Năm xuất bản: 2004
Số hoá: ptlinh
Mười hai năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia (tháng 9.1977-tháng 9.1989) dường như không để lại gì nhiều trong nền văn học chúng ta. Hàng trăm truyện ngắn, mấy trăm bài thơ được công bố trên báo chí cả nước trong thời gian ấy dường như chưa tạo được một nét gì mới lạ trong đời sống văn học nước nhà. Sự xuất hiện của một số cây bút mới lớn lên từ gian khó chiến trường trên khắp các mặt trận thuộc địa bàn ba Quân khu 5, 7 và 9, có nơi cũng gây được một chút tò mò, thích thú nơi những người yêu văn học. Rồi sự “đổ bộ” của các cây bút, là nhà văn trong và ngoài quân đội trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ lên các chiến trường biên giới Tây Nam trước và sau sự kiện ngày 7-1-1979 (ngày Phnôm Pênh được giải phóng) đã ít nhiều tạo ra được những cảm thông nơi người hậu phương.
Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã là dĩ vãng nhưng là một dĩ vãng không yên lặng, một dĩ vãng sống động bởi hình ảnh người lính bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế đã dần dần trở thành nhân vật văn học. Nhân kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ với sự cộng tác của hai nhà văn Văn Lê (TP.Hồ Chí Minh) và Sương Nguyệt Minh (Hà Nội) giới thiệu đến bạn đọc rộng rãi trên cả nước hai tập Truyện ngắn Biên giới Tây Nam gồm 32 truyện ngắn của những nhà văn trong và ngoài quân đội viết về anh bộ đội cụ Hồ ở các mặt trận biên giới Tây Nam.
Do chưa có điều kiện liên hệ trực tiếp để xin phép sử dụng với các nhà văn có truyện được in trong tập sách này, Nhà xuất bản Trẻ rất mong nhận được sự chấp thuận của các tác giả. Chúng tôi hy vọng rằng những gì được đề cập trong Truyện ngắn Biên giới Tây Nam đã phần nào thể hiện được tấm lòng của Nhà xuất bản Trẻ đối với các thế hệ bộ đội cụ Hồ nhân dịp Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 60 tuổi.
16 truyện ngắn được giới thiệu trong mỗi tập sách này là khúc ca bi tráng về người lính của một thời-thời chiến tranh chưa xa.
Nguồn : vnmilitaryhistory