Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 3 trong tổng số 3 trang]

longduc2
longduc2 Năng nổ

Cấp bậc: Năng nổ

Giới tính : Nam

Bài viết : 176

Danh vọng : 295

Uy tín : 57

First topic message reminder :

Xin nói rõ từ đầu là đ/c cựu binh này không phải là tôi đâu. Trong những lần lang thang trên net, tình cờ tôi đã được đọc những dòng hồi ức hết sức xúc động của anh Xuân Tùng (Hà Nội), một cựu binh của E2F9 giai đọan 1978 -1982, một giai đọan ác liệt của cuộc chiến chống bọn diệt chủng và mở đầu cho nhiệm vụ quốc tế mà chúng ta đã tham gia ở giai đọan cuối sau này. Những hồi ức đã làm cho tôi thật sự cảm động vì tính chân thật, gần gũi bởi tâm tư, tình cảm của một người lính đã hòan thành nhiệm vụ của mình trong một thời kỳ đầy cam go thử thách mà hình như ít được lịch sử sau này nhắc tới...... Xin chia sẻ cùng các bạn đã từng chiến đấu trên chiến trường K, đặc biệt là những bạn đã và đang phục vu tại F9 như Quang, Tỉnh......




Cho đến khi chuyển từ trạm Long Bình về cứ của Sư đoàn 9 ở Trảng Lớn, Thị xã Tây ninh năm 1978, tôi - một binh nhì 18 tuổi đời vẫn chưa có hình dung nào về chiến tranh, về những ngày tháng mình sẽ đi qua cùng trung đoàn mình được bổ sung vào. Trung đoàn Đồng Xoài của tôi, một trang bi hùng, một phần máu xương của đồng đội tôi, của tôi...

Thị xã Tây ninh, một thị xã biên giới xinh xắn và xanh ngắt nằm yên tĩnh giữa một vùng đất đỏ. Đoàn xe quân sự vừa dừng bánh, các dì, các em chìa tận cửa xe mời mua những bịch nước mía đá, những gói kẹo đậu phộng... "Mía ghim! Mía ghim... Năm hào một cây mía ghimm...". Xe lôi, xe thổ mộ ngược xuôi. Toà Thánh Cao Đài, chợ Long Hoa người đi lại nhộn nhịp. Đám đông dân chúng thỉnh thoảng điểm sắc lính áo xanh. Trong một vài quán cóc, dăm ba thương binh chống nạng hoăc băng tay trắng toát, phì phèo điếu thuốc rê trên môi, nhìn theo đoàn lính mới ra chiều thông cảm...

Ngày 25/11/1978, buổi tối, trong khi đang điểm danh đơn vị, bầu trời thị xã đột nhiên sáng bừng bởi hàng trăm vệt đạn vạch đường xé toạc màn đêm yên tĩnh. Đại trưởng hô: "Giữ nghiêm hàng ngũ! Các đơn vị phòng không đang diễn tập đánh máy bay địch! Tiếp tục...

Đêm đó, tôi đã cảm thấy hơi thở của thần Chiến tranh đang phả đâu đây !

Trảng Lớn là căn cứ cũ của sư đoàn 25 QLVNCH trước đây nằm ngoài rìa thị xã Tây ninh, bao gồm nhiều phân khu độc lập. Các phân khu giới hạn bởi các hàng rào thép gai phủ đầy cỏ Mỹ, vạch ngang dọc những lối chồn đi. Bấy giờ đang là mùa khô. Ngày nắng, bụi, nhưng đêm về gió chướng lùa qua lỗ vách, vốn là những tấm ghi lột lên từ đường băng dã chiến cũ, lạnh gai người. Bình minh mùa khô phương nam thật lạ. Chân trời đỏ rực với những dải mây thấp, loang lổ xám. Chưa đến giờ tập thể dục. Tôi còn đang ngái ngủ bỗng dỏng tai nghe. "Vi vi vuuut... Oành! Oành...! Tất cả chạy nháo ra sân. Trung đội trưởng hét lên: "Tản ra! Nằm xuông! Pháo 130 ly nó giã đấy...! Mấy quả nữa bắn trúng dãy nhà tôn bỏ không mé bên trái, giật tung mái bay xoang xoảng. Tôi không còn thấy sợ nữa nhưng lòng cảm nhận tê tái: Chiến tranh thực sự rồi ! Nó bắn thêm mấy quả nữa rồi ngưng, chắc sợ ta dò toạ độ phản pháo hoặc oanh tạc không quân. Cỏ Mỹ khô bắt lửa cháy giần giật. tàn lửa bay tung toé trong khói cuồn cuộn.

Ở căn cứ thêm mấy ngày nữa, ngày 8/12/1978, chúng tôi lên đường ra chốt.

Lại lên xe. Nhưng không phải xe ca nữa, mà là xe REO, loại xe vận tải quân sự của Mỹ. Chạy về hướng Sài gòn à? Ai cũng thắc mắc, mặt trận ở hướng Tây kia mà? Lại qua những xóm ấp yên bình, những cánh đồng, trảng mía ngút tầm mắt, sông Vàm Cỏ Đông nước xanh ngăn ngắt, thị trấn Gò Dầu Hạ tấp nập... Chóp núi Bà Đen uy nghiêm chầm chậm xoay mình theo hướng xe lăn... Bây giờ thì chóp núi ấy đã ở phía sau chúng tôi, hơi chếch về tay phải. Có nghĩa là trước mặt là hướng chính Tây... Đường bắt đầu vắng teo. Cánh đồng không cày cấy cỏ dại dày rịt, vàng úa. Một con đê thấp nằm chắn ngang cánh đồng, đùn lên là mấy ụ đất bao quanh mấy khẩu pháo tự hành lừng lững. Dãy lều bạt lụp xụp. Đơn vị pháo chiến dịch 175mm (pháo Mỹ) đấy! Cửa khẩu Mộc bài đấy! Biên giới đấy! Ôi chao biên giới là thế này đây...! Nó không như hình dung của tôi. Đoàn xe bình thản vượt qua ranh giới vô hình ấy. Chúng tôi ngoái lại nhìn nước Việt một lần nữa. Ôi đất nước mẹ tôi, em tôi! Có lẽ nhiều nghìn ngày nữa, trên những con đường đầy khói bụi của chiến tranh, có thể tôi sẽ gặp, hoặc không gặp lại Người!

Đồng không mông quạnh. Thốt nốt mọc theo những bờ ruộng thành từng cụm hoặc đơn lẻ. Đến ngã ba Chi Phu, đoàn xe rẽ trái xuôi về hướng nam chừng 1.5 km rồi dừng lại. Bộ đội xuống xe rôì được phân về từng đơn vị theo sự dẫn dắt của ban quân  lực. Tôi và nhiều chiến hữu quê Hà nội khác được điều về tiểu đoàn 4, trung đoàn 2, sư đoàn 9 thuộc quân đoàn 4. Anh Tuấn - hỗn danh Tuấn "còi", trung đội phó thông tin tiểu đoàn dẫn tôi và đoàn lính mới tò te băng đồng về chốt. Bố này muốn doạ, hoặc ra điều ta đây lính cũ thỉnh thoảng lại nhắc: "Bảo đi khom là đi khom, bảo chạy là chạy rõ chưa! Không 12.8 mm nó quất cho bỏ mẹ!". Tiếng thì eo éo như con gái, nghe vừa tức, vừa buồn cười.

Xế chiều hôm đó, chúng tôi về đến chốt Long An. Địa bàn chốt giữ của tiểu đoàn nằm trọn trong vùng Mỏm Vẹt, phía nam cách ngã ba Chi Phu chừng 4 km. Tiểu đoàn bố trí đội hình hàng ngang theo chiều dài một con đê thẳng tắp. Đại đội 2 nằm ngoài cùng, gần phum chùa Cốc. Tiếp đó là đại đội 1. Đại đội 3 nằm nhô lên phía trên đội hình tiểu đoàn chừng 350m trong một cụm nhà cũ đã bị phá huỷ. Đại đội 4 - đại đội hoả lực nằm gần tiểu đoàn bộ, hơi chếch về bên trái. Đã bắt đầu mùa khô nhưng những căn hầm nửa nổi nửa chìm tựa vào bờ đê vẫn toát lên mùi mốc ẩm. Thôi nhé từ nay vĩnh biệt thời huấn luyện! Ah ha! Cái phản lính dài dằng dặc trại Trảng Lớn trở thành niềm mơ ước. Còn cốc chè đậu đường đen thị xã Tây Ninh, trong tiếng hát ma mị Khánh Ly chừng thuộc một thế giới xa mờ. Thôi tiến lên nào, anh lính chiến !...

Tình hình cuối năm 1978 ở địa bàn đứng chân của trung đoàn 2 khá yên tĩnh. Ta và địch cách nhau một cánh đồng rộng khoảng 1.2km. Ngoại trừ một lần vào lúc chập tối, tiểu đoàn trưởng Sơn (anh Huỳnh Ngọc Sơn hiện là tư lệnh Quân khu 5) lệnh cho đại 3 mang cối 60 tập kích địch để thăm dò. Khẩu đội cối bò lên trước đội hình khoảng 600m, nạp liều 3 bắn chừng hơn chục quả. Địch trả lời bằng 12.8 mm toang toác suốt đêm. Hầm của trung đội thông tin nằm gần hầm tiểu đoàn. Ban ngày, tiểu đội hữu tuyến củng cố lại dây dợ máy móc. Tiểu đội vô tuyến 2W chúi đầu học bảng mật danh mới. Thằng Vỹ, thằng Mạnh, Thằng Ban trố suốt ngày lầm bầm như cầu kinh: "01 tiểu đội, 02 trung đội, 03 tiểu đoàn, 04 trung đoàn...." Cha Nhương - tiểu đội trưởng 2W suốt ngày càu nhàu vì quân lâu thuộc. Nhưng tôi dám chắc nếu kiểm tra thì chính bố này thể nào cũng tậm tịt nhất. Đã thế lại còn cái tính hay chê, bôi bác người khác. Chẳng hạn kể chuyện anh Hoạch bên hữu tuyến, hồi mới giải phóng Saigon cứ tưởng cái bồn cầu là chậu vo gạo. Thế là cứ tống gạo vào vo. Đến khi giật nước gạo trôi đi sạch cứ thắc mắc um lên. Lại còn luôn mồm chửi tiện nghi của bọn tư bản là thâm độc. Hay chuyện Khương "khàn" dưới đại 1 dẫn lính đi khao. Không biết gọi phin cafe là gì mới e hèm cất giọng sang sảng: "Này cô em! Cho một số cái nồi ngồi trên một số cái cốc". Hết biết !

Tuy tiểu đoàn bộ nằm lui về sau đội hình nhưng vẫn tổ chức gác ba vọng đề phòng địch bâu bám mật tập. Tôi đã biết định vị sao Tua Rua để căn giờ gác. Trong đêm, nếu ếch nhái đang rỉ rả ầm ĩ mà tự nhiên im bặt, hoặc chim đêm trong chòm cây phía trước bỗng dưng xao xác là phải coi chừng. Luồn hào về bấu tay anh em dậy rồi trở lại vị trí gác ngay. Hãy cúi thật thấp sát mặt đất, dùng nền trời đêm sáng mờ làm phông sẽ dễ phát hiện địch hơn. Lại còn muỗi mới khiếp. Muỗi Chi Phu có họ với muỗi Đồng Tháp Mười, con nào con nấy to như con châu chấu con. Áo ka ki ga ba đin không là cái đinh gì. Vòi muỗi xuyên qua hết. Muỗi lăn xả cảm tử xông vào đốt người. Không được đập vì sẽ gây tiếng động. Cũng không được dùng dầu gió xoa vì ban đêm trên đầu gió, mùi dầu sẽ lan rất xa. Chỉ được phép vuốt thôi, vuốt đến đâu lép bép đến đó... Có anh (chắc là con bác Ba Phi) còn kể là hồi mùa mưa, mình nằm trong màn. Muỗi bâu kín ngoài màn hết lớp này lớp khác, một lúc thì dây màn (dây dù) đứt phựt. Lỡ để một ngón tay sát chân màn, muỗi châm ngay. Những con khác không châm được thì châm ngay vào bụng con đang hút máu mình thành một dây chuyền dài hàng mét. Tóm lại là cũng biết làm ăn theo kiểu hợp tác xã...

Ngày 22/12/1978 - ngày Tết Quân đội. Ngoài tiêu chuẩn mà xe hậu cần B3 chở từ nước sang, chúng tôi còn tổ chức cải thiện thêm. Tôi xách AK đi dọc bờ mương bắn cá. Đứng rình một lúc, từng đàn cá sặc rằn to cỡ bàn tay từ từ nổi lên. Thế là "Bụp"! Cá láng trắng nước nhưng phải lập tức lấy màn vớt ngay. Vì chỉ một lát là nó hồi lại. Bố Nhương lại có kiểu bắt cá khác. Không biết anh ấy kiếm đâu được quả đạn B.40 lép liền tháo ngòi nổ ra. Buộc vào một thanh tre cứng dài chừng 2m rồi vác xuống cái đìa cạn gần đại đội 4. Vào xin ít liều cối tọng vào đầu đạn đốt. Thuốc nổ TNT bắt lửa cháy đen kịt. Thế là cha ấy gí cái dụng cụ bắt cá quái dị ấy xuống đìa rà đi rà lại một lúc cho thuốc cháy hết rồi lội ào xuống. Quờ quạng rồi quăng liên tiếp lên bờ những con cá lóc đen bị say thuốc to cỡ bắp tay. Tôi ngán cái dụng cụ nghề cá ấy quá. Kinh bỏ mẹ! Thôi! Để em xách cá về cho nào...

Điểm qua thực binh và trang bị của trung đoàn 2 trước chiến dịch giải phóng Phnom Penh:

- Trung đoàn trưởng: quan tư Nguyễn Như Thạnh.
- Các ban Tác chiến, ban Chính trị, ban Hậu cần
- 3 tiểu đoàn bộ binh gồm D4, D5, D6 (tiểu đoàn anh hùng) - tổng quân số khoảng 700 người
- Đại đội 16 : 3 khẩu đội cối 120mm
- Đại đội 17 : 4 khẩu đội DKZ 75mm
- Đại đội 18 : 4 khẩu đội 12.8 mm
- Đại đội 19 : Công binh - trang bị nhẹ.
- Đại đội 20 : 1 B Thông tin -Vô tuyến máy 15W, 1 B hữu tuyến, 1 B truyền đạt
- Đại đội 21 : Trinh sát - Trang bị nhẹ - AK , M.79
- Đại đội 22 : Vận tải - 2 xe REO, 1 xe Zeep, trực thuộc B3
- Đại đội 23 : Trạm phẫu, bệnh xá trung đoàn
- Đại đội 24 : Vệ binh - trang bị như đại đội bộ binh, bảo vệ sở chỉ huy trung đoàn, trực thuộc ban tác chiến.

