Phụ nữ khối giáo dục - đào tạo của các học viện, nhà trường quân đội học tập nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ảnh: Thu Hiền. |
Trong những năm qua, PNQĐ đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình, góp phần tích cực tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân đội. Công tác phụ nữ (CTPN) trong quân đội đã triển khai các hoạt động có nền nếp, hiệu quả; luôn bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ chính trị của quân đội và các chương trình công tác trọng tâm của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; luôn coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức triển khai các phong trào, các hoạt động phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ, tạo sự chuyển biến mới về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tổ chức Hội Phụ nữ (HPN) trong quân đội thường xuyên được kiện toàn, xây dựng ngày càng vững mạnh, thực sự làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, tạo điều kiện để phụ nữ phấn đấu và trưởng thành. Vai trò, uy tín của Hội ngày càng được khẳng định vững chắc, xứng đáng là lực lượng tin cậy của Đảng, là bộ phận ưu tú của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, phong trào phụ nữ và CTPN trong quân đội ở một số cơ quan, đơn vị triển khai chưa đồng đều; một số ít HPN cơ sở chưa tích cực đổi mới nội dung, hình thức hoạt động. Trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, kiến thức quân sự của một bộ phận PNQĐ chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Công tác cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về CTPN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có mặt còn hạn chế. Sự phối hợp hoạt động của HPN ở một số đơn vị với HPN và các tổ chức quần chúng của địa phương nơi đóng quân còn chưa thường xuyên. Tỷ lệ cán bộ nữ qua đào tạo và tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của lực lượng PNQĐ...
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do nhận thức của một số cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của phụ nữ và CTPN trong thời kỳ mới; một số ít cán bộ HPN cơ sở còn thiếu nhạy bén trong tham mưu đề xuất, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Hội cho phù hợp với điều kiện của đơn vị; một số hội viên chưa thực sự nhiệt tình, thiếu tích cực phấn đấu vươn lên...
Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của PNQĐ, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị và tổ chức phụ nữ các cấp cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, phương hướng, nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang 5 năm (2011 - 2016) và Chương trình công tác trọng tâm của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chương trình hành động của Quân ủy Trung ương thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của PNQĐ; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “PNQĐ tích cực học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Phong trào Thi đua Quyết thắng của đơn vị. Theo đó, phong trào phụ nữ và công tác PNQĐ cần phát huy tốt vai trò của PNQĐ trong thời kỳ mới; động viên chị em tích cực học tập, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và tích cực xây dựng gia đình hạnh phúc. Toàn quân tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống cơ quan CTPN trong quân đội và HPN cơ sở vững mạnh; làm tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; xây dựng người PNQĐ “Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang”, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội và bình đẳng giới. Để thực hiện tốt vấn đề đó, các cấp cần tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp, trong đó cần chú trọng bốn nội dung chủ yếu như sau:
Phụ nữ LLVT Quân khu 7 luyện tập bắn súng. Ảnh: Thu Hiền. |
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức trong xã hội nói chung, trong quân đội nói riêng về vai trò của PNQĐ thời kỳ mới. Các đơn vị chú ý giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của quân đội về vai trò của phụ nữ nói chung, PNQĐ nói riêng trong thời kỳ mới. Đồng thời, chú ý động viên PNQĐ tích cực thực hiện bình đẳng giới, phấn đấu rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, lòng nhân hậu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và chăm lo xây dựng gia đình. Phát huy tốt vai trò của tổ chức phụ nữ trong xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Thứ hai, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp trong triển khai thực hiện hệ thống luật pháp, chính sách có liên quan đến phụ nữ, trẻ em; bảo đảm cho phụ nữ được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, tiêu chuẩn theo đúng quy định của Nhà nước và quân đội. Trên cơ sở đó, các đơn vị thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, các chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em; bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ. Các cấp cần có chính sách khuyến khích, quan tâm hỗ trợ phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ người dân tộc thiểu số và chị em công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn... Tổ chức phụ nữ các cấp cần chú ý tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong việc khảo sát, đánh giá, rà soát những vấn đề còn bất cập trong thực hiện các chính sách đối với phụ nữ. Đồng thời, chú ý đề xuất việc bổ sung các chế độ, chính sách có liên quan đến phụ nữ và lao động nữ phù hợp với yêu cầu của thực tế. Các cấp cần có nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan trực tiếp đến bình đẳng giới, đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em; có biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; nâng cao nhận thức và năng lực để phụ nữ thực hiện quyền dân chủ, trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến, giám sát và tăng cường khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ ba, PNQĐ tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “PNQĐ tích cực học tập, lao động sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 317 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đây là tiêu chuẩn đánh giá kết quả CTPN ở từng cấp. Bên cạnh đó, tham gia tích cực các phong trào, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, quân đội, các đoàn thể quần chúng phát động. Tổ chức phụ nữ các cấp phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị; xác định được các nội dung, chỉ tiêu, biện pháp hoạt động cụ thể sát với từng đối tượng hội viên và loại hình HPN cơ sở. Các đơn vị cần coi trọng việc chỉ đạo điểm xây dựng mô hình HPN xuất sắc; kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và lựa chọn các mô hình phù hợp để nhân rộng.
Thứ tư, xây dựng, củng cố hệ thống cơ quan CTPN trong quân đội và HPN cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; làm tốt vai trò, chức năng tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động có hiệu quả. Tập trung thực hiện tốt Nghị định 56/2012/NĐ-CP Quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước. Để thực hiện tốt điều đó, trước hết cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, đồng thời tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, phương pháp vận động quần chúng, khả năng triển khai thực hiện các phong trào hành động cách mạng của PNQĐ và đội ngũ cán bộ làm CTPN chuyên trách, nhất là ở cơ sở. Tổ chức phụ nữ các cấp cần thực hiện có nền nếp quy chế CTPN; thường xuyên sửa đổi, bổ sung kịp thời những điểm chưa phù hợp; triển khai hoạt động có hiệu quả CTPN, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các đơn vị cần đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động CTPN; chỉ đạo tốt công tác kết nghĩa, phối hợp hoạt động giữa các tổ chức quần chúng trong đơn vị với các hội phụ nữ trên địa bàn đóng quân.
Với tinh thần “Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang”, phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, PNQĐ cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, để cùng với phụ nữ cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.