Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54


Vào ngày 30.4.1975, cuộc chiến tranh khốc liệt và dai dẳng kết thúc, non sông Việt Nam nối liền một dải. Bom đạn từ đây thôi rơi, người dân Bắc - Trung - Nam từ đây sum họp một nhà như lời ca “Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Giấc mơ về một đất nước độc lập, thống nhất, về một nền hòa bình dài lâu trở thành hiện thực. Nhưng quá khứ cắt chia dài dằng dặc, với phân giới bên này - bên kia cả về địa lý lẫn nhân tâm, đã để lại trong lòng đất nước thời bình những vết cắt hằn sâu. Hàn gắn, hòa giải và hòa hợp vì một nước Việt Nam hùng mạnh, do đó, là mong muốn chung, đồng thời cũng là thách thức lớn trong suốt những năm tháng hòa bình.

Gần bốn thập kỷ trôi qua kể từ ngày thống nhất, hòa giải và hòa hợp dân tộc vẫn là một vấn đề thời sự. Nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày thống nhất đất nước, Thanh Niên Online mở chuyên mục này, cùng nhìn lại quá khứ để hướng tới một tương lai tươi sáng cho Tổ quốc Việt Nam cường thịnh, cho một nền hòa bình vĩnh hằng.

Người mẹ nào mất con cũng đau

Ở tuổi 93, sức khỏe Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè đã suy giảm phần nào. Thế nhưng, trí óc minh mẫn và đặc biệt là trái tim nhân hậu cao cả của bà vẫn luôn hiển hiện, có sức lay động mãnh liệt lòng người.

Nằm giữa trung tâm TP.HCM, ngôi nhà của bà Năm Mè ẩn dưới những tán lá xanh um. Cây khế trước nhà trổ bông tim tím, gợi lên miền ký ức thân thuộc, gần gũi chốn làng quê. Bà Mè vừa trải qua một trận ốm. Tuy vậy, bà vẫn nhiệt tình tiếp đón chúng tôi ngay trên chiếc giường của bà.

Ký ức về những đứa con

38 năm non sông một dải Me-VN-anh-hung-1
Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè bên di ảnh những người con đã ngã xuống trong tuổi thanh xuân - Ảnh: Như Lịch

Bà có ba người con trai là liệt sĩ. Người con trai duy nhất còn sống một phần thịt da cũng đã nằm lại chiến trường xưa. Mồ hôi, tâm sức, xương máu của gia đình bà đã âm thầm đổ xuống cho nền độc lập của Tổ quốc.

Trong căn phòng nhỏ, người mẹ đặt di ảnh ba người con liệt sĩ trên bàn làm việc, treo trên những bức tường... “Ở đâu, lúc nào cũng có con bên mình”, bà Mè bồi hồi.

Chạm tay vào từng bức hình, giọng bà chùng xuống như đang thủ thỉ chuyện trò với những khúc ruột thân yêu của mình: ”Đây là Bé Hai (liệt sĩ Nguyễn Huỳnh Sanh, hy sinh lúc 26 tuổi - PV), thằng này đẹp kiểu nghệ sĩ. Đây là Bé Ba (liệt sĩ Nguyễn Huỳnh Tài, hy sinh lúc 24 tuổi), thằng này đẹp kiểu nhà văn. Còn đây là Bé Tư (liệt sĩ Nguyễn Huỳnh Đại, hy sinh khi mới 22 tuổi), thằng này giỏi toán lắm. Ai cũng khen ba đứa đẹp trai, nhiều người đòi gả con. Nhưng tụi nó không chịu, nói là giải phóng về má cưới vợ cho”.


“Đã nói hòa hợp dân tộc thì mình phải dẹp hết mấy từ như "kẻ thù", "ngụy quân, ngụy quyền"… Nói như vậy là làm khổ người ta. Đến bây giờ mình còn làm khổ người ta chi nữa. Người ta đã khổ với con họ rồi, mình không nên khơi lại vết thương của họ”.


Niềm thương nhớ, ký ức về những đứa con ra đi vĩnh viễn gần nửa thế kỷ qua chưa khi nào phai mờ trong lòng người mẹ. Bà cười đôn hậu, hồi tưởng: “Nói cho ngay, mấy đứa con của má không làm cho má buồn bao giờ. Hôm nào má dầm mưa nhức mỏi, cả bốn đứa - hai đứa trên đầu, hai đứa dưới chân, đấm bóp chừng nào má ngủ rồi mới lén rút đi”.

Bà Mè cho biết, lúc chồng bà (ông Nguyễn Văn Nhơn) mất, bà đem di ảnh ba con trai cùng đi đưa tang. “Đến lượt má cũng vậy. Phải có ba cái hình của mấy đứa này đưa tiễn”, bà Mè trầm ngâm.

“Làm khổ người ta chi nữa”

Thấm thía nỗi đau của người mẹ mất con, bà Mè nói rằng bà rất thông cảm với những bà mẹ mất con trong chế độ Việt Nam Cộng hòa trước đây: “Người mẹ nào mất con thì cũng đều đau hết trơn. Mỗi người đau một kiểu. Có người mất con thì tự hào. Có người mất con thì cay đắng… Hoàn cảnh của mỗi người khác nhau, trong chiến tranh phải chấp nhận thôi. Đâu ai muốn con mình chết vô lý”.

Cô giáo Năm Mè, Hiệu trưởng Trường Long Đức (tỉnh Trà Vinh) ngày trước, nhớ lại: “Ở cái trường tư đó, tui luôn dạy học trò rằng, bây giờ không có gì vinh quang bằng hy sinh cho Tổ quốc. Tới chừng người cha của đứa học trò kêu nó đi quân đội, nó lợi (lại) từ giã: Cô ơi, ba con bảo con đi. Bây giờ con không dám không đi! Nhưng mà ‘súng Mỹ, lòng ta’ cô à! Mình cũng mừng là thấy nó hiểu được cái chuyện đó: súng Mỹ, lòng ta”.

Ngừng một lát để nghe điện thoại của người thân dưới miền Tây gọi lên, bà Mè nối lại câu chuyện: “Tui quen biết một bà mẹ có con bên này bên kia thời đó. Bả nói, nghe súng ở ngoài đồn, tao lo cho thằng Hai quá. Còn nghe súng ở trong, tao lo cho thằng Út quá. Hai đứa con ở hai chiến tuyến, hồi đó gọi các bà mẹ trái tim bị xẻ làm đôi là vậy đó”.

