếu sót, nhược điểm giống như những người đàn anh của nó. Nhiều loại áo giáp làm từ kim loại hay vải vẫn còn khá nặng và cồng kềnh. Vì vậy mà nhiều người chỉ sử dụng áo giáp để bảo vệ thân mình và đầu, ít khi sử dụng trên chân, cánh tay và cổ. Đây là nhược điểm lớn nhất của những bộ áo giáp mà chúng ta vẫn thường thấy.
Và áo giáp lỏng là một bước đột phá mới nhất trong ngành công nghiệp chế tạo áo giáp chống đạn. Bên cạnh sử dụng những vật liệu có độ cứng cao thì người ta còn dùng một số chất lỏng đặc biệt để tăng tính hiệu quả của chúng. Loại áo giáp này rất linh hoạt và nhẹ, người sử dụng có thể sử dụng để bảo vệ cánh tay, chân hay cổ mà không hề ảnh hưởng đến sự di chuyển của cơ thể.
Loại áo giáp lỏng này được dựa trên nền tảng của sợi Kevlar, loại sợi thường được sử dụng ở những bộ vest chống đạn. Nguyên lí hoạt động của bộ vest khá đơn giản : khi viên đạn chạm vào bề mặt bộ áo, lớp Kevlar sẽ phân tán lực tác động lên toàn bộ bề mặt và làm giảm tốc độ của viên đạn. Quá trình này cũng tương tự như túi khí ở xe hơi mở ra khi gặp chấn động vậy. Tuy nhiên, loại áo giáp này cần 20 đến 40 lớp Kevlar để có thể ngăn được một viên đạn. Chính vì thế bộ vest trở nên cứng nhắc và nặng nề ( khoảng 4.5kg), gây khó khăn cho người sử dụng. Thế nhưng với công nghệ chất lỏng mới này sẽ cho phép giảm thiểu các lớp Kevlar, khiến bộ áo giáp nhẹ hơn và linh hoạt hơn rất nhiều.
Ở đây có 2 loại chất lỏng, tương ứng với 2 loại áo chống đạn mới, đó là:
- Shear-Thickening Fluid (STF): Chất lỏng có khả năng đông cứng đột ngột khi có một lực tác động từ bên ngoài.
- Magnetorheological Fluid (MR): Chất lỏng có khả năng đông cứng đột ngột khi có tác động của từ trường.
Shear-Thickening Fluid (STF)
STF là một hỗn hợp khá đặc biệt tồn tại dưới dạng lỏng nhưng khi gặp tác động mạnh nó có thể đông cứng ngay lập tức. Thực tế, quá trình đông cứng này chỉ mất vài milli giây và khi không còn lực tác động nó sẽ trở lại trạng thái lỏng ban đầu. Nó cũng tương tự như hỗn hợp giữa bột bắp với nước. Nếu bạn khuấy hỗn hợp này từ từ, nó chả khác gì một chất lỏng thông thường. Nhưng khi bạn đập mạnh vào nó thì nó sẽ cứng như một khối bê tông.
Quá trình này được giải thích như sau : STF thực chất là một chất keo, bao gồm những hạt nhỏ lơ lửng trong nó. Những hạt này đẩy nhau liên tục, vì vậy chúng có thể nổi lên, trôi nổi trong lòng chất lỏng mà không bị chìm xuống dưới. Khi có một lực tác động vào, nó lấn át lực đẩy của các hạt này khiến chúng dính vào nhau, tạo thành một khối gọi là Hydrocluster. Khi lực bên ngoài biến mất, các hạt lại tiếp tục đẩy nhau. Khối Hydrocluster tan rã và cái chất tưởng chừng như là rắn này lại trở về trạng thái lỏng.

Khi có tác động các hạt Silica dính lấy nhau tạo thành một lớp bảo vệ vững chắc (hình dưới)
Cách tạo ra một bộ áo giáp sử dụng STF

Một chiếc áo giáp lỏng STF sau khi trúng đạn
Một loại chất lỏng khác cũng dùng trong công nghệ áo giáp lỏng đó là :
Magnetorheological (MR) Fluid
Chất lỏng MR là một loại dầu và chứa các hạt sắt lơ lửng bên trong. Thông thường những hạt sắt này chiếm khoảng 20 đến 40% khối lượng chất lỏng. Các hạt này rất nhỏ, có kích thước khoảng 3 đến 10 micromet. Tuy nhỏ như vậy nhưng chúng có sức tác động mạnh mẽ lên độ cứng của chất lỏng MR. Khi tiếp xúc với từ trường, các hạt sắt sẽ dính vào nhau, thành hàng và tạo thành một lớp sắt bảo vệ vô cùng chắc chắn.

Chất lỏng MR đông cứng khi có sự tác động của từ trường
Chỉ với mạt sắt và dầu là bạn tạo có thể ra một hỗn hợp có tính năng tương tự với chất lỏng MR dùng trong công nghệ áo giáp lỏng này. Khi không có từ trường, chất lỏng này di chuyển dễ dàng. Nhưng ảnh hưởng của một cục nam châm có thể biến nó trở nên dày hơn, tạo thành hình dáng nhất định như một vật thể rắn. Với một mật độ, hình dạng hạt sắt và từ trường phù hợp. chất lỏng MR có thể biến đổi thành một chất rắn vô cùng vững chắc.

Chất lỏng MR sau khi có tác động của từ trường
Hai loại chất lỏng này không chỉ được ứng dụng trong việc chế tạo áo giáp chống đạn mà nó còn vô vàn những ứng dụng khác. Ví dụ như chăn chống bom có thể dễ dàng gấp lại, cơ động hơn trong việc bảo vệ những người xung quanh từ sát thương của vụ nổ. Công nghệ mới này cũng có thể ứng dụng trong chế tạo giày của lính nhảy dù hay làm đồng phục cho những nhân viên bảo vệ nhà tù…