
- Cho đóng tiền thay đi nghĩa vụ quân sự:
- (Genk.vn) - Bộ Quốc phòng và Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội ủng hộ phương án cho phép thanh niên được đóng tiền thay vì đi bộ đội.
Thiếu tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho hay, Bộ Quốc phòng và Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã bàn bạc, ủng hộ phương án cho phép thanh niên được đóng tiền thay vì đi nghĩa vụ quân sự.
"Ngoài các hình thức nghĩa vụ thay thế như: Nghĩa vụ có thời hạn trong công an nhân dân, dân quân tự vệ, nghĩa vụ khác họ cũng có thể đóng góp bằng tiền, bằng sức. Tôi ủng hộ việc có thể đóng tiền hoặc làm một việc gì đó", tướng Nhã nói.
Mặc dù vẫn có những ý kiến khác nhau, nhưng tướng Nhã cho biết ban soạn thảo sẽ đưa vào quy định rõ trong Luật NVQS do Bộ Quốc phòng xây dựng.Trước những lo ngại thực tế, nhiều thanh niên sẽ thích đóng tiền để không phải đi nghĩa vụ, như vậy tình trạng thiếu quân số rất có thể sẽ xảy ra, tướng Nhã cũng giải thích rõ:
Thiếu tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội
Mỗi năm có hàng triệu thanh niên đủ tiêu chuẩn đi NVQS nhưng chỉ một phần nhỏ nhập ngũ. Như vậy, những người không đi sẽ cho nợ hoặc phải làm công việc khác để bảo đảm công bằng giữa công dân với nhau.
Thừa nhận có tiêu cực thi thoảng xảy ra trong quá trình tuyển chọn nhập ngũ, nhưng tướng Nhã cho biết, hiện tượng này không đáng kể.
Hơn nữa, Việt Nam là nước đông dân nên không thể đến tuổi là đi hết nghĩa vụ mà phải tính toán xem số còn lại phải làm gì.
Bày tỏ lo ngại trước quy định mới này, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, cho rằng:
“Để bảo đảm công bằng, phải đưa ra các tiêu chuẩn về sức khỏe, như lúc cần ít thì đưa ra yêu cầu về sức khỏe cao lên. Nếu cho phép đóng tiền để không phải thực hiện NVQS thì sẽ nảy sinh việc những gia đình muốn con cái ở nhà thi, học tiếp hoặc đi làm kiếm tiền và không muốn đi bộ đội sẽ sẵn sàng đóng tiền, dù nhiều năm liền. Còn con nhà nghèo thường ăn uống kham khổ, sức khỏe yếu thì lại phải đi bộ đội” - ông Chiến lo ngại.
Quy định này dường như đi ngược với chủ trương tại Thông tư 13 do Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT ban hành trước đó.
Thông tư 13 ban hành quy định, trường hợp công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và Giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Thiện Minh, vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng - Bộ GD-ĐT, khẳng định:
"Trong cùng một thời điểm nếu nhận được giấy báo nhập học và lệnh nhập ngũ thì phải chấp hành lệnh nhập ngũ. Trong trường hợp nhận lệnh nhập ngũ sau khi đã đăng ký học thì người nhận lệnh vẫn có quyền xung phong thực hiện lệnh nhập ngũ trước và được bảo lưu kết quả.
Trường hợp đã đăng ký nhập học rồi mới nhận lệnh, nhà trường có trách nhiệm báo cáo đơn vị tuyển quân và chính quyền địa phương là thí sinh này đã làm thủ tục nhập học rồi đề nghị học xong mới thực hiện lệnh nhập ngũ.
Nếu giấy báo nhập học và giấy báo nhập ngũ cùng một ngày thì lệnh nhập ngũ có hiệu lực cao hơn, kể cả sau đo", ông Minh cho hay.Theo Baodatviet
Theo bạn đọc Nguyễn Văn Tám, Việt Nam nên học tập mô hình NVQS của Đài Loan. Theo đó, mỗi công dân nam khi đủ tuổi quy định đều phải tham gia NVQS và tự chọn cho mình một binh chủng, nơi thích hợp để thi hành. Ví dụ kỹ sư về máy có thể đăng ký NVQS ở một trung đoàn sửa chữa xe tăng. Khi xảy ra chiến tranh, anh ta sẽ là sĩ quan của đơn vị này. Bất kỳ ai nếu thuộc diện đi NVQS mà không tham gia, sẽ bị xử lý, bị từ chối xuất cảnh.
Việc Trung tướng Trần Đình Nhã lấy lý do dân số nước ta đông để nói rằng “không thể ai đến tuổi cũng phải đi NVQS hết nên phải tính toán để thay thế” không được số đông bạn đọc đồng tình. Trên thực tế, dân số Đài Loan trên 25 triệu người, thấp hơn 4 lần Việt Nam trong khi diện tích của vùng lãnh thổ này nhỏ gấp hơn 6 lần của ta. Tính theo tỉ lệ dân thì Đài Loan đông dân hơn Việt Nam.

Về việc có hiện tượng lo lót, chạy chọt để không tham gia NVQS mà theo trung tướng Trần Đình Nhã là có nhưng không đáng kể, một số bạn đọc cho rằng phải làm rõ việc này và có biện pháp chấn chỉnh vì nó làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. ‘Tôi thấy việc lo lót xảy ra khá phổ biến. Thanh niên muốn tránh nghĩa vụ quân sự thì phải đút lót tiền cho phường đội, huyện đội, những người trong hội đồng tuyển NVQS” – một bạn đọc nói. Nhiều bạn đọc còn chỉ ra thực trạng ngay cả trong trường hợp bắt buộc phải tham gia NVQS, thanh niên thuộc gia đình khá giả đã tìm cách ở nhà. Do đó, nếu dùng biện pháp đóng tiền để thay thế thì càng tạo điều kiện cho số đông người giàu trốn tránh, dẫn đến thiếu công bằng, phân biệt.
Đi NVQS là yêu nước
Còn nhớ những năm 1985, người dân các huyện Vũ Thư, Vũ xương, tỉnh Thái Bình di cư vào tỉnh Bình Thuận, lập thành hợp tác xã Công Chính thuộc xã Nam Chính, huyện Đức Linh. Cuộc sống di cư những năm đầu vốn rất khó khăn, nhiều gia đình thiếu gạo ăn, phải đi làm thuê cuốc mướn. Ấy vậy nhưng khi nhà nào có người được gửi giấy triệu tập tham gia NVQS thì gia đình, dòng họ, hàng xóm rất vui mừng, tự hào. Họ mổ trâu, giết heo mở tiệc linh đình thâu đêm rồi sáng ra kéo nhau ra Huyện đội Đức Linh để tiễn con em lên đường nhập ngũ. Gần 30 năm qua, hầu hết thanh niên tại đây đều tham gia NVQS, không trốn tránh, bị chính quyền nhắc nhở.

Chính vì lý do này, bạn đọc Lòng Dân nói: “Đi NVQS là thể hiện lòng yêu nước mà bất cứ ai cũng đều phải có. Đó còn là trách nhiệm của toàn dân, không thể đem đồng tiền ra để mua được. Đừng biến trách nhiệm và lòng yêu nước thành thứ có thể mua bán mà có tội với tổ tiên, với đất nước này”.
Dẫu vậy, một số bạn đọc băn khoăn nếu làm nghiêm, làm tốt, ai ai cũng đi NVQS thì lấy đâu ra tiền để nuôi một lực lượng đông đảo như thế. Về băn khoăn này, bạn đọc tranh luận khá sôi nổi, cho rằng cần phải có chính sách hậu NVQS phù hợp. Bạn đọc Người Công Chứng lập luận: “Một năm có cả triệu thanh niên đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, nếu không tính toán kỹ thì ngân sách nuôi quân sẽ vỡ, rồi các tiêu chuẩn khi phục vụ xong trong quân ngũ phải giải quyết chứ không thể để quân nhân khi xuất ngũ về không có công ăn việc làm”.
Theo bạn đọc này, điều quan trọng nhất là cần huy động các nguồn lực tài chính cho quốc phòng, quân đội để đầu tư cho lực lượng tham gia NVQS; song song đó điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các chính sách về giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người hoàn thành NVQS trở về.