Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Zone
Zone Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Bài viết : 832

Danh vọng : 1544

Uy tín : 0

Bài 1: Về đội quân máy tính

ICT News - Nhờ có sự tiếp nhận kịp thời của "đội quân máy tính" nên hầu hết số máy tính ở Sài Gòn đã được bảo quản ngay từ những ngày đầu giải phóng.

"Đội quân máy tính" tiếp quản Sài Gòn Vanhoa10

Vào thời điểm diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh, Viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS), Bộ Quốc phòng đã đề xuất cấp trên tổ chức những đoàn cán bộ vào miền Nam trước ngày giải phóng Sài Gòn để chuẩn bị tiếp quản những cơ sở khoa học kỹ thuật (lúc đó Viện chưa biết chắc miền Nam có máy tính không)...

Ở tuổi 78, GS. TS Nguyễn Lãm vẫn nhớ rõ nhiệm vụ mang tính lịch sử từ Viện KTQS: Tiếp quản máy tính ở miền Nam sau ngày giải phóng. Ông kể:

Được tham gia những đoàn này là một vinh dự lớn! Không phải ai muốn đi cũng được. Đại tá Hoàng Đình Phu (Viện trưởng Viện KTQS lúc đó) trong hồi ức "Từ nhà trường đi vào hai cuộc kháng chiến" kể: Tháng 3/1975, Viện KTQS được Bộ Tổng tham mưu cho phép vào tiếp quản cơ sở vật chất kỹ thuật của Mỹ và quân đội Sài Gòn cũ tại các nơi mà ta vừa giải phóng. Đoàn có 3 người: Đại tá Hoàng Đình Phu, anh Nguyễn Đăng Đắc, đại diện Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Kỹ Thuật (Bộ Quốc Phòng) và anh Bùi Quang Độ, cán bộ nghiên cứu phòng Điện Tử, Viện KTQS. Thật ra, lúc bấy giờ Viện KTQS chủ yếu quan tâm đến những thiết bị điện tử, đặc biệt là hệ thống thông tin đối lưu ICS, là hệ thông tin hiện đại nhất của Mỹ mà Phòng Thông tin Khoa học Kỹ thuật Quân sự của Viện trước đây đã bỏ ra khá nhiều công sức sưu tầm tài liệu về nó.

Khi anh Phu đang ở Đà Nẵng thì Bộ Quốc phòng và Tổng cục Kỹ Thuật chỉ thị Viện KTQS cử thêm một đoàn cán bộ do anh Ngô Đình Liêu, cán bộ Viện, làm trưởng đoàn, đi theo các đơn vị chiến đấu của ta ven biển miền Trung để tiếp quản các cơ sở vật chất kỹ thuật các vùng mới giải phóng. Hồi ức ghi: "Đến Phan Rang, đoàn anh Liêu rẽ lên Đà Lạt, tiếp quản lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Tiếp quản xong lò phản ứng hạt nhân, đoàn của anh Liêu để lại một bộ phận ở đó để quản lý và quay xuống Sài Gòn. Tôi (đại tá Phu) gặp anh Liêu và nhiều cán bộ của Viện ở Tân Sơn Nhất mới tiếp quản xong hai trung tâm máy tính IBM360/40 và IBM360/50 trong niềm hân hoan phấn khởi của mọi người".

Sau khi tiếp quản Sài Gòn, anh Hoàng Đình Phu quay ra Bắc chuẩn bị thêm lực lượng bổ sung cho tiếp quản và nhanh chóng trở lại Sài Gòn. Lần này, vì có tiếp quản máy tính nên tôi được cử đi.

Để cho các sĩ quan quân đội Sài Gòn đang ở lại làm việc với ta tại Trung tâm IBM360/40 yên tâm, tôi xin gặp Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố đề nghị Thượng tướng đến nói chuyện với số sĩ quan này, trong đó có đại tá Chu Văn Hồ. Thượng Tướng Trần Văn Trà nhận lời ngay và đã đến nói chuyện. Trước đó, sau khi giải phóng Sài Gòn, ngày 7/5/1975, Thượng tướng Trần Văn Trà đã thay mặt Ủy ban Quân quản đọc diễn văn ra mắt trước đông đảo đồng bào ở sân Dinh Độc Lập, kêu gọi: "Tất cả mọi người Việt Nam yêu nước thương nòi hãy cùng nhau đồng tâm hiệp lực xây dựng lại quê hương, mau chóng băng bó lại những vết thương chiến tranh". Khi tiếp xúc với số sĩ quan cũ ở Trung tâm IBM360/40, Thượng tướng Trần Văn Trà đã nhắc lại những ý chủ yếu của bài diễn văn trên. Nhờ thế, số sĩ quan cũ ở lại làm việc tại trung tâm yên tâm hơn và đã cùng với anh em ta khai thác máy rất hiệu quả.

Sài Gòn 1975 đã có khá nhiều máy tính

Người đầu tiên chiếm giữ các trung tâm máy tính (TTMT) của Mỹ và quân đội Sài Gòn là bộ đội chủ lực. Nhưng, nhờ có "đội quân máy tính" tiếp nhận kịp thời nên hầu hết các TTMT ở Sài Gòn đã được bảo quản. Ngoài những máy tính kể trên trong các bài viết đã công bố, còn một số máy khác như IBM360/20 của Bộ Tư lệnh Hải quân mà trước đây họ dùng để nắm quân số, vật tư, trang bị; máy Univac của Bộ Tư lệnh Không quân sử dụng để nắm trang bị vật tư trong không quân. Sau khi tiếp quản ít lâu, máy Univac được tháo dỡ đưa từ Biên Hoà về Tân Sơn Nhất giao Bộ Tư lệnh Phòng không của ta quản lý.

Đại tá quân đội Sài Gòn Chu Văn Hồ, Chỉ huy trưởng Trung tâm Máy tính của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn kể: Hai cha con ông giữ toàn bộ chìa khoá các phòng máy và đã nằm suốt đêm ở trung tâm để chờ đợi quân giải phóng vào. Ngày hôm sau, bộ đội giải phóng vào, cha con ông Hồ đã giao chìa khoá từng phòng máy cho bộ đội. Mọi thiết bị, tài liệu thuộc Trung tâm này hầu như nguyên vẹn. Về sau, chúng tôi chẳng những khai thác máy IBM360/40 của trung tâm này rất chủ động, phục vụ được nhiều yêu cầu mà còn cung cấp cho quân đội ta nhiều dữ liệu về quân đội Sài Gòn cũ lưu trữ ở đây.

Riêng khu sân bay Tân Sơn Nhất, vào dịp này, ngoài 3 cơ sở IBM360/40, IBM360/50, Univac đã tiếp quản và quân đội đang quản lý, tôi đến khu máy tính IBM360/30 chưa ai đến. Đó là cơ sở máy tính của hãng PACIFIC (Mỹ) chuyên dùng IBM360/30 để quản lý vật tư xây dựng công trình quân sự của chế độ cũ.

Trung tâm IBM360/50 ở khu vực MACVI/DAO, Tân Sơn Nhất gọi là Trung tâm Điện toán Tiếp vận, là trung tâm xử lý số liệu hậu cần của Mỹ và quân đội Sài Gòn mà toàn bộ vật tư của kho Long Bình, từ cái kim sợi chỉ đều được cập nhật số liệu thường xuyên. Trước đây, vào khoảng cuối những năm 60 đầu những năm 70, Mỹ dùng máy IBM360/50 này để phục vụ cho chỉ huy không quân trên cả khu vực Đông Nam Á. Đây là máy tính có năng lực lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ. Nói rộng ra thì ở miền Nam vào thời điểm đó có một trình độ ứng dụng tin học cao hơn tất cả các quốc gia khác trong khu vực và máy IBM360/50 cũng là máy có năng lực lớn nhất khu vực.

(Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 103 ra ngày 27/10/2008)


Ngọc Tuấn - Đỗ Duy (ghi)
      
Zone
Zone Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Bài viết : 832

Danh vọng : 1544

Uy tín : 0

Bài 2: Chuyện từ cánh quân thứ hai

ICTnews - Tháng 4/1975, bên cạnh nhóm của Viện Kỹ thuật Quân sự còn có một nhóm 5 sĩ quan của Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) cũng nhận lệnh tiến về Sài Gòn.

"Đội quân máy tính" tiếp quản Sài Gòn 3302cd10

Ông Lê Tự Thành hiện là Phó giám đốc Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội vào năm 1974 là thành viên trẻ nhất trong nhóm 5 sĩ quan của Tổng cục Kỹ thuật tham gia tiếp quản máy tính sau giải phóng miền Nam, kể lại những kỷ niệm không quên này...

Từ tờ bìa đục lỗ

Cuối tháng 3/1975, sau khi hoàn thành chương trình tính thủy triều ở các cảng biển trên cả nước cho Bộ Tư lệnh Hải quân, tôi được lệnh bàn giao lại để chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi cùng một số người đi nhận toàn bộ quân trang theo chế độ đi hồi đó.

Khi bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ có một anh Trần Duy Thỏa tham gia, vào đến Huế thì anh Thỏa nhặt được tờ bìa đục lỗ. Anh Thỏa về báo cáo và đơn vị quyết tâm cử đoàn 5 người đi vào Sài Gòn để tiếp quản máy tính.

Vào ngày 16/4/1975, tất cả đoàn gồm anh Trần Duy Thỏa (trưởng nhóm), Trương Công Dũng, Trần Thế Nam, Lê Thanh Nhân và tôi lên đường vào Nam. Đây là nhóm "quân máy tính" đầu tiên của Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi cùng với anh Lê Thanh Nhân khi đó là những thành viên trẻ nhất, vừa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, mới 23 tuổi và là thiếu úy.

Sau khi rời Hà Nội đến Quảng Bình thì toàn đoàn nghỉ lại đó hai ngày để chuẩn bị vượt giới tuyến. Theo kế hoạch, sau khi lấy xăng ở Quy Nhơn (Bình Định) sẽ rẽ lên Tây Nguyên tập hợp nhưng khi lấy xăng xong vào khoảng giữa trưa thì đoàn bắt được đài ngụy thông báo Dương Văn Minh đầu hàng. Ban chỉ huy đoàn quyết định đi thẳng vào phía Nam theo quốc lộ 1A mà không lên Tây Nguyên tập kết như kế hoạch ban đầu.

Tối 30/4/1975, chúng tôi đi một mạch tới Tuy Hòa (Phú Yên), ngủ nhờ đơn vị quân đội ngay đầu cầu Tuy Hòa. Các đồng chí ở đó kể tối qua còn bị một nhóm tàn binh tấn công, may mà không có thương vong. Đi hết ngày 1/5 thì vào đến Xuân Lộc (Đồng Nai), chúng tôi cảm thấy chiến tranh ác liệt hơn, mùi xác chết quện vào không khí rất khó chịu. Hầu hết nhà cửa, đường xá bị phá hủy. Đêm ngày 1/5 ngủ lại Xuân Lộc, xe chúng tôi đỗ vào nhà ven đường không còn mái nhưng không thể ngủ được bởi tiếng người đi rầm rập bên đường. Đến sớm hôm sau mới biết tiếng đi đó là do quân ngụy ra khỏi thành phố. Đến ngày mồng hai thì chúng tôi vào đến Sài Gòn và ở nhờ một đơn vị tiếp quản tại trường Cao đẳng quốc phòng.

Tìm các "mục tiêu" máy tính

Trong ngày 2/5/1975, cả nhóm 5 người chúng tôi chia nhau mấy mũi đi tìm các "mục tiêu" có máy tính. Anh Thỏa tìm được công ty máy tính IBM bấy giờ là Công ty máy tính ViệtNam 2 nằm ở đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng). Công ty IBM làm việc ở tầng 3 và có máy tính đặt ở dưới hầm. Khi đến đó đã có một nhóm quân quản do anh Ngà làm chỉ huy.

Công ty IBM cho xe đưa chúng tôi đến tất cả các điểm đặt máy tính và cùng nhân viên của họ kiểm tra hoạt động của các máy, chỉ trừ máy tính của Tổng nha Cảnh sát là phía công an không cho vào. Còn lại hai máy của Bộ Quốc phòng, một cái ở Cục Quân nhu ở đường Gia Long và một cái ở sân bay Tân Sơn Nhất của Tổng Tham mưu ngụy quản lý toàn bộ quân số. Ngoài ra, còn một cái máy nữa không phải là tài sản của công ty IBM mà là của quân đội Mỹ cũng đặt trong sân bay Tân Sơn Nhất quản lý kho hậu cần. Hai máy tính ở sân bay Tân Sơn Nhất là những máy lớn nhất ở miền Nam lúc đó, một cái là IBM 360/40 của Bộ Tổng Tham mưu ngụy, cái còn lại của quân đội Mỹ là IBM 360/50.

Các máy tính do quân ngụy quản lý có lẽ do họ lo chạy nên để nguyên không vấn đề gì, nhưng máy của quân đội Mỹ họ "chu đáo", đặt mìn xuyên ở tất cả các máy, cả các máy đục lỗ. Nhưng may mà có một quả đạn đại bác của quân ta bắn trúng vào góc tòa nhà đặt máy tính làm đứt đường dây điện nên chỉ có hai máy đục lỗ bị nổ, còn lại đều nguyên vẹn.

Quá trình tiếp quản, vận hành và khai thác thành công các máy tính IBM của chính quyền ngụy để lại sau giải phóng miền Nam là thành công đáng kể về mặt kỹ thuật của những người làm tin học Việt Nam", ông Lê Tự Thành nói.

(Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 104 ra ngày 29/10/2008)

Đỗ Duy ghi
      
Zone
Zone Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Bài viết : 832

Danh vọng : 1544

Uy tín : 0

Bài 3: Vận hành và khai thác máy tính IBM

ICTnews - Máy tính IBM360/50 chiếm 600 m2,  sử dụng CPU to bằng hai cái tủ ba buồng. Việc đầu tiên của quá trình vận hành lại chiếc máy tính này là… gọi công binh gỡ mìn.

"Đội quân máy tính" tiếp quản Sài Gòn 65abdfafb9196850f42e1ac624406a51_Su-ky

Sau ngày tiếp quản, tại sân bay Tân Sơn Nhất, từ trái sang: Thượng úy Đặng Minh Ngạc,
anh hùng không quân Nguyễn Thành Trung, đại úy Nguyễn Lãm

Tiếp quản Trung tâm Điện toán, Bộ Quốc phòng

GS. TS. Nguyễn Lãm kể lại: Có một số công việc diễn ra khá thuận lợi như cùng với một số chuyên gia kỹ thuật của trung tâm (TT) cũ còn ở lại, cán bộ TT Toán - MT vào tiếp quản đã khôi phục cho máy IBM360/50 làm việc và chúng tôi khẩn trương liên hệ với các bộ, ngành, cơ quan nhà nước khai thác máy.

Anh Trần Duy Thoả, cán bộ của TT Toán - MT Quân đội, một trong số những người vào tiếp quản máy tính đầu tiên báo cáo: Chiều ngày 2/5/1975, quân ta phát hiện dàn máy IBM360/20 của TT Điện toán Bộ Quốc phòng quân đội Sài Gòn ở 63 đường Gia Long. Ngày 5/5/1975 anh Thoả được giao nhiệm vụ tiếp quản, chốt giữ. TT này thuộc Tổng nha Tài chính và Thanh tra Quân khí của quân đội Sài Gòn nên sau đó, ngày 9/5/1975, đồng chí Lê Quang Sa, trung tá - Trưởng đoàn tiếp quản của Cục Tài vụ, Bộ Quốc phòng cũng cử cán bộ tới tiếp quản. Hai bên thống nhất giao anh Thoả phụ trách.

TT này đã hoạt động từ tháng 7/1973 để điện toán hoá lương bổng và phụ cấp quân đội chế độ cũ, công tác dự trù và thi hành ngân sách quốc phòng, điều hợp quân số hưởng lương và quân số hiện diện, yểm trợ Tổng nha Nhân lực về quản trị nhân lực. Báo cáo của anh Thoả trình bày tỷ mỷ lợi ích của TT trong thống kê quân số, sử dụng ngân sách, sử dụng nhân viên; trình bày biên chế tổ chức của TT, ý chừng anh muốn thuyết phục quân đội ta xây dựng một TT theo mô hình này để quản lý tài chính quân đội. Anh Thoả cũng cho biết tình trạng thiết bị, nguyên liệu,vật tư, phương tiện làm việc và các loại hồ sơ tài liệu ở TT.

Để khôi phục lại hoạt động của máy IBM360/20, các anh đã cho gọi 5 sĩ quan và nhân viên cũ chủ chốt đến khai thác tình hình và giao nhiệm vụ cho họ thông báo lại cho toàn bộ nhân viên cũ làm việc ở TT đến gặp. Cuối cùng các anh đã sử dụng trở lại một số nhân viên như: điều hành viên điện tử, thợ sửa chữa điện và máy lạnh, một lao công vệ sinh.

Nói thêm vài nét về TT ở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. TT này đầu tiên gọi là TT Điện cơ Kế toán, nhưng từ năm 1968 thì đổi là TT Khai thác An bài Điện Tử. TT trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, dưới sự giám sát hoạt động của phòng Tổng Quản trị - Bộ Tổng Tham mưu. TT có chức trách xử lý dữ liệu cho quản lý quân số, tuyển quân. Trước đây, TT này có máy IBM360/20, cuối năm 1972 thì được trang bị máy IBM360/40. TT đảm trách những công việc: thống kê quân số, thiết lập danh sách và lệnh gọi nhập ngũ, yểm trợ việc quản trị nhân viên. Ngoài ra TT còn hỗ trợ cho các TT khác như Điện toán Tiếp vận, Điện toán Hải quân, Điện toán Không quân.

