Binh-địch vận đồng thời là công tác vận động cách mạng: đây là vấn đề thuộc về bản chất được quyết định bởi tính chất, mục tiêu của cuộc cách mạng và chiến tranh cách mạng. Từ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và từ âm mưu thâm độc “dùng người Việt đánh người Việt” của đế quốc, thực dân trong chiến tranh xâm lược nước ta, quan điểm của Đảng ta coi số đông binh sĩ trong quân đội ngụy là quần chúng đặc biệt. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 (tháng 1-1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II viết: “Vì quân đội ngụy là chỗ dựa chủ yếu của Mỹ-Diệm để bảo tồn chế độ của chúng và đồng thời cũng là lực lượng mà cách mạng cần phải khẩn trương tranh thủ, Đảng phải đẩy mạnh công tác binh vận, tiến tới thành lập Mặt trận thống nhất chống Mỹ-Diệm thật rộng rãi, lấy liên minh công nông làm cơ sở, bao gồm tất cả các lực lượng yêu nước ở miền Nam, tranh thủ ngay cả các phần tử có khuynh hướng chống Mỹ-Diệm trong chính quyền đối phương... Đảng phải xúc tiến đặc biệt công tác binh vận, kiên trì, bí mật và khéo léo đi sâu, tranh thủ cho được đa số binh lính đồng tình với cách mạng, xây dựng khối công- nông- binh liên hiệp”[1]. Với cách xem xét đứng đắn đó, Đảng ta vừa lãnh đạo toàn quân, toàn dân sử dụng mũi giáp công thứ ba trừng trị bọn cầm quyền ngoan cố, đầu sỏ, vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng trên từng bước nhận ra lẽ phải, đứng lên làm binh biến khởi nghĩa, tham gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân, hoặc chịu hạ súng đầu hàng, chí ít cũng giảm được hành động tàn bạo để được hưởng lượng khoan hồng khi cách mạng giành thắng lợi.
Khi hiệp định Giơ-ne- vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, hòa bình mới được lập lại, Đảng ta chỉ đạo không được coi nhẹ việc vận động ngụy binh, trái lại phải coi trọng công tác này. Trong chống “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh các hoạt động quân sự, chính trị kết hợp với binh-địch vận để thúc đẩy nhanh quá trình tan rã của quân ngụy. Trong khi đòn quân sự cố gắng đánh tiêu hao, tiêu diệt từng đơn vị quân ngụy thì công tác binh-địch vận cố gắng tạo binh biến trong các đơn vị lớn. Ra sức tìm cách lôi kéo một số sĩ quan cao cấp, chỉ huy đơn vị lớn, biến những đơn vị ấy thành đội quân trung lập. Khi quân Mỹ và quân các nước chư hầu ồ ạt đổ vào chiến trường miền Nam tiến hành “chiến tranh cục bộ”, mặc dù biết về chúng còn rất ít, ngôn ngữ bất đồng, nhưng Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta “xáp zô’ làm binh-địch vận. Chưa giỏi nói thì dùng “bút đàm”; không “bút đàm” được thì dùng “ngôn ngữ” cử chỉ, điệu bộ... Ta đã mở các lớp học tiếng Anh, mời chuyên gia nước bạn giúp đỡ để tìm hiểu, nghiên cứu tâm trạng tinh thần, tâm lý binh sĩ quân đội các nước đi xâm lược. Trên các “Vành đai diệt Mỹ’, sát cánh cùng bộ đội, du kích là lực lượng đấu tranh chính trị, làm binh-địch vận... hình thành nên “Vành đai xanh” chuyên làm công tác tuyên truyền, thức tỉnh lương tri binh sĩ Mỹ và binh sĩ các nước chư hầu. Để có được những buổi gọi loa, những đợt rải truyền đơn, căng khẩu hiệu hay những cuộc tiếp xúc trực tiếp, đấu tranh trực diện... nhiều khi phải đổi bằng tính mạng của nhiều cán bộ, đảng viên và cơ sở ta trong lòng địch, nhưng ta vẫn quyết tâm tiến công và nhiều địa phương đã giành được thắng lợi.
Có thể khẳng định, những gì mà công tác binh-địch vận làm được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đấu tranh cách mạng và chiến tranh cách mạng mà Đảng ta đã đề ra. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH; đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh, cô lập và chĩa mũi nhọn vào kẻ thù nguy hiểm nhất. Những gì công tác binh-địch vận làm được đã tô đậm truyền thống đánh giặc, giữ nước của Tổ tiên ta và làm sâu sắc thêm tư tưởng nhân văn trong tiến hành chiến tranh chính nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
[1] Một số Văn kiện Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Nxb CTQG, H.1985, T1, tr115.