|
Các nhà thơ nổi tiếng như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Viễn Phương, Vũ Quần Phương… đều có thơ viết về Bác. Mỗi nhà thơ chọn một góc nhìn khác nhau, ở từng thời điểm khác nhau để tạo nên bức chân dung toàn vẹn về một vị lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân.
Trong bài thơ Người đi tìm hình của nước, nhà thơ Chế Lan Viên đã lùi thời gian, tái hiện hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước của Bác. Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi…, người đọc như thấy lại hình ảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuống con tàu Đô đốc Latouche-Trévil ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911 tại Bến cảng Nhà Rồng (TP. Hồ Chí Minh). Với những câu thơ giàu tính triết lý mà vẫn tràn đầy cảm xúc, nhà thơ đã nói hộ nỗi lòng của Bác trong những ngày lênh đênh trên đại dương bao la: Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ?/Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!/Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương. Dưới ngòi bút của nhà thơ, Người ra đi nhưng trong lòng vẫn mang nặng tình đất nước, vẫn canh cánh trong lòng vì vận mệnh dân tộc. Nỗi nhớ nước, nhớ quê nhà thường trực trong từng bữa ăn, giấc ngủ: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa. Mỗi lần đọc những câu thơ giàu hình ảnh ấy, người đọc lại rưng rưng nước mắt vì cảm phục tấm lòng yêu nước của Bác. Tuy sống ở trời Âu nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Bác vẫn luôn nhớ về đất Việt; trái tim Người đau với nỗi đau của dân tộc trong cảnh nước mất, nhà tan. Và rồi, nhà thơ đã có “thước phim cận cảnh” đặc tả niềm hạnh phúc vô bờ của Bác khi bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cũng là tìm ra con đường giải phóng dân tộc khỏi áp bức, nô lệ: Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin/Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc/“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!... Ngay trong giây phút ấy, trong tâm trí của Người đã tượng hình một đất nước Việt Nam mới với những dáng nét đầu tiên: Bác thấy: Dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt/Ruộng theo trâu về lại với người cày…
Khi đọc Di chúc của Bác Hồ, trong niềm đau thương vô hạn, nhà thơ Vũ Quần Phương đã cảm nhận đầy đủ tư tưởng nhân văn của Người qua bài Thấm trong di chúc: Nghĩ việc gì Bác cũng nghĩ từ dân/Nói về Đảng cũng vì dân mà nói/Nước còn giặc, dân còn khi lạnh đói/Bác đắng lòng trong mỗi miếng cơm ǎn… Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi ở tuổi 79, cả dân tộc Việt Nam chìm trong nước mắt. Trong niềm đau thương vô hạn, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ Bác ơi bày tỏ tiếc thương vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và ngợi ca công lao trời biển của Người: Bác sống như trời đất của ta/Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/Tự do cho mỗi đời nô lệ/Sữa để em thơ, lụa tặng già. Và rồi trong niềm kính yêu vô hạn, nhà thơ đã thốt lên: Bác ơi tim bác mênh mông thế/Ôm cả non sông mọi kiếp người. Những vần thơ của Tố Hữu viết về Bác có một sức lan tỏa diệu kỳ, sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Cũng trong những ngày tháng đó, nhà thơ Việt Phương đã viết nên nỗi mất mát, đau thương của người dân Việt Nam: Đêm nay nghìn vạn chúng con xếp thành hàng đi viếng Bác/Ôi làm sao nguôi được nhớ thương này/Chúng con đi cho cả người vắng mặt/Người chưa sinh người đã khuất cũng về đây/Việt Nam đau cả lòng người dạ đất/Sao mùa thu như nước mắt trời mây…
44 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng nhưng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, tình cảm dành cho Người vẫn rất sâu đậm, vẫn tự lấy Bác làm tấm gương để soi chiếu, rèn luyện mình như câu thơ: Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn…