Ngày 29 Tết.
Như ngày đầu tiên thời đi học được nghỉ hè, muốn nằm ngủ thật muộn nhưng hôm đó lại chẳng thể ngủ được. Radio đang phát đi chương trình ca nhạc đón xuân Tân Dậu. Những bài hát về mùa xuân bao giờ cũng gợi nhớ về cái Tết đầm ấm quê hương...
Mấy con heo tiêu chuẩn Tết sau vài trăm km tàu xe đói khát gần chết đang kêu như xé vải dưới bếp anh nuôi. Anh Ky rủ tôi, lão Hoạch, Sơn ba tai đi đánh cá. Chúng tôi chọn hủm suối ẩn dưới gốc cây táo dại nằm giữa khẩu đội DK.82 và khẩu đội 12.8mm. Đoạn suối chỗ đó ngoặt hướng, có cây táo già, rễ cắm tua tủa xuống lòng suối đổi dòng. Đã hai mùa mưa, con suối hung dữ xối nước thẳng vào chùm rễ vĩ đại ấy nhưng không ăn thua gì. Đất có lở đi một chút nhưng cây táo vẫn đứng vững trong tư thế nửa trên bờ, nửa dưới suối. Tàn lá xanh thẫm la đà, tầng trên tầng dưới, đẹp hơn tất thảy những thế bonsai sau này mà tôi từng gặp.
Đồ nghề chuẩn bị xong xuôi, tôi lẳng quả thủ pháo 6 lạng xuống đúng chỗ nước quẩn sâu nhất. Ục! Tiếng nổ dội nước, vọt lên trên ướt cả tán cây rồi trút xuống rào rào. Nhiều con văng cả lên bờ. Toàn cá bò to cỡ cườm tay vàng choé. Cá chết bị nước đẩy, tuồn từ trong hốc cái vòm rễ ra đặc cả nước. Bốn thằng hì hụi hất cá lên bờ. Một loáng đã đầy chặt hai cái bao dứa. Bọn tôi phải buộc túm ống quần dài vào làm đồ đựng thêm. Bọn DK.82 gần đấy thấy thế cũng lội xuống đánh hôi. Bì bõm một lúc cũng được cả yến. Thằng Hùng lé bỗng la toáng rồi nhảy lò cò lên bờ. Nó dẫm phải một con cá lớn. Cái gai trên kỳ lưng nhọn hoắt xuyên thấu gan bàn chân. Thằng Mẫn cõng vội nó về quân y tiểu đoàn lấy panh gắp mãi mới rút ra được. Kiểu này mất Tết là cái chắc rùi! Nhớt cá bò rất độc, gây sốt, buốt đến phát sốt phát rét. Cả bọn thấy thế cũng đâm ngán, chỉ đứng rình xem con nào lớn mới vớt.
Cá từ trong cái hốc vực ấy vẫn tuôn ra. Cá tụ ở đây kinh khủng quá! Rặt một loại cá bò! Dường như dưới đó có một cái hang ngầm sâu thẳm. Tôi chạy về gọi chúng nó ra phụ khiêng. Có đến hơn hai tạ cá, phải đổ ra nền đất, dùng xẻng chia cho các trung đội trong tiểu đoàn bộ. Cá bò nấu canh chua lá giang với ớt ăn mát quên sầu. Cho bõ những ngày soi đèn đêm vụt tắc kè, vụt nhái. Lòng chợt chùng xuống, nhớ những đồng đội đã từng chung nhau điếu thuốc, chung nhau bát nước sâm rừng. Phải chi có cách gì mang cho chúng nó tất chỗ cá này!
Ngày 30 Tết Tân dậu
Ngồi phụ cắt, tết lá dừa cùng anh Bình cháo dựng cổng chào cho tiểu đoàn bộ. Mỗi đại đội phải dựng một cổng để đón năm mới. Chiếc cổng xương tre, ngoài đan bằng những tàu lá dừa xanh rất khéo, trông thật đẹp mắt. Đường đi lối lại đã được rẫy cỏ phong quang. Ngày cuối năm, ai cũng cố bận túi bụi. Các trung đội lo chỉnh trang nhà cửa lán trại, lo cải thiện kiếm mồi, kiếm rượu đãi khách. Trung đội thông tin còn lên kịch bản, phân công nhau thằng trước thằng sau xa luân chiến sao đó, để mai khi khách đến sẽ không còn đường về. Không cho “chúng nó” thoát là mục tiêu tối thượng! Thiếu gì thì thiếu, nhất định không thể thiếu rượu.
Thằng Vỹ, thằng Ban trố mang thỏ ra suối lột da. Đêm qua lão Nhương với T lé đội đèn đi bắn được 7 con. Loại thỏ này ngoài trảng ven rừng rất nhiều. Chúng tôi đi cắt tranh thỉnh thoảng vẫn gặp cả bầy thỏ con bằng nắm tay. Trông chúng giống như những cục bông xám lăn tròn trên mặt đất. Giống thỏ ngày rằm, trăng sáng rất say đèn. Dưới đại đội 1, Chính tréc với thằng Căn đêm vác gậy dài đi đập cũng chết cả lố. Thế mà lúc xách mấy con thỏ nát về, mặt hai thầy trò nó vên vên thấy ghét, cứ như bắn được heo độc!
Bọn đại đội 2 lên cho chúng tôi miếng thịt mễn. Ngoài suất đương nhiên của Ban chỉ huy tiểu đoàn, bao giờ trung đội thông tin cũng phải có phần tử tế. Thói “tham nhũng” do độc quyền hẳn có từ thời đó! Vì nếu không có suất thì từ lần sau đừng có mà lên đây nài nỉ xin pin thải về lắp đèn đi săn. Cắt ngay! Đó là một thí dụ sinh động về chữ “móc ngoặc” thời bao cấp. Có đi có lại mới toại lòng nhau! Chẳng ai chấp nhận một cái tương lai không có mình ở trong ấy, thế thôi!
Vậy là mùa xuân thứ ba đời quân ngũ đến một cách đầy đủ, giống như một cái Tết phải có với những bận rộn thịt rượu, gạo nước, lễ lạt biếu xén…như thật. Sẽ là thiếu sót lớn nếu không có một cành mai cho đủ phong vị. Cách đại đội 1 hai km ngược suối Đamrey là một rừng mai bạt ngàn. Thằng Quan thui thủi lặn lội khoác súng mò lên, chặt tha về một cành lớn chi chit nụ. Về đến nơi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, và trong khoé mắt nó, thoáng cả những ngấn nước. Khổ thân chú em, Tết đầu tiên xa nhà ai mà chẳng vậy! Chúng tôi cắm nó vào cái ống đạn DK.82, buộc néo các góc cho khỏi lật.
Đến nửa chiều, tất cả mọi việc đã chuẩn bị xong. Hết việc, thằng nào thằng nấy tự nhiên thuỗn mặt ra nhìn nhau. Không khí chùng xuống. Lão Nhương hắng giọng, hết đi ra lại đi vào rồi đuổi chúng nó ra suối tắm. Tôi ngồi cời đốt những đống cỏ anh em rẫy vun vào lúc ban sáng. Cỏ khô đượm lửa cháy rừng rực, liếm tràn sang trảng rồi lan vào bìa rừng. Khói mịt mờ trong chiều tắt nắng, toả mùi thơm ngòn ngọt. Một đàn chim én lao đến, bay lên lộn xuống đớp những con bọ bay lên loạn xạ trong đám cháy.
Trầm ngâm ngắm lửa, phút nhớ nao lòng những buổi chiều Ba mươi lạnh hắt phố phường. Không hiểu sao tôi thích dạo phố một mình trong buổi chiều cuối năm ấy. Khi mọi nhà đã quây quần bên mâm cơm cúng ông bà. Con đường trở nên vắng vẻ, vài người đang vội đạp xe về. Không gian thoảng mùi hương trầm, mùi khói pháo bọn trẻ con đốt lẻ đì đẹt đâu đó. Những mái ngói nâu già, liêu xiêu cúi xuống ngẫm nghĩ trong mưa bụi, để rồi chút nữa bùng lên, rền rền tiếng pháo giao thừa… Mình cũng đi tắm tất niên thôi! Để mình khỏi quên mất mình. Mùa xuân dẫu vô tư cũng chẳng thể bỏ quên một ai ! Hãy hy vọng ngày trở về !
Những ngày Tết…
Tết yên bình, thoải mái! Đêm giao thừa không có tiếng súng, không có đứa nào bắn bậy. Lệnh rất rõ ràng là thằng nào bắn bậy sẽ không được xét đi phép hay ra quân. Chỉ nghe tiếng gõ thùng phuy, gõ chậu ầm ầm ở hướng đại đội 1. Anh Nhương rủ tôi với thằng Quan mò xuống. Con cưng phối thuộc truyền thống bị gí ngay ba bát rượu vào mồm. Vào ba ra bảy đừng lằng nhằng nếu muốn sống! Chúng nó đã đốt một đống lửa to tướng, cởi trần múa may nhảy Va xi lô. Hai chục cái miệng đang gào hết cỡ :” Va xi lô - kè ri cố và xì lồ! Cha cha cha - kè ri cố chà chà chà…!” Hai chú em đoàn mới vào đang uốn éo, cố gắng thi triển điệu shake công-phu. Đám còn lại mỗi đứa nhảy một kiểu. Ngực trần mồ hôi loang loáng, đầu tóc xoã xượi, chân tay nghều ngoào con cào cào quanh đống lửa như bọn thổ dân da đỏ. Thỉnh thoảng lại đồng thanh hú lên rất sướng. Thằng Tào anh nuôi đang cố sức giằng lại cái vung nhôm xoong quân dụng nấu cơm từ tay mấy thằng phụ trách bộ gõ. Bọn này lấy băng đạn giáng thật lực thì cái vung nào còn lành? Mai khỏi ăn cơm luôn cũng được! Cuối cùng thì cái vung vô tội cũng được tha. Thế là mất mẹ nó xanh-ban, làm ăn gì? Một thằng vào quan sát sở kiếm đồ chơi gõ tiếp, vớ được cái thùng đại liên Mỹ nặng trịch tính mang ra thay thế. Mở ra ở trong là tảng thịt heo rừng luộc thằng liên lạc ém. Sung công nốt làm mồi luôn. Bình cò chính trị viên cũng đành nhe răng cười.
Mồi thì ê hề nhưng Chính tréc bắt đầu giở chứng. Tay lão lăm lăm con lê Mỹ, còn mồm thì ra tuyên cáo :” Một hụm một miếng! Thằng nào phá mồi tao chặt tay liền!” Rượu pha mật ong khoái rừng. Uồng thì dễ nhưng say chết mẹ! Đến lượt thằng Quan uống thì can rượu để đó đã cạn. Nó tưởng bở, khi uống xong, liền lật cái chén lên, liếm xung quanh đít chén, ra cái điều còn khát lắm. Đúng thằng em dại mới nhập ngũ mà dám khiêu khích! Bình cò đắc chí vẫy tay :”Suối Đamrey hết nước thì đại 1 hết rượu! Bay đâu?” Thằng Căn liên lạc giả đò khúm núm mang ra can khác, cứ như hề Tam Quốc! Ban nhạc ngay lập tức đã chuyển sang chơi bài :”Không cho chúng nó thoát! Không cho chúng nó thoát! Chúng bay vào sẽ không có đường ra…!”. Chết oan với thằng ngu này rồi! Tiếng thùng phuy bị nện đùng đùng điếc đặc hết tai…
Thằng Quan to vật nhưng cũng đã chịu hết nổi phun tại bệ. Lính đại đội 1 sướng phát điên. Năm mới hên rồi! Thằng Quan bò ra gốc cây ói tiếp rồi khều tôi lủi về trung đội. Con đường mòn như muốn lộn lên trời. Gan ruột cũng lộn lên theo hết! Có chừng 400m mà cả hai thằng đều sợ lạc đường, cứ bám dây điện thoại mà loạng choạng đi. Lúc sau nữa không đi nổi thì bò. Gần về đến tiểu đoàn thì anh Được nghe vui, đi xuống đại 1 với thằng liên lạc bắt gặp. Hỏi chúng tôi là sao chúng mày không đi đàng hoàng, lại bò như chó thế? Tôi cố gắng giữ giọng thật bình thường, bảo anh ấy là đang bò tìm nối đoạn dây bị đứt. Hai thằng chờ anh ấy đi xa rồi nằm ngửa luôn trên cỏ cháy. Lồng lộng trên đầu chúng tôi là cả bầu trời sao đang di chuyển. Kia là chòm Đại Hùng tinh bảy ngôi hình cái gầu sòng. Chòm Thiên Hậu năm ngôi, hình chữ M. Vương miện bà hoàng lấp lánh này chỉ xuất hiện trong những đêm mùa đông. Chòm sao Chiến sỹ (Orion) với cái chuôi kiếm ba ngôi bao giờ cũng chỉ hướng chính Nam…Ồ! Trí nhớ còn tỉnh táo lắm! Nhưng sao nó không di chuyển từ Đông sang Tây như thầy dạy ngày xưa mà cứ chạy vòng vòng thế kia? Chết tiệt! Đêm trừ tịch lặng lẽ trôi trong cuộc diễu binh vĩ đại, thăm thẳm lòng trời…
CHÁY RỪNG ĐẦU NĂM TÂN DẬU
Đường đi lối lại khô ráo. Lá cải xanh vẫy trong gió chướng, lật đáy tàu lá xuôi theo hướng gió. Nắng chói nhưng không gắt, không khí nhẹ bổng. Đến đêm lại lạnh. Kể cả ban trưa, lội xuống suối thấy lạnh nổi da gà. Thời tiết giống như mùa thu Bắc Việt. Mấy đống cỏ con con tối qua chúng tôi đốt đã lan qua trảng, vào rừng. Đầu tiên còn cháy ngún. Sau được gió khô tiếp sức, lùa dựng lên thành một đám cháy lớn. Cháy ở các bụi gai, bụi cỏ và thảm mục dưới chân rừng. Cháy leo trên những thân cây có dầu. Những cây chết khô từ trước, đường kính hàng mấy người ôm, bị lửa liếm ngọt phần gốc, bốc dần lên đến ngọn rồi từ từ ngã xuống, tung lên trời một đám mây tàn đỏ khé. Tàn lửa cuộn tung trời, bay trên đỉnh rừng theo hướng gió như bờm một con ngựa bất kham. Lửa đang chạy ù ù về triền núi U Răng Kh’vai. Thân le khô nổ lốp bốp như súng liên thanh dọc theo con suối.
