Vài kinh nghiệm đầu tiên với Raspberry PiSang mới mua 1 chiếc Raspberry Pi cách đây vài hôm với giá 1tr. Thật sự nó cũng khá đắt khi mà trên VOZ có những topic giao bán với giá 600k (tất nhiên là chủ topic ko còn bán nữa, nếu không thì
Sang đã chẳng mất đến 1tr). Sau vài ngày sử dụng,
Sang muốn chia sẻ một số kinh nghiệm khi làm với với RPi (Raspberry Pi), phần cuối
Sang sẽ thảo luận một chút về việc có nên mua RPi hay không.
Nguồn điện cho Raspberry PiQuan trọng nhất đối với RPi là bộ nguồn, theo
Sang đọc được thì 90% các vấn đề liên quan đến RPi đều do nguồn gây ra. Nguồn cấp của Pi là 5V và cường độ dòng điện tối thiểu là 1A. Thực tế, phiên bản A của RPi chỉ yêu cầu 500mA còn phiên bản B (phiên bản mà
Sang đang sử dụng) là 700mA. Nhưng ngần đó chỉ đủ để mình con Pi chạy mà thôi, để sử dụng các thiết bị khác như chuột, bàn phím, mạng,… thì bạn nên cấp cho nó ít nhất là 1A.
RPi không có nút bật/tắt máy, nó bắt đầu chạy khi bạn cắm nguồn vào. Khi Pi khởi động, đèn đỏ (power) sáng và đèn xanh sẽ nháp nháy báo hiệu rằng nó đang đọc thẻ nhớ. Nếu bạn không thấy đèn xanh nhấp nháy thì có thể do nguồn cấp không đủ hoặc thẻ nhớ của bạn có vấn đề. Nguồn cấp thì
Sang đã nói ở trên, 5V và tối thiểu 1A. Còn thẻ nhớ thì các bạn phải đảm bảo nó khởi động được. Lưu ý rằng Pi không có BIOS nên nếu nó không khởi động được thì sẽ chẳng có thứ gì hiện lên màn hình cả.
Hướng dẫn chuẩn bị thẻ nhớ khởi động cho Pi các bạn có thể đọc trên trang chủ của Raspberry Pi, còn về nguồn thì các bạn có thể cấp nguồn cho nó bằng sạc điện thoại hoặc cấp qua cổng USB 3.0. Lưu ý rằng sạc điện thoại không phải cái nào cũng chạy tốt, do may rủi cả, vì sạc điện thoại (charger) khác với nguồn cấp (power supply unit – PSU). Sạc điện thoại cấp nguồn điện không được ổn định bằng nguồn cấp, điều này bạn có thể tìm hiểu thêm qua Google. Cổng USB cũng phải là 3.0 thì mới chạy được, vì USB 2.0 hay 3.0 đều cấp nguồn 5V nhưng USB 2.0 có cường độ tối đa là 500mA trong khi với USB 3.0 là 900mA.
Sang đã thử con Pi của mình với cổng USB 3.0 và chiếc sạc tablet 5V-2A của Samsung và thấy rằng cả 2 đều chạy tốt. Ngoài ra, mặc dù chỉ cấp 900mA nhưng
Sang vẫn cho rằng cấp nguồn bằng cổng USB 3.0 tốt hơn là dùng sạc, bởi vì, như
Sang đã nói ở trên, sạc cấp điện không ổn định.
Trong quá trình sử dụng, nếu RPi hay bị khởi động lại thì 99% là do nguồn điện không đủ,
Sang đã nhiều lần thấy RPi khởi động lại sau khi
Sang cắm con chuột của mình vào.
Cài hệ điều hành cho RPiMột số bạn hỏi
Sang là RPi chạy có mượt không, thậm chí còn hỏi rằng có chạy được… Eclipse không?!
Sang trả lời câu đầu tiên rằng mượt hay không còn tùy cái chúng ta chạy và trả lời… “có” cho câu thứ hai. Đúng là RPi là một máy tính hoàn chỉnh nhưng nó không được thiết kế ra để cài Windows, lướt web, chơi game,… hay là chạy Eclipse! Có nhiều thứ bạn có thể làm với RPi nhưng dùng nó để thay thế cho chiếc laptop hay bộ máy tính để bàn cũ kĩ của bạn là điều không thể. Đối với
Sang, việc sử dụng RPi làm máy xem phim, nó có thể chơi tốt với hầu hết các định dạng video và có thể chạy mượt các video full HD (1080p).
Có nhiều lựa chọn hệ điều hành cho RPi, lưu ý rằng RPi sử dụng chip ARM nên bạn không thể cài Windows cho nó vì Windows không có phiên bản nào chạy trên chip ARM (theo
Sang biết là như vậy). Bạn có thể sử dụng các phiên bản Linux để cài cho RPi vì nhân Linux hỗ trợ cả chip Intel và ARM. Một số hệ điều hành Linux được thiết kế riêng cho RPi bạn có thể tải về tại đây. Nếu bạn là người mới bắt đầu thì hãy sử dụng bản NOOBS, nó là phiên bản cho phép bạn chọn các hệ điều hành để bạn cài lên RPi từ một danh sách các hệ điều hành có sẵn như Raspbian, Pidora, Raspbmc,… Khi đó, bạn có thể thử từng hệ điều hành một và chọn cái phù hợp với mình. Nếu bạn có kinh nghiệm với Pi và Linux rồi thì bạn có thể tự chọn hệ điều hành cho mình. Raspbian và Pidora là 2 phiên bản Linux dựa trên Debian và Fedora được thiết kế cho Pi,
Sang không có nhiều thông tin về chúng lắm nhưng chúng là hệ điều hành mang đến cho bạn đầy đủ chức năng của một máy tính bình thường như duyệt file, duyệt web,… với giao diện đồ họa (dường như là LXDE). Nếu bạn muốn biến RPi thành một máy xem phim hay Media Center thì có thể cài Raspbmc (phiên bản
Sang đang sử dụng) hoặc OpenELEC. Đây là 2 phiên bản Linux sử dụng giao diện XMBC, nó sẽ biến RPi của bạn thành một máy giải trí (xem phim, nghe nhạc,…) mà bình thường nếu mua một Android Box hay HD Player ở Việt Nam giá ít nhất cũng 3 triệu đồng (không tính đồ Tàu hoặc Tàu đội lốt Việt Nam).
Sử dụng các thiết bị ngoại viHồi RPi mới ra đời,
Sang đọc đâu đó rằng nó không có cái gọi là “plug and play”, tức là cắm vào và chạy luôn. Điều này có nghĩa là mỗi lần bạn cắm chuột, bàn phím, USB,… vào RPi là bạn phải khởi động lại để nó nhận thiết bị. May thay, phiên bản B rv2 của RPi mà
Sang đang sử dụng đã hỗ trợ “plug and play”,
Sang cắm chuột, USB vào và nó có thể nhận và làm việc ngay.
Bạn đọc lưu ý rằng nguồn của con Pi rất yếu, nó chỉ đủ để bạn cắm vào 1, 2 thiết bị như một chuột, một USB hoặc một chuột, một bàn phím (dù sao nó cũng chỉ có 2 cổng USB). Nếu bạn muốn cắm nhiều thứ hơn nữa như ổ cứng di động, USB Wifi,… thì hãy trang bị cho nó một chiếc USB Hub có nguồn riêng. Hãy nhớ là USB Hub phải có nguồn riêng nếu không khi cắm vào con Pi của bạn sẽ sụt nguồn và khởi động lại ngay. Phần tiếp theo
Sang sẽ nói về USB Hub có nguồn riêng.
Cẩn thận với USB Hub có nguồn riêngMột số USB Hub có nguồn riêng được biết là có khả năng nuôi ngược lại (backfeed) con Pi qua đầu vào của nó, như vậy có khả năng nó gây ra chập điện và làm hỏng con Pi của bạn ngay lập tức! Vì vậy, một số USB Hub được thiết kế riêng dành cho RPi để nó không nuôi ngược lại con Pi gây ra chập điện, nhưng
Sang nghĩ bạn không cần phải cố mua bằng được những chiếc USB Hub như vậy vì
Sang đã có cách.
Cáp USB bình thường có 4 dây, và trong đó có 2 dây data màu trắng và xanh, 1 dây 5V màu đỏ và 1 dây ground màu đen. Vì vậy để USB Hub không nuôi ngược lại Pi,
Sang đã cắt dây màu đỏ của cáp USB đầu vào cho Hub. Lưu ý rằng bạn chỉ cắt dây màu đỏ thôi, nếu cắt cả dây màu đen (như
Sang đã làm và sau đó phải nối lại) thì Hub sẽ không hoạt động được. Cuối cùng, bạn sẽ có một chiếc USB Hub có nguồn riêng để sử dụng cho RPi mà không lo nó gây chập điện làm hỏng RPi.
Thẻ nhớ bị hư (corrupt)Nếu Pi bị tắt đột ngột (do sụt nguồn hoặc bị rút dây nguồn) thì nó có thể khiến thẻ nhớ bị hư. Hư ở đây không phải là hỏng thẻ nhớ mà chỉ là dữ liệu trên thẻ nhớ bị hư và thường bạn sẽ phải tạo lại thẻ nhớ khởi động. Nếu thẻ nhớ bị hư thì Pi vẫn khởi động được nhưng theo cơ chế của Linux, các phân vùng thay vì được mount rw (read write) thì chỉ mount ro (read only), tức là bạn không thể ghi dữ liệu lên thẻ nhớ, một số tác vụ không thể chạy và nhận thông báo lỗi “Input/output error”. Bạn có thể repair lại thẻ nhớ bằng chương trình “Check disk”, chương trình này có cả trên Linux và Windows nhưng do thẻ nhớ phân vùng theo định dạng của Linux (ext3, ext4) nên bạn sử dụng Linux để repair nó là tốt nhất. Hãy cắm thẻ nhớ của bạn vào một máy tính chạy Linux và sử dụng lệnh fsck để check và repair nó:
# fsck -a /dev/sdb1Trong đó, /dev/sdb1 là định danh phân vùng trên thẻ nhớ của bạn, thông số này có thể khác trên máy bạn, bạn có thể kiểm tra bằng lệnh fdisk -l. Tùy chọn -a cho phép fsck tự động sửa các lỗi trên thẻ nhớ mà không cần hỏi ý kiến bạn.
Đợi một lúc để fsck chạy xong và bạn có thể sử dụng chiếc thẻ nhớ với RPi bình thường.
Sử dụng USB để khởi động Raspberry PiDường như RPi ưu tiên khởi động bằng thẻ nhớ trước USB, tức là nếu cắm cả thẻ nhớ và USB vào thì nó sẽ khởi động qua thẻ nhớ thay vì USB. Cái này
Sang chưa thử cũng không tùy chỉnh được vì RPi đâu có BIOS, nhưng
Sang nghĩ là RPi khởi động qua USB được.
Sử dụng RPi để chạy torrentSang đã thử dùng Pi để chạy torrent kéo phim The Hobbit 2012 (1080p) về và nó chạy tốt. Trình torrent mà
Sang sử dụng là transmission-cli, nó chạy ở chế độ dòng lệnh và cho phép remote qua giao diện web. Bạn đọc có thể search Google để tìm hiểu thêm.
Có nên mua Raspberry Pi hay không?Mặc dù mua con Pi với giá 1tr nhưng để mua thêm những thứ phụ kiện khác cho nó thì tốn không ít. Đặc biệt là bộ nguồn, dường như bộ nguồn chuẩn cho con Pi giá rắt mắc,
Sang đã đọc một bài viết hướng dẫn tự làm bộ nguồn cho Pi để tiết kiệm chi ví và tổng thiệt hại là… 70 đô, gấp 2 lần giá con Pi (35 đô). Với số tiền đó, hoàn toàn có thể mua một case máy tính cũ để sử dụng,
Sang được biết trên VOZ có những topic bán máy case (chưa có màn hình) với giá có 2tr, cấu hình Core 2 Duo, Ram 2GB,…
Như vậy có phải thật lãng phí khi bỏ tiền ra mua RPi?
Sang cũng đã có lúc nghĩ như vậy trong vài ngày qua, thậm chí định khuyên một số bạn bè không nên mua nó. Giờ nghĩ lại,
Sang thấy đáng mua hay không còn tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Nếu bạn bỏ ra 2tr để mua một case máy tính cũ giá rẻ về, bạn có thể làm gì với nó? Nó có thể làm hầu hết những việc RPi có thể làm ngoại trừ việc nó quá cồng kềnh và tốn điện! Đúng vậy, bạn chẳng thể để cả cái máy case bên cạnh màn hình tivi để xem phim, dù điều đó không quan trọng thì bạn cũng gặp vấn đề khi muốn mang nó đi sang nhà bạn bè, người thân để play phim. Còn chưa kể những thiết bị cũ thường ngốn rất nhiều điện, trong khi con Pi chỉ tốn 5V.1A = 5W. Nếu bạn định dùng case máy tính để kéo torrent thì cũng không ổn vì nó rất tốn điện. Nếu so với chiếc Android Box hay HD Player thì bạn sẽ thấy RPi đáng giá hơn cả, nó có thể chơi phim Full HD, xem phim qua mạng, kéo torrent… và quan trọng là rẻ hơn.
Ngoài ra, RPi còn có thể làm nhiều việc khác, nếu một ngày nào đó
Sang không thích dùng nó để xem phim mà muốn gắn thêm cho nó chiếc camera để biến nó thành camera chống trộm chẳng hạn, biết đâu được, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra và nó cho thấy RPi cũng rất đáng để mua đấy chứ.