Tại sao các tiêu chuẩn đóng vai trò quyết định?
Để giao tiếp với nhau, các thiết bị dùng trong ngôi nhà thông minh sẽ phải "nói" cùng một ngôn ngữ và các tiêu chuẩn chính là ngôn ngữ! Thế nhưng trên thị trường nhà thông minh hiện tại có khá nhiều "ngôn ngữ" khác nhau như Apple HomeKit, Google Weave, Samsung SmartThings và điều đáng tiếc là các tiêu chuẩn này không tương thích với nhau.
Như vậy, nếu như bạn đang dùng iPhone và muốn điều khiển ngôi nhà thông minh bằng Siri thì những chiếc máy điều nhiệt đang được bán trên thị trường như Heat Genius, Hive, Honeywell Ecohome, Nest, Tado hay Heat Miser đều không tương thích với Apple HomeKit, do đó Siri không thể điều khiển chúng. Ngay cả chiếc công tắc thông minh Belkin WeMo cũng không tương thích với HomeKit và thậm chí thế hệ đèn thông minh Philips Hue đầu tiên cũng không dùng được với iPhone.
Kết quả là bạn cần ứng dụng riêng cho mỗi hệ thống và đôi khi là phần cứng riêng. Chẳng hạn như bóng đèn Hue chỉ có thể giao tiếp thông qua kết nối không dây ZigBee, do đó bạn cần phải gắn thêm hub tương thích vào bộ định tuyến Wi-Fi (router).
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với các chuẩn khác, chẳng hạn như chiếc máy điều nhiệt Nest của Google chạy một phiên bản phần mềm Weave riêng, khác với Google Weave hiện đang được công ty cung cấp cho các đối tác phát triển. Do đó, những sản phẩm dùng Google Weave sau này cũng không thể hoạt động với Nest mặc dù có vẻ như chia sẻ cùng một ngôn ngữ.
Tương tự, Amazon Echo cũng đòi hỏi các ứng dụng đặc thù và còn rất nhiều sản phẩm phục vụ cho ngôi nhà thông minh từ các nhà sản xuất khác sử dụng các công nghệ và phần mềm riêng.
Kevin Meagher - phó chủ tịch bộ phận phát triển kinh doanh tại ROC-Connect nói: "Tôi nghĩ vấn đề ở đây không chỉ là công nghệ mà còn là mô hình kinh doanh. Rất nhiều công ty không muốn tạo ra sự tương thích; họ muốn bán các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu của mình càng nhiều càng tốt và cách đơn giản nhất là triển khai mô hình điểm đến điểm, một thiết bị, một ứng dụng trong thị trường còn khá mới mẻ này." ROC-Connect hiện đang làm việc với nhiều công ty viễn thông, nhà sản xuất thiết bị, tiện ích và bán lẻ lớn nhất thế giới để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ cho ngôi nhà thông minh.
Như vậy, chúng ta đã hiểu được sự không tương thích bắt nguồn từ đâu. Giống như ngày đầu của Internet, những nhà cung cấp dịch vụ như AOL, CompuServe và The Microsoft Network đều tạo ra những rào cản riêng khiến người dùng bị trói buộc vào dịch vụ đang dùng. Tương tự với lĩnh vực nhà thông minh, các nhà sản xuất cũng tạo ra những rào cản riêng nhưng sẽ sớm dỡ bỏ. Theo Meagher: "Thị trường rồi sẽ sớm nhận ra rằng người dùng không muốn phải đứng trước thềm nhà, dùng một ứng dụng để mở cửa và điều khiển hệ thống điều hòa bằng một ứng dụng khác."
Giao tiếp thông minh hơn:
Bên cạnh nhiều tiêu chuẩn khác nhau thì các thiết bị cũng có nhiều cách để kết nối với nhau. Wi-Fi thì đâu cũng có nhưng quá phức tạp và hao điện khi hoạt động đối với các thiết bị cỡ nhỏ. Với những thiết bị này, chúng sử dụng các chuẩn kết nối điện năng thấp được phát triển dựa trên chuẩn Wi-Fi 802.15.4.