Thống kê như thế để thấy rằng tại thời điểm đó, quân số dù đã được bổ sung vẫn còn lâu mới đủ quân số theo biên chế chính thức của một trung đoàn bộ binh chủ lực. Chúng ta đã từng xem rất nhiều phim về chiến tranh. Theo tôi, có bộ "Giải phóng châu Âu" của Liên xô có những cảnh quay chiến tranh thành công nhất. Còn mấy bộ phim chiến đấu nước nhà muốn chân thực hơn có lẽ phải cho mấy bố làm phim cầm súng choảng nhau vài năm hãy cho về cầm máy quay. Chiến tranh giản dị đến khắc nghiệt vô cùng. Diễn tiến tâm lý cũng chẳng lằng nhằng phức tạp trong thời điểm cận chiến. Mày sống tao chết hoặc ngược lại. Huy động và sử dụng tối đa các kỹ năng sống sót của con thú. Lăn đi! Nằm xuống! B.41 đâu? Bịt mồm khẩu đại liên! Mẹ kiếp !... Không sủa, không gầm gừ được thì văng tục!... Có thế thôi! Sau này lắng lại, các xúc cảm con Người trở về, và được sự giúp đỡ của các nhà văn nhà báo lãng mạn mới hay mình đã chiến đấu vì Đất nước. Kể cũng thấy tự hào...

Rồi thời điểm ấy cũng đã đến !

(còn tiếp)
Thích0Báo xấu0

Gửi một tin nhắn lên tường.

Gửi báo cáo lỗi về bài viết này.

      

longduc2
longduc2 Năng nổ

Cấp bậc: Năng nổ

Giới tính : Nam

Bài viết : 176

Danh vọng : 295

Uy tín : 57


BÀI HỌC VỀ HIỆN TƯỢNG QUANG HỢP
Con lộ 6 những đoạn chạy sát biển Hồ trông giống như một con đê. Theo hướng lên Siêm Riệp, bên phải đường là ruộng, rừng thưa. Bên trái là rừng lá thấp, xuôi dần ra hướng biển Hồ. Tại cầu S’toung, ngay lối rẽ ngã ba “Xam xập Canh nha” từ lộ 6 theo đường đê vào trung đoàn bộ, tiểu đoàn 4 bố trí đại đội 2 chốt độc lập và một khẩu 12.8 chĩa nòng ra hướng rừng ngập.

Tôi xuống xe, “ocun chà rờn” sốp-phơ cẩn thận. Bọn đại đội 2 nhận ra, gọi nheo nhéo. Chúng nó đang thịt chó liên hoan cho hai thằng ra quân. Tôi tạt vào chào hỏi anh em chút rồi chuồn, chẳng còn lòng dạ nào mà ngồi chờ nhậu. Xa đơn vị đã hơn 2 tháng, bụng sốt ruột chỉ muốn về ngay, thành ra đi như chạy trên con đường dọc mương. Con mương thẳng tắp này đặc biệt ở chỗ là cả mùa mưa lẫn mùa khô không bao giờ có nước. Có lẽ thằng kỹ sư thuỷ nông của bọn Pốt nó tính sai cao trình, hoặc chưa xây dựng được trạm bơm tưới tiêu tại ngã ba ngoài kia.

Nhà mình đây rồi! Giàn bí xanh đã trùm kín khoảng sân rộng, leo cả lên mái. Quả bí to ăn không hết, mới cắt một nửa được chúng nó bọc nilon cẩn thận vẫn treo lủng lẳng trên giàn. Sắn (mỳ) mới cao đến ngực phủ xanh những khoảng trống. Lên ban báo cáo có mặt, xuống anh nuôi báo cơm xong thì trời tối mịt. Trời mưa sụt sùi. Anh em quây quần bên ca trà với gói Samit tôi mua làm quà.

Văn nghệ được bổ sung thêm hai thằng lính Nam nữa chơi cổ nhạc là thằng Sang với thằng Đức. Anh em lính Nam kỳ này vào đông nên phần cổ nhạc trong chương trình là không thể thiếu. Thằng Sang ở An giang, người nhỏ nhắn trắng trẻo, không đen như các bố lính miền Tây khác. Hỏi ra mới biết là nó bằng tuổi tôi nhưng đã có những 3 vợ cưới hỏi đàng hoàng (chẹp!) và có bốn đứa con chính thức. Nó ở nhà quê nhưng đếch phải làm gì. Chỉ xách đờn lê la các nhà có đám. Phạm vi hoạt động văn hoá cả chục cây số. Đàn sáo, nhậu nhẹt say sưa rồi rúc xuồng, rúc bụi nghiên cứu muỗi A nô phen khi đốt chổng mông như thế nào với con gái nhà người ta nên bị bắt đền.

Có lần nó nhậu say quá, nằm bẹp như cái dải khoai. Một lúc cả ba cô vợ to như con tịnh chống xuồng phi ngay đến. Đám tịnh đó lao vào túm tóc xé áo bóp…vòi lẫn nhau hòng cắp cái dải khoai héo kia về nhà mình để phục dịch. Nước mẹ gì! Chỉ sướng mắt cánh đàn ông ngồi nhậu trên bộ ván ngựa kê ngoài sân, cười hô hố…Sau một hồi dày xéo bụi mù bất phân thắng bại, ông chủ nhà đám (vốn là một tín đồ cải lương) phải ra tay can thiệp tống cổ ráo. “Chúng bây cút ngay! Bộ tính phá đám hử? Đêm nay nó ngủ ở đây với…con gái mỗ!”.

Thằng Đức thứ tư, người hơi xấu trai nhưng có duyên thầm. Nó ôm đàn, ngó ra khoảng mưa tối nhấn nhá từng khúc sáu câu. Ngón chân cái kẹp cái song loan gỗ thỉnh thoảng tróc lên giòn tan canh nhịp. Nó chơi cổ nhạc bằng cây đàn phím bằng của tôi, không thèm xuống dây như đàn guitar phím lõm chuyên dùng chơi cổ nhạc. Tiếng đàn nghe lắng lót trần ai lắm, nhất là trong những đêm sâu, mưa như thế này…

Ca trà tàn thì đêm đã khuya. Trà làm chúng tôi xót ruột, đói cồn cả bụng. Mưa sùi bong bóng mưa lâu. Nhổ sắn ăn đi! Thằng Chương bàn. Sắn văn nghệ trồng mới đến bụng, làm gì ra củ? Thì sang mẹ nó rẫy của chủ nhiệm chính trị ấy! Bên đó tốt lắm! Sai hai chú em cổ nhạc đi nhưng chúng nó sợ chưa quen chó. Chân ướt chân ráo mới được lên ban, vô kỷ luật bị tống cổ về tiểu đoàn thì xách B.41 ốm. Nghe cũng có lý! Ba ông cựu đành cởi trần xách bao dứa luồn sang.

Rẫy sắn của chủ nhiệm nằm ngay trước cửa gần nhà chính uỷ. Con chó Bốp bên đó sủa nhặng lên lao ra. Nhưng nhận ra tôi là người quen nên lăn vào liếm láp. Con Bốp vẫn hay ăn chực cơm nhà văn nghệ lắm rượu nhiều xương. Nó chồm cả hai chân trước đầy bùn, chùi lên lưng tôi đang bò như đặc công. Mẹ con này! Chắc nó ưu tiên tình cảm cho mình vì vừa mới đi xa về. Lưng tôi rồi cả người tôi toàn bùn do nó bôi vào. Tình cảm thể hiện quá mức đôi khi cũng gây phiền hà cho người khác đấy! Đồ ngu! Tuy là tao đang bò như mày thật, nhưng hoàn toàn không phải là bạn mày. Hiểu chưa? Tôi vừa vỗ vỗ đầu nó vừa lầm bầm.

Nhẹ nhàng nhấc nhấc, rung rung lôi gốc sắn lên cho khỏi sót củ. Được gốc nào, bẻ ngay củ cho vào bao dứa rồi dặm lại thân cây thật sâu, thật chắc chắn như hiện trường cũ. Cũng may trời mưa nên công việc đó chẳng khó khăn gì. Xong! Về vất bao sắn cho chúng nó tách vỏ đem luộc. Ba thằng ra tắm mưa. Lúc nãy mải tập trung “bám địch” nên không biết gì. Còn bây giờ lạnh run cầm cập. Lạnh teo cả… rốn! Ra giếng chung tắm thì nước ấm hơn nhưng thế thì lộ mất.

Nồi sắn hấp đêm ấy cực ngon. Nhất là những củ sém ở đáy nồi vỏ thơm phức, lấm tấm mặn những hạt muối, bở tung dưới ánh đèn che nhỏ. Sắn bở quá, ăn nghẹn cổ nên cả bọn vừa ăn vừa phải chiêu nước.

Vài hôm sau, đám sắn đó vàng hết cả lá. Anh Bến phó chủ nhiệm đứng trước sân than vãn :”Nước ngập thối rễ, đám sắn này hỏng hết rồi!”. Thượng sỹ Hoạt - “kỹ sư nông học” bèn khoa tay giảng giải, ra vẻ rất hiểu biết :”Không phải đâu! Lá dày quá nên ảnh hưởng đến sự quang hợp thôi anh ạ!”. Tôi đứng cạnh phải vụt bỏ chạy ra sau nhà để cười, không thì cũng bị nghẹn như nuốt sắn bở.
Riêng cái thằng cha đội trưởng đội Văn nghệ này thì cái gì nó cũng biết tuốt! Em sẽ kể với các bác sau…

Đám củ mì đó tất nhiên là chết, kể cả đã được vun luống và tỉa lá. Thượng sỹ Hoạt một chiều trời buồn ra thu hoạch thử một khóm. Giống như chuyện cổ tích anh nông dân và con quỷ, những phần trên mặt đất thì không phải của chúng tôi. Hiểu ngay rằng mì chết không phải do lá quang hợp yếu, lão Hoạt mang nguyên khóm vào cho anh Bến xem (chắc định giải thích là do sâu đục củ?) . Anh ấy than vãn lại chỉ có bọn Văn nghệ thôi!

Anh ấy cho gọi tôi với thằng Hùng lé đàn bầu lên. Phó chủ nhiệm chính trị quả có con mắt nhìn người, tuy là vẫn còn thiếu thằng Chương còi. Trông thấy khóm mì không củ nằm giữa sân, hai thằng tôi biết ngay sự tình. Con Bốp đang lim dim trong gầm lại lao ra mừng ư ử, quấn vào ôm chân tôi như một khẳng định đồng loã. Con chó dái này này khoái sang văn nghệ vì ngoài xương ra, bọn tôi còn nghịch ngầm, cứ xoa “cu” cho nó sướng đâm nó nghiện. Loài vật trả ơn là như thế này đây, trời ơi! Không mào đầu, anh ấy hỏi luôn: Chúng mày hả? Bọn em đâu có! Nếu không tụi mày thì chỉ có thể là ông Thạnh, ông Chiến thôi! (ông Thạnh ông Chiến là trung đoàn trưởng và trung đoàn phó). Thằng Hoạt ra nhổ thêm về cho anh em nó ăn. Lọ mọ đêm hôm rắn nó đợp cho thì khốn!…

Im tịt hết, nể ông ấy quá! Lão Hoạt chắc chưa biết “Bài ca sư phạm” hoặc Makarenko là ai, tức lộn tiết nhưng vẫn phải ra vườn trợn mắt nhổ về cho chúng tôi mấy khóm. Mà nó chọn toàn khóm nhỏ còi cho bõ tức.

S'TOUNG.
Trong khi triển khai đào hầm, công sự cho vị trí đứng chân trên địa bàn mới, thằng Bình cáo đại liên liên vớ được một cái dây chuyền. Được bạc thì sang, được vàng thì lụi. Nó alô lên ban chính trị cho tôi, hẹn đến Chủ nhật tới ra S’toung đập phá.

Đúng hẹn, tôi lò dò xuống tiểu đoàn 6. Cả bọn hơn chục thằng, áo quần nghiêm chỉnh ra thị trấn. Trong ký ức của tôi, nó là một cái phum lớn giống hơn là một phố thị. Một hai ngôi nhà đúc, còn lại là những ngôi nhà sàn lớn vách gỗ dầu lợp ngói. Những con đường ngang dọc ngập ngụa bùn đất. Bùn trộn phân trâu, phân bò lõng bõng sủi bong bóng xanh lè, nồng nặc một mùi hôi ngái. Có những quãng bùn ngập đến gần nửa bánh xe. Dân bạn đi chợ, qua những quãng sâu đó lại thúc bò rượt cho nhanh để lấy đà. Bánh xe, đuôi bò quăng quật, vung bùn tung toé cả vào khách bộ hành đang men theo những sống đất cao đến chợ. Nhưng cũng chẳng ai lấy đó làm điều. Thậm chí còn cười ré lên trêu nhau. Hình như nông dân nước bạn có lối sinh hoạt cộng sinh, tan lẫn trong đất ruộng, trong nước trời một cách tự nhiên không thể tả. Cứ như họ là một phần không thể tách rời của mưa, của bùn đất vậy!

Cả đoàn xe bò đang nối đuôi nhau rung reng, lốc cốc…Cơn mưa đen trời đến đằng trước, đến đằng sau. Gió bắt đầu lồng lên giật ngang giật dọc những tàu dừa. Mưa chạy đến thật nhanh. Những hạt mưa đập bụi trắng mờ chân ruộng. Nhưng bò thì vẫn đủng đỉnh như thế. Người thậm chí chẳng thèm nhìn trời. Những gương mặt đen ngời vẫn tĩnh như đá tượng! Không một chút nhốn nháo, không một ai rút áo mưa trùm. Áo ướt xong áo lại sẽ khô. Đoàn xe tan biến trong cơn mưa, bỗng hiện ra lù lù ngay cổng chợ. Như là hành trình này đã đến từ quá khứ, về tới hiện tại mà không hề thay đổi. Dù đến cả hàng ngàn, hàng vạn cơn mưa đã trôi qua…

Tiệm vàng nằm dưới gầm một căn nhà sàn lớn, lẫn giữa những hàng cá, hàng tôm hay hàng dép tông Thái. Ở đây vàng cũng là một loại hàng hoá bình thường như tôm như cá thôi, có gì đặc biệt hơn đâu? Một cái hộp kính nhỏ toạ trên một cái bàn sơ sài. Trong hộp kính là một cái đĩa nhôm của bộ đội đựng các miếng vàng ròng 24K. Vàng lá Kim Thành, vàng lá trơn, mấy cái nhẫn méo to sụ, vài nửa cái xúc xích, dây chuyền…Nhưng chủ yếu là các miếng do chặt ra từ các khối vàng nguyên nên có đủ mọi hình thù.

Thằng Bình xỏ ngón tay vào cái dây xích, quay quay trước mặt cha ba tàu chủ tiệm như chong chóng. Lão vồ lấy, móc từ bụng ra một cái cân tiểu ly cổ quái, ném cái dây vào đĩa. “Pi chi!” (hai chỉ), mồm nói còn tay xỉa tiền Rịa luôn. Cái cân mồi lại chui tụt vào trong bụng bự như ảo thuật. Cân tiểu ly hồi đó còn đắt hơn cả vàng. Mất cân là mất nghiệp! Không hiểu lão đó có cân gian hay không? C

ó tiền rồi thì lên sàn, chờ gì? Vài xiên cá kết xông khói mà thân cá trong, óng ánh đỏ sậm như hổ phách, nhìn đã muốn nuốt nước miếng. Thốt nốt chua xếp thành dãy dài, cứ hết lại bê ra. Súng ống ngổn ngang, ống thốt nốt lăn long lóc trong tiếng hát bắt đầu nhừa nhựa. Một cơn mưa nữa vừa kéo qua. Một thằng say gục đầu xuống khóc… Tôi đưa em sang sông. Chiều xưa mưa rơi âm thầm…Con mẹ chủ quán nghe nói Việt lai, tiếp thêm vài xâu cá và chục trái dưa leo nữa. Nó xéo cả vào chân tôi, mắt liếc nhanh như điện rồi hi hí, chùi mỡ cá vào vạt sà rông.

