(ĐVO) - Quy luật khắc nghiệt của chiến tranh là mạnh được yếu thua. Trước tình hình căng thẳng ngày một căng thẳng trên Biển Đông, Hoa Đông giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Philipines, Việt Nam… cùng với sự can dự của Mỹ thì tác chiến điện tử là vô cùng quan trọng.
Hệ thống gây nhiễu hiện đại SPN-30 của Lữ đoàn tác chiến điện tử 87 thuộc Cục tác chiến điện tử - Bộ tổng TM QĐND Việt Nam |
Dư luận, báo chí lại tốn không ít lời và giấy mực để bình luận, so sánh sức mạnh quân sự của từng bên đối địch… Tuy nhiên, sự đánh giá đều thiếu độ chính xác hoặc chỉ là phép cộng trừ số học khi chỉ căn cứ vào tính năng kỹ chiến thuật của vũ khí trang bị mà đôi bên hiện có, bởi lẽ, có một khả năng quyết định sự thắng, thua của chiến tranh hiện đại bằng vũ khí công nghệ cao (VKCNC) thì không ai có thể nắm biết được. Đó là khả năng tác chiến điện tử của từng bên tham chiến.
Tác chiến điện tử hiện nay đang được nâng lên thành thuật ngữ “Chiến tranh phi tiếp xúc”. Khái niệm này được hiểu như một cuộc chiến tranh không tuyên bố, một lực lượng tác chiến có thể tấn công nhiều đối phương trong cùng một thời điểm, hoặc nhiều đối tượng cùng tấn công một đối phương trong nhiều tầng không gian chiến tranh, gây tổn thất nặng nề cho đối phương trước khi cuộc xung đột xảy ra cụ thể.
Tác chiến điện tử diễn ra với mức độ cao, tinh vi, cường độ lớn, loại hình tác chiến điện tử đa dạng. Tác chiến điện tử diễn ra trong cả thời bình và thời chiến, nó phục vụ cho mục đích cơ bản ban đầu là chiếm ưu thế trong hệ thống kinh tế thương mai toàn cầu, đạt được những mục đích chính trị trong các hoạt động đối nội, đối ngoại và cuối cùng là giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh phi hạt nhân nếu tiến hành.
Tác chiến điện tử trong phạm vi quân sự thực chất là làm chủ, khống chế làn sóng điện từ, gây nhiễu loạn toàn bộ hệ thống chỉ huy, TTLL, quan sát của địch, qua đó làm cho VKCNC của đối phương trở thành “mù, điếc và ngu dốt”, bảo vệ được ta.
Với Việt Nam, chúng ta chẳng xa lạ và ngỡ ngàng gì về vai trò, vị trí của tác chiến điện tử trong chiến tranh bởi thực ra Việt Nam và Mỹ đã từng đối đầu trong cuộc chiến tranh điện tử quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 2 dấu ấn còn để lại, đó là “hàng rào điện tử Macnamara” và chiến dịch tập kích đường không của Mỹ 12 ngày đêm vào Hà Nội.
Sự ra đời của Cục tác chiến điện tử-Bộ tổng tham mưu QĐND Việt Nam và mới đây ngày 03/7/2013 đã thành lập Lữ đoàn tác chiến điện tử 87 trực thuộc Cục tác chiến điện tử là một sự thay đổi về lượng để chuyển biến về chất, đưa hoạt động tác chiến điện tử của quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, tinh nhuệ và thiện chiến trên cơ sở những kinh nghiệm chiến tranh, những bài học quý hiếm chỉ có được từ xương máu của thế hệ ông cha để lại… đã chứng tỏ sự trưởng thành của QĐND Việt Nam và tầm nhìn chiến lược của Hà Nội.
Tác chiến điện tử với 3 nhiệm vụ chủ yếu gồm: Trinh sát điện tử, bảo vệ hệ thống điện tử và chế áp hệ thống điện tử.
Trinh sát điện tử: Dùng các phương tiện điện tử để trinh sát quân sự với 6 hình thức, đó là: trinh sát vô tuyến điện; trinh sát vô tuyến truyền hình; trinh sát ảnh nhiệt - hồng ngoại; trinh sát radar; trinh sát âm thanh; trinh sát thủy âm, được tiến hành từ trên không bằng máy bay, trên vũ trụ bằng vệ tinh, trên mặt đất, trên biển bằng hệ thống radar, quan trắc, tàu thuyền và trong lòng biển bằng các phao thủy âm, radar sona…
Bảo vệ hệ thống điện tử: Là toàn bộ các hoạt động làm cho các phương tiện điện tử của ta làm việc an toàn, ổn định, trước sự gây nhiễu và đánh phá của địch, chống trinh sát điện tử của địch.
Chế áp điện tử: Là toàn bộ các biện pháp và hoạt động làm tê liệt hoặc hạn chế hiệu quả sử dụng các phương tiện điện tử của đối phương. Gồm 2 hình thức tiến hành là chế áp cứng và chế áp mềm.
Chế áp cứng là phá huỷ một phần hoặc hoàn toàn phương tiện điện tử bằng hỏa lực, bằng xung lực hoặc các năng lượng khác.
Chế áp mềm là sử dụng năng lượng điện từ trường phát xạ hoặc phản xạ lại, đánh lừa điện tử để ngăn cản, loại trừ hoặc làm giảm hiệu quả hoạt động các phương tiện điện tử của đối phương với các biện pháp như gây nhiễu, tao mục tiêu giả… Có thể nói, tác chiến điện tử trong chiến tranh hiện đại là bài toán khó đối với những nước có nền khoa học kỹ thuật còn yếu. Những loại khí tài dùng phản công điện tử thì có giá thành rất cao và công nghệ được đưa vào hàng chiến lược, tuyệt mật và đương nhiên các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Nga và EU sẽ có được lợi thế và khả năng trong thực hiện nhiệm vụ chế áp điện tử. Trung Quốc cũng đang nỗ lực xây dựng lực lượng tác chiến điện tử riêng cho mình, tuy nhiên so với các cường quốc nói trên thì vẫn còn rất nhiều hạn chế và thiếu kinh nghiệm.
Với Việt Nam thì chúng ta chưa đủ sức để phản công điện tử, chống tác chiến điện tử với hình thức chế áp cứng với đối phương là Mỹ, nhưng bảo vệ hệ thống điện tử, chế áp mềm thì Việt Nam có đủ tự tin, bản lĩnh và kinh nghiệm phong phú.
Thông thường, chiến tranh ngày nay chỉ xảy ra bắt đầu từ một quốc gia hùng mạnh chủ động tấn công một quốc gia nhỏ yếu hơn mình, năng lực quốc phòng hạn chế gần như có chung một phương thức tiến hành.
Đầu tiên, máy bay tàng hình, tên lửa hành trình từ các tàu ngầm, tàu nổi mở màn, tấn công vào lãnh thổ nhằm làm cho hệ thống radar phòng không, hệ thống thông tin chỉ huy liên lạc tê liệt hoặc thiệt hại nặng khiến đối phương như “mù” và “điếc”.
Tiếp theo, không quân xuất kích chiếm lĩnh, thống trị bầu trời săn diệt những mục tiêu quân sự còn lại một cách dễ dàng và đánh phá các trung tâm kinh tế, chính trị, quốc phòng…mà không hề gặp sức kháng cự.
Mục đích chiến tranh đạt được hay không tùy thuộc có thống trị được bầu trời đối phương hay không, cho nên, giai đoạn này được coi là đặc biệt quan trọng.
Trong phương thức chiến tranh này, dễ dàng nhận thấy giai đoạn đầu tiên có vai trò then chốt, quyết định thời gian, kết quả của chiến tranh. Đó chính là hoạt động tác chiến điện tử với hình thức chế áp điện tử.
Song hành cùng sự phát triển của không quân, hệ thống phòng không, tên lửa phòng thủ biển diệt hạm ngày càng phát triển với nhiều chủng loại có khả năng tiêu diệt mục tiêu đường không và trên biển cực lớn.
Nếu tác chiến điện tử không thành công, nghĩa là khả năng phòng không, phát hiện mục tiêu, sự thông tin liên lạc chỉ huy của đối phương chưa bị đánh quỵ thì giá phải trả của không quân, chiến hạm khi bị giáng trả là không tránh khỏi và đương nhiên chiến tranh có thể kéo dài, mà càng kéo dài thì càng tốn kém, việc sa lầy là hiện hữu.
Điều rút ra quan trọng, lý thú ở đây là VKCNC luôn phát huy tác dụng khi tồn tại trong môi trường điện tử thuận lợi. Khi không thuận lợi như bị nhiễu loạn thì VKCNC như là kẻ “mù, điếc và ngu dốt” không hơn không kém. Dù cho có một hệ thống trinh sát điện tử hiện đại thì kết quả tín hiệu, thông tin thu được sẽ vô dụng nếu không có sự phân tích xác đáng và tất cả phân tích đều vô dụng nếu tướng lĩnh, người lính không đánh giá xác đáng.
Đó là lý do vì sao trong trận hải chiến tháng 10/1973, tàu phóng tên lửa Ixrael dù tầm phóng tên lửa kém tàu tên lửa Ai-Cập 2,5 lần nhưng vẫn cho biên đội 3 tàu tên lửa Ai-Cập yên nghĩ vĩnh viễn dưới đáy biển.
Đó là lý do tại sao trong cuộc chiến xung đột Israen - Hecbola vừa qua sự kiện tên lửa đối hạm C-802 của Hecbola bắn chìm tàu hộ tống Eliat Saaz 5 của Israen đã đặt ra nhiều câu hỏi, tại sao các phương tiện trinh sát hiện đại của Israen không phát hiện vị trí tên lửa C802, cũng như thời điểm phóng tên lửa.
Và cuối cùng, đó là lý do vì sao tàu tên lửa, tàu phóng lôi, TT-400TP… của Việt Nam nhỏ nhanh, uy lực, dù tầm hỏa lực kém xa những chiến hạm hiện đại của đối phương nhưng vẫn tự tin đối đầu nếu như điều đó xảy ra.
Kỳ sau: Tác chiến điện tử Việt Nam trong bảo vệ Trường Sa