38 năm non sông một dải Me-vn-10
Tuổi cao sức yếu, bà Mè vẫn dành tâm huyết tìm hiểu những quyển sách dạy làm người - Ảnh: Như Lịch

Là Mẹ Việt Nam anh hùng, người đã có ba đứa con nằm lại nơi chiến trường, bà Năm Mè cũng có một cái nhìn rất rõ ràng về hòa giải: “Đã nói hòa hợp dân tộc thì mình phải dẹp hết mấy từ như ‘kẻ thù’, ‘ngụy quân, ngụy quyền’… Nói như vậy là làm khổ người ta. Đến bây giờ mình còn làm khổ người ta chi nữa. Người ta đã khổ với con họ rồi, mình không nên khơi lại vết thương của họ”.

Bà Mè cho hay, mỗi khi trong nhà có đám giỗ, bà thường mời một số học trò cũ ngày trước đi quân dịch đến dự. Cảm động trước tâm chân tình của cô giáo, song hầu như lần nào họ cũng từ chối. “Tui nói, đứa nào thương cô thì cứ đi đám giỗ. Có 2 - 3 đứa đến đám giỗ ông xã tui, nhưng tụi nó chỉ lại cho có mặt chứ không dám ở lâu. Tụi nó tâm sự sợ gặp mấy người quen, sợ người ta biết hồi xưa đi lính. Tui bảo bây giờ qua rồi thì thôi, không có ai nói gì đâu”, bà Mè tâm tư.

Không chỉ thấu cảm với những bà mẹ cùng sống trên dải đất chữ S này, bà Bùi Thị Mè còn thể hiện sự cảm thông với những bà mẹ ở nước Mỹ xa xôi - những người có con tham chiến ở Việt Nam trước năm 1975. Cách đây hơn 20 năm, James G. Zumwalt - một cựu chiến binh, con trai cựu Đô đốc Chỉ huy trưởng lực lượng Hải quân Mỹ tại Việt Nam - lần đầu tiên tìm gặp bà Mè để thu thập tư liệu cho cuốn sách Chân trần, Chí thép (xuất bản năm 2010). Chính thái độ cởi mở, bao dung của bà đã xua tan cảm giác dè dặt, lo ngại của ông James về lòng hận thù chất chứa bởi những bi kịch, mất mát đau thương in hằn trong quá khứ.

Bà Mè thuật lại: “James phỏng vấn tui mấy lần. Tui bảo nó rằng, tui đau mất con, tui thông cảm cho nó vì nó cũng có người anh chết do chất độc da cam. Tui cũng thông cảm cho các bà mẹ Mỹ. Tui mất con vì con hy sinh cho Tổ quốc. Còn mấy bà mẹ Mỹ mất con mà không biết vì lý do gì con mình phải đi chiến đấu, con đến ở cái xứ nào đâu mình cũng không biết. Rồi đến chừng chết rồi, thây thi ra sao cũng không biết nữa… Cho nên, tui rất thông cảm cho họ”.

Những bài học làm người


“Tui cũng thông cảm cho các bà mẹ Mỹ. Tui mất con vì con hy sinh cho Tổ quốc. Còn mấy bà mẹ Mỹ mất con mà không biết vì lý do gì con mình phải đi chiến đấu, con đến ở cái xứ nào đâu mình cũng không biết”.

Chúng tôi thắc mắc: “Để có sự thông cảm với những bà mẹ như vậy, bà có phải trải qua một sự giằng xé nội tâm?”. Thay cho câu trả lời, bà với tay sang cái tủ nhỏ cạnh giường, lấy quyển sách Sống hạnh phúc, chết bình an của Đạt Lai Lạt Ma đưa cho chúng tôi. Câu chuyện về cựu binh Mỹ James G. Zumwalt và cuốn sách Chân trần, Chí thép vẫn chưa dứt khỏi tâm trí bà: “Hồi nào James sang Việt Nam, nó cũng chạy lại thăm má. Hôm nó giới thiệu cuốn sách tại TP.HCM, vừa thấy má, nó chạy riết lại rồi cầm tay hun. Nó nói ở bên Mỹ, người ta đọc bài của nó viết về má, về sự thông cảm của má với những bà mẹ Mỹ, họ cảm động lắm. Má thấy rất hài lòng, vì người ta biết dân tộc Việt Nam mình tốt như vậy đó, có văn hóa rộng rãi, không nuôi lòng thù hận”.

Do sức khỏe yếu nên dạo này, bà Mè ít có dịp trò chuyện cùng những người trẻ và đi làm từ thiện. Bà cho biết, trong quá trình đi nói chuyện, có những bạn trẻ (người Việt Nam lẫn người nước ngoài) đặt cho bà không ít câu hỏi bất ngờ, khiến bà thấy mình cũng học được những điều thú vị.

38 năm non sông một dải Me-vn-11
Một cử chỉ đầy ý nghĩa - Cựu chiến binh James G.Zumwalt hôn tay bà Năm Mè trong một cuộc gặp ở TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đề cập vấn đề nhiều bạn trẻ hiện nay không hứng thú với môn sử, bà Mè trăn trở: “Dạy sử là để cho học sinh tiếp thu được, nghĩa là từ trái tim sang trái tim. Ăn thua bước đầu mình giáo dục cho từng học sinh thích môn sử, bởi đó là lịch sử của đất nước. Nếu dạy theo lối để học vẹt là không hiệu quả”.

Trên bàn làm việc của bà, chúng tôi thấy quyển sách Hướng dẫn công dân và đạo đức đang đọc dang dở. Bà kể, đây là tài liệu dạy làm người, do một người quen lùng mua ở Pháp mang về tặng cho bà. Bà tỏ ra tâm đắc: “Sách này không phân biệt Công giáo hay Phật giáo, dạy làm người rất hay. Tui định giới thiệu quyển sách với những nhà quản lý giáo dục ở nước mình, nhưng phải chờ người nào biết nghiên cứu mới đưa, chứ không phải đụng ai đưa nấy”.