Đến đêm mùng 1 thì lửa trèo đến lưng chừng núi thành một dải đỏ rực, bốc mỗi lúc một cao. Lần này thì cháy rừng thật sự! Cháy lớn lắm! Phạm vi đến cả hàng chục km2. Ban ngày, mặt trời rung rung, mờ ảo trong đám khói và không khí nóng, tối sầm lại như đang trong nhật thực. Ban đêm đường đi lối lại trong đội hình sáng rõ như ban ngày, nhìn tỏ mặt người. Thỉnh thoảng vấn nghe tiếng mìn nổ ùng oàng trong núi do bị lửa nung…Thú rừng trong vụ cháy này chắc cũng toi hàng loạt. Thiệt hại này cũng coi như hệ quả của chiến tranh. Mùa khô ở Campuchia thời đó năm nào cũng có cháy rừng trong chiến trận, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cháy dữ dội như cái Tết năm Tân dậu đó.
BÍ MẬT THƯ TÍN - NẤM ĐỘC - CHO TAO HỎI THĂM XEM THẰNG SÍU ĐÃ CHẾT CHƯA?
Sau Tết, thằng Bình cáo đi phép vào đơn vị với rất nhiều thông tin. Ở nhà gửi cho tôi cái màn cá nhân theo yêu cầu vì cái màn cũ đã rách tứ tung. Con em gái kế tôi có giấy báo trúng tuyển trường Đại học Kinh tế -Tài chính, thừa hẳn 2 điểm. Nhưng nó chọn nguyện vọng 2, đi học Trung cấp Tài chính để được học gần nhà, đỡ đần mẹ trong thời gian tôi đi bộ đội.
Ngoài ra có một lá thư của một người bạn cùng đoàn lính năm 1978. Chú em này là lính đại đội 1. Khi đơn vị đang nằm chốt Chi phu ở biên giới, nó theo cáng thương binh rồi chuồn luôn. Trước khi đi, nó quẳng lại tất tật đồ đạc cho tôi để khỏi bị lộ. Tôi biết trước điều đó nhưng cũng chẳng báo cáo báo cầy gì hết. Sau đó ba tháng, khi đơn vị đang đóng quân ở bên kia thị xã Kampong Ch’nang thì nó lại mò vào cùng một thằng nữa. Anh Thưởng đã xuôi xuôi, nhưng Anh Sơn tiểu đoàn trưởng cáu quá, cho chúng nó mấy cái bạt tai đá đít, dứt khoát không nhận. Nó xuống đại đội 1 nằm thêm mấy ngày. Anh em cùng trung đội 2 (trung đội Khương khàn cũ) mừng lắm. Thêm một tay súng lúc ấy quá quý. Trung đội vẫn phần cơm nó, vẫn chia ca gác cho nó như không có chuyện gì xáy ra.
Chỉ có anh Síu chính trị viên đại đội cứ hằm hè chửi bới, xuống đuổi nó đi. Tay này vốn ghét những thằng trông có vẻ lính kiểng quê thành thị. Đơn vị đang thiếu người bỏ mẹ. Gác đêm lòi mắt hai thằng một ca. Bây giờ đuổi thì người ta biết đi đâu giữa chiến tuyến ác liệt thế này? Lúc đó đêm nào địch nó cũng đánh vào đơn vị. Tôi thương bạn quá, bảo mày cứ nằm lỳ ở đây thể nào các anh ấy cũng nghĩ lại. Lính trơn thì chức chó đâu mà cách? Quá lắm nhận kỷ luật xong thì bị gí xách khẩu B.41 là cùng. Đã rất nhiều trường hợp xảy ra như thế rồi. Nhưng thằng này cũng ngang, nó chào anh em rồi lại ra đi. Trên tay nó còn một chỉ vàng bà già cho để phòng thân chắc không lo đói. Đấy là lo đói khi về đến Việt nam thôi. Chứ còn ở bên này thì lính mình nhỡ bữa cứ sục vào các đơn vị khác là có cơm ăn. Thời gian đó Quân đoàn 3 đang lục tục rút ra Bắc đánh Tàu. Một số đơn vị rút theo đường bộ. Nó đi lẫn vào quân đoàn bạn rồi trở về nhà. Qua lá thư, tôi được biết nó đã đi lính lại. Đơn vị thu dung của nó đóng quân ở Tân lạc, tỉnh Hoà bình. Thôi thế cũng mừng cho bạn!
Nhận lá thư này lại nhớ cái lá thư trước của nó gởi cho tôi hồi đơn vị đóng quân ở ga Kầm rênh. Tôi đi phối thuộc, nằm với đại đội 1. Anh Síu đi họp quân chính trên tiểu đoàn, tiện thường nhận thư luôn cho toàn đại đội. Cứ thích xem lá thư nào là bóc lá thư đó. Rất bố láo! Lần ấy, khi thấy lá thư của tôi có tên người gửi là thằng bạn đó nên mới bóc luôn ra xem. Các chuyện linh tinh khác trong thư không nói làm gì. Riêng phần tái bút nó viết nguyên văn :” À! Cho tao gửi lời hỏi thăm xem thằng Síu chính trị viên đã chết chưa?”. Lão này đọc đến dòng đó tức tái mặt, nhảy dựng lên như đỉa phải vôi, làm toáng lên rồi đùng đùng chạy đi tìm tôi.
Lúc đó tôi đang cười sằng sặc cùng bọn trung đội 2. Có mấy đống rơm dưới cây xoài đang lên nấm dày rịt. Ăn rất ngọt! Mọi ngày vẫn ăn thì không sao. Hôm đó chúng nó hái lẫn thứ nấm nào đó mà khi ăn xong thấy nóng mặt rồi tự nhiên thấy buồn cười quá! Cả bọn nhìn nhau rồi cười rũ rượi như bị ma làm! Nhìn thấy cái khuy áo thằng kia sao có bốn lỗ? Cười! Hai con kiến sao huơ râu đụng nhau thế kia? Cười! Không nhịn được! Cười chảy nước mắt nước mũi. Huống hồ nhìn thấy chính trị viên quần ống thấp ống cao, tay vẫy vẫy lá thư cứ như múa thì nhịn cười sao nổi? Anh ấy tưởng bọn tôi cười giễu, càng bảo càng cười, nóng mắt vớ khẩu AK roét một loạt sạt đầu cả bọn. Ha ha ha! Chết cười mất thôi! Gần thế mà còn bắn trượt. Buồn cười quá! Cười vãi cả đái ra! Quần trung đội trưởng Khương khàn đã ướt một miếng tướng. Chừng như nhận ra tình thế, anh ấy nhìn xoong nấm rồi chạy ngược về quan sát sở gọi thằng Phượng bọ y tá. Nó xuống pha cho mỗi người cốc nước đường. Cơn điên lắng dần dần. Mãi mấy ngày hôm sau, cơ hoành, cơ liên sườn tôi vẫn đau như dần vì co rút nhiều trong khi lên cơn cười.
BAO TỬ NHÍM - BAO TỬ NGƯỜI
Mỗi kỳ lĩnh gạo hay vũ khí, dân bạn đều lấy xe bò chở giúp đội áp tải vào gần đơn vị. Tới đó mời bác dừng lại! Không được phép vào đội hình đóng quân! Anh em ở nhà sẽ ra điểm tập kết khuân tất cả những thứ đó về. Lạng quạng tự tiện đi vào dính mìn, lựu đạn cài thì tự chịu trách nhiệm lấy. Đơn vị chúng tôi lọt thỏm trong một vùng rất nhiều dạng địa hình. Rừng rậm, rừng thưa. trảng ruộng, núi đất, phum hoang…Thú rừng cũng đa dạng như thế. Trảng ruộng thì thỏ, cầy giông, cầy triết (con này chuyên bới cua, ếch). Rừng thưa xen trảng có hoẵng, cheo, nhím, nai, heo. Rừng già thì hổ, báo…Lãnh địa sinh tồn quy ước thường như thế, nhưng chúng cũng kiếm ăn lộn tùng bậy trong lãnh thổ của nhau theo luật rừng. Mạnh được yếu thua!
Các bác ra ngoại thành nhậu thú rừng, vớ được con nhím chừng dăm sáu ký đã sướng phát rên. Chúng tôi bắn được những con nhím hơn 20 ký là bình thường. Ban đêm đụng nhau, nó lủi vô bụi, rũ lông rù rù như tiếng người ta đưa cái đóm vào cánh quạt đang quay. Những cái lông nhím dài cả nửa mét, khoang đen khoang trắng cứng và nhọn như những mũi tên. Người ta nói nhím biết bắn lông vào kẻ thù nhưng tôi chưa chứng kiến điều đó. Chỉ biết thịt nó ăn rất lành và ngon! Nhất là những miếng bì lưng hấp sả nóng, trên còn những lỗ chân lông lớn nhỏ, nhô lên sát nhau như miệng núi lửa trên mặt trăng, vẫn đang bốc hơi nghi ngút. Chấm muối tiêu ăn giòn thôi rồi!
Dạ dày nhím là một vị thuốc quý. Bọn tôi hay săn nhím vào mùa khô. Mùa mưa nhím ăn tạp nham đủ thứ. Nhưng mùa khô, thức ăn khan hiếm, lá lẩu bị rừng cháy liếm sạch. Nó phải lụi cụi đào dũi thật sâu mới có củ, rễ mà ăn. Quý bởi những củ, những rễ nó dũi trong rừng mùa này thường là những vị thuốc quý. Nhím săn được về, làm lông, phanh bụng. Cái dạ dày buộc thắt trên thắt dưới, để nguyên các thứ bên trong mang rửa rượu phần bên ngoài rồi đem phơi. Bốn nắng là khô cong, dậy mùi thuốc bắc thơm thơm. Của này sao vàng tán nhỏ chữa bệnh đau bao tử rất hiệu nghiệm. Bọn tôi bắn nhím vừa để cải thiện, vừa để lấy dạ dày ra ga Bâmnak bán cho dân kiếm tiền mua rượu. Giá tiền 25 rịa (riel) một cái.
Tôi cũng như nhiều thằng trong đơn vị, ở nhà có biết uống giọt rươụ nào đâu? Vào đơn vị theo anh em lính cũ dần dần cũng biết nhậu. Đời lính chiến không thể có chủ thuyết trung dung, không thể đứng ngoài bất cứ việc gì! Không biết nhậu, không dám lên chúng nó ghét cho như chó! Quan tới lính bằng phân tuốt! Tôi không có ý định bàn về cơ chế của chuyện nhậu. Như kiểu cơ chế của nụ cười chẳng qua là sự co cơ mặt. Tôi chỉ hỏi anh em? Cùng cảnh xa nhà áo ngắn như nhau, nay sống mai chết chẳng biết khi nào. Cùng lùi lũi bám rừng xung phong, nhìn quanh quất anh em mình có 20 tay súng không thấy thằng nào nhớn nhác đã thấy ấm lòng. Mòn vai đổi cáng thương binh tử sỹ trong mưa rừng hay trong nước mắt...Nay gặp buổi xuân về. Gió lộng lên thế kia, suối xanh mát thế kia, thịt nhím thơm thế này, rượu đầy can thế này! Anh em mình sống chết có nhau đây rồi! Thế thì chúng ta nên học nghị quyết hay nên làm gì hả? Tất nhiên là học nghị quyết rồi! Hà hà! Chính vì nhậu nhiều, vận động bất tử, ăn uống thất thường nên ở đơn vị bệnh đau bao tử rất phổ biến. Vậy nên chu trình săn nhím, chữa bệnh dạ dày xong nhậu tiếp…kéo dài mãi mãi.
VĂN HOÁ ĐỌC - NGƯỜI TA BẮN B.40 NHƯ THẾ NÀO?
Tôi là thằng cũng chịu khó đọc linh tinh. Thượng vàng hạ cám gì cũng đọc tuốt. Thời nhỏ trước khi đi bộ đội, những cuốn sách cho thiếu nhi như chuyện tranh “Sát thát” với minh hoạ của Nguyễn Bích, “Cuộc truy tầm kho vũ khí” của Đoàn giỏi mà các bác hỏi hay yêu cẩu trên diễn đàn. “Timua và đồng đội” của Gaiđa, “Trong rừng thẳm và trên sa mạc” của Sienkiewicz.… tôi may mắn cũng có đọc. Phải nói là thời bao cấp đó kham khổ về đời sống vật chất. Nhưng sách cho thiếu nhi có nhiều cuốn truyện hay. Không có những “Thuỷ thủ mặt trăng”, “Đô rê mon”… với những “Bu.. ù..m!”, “Oặc..!” nổ hoa cà hoa cải. Con trai thì mồm ngoác đến mang tai. Con gái phơi rốn dài đến nửa trang như sách thiếu nhi bây giờ. Kỳ công lục tủ sách, lấy ra những cuốn in trên giấy đen sì, có khi còn dính lẫn sợi rơm của một thời khốn khó. Hít hà cảm động xoa bìa, như gặp một người bạn cũ. Mang ra bảo con thử đọc cuốn này xem sao? Chúng nó ậm ừ, xem chiếu lệ vài trang rồi nhảy vào “Bùm! Bùm!” trên máy tính. Cuốn sách thì lẳng vào gầm bàn. Thu nhận cuộc sống từ mắt, trực tuyến thẳng xuống tay trên bàn phím không cần qua não, như phản xạ không điều kiện. Đúng là mỗi thế hệ một công nghệ khác! Cung phản xạ quá ngắn,! Thời gian đâu mà đọc? Nói gì đến xúc cảm.
Tiếp chuyện đọc không có lại lạc đề. Đến khi đi bộ đội, không còn cơ hội đọc nhiều thì tôi đọc báo Quân đội Nhân dân, Văn nghệ quân đội…Thời đó ở nhà, báo Quân đội Nhân dân và các tờ báo khác thường có giá năm xu. Dân mình thích đọc báo Quân đội vì có nhiều tin chiến sự. Đến nỗi cô bưu điện phố Đồng Xuân bắt người mua báo Quân đội phải mua kèm thêm tờ Nhân Dân. Khi ông cậu tôi (vốn dân hoạ sĩ) phát bực, dứt khoát không chịu mua kiểu bia kèm lạc đó thì cô ấy mắng sa sả:” Thái độ? Anh không đọc báo Đảng à?” Bố này tức quá vặn lại:” Thế báo Quân đội Nhân dân là của Đảng nào?” thì cô bưu điện mới chịu im.
Bây giờ trong quân ngũ, báo và tạp chí không phải mua. Hết báo mới thì đọc lại báo cũ. Hết báo cũ thì đọc báo cũ nữa, đọc nghị quyết hay bản nháp biên bản họp quân chính viết tay xin của Bình cò. Kể cả khi đi toilet trên cây me tôi cũng thử đọc mảnh giấy cầm tay xem nó viết cái gì? Nạp vào đầu một thứ, song song với việc tống ra một thứ ở đầu đằng kia. Đồng hoá dị hoá cùng lúc. Có bác nào hay làm như thế không? Khoái phết! Cuối cùng, cả đạo lẫn đời đều rơi tõm xuống nước hay để gió cuốn đi.
Trong tiểu đoàn tôi, tạp chí Văn nghệ Quân đội được lính ta rất trân trọng. Căn bản nhất là vì nó dày và gọn, giấy lại mỏng, đọc xong làm giấy quấn thuốc rê thì tuyệt, hơn hẳn mấy tờ báo giấy dày, khói đắng. Thứ nữa là các tác giả truyện ngắn. thơ ca trong đó thường cũng xuất thân từ lính, thông cảm với lính nên dễ được đón nhận. Trong đó cũng có nhiều bài thơ, truyện ngắn cũng hay. Nhưng tôi nhớ hồi đó Tạp chí có đăng một câu chuyện về tấm gương một xạ thủ B.40 trên mặt trận Tây nam. Anh ấy tên là Lê Phương Liên gì đó! Có đôi mắt nhung như nước hồ thu đẹp thôi rồi! (Tả lính như thế thì chết mẹ người ta). Khi bị thương vào mắt phải, địch vẫn xông lên. Anh ấy chuyển súng sang vai trái nhằm bắn. Bất kể lỗ chích khí trên thân súng B.40 sẽ làm mù nốt con mắt còn lại. Chuyện này về sau còn được cải biên thành câu chuyện truyền thanh sáng Chủ nhật, phát trên đài cho lính nghe. Âm nhạc vĩ cầm da diết lắm, chêm giữa các đoạn hồi tưởng phục hiện. Chắc các bác cựu binh ở đây có nghe rồi…Thú thật tôi đếch tin chuyện này! Nghe cứ tức anh ách! Nó gần như xúi người ta hy sinh vô nghĩa mà không dạy cách người ta chiến thắng. Như thế không phải là người lính chân chính! Anh Nhương nghe chuyện, gãi sồn sột rồi bình phẩm:”Mẹ cái thằng ngu gì đâu!”
MỖI VIÊN ĐẠN MỘT QUÂN THÙ - MỖI CÁI MÙNG MỘT CON CHÓ!
Đơn vị lại nhận tiếp đợt tân binh. Anh em mới vào toàn quê vùng đồng bằng Nam bộ. Thêm quân mới chắc lại chuẩn bị oánh nhau to rồi! Tiểu đoàn thực hành huấn luyện và bắn đạn thật theo các bài bắn tổng hợp mới của Bộ tổng Tham mưu. Bia số một trong bài bắn này không phải đen sì như bài một cũ mà là bia chị em nhỏ tí màu xanh rất khó bắn, bia “thằng còm” số 7 lằng ngoằng…Kết hợp nằm bắn với vận động. Súng thì quân khí trung đoàn mang xuống sau khi đã chỉnh chán chê. Trường bắn là cái trảng ruộng nằm giữa đại đội 2 với tiểu đoàn bộ. Tôi có hỏi anh em mới vào là ở nhà đã bắn bài bắn này chưa? Hoá ra chúng nó cũng như mình thời huấn luyện cũ. Bắn xong mỗi bài 1 cũ, đầu ruồi đội đít điểm đen cự ly 100m là lên đường sang đây ngay.
Có ai ngờ đã choảng nhau ba năm liền rồi mà bây giờ phải tập bắn lại. Hài hước thật! Chắc lính ta đổ đạn tìm chim nhiều quá nên mới có bài bắn mới bổ sung này. Đang thiếu đồ nhậu, đây là một dịp tốt để cá cược. Xạ thủ được chọn đại diện cho trung đội thông tin là anh Ky. Trung đội vận tải- bên thách đấu là Bình vàng, tay thợ săn lão luyện. Chính cha ấy gần phum Kầm nom đã bắn nhầm què tay thằng Hiệp híp và suýt đưa tôi về thế giới bên kia bằng loạt đạn cách cái sọ này 15cm đứt dây võng. Mỗi trung đội chung độ một cái mùng huy động của mấy thằng đoàn mới vào.
Các bạn sẽ hỏi sao lại là mùng chứ không phải là tiền, là tút Samit hay là cái gì khác? Xin thưa ! Phải thực hành tập bắn lại, chưa chắc mỗi viên đạn một quân thù. Nhưng mỗi cái mùng một con chó là cái chắc! Mùng mới có khi được hai con. Dân bạn Campuchia theo Phật giáo (tiểu thừa), không ăn thịt chó. Những năm đầu đánh vượt biên, hễ thèm món cờ tây thì ra dân xin họ cho ngay. Nhất bạch nhì vàng, tam khoang tứ đốm cứ thế tha hồ mà chọn. Ở bên đó chó trắng là nhiều nhất! Dần về sau này, nhu cầu cầy tơ của lính ta nhiều quá. Người ta còn mỗi một con giữ nhà mà cũng có thằng mặt dày ra xin. Họ không cho nữa, muốn ăn thì đổi! Chó bắt đầu lên giá! Bộ đội Việt nam đi qua phum bị bọn cẩu ghét cái mặt, cứ sủa gâu gâu ầm ĩ suốt! Đến bây giờ thì giá mỗi con là một cái mùng không hơn không kém. Lính tiểu đoàn tư trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết (?) Hà hà! Cứ hai thằng ôm nhau nằm chung một cái mùng, thừa ra một cái thì đem “mắc cho chó”.
Ngày “đấu súng” cũng đã đến. Các cặp bắn khác thì không ai quan tâm mấy. Kết quả bắn cũng bình thường. Đến cặp Ky – Bình vàng bước vào vị trí bắn, cả tiểu đoàn bộ xô vào háo hức. Chúng nó ngồi ngang bờ ruộng ngong ngóng, cứ như chó ngồi xem tát ao. Tôi cũng thấy hồi hộp. Bình tĩnh nào anh Ky! Bắn bia số 1. Cái đầu ruồi ngọ nguậy. “Pằm!”, “Pằm pằm! Pằm pằm!”. Loạt đầu anh Ky tắc cú, trừ một điểm. Hai loạt sau điểm xạ tốt. Bình vàng thì qua loạt đầu suôn sẻ. Cả hai xách súng bắt đầu vận động lên phía trên. Bia số 7 xuất hiện. Hai đấu thủ súng nổ nhịp đôi giòn giã. Sao Bình vàng tiến nhanh thế kia? Lạ thật! Đúng lúc đó, cán bia số một trong tuyến bắn của Bình vàng gãy gục. Chúng nó ồ lên cả lượt:”Phạm quy rồi!”. Thằng cha này khôn lỏi. Bia số 7 bắn dễ, hắn thấy trúng rồi thì quay sang quất đạn tiếp vào bia số 1 cho chắc ăn con chó. Vận động lên gần thế thì trúng là đương nhiên. Nhưng trời có mắt! Đạn bồi thêm trúng cả cán bia làm nó gãy gục, tố cáo kẻ gian manh. Anh Nhương đắc chí ôm ngay hai cái mùng tại trận, lại còn chỉ tận mặt Bình vàng:”Khôn ngoan chẳng lại với giời đâu con ạ!”. Cán bộ tác chiến trung đoàn cùng theo dõi thao trường gọi Bình vàng lại chửi cho một trận vuốt mặt không kịp.
VƯỢN NGƯỜI - NGƯỜI VƯỢN
Thằng Căn gọi điện lên tiểu đoàn, rủ tôi với mấy thằng hay đi máy với đại đôi 1 xuống ăn đặc sản. Tôi hỏi đặc sản gì thì ậm ừ mãi nó mới nói là thịt khỉ. Khỉ ở vùng núi U Răng (Đậu Khấu) này rất nhiều, có gì mà nửa kín nửa hở thế? Tiểu đoàn tôi đi truy quét thường gặp hàng bầy. Có khi con khỉ đầu đàn đang ngồi dưới đất bắt rận mải mê, gặp chúng tôi bất ngờ. Nó giật mình kêu choéc một tiếng rồi chạy càn cắt qua đội hình hành quân. Những con khác thấy thế cũng phá chạy theo lối ấy. Rặt một loại khỉ lông vàng đuôi dài lắm mồm. Lắm con khỉ mẹ, ẵm con dưới bụng bằng một tay, tay còn lại tập tễnh chống cùng hai cẳng, chạy luồn ngay dưới chân bọn tôi. Không dám bắn vì sợ lộ đội hình, nhiều thằng tiện chân đá chúng nó văng lông lốc. Mấy con dính cước, rống lên choeng choéc. Nói chung bọn khỉ cũng rất kỷ luật. Nhất định chạy theo đầu đàn, chỉ huy chứ không chịu sẻ bầy chạy lối khác, dù ít nguy hiểm hơn.
Xuống đến đại đội mới biết không phải là khỉ. Trung đội 2 bắn được con vượn đen lớn. Chúng nó không biết làm, mang lên cho văn phòng. Thằng Trung nghịch ngợm, buộc xác con vượn ngồi bó gối, tựa lưng vào cột lán chỉ huy, lấy cái mũ mềm đội lên đầu cho nó. Đôi tay dài nghêu lông mượt đen nhánh, đặt ôm lấy khẩu AK trong lòng. Bàn tay với các ngón thanh dài vắt nhẹ qua cò súng. Cái đầu đội mũ, chúng nó để gục xuống, tựa vào thân súng. Thằng Nhạ quấn một điếu thuốc rê tổ bố, châm lửa rít vài hơi rồi cạy răng con vượn nhét vào cho ngậm. Khói thuốc bay lơ đãng. Xong tác phẩm theo trường phái “bày đặt” ấy, cả bọn đi lại xung quanh ngắm nghía, cười hô hố bình phẩm!
Tôi không thấy buồn cười, tôi thấy sợ! Nhất là nhìn cái hàm răng nhe ra, cắn chặt điếu thuốc dưới cặp môi đen mỏng dính trễ xuống. Như một nụ cười lạnh ngắt, nửa giễu cợt, nửa khổ đau. Cặp mắt đen tròn ngơ ngác không nhắm được, vẫn còn ngân ngấn nước. Trông nó giống như một anh lính nhỏ đang đờ đẫn ngồi gác. Vừa gác vừa buồn ngủ, hoặc nhớ nhà. Nào mình với nó có khác nhau về hình thể là mấy đâu? Cũng tai, mắt ấy, chân tay ấy! Cũng bắt ve bắt bét, cũng gãi ghẻ sồn sột. Đôi lúc hứng chí bất tử hay tuyệt vọng cũng hú lên điên rồ. Từ nay mày sẽ xa đàn, xa rừng mãi mãi. Thầm mong tao không phải xa đồng đội, xa nhà vĩnh viễn như mày!
Tôi bỏ về tiểu đoàn bộ. Không dám nhìn chúng nó làm thịt chứ đừng nói là xơi. Thế mà trong cuốn sách nào đó tôi từng đọc, có kể về một bà hoàng thời cận đại rất sành món khỉ. Quý bà Trung Hoa này đãi khách chỉ bằng món gỏi óc. Người ta dùng búa bạc đục đỉnh sọ con khỉ đang sống. Đổ rượu, vắt chanh, tiêu với các gia vị phức tạp gì gì đó vào cái lỗ nhỏ xíu hoen máu đó rồi khoáy thìa vào móc não ra xơi nóng. Trong khi đó, người anh em gần gũi, người láng giềng bé nhỏ (thuyết Darwin – hoàn toàn không ám chỉ ai) đang gào lên thảm thiết. Cơ thể run lên bần bật trong sự sống tắt dần. Những kẻ tham gia bữa tiệc ấy cũng đang tiến hoá, có điều ngược với tiến trình của ông bác học người Anh kể trên. Nghĩ mà lợm giọng !
RÁI CÁ
Đến cả tuần không bắn được con gì. Tối nào anh Nhương với T lé cũng xách đèn xách súng đi rồi lại về không. Bọn hay săn dưới các đại đội cũng chịu chung hoàn cảnh đó. Đang tháng ba tháng tư, mùa giao phối, mùa sinh sôi của núi rừng nhưng thú quanh chỗ đứng chân của đơn vị bỗng nhiên biến đi đâu sạch. Mọi đêm nằm vẫn nghe một vài tiếng con mễn tác gọi bạn “oác! oác” xa gần. Bây giờ thì lặng phắc. Đến cả thỏ rừng vốn nhiều như thế cũng còn không thấy nốt. Dường như có điều gì bất thường đang xảy ra. Đến bữa đành lòng với những con cá suối kiếm được.
Bình cò thương tình, bắn được con rái cá hiếm hoi trên eo suối đại đội 1 vất lên cho thông tin. Bọn tôi hí hửng vác ra suối làm lông. Con rái cá nặng khoảng 4 ký. Lông nó màu tro đen, khoảng ngực lại trắng như trẻ con đeo yếm dãi, đặc biệt mịn như nhung. Cái mõm ngắn, hàng ria bạc, chân trước có màng như chân vịt, đuôi dài và dẹp làm bánh lái khi lặn đuổi cá…đại loại trông nó như thế.
Tôi muốn kể là về cái bộ lông của nó. Chúng tôi dốt, có thằng nào làm thịt rái cá bao giờ đâu nên cứ thực hành làm lông nó như mọi con thú rừng bình thường. Nghĩa là nhúng nước lạnh cho ướt đều, dội nước sôi, sau đó cạo lông và đem thui. Thế nhưng lông con này đã được nhúng ướt đẫm hết rồi, dội nước sôi lên để cạo thì không đi một tý nào hết. Cứ như là chưa dội vậy. Hoá ra nó chỉ bị ướt ở phần ngoài thôi, bên trong vẫn khô nguyên. Giống như lớp lông tơ mịn trên mặt lá khoai, lá sen ... Đã thế lại được tráng một lớp dầu trơn nữa. Nước chỉ có thể lăn tròn trên đó chứ không bao giờ thấm được. Đúng là nước đổ lá khoai, nước đổ đầu vịt, nay thêm thành ngữ nước đổ lông rái cá nữa cũng không sai. Có vậy nên nó mới lặn giỏi như thế!
Hì hục mãi đến gần năm nồi nước sôi mà vẫn chưa đâu vào đâu. Anh Nhương ngồi xổm, chừng đã tê chân, bấy giờ mới sốt ruột bảo thôi chúng mày lột mẹ da nó ra cho tao! Hoá ra đây là cách làm hữu hiệu nhất. Khăn choàng cổ trên thế giới bằng da rái cá cực đắt. Chỉ có các ông hoàng bà chúa mới dám dùng cũng chính là bởi cái bộ lông mịn, không thấm nước và ấm đặc biệt này. Chúng tôi là lính, chúng tôi cần thịt rái cá hơn cái bộ da đẳng cấp đó. Cái đẹp là thực phẩm của con mắt. Thịt tươi là thực phẩm của cái dạ dày đang thèm pờ rô tít. Roạt một cái là da đi đằng da, thịt đi đằng thịt. Roạt thêm cái nữa, nó thành “thịt với xương tim óc dính liền” trong nồi rựa mận, lửa canh liu riu dậy mùi sả ớt. Thằng Sơn ba tai còn cẩn thận bóp cả tiết đọng vào thịt cho sánh và đậm nước.
Tôi với anh Ky tiếc của, ngồi làm rốn nốt bộ lòng. Trong phủ tạng con này, dưới hai lá thận có hai cục vôi cặn nặng trịch như đá, to bằng nửa bàn tay. Đầu tiên tôi cứ nghĩ nó có sỏi do chén lắm cua, cá, ốc… những thức ăn giàu canxi nên bị thế. Nhưng bây giờ nghĩ lại, có thể hai cục đá vôi hoá đó trong cơ thể của loài này làm nhiệm vụ giống như đối trọng hay quả nặng điều chỉnh trọng tâm cho nó khi hoạt động ngầm dưới nước. Không biết thế có đúng hay không?
Bọn cá lòng tong suối, cá đuôi vàng ăn nổi lao vào đớp chí chết những mẩu mỡ lòng, giành giật với nhau hết sức quyết liệt. Đang làm dở thì “oẵng” một tiếng - một con cá lớn cướp nửa bộ lòng ngay trên tay chúng tôi rồi biến mất tiêu. Bọn cá con hoảng sợ nhảy lên rào rào. Thôi thí cho mày! Rái ăn cá, bây giờ đến lượt cá ăn rái cho công bằng
CỦA ĐỂ DÀNH CHO LÍNH - CỌP TRẮNG
Năm 1981, lính ta bắt đầu được giải quyết phục viên hoặc ra quân. Đầu tiên là các thượng sĩ anh nuôi lính 74, 75. Kế đó là những anh em lính 76, 77 sức khoẻ yếu hoặc đã từng bị thương nhẹ. Mỗi lần có đợt ra quân là cả đơn vị nửa vui nửa buồn. Vui với người đi, những người ở lại gánh phần trách nhiệm thêm và cũng mong một ngày nào đó mình sẽ đến lượt như thế. Anh em đồng hương gom góp phụ cấp ít ỏi, dồn cho người lính may mắn được trở về. Những ngày rỗi rãi, bên những ấm trà lãng xẹt, nhiều thằng xoè bàn tay bấm độn xem đợt này ai sẽ được giải quyết chính sách.
Những thằng cảm thấy sắp đến lượt bao giờ cũng gom tiền ra dân mua một con chó con. Kích thước cân nặng con chó tuỳ thuộc vào thời gian sẽ phải chờ đợi lâu hay chóng. Nuôi để thịt liên hoan chia tay đồng đội khi ra quân. Như nuôi lợn để dành lúc cưới vợ ở nhà. Thế thôi! Tiểu đoàn có đến hai chục con chó, lính nuôi như của để dành. Bọn nó tranh ăn, cắn nhau lộn bậy, sủa ầm ĩ nhức cả óc. Chó tao cắn chó mày đôi khi thành chuyện mất đoàn kết. Nhưng thời gian này, cùng với sự biến mất của của thỏ, chồn, mễn… “ trung đội” cẩu mọi đêm vẫn sủa nhặng xị dạo này cũng bặt tiếng. Có những đêm, tự nhiên hai con chó trung đội vận tải của Bình vàng sát bờ suối chạy rúc vào gầm sạp bọn tôi, cụp đuôi cụp tai rên ư ử, đuổi mãi không chịu ra. Hình như có điều gì đó không ổn mà chỉ bọn chó mới cảm thấy. Lính tiểu đoàn vẫn sang lán nhau uống trà tán gẫu, nhưng không ai thấy điều gì khác thường.
Vào một đêm cuối tháng 4, cha Nhương và T lé lại xách súng xách đèn đi săn. Hai anh em vượt qua suối, vào đến phum nhà dài. Gọi là phum nhà dài vì ở đó có một cái nhà sàn lớn rất dài, chỉ còn khung nhà và mấy khoảng vách mục ngăn buồng. Nhiều khung nhà trơ trụi như thế cắm chân rải rác trên những mảnh vườn hoang, những hàng rào mục nát. Mọi khi vào đến rìa phum đã gặp thú. Nhưng đêm đấy tịnh không gặp một con nào. Đến cả gió cũng không buồn thổi. Không gian yên lặng như tờ. Chỉ nghe tiếng rẽ cỏ lạt xạt của bốn bàn chân bước. Lão Nhương cảm thấy hơi ớn, lầu bầu lia đèn giục thằng T lé bước dấn lên.
Qua hai cây xoài trước mảnh sân trống, tới đầu hồi căn nhà lớn nhất phum, cả hai đứng lại há mồm chết lặng. Trên sàn nhà khuất phía sau tấm vách mục cách có dăm sáu mét, một con hổ lớn ngồi chồm chỗm trên khung nhà giật mình ngoảnh lại. Đôi mắt lớn như hai cái cốc, đỏ đòng đọc bắt đèn sáng rực. Lão Nhương tê cứng người, ngón tay quắp lại xiết cò khẩu AK. Một điểm xạ dài gần chục viên suýt tự bắn vào chân. Con thú trắng tinh cũng giật mình, phất đuôi vọt ào ngang ngọn cây chùm ruột rồi dông thẳng vào rừng. Hai thằng cha đi săn ngã ngửa, vọt đái ra ướt đẵm hết cả quần. Hoàn hồn lại mới dìu nhau chạy hộc cơm về đội hình. Vừa chạy vừa bắn loạn xạ để tự trấn an bản thân. Mấy thằng lính mới đại đội 2 tưởng địch tập kích nhảy hết ra hào tương đạn ầm ầm về hướng súng nổ. Lão Nhương với T lé mới chịu dừng lại, bắn bắt liên lạc. Về đến nhà rồi mà mắt vẫn còn trắng dã, lạc hết cả hồn. Ai hỏi gì cũng không nói được. Anh Hoạch phải lôi ra hai bát rượu cho uống mới rời rạc kể lại câu chuyện vừa rồi. Từ đó, trung đoàn tôi có lệnh cấm đi săn đêm.
Bác Nhương bây giờ về nhà làm tài xế xe công nông chở vật liệu xây dựng ở Bắc giang. Lên chức ông nội, ông ngoại rồi. Bọn tôi về quê ăn cưới các cháu lần nào cũng nghe lão trợn mắt kể về con hổ trắng. Bác Nhương gái nghe mòn tai câu chuyện này, phát gắt lên rằng ông có im đi không? Ra kia bắt cho tôi con gà! Làm gì có hổ trắng? Lão ấy lại im tịt!
Anh ạ! Chẳng biết con hổ nào đáng sợ hơn con hổ nào? Ngày xưa gặp nó thì chạy. Bây giờ đụng nó thì cứ im đi là hơn!