Cuộc bầu cử ở Ukraine bị hững hờ, ghẻ lạnh
Một tình nguyện viên đang đi phát tờ quảng cáo về cuộc bầu cử |
|
VnMedia - Trong khi giới chức ở Kiev đang sốt sắng với chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử vào ngày mai (26/10) thì hàng triệu người dân Ukraine tỏ ra thờ ơ, hờ hững, thậm chí là “coi thường” cuộc bầu cử này.
Người dân Ukraine hờ hững với cuộc bầu cử Nhìn chằm chằm vào quảng trường Maidan, Evelina Martirosyan nhớ lại sự phấn khích mà cô từng trải qua khi tham gia làn sóng biểu tình làm thay đổi đất nước Ukraine. Kể từ sau khi phong trào Maidan lật đổ cựu Tổng thống Yanukovych, giấc mơ của Martirosyan về một tương lai tốt đẹp hơn đã bị vùi dập một cách không thương tiếc bởi cuộc chiến ở miền đông và tình trạng gần như sụp đổ của nền kinh tế.
Cuộc bầu cử quốc hội vào ngày mai hứa hẹn sẽ đem đến một lớp chính khách mới cho Ukraine nhưng đối với hàng triệu triệu người dân Ukraine, sự thay đổi đó chẳng hứa hẹn đem đến sự cải thiện nào.
Chủ nghĩa hiếu chiến đang bùng phát ở Ukraine, gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Từng ngày qua đi, mâu thuẫn này lại bị khoét sâu thêm trong khi nền kinh tế suy sụp, loạng choạng dưới sức nặng của một cuộc chiến có tính tàn phá thảm khốc.
"Có lẽ, những người mới sẽ xuất hiện nhưng tất cả mọi thứ rồi cũng như cũ mà thôi. Mọi người lại tự gói mình trong những khẩu hiệu kiểu như ‘Tôi yêu Ukraine’”, Martirosyan nói với giọng đầy chán nản.
Ở tuổi 25, Martirosyan vẫn nhớ như in thời quá khứ Xô-viết của đất nước. Cô quyết định tham gia vào phong trào biểu tình ở quảng trường Maidan do tức giận bởi việc Tổng thống Viktor Yanukovych khi đó quyết định hủy bỏ việc ký kết các thỏa thuận hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU). Sau khi ông Yanukovych chạy trốn khỏi đất nước hồi tháng 2, những người như Martirosyan rõ ràng là đã vô cùng phấn khích khi nghĩ đến viễn cảnh về việc Ukraine bước vào một thời đại mới hướng về phương Tây. Sự phấn khích của cô gái trẻ thậm chí người ta tưởng như có thể sờ nắn, cảm nhận được.
Tuy nhiên, khi mùa đông giá rét chuẩn bị bao trùm đất nước Ukraine thì sự phấn khích, đầy lạc quan và hy vọng đó đã biến thành những những suy nghĩ tầm thường về việc làm sao có thể sống sót qua mỗi ngày.
Khi chính quyền Kiev thắt chặt chi tiêu để cứu nền tài chính đang trên bờ sụp đổ của Ukraine thì người dân thường đang phải tiết kiệm từng đồng để bảo đảm rằng họ có thể có đủ nhiệt cho những tháng mùa đông rét buốt nhất. Tỉ lệ thất nghiệp và lương thấp đang đẩy từng làn sóng người dân Ukraine ra nước ngoài kiếm việc làm. Với việc nền kinh tế đang bị thu hẹp khoảng 6,4% trong năm nay, sự chảy máu lao động và chất xám được cho là sẽ còn tiếp tục. Điều này chắc chắn sẽ gây ra những khó khăn lâu dài cho nền kinh tế.
Trong khi đó, những chiếc Bentleys, Porsches, Jaguars và Range Rovers vẫn hàng ngày lướt qua trên các con đường ở thủ đô Kiev – một biểu tượng cho thấy sự phân chia giàu nghèo với cách biệt rõ ràng đang ngày một tăng lên ở thành phố có mức lương trung bình là 600 USD/1 tháng này. Mức lương này đang bị ăn dần ăn mòn vì lạm phát tăng cao chóng mặt.
Những gì diễn ra hiện tại đang gây ra sự hoài nghi và tuyệt vọng cho những người dân ở Ukraine giống như giảng viên đại học Mykola Kuznetsov. Ông Kuznetsov cùng con trai 28 tuổi từng là một biểu tượng mạnh mẽ của phong trào Maidan.
"Những kỳ vọng, chờ đợi của xã hội lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ thứ gì mà hệ thống chính trị hiện nay có thể đem lại. Những người đang điều hành đất nước hiện nay chẳng xứng đáng với những người hy sinh ở quảng trường Maidan”, ông Mykola Kuznetsov thẳng thắn bày tỏ.
Vị giảng viên đại học Kuznetsov cũng khẳng định, sẽ khó mà có thể tập trung vào cuộc bầu cử khi chiến tranh đang làm vụn vỡ miền đông bất chấp lệnh ngừng bắn được thực thi từ hồi đầu tháng trước. "Những thanh niên trẻ tốt nhất đang chết dần chết mòn trên chiến trận. Tất cả ý nghĩ và sự giúp đỡ của chúng ta đang hướng về phía họ”, ông Kuznetsov nói.
Nếu chính trị chia rẽ mọi người theo đường lối đảng phái thì hầu hết những người Ukraine sống xa khu vực chiến sự ủng hộ mạnh mẽ cho binh lính và các đơn vị tình nguyện đang chiến đấu ở miền đông. Tuy nhiên, sự ủng hộ này đang đẩy cao tinh thần cực hữu mà theo nhiều người là rất đáng báo động. Ở Kiev hồi đầu tháng này, hàng trăm người mặc quân phục của Tiểu đoàn Azov theo đường lối cực hữu đã phát động một cuộc diễu binh và sau đó là biểu tình, hô vang những khẩu hiệu được đưa ra bởi một lực lượng thời thế chiến II thân phát xít của Ukraine
Ở cửa ngõ phía bắc của Mariupol — một thành phố cảng mờ sương nằm cách miền đông Ukraine chỉ vài km, những người lính đang làm nhiệm vụ ở đây đều cho thấy, họ chẳng thiết tha gì với cuộc bầu cử ở Ukraine vào ngày mai.
"Những cuộc bầu cử đó hoàn toàn không cần thiết vào thời điểm này. Tất cả những kiểu đấu đá, tranh giành quyền lực như thế này khi mọi người đang chết dần chất mòn, tôi thậm chí chẳng biết gọi tên chúng là gì", một binh sĩ có tên là Yaroslav Bondarenko không ngại ngần cho biết.
Sự thờ ơ, hững hờ với cuộc bầu cử còn là dấu hiệu rõ hơn cho thấy người dân Ukraine chẳng thèm quan tâm ai là người giành chiến thắng trong cuộc chiến ở miền đông. “Chúng tôi cho rằng, binh lính nên được rút ra khỏi thành phố và để cho người dân được sống một cuộc sống bình thường”, một người dân ở Mariupol có tên là Vladimir Dotsenko cho hay. Ông này cũng cho biết, ông chẳng quan tâm nếu lực lượng ly khai có đến thành phố của ông. “Chúng tôi chỉ muốn tiền chúng tôi kiếm được sẽ ở lại với chúng tôi, không bị Kiev hay nơi nào đó lấy đi”.
Cuộc bầu cử bị ghẻ lạnh Nếu như hàng triệu người dân Ukraine hờ hững với cuộc bầu cử vào ngày mai thì những người dân Ukraine đang sống tị nạn ở Nga thậm chí còn “căm ghét”, “coi khinh” cuộc bầu cử này. Những người tị nạn Ukraine đang sống ở Nga thẳng thừng tuyên bố họ chẳng có liên quan gì đến cuộc bỏ phiếu đó.
"Bầu cử ở Ukraine? Cuộc bầu cử nào", ông Pavel, 46 tuổi, hỏi với giọng đầy nhạo báo. Ông Pavel là một trong 300 người đang sống tại một trại tị nạn ở Nga, cách biên giới gần thành phố Taganrog khoảng 40km.
"Làm sao giới chức Kiev lại dám tổ chức một cuộc bầu cử như vậy khi họ đang đánh bom nửa thành phố”, ông Pavel gay gắt nói. “Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ bỏ phiếu cho những kẻ đang cố gắng tìm cách giết chúng tôi”, ông Pavel nói thêm.
Bị buộc phải chạy qua biên giới để vào Nga vì cuộc chiến ác liệt bùng phát ở miền đông giữa quân Kiev và lực lượng ly khai, hàng ngàn người dân Ukraine đang sống tị nạn bên ngoài đã tỏ ra quay lưng hoàn toàn với cuộc bầu cử vào ngày mai.
Những người gốc Nga, nói tiếng Nga như ông Pavel khẳng định, đó không phải là cuộc bầu cử mà họ chờ đợi. Họ muốn chờ cuộc bầu cử của lực lượng ly khai diễn ra một tuần sau đó ở miền đông Ukraine.
"Chúng tôi sẽ bỏ phiếu vào ngày 2/11 và không một phút nào sớm hơn”, ông Pavel nói thêm.
Cứng rắn hơn ông Pavel, nhiều người còn tỏ ra tức giận và phẫn nộ khi được hỏi đến cuộc bầu cử vào ngày mai – một cuộc bầu cử mà những chính khách thân phương Tây và theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine được cho là sẽ giành chiến thắng.
"Họ muốn lá phiếu của tôi? Cái họ xứng đáng là một viên đạn”, cô Anastasia – một luật sư 37 tuổi, tức giận cho biết. "Tôi không còn là người dân Ukraine nữa. Tôi là một công dân của nước Novorossiya", nữ luật sư nhấn mạnh. “Tại sao tôi phải đi bỏ phiếu ở một đất nước không còn là của tôi nữa”, Anastasia nói thêm.
Cô Svetlana – người chạy sang Nga cùng với hai em bé sau khi một quả súng cối rơi xuống căn hộ nhà hàng xóm của cô và đã giết chết họ ngay lập tức, cũng đồng ý với những quan điểm trên. “Những cuộc bầu cử đó không tồn tại đối với tôi. Ukraine không còn là đất nước của tôi nữa”, cô Svetlana khẳng định.
Trong khi kiên quyết không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vào ngày mai, những người tị nạn Ukraine khẳng định họ trông chờ vào cuộc bầu cử của lực lượng ly khai ở miền đông vào ngày 2/11 tới.