Đôi tay run run, bà lật từng trang sách rồi phấn chấn đọc một loạt đề mục: Đạo đức công dân; Đạo đức xã hội; Kiến thức xã hội; Thế nào là làm người? Điều tốt và điều xấu; Lương tâm… Dừng lại khá lâu ở một trang sách, cô giáo Năm Mè ngày nào cất giọng truyền cảm: “Mình không muốn bị đối xử ra sao thì cũng đừng làm với người khác như vậy. Hãy đối xử với người khác theo cách mà mình muốn được mọi người đối xử mình. Hãy luôn đặt mình vào vị trí những người đối diện. Điều gì làm mình thấy đau thì đừng làm thế với người khác. Trao nụ cười thì sẽ được nhận lại nụ cười…”.

Chúng tôi nhớ mãi nụ cười đôn hậu của bà.

      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: Người Việt Nam không chia rẽ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu được biết đến là một trí thức dấn thân và cũng là một nhân chứng xuyên suốt của những chặng đường lịch sử của dân tộc.

Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc, vai trò và sự đóng góp của giới trí thức đối với việc xây dựng và phát triển của đất nước.

38 năm non sông một dải Nghien10
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Đình Đầu nói rằng dù trải qua nhiều biến cố, người Việt Nam vẫn đoàn kết, vẫn giữ vững tinh thần dân tộc - Ảnh: Độc Lập

* Là một nhà nghiên cứu ở miền Nam và là một trí thức Công giáo, ông nhìn nhận sự kiện 30.4 như thế nào?

- Đầu tiên tôi có thể nói ngay rằng là hầu hết nhân dân miền Nam lấy làm vui vẻ, sung sướng đối với ngày 30.4.1975, vì ngày này đã chấm dứt chiến tranh sau 20 năm chiến tranh gây nhiều đau khổ cho dân tộc Việt Nam.

Riêng tôi với tư cách là người Công giáo, tôi xin nói thêm một chút về phần mà tôi chứng kiến, đóng góp một chút như thế này: Ngày 15.4.1968, Đức Giáo hoàng Phaolô (Paul) VI đã ra một thông điệp Mân côi về hòa bình, kêu gọi hòa bình cho Việt Nam trong lúc chiến tranh ở Việt Nam leo thang đến đỉnh cao. Đức Giáo hoàng kêu gọi các bên nên điều đình để sớm chấm dứt chiến tranh; vì nếu không, một ngày kia cũng phải điều đình để chấm dứt chuyện đau thương này nhưng đến lúc đó sẽ có nhiều đau khổ hơn nữa.


“Tôi vẫn còn nhớ là sau ngày thống nhất, thượng tướng Trần Văn Trà đã nói, đại ý rằng giữa người Việt Nam với nhau không có thắng có bại”.


Tôi có thân với luật sư Nguyễn Văn Huyền, lúc đó là Chủ tịch Thượng nghị viện miền Nam Việt Nam. Ông Huyền không phải là người Cộng sản nhưng là một người theo đạo và là một người tốt. Khi Đức Giáo hoàng kêu gọi hòa bình, ông Huyền đã hướng đến việc chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình. Đến 1975, ông Dương Văn Minh thành lập chính quyền đã mời ông Huyền làm Phó tổng thống phụ trách hòa đàm.

Trong thời khắc lịch sử của ngày 30.4.1975, đất nước thống nhất mà không thiệt hại thêm về người và của. Đối với nhiều người, họ xem đây là chuyện chấm dứt một cuộc chiến tranh ác liệt. Còn tôi nghĩ sự kết thúc như vậy là một điều lạ, đặc biệt, rất đáng lưu ý và đáng ghi vào lịch sử.

Riêng tôi có một đóng góp nhỏ, đó là tham gia vào nhóm bên phía chính quyền miền Nam nỗ lực kêu gọi ngưng tiếng súng trong những giờ phút cuối cùng, mà tôi nghĩ có lẽ sự đóng góp ấy cũng là ngẫu nhiên mà thôi.

Khi thương vong được hạn chế đáng kể, tôi cảm thấy rất vui mừng. Tôi vẫn còn nhớ là sau ngày thống nhất, thượng tướng Trần Văn Trà đã nói, đại ý rằng giữa người Việt Nam với nhau không có thắng có bại mà đây là một thắng lợi của Việt Nam khi buộc Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam

Khi ông Trà nói như thế thì những người như chúng tôi hay là những người dân thường ai cũng lấy làm vui vẻ, cho rằng đây là thời điểm hòa hợp, hòa giải dân tộc thật sự và đặc biệt là chấm dứt 20 năm chiến tranh đau thương.

Tôi lấy làm tiếc vì sau ngày ấy, chuyện cải tạo, thay đổi xã hội miền Nam, vấn đề nhà cửa đất đai, cải tạo công thương nghiệp…, thì trong những chính sách như thế làm cho những người quen sống, tôi tạm gọi là quen sống tự do trong xã hội miền Nam 20 năm, theo kiểu dân chủ Tây phương ít nhiều, tất nhiên họ thấy bỡ ngỡ, khó khăn… Về phương diện xã hội, tôi thấy có sự căng thẳng.

* Như vậy sau chiến tranh, chúng ta đã có những chia rẽ giữa người Việt Nam với nhau?

- Giữa người Việt Nam với nhau, với tư cách Việt Nam, thật sự không có chia rẽ. Có chăng là những người vội vàng bởi xã hội lúc đó không như bây giờ chúng ta thấy, không như bây giờ chúng ta quan sát. Tôi xin nói thật lúc đó cũng có quan điểm khá căng thẳng, cho rằng giải phóng về chính trị đã đành nhưng còn phải giải phóng con người về phương diện xã hội nữa. Điều này phần nào gây ra sự căng thẳng trong xã hội. Nhưng nói người Việt Nam chia rẽ với nhau, tôi không thấy.


“Người Việt Nam vẫn luôn giữ được bản sắc riêng của mình. Đó là trong những thử thách hiểm nghèo nhất, tình yêu quê hương và lòng tự tôn dân tộc đã luôn giúp cho người Việt Nam hành động thuận theo lẽ phải và đại nghĩa”.

Đến bây giờ đã gần 40 năm rồi, như tôi nói ban đầu, có đôi chút khó khăn nhưng về sau chúng ta đã có nhiều đổi mới và có nhiều thay đổi. Thay đổi là cả một quá trình chứ không thể giục một cái là làm được ngay. Cho đến bây giờ chúng ta gặp nhau và nói đến chuyện này, thì sự thay đổi ấy tôi nghĩ là đặc biệt vì đã làm thay đổi đất nước, hàn gắn được vết thương chiến tranh. Nói như thế không phải hoàn toàn làm cho 100% người dân Việt Nam toại nguyện. Điều này tôi nghĩ cũng bình thường vì bất kỳ xã hội nào cũng tồn tại một số vấn đề cả.

Xã hội chúng ta vốn có nhiều biến động, đã mất rất nhiều năm tháng chống lại ách đô hộ và ngoại xâm, từng chịu những sự hy sinh, mất mát, đau khổ khá nhiều nhưng vượt lên tất cả, tôi thấy người Việt Nam vẫn luôn giữ được bản sắc riêng của mình. Đó là trong những thử thách hiểm nghèo nhất, tình yêu quê hương và lòng tự tôn dân tộc đã luôn giúp cho người Việt Nam hành động thuận theo lẽ phải và đại nghĩa.

* Sau sự kiện 30.4.1975, nhiều trí thức ra nước ngoài, nhiều người ở lại. Những người ở lại như ông đã vượt qua những thách thức nào để có thể tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước?

- Như đã nói, tôi có quen biết và cũng có thể nói là thân với một số người bên phía miền Nam Việt Nam. Thú thật là tính tôi dễ thân với người ta. Tôi cũng có thân với một số người bên Mặt trận Giải phóng do hoàn cảnh đặc biệt và sự an bài ngẫu nhiên, đưa tôi đến chỗ có thể làm cái gì đó rất nhỏ nhưng trong lúc ấy lại rất quan trọng. Trong sự rộng lớn của toàn dân Việt Nam, riêng tôi có đóng góp một tí để trong ngày kết thúc chiến tranh, tại thành phố này, không còn tổn thương thêm về sinh mạng, vật chất. Cái đó là một phần thưởng. Có lẽ là cả đời con người có được phần thưởng như thế thì mình không thể quên được, không thể từ chối được nó.

Ở lại, bản thân tôi không phải là không phải gặp khó khăn, không phải không bị nhòm ngó. Tôi nghĩ lúc đó mình đã lớn tuổi, đã từng đi ra nước ngoài sống ít lâu nhưng tôi thấy tinh thần của Cụ Hồ, đó là tinh thần đoàn kết dân tộc và tin chắc sớm muộn gì mọi người cũng đoàn kết lại. Vậy là tôi quyết định ở lại. Nhưng thú thật là sự khó khăn ấy kéo dài quá lâu.

38 năm non sông một dải Nghien11
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu về các bản đồ xác định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa - Ảnh: Đỗ Hùng

Tôi nghĩ là các nhà lãnh đạo nghĩ tôi không có công nhưng cũng cho rằng tôi không có tội. Ở lại khi tuổi đã xế chiều, tôi chuyên tâm đi sâu vào nghiên cứu, không ngờ ích lợi cho việc bảo vệ chủ quyền đất nước.

Nói thật tôi không phải là nhà nghiên cứu được ủng hộ hay chuyên môn đặc biệt nhưng mà nó có những cái ngẫu nhiên, thành thử ra qua sự đóng góp ấy, chuyện này nói hơi chủ quan chút nhé, là hóa ra những việc mình cố gắng không uổng phí, không vô ích.

Tôi xin cảm ơn những người hiểu biết về những vấn đề tôi làm như vậy là vì dân tộc, vì đất nước. Tất nhiên mọi người cũng hiểu tôi, là người Công giáo nhưng cũng vì dân tộc, vì đất nước. Những người Cộng sản thấy tôi không vào Đảng cũng không đến nỗi là điều gì đó quá phê phán.

Tôi nghĩ sự cống hiến cho dân tộc, cho đất nước không cần phải có sự phân biệt này kia. Nếu mình hiểu và làm được như thế thì sức mạnh chung sẽ lớn mạnh hơn.

* Trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, ông có những ý kiến gì về việc tập hợp sức mạnh của trí thức để đấu tranh vì chủ quyền?

Tôi nghĩ chúng ta đã quan tâm đến vấn đề trí thức nhưng sự quan tâm ấy chưa đúng mức, chưa rõ ràng. Có thể có một số tiền cũng đã bỏ ra nhưng không đặt vào đúng chỗ đáng lẽ phải bỏ ra.

Nói thêm về việc chúng ta tranh đấu chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì phải nói đến hai việc. Một là mình phải phổ biến tin tức một cách rộng rãi, không những cho các nhà khoa học, các giáo sư, học sinh, sinh viên mà còn phải phổ biến đến người dân bình thường nữa. Bây giờ chúng ta cứ nói chung chung Hoàng Sa và Trường Sa là của chúng ta nhưng mà nó cụ thể như thế nào thì không ai mường tượng được. Chúng ta phải tăng cường tuyên truyền. Tôi đề nghị cần phải tổ chức ngày càng nhiều hơn nữa những cuộc gặp gỡ, hội thảo, triển lãm, ra nhiều sách vở để phổ biến những tin tức ấy.

Cho đến bây giờ tôi hiểu chính quyền có sự khôn ngoan là không muốn gây căng thẳng với Trung Quốc nhưng đồng thời chúng ta cũng phải thấy rằng, nên phổ biến những tin tức chủ quyền của Việt Nam từ xa xưa bằng những tài liệu chính thức, không ai có thể chối cãi được, những tài liệu ấy của Việt Nam đã đành nhưng còn có nhiều tài liệu của Trung Quốc, của các nước phương Tây cũng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Thứ hai là chúng ta đừng quên bây giờ là kinh tế thị trường nhưng thực tế là những nhà nghiên cứu về lĩnh vực này thường chịu nhiều thiệt thòi. Mất rất nhiều công sức, thời gian nghiên cứu mới có thể ra được một công trình nhưng khi in sách để công bố thì thường là bị lỗ. Chính điều này không thu hút được người mới trong việc nghiên cứu.

Vì thế tôi nghĩ Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi rộng rãi hơn cho lĩnh vực nghiên cứu bảo vệ chủ quyền đất nước bởi đây là vấn đề rất lớn. Phải thật sự quan tâm đến vấn đề nghiên cứu nhưng không phải là nghiên cứu khơi khơi.