Tiếp quản máy tính IBM360/50

Cũng trong chuyện tiếp quản và khai thác máy tính IBM, ông Lê Tự Thành kể lại: Sau khi được tin tìm thấy các máy tính của quân đội ngụy và quân Mỹ, anh Nguyễn Lãm đã tức tốc cử thêm cán bộ vào vận hành và khai thác. Tôi được phân công tiếp quản máy IBM 360 model 50 (IBM360/50) của quân đội Mỹ quản lý kho hậu cần (tổng kho Long Bình) và đây là máy tính lớn nhất hồi đó ở miền Nam.

Việc đầu tiên của quá trình vận hành lại chiếc máy tính này là gọi công binh gỡ mìn. Khi đó, mìn đặt khắp nơi trên từng bộ phận của máy tính và cả trên những máy đục lỗ. Sau khi gỡ mìn, chúng tôi cùng với những nhân viên cũ của công ty IBM bắt tay vào khôi phục hoạt động. Sau khi khôi phục hệ thống điện, nhân viên IBM kiểm tra từng thiết bị và máy tính. Đồng thời, chúng tôi phải sửa lại hệ thống điều hoà lớn (kiểu điều hoà trung tâm hiện nay) vì phòng máy rất kín và ngột ngạt nếu không có hệ thống điều hoà không chịu được. Sau gần một tháng lao động, chúng tôi đã khởi động thành công máy IBM 360 model 50.

Máy tính IBM360/50 rất lớn, chiếm khoảng 600 mét vuông. Nó sử dụng một bộ vi xử lý trung tâm (CPU) to bằng hai cái tủ đựng quần áo ba buồng. Các ổ đĩa từ và băng từ dùng cho máy tính này cũng rất cồng kềnh, mỗi ổ băng từ to bằng tủ lạnh lớn hiện nay. Ngoài ra, chiếc máy này cần tới 80 máy đục lỗ để làm phương tiện viết chương trình. Tiếp đến là kho lưu trữ về băng từ cũng rất rộng, vì băng từ lúc đó quá to.

Ấn tượng ban đầu của chúng tôi là họ (quân đội Mỹ) sử dụng máy tính vào quản lý kho rất khoa học. Chiếc máy tính IBM dùng hệ điều hành OS/360, hoạt động khá giống với máy tính Minsk của Nga. Các chương trình viết cho máy tính IBM phía quân đội ngụy sử dụng ngôn ngữ Cobol. Lúc đó Nga cũng có tài liệu về ngôn ngữ này dịch sang tiếng Nga nên mọi người nắm bắt dễ dàng. Ngoài ra, nhân viên cũ của IBM còn khá đầy đủ, nhờ họ hướng dẫn sử dụng nên chỉ sau khoảng một tháng chúng tôi đã cho hoạt động lại bình thường toàn bộ máy tính, kể cả khai thác dữ liệu chương trình quản lý kho của ngụy.

Cũng phải nói là các chương trình của họ viết khoa học, tỉ mỉ từng bước rất dễ sử dụng. Nhân viên lập trình chỉ là cán bộ trung học, không phải là cán bộ đại học như ta. Vì vậy, hầu hết các đoạn lệnh viết theo cấu trúc giống nhau, nên ai đọc cũng hiểu. Lúc đầu, anh em tiếp quản nghĩ họ “dốt” thật, đáng lẽ nhiều đoạn lập trình có thể viết ngắn thì họ lại viết rất dài. Nhưng sau này mới thấy lập trình công nghiệp thì phải thế, họ viết rành mạch, có ghi chú rõ ràng nên người sử dụng hiểu rất nhanh. Hồi đó anh em kỹ thuật của ta rất khoái thủ thuật, làm thế nào giải quyết vấn đề ngắn nhất, hay nhất nhưng người khác đọc không hiểu gì cả!

Sau khi khai thác thành công, chúng tôi đã cung cấp cho Tổng cục Kỹ thuật danh mục toàn bộ hàng còn tồn trong các kho, trong đó kho lớn nhất là Tổng kho Long Bình. Sau đó, các máy tính IBM tại Sài Gòn tiếp tục phục vụ cho việc tính toán những bài toán giao thông, cầu đường, sau đó là khai thác và thăm dò dầu khí.

(Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 105 ra ngày 31/10/2008)


Ngọc Tuấn - Đỗ Duy (ghi)
      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất