Thiết kế
Asus WL-330NUL gây ngạc nhiên bởi kích thước quá nhỏ gọn của máy. Router chỉ nhỉnh hơn một đầu cổng LAN và nhỏ hơn 1/5 so với kích thước chiều ngang của một chiếc thẻ ngân hàng. Ngay cả khi đặt cạnh một chiếc pin AA, thiết bị này cũng chẳng to hơn bao nhiêu.
Do cấu trúc đơn giản, Asus thiết kế cổng USB dính liền trong chiếc router này. So với cổng chuyển đổi LAN sang Thunderbolt của Apple thì rõ ràng WL-330NUL vẫn có lợi thế hơn. Tuy nhiên kích thước nhỏ cũng đồng nghĩa với việc bạn phải bảo quản cẩn thận. Tông màu xám trắng khá hợp tông với chất liệu kim loại trên các máy Asus Ultrabook, MacBook...
Khó có thể đưa ra điểm trừ nào cho thiết kế của chiếc router này
Asus WL-330NUL có 3 tính năng chính, bao gồm khả năng định tuyến từ modem (tính năng router), khả năng chuyển mạng LAN qua cổng USB cho máy tính, cuối cùng là khả năng thu và phát sóng Wi-Fi. Router này hỗ trợ Wi-Fi chuẩn b/g/n với băng tần 2,4 GHz, cổng Ethernet 100 Mbps, sử dụng giao diện USB 2.0 tương thích với USB 3.0
Giả sử bạn đến một khách sạn 5 sao sẽ có 3 tình huống xảy ra thế này.
- Ở nơi đó chỉ có mạng LAN, máy tính của bạn không có cổng LAN. Asus WL-330NUL sẽ giúp bạn truy cập vào mạng LAN dễ dàng.
- Cũng tại nơi có cổng LAN, bạn dùng các thiết bị như máy tính, smartphone, máy tính bảng truy cập Wi-Fi vào thiết bị WL-330NUL nếu cổng USB được kết nối với nguồn điện trên 1A. Như vậy nếu cổng LAN ở bàn làm việc thì bạn có thể sử dụng laptop trên gường hay đem máy tính bảng vô toilet để đọc báo. Chúng ta có một cái Access Point lấy mạng từ LAN sử dụng nguồn điện từ pin dự phòng hoặc adapter.
- Bạn muốn phát sóng Wi-Fi cho điện thoại, tablet mà Wi-Fi ở đó yếu. Lúc này bạn gắn WL-330NUL vào máy tính và tìm sóng Wi-Fi ở đó. Như vậy thiết bị này sẽ hỗ trợ tăng khả năng thu sóng để bạn có thể sử dụng cho laptop, điện thoại, máy tính bảng... Ngoài ra việc có cổng LAN sẽ giúp một chiếc máy tính khác sử dụng được cổng này (trong trường hợp chiếc máy đó không thể sử dụng Wi-Fi).
Thử nghiệm
Sử dụng làm cổng USB <-> LAN (chế độ Access Point qua cổng USB)
Nếu bạn có sẵn một cổng LAN có kết nối mạng thì chỉ đơn giản kết nối dây vào chiếc router, sau đó gắn router vào máy tính PC/MAC để sử dụng ngay lập tức. Như vậy bất kỳ tình huống nào bạn phải sử dụng đến cổng LAN (trong khách sạn 5 sau, thiết lập cho modem/router khác) thì thiết bị này cực kỳ hữu ích.
Thiết lập kết nối Wi-Fi đến các thiết bị khác
Như vậy là máy tính bạn đã truy cập được mạng LAN rồi, bây giờ chúng ta sẽ dùng router siêu nhỏ này thiết lập kết nối Wi-Fi đến thiết bị khác. Bạn chỉ cần truy cập vào trang webwww.asusnetwork.net để đến với trình quản lý thiết bị của router. Cửa sổ trình duyệt hiện ra một trang yêu cầu bạn nhập supervisor code. Hãy nhìn trên thiết bị và nhập mã số đó. Trong mục Wireless Setting, hãy thiết lập tên mạng Wi-Fi và hình thức bảo mật. Asus WL-330NUL cho phép người dùng sử dụng 2 chế độ Wi-Fi.
- Chế độ cá nhân: kiểu truyền thống, tức là bạn nhập password trực tiếp vào điểm truy cập không dây:
- Chế độ khách: bạn thoải mái vào mạng của chiếc Wi-Fi, tuy nhiên để truy cập internet, bạn phải vào trình duyệt để nhập mã số mà người quản trị cho biết, hoặc không cần nhập nếu mạng đó không thiết lập.
Thế là xong, nếu bạn muốn đem máy tính rời xa cái router đó thì bạn có thể tháo cổng USB và cắm vào cổng USB cung cấp điện (AC USB Adapter), hoặc pin dự phòng sử dụng cổng USB với nguồn ra trên 1A. (Lưu ý đèn của router sẽ báo nhấp nháy liên tục nếu nguồn điện không đủ nguồn cấp)
Dùng làm Wi-Fi adapter (bắt Wi-Fi từ nguồn khác)
Do một số các Wi-Fi trong máy laptop, máy để bàn không có tính năng phát Wi-Fi đến các thiết bị khác. Chính vì thế WL-330NUL sẽ đồng thời làm cùng lúc hai công việc: bắt sóng Wi-Fi cho máy tính đang kết nối (Wi-Fi Adapter) và phát sóng cho thiết bị khác (lúc này cái máy tính của bạn gắn thiết bị WL-330NUL sẽ đóng vai trò làm Access Point).
Sau khi truy cập vào trang web www.asusnetwork.net và nhập Supervisor code, bạn chọn mục WAN để chọn một điểm truy cập Wi-Fi hiện có (như kiểu hôm đó mất mạng câu ké Wi-Fi của nhà hàng xóm).
- MAC Clone: giả lập địa chỉ MAC, bạn sẽ vào được web nếu hệ thống mạng tại nơi đó chặnMAC Address bằng cách giả lập một địa chỉ MAC khác.
- Guest Management: khi các thiết bị truy cập vào mạng khách, bạn dễ dàng quản lý được thông tin của các thiết bị đó. Việc chặn (blocked) các thiết bị này cực kỳ dễ dàng.
Điều gì thiết bị này không làm được?
Đó là khả năng vừa thu vừa phát Wi-Fi khi không kết nối đến Ethernet. Như vậy thiết bị này không đóng vai trò làm repeater so với một số chiếc router Wi-Fi cỡ lớn khác. Tuy nhiên mình nghĩ những gì đã thể hiện đã là quá đủ cho một chiếc router siêu nhỏ. Đây cũng là ý đồ của nhà sản xuất khi họ còn giới thiệu một chiếc router bỏ túi WL-330N (hoặc WL-330N3G) có khả năng thiết lập làm repeater. Tất nhiên nó to hơn thiết bị này khoảng 1+1/3 lần.
Kết luận
Trong thời buổi các máy tính ngày càng lượt bỏ cổng LAN như hiện nay, việc Asus tạo ra một thiết bị chuyển đổi USB <-> LAN đã làm cho người dùng cảm thấy tiện lợi hơn khi di chuyển. Đặc biệt với tính năng Wi-Fi, bạn có thể nhanh chóng kết nối 1 đầu dây LAN RJ-45 vào thiết bị router WL-330NUL để nó có thể phát sóng cho nhiều thiết bị không dây của bạn.
Trong quá trình sử dụng, thiết bị hoạt động tốt với với mạng ADSL 15 Mbps/ 2 Mbps, độ toả nhiệt không cao và chạy ổn định. Mình thử nghiệm trên máy Mac dùng OS X nên không cần phải cài đặt Driver. Sách hướng dẫn sử dụng khá trực quan và dễ theo dõi.
Giá của thiết bị này được Asus công bố là 40 USD, về VN dự đoán xấp xỉ khoảng 1 triệu đồng, rẻ hơn so với mẫu WL-330N3G(*), đây chắc chắn là một mức giá khá hợp lý so với những gì mà thiết bị mang lại. Mặc dù cổng chuyển Thunderbolt của LAN qua Apple có giá lên đến gần 30 USD không có tính năng Wi-Fi nhưng chúng ta lại không thể so sánh ngang hàng như vậy. Một bên là Thunderbolt và một bên là USB.
(*): có giá khoảng 1,25 triệu, kích thước to hơn một chút, nguồn vào dùng microUSB, có 1 cổng LAN, 1 cổng cắm USB 3G và có thể dùng làm repeater)
Ảnh