* Với giới trẻ, ông gửi gắm điều gì mà ông cho là tâm huyết nhất?

- Tôi cũng từng thanh niên. Với thanh niên nói chung, ai cũng có hoài bão, ai cũng muốn mình trở thành người như thế này, như thế kia, có ích cho xã hội, trở thành người tốt, tử tế, lập gia đình đàng hoàng, có công ăn việc làm đầy đủ, thực hiện được lý tưởng của mình.

Tôi thấy trong thời tôi sống, qua nạn đói 1945, quá nửa đời tôi sống dưới chế độ thực dân và chiến tranh, thế hệ tôi có lý tưởng do hoàn cảnh của đất nước tạo nên. Bây giờ đất nước mình thanh bình, phát triển, kỹ thuật, thông tin rất phổ biến. Ví như chuyện nổ bom ở Boston hôm trước, ngay liền sau đó thì cả thế giới biết, Việt Nam cũng biết.

Phương tiện thông tin bây giờ ở Việt Nam rất cao, phần nào nó làm loãng tình hình, lý tưởng của người trẻ nó nhiều thứ quá, không biết phải chọn cái gì, không biết nên làm cái gì, làm như thế nào. Thành thử ra điều tôi mong ước từng người lớn, những bậc làm cha mẹ, chính quyền nên có thái độ hướng dẫn để cho thanh niên thấy mình không chọn cái này thì chọn cái kia, chứ không nhất thiết là đậu cao.

Cái nhất thiết là tạo ra con người có ích lợi, có kỹ thuật cao mà kỹ thuật cao đó không thể chỉ qua bằng cấp mà có được.

Phần lớn những người như chúng tôi là tự học. Dù có bằng cấp rồi cũng phải tự học. Không tự học thì quên hết. Nói thật chứ ai nhớ trung học mình học cái gì đâu, đại học mình học cái gì đâu.

Trở thành công dân tốt, trở thành con người tốt của cả nhân loại, rất cần thiết, rất có thể và ai cũng có thể trở thành người như thế. Và muốn trở thành như thế tôi xin nói thật là phải tự học, tự đào tạo. Thật sự tôi rất thích cụ Phan Chu Trinh. Cụ đã nói và tôi đến giờ vẫn tâm đắc làm theo, đó là phải tự học, tự học suốt đời.

* Xin cảm ơn ông!


Nhà trí thức dấn thân
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu được biết đến là một trí thức dấn thân và cũng là một nhân chứng xuyên suốt những chặng đường lịch sử của dân tộc, từ năm 1945 đến nay. Ông sinh năm 1920 trong một gia đình Công giáo nghèo ở nhà số 57 Hàng Giấy, Hà Nội.

Từ thời thiếu niên ông đã gia nhập Hội hướng đạo, Hội truyền bá quốc ngữ rồi phong trào Thanh niên lao động Công giáo. Những đoàn thể này với các nhà lãnh đạo tên tuổi, các giáo sĩ trí thức tiến bộ đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới ông.

Đúng như lời nhận xét của nhà sử học Dương Trung Quốc, là một trí thức Công giáo, ông Nguyễn Đình Đầu đã sớm dấn thân vào thế sự ở những thời khắc hệ trọng đối với vận mệnh đất nước.

Tháng 9.1945, ông tham gia cách mạng với vị trí là Bí thư Bộ Kinh tế, được giao nhiệm vụ vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc để cứu đói. Ngày 29.4.1975, ông lập một phái đoàn đại diện cho chính quyền Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền đến Trại David hòa đàm ngừng bắn, qua đó giúp giảm bớt đổ máu trong ngày cuối của cuộc chiến.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông đã dốc toàn lực, chuyên tâm nghiên cứu sâu về điền thổ, địa bạ thời Nguyễn - là những tài liệu quý mô tả ruộng đất Việt Nam cách đây đã hơn 200 năm, ghi lại diện tích từng làng, vị trí, cách sử dụng, chủ sở hữu của toàn bộ đất đai các làng xã Việt Nam, từ cực bắc Tổ quốc cho đến mũi Cà Mau.

Đặc biệt, sau hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, ông Nguyễn Đình Đầu có một bộ sưu tập bản đồ Việt Nam khổng lồ với hơn 3.000 tấm, trong đó có nhiều bản đồ cổ của nước ta, của Trung Quốc và nhiều nước phương Tây khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cũng chính từ những tấm bản đồ ấy đã tiếp sức để ông trở thành một người thành công trong việc “giải mã” những tấc đất mà cha ông đã mất bao máu xương để khai phá và bảo vệ.

Ít ai tin được rằng, ở cái tuổi 93, mỗi bữa chỉ ăn được lưng bát cơm cùng với chứng bệnh gai cột sống luôn khiến cơ thể đau nhức, hằng ngày, người “giải mã từng tấc đất xưa” ấy vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu.

Ông bảo hình hài đất nước Việt Nam từ xa xưa cho đến bây giờ và mãi mãi về sau không thể nào thiếu Hoàng Sa và Trường Sa. Và công việc quan trọng nhất mà ông làm trong những năm tháng cuối đời là hoàn tất tập sách Hoàng Sa - Trường Sa đích thực là của Việt Nam.


      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Chứng nhân bên bờ Hiền Lương

Nếu không có hiệp định Geneve năm 1954 thì Vĩ tuyến 17 cũng sẽ như bao vĩ tuyến khác. 20 năm nhận sứ mệnh lịch sử đớn đau: chia cắt hai bờ Nam - Bắc, cùng với dòng Hiền Lương, Vĩ tuyến 17 đã hằn dấu trong trái tim bao người.

38 năm non sông một dải Cau-hi10
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải

Hiểu những câu chuyện xảy ra bên bờ Hiền Lương ngày ấy từ chính lời kể của những nhân chứng lịch sử là trải nghiệm giá trị. Họ, không cứ phải là những tướng lĩnh đầy quyền uy, không cứ phải là những sử gia uyên thâm mà đôi khi chỉ là những người dân, những cựu binh bình dị, đang bị tuổi già lấy đi sự tráng kiện nhưng để lại phần nhiều sự chiêm nghiệm cuộc đời.

38 năm non sông một dải Bo-hie10
Bờ bãi ngút ngàn ở đôi bờ Hiền Lương

Quá khứ chia cắt

Những suy nghĩ miên man đưa đường dẫn lối tôi về thôn Hải Chữ (xã Trung Hải, H.Gio Linh, Quảng Trị), nơi từng biết đến là một trong những “ngôi làng kiểu mẫu” mà chế độ Việt Nam Cộng hòa ngày trước cố gắng xây dựng để “đấu” lại những ngôi làng trong đặc khu Vĩnh Linh. Trên đường cái quan, tôi gặp một bà lão xin đi nhờ xe. Câu chuyện giữa hai người đồng hành tình cờ đưa chúng tôi trở về quá khứ xa lắc, khi đất nước còn chìm trong chiến tranh: “Trước, mệ là dân quân du kích. Chồng trước của mệ là bộ đội đã hy sinh, còn ông thứ hai đang sống với mệ cũng là người có công với cách mạng”.

Bà lão tên Nguyễn Thị Bính nay đã 78 tuổi, còn ông tên Lê Dung, hơn bà cả chục tuổi. Phần bởi người già ít gặp người lạ, phần bởi ký ức ngày xưa vẫn như còn vẹn nguyên nên dù đối diện với một cậu bé chỉ bằng tuổi cháu như tôi, đôi vợ chồng già này vẫn kể chuyện rất say mê. “Tui là người gốc ở đây. Thời Ngô Đình Diệm, thanh niên bọn tui đều bị bắt đi tuần, hằng đêm thì họ gom lại để ngủ trong trụ sở của xã, ai không nghe thì bị đánh. Về sau tui tham gia dân quân du kích rồi có thời gian lên hẳn trên Bến Tắt để theo cách mạng”, ông Dung vuốt mái tóc bạc phơ kể.

38 năm non sông một dải Bo-hie11
Ông Lê Dung (87 tuổi) bảo dù có là ai cũng mong muốn hòa bình

“Người dân trong vùng thời đó phải tự chọn cho mình một cách sống. Có người thoát ly, có người chống đối trong bụng chứ không dám thể hiện nhưng cũng có người nghiêng hẳn về phía bên kia. Nên khi ra đường, gặp nhau đó, nói chuyện đó nhưng không biết người ta nghĩ gì”, bà Bính nói thêm.

38 năm non sông một dải Bo-hie12
Lâu lắm rồi vợ chồng ông Dung mới có dịp ôn lại chuyện cũ

Theo số liệu của ông Mai Văn Bình, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Trung Hải, cung cấp thì trên địa bàn có cả thảy 420 người thuộc diện có công với cách mạng, được Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Không riêng gì Trung Hải mà ở xã Trung Giang, nơi cuối nguồn của dòng Hiền Lương, thống kê sau những tháng năm mưa bom bão đạn cho thấy đã có hơn 900 người ngã xuống, trong đó có 553 liệt sĩ.


“Thực tâm tui nghĩ, mấy người đi lính miền Nam cũng giống bọn tui, cũng trông hòa bình đến nhanh để về với vợ, với con thôi”.
Cựu chiến binh Lê Dung

Từng vượt sông Bến Hải để sang miền Bắc, từng là cán bộ tuyên huấn của lực lượng Công an vũ trang đặc khu Vĩnh Linh từ năm 1963 đến năm 1975, ông Nguyễn Minh Châu (71 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh H.Gio Linh), có cả một kho tàng về quá khứ để kể. Đặc biệt là những câu chuyện dọc hai bờ giới tuyến.

“Đó là những năm tháng của cuộc chiến không tiếng súng. Nhưng ngay trong khu vực phi quân sự, phía ta và phía Việt Nam Cộng hòa đã có những cuộc đấu căng thẳng, không khoan nhượng, không kém gì đấu súng. Chúng tôi luôn xác định và luôn được chỉ đạo là không được thua, dù rằng có những trận tâm lý chiến diễn ra một cách bất ngờ”, ông Châu nói.

Và ông đã say sưa kể từ những “cuộc chiến màu sơn cầu Hiền Lương” rằng nên sơn 1 màu hay 2 màu, “cuộc chiến âm thanh” xem loa tuyên truyền ai vang xa hơn, “cuộc chiến cột cờ, lá cờ” xem ai cao hơn, to hơn... đến những trận thi vật, đấu bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng rồi những “trận chiến” khó gọi tên như đánh đố nhau bằng những câu hỏi về nội dung một cuốn tiểu thuyết hoặc bất kỳ điều gì.

“Hồi đó, hình như chuyện chi cũng mang ra đấu được. Nghe vậy thôi chứ rất khó, để thắng vừa phải có trí tuệ, sức mạnh và lòng dũng cảm”, ông Châu chép miệng.

Ngoài chuyện “đấu” ở hai đầu cầu Hiền Lương, ông Châu cũng không quên góp nhặt những điều thấm đẫm chất nhân văn còn sót lại trong khoảng không gian nhỏ bé nhưng đầy tính thù địch thuở ấy. Đó là những lần “đổi bờ” của đồn Cửa Tùng và đồn Cát Sơn, hằng tuần lực lượng công an mỗi bên lại sang bờ bên kia, cùng nhau kiểm soát ngư dân ra khơi đánh bắt, kiểm soát an ninh trên biển. Hay những ngày lễ tết, đoàn văn công trung ương từ miền Bắc vào thường ghép thuyền, dựng sân khấu bên mép sông để biểu diễn cho nhân dân xem, nhưng về sau cứ mỗi lần vậy không chỉ có người dân mà cả lính miền Nam cũng đổ ra bờ sông để ngóng vọng sang thưởng thức. “Mặc dù là thù địch nhưng nếu anh qua tôi hoặc tôi qua anh, đều được đón tiếp đàng hoàng”, ông Châu nói.

38 năm non sông một dải Bo-hien-luong-10
Cựu binh Nguyễn Minh Châu (71 tuổi) nói quên quá khứ thì không nhưng khép lại quá khứ để hướng đến tương lai là điều nên làm

Nhìn về tương lai

Mấy chục năm trôi qua, đất nước thống nhất rồi nhưng dọc đôi bờ Hiền Lương vẫn còn dấu tích của đồn cảnh sát vũ trang Hiền Lương, Cửa Tùng (bờ Bắc), đồn cảnh sát Xuân Hòa và Cát Sơn (bờ Nam, thuộc Việt Nam Cộng hòa). Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương thuộc thôn Xuân Hòa (xã Trung Hải, H.Gio Linh) và thôn Hiền Lương (xã Vĩnh Thành, H.Vĩnh Linh) vẫn là điểm nhấn, khắc họa khá rõ về một thời kỳ chia cắt hai bờ Nam - Bắc.

