Một lực lượng đặc biệt sử dụng chiến thuật du kích, có tầm ảnh hưởng lớn trong các cuộc chiến.Quân đội Mỹ có khá nhiều lực lượng đặc biệt (Special Force), trong đó lực lượng biệt kích Ranger được thành lập sớm nhất và vẫn duy trì hoạt động cho đến nay. Có tầm ảnh hưởng quan trọng trong các trận chiến, Ranger hoạt động theo từng tiểu đoàn với nhiệm vụ trinh sát và đột kích để mở đường cho lực lượng quân đội tấn công. Với chiến thuật du kích, những người lính Ranger được đào tạo những kỹ năng đặc biệt, trong đó có khả năng ngụy trang tài tình.
Lực lượng Ranger chính thức được thành lập trong chiến tranh thế giới thứ II, khi mà Mỹ nhận ra tầm quan trọng của một lực lượng đặc biệt có khả năng xâm nhập vào đằng sau chiến tuyến địch, tương tự lực lượng đặc công Commandos Anh. Chỉ huy Darby đã thành lập tiểu đoàn Ranger đầu tiên chỉ trong vòng 3 tuần, với 600 người được tuyển chọn kỹ càng.
Lịch sử lực lượng RangerThực tế thì những người lính Ranger đã xuất hiện từ khi những người Châu Âu khám phá và xâm chiếm Châu Mỹ. Địa hình hiểm trở và những khu rừng rậm rạm nơi đây là yếu tố thuận lợi cho những cuộc phục kích nhỏ của người Mỹ bản địa, thay vì những trận chiến trên chiến trường rộng lớn của quân đội Châu Âu. Do đó, để thích nghi, những người lính Châu Âu cũng đã áp dụng chiến thuật du kích để chống lại những người Mỹ bản địa.
Năm 1670, chỉ huy Benjamin Church đã tập hợp một đội quân du kích đầu tiên với nhiệm vụ ám sát một tộc trưởng của một bộ tộc Châu Mỹ. Đội quân của Church đã trải qua một quãng thời gian dài hoạt động trong các khu rừng, quan sát và thực hiện những cuộc phục kích nhỏ. Từ đó mà thuật ngữ Ranger được hình thành (những người lính kiểm soát khu rừng).
Năm 1756, Thiếu tá Robert Rogers thành lập một trung đoàn được tập hợp từ những tay thợ săn, những người am hiểu khu rừng, biết cảnh ẩn nấp và di chuyển lặng lẽ, quan sát sau đó tấn công một cách chớp nhoáng và chính xác. Đây vẫn chưa phải lực lượng biệt kích Roger của quân đội Mỹ, tuy nhiên được coi là tiền thân của lực lượng biệt kích, định hình lối đánh du kích hiệu quả và đầy nguy hiểm.
Cho đến trước Thế chiến thứ I, Đại tá John Mosby đã chỉ huy một lực lượng lính biệt kích nổi tiếng nhất trong thời kỳ chiến tranh của quân đội miền Nam. Với lối đánh du kích sau này trở thành chuẩn mực của lực lượng Ranger, đội quân của Mosby đã gây ra sự khiếp sợ cho không ít kẻ thù. Tuy nhiên đội quân của ông không thực sự tham gia nhiều trong Thế chiến thứ I. Cho đến Thế chiến thứ II, một lực lượng biệt kích Mỹ chính thức được Chính phủ công nhận và thành lập như một lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ. Một trung đoàn Ranger với những người lính tinh nhuệ, bền bỉ và sức chịu đựng dẻo dai nhất được thành lập và duy trì hoạt động cho đến nay.
19 điều quân lệnh của lính biệt kíchĐây là những quân lệnh do Robert Rogers đặt ra, nó định hình nên chiến thuật du kích toàn diện nhất, đầy đủ nhất và hiệu quả nhất. Tất cả những người lính biệt kích Ranger đều phải học thuộc và tuân thủ nghiêm ngặt các điều lệnh này.
1. Không được quên bất cứ điều gì.
2. Chuẩn bị sẵn sàng vũ khí cho những trường hợp bất ngờ nhất.
3. Khi hành quân hãy hành động như một con nai, luôn quan sát và phát hiện kẻ địch.
4. Luôn nói sự thật những gì bạn đã thấy và đã làm. Bạn có thể nói dối người thân của mình nhưng không bao giờ được nói dối người đồng đội và chỉ huy của bạn.
5. Đừng thử những công việc không phải nhiệm vụ của bạn.
6. Khi hành quân, hành đi thành hàng dọc với khoảng cách đủ xa để 1 viên đạn bắn tỉa không giết chết cả 2 người lính.
7. Tiếp tục hành quân khi trời tối, khiến kẻ địch có ít cơ hội phát hiện.
8. Luôn luôn có một nửa số lính canh chừng, trong khi nửa còn lại nghỉ ngơi và thay phiên nhau.
9. Khi tấn công, tản ra các hướng để kẻ kịch khó phán đoán.
10. Giữ các tù nhân cách xa nhau, và tra khảo riêng biệt.
11. Khi hành quân trở về, tìm một con đường khác lúc đi để tránh bị phục kích.
12. Luôn có các trinh sát phía trước, hai bên và phía sau quân đoàn, đề phòng những cuộc tập kích bất ngờ.
13. Mỗi đêm bạn sẽ được thông báo nơi tập kết.
14. Không ăn khi chưa có ai canh gác.
15. Không ngủ đến tận bình minh.
16. Không vượt qua sông ở những chỗ cạn.
17. Nếu có kẻ địch truy đuổi, bố trí và phục kích lại.
18. Luôn quỳ xuống, nằm xuống hoặc ẩn sau một cái cây.
19. Để kẻ địch áp sát đủ gần và tấn công thật bất ngờ.
Đây là những chiến thuật hết sức quan trọng, nhờ tuân thủ một cách nghiêm ngặt, đã từng có những tiểu đội Ranger hành quân 600 cây số trong 60 ngày và đột kích thành công vào một doanh trại địch. Những điều lệnh này là nền tảng của chiến thuật du kích và vẫn luôn được sử dụng trong những trung đoàn lính biệt kích Ranger ngày nay.
Cơ cấu một trung đoàn RangerMột trong những trung đoàn Ranger nổi tiếng nhất là trung đoàn Ranger 75, được thành lập vào giai đoạn đầu của chiến tranh Triều Tiên. Những người lính này được tuyển chọn từ sư đoàn Không quân 82. Những người lính phải vượt qua các thử thách về sức khỏe, sự dẻo dai và độ bền.
Trung đoàn Ranger 75 hiện nay bao gồm 3 tiểu đoàn chính. Tiểu đoàn 1 đóng quân tại sân bay Hunter, bang Georgia. Tiểu đoàn 2 đóng quân tại Lewis, Washington và tiểu đoàn 3 đóng quân tại Benning, Goergia.
Một tiểu đoàn Ranger có khoản 500 người, bao gồm một đội tiên phong và ba đội tấn công. Mỗi đội khoảng 150 lính bộ binh, số còn lại có nhiệm vụ yểm trợ bằng hỏa lực từ xa và các vị trí chỉ huy. Các nhóm yểm trợ hỏa lực của Ranger có nhiệm vụ khá quan trọng, sử dụng các loại vũ khí từ súng máy đến tên lửa Stringer, thậm chí cả vũ khí chống giáp hạng nặng Gustav – một loại tên lửa hành trình cá nhân có khả năng bắn đạn xuyên giáp chống tăng và xe bọc thép. Bên cạnh đó còn có hai đội bắn tỉa với súng trường 50mm.
Với tất cả số hỏa lực này, một tiểu đoàn Ranger vẫn có thể hành quân và triển khai trên các mặt trận một cách nhanh chóng. Một tiểu đoàn Ranger có khả năng triển khai tại bất cứ địa điểm nào trên thế giới chỉ trong vòng 18 giờ.
Khóa huấn luyện gian khổKhóa huấn luyện 61 ngày tại căn cứ Fort Benning (bang Georgia) để lựa chọn ra những người lính Ranger được xem là một trong những khóa đào tạo gian khổ nhất trong quân đội Mỹ. Một chế độ luyện tập vô cùng khắc nghiệt, họ chỉ được ngủ vài giờ mỗi đêm và ăn một bữa mỗi ngày.
338 người được chọn bước vào khóa đào tạo kéo dài 61 ngày, mỗi ngày luyện tập không dưới 20 giờ kể từ khi mặt trời mọc.
Đó là một quá trình không ngừng nghỉ, liên lục có những bài kiểm tra đối kháng khốc liệt. Mỗi Ranger cũng phải cõng được đồng đội chạy trên quãng đường 100m, một kỹ năng cho phép họ cứu đồng đội bị thương trên chiến trường.
Trong cuộc hành quân đêm, những hàng rào lưới là chướng ngại vật đầy khó khăn khi mọi cơ bắp đã rã rời và đôi bàn tay tê cóng vì lạnh.
Nhưng không ai từ bỏ trong ngày đầu tiên, họ chỉ từ bỏ khi trở về doanh trại và nếm trải những hình phạt thể lực kinh khủng cho những vi phạm dù nhỏ nhất.
Sáng ngày thứ hai, 40 người đã bỏ cuộc. Những người còn lại bước vào bài tập di chuyển trên cao qua mặt nước.
Đêm đến, mỗi người lại mang trên mình 27kg hành lý bước vào cuộc hành quân 24km để trở về doanh trại. Sang ngày thứ ba, 106 học viên "yếu đuối" và "nhút nhát" bị loại khỏi đội hình.
232 người còn lại bước vào ngày luyện tập mới. Nhưng sau ngày cuối cùng ở căn cứ Fort Benning, 60% học viên đã bị loại.