2 chuẩn kết nối đáng chú ý là ZigBee hiện đang được các thiết bị như bóng đèn Philips Hue khai thác và Zwave được các công ty như ADT sử dụng. Zwave là một chuẩn độc quyền và để sử dụng, thiết bị cần được tích hợp chip sóng của Sigma. Trong khi đó ZigBee mở hơn và linh hoạt hơn.
ZigBee đang là chuẩn thu hút được nhiều sự quan tâm bởi tại triển lãm CES 2016 vừa qua, ZigBee Alliance đã công bố hợp tác với Thread Group - tổ chức đang phát triển một giao thức tiêu chuẩn giống như TCP/IP dành cho các thiết bị trong ngôi nhà thông minh. Tương tự như ZigBee, giao thức kết nối của Thread cũng dựa trên Wi-Fi 802.15.4 và các công ty đã ký kết hợp tác với Thread ngoài ZigBee Alliance còn có Google, ARM, Samsung và Qualcomm.
Thread đảm nhận toàn bộ phần kết nối, các phần mềm như Google Weave và phần mềm của ZigBee sẽ hoạt động bên trên. Giống như cách hoạt động của trình duyệt web, dù bạn dùng Chrome hay Firefox thì tất cả đều dùng giao thức TCP/IP.
Điều đáng chú ý là Thread được Google chống lưng nên chuẩn này sẽ có nhiều lợi thế, chẳng hạn như có thể dùng với Android trên nhiều thiết bị di động hay hệ điều hành Brillo trên các thiết bị đơn giản. Thêm vào đó, sự liên kết giữa giao thức Thread và Weave sẽ chặt chẽ hơn, tạo nên một hệ thống hấp dẫn dành cho các nhà sản xuất thiết bị.
Tuy nhiên, Thread sẽ đối mặt với một chuẩn cạnh tranh mới xuất hiện là HaLow. Đây tên gọi được Wi-Fi Alliance đặt cho chuẩn Wi-Fi 802.11ah. Chuẩn này sử dụng các tần số thấp hơn so với Wi-Fi truyền thống để đạt được cự ly kết nối dài hơn và tiêu thụ ít điện năng hơn. Wi-Fi Alliance hy vọng rằng HaLow sẽ tạo ra "sân chơi cho đám trẻ" trong đó đám trẻ là các thiết bị thông minh còn sân chơi chính là router Wi-Fi.
Cũng theo Meagher thì các nhà sản xuất hiện đang phát triển các công nghệ hoạt động liên đới được gọi là "curated technologies" trong đó các hệ thống nhà thông minh có thể sử dụng bất cứ công nghệ nào được cho là tốt nhất nhưng phải dùng với các hệ sinh thái như Weave hay HomeKit.
Ông cho biết: "Tin tốt đối với người tiêu dùng là nếu như họ xây dựng các hệ sinh thái sử dụng công nghệ hoạt động liên đới, các thiết bị sẽ luôn tương thích với nhau xuyên suốt tất cả nền tảng và khi chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ, khoảng phí mà bạn phải chi có chăng là một chiếc hub mới."
Chiếc hub này có thể là một chiếc router mới, hỗ trợ chuẩn Thread hoặc HaLow bên cạnh các chuẩn Wi-Fi thông thường hoặc là một cái adapter cắm vào router cũ để kích hoạt một công nghệ nhà thông minh đặc thù nào đó.
Việc nâng cấp hub hay thiết bị được xem là trung tâm điều phối hoạt động của các thiết bị trong ngồi nhà thông minh là một ý tưởng rất hay. Có lẽ vì vậy mà Philips đã hỗ trợ tương thích HomeKit cho thế hệ bóng đèn thông minh Hue thứ 2 dùng kết nối ZigBee.
Câu chuyện tương thích:
Tuy nhiên, việc nâng cấp này cũng khiến Philips đánh đổi không ít. Theo đó bản cập nhật firmware mới nhất cho bóng đèn Hue đã khiến chiếc đèn của Philips không còn tương thích với những chiếc bóng đèn rẻ hơn do các nhà sản xuất phía thứ 3 cung cấp. Philips cho rằng sở dĩ hãng phải loại bỏ sự tương thích này vì các vấn đề về bảo mật và hiệu năng.
Meagher cho rằng việc ngưng hỗ trợ các sản phẩm khác như cách làm của Philips chỉ làm tình hình trở nên xấu đi bởi lẽ: "Philips càng làm khó người dùng, buộc họ phải dùng sản phẩm của hãng và không cho phép sản phẩm hoạt động phối hợp với các nền tảng khác thì Philips càng khó có được doanh số tốt. Cũng giống như nhiều nhà sản xuất khác, họ cần phải quyết định rằng mình là nhà cung cấp dịch vụ hay cung cấp thiết bị."
Philips cũng hứa hẹn sẽ rút lại bản cập nhật và triển khai chương trình "Friends of Hue" để chứng nhận những bóng đèn không do Philips sản xuất đủ an toàn để sử dụng chung với hệ thống bóng đèn Hue. Google cũng có một chương trình tương tự có tên Works With Nest và kết quả là hãng đã biến nền tảng Nest vốn là nền tảng đóng trở thành một trung tâm kết nối tự động cho các thiết bị phía thứ 3.
Meagher cho biết một trong những mối lo của ROC-Connect đó là chọn sai nền tảng để hỗ trợ và sai lầm này có thể phải trả giá rất đắt. Meagher gợi ý người dùng nên chọn những sản phẩm sử dụng các tiêu chuẩn được ROC-Connect hỗ trợ và nhấn mạnh rằng những thiết bị với nền tảng API mở, dùng các công nghệ phổ biến sẽ giành phần thắng.
Đồng ý kiến với Meagher, tại sự kiện Samsung European Forum, Rory O'Neill đến từ Samsung cũng thể hiện ý muốn ngành công nghiệp này phá vỡ mọi rào cản, tạo điều kiện cho người dùng tiếp cận cũng như đơn giản hóa mọi thứ. Để làm được điều này, các hãng phải dùng các chuẩn chung để mọi thiết bị có thể hoạt động cùng nhau.
Trong tương lai, chúng ta sẽ có thể điều khiển hầu như mọi thứ trong ngôi nhà thông minh chỉ với việc ra lệnh cho Siri, Cortana, Alexa hay Google Now. Mặc dù chưa thể đi đến một chuẩn chung nhưng các nhà sản xuất hiện đang bắt đầu quan tâm đến vấn đề tương thích và những thay đổi trên các sản phẩm mới sẽ hỗ trợ đồng loạt trên các nền tảng Apple HomeKit, Google Weave và Thread.
Meagher nói: "Tôi tin rằng vấn để ở đây là nhiều công ty đang tìm cách trói buộc người tiêu dùng vào các hệ sinh thái của riêng mình nhưng theo góc nhìn của tôi, kế hoạch này sẽ thất bại. Khi Nest lần đầu xuất hiện trên thị trường, hãng này đã xây dựng một mô hình kinh doanh rất chặt chẽ khi không cho phép can thiệp mở vào hệ thống API và người dùng chỉ có thể sử dụng các ứng dụng do chính Nest phát triển. Thế nhưng chỉ trong vòng 2 năm, khi smartphone tăng trưởng và nhiều nền tảng xuất hiện, Nest buộc phải xuống nước và mở API. Đối với tôi, đây là bằng chứng cho thấy ngay cả những nhà sản xuất lớn nhất cũng sẽ phải chơi công bằng nếu không muốn đánh đổi mảng kinh doanh của mình.