38 năm non sông một dải Bo-hie13
Vợ chồng ông Nguyễn Minh Châu lục tìm lại những tấm ảnh cũ, chụp từ thời chiến tranh

Nhưng cũng dọc con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ đổ ra biển Đông sau khi chảy qua bao xóm bao làng này, chúng ta còn có thể bắt gặp những ruộng lúa, những vuông tôm, nơi đó có những người nông dân túc tắc cuốc cày. Yên ả và thanh bình biết mấy.


“Thế hệ của chúng tôi đã già, cũng không còn bao nhiêu sức nữa để cứ kể hoài về quá khứ. Và tôi tin rằng, một thế hệ khác, trẻ như các cậu sẽ có cái nhìn khách quan và bao dung hơn”.
Cựu chiến binh Nguyễn Minh Châu

Hai hình ảnh đó như là một cuộn phim có sự liền mạch, nhắc về quá khứ, có cả tương lai và cũng không quên hiện tại. Sự đổi thay còn hiện rõ trên từng khuôn mặt người, từ cách họ nhìn nhau và đối xử với nhau. Diễn giải một cách mộc mạc như người đã từng đi qua 2 cuộc chiến tranh như cụ Dung thì: “Mỗi người có một cách lựa chọn. Nhưng thực tâm tui nghĩ, mấy người đi lính miền Nam cũng giống bọn tui, cũng trông hòa bình đến nhanh để về với vợ, với con thôi”.

Không chỉ ở Trung Hải mà nhiều xã khác ở bờ nam cầu Hiền Lương có không ít gia đình rơi vào hoàn cảnh éo le như: cha là bộ đội miền Bắc, con là lính miền Nam; anh theo cách mạng là liệt sĩ, em tử trận trong màu áo Việt Nam Cộng hòa. “Cơ bản là đến tận giờ thì người ta không muốn nói lại vì nếu vậy lại gây mâu thuẫn. Giờ ra đường là gặp nhau chứ có phải cách một con sông mà xa vạn dặm nữa đâu”, ông Mai Văn Bình, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Trung Hải, chia sẻ.

38 năm non sông một dải Bo-hie14
Ông Châu (đứng ngoài cùng bên phải) chụp ảnh chung với đội tuyên huấn của lực lượng Cảnh sát vũ trang đặc khu Vĩnh Linh

Ông Châu cũng nhắc về anh trai mình, người dù không biết bơi vẫn qua được miền Bắc sau năm lần bảy lượt nghĩ cách vượt sông. Và ông cũng kể về những người hàng xóm đi lính, làm công chức trong bộ máy chính quyền miền Nam. Ông Châu phân tích rằng tâm lý của những người phía bên kia trở về thường rất lo ngại, rụt rè, phần lớn đã đi vào Nam. Còn những người ở lại làng thì dần dà tình làng nghĩa xóm và thời gian đã làm phai nhạt đi nhiều điều. “Nói quên thì tôi không bao giờ quên, nhưng để hướng về tương lai chúng ta cần khép lại những câu chuyện đau buồn, đầy những thù hằn. Vì suy cho cùng, những nỗi đau ấy đã biến bao con người thành nạn nhân của chiến tranh”, ông Châu chiêm nghiệm.

Trầm ngâm một quãng khá lâu, rồi ông Châu tiếp chuyện: “Thế hệ của chúng tôi đã già, cũng không còn bao nhiêu sức nữa để cứ kể hoài về quá khứ. Và tôi tin rằng, một thế hệ khác, trẻ như các cậu sẽ có cái nhìn khách quan và bao dung hơn”.

Rảo bước trên cầu Hiền Lương vào dịp đất nước kỷ niệm 38 năm ngày thống nhất, núi liền núi sông liền sông. Tôi sực nhớ về một buổi lễ mà tỉnh Quảng Trị tổ chức vào dịp này mấy năm trước. Hôm đó, sau lễ thượng cờ, nước và đất của 3 miền bắc trung nam được mang đến rồi cùng hòa vào nhau, còn đá chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa cũng được Bộ tư lệnh Hải quân đưa từ đảo xa về đây “họp mặt”. Để hiểu, đâu là đất Việt cũng do con dân nước Việt đoàn kết, dựng xây mà thành.

38 năm non sông một dải Bo-hien-luong-3
Khu di tích tưởng niệm bên bờ Hiền Lương

38 năm non sông một dải Bo-hie15
Hòa đất, nước ba miền tại cột cờ di tích đôi bờ Hiền Lương

38 năm non sông một dải Bo-hie16
Đưa đá chủ quyền biển đảo nước nhà về đặt trong khu di tích đôi bờ Hiền Lương

      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Ông Nguyễn Hữu Hạnh: Mình là người Việt Nam

Là một trong những người chứng kiến những giờ phút cuối cùng của chính phủ Việt Nam Cộng hòa vào ngày 30.4.1975, cựu Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, với cương vị phụ tá Tổng tham mưu trưởng, được cho là đã tác động để Tổng thống Dương Văn Minh phát đi lời kêu gọi các binh sĩ miền Nam hạ vũ khí, tránh gây thêm cảnh máu đổ trong giờ khắc không thể đảo ngược của lịch sử.

38 năm non sông một dải Nguyen10
Các ông Nguyễn Hữu Hạnh, Dương Văn Minh trong thời khắc cuối cùng của cuộc chiến vào trưa 30.4.1975 - Ảnh: Boris Gallash

Giờ đây ở tuổi 90, nhân vật mà những mối liên hệ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam chỉ được tiết lộ về sau, vẫn còn ưu tư với quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc cùng những thách thức về chủ quyền mà một đất nước Việt Nam thống nhất hiện đối mặt.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ đơn sơ tại Ấp Me, thị trấn Tân Hiệp, tỉnh Tiền Giang, gần với nơi chôn nhau cắt rốn ở xã Phú Phong, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (cũ), vị nhân sĩ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngần ngại chia sẻ về những điều đã thôi thúc ông chọn cho mình một tâm thế hòa hợp xuyên suốt trong những ngày tháng đầy biến động của thời cuộc.

Lòng tự hào dân tộc


“Miền Bắc lúc đó, hay là người miền Nam, chúng tôi cũng là người Việt Nam. Chúng tôi phải làm thế nào cho hợp với tư tưởng của người Việt Nam”.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh

Đó là câu nói mà ông Nguyễn Hữu Hạnh đã lặp lại nhiều lần trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi. Kể lại chuyện ông Dương Văn Minh, người mà ông xem là thầy, đã từ chối ném bom miền Bắc theo yêu cầu của Mỹ, ông Nguyễn Hữu Hạnh nói: “Người ta yêu cầu ổng bỏ bom miền Bắc, ổng không chịu bỏ, người ta yêu cầu ổng phá đê sông Hồng, ổng nói cái này là inhumain, theo tiếng Pháp là vô nhân đạo".

“Miền Bắc lúc đó, hay là người miền Nam, chúng tôi cũng là người Việt Nam. Chúng tôi phải làm thế nào cho hợp với tư tưởng của người Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Hạnh lý giải.

Sau 38 năm sau ngày thống nhất, ông Nguyễn Hữu Hạnh thổ lộ rằng trong mỗi con người mang trong mình dòng máu Việt Nam, vẫn còn một thứ để gắn kết họ lại với nhau theo lẽ tự nhiên, đó là lòng tự hào dân tộc.

“Mỗi một con người họ có ý kiến riêng của họ, mình cũng khó kéo họ trở về theo ý kiến của mình. Nhưng hòa hợp dân tộc rất cần cho đất nước Việt Nam. Bởi vì thực sự một số người anh em của chúng tôi mà đi qua bên Mỹ, họ vẫn còn nghĩ đến nước Việt Nam mặc dầu họ không nói ra song họ vẫn còn nghĩ. Trong thâm tâm của họ, họ vẫn còn nghĩ rằng mình là nước của ngàn năm văn hiến. Khi nào họ còn nghĩ những cái này, thì cái hòa hợp dân tộc ở trong lòng họ vẫn còn, mặc dầu họ không nói ra”, ông Nguyễn Hữu Hạnh chia sẻ.

Nhân vật từng góp mặt trong nhiều biến cố của dân tộc vào thế kỷ 20 cho rằng chính chiều dài lịch sử từ thuở xa xưa ấy là một trong những thành trì giúp đất nước Việt Nam trường tồn trước nhiều hiểm họa xâm lăng.

38 năm non sông một dải Nguyen11
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Hữu Hạnh (phải) nói: “Miền Bắc lúc đó, hay là người miền Nam, chúng tôi cũng là người Việt Nam - Ảnh: Tấn Cư

Phải giữ nền văn hiến của mình

Nhắc đến những người lính miền Nam đã tử trận trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, ông Nguyễn Hữu Hạnh nói: “Những người ngã xuống là người Việt Nam, họ làm bổn phận của họ. Họ làm đúng bổn phận của họ… Tôi không nghĩ là họ theo ai cả. Họ chết vì nhiệm vụ của họ tại đó. Người Việt Nam mình nói vậy chớ tinh thần dân tộc vẫn có nhiều”.

Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, từ xưa đến nay Trung Quốc luôn muốn xâm chiếm Việt Nam nhưng bất thành, “bởi vì hàng ngàn năm văn hiến vẫn còn ở trong đầu người Việt Nam… Người ta chỉ nghĩ tới hàng ngàn năm văn hiến của người Việt Nam, nên Việt Nam vẫn còn tồn tại, không bị lệ thuộc” vào Trung Quốc.

Ông cũng không quên cảnh báo về những thách thức đối với chủ quyền của Việt Nam hiện nay: “Theo tôi thì như thế này, thế giới hiện nay không thể nào một nước đứng trung lập được… Cả những nước mạnh cũng muốn có đồng minh. Mình nước nhỏ cũng phải có, cái đó là tự nhiên. Có một điều tôi nghĩ như thế này, Mỹ ở xa cách phân nửa trái đất, Mỹ không thể nào đồng hóa ở Việt Nam được. Còn cái anh Trung Quốc ở gần thì có thể ảnh biến mình thành một huyện được. Ảnh muốn như vậy chứ không phải không đâu, từ hồi thời nhà Tống đến bây giờ chớ không phải mới đây. Nhưng mà con người Việt Nam, với hàng ngàn năm văn hiến, cái bề dày văn hiến nó ở trong đầu của nhiều người… Là Việt Nam của chúng tôi có được hàng ngàn năm rồi, chứ không phải mới đây, thì chúng tôi phải giữ nền văn hiến của mình. Việt Nam mình tồn tại được cũng nhờ cái đó”.


Ông Nguyễn Hữu Hạnh
Ông Nguyễn Hữu Hạnh sinh năm 1924, tại ấp Phú Thuận, xã Phú Phong, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc Tiền Giang). Năm 1946, ông gia nhập quân đội Pháp dưới quyền thiếu úy Dương Văn Minh, người sau này trở thành tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Trong cuộc đảo chính ngày 1.11.1963, ông đã ủng hộ ông Dương Văn Minh.

38 năm non sông một dải Nguyen12
Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Ảnh: Tấn Cư

Vào năm 1970, thông qua người bác họ là Nguyễn Tấn Thành, ông Nguyễn Hữu Hạnh trở thành cơ sở của Ban binh vận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Trong cùng năm, ông được thăng làm chuẩn tướng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Vào ngày 29.4.1975, ông được ông Dương Văn Minh phân công giữ chức phụ tá Tổng tham mưu trưởng cho trung tướng Vĩnh Lộc, người đã đào nhiệm sau đó. Với cương vị này, ông cùng với ông Dương Văn Minh đã phát đi lời kêu gọi các binh sĩ miền Nam buông súng vào sáng ngày 30.4.1975. Cũng chính ông cùng với tướng Nguyễn Hữu Có đã có mặt cùng ông Dương Văn Minh tại dinh Độc Lập trong giờ phút cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.

Tháng 6.1975, ông được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng huân chương Thành Đồng. Sau năm 1975, ông tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách nhân sĩ yêu nước cho đến nay.


      
Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

Thích0Báo xấu0

Gửi một tin nhắn lên tường.

Gửi báo cáo lỗi về bài viết này.

      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất