Sự cần thiết giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị
Phát biểu tại buổi lễ ký kết chương trình phối hợp triển khai giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội giữa Bộ Tổng tham mưu và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó tổng Tham mưu trưởng đã khẳng định: “Hiện nay vẫn còn gần 300.000 liệt sĩ chưa được quy tập và khoảng 330.000 liệt sĩ đã được quy tập, nhưng chưa xác định rõ danh tính và việc nhanh chóng giải mã ký hiệu và phiên hiệu các đơn vị tham gia chiến đấu sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác xác minh, tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là tấm lòng tri ân, uống nước nhớ nguồn của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân đối với những người con của dân tộc đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Tổ quốc...”.
Các cựu chiến binh tìm di vật và hài cốt của đồng đội hy sinh trong Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: TIẾN THÀNH
Cùng với đó, tài liệu lưu giữ về ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội tham gia chiến đấu thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; bảo vệ biên giới, biển, đảo; làm nhiệm vụ quốc tế bị thất lạc nhiều; bên cạnh đó những thông tin do các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy đơn vị (nay đã về hưu hoặc chuyển công tác) cung cấp vẫn cần có thời gian kiểm chứng vì thời gian đã lùi quá xa, địa hình chiến đấu đã thay đổi… Ví dụ như nhiều hồ sơ liệt sĩ trên giấy báo tử chỉ ghi: “Hy sinh tại chiến trường miền Nam” nên việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ sau chiến tranh hết sức khó khăn.
Nội dung giải mã
Giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị bao gồm: Ký hiệu, phiên hiệu chính thức; ký hiệu bí mật hoặc nghi binh, kể cả khi chiến tranh kết thúc, mục đích để thuận lợi cho tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Tuy nhiên để giải mã, các cấp, các ngành phải xử lý hai loại thông tin: Thông tin cần giải mã và thông tin giải mã.
Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị tổ chức quy tập và truy điệu các liệt sĩ mới tìm thấy tại thị xã Quảng Trị tháng 5-2011
(đây là những liệt sĩ chưa xác định được danh tính và phiên hiệu đơn vị). Ảnh: Phú Sơn
Thông tin cần giải mã là thông tin về ký hiệu, phiên hiệu đơn vị ghi trên giấy báo tử của quân nhân, hoặc ghi trong hồ sơ quân nhân, các trường hợp hỏi về mộ liệt sĩ, mất tin, mất tích, tìm đơn vị… Còn thông tin giải mã là các thông tin thực trên hồ sơ, giấy tờ và những căn cứ (quyết định, quy định) của cấp có thẩm quyền về phiên hiệu, ký hiệu, hòm thư, địa điểm đóng quân, địa danh, thời gian của trận chiến đấu (hoặc phối thuộc) chiến đấu tại chiến dịch, mặt trận, chiến trường nào; thời điểm đơn vị sáp nhập, giải thể, điều chuyển, thay đổi phiên hiệu, ký hiệu…
Qua các thông tin thu thập được, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành giải mã các nội dung trên giấy báo tử hoặc thông tin ghi trên hồ sơ quân nhân... để tìm ra tên thực của đơn vị, địa danh, chiến dịch, mặt trận… mà đơn vị tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại thời điểm đó, làm cơ sở cho công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, tử sĩ; giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh.
Phương pháp tiến hành
Trên cơ sở Chỉ thị số 07/CT-BQP ngày 22-3-2010, việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh sẽ được Bộ Tổng tham mưu và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam triển khai đồng bộ từ Trung ương đến tận cấp xã, phường và triển khai thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ tháng 6-2011 đến tháng 4-2012. Trong giai đoạn này chia ra làm 4 thời điểm. Từ tháng 6 đến tháng 10-2011, Hội Cựu chiến binh các cấp tổ chức quán triệt, phổ biến và hướng dẫn phương pháp thu thập, cách thức ghi thông tin và thu nộp phiếu cung cấp thông tin giải mã. Từ tháng 10 đến tháng 12-2011, Hội Cựu chiến binh cấp xã tiếp nhận, thu nộp phiếu cung cấp thông tin giải mã, chuyển phiếu lên Hội Cựu chiến binh cấp huyện. Từ tháng 1 đến tháng 3-2012, Hội Cựu chiến binh cấp huyện tiếp nhận phiếu và chuyển lên Hội Cựu chiến binh cấp tỉnh, thành phố. Tháng 3 đến tháng 4 - 2012 bàn giao phiếu từ Hội Cựu chiến binh sang Bộ CHQS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau đó Ban Quân lực, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh, thành phố tổng hợp thông tin nhập vào máy tính, gửi kết quả về Bộ Tổng tham mưu (qua Cục Quân lực).
Giai đoạn 2 từ tháng 5-2012 đến tháng 8-2012, các cơ sở tiếp tục thực hiện việc kê khai đối với những cựu chiến binh và đối tượng có liên quan đã tham gia chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu vì lý do nào đó chưa kê khai và chưa nộp được phiếu cung cấp thông tin...(kê khai vét).
Như vậy, để việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị đạt được kết quả cao đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu như cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, mọi tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hưởng ứng thực hiện, qua đó sẽ góp phần tích cực xác minh, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn đang mất tin, mất tích; coi đây là tấm lòng tri ân đồng đội đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Với cách thức triển khai toàn diện lần này của Bộ Quốc phòng và Trung ương Hội Cựu chiến binh, lại được sự trợ giúp nhiệt tình của toàn dân, nhất là nhân dân các địa phương trong chiến tranh, chắc chắn công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị sẽ đạt nhiều kết quả và đây là cơ sở quan trọng để "giải mã đơn vị" liệt sĩ và tìm kiếm cất bốc những hài cốt liệt sĩ còn mất tin, mất tích.
Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài không có điều kiện ghi phiếu cung cấp thông tin xin gọi điện hoặc báo tin cho các cơ sở hội cựu chiến binh, cơ quan quân sự địa phương từ xã tới tỉnh, hoặc gửi thư về Ban Tổ chức chính sách – Hội Cựu chiến binh Việt Nam, số 38, Lý Nam Đế, Hà Nội. |