Mỹ đã tiêu diệt kẻ tạo ra tổ chức tiền thân của IS như thế nào
Đội Delta Force của Mỹ đã tham gia vụ tiêu diệt Zarqawi, kẻ tạo ra tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS |
|
TTXVN - Phóng sự đặc biệt của tờ Mail on Sunday về Abu Musab al-Zarqawi, kẻ đã lập ra tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, đã vẽ nên chân dung của một kẻ tàn bạo đến điên rồ, lấy việc hành quyết con tin để tăng thêm "uy tín" của mình với Al Qaeda.
Nhưng sự tàn bạo của Zarqawi khiến gã có nhiều kẻ thù ở Iraq. Những kẻ này đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng tới cho CIA. Có tin báo cho biết gã sẽ đi từ Fallujah tới Ramadi trong ngày 20/1/2005, nên Mỹ đã điều một chiếc UAV và một đội đặc nhiệm phục kích dọc theo cung đường này để theo dõi.
Tới giữa trưa ngày 20/1, UAV (máy bay do thám không người lái) phát hiện một chiếc xe bán tải chạy tới một căn nhà nằm trong trang trại, vây quanh là những cây cọ. Có một kẻ từ trên xe nhảy ra ngoài.
Lỗi kỹ thuật liên quan tới camera ghi hình của chiếc UAV khiến người Mỹ không thể tiến hành cuộc không kích vào ngày đó và nhân vật nhảy ra khỏi xe đã trốn thoát. Nhưng những người lính đầu tiên tới hiện trường đã có phát hiện quan trọng. Nằm ở băng ghế sau của chiếc xe là máy tính xách tay của Zarqawi.
Phải mất nhiều tuần người ta mới phá được mật mã của chiếc máy. Tới khi đó, phần lớn các địa chỉ, kế hoạch, số điện thoại có trong máy đều chẳng còn giá trị sử dụng. Tuy nhiên chiếc máy tính vẫn có giá trị lớn: nó giúp các nhà phân tích nhìn sâu hơn vào tư duy của Zarqawi.
Chiếc máy tính có chứa một loạt bức ảnh hộ chiếu, chụp Zarqawi với các ngoại hình khác nhau. Ngoài ra còn có nhiều bản ghi nhớ, cho thấy sự thay đổi cấu trúc nhóm khủng bố của Zarqawi, tại đó gã nắm vai “chỉ huy phụ trách hoạt động.”
Các thư mục khác trong máy có chứa các đoạn video ghi nhiều cuộc họp nhóm lãnh đạo của Zarqawi. Trong một đoạn video, gã nói về viễn cảnh thành lập nền tảng Hồi giáo. Những kẻ có mặt trong cuộc họp đó bàn tới việc khôi phục một vương quốc giống như thời kỳ vàng son của Hồi giáo, nơi mọi người theo đạo Hồi sống dưới một chính quyền mộ đạo duy nhất, không còn bị ngăn cách bởi ranh giới quốc gia do phương Tây áp đặt.
Nhưng Zarqawi không bàn về tương lai xa xôi. Gã nói tới một vương quốc Hồi giáo của thời hiện tại, trong đó gã giữ vị trí lãnh tụ của đạo quân giải phóng. Các chuyên gia CIA lập tức đánh giá Zarqawi là kẻ ái kỷ điển hình, tự coi mình như một trong các chiến binh Hồi giáo cổ đại mà gã rất ngưỡng mộ. Và như thế các vấn đề mang tính học thuyết hình thành lâu nay trong Hồi giáo, như cấm giết người vô tội, đã chẳng còn giá trị gì với Zarqawi.
Năm tháng sau vụ tấn công hụt, CIA chặn được một lá thư từ nhân vật số 2 của Al Qaeda là Ayman al-Zawahiri gửi tới Zarqawi. Lá thư gồm 6.000 chữ này thể hiện sự quan ngại của Al Qaeda rằng cơn khát máu của Zarqawi đang gây tổn hại tới hình ảnh thương hiệu của Al Qaeda.
Zawahiri viết rằng việc giết lính Mỹ và Iraq là chấp nhận được. Nhưng hoạt động đánh bom, tấn công các thánh đường Hồi giáo Shiite và các đoạt video cắt đầu rùng rợn đã gửi đi những thông điệp sai lầm. Với người Hồi giáo bình thường, hình ảnh cái chết của một đứa trẻ Shiite và vụ cắt đầu một tài xế người Bulgaria không truyền cảm hứng mà chỉ khiến họ kinh sợ.
“Phong trào thánh chiến nên tránh mọi hành động có thể khiến công chúng hiểu lầm hoặc không chấp nhận,” Zawahiri cảnh báo. “Chúng ta không cần những điều đó.” Nhưng Zarqawi phản ứng lại với những cảnh báo, nói rằng mọi điều gã làm đều được sự đồng ý của “các học giả mujahideen (những người tham gia thánh chiến bảo vệ Hồi giáo)”.
Từ góc nhìn của Zarqawi, với tư cách lãnh đạo một đạo quân lên tới hàng ngàn chiến binh đang đối đầu với người Mỹ mỗi ngày, gã đã khiến một cường quốc trở nên nhỏ bé. Việc sự ủng hộ của dân Mỹ dành cho cuộc chiến giảm dần cũng có nghĩa gã đang thành công. Vì thế, tại sao gã phải ghe theo lời khuyên can, cảnh báo từ Zawahiri?
