Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

Bài 1: Những cuộc chiến xâm lược biển Việt Nam
Trung Quốc - Tham vọng bá quyền Biển Đông 2014_110Tàu Trung Quốc (trái) hung hãn dùng vòi rồng phun thẳng vào tàu của Việt Nam ngày 7-5-2014
Hơn nửa thế kỷ qua, Trung Quốc- một nước lớn đang trên đà phát triển đã và đang kiên trì một kế hoạch bá quyền kiểu mới, ôm mộng vươn lên dẫn đầu, lãnh đạo thế giới. Coi Biển Đông như ao nhà, vì lợi ích của mình họ đã bất chấp thực tiễn lịch sử, luật pháp, dư luận quốc tế…; bằng mọi thủ đoạn, sức lực để thực hiện dã tâm độc chiếm Biển Đông.

Với âm mưu chiếm trọn Biển Đông, mục đích biến không thành có, lâu nay Trung Quốc đã "vừa ăn cướp, vừa la làng”, dùng vũ lực xâm lược biển Việt Nam, chiếm Hoàng Sa, một phần Trường Sa của Việt Nam. Hiện họ đang tiếp tục tiến lên một nấc thang mới, trong đó có việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, dùng tàu, máy bay tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam...

Từ chuyện biến không... thành có

Trong lịch sử, người ta thừa nhận Trung Quốc không phải là nước yếu kém về kinh tế, nhất là về hàng hải. Vào triều Minh, Trung Quốc từng là trung tâm kinh tế của thế giới. Con đường tơ lụa nổi tiếng được hình thành, phát triển từ trên đất liền và cả trên biển. Lực lượng quân sự thời nhà Minh, nhất là lực lượng hải quân cũng khá lớn mạnh. Nhà hàng hải Trịnh Hòa từng thống lĩnh đội tàu hùng hậu với hơn 260 con tàu, với khoảng 27.000 người, tiến hành 7 cuộc hành trình ra biển phía Tây, từng đi xa qua Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, bờ Đông Châu Phi…

Tuy nhiên, có một thực tế, những chuyến đi trên biển của hàng hải Trung Quốc chủ yếu với mục đích tìm hiểu, buôn bán, không vì mục đích xâm chiếm. Sau chuyến đi xa thứ 7, năm 1433, Trịnh Hòa chết. Trước sự lục đục, mâu thuẫn giữa các quan lại triều đình, vua Minh đã xuống chiếu ra lệnh: "Cấm mọi tàu thuyền lớn đến các phiên quốc biển phía tây”. Những con tàu của triều Minh dần mục nát. Bộ binh triều Minh cũng đã đốt trụi hết các xưởng đóng tàu cùng các bản vẽ, thiết kế. Sự nghiệp hàng hải của Trung Quốc đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Điều ấy đã chứng minh vì sao một Trung Quốc nước lớn lại không tiếp tục vươn ra biển, khi các quốc gia phương Tây sau đó thả sức tung hoành. Điều đó cũng chứng minh tấm bản đồ Trung Quốc do nhà bản đồ học người Pháp là Jean Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ, cho đến thời Càn Long (1736-1795) các đảo Hải Nam, Đài Loan còn không có trong lãnh thổ Trung Hoa. Trong khi thực tế, cũng thời điểm ấy, cùng với việc vươn khơi, các triều đại phong kiến của Việt Nam đã sử dụng, khai thác các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trường Sa, Hoàng Sa hiển nhiên đã là đất đai lãnh thổ, máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. Như Tập bản đồ Châu Á xuất bản năm 1827, nhà địa lý học Philippe Vandemaelen (1795-1869), người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ, đã thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa một cách rõ ràng, chi tiết, thuộc về đế chế An Nam (Việt Nam).

Cho đến đầu thế kỷ XX, những nhà cải cách, lãnh đạo Trung Quốc từ chỗ chấn hưng đất nước Trung Quốc, học phương Tây, muốn khỏa lấp cái mà phương Tây chỉ trích: "Trung Quốc quay lưng với biển”, mục tiêu phát triển, kinh tế, xây dựng một Trung Hoa lãnh đạo thế giới, đã không ngừng tiến hành những âm mưu, hành động bá quyền trên biển. Và rồi họ đã tập trung xây dựng lực lượng quân sự biển, vẽ ra những cái gọi là đường lưỡi bò, quần đảo Tây Sa, Nam Sa; vừa ăn cướp, vừa la làng, chà đạp luật pháp quốc tế, dùng vũ lực tiến hành những cuộc xâm lược trên biển. Mục tiêu trước mắt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vùng biển của Việt Nam. Những cuộc xâm lược đã liên tục diễn ra, chưa có điểm dừng.

Những cuộc xâm lược bằng vũ lực

Cuộc xâm lược biển đảo Việt Nam đầu tiên của Trung Quốc có thể được tính vào năm 1946. Khi ấy, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời (năm 1945), đang bận rộn đối phó với thù trong, giặc ngoài. Ngày 26-10-1946, một hạm đội của Trung Hoa Dân Quốc gồm 4 chiến hạm chở đại diện một số cơ quan và 59 binh sĩ đã xuất phát từ cảng Ngô Tùng tiến về biển Việt Nam. Ngày 29-11-1946, hai chiến hạm cùng binh lính đã đổ bộ chiếm đóng đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; hai chiến hạm chiếm đóng đảo Ba Bình của quần đảo Trường Sa. Mặc cho Pháp khi ấy còn đang quản lý, kiểm soát tại hai quần đảo này phản đối, Trung Hoa Dân Quốc vẫn không chịu rút lui. Tháng 10-1949, nước CHND Trung Hoa thành lập, tháng 4-1950, quân của Tưởng Giới Thạch mới rút khỏi Hoàng Sa, Trường Sa, trả đảo cho sự quản lý của Pháp và quân đội Quốc gia Việt Nam lúc đó.

Cuộc xâm lược biển đảo Việt Nam lần hai được tính vào năm 1956. Năm 1954, Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ, phải ký Hiệp định Geneve và buộc phải rút khỏi Việt Nam. Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Hoàng Sa, Trường Sa thuộc sự cai quản của chính quyền miền Nam Việt Nam vừa thành lập. Lợi dụng lúc tranh tối, tranh sáng này, Trung Quốc lại đã âm thầm đem quân chiếm giữ ngay một số đảo ở Hoàng Sa. Đài Loan chiếm giữ đảo Ba Bình ở Trường Sa. Năm 1956, khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa tổ chức đến tiếp quản các đảo nói trên từ Pháp thì mọi sự đã rồi.

Cuộc xâm lược lần thứ ba có thể tính vào năm 1959, khi Trung Quốc đã giả danh đưa lực lượng 5 thuyền đánh cá với 82 ngư dân trang bị vũ khí đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa, thuộc phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, cuộc xâm lược thất bại khi quân đội VNCH thể hiện sức mạnh, bắt giữ, áp giải những kẻ xâm phạm lãnh thổ Việt Nam đưa về tạm giam tại Đà Nẵng, sau đó mới trao trả cho Trung Quốc.

Cuộc xâm lược lần thứ tư của Trung Quốc có thể coi là quy mô và dùng vũ lực mạnh xảy ra vào tháng 1-1974, khi Việt Nam đang tập trung công cuộc thống nhất đất nước, chính quyền VNCH đang lúc suy thoái. Ngày 15-1-1974, Trung Quốc cho quân đánh chiếm các đảo ở Hoàng Sa. Cuộc chiến đấu tay đôi ác liệt thực sự đã diễn ra trong ngày 19-1-1974. Phía Việt Nam Cộng hòa bị bắn chìm 01 hộ tống hạm, bị bắn hỏng 01 khu trục hạm, 01 tuần dương hạm bị thương; 74 sĩ quan, chiến sĩ đã ngã xuống …. Và rồi, mặc dù Trung Quốc đã bị bắn chìm 02 hộ tống hạm, 02 lôi trục hạm; 01 đô đốc, 06 đại tá và hàng chục sĩ quan cấp tá, cấp úy khác bị tử trận, nhưng bằng số quân áp đảo, Trung Quốc đã hoàn toàn chiếm được quần đảo Hoàng Sa.

Suốt trong nhiều năm sau đó, mặc cho Việt Nam lên tiếng đấu tranh phản đối trên mọi phương diện, Trung Quốc vẫn làm ngơ. Năm 1988, Trung Quốc lại tiếp tục bất ngờ cuộc xâm lược lần thứ năm trên biển. Ngày 14-3-1988, họ đã bất ngờ dùng biên đội tàu chiến đấu 6 chiếc trang bị tên lửa, pháo cỡ 100mm tấn công bắn chìm 3 tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã chống trả quyết liệt. Phía ta có 3 tàu hải quân đã bị chìm, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Cho đến ngày 6-4-1988, Trung Quốc đã chiếm được đảo Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Những năm qua, Trung Quốc cũng đã liên tục tiến hành những cuộc đụng độ, xâm phạm chủ quyền, bắt bớ ngư dân Việt Nam. Và rồi vào những ngày tháng 5-2014 này, với việc đem giàn khoan Hải Dương-981 cùng hàng trăm tàu hải giám, tàu chiến, máy bay tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, tấn công tàu chấp pháp Việt Nam, Trung Quốc đã thực sự tiếp tục tiến hành cuộc xâm lược biển Việt Nam lần thứ sáu. Cuộc đụng độ đã thực sự diễn ra. Đã có nhiều tàu Việt Nam bị hư hại, nhiều chiến sĩ Việt Nam bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Bao giờ Trung Quốc thôi dã tâm xâm lược?

Có một thực tế, trước kia các nước phương Tây như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nhật ... bằng con đường hàng hải, đã chiếm lĩnh nhiều vùng thuộc địa. Trên đất liền, nhiều cuộc chiến tranh của các đế quốc cũng đã thôn tính nhiều đất đai, thuộc địa. Thực tế từ chiến tranh Nha phiến 1840, đến khi thành lập nước CHND Trung Hoa (1949), Trung Quốc cũng đã phải hứng chịu hàng trăm cuộc ngoại xâm, phải ký đến 745 điều ước. Ở trên biển, dù trước đó, với mọi quốc gia, việc phân định dù bằng chiều dài phát đại bác, hay tuyên bố hải lý, rồi cũng đều phải tuân thủ theo quy định chung của thế giới: Công ước quốc tế Luật Biển năm 1982.

Vậy nhưng chỉ với hơn nửa thế kỷ qua, dù đã hơn 6 lần xâm lược biển đảo Việt Nam, Trung Quốc chắc chắn vẫn chưa thôi ý đồ xâm lược. Điều đặc biệt, Trung Quốc đã củng cố, xây dựng hiện đại những khu vực, vùng đất chiếm được. Ngày 21-6-2012, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra quyết định thành lập cái gọi là TP Tam Sa (trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam). Trung Quốc đã xây các công trình hiện đại, các căn cứ quân sự, dân sự, du lịch trên quần đảo Hoàng Sa. Ngay tại những đảo chiếm được trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cũng xây dựng căn cứ quân sự hiện đại... Từ chỗ còn chớp thời cơ, đánh úp, Trung Quốc đã ngang nhiên công khai xâm lược, coi thường luật pháp, dư luận quốc tế. Trung Quốc tiếp tục đầu tư xây dựng lực lượng quân sự trên biển. Nếu những năm trước đây hải quân Trung Quốc chưa mạnh thì năm 2006, họ đã xây dựng một lực lượng quân sự mạnh, riêng trên biển với hàng ngàn máy bay, hơn 1.500 tàu chiến, 77 tàu ngầm, 26 tàu khu trục; mấy trăm các tàu tên lửa, đổ bộ, phóng lôi.v.v… Cho đến nay lực lượng nói trên đã tăng hơn nhiều.

Tính từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã hơn nửa thế kỷ đấu tranh với việc xâm lược trên biển của Trung Quốc, hàng trăm người Việt Nam đã ngã xuống. Cho đến nay, những vùng đảo, vùng biển Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm vẫn chưa thu hồi được. Trung Quốc như con hổ tham lam vẫn tiếp tục lấn sâu, đòi nuốt từng miếng đất, vùng biển Việt Nam. Sau cuộc xâm lược lần thứ sáu này, rồi sẽ còn những cuộc xâm lăng nữa...

Người Trung Quốc và các học giả trên thế giới nói rằng Trung Quốc đang trỗi dậy. Thực tế họ đang từng bước thực hiện âm mưu nuốt trọn Biển Đông, vươn ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và xa nữa. Trung Quốc đã đi ngược lại những gì ông cha họ đã làm. Trung Quốc đã coi thường, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp Công ước Luật Biển 1982, do chính họ tham gia, ký kết. Trung Quốc đi ngược lại những gì như chính họ đã khẳng định: "Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền với mọi hình thức, vĩnh viễn không tranh bá, vĩnh viễn không bành trướng” (Báo cáo tại Đại hội Đảng lần thứ 17 của ĐSQ Trung Quốc). Hành động của họ đang đi ngược lại xu thế của thời đại, và chắc chắn sẽ phải gánh những hậu quả từ sự sai lầm.

      
Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

Bài 2: Lộ rõ âm mưu vẽ lại bản đồ thế giới
Trung Quốc - Tham vọng bá quyền Biển Đông 2014_111Tàu của cảnh sát biển Việt Nam
Lịch sử Trung Quốc và thế giới minh chứng rõ ràng lãnh thổ của Trung Quốc về phía Nam chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam là hết. Thế nhưng, với tham vọng bá quyền độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã không ngần ngại tiến hành những bước đi hết sức phi lý mang tính hệ thống - hòng đạt mục tiêu xâm lấn bành trướng lãnh thổ. Mục tiêu phi pháp và trái đạo lý ấy của Trung Quốc dĩ nhiên phải gắn liền với âm mưu vẽ lại bản đồ thế giới, xâm phạm chủ quyền hợp pháp của các quốc gia khác trong khu vực.

Bất chấp luật pháp quốc tế, bôi xóa lịch sử

Cho đến gần đây, Trung Quốc bắt đầu tuyên bố yêu sách chủ quyền vô lý đối với gần như toàn bộ Biển Đông và liên tục có những hành động gây hấn sai trái. Tình hình bất thường đó khiến không ít tổ chức, cá nhân kể cả phía Trung Quốc và cộng đồng thế giới lo ngại. Đã có nhiều sự quan tâm ở khắp nơi, tìm hiểu, nghiên cứu, đưa ra những sự thật lịch sử cho thấy sự phủ nhận hòan tòan yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền hợp pháp không thể chối cãi của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự thật lịch sử chỉ có một, mọi ngụy biện của Trung Quốc không thể bôi xóa, xuyên tạc hay bóp méo vì mục đích bành trướng lãnh thổ hiện nay.

Sự thật là hàng trăm bản đồ cổ của Trung Quốc và bản đồ quốc tế đều cùng chỉ rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Cho đến tận năm 1904, bản đồ "Hoàng Triều Trực Tỉnh Địa Dư Toàn Đồ” thời nhà Thanh vẫn còn ghi rõ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhiều tài liệu lịch sử của Trung Quốc, trong đó có cả bản đồ Trung Hoa Hoàng Triều Nhất Thống Dư Địa Tổng Đồ phát hành vào năm 1894 và quyển "Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư” (trang 241) phát hành năm 1906, tất cả đều khẳng định  lãnh thổ Trung Quốc phía Nam chỉ mở rộng tới đảo Hải Nam. Bởi vậy, ngày 28-3-2014, tại Berlin, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel đã công khai tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tấm bản đồ China Proper (Trung Quốc đích thực) do nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ dựa trên các cuộc khảo sát địa lý mà các nhà truyền giáo Dòng Tên thực hiện trước đó, được một nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735.  Trên tấm bản đồ này cho thấy rõ lãnh thổ Trung Quốc không hề có Hoàng Sa và Trường Sa, vì hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đó là một trong rất nhiều dẫn chứng thể hiện rằng lịch sử thế giới luôn ghi nhận đúng sự thật Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, hai quần đảo này không liên quan gì đến chủ quyền của Trung Quốc. Và mới đây nhất, lại vừa thêm một bằng chứng lịch sử đặc biệt có giá trị pháp lý được công bố, tố cáo yêu sách chủ quyền bất chấp lịch sử của Trung Quốc. Ngày 13-5-2014, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam vừa tiếp nhận bản đồ Atlas Thế giới xuất bản năm 1827 khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Là một quốc gia đã tham gia ký kết, công nhận Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Trung Quốc thừa hiểu rằng theo luật pháp quốc tế, một quốc gia muốn xác lập chủ quyền lãnh thổ trên biển và hải đảo phải hội đủ 3 điều kiện, đó là: phải có sự thực thi chủ quyền của Nhà nước; thực thi chủ quyền một cách liên tục, lâu dài, hòa bình; và được sự thừa nhận của các quốc gia duyên hải – đặc biệt là các quốc gia tiếp cận và đối diện. Theo luật pháp quốc tế, ngày nay tất cả các cuộc xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực như Trung Quốc đã và đang tiến hành đều bị coi là bất hợp pháp nên không có giá trị pháp lý để xác lập chủ quyền lãnh thổ. Vậy nhưng, nhằm phục vụ cho mưu đồ đòi hỏi chủ quyền một cách vô lý trên Biển Đông, gần đây Trung Quốc đã cố tình dựa vào các tài liệu mơ hồ của các nhà du hành, thám hiểm để mạo nhận về chủ quyền của họ. Đơn cử như việc có một đòan thuyền của một nhân vật có tên là Trịnh Hòa chỉ đi ngang qua Biển Đông để hướng về Ấn  Độ Dương, không hề ghé lại các đảo hay quần đảo của Việt Nam, nhưng nay Trung Quốc vẫn sẵn sàng vin vào đó làm cơ sở rêu rao một cách méo mó rằng họ đã chiếm đóng  quần đảo Hòang Sa từ thế kỷ XV. Các bản đồ mà Trung Quốc trưng ra cho cái gọi là "bằng chứng lịch sử” của họ không phải là bản đồ chính thức của các triều địa phong kiến Trung Quốc. Và dĩ nhiên, theo công pháp quốc tế, những tư liệu đánh tráo bản chất lịch sử như vậy của Trung Quốc không thể là căn cứ để chứng minh chủ quyền và sự kiểm sóat chính thức của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tóm lại, trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử cho đến đầu thế kỷ XX, tài liệu chính sử Trung Quốc chưa bao giờ cho thấy chủ quyền của quốc gia này đối với các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Tất nhiên, càng không bao giờ có cái gọi là "vùng nước lịch sử” bao chiếm gần trọn Biển Đông mà gần đây Trung Quốc bỗng nhiên tùy tiện tuyên bố như "ao nhà” của họ. Đến giữa thế kỷ XX, Trung Quốc bắt đầu bộc lộ tham vọng trỗi dậy bành trướng lãnh thổ vô độ trên biển, liên tục đòi hỏi chủ quyền phi lý không chỉ đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà còn âm mưu độc chiếm Biển Đông (họ gọi là Biển Hoa Nam). Thế nhưng, Trung Quốc lại không thể đưa ra được cơ sở pháp lý hay bằng chứng lịch sử nào đáng tin cậy.

Trung Quốc - Tham vọng bá quyền Biển Đông 2014_113
Yêu sách chủ quyền "đường lưỡi bò” phi lý trên Biển Đông cùng những hành động nguy hiểm có hệ thống, Trung Quốc đã lộ rõ âm mưu vẽ lại bản đồ thế giới - bá quyền ở Biển Đông
Dùng bạo lực để thay đổi hiện trạng

Do kinh tế phát triển nhanh trong mấy thập kỷ qua, nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng có hạn khiến Trung Quốc chẳng khác nào trở thành "con rồng đói” khát dầu, thiếu nguyên nhiên liệu, trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ đứng thứ 2 thế giới. Trung Quốc đang vươn ra khắp nơi để tìm kiếm và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản, năng lượng để bảo đảm nhu cầu phát triển. Biển Đông là nơi có khoảng 70% lượng dầu khí nhập khẩu đi qua, Trung Quốc coi đây là "con đường sinh mệnh”. Năm 1995, Trung Quốc đưa ra "Chiến lược khai thác biển” với mục tiêu trở thành một cường quốc về biển có khả năng kiểm soát và khống chế đường biển, khai thác tài nguyên biển. Thực tế cho thấy Trung Quốc đã lộ rõ những biểu hiện "ngoại giao đi trước, hải quân đi sau” để hướng ra Biển Đông - nơi giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng các nước lớn không còn căn cứ quân sự trong khi các quốc gia liên quan đều là nước nhỏ. Với tham vọng vươn lên thành siêu cường số một thế giới trong vài ba thập kỷ tới, Trung Quốc đồng thời cho thấy những biểu hiện xâm lấn bành trướng lãnh thổ đầy nguy hiểm một cách có hệ thống. Đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam là quốc gia đã chiếm cứ, quản lý, khai thác công khai, liên tục, lâu dài và hòa bình ít nhất từ thế kỷ XVII cho đến nay, nên theo luật pháp quốc tế, Việt Nam có đủ điều kiện xác lập và hành xử chủ quyền của mình trên hai quần đảo này –  nhưng bất chấp, Trung Quốc tiếp tục "kế thừa, phát triển” sự cưỡng đọat chiếm đóng bất hợp pháp bằng biện pháp dùng vũ lực của mình.

Từ chỗ bắt đầu "dòm ngó” Biển Đông mới chỉ vào đầu thế kỷ XX, đến nay Trung Quốc thô bạo dùng sức mạnh từng bước xâm chiếm và tiến tới áp đặt nhằm hiện thực hóa yêu sách trên tòan bộ vùng biển này, tạo dựng tranh chấp với một lọat quốc gia trong khu vực. Có thể xâu chuỗi lại những bước xâm chiếm lãnh thổ mà Trung Quốc đã thực hiện trên Biển Đông. Năm 1909 Trung Quốc chỉ mới ra "thám thính” Hoàng Sa; năm 1948 Trung Quốc bắt đầu tùy tiện vẽ và lưu hành nội bộ bản đồ  "đường lưỡi bò” chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông; năm 1956 Trung Quốc chiếm đóng trái phép phần phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam;  năm 1958 Trung Quốc ra tuyên bố "nhập nhằng” bắt đầu âm mưu yêu sách hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; năm 1988 Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam; năm 1995 Trung Quốc thôn tính thêm đảo Vành Khăn phía Nam quần đảo Trường Sa của Việt Nam; năm 2009 Trung Quốc bắt đầu chính thức nêu yêu sách chủ quyền phi lý "đường lưỡi bò” (còn gọi là đường 9 đoạn) hòng độc chiếm Biển Đông. Năm 2012, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough (Philippines gọi là Panatag, Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) nằm cách xa bờ biển Trung Quốc và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Các tàu Trung Quốc  duy trì sự hiện diện thường xuyên tại Bãi đá ngầm Second Thomas Shoal (Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây) đang tranh chấp tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng cố gắng hợp thức hóa chủ quyền đối với các bãi như James Shoal và Luconia Shoal, nằm sát vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Trung Quốc tìm cách kiểm soát một khu vực lãnh hải chiến lược rộng lớn trải dài từ phía đông tới phía nam nước này, cũng như các nguồn tài nguyên biển, nhất là khoáng sản. Trung Quốc đã tùy tiện đơn phương ban hành một vùng cấm đánh bắt cá đối với tất cả các tàu thuyền nước ngoài trên Biển Đông, xem hầu hết Biển Đông thuộc về họ. Trung Quốc công nhiên tuyên bố gộp cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào cái gọi là "Thành phố Tam Sa”.

Để thực hiện âm mưu từng bước làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông nhằm "vẽ lại bản đồ” khu vực và thế giới, nhiều năm qua, Trung Quốc ráo riết triển khai các biện pháp đối nội và đối ngoại trên bàn đàm phán và trên thực địa để khẳng định chủ quyền  vô lý của mình. Trung Quốc chính thức đưa ra yêu sách "đường lưỡi bò” bất chấp luật pháp quốc tế, đồng thời cố tình vận dụng sai quy chế quốc gia quần đảo cho Hoàng Sa, tuyên bố sẽ vạch tiếp đến Trường Sa, để từ đó đòi hỏi "vùng đặc quyền kinh tế” và "thềm lục địa” kỳ lạ của riêng mình. Trung Quốc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển có hệ thống với các thông tin sai trái, vu cáo trắng trợn các nước trong khu vực chiếm đoạt tài nguyên biển của Trung Quốc. Trung Quốc cũng ráo riết ban bố các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển đảo để tăng cường cái gọi là "họat động chấp pháp” sai trái trên Biển Đông, như đơn phương ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông; bắt giữ trái phép ngư dân các nước trong khu vực đang mưu sinh hợp pháp chính đáng; ngang nhiên mời thầu khai thác dầu khí ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc cũng ra sức tăng cường tiềm lực quốc phòng hướng đến năng lực tác chiến xâm chiếm ở biển đảo xa xôi. Trung Quốc củng cố và mở rộng các vị trí đã chiếm đóng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, Trung Quốc thực hiện chính sách lôi kéo chia rẽ, hạn chế vai trò và ảnh hưởng của các nước lớn, né tránh đàm phán đa phương để lạm dụng sức mạnh nước lớn của mình trong quan hệ song phương với các nước trong khu vực. Trung Quốc từng bước cố tình "dựng chuyện” ở các vùng biển không tranh chấp của quốc gia khác thành vùng tranh chấp với Trung Quốc, rồi quay sang thúc ép "gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Rõ ràng, sự thật về tham vọng bá quyền Biển Đông của Trung Quốc đã được phơi bày một cách có hệ thống. Cam kết một đằng nhưng cố tình làm một nẻo, Trung Quốc đã và đang liên tục vi phạm pháp luật quốc tế, dùng sức mạnh "cơ bắp” xâm phạm thô bạo chủ quyền của các nước trong khu vực, gia tăng gây hấn, khiêu khích trên Biển Đông, và đỉnh điểm trong thời gian này là đưa giàn khoan khổng lồ cùng đòan quân ngót trăm chiếc tàu ngạo nghễ tràn vào xâm chiếm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những hành động của Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ vô cùng nguy hiểm đang tiếp tục thách thức luật pháp và dư luận quốc tế, làm gia tăng căng thẳng chính trị, gây bất ổn cho nền hòa bình khu vực và thế giới. Những hành động ngang ngược ấy đã bộc lộ rõ âm mưu, thủ đoạn từng bước làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông để lấn tới vẽ lại bản đồ khu vực và thế giới theo mục tiêu xâm chiếm bành trướng lãnh thổ xuống phía Nam của Trung Quốc.

      
Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

Bài 3: Sáu điểm sai của Trung Quốc dưới góc nhìn luật pháp quốc tế
Trung Quốc - Tham vọng bá quyền Biển Đông 2014_114
Ngày 3-5-2014 Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo nói rằng, giàn khoan Hải Dương -981 tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc - 111o12’06” kinh Đông từ ngày 2-5 đến 15-8-2014. Về vấn đề này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: Vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD-981 nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Việt Nam kiên quyết phản đối hành vi bất hợp pháp nêu trên và có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc lập luận rằng đây là việc làm bình thường diễn ra trong vùng biển của Trung Quốc. Bằng cách tiếp cận khách quan, cầu thị, lập luận dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, TS. Nguyễn Thị Lan Anh đã đưa ra 6 luận điểm chính để làm rõ hơn các hành vi vi phạm của Trung Quốc trong vụ việc này. Đại Đoàn Kết xin giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Vị trí này cách điểm cơ sở là đảo Lý Sơn của Việt Nam một khoảng cách tương đối là 119 hải lý; cách ranh giới bên ngoài 200 hải lý là 80 hải lý, cách đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) 17 hải lý; cách xa đảo Hải Nam là hơn 180 hải lý.

Theo quy định của Công ước Luật Biển Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS 1982), tại Điều 57 quy định chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển sẽ không vượt quá 200 hải lý. Đồng thời tại Điều 76 của UNCLOS 1982 cũng quy định, một trong những cách lựa chọn để xác định chiều rộng của thềm lục địa một quốc gia ven biển tối thiểu là 200 hải lý.
Có ba cách xác định khác lớn hơn 200 hải lý đó là rìa ngoài của thềm lục địa tự nhiên; 350 hải lý kể từ đường cơ sở và cuối cùng 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500 m. Như vậy, theo 4 cách xác định chiều rộng thềm lục địa thì 200 hải lý là cách xác định nhỏ nhất. Nếu chiểu theo ranh giới 200 hải lý thì rõ ràng vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

2. Vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc theo lập luận của phía Trung Quốc thông qua Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này nói, thì đây là vùng biển Tây Sa của Trung Quốc.

Nếu xem xét đây là vùng biển Tây Sa của Trung Quốc, thì trước hết Tây Sa chính là tên được Trung Quốc đặt cho quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Liên quan đến Hoàng Sa là câu chuyện rất dài. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý để khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ thế kỷ 17 qua những hoạt động chiếm hữu thực sự của các đời Vua Nguyễn và các hoạt động này tiếp tục được thực thi một cách liên tục, hòa bình thông qua những tuyên bố khẳng định chủ quyền của mình. Cũng cần nói thêm, Trung Quốc đã tiến hành chiếm đóng bất hợp pháp tại quần đảo Hoàng Sa qua sự kiện sử dụng vũ lực vào năm 1974.

Chúng ta đều biết rằng, năm 1945 sau chiến tranh thế giới thứ 2, Hiến chương của Liên hợp quốc (LHQ) đã được ra đời với mục tiêu là duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới. Trong đó Hiến chương quy định, sử dụng biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp là một nghĩa vụ bắt buộc với các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên không được đe dọa sử dụng vũ lực và cấm đe dọa sử dụng vũ lực.

Ở đây, Trung Quốc đã là thành viên LHQ. Năm 1974 là năm Hiến chương của LHQ đã có hiệu lực. Trung Quốc là thành viên của LHQ nhưng lại vi phạm trắng trợn Hiến chương của LHQ. Vì thế, Trung Quốc không thể thiết lập một chủ quyền hợp pháp tại Hoàng Sa.

Theo Trung Quốc nói, họ có chủ quyền với Hoàng Sa; nhưng áp dụng quy định của Luật quốc tế (UNCLOS 1982) thì vùng biển quanh Hoàng Sa cũng không thể mở rộng đến 200 hải lý. Bởi vì, đảo Tri Tôn chỉ là một cồn cát. Theo quy định của Điều 121 của UNCLOS 1982 thì một cồn cát nhỏ như vậy không có thềm lục địa riêng và phạm vi 17 hải lý kể từ đảo Tri Tôn đã nằm ngoài phạm vi vùng biển của Hoàng Sa.

3. Trung Quốc đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ. Đó chính là quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Tại Điều 56 và Điều 76 của UNCLOS 1982 đều nêu quy định chung về quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Theo đó, quốc gia ven biển sẽ có quyền chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên.

Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 nhằm mục đích thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên gắn liền với đáy biển của thềm lục địa và nằm hoàn toàn trong nguồn tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển, đó là Việt Nam. Còn quyền tài phán của quốc gia trong vùng biển này là quyền được cấp phép, cho phép các quốc gia khác lắp đặt xây dựng các đảo, xây dựng các công trình nổi trên biển. Giàn khoan Hải Dương 981 là một công trình nổi trên biển mà Trung Quốc đưa vào thềm lục địa của Việt Nam không được sự đồng ý của Việt Nam. Như vậy là vi phạm quyền tài phán của Việt Nam. Đồng thời, trong UNCLOS 1982, Điều 81 nói rằng, mọi hoạt động tiến hành khoan, thăm dò hay vì bất kỳ lý do gì phải được sự cho phép của quốc gia ven biển. Việt Nam chưa cho phép Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Trung Quốc - Tham vọng bá quyền Biển Đông 2014_115
Vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 981
4. Trung Quốc không chỉ vi phạm UNCLOS 1982. Nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế; trong đó nêu rõ: Các quốc gia có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, không được đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực. Vậy thì, hành động dùng vòi rồng để phun vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam, sử dụng tàu hộ vệ tên lửa, sử dụng máy bay tuần tiễu; đặc biệt nguy hiểm hơn là các vũ khí trên các tàu của Trung Quốc đã để ở chế độ sẵn sàng nổ súng bất cứ lúc nào. Đây hiển nhiên là hành vi đe dọa sử dụng vũ lực với lực lượng chấp pháp có thẩm quyền, có quyền tài phán trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Như vậy Trung Quốc đã vi phạm Điều 2 trong Hiến chương của LHQ. Đó là nguyên tắc hòa bình trong giải quyết tranh chấp và nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực.

5. Trung Quốc còn vi phạm quyền tự do hàng hải, đe dọa an ninh hàng hải, hàng không trong khu vực của Việt Nam và khu vực biển Đông. Ngày 5-5-2014, Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo 14034 trong đó thông báo ngoài việc giàn khoan Hải Dương 981 tiến hành tác nghiệp tại vùng biển có tọa độ xác định rõ ràng nêu trên; thì cùng với tuyên bố đó, Trung Quốc còn nêu rõ: Trong phạm vi 3 hải lý, tàu thuyền cấm đi vào (đây là thông báo số 2 của phía Trung Quốc). Trước đó, Cục Hải sự Trung Quốc đã có thông báo thứ nhất là phạm vi cấm tàu thuyền là 1 hải lý. Ở thông báo thứ hai nâng lên thành 3 hải lý. Tuy nhiên, đó không phải là giới hạn cuối cùng.

Từ những thông tin từ thực địa của Cảnh sát biển Việt Nam có thể thấy, khi lực lượng Cảnh sát biển mới tiếp cận đến cách giàn khoan 7-10 hải lý đã bị các tàu thực thi pháp luật, tàu quân sự của Trung Quốc đe dọa tấn công. Hành động này có thể xảy ra với tàu Cảnh sát biển Việt Nam thì cũng có thể xảy ra với bất kỳ tàu nào đi ngang qua vùng biển này. Biển Đông là khu vực tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới, có nhiều tuyến hàng hóa đi lại trên vùng biển này. Bất kỳ tàu thuyền nào đi qua cũng bị chặn lại như thế này thì đây là hành vi vi phạm tự do hàng hải. Mà, đây là một quyền được UNCLOS 1982 ghi nhận tại Điều 58 và Điều 78. Đây là quyền dành cho tất cả các quốc gia, các loại tàu thuyền, các phương tiện bay. Bằng hành vi triển khai tàu cảnh sát biển, tàu quân sự, máy bay tiêm kích, Trung Quốc đã xâm phạm quyền tự do hàng hải không chỉ của Việt Nam mà còn của tất cả các quốc gia khác trên thế giới, đe dọa đến an toàn, an ninh hàng hải thế giới.

Hơn nữa, theo UNCLOS 1982, thì một quốc gia chỉ được thiết lập một vùng an toàn 500 m. Đây là giới hạn tối đa. 500 m so với 3 hải lý là một sự khác biệt lớn. 500 m so với tất cả những gì Trung Quốc ngăn cản trên thực địa là 7 hải lý hay 10 hải lý còn khác xa hơn nữa. Và đây lại là một lần vi phạm UNCLOS 1982 của họ. Ngoài ra, không chỉ có UNCLOS 1982; chúng ta còn có Công ước về chống đâm va trên biển (CORLEG) được tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) soạn thảo (1972). Và Công ước này cũng quy định những nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên mà Trung Quốc đã là thành viên. Việt Nam cũng vậy, nhưng Việt Nam tôn trọng các quy định để đảm bảo an toàn hàng hải quốc tế. Nhưng, những hành vi mà Trung Quốc đang tiến hành trên thực địa thì không đảm bảo một điều kiện như vậy.

6. Trung Quốc bằng hành động của mình đã vi phạm nghiêm trọng cam kết về ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, và vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong nội dung của DOC đã yêu cầu không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế không leo thang tranh chấp, không chiếm đóng mới, phải giải quyết bất đồng trên tinh thần xây dựng. Nhưng Trung Quốc đã làm ngược lại, leo thang tranh chấp mới, trong khi Việt Nam đã kiềm chế để giữ nguyên trạng tình hình Biển Đông nhằm đảm bảo hòa bình ổn định tình hình. Bằng việc đơn phương đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã làm phức tạp thêm tình hình, thay đổi nguyên trạng theo chiều hướng có lợi cho mình.

Trong tuyên bố 6 điểm mà lãnh đạo cấp cao Việt Nam-Trung Quốc đã thỏa thuận năm 2011, trong đó có thỏa thuận thể hiện nội dung quan hệ đặc biệt láng giềng hữu nghị Việt Nam- Trung Quốc được gói gọn trong "16 chữ vàng và 4 tốt”. Nhưng Trung Quốc ngày càng leo thang, làm phức tạp thêm tình hình, vi phạm 16 chữ vàng và 4 tốt đi ngược lại những gì hai nước đã cam kết. Trong cam kết này, Trung Quốc cũng thể hiện sẽ tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết quyết tranh chấp cùng với Việt Nam theo UNCLOS 1982, tuân thủ tuyên bố DOC các bên ở Biển Đông. Nhưng tất cả đều đã bị nhanh chóng xóa nhòa bằng hành vi đơn phương khiêu khích trên thực địa là việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Có thể, đến đây sẽ có câu hỏi đặt ra là vì sao, tôi không nhắc đến "đường 9 đoạn”. Đó là bởi, tiếp cận một cách khách quan và trung thực nhất những gì mà Trung Quốc lập luận rằng đây là vùng biển thuộc Hoàng Sa, tôi chỉ đáp trả bằng phân tích dựa trên cơ sở pháp lý như vậy. Có lẽ, phải chăng "đường 9 đoạn” quá thiếu cơ sở pháp lý nên Trung Quốc không dám đưa ra sử dụng trong vụ việc này.

      
Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

Bài 4: Để mất niềm tin, Trung Quốc sẽ là quốc gia cô độc nhất
Trung Quốc - Tham vọng bá quyền Biển Đông 2014_116Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam đã thực sự gây sốc với ASEAN và cộng đồng thế giới
"Trung Quốc khiến thế giới bất ngờ khi quyết định hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam vào lúc quan hệ giữa hai nước gần đây đã được cải thiện. Việc đột ngột mạo hiểm một mối quan hệ song phương tương đối ổn định bằng một sự đối đầu tiềm ẩn cũng tỏ ra là hành động trắng trợn và vô trách nhiệm.” – tờ The Diplomat đã bình luận như thế về hành động trắng trợn, vô trách nhiệm của Trung Quốc hôm 3-5. Nhưng, có thực đây là một hành động đột ngột, bất ngờ hay đều nằm trong chiến lược dài lâu của giới chức lãnh đạo Trung Quốc với mục tiêu dài hạn là thay đổi cục diện thế giới; trong đó vai trò của Trung Quốc sẽ ở thế siêu cường? Để rõ hơn về những vấn đề thực chất của "Giấc mơ Trung Hoa” ấy, ĐĐK xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Hùng Sơn (Viện Biển Đông- Học viện Ngoại giao). Bài viết bằng tiếng Anh đã được đăng trên báo The Straits Times của Singapore ngày 13-5; (đầu đề là của ĐĐK).

Những hành động gây hấn của Trung Quốc đã chứng tỏ họ không còn muốn giữ nguyên trạng mà đang tích cực thiết lập một trật tự bá quyền Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á…

Trong khi các nước ASEAN còn đang bận nghiên cứu cách thức phản hồi tích cực đề xuất của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ký kết một "Hiệp ước Láng giềng tốt, Hữu nghị tốt và Hợp tác tốt” và đang xem xét đề xuất của ông về việc cùng xây dựng "Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” thì ngay trước Hội nghị Cấp cao ASEAN, Trung Quốc đã thể hiện "tình hữu nghị” với ASEAN bằng món quà lụa là nhất: đưa giàn khoan dầu hơn 1 tỷ USD vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đâm rách và bắn vòi rồng vào tàu các lực lượng chấp pháp của Việt Nam, gây thương vong cho nhiều cán bộ Việt Nam. Đồng thời, giới truyền thông Trung Quốc kêu gọi dạy cho Việt Nam một bài học nếu Việt Nam dám phản kháng.

Những việc làm này của Trung Quốc đang đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao của nước này từ đầu năm 2013 nhằm củng cố quan hệ ASEAN - Trung Quốc, lấy lại lòng tin trong khu vực bằng những cử chỉ ngoại giao thân thiện, lời hứa kiềm chế và hợp tác cùng có lợi. Việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chọn thăm ASEAN trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong cương vị Ngoại trưởng vào tháng 5-2013 đã làm ASEAN dấy lên hy vọng rằng Trung Quốc sẽ dành ưu tiên cao nhất cho ngoại giao láng giềng và coi ASEAN là đối tác chiến lược quan trọng.

Vì vậy, ASEAN đã thực sự vui mừng đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Đông Nam Á vào tháng 10-2013. ASEAN rất kỳ vọng vào những đề xuất của Bắc Kinh về tương lai khu vực. ASEAN hoan nghênh phát biểu lịch sử của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Quốc hội Indonesia khi ông nói rằng ASEAN và Trung Quốc cần xây dựng "lòng tin và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt” và "giữ vững đoàn kết cả khi đói cũng như khi no”.

ASEAN tiếp tục vui mừng khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất đưa quan hệ ASEAN- Trung Quốc từ "thập kỷ vàng” sang "thập kỷ kim cương” bằng việc ký hết Hiệp ước Láng giềng tốt, Hữu nghị tốt và Hợp tác tốt tại Lễ kỷ niệm mười năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. Trung Quốc còn chỉ ra rằng sáng kiến xây dựng "Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” lấy cảm hứng từ những chuyến du hành hòa bình của Đô đốc Trịnh Hòa đến Đông Nam Á từ thế kỷ XV, nhằm mục đích phát triển thương mại và mở rộng ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa chứ không nhằm mở rộng lãnh thổ.

Với những tuyên bố như vậy, ASEAN rất hy vọng Trung Quốc sẽ thay đổi cách tiếp cận về các tranh chấp trên biển với các nước láng giềng. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã kỳ vọng "Giấc mơ Trung Hoa” cũng có thể trở thành "Giấc mơ Đông Nam Á”.

ASEAN đã tranh thủ mọi cơ hội để đáp lại thiện chí của Trung Quốc. ASEAN nhanh chóng "ghi nhận và đánh giá cao” đề xuất của Trung Quốc về Hiệp ước "3 tốt”, nhất trí xây dựng Đối tác hợp tác hàng hải ASEAN – Trung Quốc, nhất trí thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố DOC, đồng thời tích cực đề xuất các biện pháp xây dựng lòng tin. ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu tham vấn về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và đã đạt được một số tiến triển.

Nhờ sự kiềm chế và nỗ lực nói trên, sau nhiều năm, tình hình Biển Đông đã lắng dịu hơn phần nào, số sự vụ xảy ra ít hơn, mặc dù vẫn có việc tỉnh Hải Nam ban hành quy chế đánh bắt cá mới và khả năng Trung Quốc xác lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Chính vì vậy, việc Trung Quốc đưa giàn khoan lớn nhất vào vùng biển Việt Nam, đe dọa Việt Nam bằng cả tàu quân sự, bán quân sự và từ chối đàm phán giải quyết tranh chấp với Việt Nam đã thực sự gây sốc với ASEAN và cộng đồng quốc tế. Đây là việc làm có chủ ý và tính toán kỹ từ Bắc Kinh, vì có sự phối hợp rất đồng bộ của nhiều lực lượng và địa phương khác nhau. Những hành động này đã đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, trái với luật pháp quốc tế và những cam kết của Bắc Kinh về việc thực thi đầy đủ DOC. Hơn nữa, cũng hoàn toàn trái ngược với những động thái thân thiện của lãnh đạo Trung Quốc với ASEAN từ đầu năm 2013.

Những hành động gây hấn đó đã chứng tỏ Trung Quốc không còn muốn giữ nguyên trạng mà đang tích cực thiết lập một trật tự bá quyền Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á.

Lãnh đạo Bắc Kinh cần tự hỏi họ muốn Trung Quốc trở thành cường quốc kiểu gì? Liệu việc tự hủy hoại uy tín và hình ảnh của mình bằng những việc làm trái ngược với cam kết của lãnh đạo cấp cao có phải là lợi ích lâu dài của Trung Quốc? Liệu việc phá vỡ môi trường hòa bình, ổn định và làm gia tăng căng thẳng ở khu vực có phải là lợi ích của Trung Quốc? Lãnh đạo Bắc Kinh thường nhắc nhở nhân dân rằng môi trường hòa bình và hợp tác trong khu vực là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của Trung Quốc, giúp Trung Quốc tập trung vào các vấn đề nội bộ, để cải cách và tái cơ cấu kinh tế và nắm lấy "cơ hội chiến lược” để đuổi kịp kinh tế Mỹ và phương Tây. Nếu Trung Quốc cho rằng Mỹ đang sử dụng Biển Đông để chia rẽ ASEAN thì tại sao Trung Quốc không ngăn chặn điều này một cách dễ dàng bằng cách ký COC với ASEAN? Chẳng phải chính hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã khuyến khích Mỹ "can thiệp” hay sao?

ASEAN đã rất chân thành xây dựng quan hệ láng giềng tốt, hữu nghị tốt và hợp tác tốt với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc để mất niềm tin và tình bạn của ASEAN, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia cô độc nhất trong lịch sử trên đường trở thành cường quốc, vì sẽ không có người bạn thực thụ nào trong số tất cả các nước láng giềng.

      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất