|
Khoản 1 Điều 31 Luật Sĩ quan hiện hành được sửa đổi, bổ sung trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam như sau: “Bảng lương của sĩ quan được tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt...”.
Đại tá Nguyễn Ngọc Kiên, Trưởng phòng Chế độ chính sách, Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng)-cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tiền lương Bộ Quốc phòng, cho biết: Việc thay đổi bảng lương sĩ quan từ tính theo “cấp bậc quân hàm và chức vụ”, trong đó lương chức vụ chỉ là khoản phụ cấp, sang “theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm” như quy định của luật là sự thay đổi rất quan trọng. Trước đây, cấp bậc quân hàm là căn cứ chủ yếu để tính mức lương. Đây là phần chính trong cơ cấu mức lương của sĩ quan. Nay theo quy định của luật thì chức vụ, chức danh đảm nhiệm sẽ là căn cứ chính và lương chức vụ sẽ là phần chính trong mức tiền lương sĩ quan. Như vậy, cơ cấu mức tiền lương của sĩ quan được xây dựng trên các yếu tố: Chức vụ, quân hàm và thâm niên, trong đó chức vụ là chính. Lương chức vụ được xác định cho từng nhóm công việc (chức vụ được xác định cho tất cả đội ngũ sĩ quan). Mỗi vị trí công việc đảm nhiệm của sĩ quan được xác định theo giá trị, tầm quan trọng của từng vị trí và được quy về một nhóm đối tượng trong hệ thống nhóm chức vụ quy định. Mỗi cấp bậc quân hàm được thiết kế một mức lương, thể hiện trình độ, kinh nghiệm của sĩ quan. Hai yếu tố trên trong mỗi chức danh luôn gắn kết chặt chẽ với nhau thành một cơ cấu thể hiện thứ bậc trong quân đội; thể hiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực chỉ huy, lãnh đạo của sĩ quan trên từng cương vị công tác…
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Kiên, từ năm 2004 đến nay, chế độ tiền lương của sĩ quan được thực hiện theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ. Theo đó, lương của sĩ quan trong quân đội bao gồm lương theo cấp bậc, các khoản phụ cấp (đối với những người được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo thì có thêm phụ cấp chức vụ lãnh đạo). Chế độ tiền lương này cơ bản phù hợp với yêu cầu về tổ chức biên chế, hoạt động đặc thù của quân đội; mức tiền lương và phụ cấp cơ bản đã phản ánh được trình độ, mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ và trách nhiệm của xã hội đối với lực lượng “lao động đặc biệt”; tiền lương cũng đã có tác động tích cực, góp phần cải thiện một bước đời sống sĩ quan… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chế độ tiền lương hiện hành còn nhiều hạn chế, bất cập, như tiền lương của sĩ quan quân đội được điều chỉnh không tương ứng với mức tăng giá sinh hoạt và mức tăng trưởng của nền kinh tế… Đặc biệt, thiết kế bảng lương sĩ quan quân đội còn một số mặt chưa phù hợp, như: Đối với sĩ quan nói chung, lương theo cấp bậc quân hàm chiếm phần lớn trong cơ cấu tiền lương, phụ cấp chức vụ lãnh đạo chiếm tỷ trọng không đáng kể so với mức lương cấp hàm (khoảng từ 4 đến dưới 15%), do đó, tiền lương giữa những sĩ quan cùng bậc quân hàm nhưng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, chỉ huy khác nhau còn chưa hợp lý. Mặc dù trong quá trình tổ chức thực hiện đã có sự điều chỉnh thăng cấp quân hàm cho phù hợp với chức vụ được giao, nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng người giữ chức vụ thấp nhưng lương lại cao hơn người giữ chức vụ cao, nếu có cấp bậc quân hàm cao hơn. Việc quy định sĩ quan được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy hưởng lương theo cấp hàm cộng phụ cấp chức vụ cũng còn bất cập khi sĩ quan được điều động đảm nhiệm chức danh có cùng trần quân hàm hoặc có trần quân hàm cao hơn, nhưng không còn được hưởng phụ cấp chức vụ… Thực tế cũng cho thấy, việc lấy quân hàm làm căn cứ xác định lương và chế độ, chính sách cho sĩ quan và người hưởng lương là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho cơ cấu đội ngũ sĩ quan mất cân đối và có nhiều bất cập giữa trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan.
Việc thay đổi cách tính bảng lương sĩ quan theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiều ưu điểm: Bảo đảm nguyên tắc trả lương gắn liền với nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với quy định của Nhà nước; bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, thể hiện rõ thứ bậc trong LLVT, tạo được sự phân phối hợp lý, công bằng hơn và thể hiện rõ trách nhiệm của từng chức danh sĩ quan... Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015. Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan chức năng đang khẩn trương xây dựng các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành và chắc chắn khi triển khai trong thực tế sẽ tạo động lực để mỗi cán bộ, sĩ quan phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ quân đội.
"Chế độ tiền lương và phụ cấp do Chính phủ quy định; bảng lương của sĩ quan được tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt; phụ cấp thâm niên được tính theo mức lương hiện hưởng và thời gian phục vụ tại ngũ; sĩ quan được hưởng phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và phụ cấp, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự”. (Trích Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam) |