|
Về vấn đề này, Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng cho biết, có thực tế này là do khâu sơ tuyển chưa thể khám chuyên sâu, do đó không phát hiện những bệnh liên quan đến nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa… Sau khi thí sinh trúng tuyển, học viên mới được thực hiện các khám nghiệm chuyên sâu hơn như chụp tim, phổi, kiểm tra các chức năng thận...
Để tránh tình trạng này, Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng đã thông tin rất cụ thể về yêu cầu sức khỏe đối với thí sinh thi vào các trường thuộc khối quân đội. Theo đó, thanh niên ngoài quân đội muốn dự tuyển phải từ 17 đến 21 tuổi, còn quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ từ 18 đến 23 tuổi, thiếu sinh quân từ 17 đến 23 tuổi. Thí sinh (cả nam và nữ) phải đạt sức khoẻ loại 1 ở các chỉ tiêu: Nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa, da liễu, mắt, tai - mũi - họng, hàm - mặt. Các trường được lấy thí sinh đạt sức khoẻ loại 2 về răng.
Bên cạnh yêu cầu chung về sức khỏe cho các khối trường quân đội, còn có một số tiêu chuẩn quy định riêng cho từng đối tượng. Cụ thể:
- Trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần, gồm các học viện: Hậu cần, Phòng không - Không quân, Hải quân, Biên phòng và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng - Thiết giáp, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa, thí sinh nam phải cao từ 1,65m trở lên, cân nặng từ 50kg trở lên và vòng ngực trung bình từ 81cm trở lên.
Các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật, gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, ĐH Văn hoá nghệ thuật quân đội, Hệ đào tạo kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không - Không quân và Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Vin-Hem Pích), thí sinh nam phải cao từ 1,63m trở lên, cân nặng từ 50kg trở lên và vòng ngực trung bình từ 81cm trở lên; thí sinh nữ (nếu có) phải đạt sức khoẻ loại 1. Những trường này được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị hoặc viễn thị không quá 3 đi ốp; kiểm tra thị lực qua kính đạt mắt phải 10/10, tổng thị lực 2 mắt đạt 19/10 trở lên.
- Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số, dự thi vào các trường được lấy đến sức khoẻ loại 2 về thể lực (cả nam và nữ), nhưng nam phải đạt chiều cao từ 1,62m trở lên.
Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thi vào Trường Sĩ quan Chính trị được lấy chiều cao từ 1,60m trở lên (các tiêu chuẩn khác thực hiện theo quy định).
- Đối tượng đào tạo sĩ quan của các quân, binh chủng nếu tuyển chọn sức khoẻ theo tiêu chuẩn riêng vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung.
Tuyển sinh phi công tại Trường Sĩ quan Không quân chỉ tuyển chọn thí sinh đã được Quân chủng Phòng Không - Không quân tổ chức khám tuyển sức khỏe, kết luận đủ điều kiện dự thi vào đào tạo phi công quân sự.
Cũng theo thông tin từ Đại tá Vũ Xuân Tiến, số thí sinh trúng tuyển và không qua kỳ khám sức khỏe lần cuối chủ yếu là bị bệnh tim, phổi. Có trường hợp thí sinh đang trong thời gian học bị phát bệnh cũng phải chuyển học. Do đó, thí sinh hết sức lưu ý đến vấn đề sức khỏe khi đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc khối quân đội.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho những trường hợp này, nhà trường sẽ cấp ngay một giấy xét tuyển bổ sung để thí sinh nộp vào các trường ngoài quân sự hoặc Bộ Quốc phòng sẽ tạo điều kiện để thí sinh đó được học hệ dân sự trong các trường quân sự, Đại tá Vũ Xuân Tiến cho biết.