Mấy thằng lính không biết đơn vị nào nữa, lạ hoắc kéo lên đánh ké tự nhiên như ruồi. Hô hô! Chó chết là hết chuyện! Đủ các loại tiếng chửi thề…Thằng Bình loạng choạng đứng dậy bấu vào cửa sổ gào lên:” Mang hết nước thốt nốt chua lên đây…!”. Dứt lời, một cái vòi rồng từ miệng nó vụt thẳng xuống đất. Từ cửa sổ đến mặt đất cao khoảng 3m mà cái vòi ấy không đứt cách quãng một đoạn nào. Nếu như trời không mưa…đường nắng đâu cần tôi đưa…Mẹ kiếp! Cứ mưa, cứ mưa nữa đi! Mưa cho khắp, cho nước biển Hồ lên, cho mấy thằng lính xa nhà lấy cớ mà nhậu tiếp. Lại mưa nữa kìa!

MÁ NUÔI
Sĩ quan thì ít thấy hoặc không, nhưng trong đám lính trơn thể nào cũng có thằng có má nuôi nếu đóng quân lâu tại vị trí gần dân, và nếu nó là thằng chịu giao du và mau mắn.

Má nuôi của thằng Hợp tên là Ộp hay Ọp gì đó? Cũng có thể cái tên này chỉ là biệt danh do lính tự đặt ra cho dễ gọi. Có thằng lính nào mà lại không có biệt danh kèm theo đâu? Trong đơn vị tôi thì có Trung khói, Toàn cồ, Lượng khỉ, Sơn ba tai, Tùng mập hoặc Tùng bẩn…Đến cả cán bộ hoặc chính trị viên tiểu đoàn, trung đoàn chúng nó cũng chẳng từ: Chiến tréc (Chính uỷ E- lùn), Sông già…Cái tên ăn chết vào số phận. Đến bây giờ gặp nhau đã lớn lớn cả rồi nhưng không gọi nhau kèm tên “tục” là không chịu được. Thế cho nên bà má nuôi thằng Hợp có tên là Ộp cũng có thể hiểu do bả mập, nhẵn và tròn như một con ếch xinh thực sự. Mà cũng có thể đó là tên thật của bà.

Má năm đó chừng 40, 41, người tầm thước hơi đậm. Tới đâu cũng biết ngay vì tiếng cười rất thanh thường đi trước người má mười lăm phút. Một bà goá mới sương sương trễ nải, nhận thằng con nuôi lính Việt tuổi mới đôi mươi là một điều rất bình thường. Chồng má chết trong công xã, nghe đâu cũng là dân trí thức xóm, thông thạo Pháp ngữ. Trí thức ở Campuchia rất được coi trọng trong chế độ cũ, và thường có vợ khá xinh.

Má cũng thế! Bà này ở vậy nuôi thằng con trai 10 tuổi. Mà không ở vậy thì lấy ai? Cả đất nước Campuchia hồi đó đàn ông đi đâu hết! Giạt rừng? Chết trận? …Tóm lại một đất nước nhiều đàn bà goá, gần như đất nước Tây Lương trên hành trình lấy kinh của một ông sư thời Đường. Nhưng những biến động đau thương khốc liệt đó không xoá đi được những nét ưa nhìn của những người đàn bà sung mãn. Và Tình nguyện quân hoàn toàn không phải là thầy trò Đường Tam Tạng.

Người dân Campuchia không biết buồn lâu bao giờ! Một đất nước tĩnh với các giá trị tôn giáo, nhưng vô cùng động trong các hoạt động sống phồn thực hội hè. Tôi đã chứng kiến có cô em, chồng vừa chết mìn trong núi chưa được nửa tháng, chất xác chồng lên xe bò mang về, khóc sướt mướt như mưa xối. Thế nhưng buổi tối tuần trăng sau đã gặp tiếng cười lanh lảnh vô tư của cô ấy trong đám ròm “chay” không có nhạc, chỉ bằng trống vỗ đầu phum.

Như tất cả các bà goá khác, nhà má nghèo. Một cái lều đứng chênh vênh trên tám cái cột tre thì đúng hơn là một căn nhà. Vách thưng lá thốt nốt, trống tênh buộc dây vắt quần áo ướt. Trong khi chờ vạt lúa mà thằng Hợp hè chúng tôi lăn ra làm giúp đến kỳ thu hoạch được thì má đi làm cỏ lúa rẽ, hay theo chị em đi sâu vào tận những phum hoang nơi chân núi cả ngày. Khi trở về, trong cái khăn cà ma cuốn khéo như cái tổ chim lớn xù xù đội trên đầu là đủ các loại quả thu lượm: ổi, xoài, mãng cầu…dể bán cho khách buôn đi tàu, kiếm vài rịa.

Thằng cu con thì khỏi nuôi. Vì nó toàn sang ăn, ở với chúng tôi. Không phải ăn ké đâu, đến bữa là nó có một ôm rau càng cua đã rửa sạch sẽ mang về. Cái thứ rau sống lá mọng hình trái tim mọc hoang, vị he he man mát, chấm mắm cá cũng hao cơm. Nó hát rất sõi tiếng Việt bài hát của ông hoàng Sihanuc :” Ta hát bài ca, đi lên chúng ta bên nhau Việt Lào bên Kh’mer anh em. Cùng chung dòng sông, Mekong đắp xây mối tình…” không biết ai dạy. Đêm mưa, có khi nó chun mùng thằng Hợp, ngủ với bộ đội.

Ban ngày, nó ngồi vắt vêo trên bậc thang, bắt chấy (chí) cho má nó cùng thằng anh kết nghĩa. Má ngồi bậc thang dưới, hai thằng con ngồi trên sàn, mỗi đứa một nửa đầu. Thỉnh thoảng chí choé tranh nhau con chấy kềnh khiến má chúng nó cười rung rung cả ngực tròn. Tóc bà Ộp dày, mới cum cúm ôm kín ót. Giờ gội mưa ẩm liên tục nên chấy bả nhiều. Thằng Hợp mang kéo sang tính cắt trọc cho rồi nhưng bả không chịu. Hồi đó có nhiều chị em dân bạn cắt trọc, cắt cua chắc do bị chấy tấn công. Thế là nó phải lấy hạt mãng cầu, giã ra trộn với dầu hôi quân nhu sang cho má nó ủ tóc diệt hết chấy. Lại thêm cục xà bông Lux Thái nữa mới tình cảm. Mẹ thằng này! Hôm nào tắm suối chung mà nhỡ “mượn” nó cục xà bông thơm nó lại chửi mình là dân Vĩnh Phú mà giờ sộp thế!

Có đám vui thì má cũng ròm. Bước chân trần uyển chuyển trong vòng tròn. Hông lắc nhẹ, hoạt theo vũ điệu nhưng phần từ eo lưng trở lên trên không lắc, gợi cảm như một vũ công chuyên nghiệp. Đôi tay cong cong, uốn mềm mại vừa phải trước ngực chứ không tung tẩy, khoáng đạt như các em gái trẻ. Những cử động tiết chế ẩn chứa một nội lực duyên dáng đầy nguy hiểm vô hình, như hút mắt người xem, đẩy người ta đến những khát khao rạo rực. Trong không gian thoảng mùi xà bông thơm, khối cô phải ghen tỵ lòi mắt.

“Túp lều má Ộp” là địa chỉ nhậu tin cậy của đội văn nghệ chúng tôi. Các chỗ khác có thể hết nhưng tại đó không bao giờ thiếu rượu. Ra đó vừa vắng, vừa xa cán bộ. Nhỡ có hứng gào lên hát lớn cũng chẳng ai thèm để ý. Má cũng là một tay nhậu cự phách. Cũng một hơi nửa bát sắt xâmakhi như ai.

