Thời điểm tết Mậu Thân 1968, quân số Mỹ có mặt ở miền Nam lên đến hơn 500.000 quân. Ta xác định cần phải dốc toàn lực đánh một trận để buộc Mỹ phải rút quân.
LTS: Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Nó đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc, rút dần quân Mỹ về nước và ngồi vào bàn đàm phán Paris, mở đầu cho những thắng lợi quan trọng và cơ hội hòa bình, thống nhất đất nước.
Nhân kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu loạt bài dưới đây nhằm soi rọi thêm tầm vóc của sự kiện quan trọng này.
Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết. Do bị ám ảnh bởi học thuyết Trurman về sự sụp đổ dây chuyền của khu vực Đông Nam Á vào tay cộng sản, Mỹ ngấm ngầm phá hoại hiệp định Genève, đồng thời dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Cuộc tổng tuyển cử tự do, thống nhất hai miền Nam-Bắc vào năm 1956 theo tinh thần hiệp định Genève đã không được thực hiện. Thay vào đó, dân tộc Việt Nam lại tiếp tục bước vào một cuộc kháng chiến mới chống đế quốc Mỹ, kéo dài suốt 21 năm sau đó.
Bí mật kế hoạch X
Từ “chiến lược chiến tranh đơn phương” đến “chiến tranh đặc biệt”, từ “đạo luật 10/59” đến “quốc sách ấp chiến lược”, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã đàn áp cách mạng miền Nam trong biển máu, với dã tâm biến miền Nam Việt Nam trở thành “tiền đồn” chống cộng ở Đông Dương. Nhưng với thắng lợi từ phong trào Đồng Khởi (1960) và các chiến thắng quân sự lớn ở Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964), Ba Gia (1965) và Đồng Xoài (1965), quân dân ta đã lần lượt đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh đơn phương và chiến tranh đặc biệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Trong bối cảnh đó, từ tháng 3-1965, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã quyết định đưa các sư đoàn quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, trực tiếp tham chiến tại chiến trường này và chuyển sang thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Đến cuối năm 1967, dù đã nỗ lực thực hiện hàng loạt cuộc hành quân tìm - diệt trên quy mô lớn, quân đội Mỹ vẫn không thể thay đổi được cục diện của cuộc chiến tranh và đang ngày càng sa lầy vào cuộc chiến này.
Nhận định cần phải có một thắng lợi quan trọng, tạo bước ngoặt của cuộc chiến và buộc Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán với ta, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam.
Sau khi nhảy vào cuộc chiến Việt Nam và bị sa lầy, Mỹ điên cuồng muốn dốc toàn lực để phá thế bế tắc và kết thúc chiến tranh theo cách họ muốn. Trong ảnh: Lữ đoàn Cơ động đường không số 2 của Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ đổ bộ tại Quy Nhơn 13-9-1965. Ảnh: Newsweek
Trên thực tế, sự chuẩn bị cho đòn tấn công này đã bắt đầu khởi động từ cuối giai đoạn chiến lược chiến tranh đặc biệt. Theo PGS-TS-Đại tá Hồ Khang, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, “Kế hoạch Xuân Mậu Thân có nguồn gốc từ những kế hoạch ban đầu chúng ta hình thành mà một số nhà nghiên cứu gọi là kế hoạch X. Kế hoạch này được khởi phát vào lúc mà cuộc chiến ở miền Nam đang tiến dần đến sự thay đổi, chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ tiến hành ở miền Nam đang sa lầy, thất bại”.
Từ mùa thu năm 1964, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm “tiến hành một đòn mạnh mẽ nhằm nhanh chóng tiêu diệt quân đội Việt Nam Cộng hòa để giành thắng lợi quyết định”. Chiến dịch sẽ được bắt đầu sau khi quân đội Sài Gòn đã mất sức chiến đấu và sẽ hướng thẳng vào TP Sài Gòn từ năm mũi khác nhau.
Với cố Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) - nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định, kế hoạch X đã mở đầu cho một đoạn đời thật đặc biệt khi ông trở thành thủ lĩnh của một đội quân tinh nhuệ ngay giữa đô thành Sài Gòn với những chiến công vang dội khắp năm châu. “Tháng 5-1964, tôi được thuyên chuyển về phụ trách một đơn vị mà hồi đó gọi là F100 - biệt động của quân khu Sài Gòn-Gia Định. Sau này dần dần tôi mới biết rõ đơn vị này tổ chức ra để nhằm phục vụ cho ý đồ tập kích chiến lược. Hồi đó, tôi được lệnh là mọi thứ phải chuẩn bị xong trước tháng 12-1965” - ông Tư Chu nói.