Những người đi tiếp bắt đầu luyện tập với rừng núi ở Dahlonega, bang Georgia. Họ phải quấn mình trên dây ở độ cao 30m, trong khi mang theo 36kg hành lý và tìm cách leo lên vách núi.
Họ học cách tồn tại ở những vùng đầm lầy nhiệt đới, cách đối phó với các loài bò sát và rắn độc.
Phần cuối của khóa huấn luyện là các cuộc tập trận giả định.
Chỉ có 103 người nhận đồng phục Ranger trong số 338 học viên ban đầu, thấp hơn cả tỉ lệ "đỗ" thông thường là 1/3.
Nhiệm vụRanger có thể xem như một lực lượng phản ứng nhanh của quân đội trên chiến trường, thực hiện những cuộc tấn công bất ngờ, nhanh gọn. Đa phần lính Ranger được tuyển chọn từ Không quân, do đó các họ thường triển khai bằng cách nhảy dù xuống địa điểm được chỉ định. Bên cạnh đó, tùy thuộc và đặc điểm của mục tiêu, có thể tiếp cận một cách lặng lẽ bằng xuồng cao su hoặc triển khai nhanh chóng bằng cách đổ bộ từ máy bay trực thăng.
Ví dụ đối với một nhiệm vụ tấn công và kiểm soát một sân bay, họ có thể nhảy dù để tiếp cận mục tiêu, loại bỏ bất kỳ mối đe dọa nào, kiểm soát sân bay và phát tín hiệu cho quân đội phía sau. Bên cạnh đó, Ranger có thể đóng vai trò như một trung đoàn trong quân đội và tham gia những cuộc chiến trên chiến trường rộng lớn, những tiểu đoàn ranger đều sở hữu các loại vũ khí có hỏa lực mạnh và dễ dàng chiếm ưu thế trước kẻ địch.
Ngoài các nhiệm vụ hành động trực tiếp, các nhóm Ranger cũng được đào tạo các kĩ năng trinh sát, đảm nhận các nhiệm vụ trinh sát thuộc địa hay tuần tra, thu thập thông tin. Trong lực lượng Ranger có một nhóm nhỏ được gọi là biệt đội trinh sát đặc biệt (RRD), có khả năng thâm nhập vào phòng tuyến kẻ địch trong vòng vài tuần để thu thập thông tin mà không bị phát hiện. Mỗi tiểu đoàn Ranger đều có một nhóm RRD từ 5 đến 7 người.
Các Ranger cũng đảm nhận nhiệm vụ giải cứu các tù nhân chiến tranh, đây là nhiệm vụ kết hợp cả trinh sát và hành động bí mật. Họ thích hợp với các nhiệm vụ này nhờ khả năng triển khai nhanh chóng, bí mật, khả năng trinh sát tốt và chiến thuật du kích. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chỉ có các nhóm biệt kích Ranger mới có thể đảm nhận.
Các hoạt động và chiến dịchRanger đóng một vai trò quan trọng trong Thế chiến thứ II, đặc biệt là trong trận chiến đẫm máu tại bờ biển Normandy, Pháp. Phe Đồng Minh đã chịu tổn thất nặng nề khi mất tới 10.000 lính chỉ trong vài ngày. Trong khi Đức có vị trí cố thủ rất tốt, các xạ thủ với súng máy có tầm quan sát bao quát toàn bộ bãi biển, khiến mọi nỗ lực tấn công của phe Đồng Minh trở nên vô ích. Chính tại bờ biển Normandy, những người lính Ranger đã mở đường cho quân Đồng Minh bằng cách tiếp cận thông minh, đánh úp các lô-cốt súng máy và pháo của Đức.
Thế chiến thứ II chứng kiến nhiều chiến tích của lực lượng Ranger, trong đó cũng có không ít mất mát. Tại Cistena, Ý, các Ranger đã mở đường, phá vỡ phòng tuyến của quân Phát-xít. Gần 3 tiểu đoàn Ranger đã thiệt mạng trong trận chiến đó.
Đại tá Mucci đã từng chỉ huy một tiểu đoàn Ranger đột kích vào một nhà tù của Nhật Bản tại Philippine để giải cứu các tù nhân của phe Đồng Minh. Trong chiến dịch này, Ranger đã tiêu diệt hơn 200 lính Nhật, giải cứu 500 tù binh. Toàn bộ chiến dịch chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 2 ngày.
Sau Thế chiến thứ II, lực lượng Ranger tiếp tục góp sức trong cuộc chiến chống khủng bố và các cuộc nội chiến tại Panama, Somalia, Iran … Cho đến nay Ranger vẫn là một trong những lực lượng đặc biệt có tầm quan trọng nhất của quân đội Hoa Kỳ.
Tham khảo: HowStuffWorks
TVD - Theo Trí Thức Trẻ |
GenK