Có những buổi trưa mưa buồn, nổi cơn thèm rượu, tôi kéo thằng Hùng lé lội nước mò ra lều má. Trên sàn, hai má con thằng Hợp đã say sưa tự bao giờ, đang gác lên nhau ngủ. Nghe động thang thấy tôi, má vươn vai trỏ tay vào góc chái nhà nơi cất rượu rồi ôm thằng Hợp lăn tiếp vào cơn mộng. Chuyện thường ngày ở huyện! Tôi lấy can rượu ra. Thằng Hùng trở qua trở lại con khô. Chúng tôi ngồi cạnh má con nó ngó ra mưa, im lặng nhậu tới. Một hồi ríu cả mắt, cũng lăn ra sàn đánh một giấc vô tư như má con nó.
……………………………………………………………………
Sau này thằng Hợp ra quân, má nuôi nó dẫn cu em đến thăm. Má cho nó hai chỉ vàng trong buổi liên hoan chia tay với rất nhiều nước mắt.

Còn thằng Hợp dân huyện Đà Bắc. Nghe đâu chạy thuyền cát gần Chẹ, Tu Vũ tỉnh Hoà Bình bên sông Đà. Em đang làm ở Phú thọ, bên kia sông gần đó cũng đã dò la tìm kiếm nhưng chưa gặp, để hỏi chuyện má con tình cảm gì đâu!
Gặp nó sẽ kể tiếp chuyện tình nghĩa má con hầu các bác!

PHIÊN CHỢ BA TƯ
Cuộc sống bộ đội của tôi bây giờ nhàn tản như công chức. Sinh hoạt cơ quan giờ nào việc nấy nghiêm lắm chứ không tự do thoải mái như dưới tiểu đoàn. Sáng dậy đánh răng rửa mặt, vệ sinh cá nhân rồi tập cho đến trưa. Cơm nước xong nghỉ trưa. Chiều lại tập rốn một đoạn nào đó chưa nhuyễn nhưng tai chỉ dỏng sang hướng sân bóng trung đoàn. Hễ bắt đầu có tiếng bịch bịch của trái bóng da bọn vệ binh khởi động là hô nghỉ luôn. Vác cuốc ra xới ví dụ mấy đám củ mì, đám đậu đũa cho các em noi gương, xong ra sân bóng quần đến mệt lử.

Thưa với các bác là em hồi này ăn chức “tiên chỉ” rồi! Lính cũ mà! Tuy không phải là trợ lý ăn nói lí nhí thập thò xin chữ ký. Cũng chẳng là đội trưởng nhưng lại được nể nhiều! Do biết bảo vệ cho quyền lợi anh em trong đội rành rẽ khúc triết lắm, không toan tính vì mình cái gì cả! Phân đời cũng dám chơi tới bến, nhậu mút ngón chân cái, không ngán bố con thằng nào. Lại hay bày trò ăn cắp cải thiện nên chúng nó khoái là đương nhiên. Cả đội Văn nghệ tuyệt nhiên giống máu nhau. Là lính lại nhiều cái thú nữa thì cần đếch gì?

Ở cơ quan Chính trị yên hàn, ba lô các sĩ quan, các trợ lý ngày càng phồng lên những đồ Thailand, những chiến lợi phẩm xin hoặc trấn được của đồng hương đồng khói dưới các tiểu đoàn để dồn cho các kỳ nghỉ phép. Một số ông còn biết dồn lương, phụ cấp, hùn tiền rịa gửi bọn hậu cần đi buôn, đánh quả mánh mung. Nhất là đám sĩ quan dân Bắc mình xuất thân quê ở nông thôn. Ăn không dám, tiêu lại càng không. Lại chẳng dám vô kỷ luật để trốn giờ đi cải thiện nên nhiều khi nhìn mâm cơm các trợ lý sĩ quan cũng thấy động lòng.

Ngược lại, ba lô bọn văn nghệ tôi ngày càng lép. Có bộ quân phục trung đoàn cho riêng làm trang phục biểu diễn thì chúng nó không dám động vào. Còn thì thượng vàng hạ cám bán dần tuốt luốt. Thành phần đội toàn thằng lính kiểng, quê thành phố thị trấn, không chịu được gian khổ mà lại lắm giao du. Một chiều Chúa nhật - mưa- hồn buồn, mồm cũng buồn nốt thì thôi rồi! Chẳng nhẽ lại nằm ngửa xoa bụng, nghe tiếng mưa rót đều mái lá? Lại bảo nhau giở ba lô ra bày kiểm đồ như bán đấu giá tự nguyện. Mùng này còn dùng được, duyệt! Cái áo kia còn tươm, tốt rồi! Sao lại có những ba cái đèn pin ở đây? Chúng mày mù dở à? Một cái là đủ cho tất cả rồi! Đi ị đêm chứ có tác chiến bao giờ đâu mà phí hoài thế? Xong nhé! Thằng Hợp dẻo mồm mang tất đồ gom ra chợ S’toung. Thằng Minh sang nhờ điện thoại C20 gọi xuống cho đám anh em quần hùng kiếm khách thân văn nghệ dưới các đơn vị. Nhớ nói khẽ thôi! Gào ông ổng trên tổ hợp bọn 20 nghe thấy kéo sang đánh chạc thì khốn. Cặp quần đùi hoa hoét của con bồ thằng Đức (cho nó khi đi lính, nó không dám mặc bao giờ) thì để lần sau. Triển khai ngay đi!

Bây giờ cứ nghe cây violoncello não nuột mô tả lão ăn mày Phiên chợ Ba-Tư (nhạc sỹ Ketelby), tôi lại nhớ những phiên chợ S’toung ngày ấy. Đám ăn mày ba lô lộn trái ấy chính là đội văn nghệ tôi đấy! Nhưng vẫn còn hai chiếc quần đùi… Chưa hết đâu!

Một hôm, anh Thực- trợ lý chính trị gặp riêng tôi rồi bảo :”Này! Phấn đấu vào Đảng đi! Định đưa mày với thằng Đại vào diện cảm tình. Cố gắng vào đợt 22/12/ năm nay (1982)! Cứ suy nghĩ đi nhé!”. Anh Thực năm đó mới đóng hàm thiếu uý. Ban Chính trị chuẩn bị đưa anh ấy xuống tiểu đoàn 5 làm chính trị viên. Cùng dân Thủ đô nên anh ấy coi tôi như thằng em dại. Đồng hương đồng khói hội hè tụ bạ là phổ biến trong lính ta. Nhưng phải nói lính Hà nội, Sài gòn và các thành phố lớn khác chơi rộng rãi hơn, không “gom” như lính các tỉnh khác. Bác nào định cãi chuyện cục bộ địa phương này thì cứ việc. Vô ích! Vì nó đúng như thế trong đơn vị tôi.

Thời đó vào Đảng là rất khó, phải phấn đấu hy sinh gian khổ lắm, lý lịch phải thật trong sạch và thuộc thành phần cơ bản (công-nông). Bố tôi là bác sỹ bệnh viện trưởng nhưng cũng khốn khổ vì cái lý lịch Tư sản (dân tộc) to đùng bên ngoại nên trầy vẩy mãi mới được kết nạp. Mà ông ngoại tôi chính là đồng chí Tư Nghi, đảng viên, cựu tù Côn đảo cùng với Cụ Bằng, Cụ Đồng. Sau này, các cụ đã hiến gần như hết tài sản được thừa kế cho Đảng, cho Nhà nước mà không hiểu tại sao cái chi bộ bệnh viện ấy lại khó khăn thế? Sau này cảnh nhà sa sút. Cụ Đồng, cụ Trinh (phu nhân Cụ Bằng) vẫn gửi áo rét cho ông tôi mặc. Như biểu hiện của tình đồng chí, tình bạn chí cốt trong nhà tù đế quốc. Thực tình những điều đó làm tôi thấy ngại. Các cụ như thế, mình đã là gì? Chỉ nay mai trong đội là đến lượt Mai Dân và mình được ra quân. Vào Đảng bây giờ thì chắc chắn phải chậm lại ngày về. Vào Đảng thì phải cống hiến cho Dân, cho Nước chứ được vào Đảng xong xin về ngay nhà thì ông nội nào chả muốn! Với lại cứ nghĩ đâu xa? Ngay bản thân mình đã ra gì đâu? Hồi dưới tiểu đoàn 4, đánh nhau to điên lên thì thôi chứ về sau bắt đi càn lẻ dài ngày thì cũng ngại thấy mẹ!