Trong bối cảnh Zarqawi và Al Qaeda có mâu thuẫn về đường lối, Tổng thống Bush đã tiến hành cuộc họp an ninh đầu tiên tại Nhà Trắng, với trọng tâm xoay quanh Zarqawi. McChrystal, người đang lãnh đạo cuộc săn lùng Zarqawi, đã tiến hành thuyết trình trước các đại biểu. Khi McChrystal ngừng lại, Bush đã nhìn ông một lúc rồi nói: “Liệu anh có tóm được hắn không?”. “Chúng tôi sẽ tóm được gã, thưa Tổng thống,” McChrystal trả lời cường quyết.
- “Anh muốn giết hay bắt giữ hắn?” Bush hỏi tiếp.
- “Tôi muốn bắt hắn, thưa Tổng thống,” viên tướng trả lời.
- “Tại sao chúng ta không giết hắn luôn cho rồi?” Bush nói và cười hơi căng thẳng.
- “Chà, thưa Tổng thống, thành thực mà nói thì tôi muốn trò chuyện với hắn. Tay đó có những thứ chúng ta muốn biết,” McChrystal trả lời.
Zarqawi gây thêm chú ý khi lực lượng Al Qaeda ở Iraq của gã nhận trách nhiệm tiến hành vụ khủng bố tồi tệ nhất Jordan: 3 vụ đánh bom thực hiện trong tháng 5/2005 đã làm 60 người thiệt mạng.
Trong lúc ấy, đội của McChrystal đã có bước đột phá. Một đàn em của Zarqawi bị bắt khai rằng gã có một cố vấn tinh thần. Nhân vật này là Rahman, một giáo sĩ Iraq sống tại Baghdad. Cả hai thường gặp nhau sau mỗi 1 tuần hoặc 10 ngày.
Trong vòng 2 tuần, camera của các UAV đã liên tục theo dõi ngôi nhà đắt tiền của Rahman. Người Mỹ cũng theo đuôi khi gã chạy lòng vòng quanh thành phố. Nhân viên CIA hoạt động ngầm ở Iraq cũng bí mật chụp ảnh Rahman tại thánh đường của gã.
Vào ngày 7/6/2006, các hoạt động bình thường của Rahman đã thay đổi và gã đã đi xe tới Hibhib để gặp Zarqawi.
Một đội đặc nhiệm Delta Force đang chờ sẵn ở Baghdad đã được lệnh lên trực thăng. Nhưng do chiếc máy bay gặp sự cố động cơ nên một chiếc F-16 đang tuần tra ở miền Trung Iraq được lệnh vào cuộc.
“Tôi không nghĩ chúng ta có thể đợi thêm,” một trợ lý của McChrystal được phép ra lệnh liên quan tới Zarqawi đã nói. “Tôi sẽ đánh bom nơi đó.”
Đúng 6 giờ chiều ngày 7/6/2006, mệnh lệnh ném bom được ban ra. Chiếc F-16 lướt qua ngôi nhà mà Zarqawi đang gặp gỡ Rahman, thả ra một quả bom thông minh nặng 250kg. Màn hình điều khiển bom của chiếc F-16 cho thấy một ánh chớp sáng lòa xuất hiện, theo sau đó là ba đụn khói, bụi lớn.
Một phút sau, thêm quả bom thứ hai rơi trúng vào điểm tấn công ban đầu. Lúc khói tan, ngôi nhà đã biến mất.
Đặc nhiệm Delta tới hiện trường 20 phút sau các vụ đánh bom, chỉ để thấy cảnh sát Iraq đang khiêng một cái cáng vào xe cứu thương, gần đống đổ nát từng là nơi ẩn náu của Zarqawi. Trên cáng là Zarqawi, bị thương rất nặng nhưng vẫn còn sống. Zarqawi khẽ mở mắt và lầm bầm điều gì đó trong mồm.
Nhiều năm sau, một trong những người có mặt ở hiện trường vào ngày hôm đó nói rằng lính Delta đã “giúp” Zarqawi về chầu trời. Nhưng kết quả kiểm tra pháp y không thấy có chứng cứ nào ủng hộ việc này. Thay vì thế, áp lực từ những quả bom đã nghiền nát nội tạng của Zarqawi, dẫn tới cái chết khó tránh cho gã.
Zarqawi tắt thở vào lúc 7h04 phút tối ngày 7/6/2006, nhưng tổ chức của gã vẫn tồn tại. Các đàn em của gã chỉ đơn giản là tạm rút lui và tăng cường sức mạnh tại một số tỉnh của Syria, cho tới khi chúng đủ sức trở lại sân chơi vào năm 2013, không phải trong vai trò một nhóm khủng bố mà là một đạo quân.
Những kẻ kế nhiệm của Zarqawi tự gọi chúng bằng nhiều cái tên rất khác, trước khi chọn Nhà nước Hồi giáo.
Chúng tiếp tục gọi Zarqawi là lãnh tụ thánh chiến, thừa nhận gã là kẻ đã can đảm nghĩ tới việc vẽ lại bản đồ vùng Trung Đông. Và giống như Zarqawi, chúng tin rằng cuộc chinh phạt của mình vẫn chưa thể kết thúc.