Nhưng việc Mỹ đổ quân vào bãi biển Đà Nẵng tháng 3-1965 đã làm ta tạm trì hoãn việc thực hiện kế hoạch X. Trên cơ sở đó, ta tiếp tục chuẩn bị, khi nào có thời cơ sẽ đánh.
Tại sao chọn thời điểm tết Mậu Thân?
Ngay từ khi quân dân ta phải trực tiếp đương đầu với quân đội Mỹ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, mà cụ thể là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, đã nhận định chúng ta không đủ sức tiêu diệt quân đội Mỹ vì họ quân đông, lực rất mạnh, lại được hỗ trợ bởi các loại vũ khí, khí tài chiến tranh vào loại hiện đại nhất thế giới. Vì vậy, cần phải tìm ra một cách đánh mới để buộc Mỹ phải rút quân.
Mùa thu năm 1967, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, một lần nữa lại đặt lên bàn hội nghị một tính toán chiến lược có ý nghĩa quyết định, tạo bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Rằng nếu không tranh thủ thời cơ, đi sớm một bước thì sang năm 1968, cách mạng miền Nam sẽ gặp bất lợi lớn khi quân đội Mỹ, dưới áp lực của dư luận nước Mỹ, buộc phải dốc toàn lực thực hiện một hành động quân sự lớn để phá vỡ thế bế tắc và kết thúc chiến tranh theo cách họ muốn.
Bộ Tổng tham mưu đã bí mật thành lập tổ kế hoạch ba người để giúp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nghiên cứu, hình thành một kế hoạch tác chiến chiến lược mới trong đông xuân 1967-1968. Tất cả chiến trường liên tục cử đại diện ra Hà Nội báo cáo tình hình, các phương án tác chiến cụ thể. Và đến tháng 10-1967, Bộ Chính trị đã họp và chính thức thông qua kế hoạch này.
Theo Đại tá Vũ Ba, nguyên cán bộ tham mưu Miền, “... thời cơ lịch sử có thể xảy ra trước hoặc sau năm 1968. Nhưng chắc chắn nó phải rơi vào đúng thời điểm sức mạnh và quân số Mỹ có mặt ở miền Nam lên đến đỉnh điểm nhưng họ không thể giành được thắng lợi quyết định. Và thời điểm đó chính là Mậu Thân 1968. Lúc đó, tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật của Mỹ gấp 800 lần Việt Nam. Các nhà bình luận phương Tây nhận định một nước rất mạnh đánh một nước rất yếu, đã đem hết sức mình ra đánh mà không thắng thì có nghĩa là đã thua”.
Sau ba năm tham chiến tại Việt Nam, Mỹ đang bị sa lầy. Qua hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, dù đã triển khai hàng loạt chiến dịch lớn như Cedar Fall, Attleboro, Junction City nhưng Mỹ vẫn không thu được thắng lợi khả quan nào. Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên cán bộ nghiên cứu Quân báo Miền, kể: “Sau thất bại hai mùa khô, tướng Westmoreland của Mỹ có ý định làm cái đòn phản công chiến lược lần thứ ba. Vì thế, ông ta yêu cầu tăng quân. Mậu Thân chính là đỉnh cao nhất quân số Mỹ và chư hầu. Mỹ lúc bấy giờ có hơn 500.000 quân”.
Cố Trung tướng Nguyễn Đình Ước, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, từng bình luận: “Nếu năm 1967 ta đã tiến công như tết Mậu Thân thì không được. Westmoreland bảo: “Tôi chưa thực hiện xong kế hoạch ba năm tiêu diệt gãy xương sống Việt cộng. Chiến tranh cục bộ chưa đến đỉnh cao. Các anh chưa cho tôi quân hết, phải đánh ít nhất một năm nữa”. Nếu ta để năm 1969, quá đi một năm, qua bầu cử tổng thống Mỹ rồi thì chưa chắc áp lực nó đã mạnh đến việc Johnson phải từ chức như thế”.
Như vậy, thời cơ chiến lược đã rơi đúng vào dịp tết Mậu Thân 1968, khi quân Mỹ có mặt ở chiến trường miền Nam lên đến đỉnh cao, đã phô diễn hết sức mạnh qua hai mùa khô mà vẫn lâm vào thế bế tắc về mặt chiến lược, lại là năm bản lề trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Bản kế hoạch đã hình thành. Thời cơ lịch sử đã được xác định. Nhiệm vụ còn lại là việc tổ chức thực hiện trên chiến trường, hướng đến mục tiêu chiến lược mà Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã đề ra khi soạn thảo bản kế hoạch này.