Rồi còn chuyện nằm viện quá hạn, chuyện say sưa, rúc bờ rúc bụi, chuyện ngủ ngày cày đêm…Dẫu tất cả những chuyện ấy chỉ một mình mình biết nhưng nếu đem ra so sánh với tiêu chuẩn một Đảng viên cần phải có thì còn lâu mới đạt được. Vào rồi sẽ phải cố vượt bản thân mình. Không cố được đâm khổ mình, khổ nốt cả người giới thiệu. Tôi nói với anh ấy là thôi anh ạ! Anh em trong nhà thì anh tạo điều kiện cho em ra quân trong đợt này. Dù ở đâu em cũng giữ tư cách như một người Đảng viên chân chính. Anh Thực phân tích lợi hại phải trái cho tôi mãi không xong mới cáu :” Thì kệ cụ mày!”. Tôi buồn, vì mình đã phụ công anh ấy.

Nghĩ ngợi sâu xa chuyện này nhiều quá đâm tôi như phát ốm, lờ đờ mất mấy hôm liền. Dạo sai cả cung khiến bọn ca gân cổ lên theo tông không được, chửi bới ầm ĩ. Thằng Đại thì ngược lại. Giờ thì nó không ngủ muộn nữa, dậy sớm lắm. Chiều vác cuốc vào rừng đào hà thủ ô đến tối mịt. Sáng nào cũng làm một nồi nước củ đặc sánh cho cả đội, vừa đun vừa ti tỉ hát. Thế đấy! Chuyện buồn của người này đôi khi là chuyện vui của người kia. Chẳng thể nào khác được trên thế giới này.

CHUYỆN THẰNG ƯƠN
Trung đoàn 2 khi sang bên này biển Hồ, đã cùng các đội công tác phá tan cái căn cứ giang thuyền của địch, lật mặt tóm gáy tên Ươn - thằng địch ngầm sừng sỏ đã leo đến cấp cán bộ huyện đội trưởng trong chính quyền mới - giao cho bạn. Chính nó với hai thằng nữa làm trận tập kích cảnh cáo, gãi ghẻ vào kho súng Sư đoàn ngoài Chùa khi chúng tôi chân ướt chân ráo mới sang.

Thằng đó khai là nó xin đạn M.79 lính mình trong khi dễ dãi lúc nhậu với nhau. Đêm đó khi đi họp huyện, nó kêu hai thằng nữa cắt ruộng, nã mấy trái vào kho súng rồi rửa chân, lội ngược lên đường lớn, đi họp bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Đội công tác với mấy thằng an ninh bạn hỏi tại sao mày dám làm như thế? Sao mày theo bọn diệt chủng? Vợ con mày ở S’toung bộ đội vẫn cấp gạo cho cơ mà? Nó trả lời tỉnh bơ là nó cũng ghét Pôn pốt, nhưng nó cũng không chịu được cảnh bộ đội Việt Nam nghênh ngang trên đất nhà nó. Nó ghét, nó ngứa tay thì nó chống lại quân xâm lược, nó bắn chơi. Hỏi mày xin đạn M.79 của ai? Nó liệt kê luôn một cách rất chính xác tên các cán bộ trung đội, đại đội cứng, sừng sỏ chiến trận trong trung đoàn đã cho nó đạn.

Đòn ly gián đó khá hiểm độc. Nhiều anh em cán bộ chưa biết nó bao giờ tự nhiên nghe có tên mình cũng đâm lo sốt vó. Cuối cùng nó bảo đường thốt nốt sẽ bọc trong lá thốt nốt. Bắn tao đi! Đồ bán nước! Khẩu khí hiên ngang như một Héro chính hiệu. Mấy thằng an ninh bạn điên tiết không chịu nổi, xuống tay khử luôn. Ban trinh sát Sư đoàn đóng cách đó 8 km, nghe điện xin xe Zeep cong đít chạy xuống tính hốt lên khai thác nhưng không kịp. Ban CT trung đoàn 2 sém bị kỷ luật oan gia. Sau vụ đó, tình hình khá hơn hẳn. Địch giạt ra, bám vào các phum ven thị trấn.

Thích0Báo xấu0

Gửi một tin nhắn lên tường.

Gửi báo cáo lỗi về bài viết này.

      
longduc2
longduc2 Năng nổ

Cấp bậc: Năng nổ

Giới tính : Nam

Bài viết : 176

Danh vọng : 295

Uy tín : 57


Nhật ký lính K- (những trang cuối)- của kẻ mắc nợ các anh em đã hy sinh.

25/6/82
Đã tròn 2 năm xa nhà. Trời u ám sắp mưa. Vừa ở Ph’nom Penh về mấy ngày. Sau mấy hôm sốt, hôm nay đã đỡ.
Buổi trưa không ngủ được. Được tin Bình cáo đã vào và cầm giấy tờ cho mình nhưng nó đi Sư bộ mất rồi. Mấy hôm nữa phải mò lên lấy mới được. Nếu kịp không biết có ra được đợt tháng 8 này không?
Mưa đã trắng mờ bên kia trảng. Lại mưa! Mưa! Mưa!…

26/6/82- Chủ nhật
Vẫn chưa công tác. Sáng Căn và Đặc vào chơi. Lát sau Hải cụt và Trai cũng ra. Buổi trưa cùng Hùng lé, Hải, Phúc “đĩa” đến chỗ thằng Tính chơi. Toàn chuyện bong đá ESPANA 82. Chiều đá bóng được một lúc lại mưa. Tối vẫn mưa. Cơn mưa ở đây gió rất mạnh.
Rau đã hết. Bầu bí còn nhỏ. Nguy cơ ăn muối đã xuất hiện.

27/6/82
Mưa cả ngày. Anh em đi học chính trị hết. Định bám xe Zeep ông Thạnh (trung đoàn trưởng) lên Sư đoàn bộ chơi nhưng chúng nó bám đông quá lại thôi.

28/6/82
Học chính trị. Sau mấy hôm sốt lại hút thuốc. Tối lại mưa.
Dân kiếm đâu được ấm trà. Bốn đứa ngồi tán gẫu. Chuyện vác tôn ở hậu cứ, chuyện làm ăn sau khi ra quân. Tóm lại là xung quanh vấn đề kiếm sống. Còn mình về sẽ làm gì?

3/7/82
Hôm qua lên Sư bộ chơi. Vào T9 gặp Bình. Lúc về đi nhờ xe của quân chủng phòng không. Buồn cười cha thượng uý trên xe cứ sợ bị phục kích. Mình được thể doạ cho một mẻ. Chắc ông ấy mới sang đây lần đầu.
Buổi tối xuống Phúc “đĩa” chơi. Nó ra quân. Mãi 11h đêm mới về. Đụng anh Dân đi c17 (DK.75) về rủ đi tiếp. Hai thằng mặc quần đùi mò sang. Lại rượu…
Chia tay vừa vui vừa buồn, lại sốt ruột nữa! Bao giờ mới tới lượt mình đây?
1h sáng mới về đi ngủ. Tiến ngủ lại nhà mình vì mai nó có việc bên quân lực.
23/7/82
Một ngày như mọi ngày…Chẳng có gì để nhớ.

