8 nhiệm vụ chiến lược của Quân đội Trung Quốc
Ngày 26-5, Bắc Kinh đã phát hành “Sách trắng Quốc phòng” 2015 về “Chiến lược quân sự Trung Quốc”. Chiến lược quân sự Trung Quốc là tổng hợp các sách lược về quy hoạch và chỉ đạo xây dựng lực lượng quân sự và hoạt động của lực lượng quân sự, phục vụ cho mục tiêu chiến lược của quốc gia.
Từ năm 1998 đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã 7 lần công bố "Sách trắng Quốc phòng", trình bày tổng quan về quốc phòng của đất nước. Đến năm 2013, nước này lần đầu tiên mới công bố một văn kiện "Sách trắng Quốc phòng" mang tính chuyên đề về “Vận dụng đa dạng hóa lực lượng vũ trang Trung Quốc”.
"Sách trắng Quốc phòng 2015" được xây dựng với nội dung chủ đạo là “Chiến lược quân sự Trung Quốc”, trình bày rõ sứ mệnh và nhiệm vụ chiến lược của Quân đội trong thời kỳ mới; Giới thiệu về tư tưởng chủ đạo của chiến lược “Phòng ngự tích cực” và phương châm chiến lược quân sự “Phòng ngự tích cực” trong thời kỳ mới; Làm rõ phương hướng cơ bản và các biện pháp chủ đạo trong xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang.
Toàn văn "Sách trắng Quốc phòng" Trung Quốc năm 2015 bao gồm hơn 9000 từ, chia làm 6 phần: Lời nói đầu và tình hình an ninh quốc gia; Sứ mệnh và Nhiệm vụ chiến lược của quân đội; Phương châm chiến lược “Phòng ngự tích cực”; Xây dựng và Phát triển lực lượng quân sự; Chuẩn bị chiến tranh quân sự; Hợp tác an ninh quân sự.
Không quân Trung Quốc đang chuyển đổi từ mô hình “Phòng thủ không phận”
sang “Kết hợp tấn công và phòng thủ không phận"
"Sách trắng Quốc phòng 2015” đã đưa ra những nhiệm vụ chiến lược chủ yếu của Quân đội Trung Quốc, bao gồm đối phó với các sự kiện đột xuất, sự uy hiếp về quân sự, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên không, trên biển và trên bộ của quốc gia và kiên trì với 8 nội dung bảo vệ sự thống nhất của đất nước.
Ở điểm khởi đầu mới của lịch sử, quân đội Trung Quốc cần phải thích ứng với sự biến đổi của môi trường an ninh quốc gia; Bám sát mục tiêu xây dựng quân đội vững mạnh trong thời kỳ mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Quán triệt phương châm chiến lược quân sự “Phòng ngự tích cực” trong thời kỳ mới.
Đồng thời, phải đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quốc phòng và quân đội; Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia; Là chỗ dựa vững chắc để thực hiện mục tiêu phấn đấu “hai kế hoạch 100 năm” và giấc mơ của người Trung Quốc về sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa vĩ đại.
Lực lượng hải quân Trung Quốc đang chuyển đổi từ mô hình “Phòng thủ ven bờ”
sang kết hợp giữa “Phòng thủ ven bờ” với “Hộ vệ tầm xa”
"Sách trắng Quốc phòng 2015” của Trung Quốc chỉ ra, quân đội nước này cần làm tốt 8 nhiệm vụ cơ bản như sau:
- Một là, đối phó hữu hiệu với các sự kiện đột xuất và những mối đe dọa về quân sự, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên không, trên biển và trên bộ của quốc gia.
- Hai là, kiên quyết bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
- Ba là, bảo vệ an ninh và lợi ích của Trung Quốc trong những lĩnh vực mới.
- Bốn là, bảo vệ an toàn lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài.
- Năm là, duy trì khả năng răn đe chiến lược và năng lực tổ chức hành động phản kích hạt nhân.
- Sáu là, tham gia hợp tác an ninh quốc tế và khu vực, và bảo vệ hòa bình thế giới và khu vực.
- Bảy là, tăng cường chống thẩm thấu, chống ly khai, đẩy mạnh cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố; bảo vệ an ninh chính trị quốc gia và ổn định trật tự xã hội.
- Tám là, đảm nhận các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn thiên tai; bảo vệ quyền lợi; cảnh giới bảo đảm an ninh và hỗ trợ xây dựng kinh tế xã hội quốc gia.
Yêu cầu chiến lược trong phát triển các Quân, Binh chủng
Một bộ phận cấu thành rất quan trọng của "Sách trắng Quốc phòng 2015" là “Xây dựng và Phát triển lực lượng quân sự” đã chỉ rõ những yêu cầu chiến lược trong việc xây dựng lực lượng của các quân, binh chủng và lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc.
- Về Lục quân
Lục quân Trung Quốc cần căn cứ vào yêu cầu chiến lược tác chiến cơ động và công-thủ lập thể, chuyển đổi mô hình “Phòng ngự khu vực” sang mô hình “Cơ động liên khu vực”; đẩy nhanh tốc độ tinh gọn hóa, modul hóa, đa năng hóa, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ khác nhau, tại những khu vực không đồng nhất.
Lục quân Trung Quốc đang chuyển đổi từ mô hình “Phòng ngự khu vực”sang mô hình “Cơ động liên khu vực”
Căn cứ vào yêu cầu trên, lực lượng lục quân cần phải phân loại và xây dựng hệ thống lực lượng tác chiến, đáp ứng yêu cầu tác chiến liên hợp, nâng cao năng lực tác chiến đa năng, chính xác, lập thể, liên khu vực, cùng với khả năng duy trì tác chiến lâu dài. - Về Hải quân
Hải quân Trung Quốc cần phải căn cứ vào yêu cầu trong tác chiến “Phòng thủ ven bờ” và “Hộ vệ tầm xa”, từng bước chuyển đổi mô hình lực lượng hải quân từ “Phòng thủ ven bờ” sang kết hợp giữa “Phòng thủ ven bờ” và “hộ vệ tầm xa”; xây dựng hệ thống tác chiến trên biển mang tính chất hợp thành, đa năng và hiệu quả.
Bên cạnh đó, lực lượng hải quân cần phải nâng cao năng lực răn đe và phản kích chiến lược (lực lượng tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom H-6); nâng cao khả năng cơ động tác chiến và tác chiến liên hợp trên biển, khả năng phòng ngự tổng hợp và bảo đảm toàn diện trên biển. - Về Không quân
Không quân Trung Quốc cần căn cứ vào yêu cầu công-thủ toàn diện và tác chiến không gian nhất thể để chuyển đổi từ mô hình không quân kiểu cũ, mang tính chất chú trọng về “Bảo vệ không phận quốc gia” sang mô hình “Kết hợp tấn công và phòng thủ không phận”.
Để đáp ứng yêu cầu này, không quân Trung Quốc cần xây dựng hệ thống lực lượng phòng thủ không gian đáp ứng yêu cầu chiến tranh thông tin hóa; nâng cao năng lực cảnh báo sớm chiến lược, khả năng tấn công trên không, phòng không/phòng thủ tên lửa, đối kháng thông tin, đổ bộ đường không, không vận chiến lược và bảo đảm tổng hợp.
Lực lượng Pháo binh 2 (tên lửa chiến lược) Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng năng lực tấn công toàn diệnvũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân, nâng cao khả năng răn đe và phản kích hạt nhân - Về lực lượng Pháo binh 2 (tên lửa chiến lược)
Lực lượng Pháo binh 2 phải căn cứ vào yêu cầu tấn công hiệu quả và năng lực tấn công toàn diện vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân để tăng tốc chuyển đổi mô hình thông tin hóa, dựa vào khoa học công nghệ để thúc đẩy khả năng tự chủ sáng tạo về vũ khí, trang bị.
Lực lượng pháo binh 2 phải bảo đảm tăng cường tính an toàn, tính hiệu quả, đáng tin cậy của vũ khí tên lửa; hoàn thiện công tác xây dựng hệ thống lực lượng kết hợp thông thường và hạt nhân; nâng cao khả năng răn đe và phản kích hạt nhân cùng với năng lực tấn công chính xác tầm trung/xa. - Lực lượng Cảnh sát vũ trang
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc cần căn cứ vào yêu cầu chiến lược về bảo đảm hoàn bình, ổn định và yêu cầu tác chiến đa năng/nhất thể để phát triển năng lực chi viện trên không, bảo đảm an ninh, xử lý sự vụ đột xuất giữ gìn ổn định, chống khủng bố, cứu hộ thiên tai, ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Để làm được điều này, lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc cần tập trung xây dựng hệ thống lực lượng lấy khả năng đối phó với tình huống bất ngờ và chống khủng bố, bảo vệ hòa bình, ổn định làm chủ; nâng cao khả năng hoàn thành nhiều loại hình nhiệm vụ, lấy trọng tâm là đối phó tình huống đột xuất.
Trong yêu cầu “Xây dựng và Phát triển lực lượng quân sự” của "Sách trắng Quốc phòng" 2015 về “Chiến lược quân sự Trung Quốc” có nhấn mạnh yêu cầu từng bước chuyển đổi mô hình lực lượng hải, lục, không quân và pháo binh 2 để đáp ứng yêu cầu tác chiến trong thời kỳ mới, những vấn đề này chúng ta sẽ tìm hiểu trong các kỳ sau.