22/8/82
Lưu bút của Mai Dân ngày anh ấy đi học SQ dự bị, trở về cố đô Huế:
Thế là chỉ còn một giây nữa thôi! Tạm xaTùng, chỉ biết rằng biết bao điều muốn nói nhưng giữ trong lòng những kỷ niệm trong tâm hồn. Thời gian Nghệ thuật anh em mình gặp nhau, sống trong mọi bản tình ca những nốt nhạc không thể diễn tả được. Như Beethoven viết: (Tình bạn như bản giao hưởng không có cung nào). Như thế đấy Tùng ạ! Người đi người ở nhớ lắmnhưng tâm hồn sưởi ấm những ngày qua- ngày không bao giờ lặp lại tình bạn nữa. Chỉ còn những dòng chữ nối liền mà thôi. Tạm biệt nghe! Mong Tùng mau chóng mà go Hanoi sẽ là vui và đúng hoài bão.
Goodby! Mai Dân-65 Hùng Vương-Huế
Ngày 22-08-1982

3/9/82
Nhận được thư Diệp. Nghe nói cuối tháng này có đợt ra quân. Không biết có trúng vé đi Espana hay không?
Nhìn lại bản thân mi hơn 4 năm qua như thế nào?
Chẳng là anh hùng nhưng cũng không hèn nhát. Với đồng đội chưa bao giờ lừa thầy phản bạn hay kẹt sỉ. Nghĩa là như một người lính bình thường. Có điều là vẫn cẩu thả, có phần vô trách nhiệm với bản thân mình.
Bốn năm trôi qua…Đã trở thành lính cựu của trung đoàn. Quần áo bạc theo thời gian nay chỉ còn một bộ. Ba lô lép kẹp- nơi trú ngụ lý tưởng của kiến. Cũng không biết tống gì vào đó cho nó phồng lên. Tiền đã thanh toán đến hết tháng 8.
Chỉ còn cái bút với cuốn sổ này ghi bậy.
Tại sao lại lười viết?
Từ nay phải cố gắng viết đều hơn mới được! Phải ghi bằng hết và đừng dối trá với nhật ký, với bản thân mình.
Viết đến đây thì nó bắn cối vào c19. Thôi tắt đèn mau!

6/9/82
Sáng nay học Nghị quyết 5 trên hội trường.
Trời u ám. Mưa và gió.
Ta nhớ mùa đông quê hương. Nhớ những phố dài mốc thếch sau những đêm trời lạnh; nhớ dưa cải bắp giòn và có vị chua rất thú vị; tàu điện nghiến ken két buồn bã, lừ đừ trôi trong lòng phố đêm mưa…

11/9/82
Đêm qua mưa to. Sáng nay cũng mưa. Sân bóng, đường đi ngập tràn toàn nước. Nhà nổi như đảo trên nền đã bị lún. Không khí ẩm ướt, quần áo hôi sì. Còn điếu thuốc vét ba thằng hút chung.
Hoãn học chính trị nên ngủ xả ga ngày hôm nay đây!

Ngày 12/9/82
Người rất mệt. Nắng rát. Trời oi.
Chiều Chủ nhật. Mà Chủ nhật hay thứ 2 cũng không có gì quan trọng. Đã lâu không để ý đến thời gian bằng ngày tháng mà bằng những sự kiện, bằng những tên đất, tên núi, tên sông đã đi qua…Chốt Long an, trận rừng Tràm, trận Xoài riêng, trận U đông, ga Rô mia …và chiều nay- trên đất Kông pong Thom.
Những chiều Chủ nhật sẽ đến với ta ở đâu nữa? Núi Hồng, Xiêm Riệp, Pai lin hay Poi pét? Nghe nói sư đoàn sắp chuyển lên biên giới Thái.
Cần gì? Người ta đi được thì mình cũng đi được!

23/9/1982
Gần hết tháng 9 rồi. Hôm nay đội Văn nghệ mới lại được thành lập. Thủ trưởng cơ quan động viên cứ phục vụ nốt mùa này rồi sẽ giải quyết cho ra quân dần dần. Chơi thì chơi thôi!
Mai Dân đã ra đi. Mất một trụ cột, một cây guitar solo cứng cựa. Đội nhạc năm nay yếu hơn năm trước. Đành phải cố gắng thôi!
Cơ quan không rút thằng Dũng C20 lên ban mặc dù nó chơi guitar cũng rất khá vì lý lịch gia đình không đảm bảo. Ông già nó là đại uý quân y nguỵ (VNCH). Còn nó có tội gì đâu? Tội là con một sĩ quan nguỵ à?
Thì ra vẫn chưa xoá bỏ được cái khoảng cách đó. Mình rất ấm ức về chuyện này!

26/10/82
Dân rước sư ngoài Sa Tung vào chùa xã Tà Ria, mời đội văn nghệ sang góp vui. Hai cây guitar với cây đàn bầu thằng Hùng lé làm nổi đình nổi đám ầm ĩ. Sau đi với bọn thằng Căn, thằng Đặc sang nhà bà già thằng Hạnh nhậu. Rồi lại ra Chùa, vào nhà ông chủ tịch nhậu tiếp. Không thể say!
Dân Cam pu chia ưa những màu sắc rực rỡ, chói mắt và tương phản. Mấy bà nàng xanh đỏ tím vàng hoa hết cả mắt. Mãi đến chiều mới lêu têu lội nước về. Không ăn cơm. Lại nước muối nấu lá bứa làm sao nuốt nổi?
Trăng non đã mọc. Bây giờ là rằm tháng Chín. Ba tháng nữa thôi lại Tết. Rất buồn!

Vâng! Giờ tôi về nước rồi! Ra quân phục viên rồi! Lo sống cuộc sống thời bình nhưng vẫn nhớ về đơn vị cũ. Hồi trước có thằng lính Phú-Lãng-Sa, lính đánh trống (như lính thông tin bây giờ) giải ngũ nhớ đơn vị quá. Một năm vài kỳ lôi trống vào rừng thẳm đánh rầm rầm những nhịp quân hành. Vì nếu đánh trong làng, xã trưởng và cư dân sẽ có ý kiến ngay. Mà hắn thì nhớ tấm áo dạ lính cứng, nhớ mùi mồ hôi ngựa, nhớ tiếng trống trận...Hi hí ! Alphonse Daudet của thế kỷ trước cũng bị hội chứng chiến tranh, phải đâu chỉ lính Mỹ, lính Nga hay lính K...Mình bây giờ đi picnic, đi chơi dã ngoại, cứ nhìn rừng, nhìn thế đất lại nghĩ vẩn vơ là chỗ này nên bố trí khẩu đại liên, chỗ kia đặt trung đội phục... Thế mới điên nặng!

Nhà nước mình giàu lên thì tôi sẽ khởi kiện...mấy Công ty sản xuất thuốc lá. Vì tôi không hút thuốc lá mà lại phát thuốc lá cho tôi. Để bây giờ tôi nghiện. Vừa hút vừa gõ linh tinh như thế này!

Bây giờ chỉ còn những mảnh vụn, không đầu không cuối, không biết nó cụ thể trong thời gian nào trong đoạn đường đã đi qua... Bác nào nhớ ra điều gì thì góp vào cho vui...



Thích0Báo xấu0

Gửi một tin nhắn lên tường.

Gửi báo cáo lỗi về bài viết này.

      
nguyenmanhthien
nguyenmanhthien Thành viên

Cấp bậc: Thành viên

Giới tính : Nam

Bài viết : 1

Danh vọng : 1

Uy tín : 0

Không phải lúc nào cũng có thể nhớ lại những hồi ức đó.
      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 3 trong tổng số 3 trang]

Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất